Nguyên tác: The Kite Runner
Số lần đọc/download: 5255 / 515
Cập nhật: 2019-11-10 14:15:33 +0700
Chương 20
F
arid đã nhắc nhở tôi. Hắn đã nhắc nhở. Nhưng, hoá ra hắn chỉ phí hơi.
Chúng tôi đang chạy xuống một con đường đầy hố bom đạn uốn lượn từ Jalalabad đến Kabul. Lần trước, tôi đã đi qua con đường này trong một chiếc xe tải che mui bạt theo hướng ngược lại Baba đã suýt bị một thằng sĩ quan Roussi say thuốc phiện hát làm nhảm bắn - Baba đã làm tôi phát điên đêm đó, làm tôi quá hoang mang, và quá đỗi tự hào. Hành trình gian nan giữa Kabul và Jalalabad, cuốc xe xóc nhói tận xương, lảo đảo chạy xuống con đèo chênh vênh ngoằn ngoèo giữa những vách đá, nay đã trở thành một di niệm, một di niệm về hai cuộc chiến tranh. Hai mươi năm trước, tôi đã tận mắt thấy được phần nào cuộc chiến tranh đầu tiên. Những vật lưu niệm tàn khốc của nó rải rác dọc đường: những xác xe tăng Xô viết cổ lỗ bị bắn cháy, những xe tải quân sự bị lật nhào han gỉ, một chiếc xe jeep Nga bẹp rúm ró lộn nhào xuống khe núi. Cuộc chiến thứ hai, tôi được xem trên màn hình tivi. Và giờ đây, tôi đang xem nó qua con mắt của Farid.
Đánh tay lái một cách nhàn nhã tránh những ổ gà ở giữa con đường hư nát, Farid tỏ ra thạo tay nghề. Hắn trở nên thích chuyện gẫu nhiều hơn, từ lúc chúng tôi nghỉ đêm ở nhà Wahid. Hắn bắt tôi phải ngồi lên chiếc ghế của phụ xe để nhìn tôi khi hắn nói. Hắn cũng đã cười một vài lần. Vừa điều khiển tay lái bằng bàn tay cụt ngón, hắn vừa chỉ cho tôi những ngôi làng với những lều đất dọc đường, nơi hắn từng quen biết cư dân ở đấy những năm trước. Hắn nói, phần lớn bọn họ hoặc đã chết hoặc sống trong những trại di cư ở Pakistan.
- Và đôi khi, chết còn may mắn hơn, - hắn thêm.Hắn chỉ về phía những gì còn lại vụn nát và cháy xém của một ngôi làng nhỏ. Lúc này nó chỉ là một đống nhỏ những bức tường đen sì không mái. Tôi thấy một con chó đang nằm ngủ ven tường. Farid nói:
- Trước đây tôi có một người bạn ở đó. Anh ta là thợ chữa xe đạp rất giỏi. Anh chơi trống vỗ cũng rất hay. Bọn Taliban đã giết anh ấy, cả gia đình anh ấy và đốt cháy cả làng.
Chúng tôi cho xe chạy qua ngôi làng cháy, và con chó vẫn không cử động.
Ngày trước, xe chạy từ Jalalabad đến Kabul mất hai tiếng, có lúc còn ít hơn. Farid và tôi phải mất bốn tiếng mới tới được Kabul. Và khi chúng tôi tới... Farid đã nhắc nhở tôi ngay sau lúc vượt qua đập Mahipar:
- Kabul không còn như ông nhớ đâu.
- Tôi cũng nghe nói thế. Farid nhìn tôi, mắt như muốn nói: nghe không giống như thấy đâu. Và hắn đã đúng. Bởi vì khi Kabul cuối cùng đã trải ra trước mắt chúng tôi, tôi tin chắc, tuyệt đối chắc rằng hắn đã rẽ nhầm đường đâu đó. Farid chắc hẳn đã thấy nét mặt hoang mang của tôi. Đưa đón nhiều người lui tới Kabul, hắn có lẽ đã trở nên quen thuộc với nét mặt ấy của những người từ lâu không được thấy Kabul.Hắn vỗ nhẹ lên vai tôi và cấm cẳn nói:
- Chào mừng đã trở về.
° ° °
Rác rưởi và ăn mày. Nhìn chỗ nào, tôi cũng thấy thế. Tôi vẫn nhớ rõ những người ăn mày ngày xưa - Baba luôn luôn mang theo một nắm tú hụ tiền giấy Afghan chỉ để cho họ. Tôi chưa bao giờ thấy ông từ chối một người bán hàng rong. Giờ đây, họ vẫn ngồi xổm tại mọi góc phố, quấn mình trong những bao tải nâu rách rưới tay cáu bẩn chìa ra xin một đồng xu. Và ăn mày bây giờ phần lớn là trẻ em, gầy gò, mặt khắc khổ, nhiều đứa chỉ chừng dăm sáu tuổi. Chúng ngồi trong lòng nhưng người mẹ mặc burqa dọc theo những rãnh nước ở các góc phố nhộn nhịp và hát "Bakhshesh, Bakhshesh!" 1. Và một điều gì khác nữa, một điều mà lúc đầu tôi đã không để ý tới: Hiếm thấy đứa nào trong hơn chúng ngồi cùng một người đàn ông lớn tuổi - chiến tranh đã biến những ông bố thành món hàng khan hiếm ở Afghanistan.
