There are very few people who are not ashamed of having been in love when they no longer love each other.

Francois

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
úng như lời thư Quỳnh Trang viết cho em, cảnh nhà ông bà Thanh Tuyến mấy tuần nay đông đúc, ồn ào mà buồn bã. Nếp sống bình lặng bị xáo trộn, cả chủ lẫn khách đều không vui mặc dù hai gia đình là thông gia với nhau, thân thiết đi lại với nhau từ nhiều năm qua.
Cảnh vồn vã mừng rỡ chỉ kéo dài được hai hôm đầu. Hai người mẹ ôm chầm lấy nhau mà khóc. Một người lo cho số phận hai đứa con trai lính. Một người lo cho rể. Khóc chán, họ dẫn nhau ra ngồi riêng tâm sự. Bà Văn được dịp kể lại cuộc chạy trốn tuy chưa đến nỗi vất vả như bây giờ nhưng cũng đầy gian nan. Đau đớn nhất đối với bà là một lần nữa, gia đình lại phải đành đoạn di cư. Bỏ Huế vào Qui nhơn được mấy năm, làm ăn bắt đầu ổn định, hàng xóm láng giềng bắt đầu đông thì lại phải bỏ đi. Lần này dứt khoát vào lập nghiệp hẳn ở Sài gòn. Bà Văn thút thít tâm sự với bà bạn già:
- Hồi đó anh chị tính một lần như vậy mà lại gọn. Tôi nghe lời con Quế, nghĩ mình ít vốn vào Sài gòn làm sao cạnh tranh được với người ta, nên mới chọn Qui nhơn. Bây giờ lại phải vào đây. Liệu sống được ở đây không chị?
Bà Thanh Tuyến trả lời ỡm ờ, giọng kẻ cả:
- Ối, hơi đâu mà chị lo. Ở đâu mà không sống được. Người đông, của hiếm, ai có vốn lanh lẹ thì năm mười năm cũng gây dựng được một cửa hiệu nho nhỏ như tiệm trà này, ít vốn thì thiếu gì cách xoay xở, bán cà phê ở bến xe đò này, buôn rau cải ở chợ Cầu Ông Lãnh này. Hay là nếu chị và các cháu không ngại khó ngại khổ, thì cũng có thể buôn bán cả ở chợ cá Trần Quốc Toản gần xịt đây thôi. Chị rảnh, bảo cháu Trang nó dẫn ra đó xem cho biết. Nghề bán cá cực nhọc hôi hám, nhưng kiếm được khá lắm.
Bà Văn lo âu hỏi:
- Còn nghề buôn bán đồ Mỹ ra sao hở chị?
- Ờ, ở đây có chợ đồ Mỹ ở đường Nguyễn Thông, nhưng cao vốn lắm. Sang một cái sạp hẹp cũng phải tốn cả bạc triệu. Nhưng chị mới vào, yên tâm nghỉ ngơi ít lâu rồi hãy tính, vội gì.
- Ngành phát hành băng nhạc của anh chị ra sao, tôi nghe con Quế bảo khá lắm, phải không?
- Cũng tàm tạm chị ơi. Chị thấy đấy, ông nhà tôi phải đi suốt ngày vì cái nghề đó mới xem tưởng dễ, vào rồi mới thấy gian nan vô chừng. Cái giống nghệ sĩ ấy mà, nay rày mai kia không biết đâu mà chiều cho họ vừa lòng. Mời một ả ca sĩ đi thu thanh mất công hơn triệu công chúa về làm dâu. Lại thêm mấy cậu nhạc công nữa. Nhiều cuốn băng phát hành bán chạy như tôm tươi, tưởng lời khá. Tới lúc tới tính sổ thu chi, mới thấy bị lỗ nặng. Tiền chi cho ca sĩ ban nhạc cao quá, bán bao nhiêu cũng không lấy được vốn.
Bà Văn lặng người vì lo, ngồi thở dài. Một lúc sau bà e dè hỏi bà Thanh Tuyến:
- Liệu cháu Quế nó học nghề buôn bán trà cà phê của cháu Trang được không chị?
- Ối, tôi can chị. Chỗ thân tình, tôi nói thật với chị là cái nghề đó hết thời rồi. Hồi còn thông đường, buôn trà Blao, cà phê Buôn mê thuột còn kiếm được chút đỉnh đủ sống, như là mình lấy công làm lời. Bây giờ đường 23 tắt, Buôn mê thuột mất, đường lên Blao bữa mở bữa đóng, giá trà cà phê ở đây tăng vọt từng ngày mà không có hàng để bán. Bán được thấy lời nhiều mà thật ra là lỗ. Mình bán một ký trà, đem tiền đi mua lại không được nửa ký.
