Số lần đọc/download: 4033 / 187
Cập nhật: 2020-02-22 17:27:19 +0700
Chương 20
T
ôi bắt đầu suy nghĩ về những chiếc còng made in USA mà người Mỹ bỏ lại quê hương tôi. Người Mỹ chạy trốn vội vàng không kịp di tản còng khóa hay người Mỹ cố tình tặng còng khóa made in USA cho Cộng sản? Tại sao sự khai phóng tự do, dân chủ cần thiết còng, khoá, khiên, ma-trắc, lựu đạn khói nhỉ? Câu hỏi tôi tự đặt ra rồi tôi tự trả lời bằng bài thơ tù:
Nhân danh chủ nghĩa tư bản
nước Mỹ chế tạo còng
và viện trợ cho những tên độc tài ở Sài Gòn
để bảo vệ tự do dân chủ
và xây dựng hạnh phúc con người nước nhỏ
Nhân danh tự do dân chủ
thi sĩ chống đối chế độ độc tài
và bị còng nhãn hiệu USA siết chặt tay
tống vào ngục
Nhân danh chủ nghĩa vô sản
Liên Xô giải phóng Việt Nam
tiêu diệt ảnh hưởng chủ nghĩa tư bản tan hoang
nhưng vẫn sử dụng hàng triệu chiếc còng
mà Mỹ quên di tản
Nhân danh quyền sống
và không nhân danh gì cả
thi sĩ phản kháng và bất động
đều bị Liên Xô dùng còng Mỹ siết chặt tay
tống vào ngục
Tôi nằm tù sáu năm
tìm hoài chưa thấy một định nghĩa chính xác
về cái còng ở thời đại của chúng ta
Chúng ta có nhiều cái nếu sau nhiều lần can thiệp của Tây phương trên đất nước chúng ta. Nếu người Anh không can thiệp vấn đề Việt Nam, không dâng hiến cơ hội và khích lệ người Pháp trở lại gây chiến tranh 10 năm tạo thanh thế và chính nghĩa cho Cộng sản, lịch sử đã như thế nào? Chắc chắn, Cộng sản đã bị quốc gia nghiền nát. Người Pháp đã vội quên thân phận bị trị của mình, vội quên những giọt nước mắt mừng rỡ giải phóng dân tộc thoát ách phát-xít Đức để cố tình dẫm bước chân thống trị lên nỗi mừng rỡ độc lập của Việt Nam. Khác hẳn thực dân Pháp của thế kỷ trước, người Pháp năm 1946 là người Pháp vừa trải qua sự nhục nhằn mất nước, vừa trải qua cuộc kháng chiến chống xâm lăng hào hùng. Họ đem cái hào hùng đó xâm lăng nước ta. Tinh thần và tác phong của người Pháp dân chủ xâm lăng còn thô bạo gấp ngàn lần tinh thần và tác phong của người Pháp thực dân xâm lăng. Đó chính là dịp may ngàn năm một thuở để Cộng sản phát tín hiệu đoàn kết dân tộc rồi đẩy dân tộc lên tuyến đầu. Năm năm sau, đảng phái quốc gia bị tiêu diệt dần mòn. Năm năm sau nữa, Cộng sản chế ngự và chuyên chế. Cái tham vọng mù lòa của người Pháp đã nuôi dưỡng Cộng sản khôn lớn bằng máu xương và nước mắt dân tộc Việt Nam.
Nếu người Mỹ không can thiệp vấn đề Việt Nam từ 1954, lịch sử đã như thế nào? Họ đến, họ làm đảo tung đạo lý Việt Nam, họ mang chiến tranh, ngục tù, còng xích họ viện trợ bọn độc tài bù nhìn, họ phá hủy, họ nuôi dưỡng Cộng sản rồi họ bỏ đi. Cái còn lại là gì? Là Cộng sản. Là ngục tù và còng xích made in USA. Bất cứ nơi nào người Mỹ can thiệp, mọi diễn biến sẽ giống hệt Việt Nam. Bọn cầy cáo tay sai ôm hàng tỷ đô-la cuốn gói về nước chủ. Dân chúng ở lại quằn quại, rên xiết. Nguyễn Văn Thiệu đó. Cao Văn Viên đó. Trần Thiện Khiêm đó. Marcos đó. Câu ca dao dưới đây diễn tả thật đúng tâm sự bẽ bàng của dân tộc Việt Nam.
Mỹ đưa Khiêm Thiệu đi rồi
Dân ta ở lại chịu đời đắng cay.