Chúng tôi đang cho xe chạy theo phía Tây tới quận Karteh - Seh, trên một con đường theo như tôi nhớ là một đại lộ chính vào những thập niên bảy mươi: Jadeh Maywand. Ngay ở phía Bắc chúng tôi là con sông Kabul khô cạn phơi lòng. Trên những dãy đồi về phía Nam vẫn trơ ra bức tường thành cổ đổ nát. Ngay ở phía Đông bức tường thành là Pháo đài Bala Hissar - một khu thành cổ mà Tổng tư lệnh Dostum đã chiếm năm 1992, trên rặng núi Shirdalwaza. Vẫn từ những ngọn núi đó lực lượng Mujahedin đã bắn tên lửa như mưa vào Kabul từ 1992 đến 1996, giáng xuống bao nhiêu thiệt hại mà lúc này tôi mới đang thấy tận mắt. Rặng núi Shirdarwaza trải dài suốt con đường phía Tây. Chính từ những ngọn núi đó mà tôi nhớ, trận nã đạn Topeh chasht - "pháo trưa". Ngày nào pháo cũng nổ để báo đúng trưa và cũng là tín hiệu kết thúc thời gian ăn chay ban ngày trong tháng Ramadan. Anh thường nghe tiếng gầm của các loại pháo khắp thành phố trong nhưng ngày đó.
- Tôi vẫn thường đến Jadeh Maywand khi còn là một đứa trẻ, - tôi lẩm bẩm. - Ở đấy vốn có những cửa hiệu và khách sạn. Những đèn huỳnh quang và các tiệm ăn. Tôi vẫn thường mua diều của một ông già tên là Saifo. Ông ấy mở một cửa hàng bán diều nhỏ cạnh Sở chỉ huy cảnh sát cũ.
- Sở chỉ huy cảnh sát vẫn còn ở đó, - Farid nói. - Cảnh sát không hề thiếu ở thành phố này. Nhưng ông sẽ không thấy diều hoặc hàng bán diều nào ở Jadeh Maywand hay bất kỳ nơi nào khác ở Kabul. Những ngày ấy đã qua rồi.
Jadeh Maywand đã biến thành một lâu đài cát khổng lồ. Những toà nhà chưa đổ hầu như không còn đứng vững, với mái sập xuống và tường khoan bằng đạn tên lửa. Nhiều dãy nhà hoàn toàn bị xoá sạch thành gạch đá và vôi cát ngổn ngang. Tôi thấy dấu tích của vết đạn khoan đã bị chôn vùi một nửa ở một góc một đống gạch vụn. Còn đọc được: UỐNG Coca. Tôi thấy lũ trẻ chơi đùa trong cảnh hoang tàn của một toà nhà, không còn cửa sổ giữa đám lởm chởm những chân cột gạch và đá. Những người đi xe đạp và những xe lừa kéo lượn bên bọn trẻ, những con chó lạc, và những đống gạch vỡ. Một lớp khói bụi lượn lờ khắp trên thành phố, bay qua sông thành một đám khói đơn độc bốc lên cao.
- Cây cối đâu hết cả? - Tôi hỏi.
- Người ta chặt xuống làm củi sưởi cho mùa đông. - Farid nói. - Bọn Shorawi cũng chặt mất rất nhiều.
- Tại sao vậy?
- Những tay bắn tỉa nấp trong đó.
Một nỗi buồn tràn vào lòng tôi. Trở về Kabul giống như vấp phải một người bạn cũ đã quên và thấy đời đã phũ phàng với bạn, bạn đã trở thành vô gia cư và cơ cực.
- Cha tôi xây một trại mồ côi ở Shar-e-Kohna, thành phố cũ, về phía Nam nơi này. - Tôi nói.
- Tôi nhớ cái trại ấy, - Farid nói - Nó bị phá huỷ mấy năm rồi.
- Anh có thể cho xe đỗ lại không? - Tôi nói. - Tôi muốn đảo qua đây một lúc.Farid cho xe đỗ dọc theo lề đường, trên hẻm phố, gần một toà nhà hoang đổ nát không có cửa.
- Ngôi nhà đó vốn là một cửa hiệu tân dược. - Farid lẩm bẩm khi chúng tôi ra khỏi xe.
Chúng tôi đi bộ quay lại Jadeh Maywand và rẽ phải, đi thẳng về hướng Tây.