Bà Văn vốn không quen việc mua bán, lại bị bà sui uy hiếp tinh thần, nên suốt ngày mặt mày bần thần không ăn uống gì được.
Đã vậy, ngoài hai đứa con trai mất tích, bà còn khổ sở vì hai đứa con gái. Nam dẫn con về nhà chồng trong trường hợp bất đắc dĩ, nên nàng có vẻ như bất cần, để mặc mọi sự tới đâu hay đó, không cố gắng làm vừa lòng nhà chồng. Nam khỏi bận tâm đối với Quỳnh Trang vì hai người là bạn học cũ, Quỳnh Trang lại thường ra Qui nhơn thăm nom gia đình Ngữ và mua hàng. Nếu khôn ngoan như mọi nàng dâu bình thường, đây là cơ hội quý giá để Nam làm hòa với gia đình chồng, làm hòa với bà Thanh Tuyến, để mở đường cho con về phía nội. Nàng không có quyền cấm cản con Thúy tìm về phía gia đình cha. Nam cũng biết vậy. Nhưng có một cái gì đó lơ lửng, không phải là ác cảm, không phải là thành kiến, nhưng cái gì đó mơ hồ cứ ngăn Nam lại, cứ buộc Nam xa cách với gia đình Tường. Bà Thanh Tuyến đủ tinh nhạy nhận ra rằng nàng đâu thiếu thiện chí hòa hợp. Bà bất mãn lắm, bất mãn nhưng cố giấu không để lộ ra mặt. Dù sao bà vẫn thấy con trai bà có lỗi với Nam, cuộc đời người con gái này dở dang cũng do phần lỗi của Tường. Nếu Nam chỉ tỏ ra một chút thiện chí, bà sẵn sàng yêu thương nàng dâu, sẵn sàng mở lời đề nghị Nam đưa con về ở hẳn trong nhà bà. Trong lúc đó, Nam lại cố né tránh, không để cho có dịp chỉ có hai người với nhau. Những dịp hiếm hoi để mẹ chồng nàng dâu có thể nói chuyện thân mật với nhau được đều do tính vui vẻ hồn nhiên của con Thúy. Con bé lên mười sống tự nhiên ở hiệu trà như đã sống ở nhà ngoại. Nó trêu cả bà nội, bắt bà nội kể chuyện của các cô ca sĩ nó thích. Nó dẫn mẹ lên nhà trên cho nội sai bảo, dẫn nội xuống bếp xem mẹ đi chợ về. Mẹ chồng nàng dâu cố gắng cười nói tự nhiên trước mặt con Thúy, nhưng khi vắng nó, quan hệ giữa họ lại lạnh nhạt như cũ. Bà Văn quan sát con, chỉ sợ Nam trở chứng làm phiền lòng gia đình đã cho gia đình bà ăn nhờ ở đậu. Bà hồi hộp chờ đợi những đổ vỡ. Bà biết nếu ở chung một thời gian lâu dài, thế nào cũng xảy ra những điều đau lòng. Bà than thân trách phận, tủi thân rầu rĩ vì đột nhiên bao nhiêu tai họa cùng ập tới, bà cố hy vọng nhưng chỉ thấy tương lai mù mịt.
Quế làm phiền mẹ theo một lối khác. Từ hôm vào Sài gòn, Quế thường vắng nhà. Quế lấy cớ là đi quanh để thăm hỏi việc buôn bán làm ăn, tìm một căn nhà thuận lợi cho gia đình. Bà Văn biết con nói dối. Sáng nào ông Tân cũng đem Honda tới chở Quế đi, và tối mới chở Quế về.
Ông Tân trước là sĩ quan Địa phương quân, bị thương được giải ngũ và nhân dịp thương phế binh hợp lực với nhau đòi quyền lợi, viên trung úy thương binh giải ngũ này chiếm đất công cất được một số nhà bằng vật liệu nhẹ, rồi bán lại cho người khác. Được một số vốn kha khá, ông chuyển sang trung gian buôn bán đồ quân sự phế thải, nhất là xe hơi cũ. Dịch vụ này khá hơn vụ chiếm đất nhiều. Những chiếc Jeep đấu giá được với giá rẻ mạt được kéo về gara và một tuần sau, trở thành chiếc Jeep dân sự mới toanh với tất cả máy móc và phụ tùng lấy từ kho Quân cụ ra. Ông mau chóng trở thành một tay ăn chơi hào hoa của Qui nhơn. Tuy đã trên bốn mươi, một lần góa vợ, và một lần ly dị, thêm ba đứa con tuổi 16, 14, và 8, nhưng mới gặp người ta tưởng ông chỉ độ ngoài ba mươi. Ông Tân theo đuổi Quế từ tháng 10 năm ngoái, trước đôi mắt lo lắng của bà Văn.