Thời đại chúng ta, cách mạng làm bằng phương tiện Mỹ. Lãnh tụ cách mạng chết vì âm mưu Mỹ. Chiến tranh bởi súng đạn Mỹ. Mất nước do… thiếu viện trợ Mỹ. Thế mà vẫn còn đứa ngu xuẩn trưng bằng cớ Mỹ nuốt lời hứa. Nước mình mình không lo, lo ăn cắp máu lính, lo ăn cướp xương dân, đem cái kiến thức tiến sĩ tôi đòi mà đổ vạ ông Nixon. Lại lắm kẻ mê muội cố bám lấv lòng trắc ẩn chẳng bao giờ có của Mỹ để mưu đồ giải phóng dân tộc. Xây dựng hạnh phúc giống nòi ở California, ở Paris chẳng khác chi xây lâu đài trên cát. Bởi vì chưa nhìn còng made in USA còng tay người quốc gia chống Cộng tống vào tù Cộng sản.
Suy nghĩ về còng Mỹ bỏ lại tặng Cộng sản, tôi đâm ra ngao ngán và bi quan. Người giầu có thể thương người nghèo, nhưng nước lớn không đời nào tử tế với nước nhỏ. Sự phũ phàng là, chúng ta đang sống ở kỷ nguyên nước nhỏ không được phép quyết định thân phận mình. Tinh thần quốc gia cực đoan trở thành không tưởng. Tôi bế tắc. Tôi bế tắc vì tôi mệt mỏi, rã rượi. Giữa tháng 12-1977, Hoàng Mạnh Hùng và tôi được lệnh “chuẩn bị tư trang khẩn trương”
- Mình đi lao động chăng? Hùng hỏi.
- Càng hay. Tôi thèm khí trời. Tôi nói.
Tính ra tôi đã trọ ở khách sạn quốc doanh Đề Lao Gia Định ngót 18 tháng, cổ nhân phán: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Nếu vậy tôi đã ở đề lao 540 ngàn năm. Có nên so sánh một ngày tù của cổ nhân và một ngày tù Cộng sản để nhân thêm số năm không nhỉ? Có nhiều tù nhân và nhiều chuyện đáng nhớ tôi lại quên. Có nhiều tù nhân và nhiều chuyện đáng quên tôi lại nhớ. “Chuyện buồn nhỏ nhặt liệu mà quên”. Và tôi đã quên hết khi viết về đề lao Gia Định. Những chuyện đáng quên ấy không làm tôi khôn lớn.
- Hoàng Mạnh Hùng!
- Có.
- Vũ Mộng Long!
- Có.
- Xong chưa?
- Rồi.
Cai ngục mở cửa. Các bạn tù 4C-2 chúc chúng tôi thượng lộ bình an. Tôi đeo cái túi đựng phân bón đã khâu hai cái quai trên lưng, tay xách giỏ ni-lông chứa các chai hũ nước mắm, thịt kho, cá kho…, tay xách cái bị cói chứa mì vụn, bột đậu xanh, bột sữa, đường… Tôi không giống bất cứ ai ở xã hội loài người. Tôi là tù nhân của chủ nghĩa Cộng sản, đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Tôi vừa nhận tôi là tù nhân? Sai. Chủ nghĩa Cộng sản không có nhà tù. Tôi là sinh viên nội trú của Đại Học Đề Lao Gia Định. Năm ngoái, tôi học ở Đại Học sở Công An Thành Phố. Tốt nghiệp chứng chi Vỡ Lòng Cay Đắng, tôi ghi danh học Thống Khổ Nhập Môn 18 tháng. Tốt nghiệp chứng chỉ Thống Khổ Nhập Môn tôi ghi danh học tiếp Thương Đau Chín Rấm. Lát nữa tôi mới biết Đại Học nào nhận tôi, Bây giờ, các giáo sư Đề Lao Gia Định bảo tôi xếp hàng chung với các sinh viên khác. Tôi thấy Nguyễn Mạnh Côn, Đằng Giao, Đặng Hải San, Phạm Quang Khai, Đỗ Văn Lựu và vô số bằng hữu các phòng học cũ. Như Phong học dốt bị đúp ở lại Đại Học Đề Lao.
Giáo sư Quản Giáo cầm danh sách đọc tên chúng tôi. Sợ chúng tôi ham vui nhẩy xuống xe đi lạc, giáo sư còng hai sinh viên một còng số 8 made in USA, tay phải sinh viên này dính sát tay trái sinh viên kia và ra lệnh cho chúng tôi lên xe. Xe trùm vải bố kín mít. Tôi giã từ Đại Học Đề Lao Gia Định với bao nuối tiếc. Giã từ các vị giáo sư Chấp Pháp khả kính. Giã từ các vị giáo sư Quản Giáo khả ái. Giã tử lò bánh mì nung nấu cuộc đời. Tôi đi đây. Tôi đi học một mình chẳng cần “mẹ tôi nắm tay tôi dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp.” Ấy quên, giã từ Viện trưởng Hai Phận bất hủ và những cái ống cắm mỏ dầu hỏa ở Tiền Hải.
Nhưng mà xe bít bùng tối tăm, tôi không thể vẫy tay chào tạm biệt ai. Một giọng nói đùa nghịch hỏi vu vơ:
- Tu tủ tù tu đố mấy thằng tù?
Tôi bàng hoàng. Thì ra tôi đích thị tù nhân…
15-2-1987