- Mùi gì ấy nhỉ? - Tôi nói. - Mùi gì đó làm tôi chảy nước mắt.
- Mùi diesel, - Farid đáp. - Các máy phát điện của thành phố luôn luôn hụt tải và mọi người dùng dầu diesel.
- Diesel ư. Anh có nhớ ngày xưa phố này sực mùi gì không?
Farid mỉm cười:
- Kabob.
- Cừu non kabob, - tôi nói.
- Cừu non, - Farid nói, như đang nếm từ đó trong miệng mình. - Nhưng kẻ duy nhất ở Kabul được ăn cừu non bây giờ là bọn Taliban. - Hắn kéo ống tay áo tôi. - Nói cái gì khác đi.
Một chiếc xe lại gần chúng tôi. Farid nói nhỏ:
- Bọn râu xồm tuần tra.
Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bọn Taliban. Tôi đã từng thấy chúng trên tivi, trên Internet, trên bìa các tạp chí và trên những tờ nhật báo. Nhưng lúc này tôi đã ở đây, cách chúng không đến mười lăm mét, tự nhủ rằng cái vị bất ngờ trong miệng mình không phải là nỗi sợ thuần tuý, nỗi sợ trần trụi. Tự nhủ thịt da tôi đã không bất ngờ co rúm sát vào xương và tim tôi không đập liên hồi. Chúng đã đến đây rồi. Trong toàn bộ vinh quanh của chúng.
Chiếc xe tải nhỏ hiệu Toyota chậm rãi đi qua chúng tôi. Mấy tên trẻ tuổi mặt đằng đằng sát khí, súng Kalashnikov lủng lẳng trên vai, ngồi chồm hỗm trong buồng lái. Tất cả đều đeo râu và chít khăn tu-ban màu đen. Một tên trong bọn chúng da ngăm đen, chớm tuổi hai mươi, lông mày rậm cau có đang quay quay chiếc roi trong tay và vút mạnh vào thành xe một cách nhịp nhàng. Đôi mắt đưa đi đưa lại chiếu vào tôi. Găm lấy cái nhìn chằm chằm của tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình quá trần trụi trong cả cuộc đời tôi đến thế. Rồi tên Taliban nhổ nước bọt dính thuốc lá, và nhìn đi chỗ khác. Lúc đó tôi mới thấy lại thở được. Chiếc xe tải nhỏ lăn bánh xuống đại lộ Jadeh Maywand, để lại đằng sau một lớp mây bụi.
- Ông làm sao thế? - Farid giận dữ rít lên.
- Cái gì?
- Đừng bao giờ nhìn chằm chằm vào bọn chúng! Ông có hiểu tôi nói không? Đừng bao giờ!
- Tôi có định thế đâu, - tôi nói.
- Bạn ông nói đúng đấy, agha. Chẳng khác gì ông lấy gậy chọc một con chó điên. - Ai đó nói.
Tiếng nói mới này là của một ông già ăn mày chân không đang ngồi trên bậc thềm một toà nhà đổ nát vì đạn pháo. Ông mặc một chiếc chapan đã cũ sờn, rách tươm và đội một chiếc khăn tu-ban cáu bẩn. Mi mắt trái của ông cụp xuống một cái hốc mắt rỗng. Với bàn tay viêm khớp, ông chỉ về hướng chiếc xe tải đỏ đã đi:
- Chúng lái xe nhìn quanh quẩn. Nhìn và hy vọng ai đó khiêu khích chúng. Sớm muộn gì ai đó cũng buộc lòng phải làm theo ý chúng. Rồi lũ chó mở tiệc và cuối cùng sự buồn chán hàng ngày vỡ bung ra, mọi người đều nói "Allah - u - Akbar!" Trong những ngày, khi chẳng ai phạm tội, lại luôn có bạo lực theo ngẫu hứng, phải không nào?
- Khi bọn Taliban đến gần cứ nhìn xuống chân ấy, - Farid nói
- Bạn ông khuyên như vậy là đúng đấy, - ông già ăn mày phụ hoạ theo. Ông ho rũ rượi và nhổ vào chiếc khăn tay bẩn. - Thứ lỗi cho tôi, nhưng ông có thể san sẻ cho tôi vài đồng Afghani không? - Ông thở.
-Bas. Ta đi thôi. - Farid vừa nói vừa kéo cánh tay tôi.
Tôi trao cho ông già một trăm nghìn đồng Afghani, ngang với khoảng ba đô la gì đó. Khi ông ngả đầu về phía trước cầm tiền, mùi hôi - chua như sữa chua và mùi đôi chân mấy tuần không rửa xộc vào mũi tôi - làm những thứ chứa trong bụng tôi cuộn lên. Ông vội giắt tiền vào thắt lưng, con mắt độc nhất đảo qua đảo lại:
- Xin vô cùng cảm tạ lòng nhân đức của Agha sahib.