Vụ di chuyển êm thắm cả gia đình bà Văn vào Sài gòn phần lớn do tài xoay xở của ông Tân. Các con của ông, ông đã gửi cho một bà chị ở Sài gòn nuôi dưỡng chăm sóc từ lâu. Ông được rảnh tay để lo làm tiền, một số thì quăng qua cửa sổ qua các canh bạc, và ăn nhậu, một số thì gửi cho chị phủ phê để bà này lo cho các con ông. Ông chu toàn trách nhiệm gia đình và trách nhiệm đối với thân xác ông. Bây giờ ông muốn nhận thêm một trách nhiệm mới: ông muốn cưới Quế làm vợ.
Ngoài chênh lệch tuổi tác, thật tình mà nói, bà Văn không tìm được lý do nào khác để rầy la Quế. Bà thấy ông Tân lanh quá, bà ngại. Theo kinh nghiệm của bà, những người quảng giao như ông Tân luôn luôn thành công về mặt kinh doanh, nhưng khó trở thành một người chồng gương mẫu. Ba đứa con bà đều có cuộc đời dở dang, bà không muốn đứa con thứ tư của bà lấy phải một người chồng xấu.
Một đêm Quế về khuya, vừa đẩy cửa vào nhà mặt mày còn hân hoan rạng rỡ Quế đã gặp phải đôi mắt oán trách của mẹ. Bà Văn dẫn Quế ra trước đường rầy la con cho gia đình chủ nhà khỏi nghe thấy.
- Má không muốn con đi chơi về khuya với ông ấy nữa. Dù gì gia đình mình cũng là gia đình gia giáo.
Quế bực dọc cắt lời mẹ:
- Má quên năm nay con đã ba mươi hai tuổi đầu rồi sao? Con đâu còn là đứa con nít đâu mà má phải căn dặn.
- Mày lớn nhưng mày còn dại lắm. Trên ba mươi mà mày chưa phân biệt được kẻ tốt người xấu.
Quế to tiếng:
- Má bất công lắm. Tại sao người ta có lòng tốt lo hết cho gia đình mình vào đây, má không thốt được một tiếng cảm ơn cho mát lòng mát dạ người ta, bây giờ má còn bảo người ta là kẻ xấu. Xấu chỗ nào?
- Nó sờ sờ ra đó, mày mù mới không thấy. Hai đời vợ, ba đứa con bỏ bê không chăm sóc, tiền bạc là của phi nghĩa, mày tưởng cái giàu đó bền vững lắm hay sao mà nhắm mắt nhắm mũi xông vô. Mày cứ đi sớm về khuya với nó cho lắm có ngày mang cái bụng chửa về bắt tao nuôi, tao cắm đầu nhìn xuống không dám nhìn ai nữa.
Quế tức quá, bật khóc rồi hét to:
- Sao hồi chị Nam chửa hoang má không xấu hổ. Cả đời con lo cho gia đình, bây giờ trên ba mươi tuổi má cùng phải cho con lấy chồng, có con, chứ bắt con làm mọi nuôi mọi người cả đời hay sao. Má bất công với con vừa vừa thôi… Má…
Quế nghẹn lời không nói tiếp được. Bà Văn cũng khóc. Hai mẹ con đứng dưới cột đèn đường Lý Thái Tổ khóc lặng lẽ hồi lâu. Ánh đèn đường trắng bệch chiếu lên hai người, hai cái bóng thu tròn quanh chân họ. Bà Văn tiến lại gần con, ôm vai Quế hạ giọng nói:
- Má thương con mới lo sợ con khổ. Má thương các con đồng đều, đứa nào bất hạnh thì má lo cho nó hơn những đứa mạnh khỏe, chứ có phải bất công đâu. Con không hiểu má, nên vuột miệng nói những câu đau lòng.
Quế khóc to hơn, hai mẹ con ôm nhau khóc dưới ánh đèn đường trên đường phố vắng. Họ cảm thấy khổ sở, cô đơn hơn lúc nào hết. Quế dụi má vào vai áo mẹ chùi nước mắt, run run nói:
- Con xin lỗi má. Má tin ở con. Con không dại dột đâu. Con tin là anh Tân thành thật với con.