- Ông có biết trại mồ côi ở Karteh-Seh ở đâu không?
- Không khó tìm đâu, ở ngay phía Tây Đại lộ Darulaman ấy, - Ông nói. - Lũ trẻ được chuyển từ đây đến Karteh-Seh sau khi cái trại mồ côi cũ bị trúng tên lửa. Khác gì cứu ai đó khỏi chuồng sư tử và ném vào chuồng hổ.
- Cảm ơn, Agha, - tôi nói. Tôi đã toan quay đi.
- Đây là lần đầu tiên, phải không?
- Tôi xin lỗi không rõ ý ông?
- Lần đầu tiên ông gặp một thằng Talib.
Tôi không nói gì. Ông già ăn mày gật đầu mỉm cười. Để lộ ra một nhúm răng còn lại, tất cả đều quặp vào và vàng khè. Ông nói:
- Tôi nhớ lần đầu tiên tôi thấy chúng tràn vào Kabul. Thật là một ngày vui sướng biết bao! Chấm dứt sự giết chóc! Wah wah! Chà chà! Nhưng giống như nhà thơ nói: "Tình yêu có vẻ không ranh giới thế nào, lại gây phiền não thế ấy."
Một nụ cười nở trên mặt tôi:
- Tôi biết câu thơ ấy. Đó là của Hãfez.
- Vâng, đúng vậy, - ông già đáp lại. - Tôi biết mà. Tôi vốn dạy Hãfez ở trường Đại học.
- Trước ông dạy ở trường Đại học?
Ông già ho:
- Từ năm 1958 đến năm 1996. Tôi dạy Hãfez, Khayyám, Rumi, Beydel, Jami, Saadi. Tôi cũng đã là khách thỉnh giảng ở Teheran, đó là năm 1971. Tôi giảng về Beydel thần bí. Tôi vẫn nhớ tất cả đều đứng lên và vỗ tay thế nào. Ha! - Ông lắc đầu. - Nhưng ông đã nhìn thấy lũ thanh niên trên chiếc xe tải đó. Ông nghĩ chúng có thấy chút giá trị nào ở chủ nghĩa Sufi 2?
- Mẹ tôi cũng đã dạy ở trường Đại học, - tôi nói.
- Tên bà là gì?
- Sofla Akrami.
Con mắt ông như sáng lên qua tròng mắt mờ đặc vì bệnh đục thuỷ tinh thể:
- Cỏ dại sa mạc sống dai, nhưng hoa xuân nở rồi héo rũ. Càng tao nhã, càng cao quý, càng là bi kịch.
- Ông biết mẹ tôi? - Tôi vừa hỏi vừa quỳ trước ông già.
- Vâng, đúng vậy, - ông già ăn mày nói. - Chúng tôi thường ngồi và trò chuyện sau giờ giảng. Lần cuối cùng là một ngày mưa gió ngay trước kỳ thi tốt nghiệp, khi chúng tôi chia nhau một khoanh bánh hạnh nhân tuyệt vời. Bánh hạnh nhân với trà nóng và mật ong. Lúc đó, bà rõ ràng đã chớm mang thai, và vì thế trông lại càng đẹp hơn. Tôi không bao giờ quên những gì bà đã nói với tôi hôm ấy.
- Sao? Làm ơn nói cho tôi biết đi.
Baba đã luôn miêu tả mẹ tôi cho tôi nghe bằng nhưng nét chung chung như "là một phụ nữ vĩ đại." Nhưng những gì tôi khao khát lại là những chi tiết kia: tóc mẹ lấp lánh trong ánh nắng ra sao, mẹ thích ăn loại kem có mùi vị nào, nhưng bài hát mẹ thích ngâm nga, mẹ có cắn móng tay không? Baba mang những kỷ niệm về mẹ xuống mộ cùng với ông. Có thể nhắc đến tên mẹ sẽ là nhắc đến tội lỗi của ông, về những gì ông đã làm ngay sau khi bà chết. Hoặc cũng có thể mất mát của ông quá lớn, nỗi đau của ông quá sâu, ông không thể chịu nổi khi nói về mẹ. Có thể là cả hai.
- Bà nói: "Tôi rất sợ". Tôi hỏi: "Tại sao?", và bà nói: "Tại tôi hạnh phúc quá sâu đậm, Tiến sĩ Rasul ạ. Hạnh phúc như thế là đáng sợ." Tôi hỏi bà tại sao, và bà bảo: "Người ta chỉ để ông được hạnh phúc đến thế khi nào người ta chuẩn bị lấy đi một cái gì đó của ông." Và tôi bảo "Thôi đi, bà đừng nói nữa. Mấy thứ ngốc nghếch này đủ rồi."
Farid nắm cánh tay tôi, nhẹ nhàng nói.
- Amir agha, chúng ta nên đi thôi.
Tôi gỡ tay ra:
- Còn gì nữa? Mẹ tôi nói gì nữa?
Nét mặt ông già dịu lại.
- Tôi mong tôi nhớ được cho ông. Nhưng tôi không nhớ. Mẹ ông ra đi đã quá lâu, và ký ức của tôi đã tan tành như những toà nhà này. Tôi rất tiếc.
- Thì một điều nhỏ thôi, điều gì cũng được.
Ông già mỉm cười:
- Tôi sẽ cố nhớ và đó là một lời hứa. Hãy quay lại tìm tôi.
- Cảm ơn ông, - tôi nói. - Cảm ơn ông nhiều lắm.Và tôi biết ơn thật sự. Lúc này, tôi đã biết mẹ tôi thích ăn bánh hạnh nhân với mật ong và trà nóng, biết bà đã từng có lần dùng từ "sâu đậm", biết bà đã từng lo ngại về hạnh phúc của bà. Tôi đã vừa được biết về mẹ tôi từ một ông già lang thang trên đường phố nhiều hơn những gì tôi từng biết từ Baba.
Bước trở lại chiếc xe tải không ai trong chúng tôi bình luận gì về những điều phần lớn những người không phải Afghan sẽ coi như một sự trùng hợp không thể có, rằng một ông lão lang thang lại bất ngờ biết về mẹ tôi. Bởi vì cả hai chúng tôi đều biết rằng, ở Afghanistan, và đặc biệt là ở Kabul, điều phi lý như thế là chuyện bình thường. Baba vẫn thường nói: "Đem bỏ hai người Afghan chưa bao giờ gặp nhau vào một phòng mươi phút, thể nào họ cũng dò ra, họ có quan hệ với nhau như thế nào."
Chúng tôi bỏ ông già ngồi lại trên bậc thềm của toà nhà đó. Tôi đã định nhận lời đề nghị của ông, quay lại xem liệu ông đã bới lên thêm những chuyện nào nữa về mẹ tôi. Nhưng tôi chẳng bao giờ gặp lại ông nữa.
Chúng tôi tìm thấy trại mồ côi mới ở phần phía Bắc Karteh-Seh, dọc theo bờ con sông Kabul khô cạn. Đó là một khu nhà mái bằng, kiểu trại lính, với những bức tường đổ nát và cửa sổ bằng ván gỗ. Trên đường tới đây, Farid đã bảo tôi rằng Karteh-Seh là một trong những khu vực bịchiến tranh tàn phá nhiều nhất ở Kabul, và ngay khi chúng tôi bước ra khỏi xe, chứng tích tràn ngập khắp nơi. Những đường phố lỗ chỗ bom đạn, hai bên là tàn tích của những toà nhà bị đạn pháo tàn phá và những ngôi nhà bỏ hoang. Chúng tôi đi qua một khung xe ô tô han gỉ bị lật ngửa, một chiếc tivi không còn màn hình bị vùi phân nửa trong đống gạch vụn, một bức tường với những chữ xịt sơn đen ZENDA BAD TALIBAN! Taliban Muôn năm!
Một người đàn ông hói trán, thấp bé, râu xồm hoa râm mở cổng. Ông ta mặc chiếc khoác rách tã bằng vải tuýt, đội mũ chỏm, đeo cặp kính mắt sứt mẻ. Sau mắt kính là đôi mắt nhỏ như hai hạt đậu đen, lướt từ tôi sang Farid:
- Salaam alykum.
- Salaam alykum, - tôi chào lại và đưa cho ông xem tấm ảnh. Polaroid. - Chúng tôi đang đi tìm thằng bé này.Ông ta liếc vội tấm ảnh:
- Tôi rất tiếc. Tôi chưa bao giờ trông thấy nó.
- Ông hầu như không nhìn kỹ tấm ảnh, ông bạn, - Farid nói. - Tại sao ông không nhìn kỹ hơn?
-Loftan 3, - tôi thêm.
Người đàn ông đứng sau cửa cầm lấy tấm ảnh. Ngắm nghía một lúc, trả lại cho tôi:
- Không, rất tiếc. Tôi biết từng đứa bé trong cái viện này, nhưng thằng bé này trông không quen. Giờ thì, xin phép ông, tôi phải làm việc. - ông ta khép cửa, cài chốt lại.
Tôi gõ gõ vào cửa:
- Agha, agha, làm ơn mở cửa. Chúng tôi không có ý làm hại gì đến đứa bé đâu.
- Tôi đã bảo ông rồi. Nó không có ở đây, - tiếng nói từ trong cổng vọng ra. - Bây giờ thì xin đi cho.
Farid bước lên bậc cổng, tựa trán vào đấy.
- Ông bạn, chúng tôi không phải là bọn Taliban đâu, - hắn nói bằng một giọng nhẹ nhàng, thận trọng. - Ông đi cùng tôi muốn đem thằng bé đến một nơi an toàn hơn thôi mà.