Bà Văn thở dài, rồi nói:
- Má cũng chỉ mong có vậy. Sao đời má cứ lo cứ khổ hoài, không bao giờ dứt. Cầu Trời Phật cho thằng Ngữ thằng Lãng được tai qua nạn khỏi. Mình ơi, mình rán phù hộ các con.
Giọng cầu khẩn của bà Văn khan đi, lạc trong gió khuya.
° ° °
Hôm sau, Quế bắt đầu lo đi tìm thuê nhà. Nàng trở về lại với thực tế, bắt đầu nhận ra được cái phiền toái phức tạp của đời sống chung tạm bợ.
Từ ngày gia đình bà Văn vào Sài gòn, Quỳnh Trang dọn đồ đạc của mình và con qua ở chung với mẹ, nhường cái phòng chật cho mẹ chồng, Nam, Quế và cháu Thúy. Phòng chỉ có một cái giường, Nam ra chợ trời mua thêm hai cái ghế bố. Vẫn không đủ chỗ. Quế thường vắng nhà, tối về đem chiếu trải trên nền phòng trước để ngủ, sáng phải dậy sớm thu dọn hết mền mùng trước khi mọi người thức dậy. Ông Thanh Tuyến thấy chật chội tình nguyện ở lại đêm trên trung tâm thu băng nhường phòng cho gia đình bà Văn. Hai mẹ con Nam lại dời qua phòng ông Thanh Tuyến. Phòng này bày biện sang trọng tươm tất nhất nhà, Nam ngại con phá phách đồ đạc của ông nội nên chỉ đến lúc cần chỗ ngủ mới mở cửa phòng ông Thanh Tuyến mà vào, suốt ngày lẩn quẩn bên ngoài.
Bà Văn thì cũng thơ thẩn như người lạc, ngoài hai buổi làm bếp không biết làm gì khác, đi ra đi vô không yên. Có lúc bà đi ra đường đi dọc theo phố Lý Thái Tổ, nhưng bà không dám đi xa. Giới hạn của bà là hai đầu đường Lý Thái Tổ, một đầu là chợ cá Trần Quốc Toản, một đầu là bến xe buýt Ngã bảy. Đoạn đường đó phố xá xây cất luộm thuộm xấu xí, cảnh mua bán hỗn độn ồn ào chẳng khác gì Qui nhơn.
Phần bà Thanh Tuyến thì càng ngày càng tỏ ra khó chịu, cau có. Chẳng những bà không cố gắng vồn vã thân thiện như thời gian đầu, bà còn muốn cho mọi người thấy là bà khó chịu với cảnh sống chung đụng. Mặt bà lúc nào cũng đăm đăm. Quỳnh Trang khổ sở lo âu thường xuyên, cứ sợ hai bà mẹ giận dỗi nhau. Nàng muốn gia đình chồng mau tìm được chỗ dọn ra ở riêng, nhưng không dám mở miệng thúc giục Quế. Trang ở thế kẹt thì bà Thanh Tuyến phải nói.
Giở tờ Chính Luận ông Thanh Tuyến mang về, bà Thanh Tuyến nói với bà Văn:
- Chị, báo bữa nay nói Phan rang, Phan thiết bắt đầu loạn rồi. Như vậy là miền Trung coi như mất. Chị với các cháu phải tính chuyện làm ăn lâu dài ở đây thôi.
- Dạ, tôi cũng biết chứ.
- Tờ Chính Luận nó sống bằng quảng cáo. Mục rao vặt có đăng nhiều chỗ bán nhà, thuê nhà, Chị đọc chưa? Nhà ở bên Khánh hội độ này cùng dễ thuê. Có mấy chỗ họ rao trên báo đây này.
Bà Văn bị bắt buộc phải quan tâm vồn vã:
- Thật hở chị! Chị cho tôi mượn tờ báo để cháu Quế nó đi hỏi liền, chậm chân sợ có người thuê mất.
Những lúc không có mặt Quỳnh Trang, bà Văn tiến công xa hơn, mạnh hơn. Biết Quỳnh Trang bỏ tiền đi chợ mua thức ăn cho cả hai gia đình, bà Thanh Tuyến nói với bà sui:
- Độ này người chạy loạn khắp nơi đổ về Sài gòn, đồ ăn thức uống mắc mỏ dễ sợ. Chị biết không, hồi trước con Trang đi chợ chừng 500 bạc thịt cá mua về ê hề. Bây giờ tốn mỗi ngày cả bạc nghìn mà bữa cơm không có gì cả. Chị vào đây mà ăn uống sơ sài, tôi thật xấu hổ. Tôi bảo con Trang đừng sợ tốn kém, cứ đi chợ mỗi bữa 1500 cho đủ.
Bà Văn phụ họa lấy lệ:
- Dạ. Tôi cũng thấy giá cả ở đây cao hơn ngoài Qui nhơn. Ngày mai Chị để tôi với con Nam đi chợ cho biết giá cả trong này. Giá một bao Nàng Hương trong này bao nhiêu hở chị?
- Ấy, chị có nhắc tôi mới nhớ. Bao gạo 20 ký mới mua đầu tuần đã gần hết rồi, để tôi dặn con Trang mua thêm bao khác.
Cứ thế, dần dần bà Văn ở vào thế phòng vệ, phải luôn luôn giữ ý, tránh không đụng chạm tới đồ đạc trong nhà. Bà đi mua thêm đồ dùng, thức ăn, tiêu muối, giấy đi cầu, mua xong phải tìm dịp để thông báo cho bà sui biết là mình đã mua những thứ đó, thứ đó. Giờ rảnh, bà dẫn con Thúy đi phố, lang thang đến những chỗ xa hơn, cốt giết thì giờ. Nam cũng theo con và mẹ. Gia đình bà Văn có được nơi tạm trú nhưng thật ra là dân vô gia cư, lầm lũi lang thang giữa Sài gòn mà nhớ tiếc thời Huế xa, thời Qui nhơn vừa mất.
° ° °
Ông Thanh Tuyến về thăm nhà vào buổi cơm trưa để được gặp đủ mọi người. Nam cảm thấy gần gũi thoải mái với cha chồng hơn mẹ chồng. Lâu ngày gặp lại ông Thanh Tuyến, Nam kinh ngạc vô cùng. Nàng cứ tưởng ông vẫn là một ông già tàn phế bệnh hoạn chán đời như thuở nào. Không. Ông đã đổi khác quá nhiều. Ông trẻ trung, cười nói luôn miệng, cách ăn mặc hơi đỏm dáng so với tuổi tác của ông. Nghề kinh doanh của ông lại giúp cho ông biết thêm được tâm tình nếp sống của giới nghệ sĩ trẻ. Nam thấy cha chồng cởi mở, cấp tiến, cái gì cũng biết, khác hẳn vẻ mặt đăm đăm của mẹ chồng.
Có hôm ông Thanh Tuyến đi Honda về nhà. Có hôm ông được Diễm chở về đường Lý Thái Tổ bằng chiếc Simca của Diễm. Gặp lại Diễm cũng là một kinh ngạc lớn khác đối với Nam.
Nam được nghe Quỳnh Trang kể những đổi thay của Diễm, nhưng nàng không ngờ Diễm đổi thay nhiều đến thế. Mỗi lần Quỳnh Trang ra Qui nhơn kể chuyện Diễm, Nam vẫn mỉm cười quan sát nét mặt chị dâu, chú ý đến cái giọng kể tức tối ghen tuông của người bạn học cũ. Nàng nghe mà không mấy tin, cho rằng Quỳnh Trang cố ý thêm thắt để nói xấu Diễm. Gặp Diễm, Nam mới thấy Quỳnh Trang kể đúng. Diễm đã đổi lốt. Nam không nhận ra được cái cô Diễm Ga ngày xưa trong người phụ nữ mặc áo dài thêu, chân đi giầy cao gót, thong thả mở cửa chiếc Simca trắng bước xuống hè phố, đưa tay vén lại mái tóc uốn kỹ, sửa lại cái kính mát hiệu L’Amy Ý đại lợi, vuốt lại tà áo sau chiếc áo dài, rồi mới khoan thai chậm rãi bước về phía hiệu trà, quai da chiếc xách tay khoác lên một bờ vai tròn đầy.
Buổi chiều hôm trước gia đình bà Văn tới Sài gòn, thì trưa hôm sau Diễm đã đến thăm. Trong tiệm trà, đồ đạc còn bừa bãi, những hộp các- tông đủ cỡ chất đống ở góc nhà. Sắc diện mọi người vẫn còn dấu vết của bốn ngày đi đường, quần áo ai nấy đều còn xốc xếch dơ dáy, nếu mặc được quần áo sạch thì do vừa lôi trong những thùng giấy ra nên cái nào cùng nhăn nhúm đến thảm hại. Thấy Diễm ăn mặc sang trọng quá, Nam bị mặc cảm, phần nào tủi thân.