- Tôi từ Peshawar đến, - tôi nói. - Một người bạn tốt của tôi quen biết hai vợ chồng tử tế người Mỹ đang trông nom một nhà từ thiện cho trẻ con ở đó.
Tôi cảm thấy người đàn ông vẫn ở đằng sau cánh cửa. Cảm thấy ông ta vẫn đứng đó, đang nghe ngóng, do dự, chọn lựa giữa nghi ngờ và hy vọng.
Tôi nói tiếp:
- Ông nghe đây, tôi biết bố của Sohrab. Tên là Hassan. Mẹ nó tên là Farzana. Nó gọi bà nó là Sasa. Nó biết đọc biết viết. Và bắn súng cao su rất giỏi. Agha, có một lối thoát, một hy vọng cho thằng bé. Làm ơn mở cửa ra.
Bên kia cửa chỉ có sự câm lặng.
- Tôi là anh trai cùng cha khác mẹ với bố nó, - tôi nói.
Một khoảnh khắc trôi qua. Rồi tiếng chìa khoá lách cách trong ổ khoá. Người đàn ông mặt choắt lại hiện ra ở khe cửa. Ông ta hết nhìn tôi đến Farid, rồi ngược lại:
- Các ông đã nhầm một điều.
- Điều gì?- Nó bắn súng cao su cực giỏi.
Tôi mỉm cười.
- Nó không bao giờ rời thứ đó. Đi bất kỳ đâu nó cũng giắt thứ đó vào cạp quần.
Người đàn ông cho chúng tôi vào tự giới thiệu là Zaman, giám đốc trại mồ côi. Ông nói:
- Tôi sẽ đưa các ông đến văn phòng của tôi.
Chúng tôi đi theo ông ta qua những hành lang nhờ tối, ảm đạm, ở đó bọn trẻ chân trần, mặc những chiếc áo lót thủng lỗ chỗ, rách như xơ mướp, đang chơi quanh quẩn. Chúng tôi đi qua những căn phòng với sàn nhà chẳng có gì ngoài chiếu cói và cửa sổ thì đóng kín bằng những tấm nhựa dẻo. Những khung giường sắt phần lớn không có đệm, choán hết chỗ trong phòng.
- Có bao nhiêu trẻ mồ côi ở đây? - Farid hỏi.
- Nhiều hơn số phòng chúng tôi có. Khoảng hai trăm năm mươi cháu. - Zaman ngoái lại nói, nhưng không phải tất cả bọn chúng đều yateem 4. Nhiều đứa trẻ chỉ mất cha trong chiến tranh, mẹ chúng không nuôi được chúng vì bọn Taliban không cho phép họ đi làm. Vì vậy họ đem con đến đây.
Ông phẩy tay và rầu rĩ nói thêm:
- Nơi đây tốt hơn hè phố, nhưng cũng chẳng hơn là mấy. Khu nhà này đâu có được xây để ở - nó vốn là cái kho chứa hàng của một xưởng làm thảm. Vì vậy ở đây không có nước nóng và họ đã để cho giếng cạn khô, - ông hạ giọng. - Tôi cũng đã yêu cầu bọn Taliban cho tiền đào một cái giếng mới, bao nhiêu lần tôi cũng chẳng nhớ nổi nữa, rồi chúng chỉ quay quay chuỗi tràng hạt của chúng và bảo tôi không có tiền, - ông cười khẩy. - Không có tiền.
Ông chỉ một dãy giường kê dọc tường:
- Chúng tôi không có đủ giường và cũng không đủ đệm cho số giường ấy. Tệ hơn, chúng tôi còn không đủ cả chăn, - ông chỉ cho tôi một bé gái đang nhảy dây với hai đứa con trai. - Ông thấy con bé chứ? Mùa đông năm ngoái, lũ trẻ phải đắp chung chăn với nhau. Anh nó chết trần truồng, - ông bước tiếp. - Lần mới đây, tôi kiểm tra trong kho, gạo cung cấp chỉ còn chưa đủ một tháng, và khi gạo hết, lũ trẻ sẽ phải ăn bánh mì và uống trà vào bữa điểm tâm sáng và bữa tối.
Tôi để ý thấy ông không nói đến bữa trưa.Ông dừng bước và quay lại bảo tôi:
- Ở đây chỉ là một chốn nương thân rất nhỏ bé, hầu như không thực phẩm, không quần áo, không nước sạch. Những gì mà tôi được cung cấp thừa đủ ở đây là lũ trẻ bị mất tuổi thơ. Nhưng bi kịch lại ở chỗ, những đứa trẻ này là những đứa may mắn. Chúng tôi đã ôm đồm quá khả năng và ngày nào tôi cũng phải từ chối các bà mẹ mang con tới. - Ông bước một bước lại gần tôi. - Ông bảo có hy vọng cho Sohrab? Tôi cầu mong ông không lừa dối, Agha. Nhưng... ông có thể bị muộn quá mất rồi.