Mới ngày nào Diễm còn là một cô bé nhà nghèo lớn lên trong một gia đình thiếu nề nếp, cha mẹ đều ít học, nên hồi đó Diễm vẫn xem gia đình ông Văn là mẫu mực lý tưởng. Cách cư xử, ăn nói của Diễm đối với Nam đều một mực kính trọng, khiêm nhượng. Nam nhớ có lần xuống chơi với Quế, Diễm cứ săm soi thỏi son Elizabeth Arden mà một bữa cao hứng bất thường, Tường mua tặng Nam. Diễm cứ ngồi mân mê thỏi son, say sưa ngắm mấy chữ bay bướm của nhãn hiệu hãng mỹ phẩm không chán. Nam không thạo việc trang điểm nhưng hôm đó, nàng cũng làm tài khôn giảng giải cách tô son, đánh phấn cho Diễm. Diễm ngồi yên ngửa mặt lên cho Nam tô son, sau đó di di đầu thỏi son lên ngón tay xoa nhẹ lên hai gò má nóng của Diễm. Diễm sung sướng ngắm mình trong gương, nhưng lại buồn rầu than:
- Da em màu hồng quân, đánh phấn khó quá chị. Em thấy bọn con nhà giàu khỏi phải làm gì cả nên da mặt da tay trắng như sữa, em mơ được như tụi nó. Mơ có bàn tay như bàn tay con Quỳnh Như, có nước da mặt mịn như chị Quỳnh Trang. Chỉ tại nhà em nghèo…
Nam an ủi:
- Diễm đẹp hơn con Như nhiều. Da hồng quân mới là lý tưởng. Phấn cùng có nhiều loại, có loại dành riêng cho da hồng quân. Chị không thạo lắm, nhưng em hỏi Quỳnh Như chắc nó biết. À, tại sao em lại uốn tóc.
- Em xin mãi mạ mới cho em tiền đi uốn tóc đấy. Được không chị?
- Chị thấy em để tóc dài rồi chải tém ra sau như xưa nay hay hơn. Đầu em tròn, em rẽ ngôi giữa vén tóc lên trên vành tai, để lộ hai vành tai hồng đẹp chứ, sao lại uốn tóc che nó đi…
Hồi đó, cô bé Diễm nhất định không nghe ý kiến của Nam, bảo để tóc kẹp là dấu hiệu của nghèo khó thiếu thốn, uốn tóc mới là hợp thời, văn minh. So cô bé nhà nghèo lúc đó và cô xướng ngôn đài phát thanh kiêm quản lý trung tâm phát hành băng nhạc bây giờ, thật một trời một vực. Nam cảm thấy nhột nhạt mất tự nhiên trước Diễm, hai tay cứ vuốt vuốt lên cái áo vải soie nhăn nhúm.
Quỳnh Trang lấy cớ bận việc bỏ đi. Ông Thanh Tuyến nhìn qua những dĩa thức ăn đã bày sẵn trên bàn, bảo Nam đi đổ thêm một dĩa trứng rán.
Sự ân cần của ông Thanh Tuyến đối với Diễm càng làm cho Nam thêm khó chịu. Vị trí của Diễm đã đổi khác, Nam biết. Diễm đã trở thành cột trụ trong công cuộc kinh doanh phát đạt của ông Thanh Tuyến, là người hùn hạp cộng tác hữu hiệu của ông nên ông phải nể. Nhưng Diễm không phải là người xa lạ. Diễm đã từng tới chơi với con gái ông, ông đã chứng kiến cô bé Diễm lớn lên, tường tận thấy Diễm thay đổi. Sự săn đón ân cần đối với ông bây giờ là tự nhiên, nhưng với Nam, nàng thấy kỳ dị, bất thường.
Diễm nói ngay trước khi ngồi vào bàn ăn:
- Cháu quá bận chỉ ở đây được một tiếng đồng hồ rồi phải qua đài Mẹ Việt Nam thu âm. Sau đó lại phải xuống nhà in lấy bìa cuốn băng Thanh Lan. Bác đã có tin gì của Lãng với anh Ngữ chưa?
Bà Văn buồn rầu lắc đầu. Nam quan sát nét mặt Diễm khi nàng hỏi tới Ngữ. Không có gì lạ. Ngược lại câu hỏi có vẻ chỉ hỏi để lấy lệ, không mấy quan tâm đến số phận Ngữ hay số phận Lãng.
Diễm không hỏi thêm chi tiết, nói qua chuyện nhà mình:
- Ba mạ con thật may mắn. Anh Ngọc ra trường lên làm việc tại Quân y viện Pleiku hai năm, vừa xin đổi được về Quân y viện Cộng Hòa một tháng thì Pleiku mất. Nếu không, chắc mạ con cũng mất ăn mất ngủ như bác.