- Ông bảo sao?
Zaman đảo mắt:
- Đi theo tôi.
Những gì được chấp nhận như phòng giám đốc chỉ là bốn bức tường trần trụi nứt nẻ, một cái chiếu trên sàn nhà, một cái bàn, hai chiếc ghế gấp. Trong lúc Zaman và tôi ngồi xuống, một con chuột cống màu xám thò đầu ra khỏi một cái hang trong tường và vụt chạy ngang qua căn phòng. Tôi co rúm lại khi nó khịt khịt vào giày tôi, rồi giày ông Zaman, và chạy vụt qua cửa.
Tôi hỏi:
- Ông nói có thể đã quá muộn là ý thế nào?
- Ông uống một chút chai nhé. Tôi có thể pha mời ông một tách.
- Không, cảm ơn ông. Tôi muốn chúng ta nói chuyện hơn.
Zaman ngả lưng vào chiếc ghế, khoanh tay trước ngực:
- Những gì tôi phải nói với ông không vui vẻ gì đâu. Chưa kể có thể rất nguy hiểm.
- Cho ai?
- Ông. Tôi. Và tất nhiên, cả Sohrab, nếu không phải đã quá muộn.
- Tôi cần phải biết, - tôi nói.
Ông ta gật đầu:
- Ông đã nói thế thì được. Nhưng trước hết, tôi muốn hỏi ông một câu: ông có muốn tìm cháu ông lắm không?
Tôi nghĩ tới những trận đánh nhau trên đường phố mà chúng tôi thường tham gia khi còn là những đứa trẻ, lần nào Hassan cũng chống lại chúng vì tôi, một chọi hai, đôi khi một chọi ba. Tôi thường nhăn mặt và đứng xem, cũng muốn xông vào lắm, nhưng luôn luôn dừng lại ngay, luôn luôn bị cái gì đó giữ lại.
Tôi nhìn ra hành lang, thấy một đám trẻ đang nhảy múa theo vòng tròn. Một bé gái nhỏ, chân trái bị cụt đến dưới gối, ngồi trên một cái đệm như ổ chuột đang xem, mỉm cười và vỗ tay theo những đứa trẻ khác. Tôi thấy Farid cũng đang nhìn bọn trẻ, bàn tay cụt ngón của hắn thõng xuống bên sườn. Tôi lại nhớ tới những đứa con trai của Wahid, và... tôi nhận ra một điều: Tôi sẽ chưa rời khỏi Afghanistan chừng nào chưa tìm được Sohrab. Tôi nói:
- Xin bảo cho tôi biết nó ở đâu đi.
Zaman cứ chằm chằm nhìn tôi mãi. Rồi ông gật đầu, nhặt cái bút chì lên, quay quay giữa các ngón tay:
- Đừng để tên tôi dính dáng đến chuyện này.
- Tôi xin hứa.
Ông gõ gõ cái bút chì lên bàn:
- Mặc dầu ông đã hứa, tôi vẫn nghĩ tôi sẽ sống mà hối tiếc về điều này, nhưng có lẽ đành vậy thôi. Dẫu thế nào tôi cũng đáng nguyền rủa rồi. Nhưng nếu có thể làm được một điều gì đấy cho Sohrab... tôi sẽ nói cho ông biết, bởi vì tôi tin ông. Ông có cái nhìn của một người đang tuyệt vọng. Ông lặng đi một lúc lâu rồi lẩm bẩm:
- Có một tên quan chức Talib. Một vài tháng hắn lại đến thăm một lần. Hắn mang theo tiền mặt, không nhiều, nhưng còn hơn là không có gì.Ông đảo mắt nhìn tôi rồi lại nhìn đi chỗ khác:
- Hắn thường đem một bé gái đi. Nhưng không thường xuyên.
- Và ông cho phép việc đó? - Farid hỏi phía sau tôi. Hắn bước đến cạnh bàn, áp sát vào Zaman.
- Tôi có sự lựa chọn nào nữa? - Ông Zaman đáp trả. Ông lùi khỏi chiếc bàn.
- Ông là giám đốc ở đây, - Farid nói. - Công việc của ông là chăm nom bảo vệ lũ trẻ.
- Tôi chẳng thể làm gì để ngăn chuyện đó lại được.
- Ông đang bán trẻ con! - Farid gầm lên.
- Farid, ngồi xuống! Bỏ đi! - Tôi nói.
Nhưng tôi đã quá chậm. Bởi vì Farid bất ngờ nhảy qua bàn. Chiếc ghế của Zaman văng ra, khi Farid nhào lên ông và ghìm ông xuống nền nhà. Ông giám đốc thụi tới tấp Farid từ dưới lên và kêu lên những âm thanh tắc nghẹn. Hai chân ông đá vào chiếc ngăn kéo bàn đã bị tuột ra, và những tờ giấy vung vãi khắp nền nhà.Tôi chạy đến gần bàn và thấy được tại sao tiếng kêu của ông Zaman bị nghẹn lại. Farid đang bóp cổ ông. Tôi túm lấy đôi vai Farid bằng cả hai tay và kéo mạnh. Hắn giật ra khỏi tay tôi.