Giọng bà Văn đầy khâm phục:
- Ngọc nó vận động làm sao mà giỏi vậy. Xin về Sài gòn đâu phải dễ.
- Anh ấy như công tử bột, làm được gì đâu, bác. Mọi sự đều do gia đình chị ấy lo cả. Gia đình chị ấy có tới mười tiệm thuốc Tây ở Sài gòn, Chợ lớn, năm ngoái mới mở thêm công ty nhập cảng Âu dược. Thần thế lớn lắm.
Bà Văn ngây thơ hỏi:
- Thế nó có giúp đỡ gì cho hai bác không?
Diễm cười giọng kiêu hãnh:
- Sinh con trai chỉ mất con thôi bác. Ảnh chỉ lo thân ảnh mà thôi. Mọi sự con phải lo hết. Hôm nào rảnh, mời bác lại nhà ba mạ con cho biết.
Ông Thanh Tuyến góp lời:
- Phải đấy. Hôm nào Diễm đem xe tới chở bác Văn và con Nam con Quế qua Khánh hội thăm ông bà cụ. Cuối tuần rảnh, chiều thứ bảy hay chiều chủ nhật cũng được.
Diễm nghiêm mặt nói:
- Cuối tuần nay mình còn phải coi lại sổ sách các tiệm ở Đà nẵng và Huế. Họ chạy vào đây được cả, cháu có địa chỉ của họ. Mình rán đòi được chút nào hay chút nấy.
Cả bữa ăn trưa ngắn, dường như chỉ có Diễm nói, và nói tự nhiên thoải mái như là đang ăn cơm nhà. Quỳnh Trang giữ im lặng, Nam chỉ hỏi vài câu xã giao về ông Mân, về đứa con của Diễm. Diễm trả lời phớt qua.
Tối hôm đó, Quỳnh Trang tìm thêm được một đồng minh. Hai chị em thi nhau nói xấu Diễm đến quên ngủ.
° ° °
Quế đã tìm được nhà để thuê. Một căn nhà nửa ngói nửa tôn trong một con hẻm khu lao động gần chợ Thị nghè. Người chị ông Tân cũng ở khu đó nhưng nhà mặt tiền đường Dương Công Trừng.
Khu lao động này nổi tiếng khó ở vì là sào huyệt của băng cướp Đầu Bò, do đó giá thuê nhà tương đối rẻ. Cả Quế lẫn ông Tân không hề biết chuyện đó. Bà chị ông Tân biết, nhưng thương ba đứa cháu đâm ra có ác cảm với người sắp giành mất cha của lũ trẻ mồ côi, nên để mặc cho Quế đặt cọc tiền, và định ngày dọn tới.
Quế bằng lòng với căn nhà này, dù thấy địa điểm sát hãng dệt là một điều bất tiện. Tiếng hàng trăm chiếc máy dệt chạy ngày đêm làm cho Quế có cảm tưởng như lúc nào trời cũng đang đổ cơn mưa dông. Quen buôn bán, Quế vịn ngay vào chuyện này để đòi bà chủ nhà hạ tiền thuê. Bà chỉ giả vờ khó khăn, cuối cùng cũng chịu hạ giá. Quế tự đắc cho rằng mình nhanh trí lợi dụng nhà máy dệt để kéo phần lợi về mình. Quế không biết căn nhà tương đối tốt này không tìm được người thuê suốt ba tháng nay không phải do tiếng máy dệt, mà do hoạt động của băng Đầu Bò.
Từ khi biết gia đình bà Văn sắp dọn đi, bà Thanh Tuyến thay đổi hẳn cách cư xử với khách. Bà ân cần vồn vã với bà sui, hỏi thăm đêm qua ngủ có ngon không, món này nấu ăn có được không. Bà bàn tính cả tới chuyện hẹn thăm nhau vào mỗi cuối tuần, rủ nhau đi sở thú, rủ nhau về Lái thiêu mua trái cây v.v… không khí trong nhà tuy ồn ào nhưng không buồn bã nữa. Đồ đạc bừa bãi, đi ra đi vô đụng đầu nhau nhưng tuyệt nhiên không có cau mày cằn nhằn. Giữa khoảng thời gian thoải mái đó, bà Thanh Tuyến nhận được lá thư của Tường. Mọi sự lại đảo lộn.