- Đủ rồi, - tôi gầm lên.
Nhưng mặt Farid đã đỏ phừng phừng, hai môi hắn mím chặt lại và khinh bỉ hét lên:
- Tôi sẽ giết hắn! Ông không thể ngăn tôi! Tôi sẽ giết hắn.
- Bỏ ông ấy ra!
- Tôi sẽ giết hắn!
Có cái gì đó trong giọng nói của Farid bảo tôi rằng, nếu tôi không kịp thời làm một điều gì đó, tôi sẽ chứng kiến kẻ sát nhân đầu tiên trong đời tôi.
- Lũ trẻ đang xem đấy, Farid. Chúng đang xem, - tôi nói.
Cơ vai của hắn căng cứng lại dưới hai tay đang túm chặt của tôi và trong giây lát, tôi nghĩ hắn vẫn đang vặn cổ ông Zaman. Rồi hắn quay lại, thấy lũ trẻ chúng đang đứng câm lặng ngay trước cửa, tay cầm tay nhau, mấy đứa đang khóc. Tôi thấy những cơ bắp của Farid chùng ra. Hắn buông tay ra, đứng dậy. Hắn nhìn xuống ông Zaman và nhổ một bãi nước bọt lên mặt ông. Rồi hắn bước ra khép cửa lại.
Zaman cố đứng lên, lấy ống tay áo chùi đôi môi chảy máu, lau nước bọt trên má. Vừa ho vừa thở khò khè, ông đội chiếc mũ chỏm lên đầu, đeo kính vào thì thấy cả hai mắt đã vỡ, liền bỏ ra. Ông lấy hai tay bưng mặt. Không ai trong chúng tôi nói gì một lúc lâu.
Cuối cùng, hai tay vẫn che mặt, Zaman nghẹn ngào nói:
- Nó mang Sohrab đi một tháng nay rồi.
- Ông bảo ông là giám đốc thế à - Farid nói.
Zaman buông thõng hai tay:
- Hơn sáu tháng nay tôi không được trả lương. Tôi khánh kiệt vì phải bỏ hết tiền dành dụm đời tôi ra chi tiêu cho trại mồ côi này. Mọi thứ tôi kiếm được và được thừa kế tôi đều bán, để duy trì cái nơi Thượng đế bỏ rơi này. Ông nghĩ tôi không có gia đình ở Pakistan và Iran sao? Tôi có thế bỏ chạy như bất kỳ ai khác. Nhưng tôi không bỏ chạy. Tôi ở lại. Tôi ở lại vì lũ trẻ, - ông chỉ ra phía cửa. - Nếu tôi từ chối nó một cháu, nó sẽ đem đi mười. Vì thế tôi đành để nó lấy một đi và để Thánh Allah phán xử nó. Tôi phải nuốt đi lòng kiêu hãnh, nhận đồng tiền khốn nạn... nhơ nhuốc bẩn thỉu của nó. Đề rồi cầm ra khu phố chợ mua thực phẩm cho lũ trẻ.
Farid cắm mặt nhìn xuống. Tôi hỏi:
- Rồi xảy ra chuyện gì với những đứa trẻ nó mang đi?
Zaman chùi nước mắt bằng ngón trỏ và ngón cái:
- Đôi khi chúng trở về.
- Nó là ai? Làm thế nào để chúng tôi tìm được nó? - Tôi hỏi.
- Ngày mai đến Sân vận động Ghazi. Ông sẽ gặp nó vào giữa giờ. Nó là cái thằng đeo kính râm ấy.
Ông nhặt cái kính vỡ của ông lên, chuyền từ tay này qua tay khác:
- Tôi muốn các ông đi ra ngay. Lũ trẻ đang hoảng sợ.
Ông đưa chúng tôi ra.
Khi chiếc xe đi khỏi, tôi nhìn thấy Zaman qua chiếc gương chiếu hậu cạnh xe, vẫn đứng ở lối cổng. Một đám trẻ đứng vây lấy ông, níu chặt gấu áo sơ mi của ông. Tôi thấy ông đeo đôi kính vỡ vào.
--------------------------------
1 Bakhshesh, Bakhshesh: Từ Ba Tư, nghĩa là bố thí, bố thí.
2 Sufism: Một khuynh hướng Hồi giáo cổ trở thành đồng nhất với Thượng đế thông qua cầu nguyện và suy tưởng, và bằng cách sống thật đơn giản một cuộc sống khắc kỷ
3 Loftan: Làm ơn.
4 Yateem: Mồ côi cả cha lẫn mẹ.