Bà Thanh Tuyến run rẩy xúc động khi nhận ra đúng nét chữ của con. Mắt bà mờ đi, chữ nghĩa nhảy múa trước mắt bà. Bà lập cập chạy đi tìm kính lão, nhìn trước nhìn sau không có ai, bà mới giở lá thư ra đọc. Đọc một lần chưa đủ, bà đọc lại lần thứ hai, rồi lần nữa. Bà không tin được. Tường đang ở đâu đó rất gần bà. Tường hẹn chỉ ít lâu nữa sẽ về hẳn Sài gòn “để gần gũi săn sóc thầy me”. Bà mừng rỡ đến chảy nước mắt. Nhưng ngay sau đó cũng hoang mang lo sợ. Làm sao con bà sắp về được đây? Chẳng lẽ… Bà giấu biệt không cho ai biết tới lá thư.
Ông Thanh Tuyến về thăm nhà và ăn trưa, có Diễm đi theo nên bà không tiện nói gì. Diễm tránh nói chuyện với Quỳnh Trang nhưng từ mấy hôm nay cứ ôm Nam mà tâm sự, làm cho Quỳnh Trang càng giận. Lúc Diễm nhắc đã tới giờ để chở ông Thanh Tuyến về trung tâm phát hành băng, bà Thanh Tuyến mới nói:
- Mình nán ở nhà tôi có việc cần bàn với mình một chút. Cháu Diễm cứ về trước, nửa giờ nữa bác trai sẽ lên.
Diễm đi rồi, Quỳnh Trang tra vấn Nam tò mò hỏi xem Diễm nói gì, nên không thấy có gì bất thường khi mẹ rủ cha qua cái quán cà phê bên cạnh. Bà Thanh Tuyến đưa thư Tường cho chồng đọc. Ông Thanh Tuyến đọc xong, ngồi thừ không nói gì. Bà hỏi:
- Mình nghĩ sao? Nó đã về đây thật hay nói vậy cho mình yên tâm.
Ông Thanh Tuyến suy nghĩ một lúc, buồn rầu nói:
- Thật đấy. Tình hình này thế nào họ cũng vào tới đây. Không sớm thì muộn. Tôi lo lắm. Tiền bạc các chỗ miền Trung đều mất cả. Chủ hiệu sách chạy được vào đây, gặp họ đòi nợ họ không chịu trả. Trước sau gì Sài gòn cùng mất, nếu…
- Không chặn họ được hay sao?
- Thì hiện nay ông Thiệu cho lập phòng tuyến chặn họ ngoài Phan rang đấy. Nhưng tinh thần sa sút như vậy thì đánh đá gì. Họ kéo vào đây, bao vây Sài gòn mà nã trọng pháo vào, thì máu chảy thành sông. Con Diễm nói bên đài Mẹ Việt Nam, cố vấn Mỹ đã lập danh sách nhân viên và gia đình để chuẩn bị bốc họ ra Phú quốc trước, nếu yên thì về nếu… nếu… thì đi Mỹ luôn. Nó đã ghi tên cả ông bà bên đó, và ghi giùm cả gia đình thằng bác sĩ Ngọc. Nó nói người nào có thân nhân hiện ở Mỹ cũng có quyền xin di tản. Tôi nghĩ vợ chồng con Quỳnh Như…
Bà Thanh Tuyến cắt lời chồng:
- Bộ mình tính đi Mỹ sao? Con nó sắp về mà mình bỏ đi à? Còn con Trang nữa. Nó phải chờ tin thằng Ngữ.
Ông Thanh Tuyến cụt hứng, ngồi im trước ly cà phê đã hết bốc khói. Che giấu bối rối, ông rút bao 555 ra hút. Bà Thanh Tuyến không chịu được khói thuốc lá phà vào mặt bà, ho sặc sụa. Nhưng bà không còn tâm trí nghĩ tới chuyện trách chồng hút thuốc quá nhiều. Bà lo lắng hỏi ông:
- Có nên cho con Nam biết không?
- Phải cho nó biết chứ. Không nó lại trách.
- Tôi thấy nó không còn thương thằng Tường nữa, cho nó biết ích gì.
- Sao bà biết nó hết thương thằng Tường. Dù sao, cũng phải cho nó biết. Lỡ thằng Tường về được đây, con nó lại trách tại sao mình giấu con Nam.
- Ông cầm thư đưa cho nó đi. Gặp tôi, nó cố ý tránh tránh thế nào, khó chịu lắm.
Ông Thanh Tuyến tỏ vẻ ngại. Ông nói:
- Tiện nhất là bà đưa cho con Trang chuyển lại. Mọi sự sao rắc rối quá. Tôi tưởng đã tới hồi yên tâm làm ăn…
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương