Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2020-10-15 22:03:49 +0700
Chương 21: Cuộc Điều Tra
T
háng Chín năm 2013, tôi quyết định lần theo dấu vết của cha tôi một lần nữa. Người ta không bao giờ phục hồi lại sau một cái tang, mỗi người xoay sở một cách. Với tôi, điều tra, kể lại, đó cũng là cách để sống sót. Vá lại mảnh vải đời mình. Và phác thảo một phương hướng, một lối đi, trong khi chiếc la bàn bên trong người tôi đã hỏng.
Ðiều tra quá khứ của gia đình bên nội bỗng nhiên trở nên cần thiết với tôi. Cố vẽ lại vài nét con người trước kia của cha, cha không chết nhưng chúng tôi đã mất cha một chút rồi. Tôi sẽ hỏi những người xung quanh cha, những người thân của cha, sẽ tìm hiểu thêm về quê hương của cha, như tôi vẫn từng làm khi viết báo.
Trước đó tôi đã dự định đi Việt Nam làm phóng sự nhân dịp kỷ niệm trận Ðiện Biên Phủ vào tháng Tư năm 2014. Ðó là một dịp rất thuận tiện. Một hạn thời gian cần tôn trọng, những suy nghĩ nghiệp vụ, tất cả khiến tôi an tâm. Tôi muốn lợi dụng để thu thập thông tin về gia đình bên nội. Việc này có vẻ không phức tạp lắm đâu, ấy vậy mà...
Tìm lại các cô dì chú bác ở miền Bắc có nghĩa là tôi sẽ nối lại với gia đình của cha tôi, những người mà tôi luôn cảm thấy xa lạ. Tôi sẽ gặp lại họ trong lúc cuộc sống của tôi bị xáo trộn bởi cái tang của con gái tôi. Làm sao có thể liên lạc với người cô họ ấy? Cô ơi, thật ra là con gái cháu đã mất, cháu đã lấy tên cô đặt cho nó, cô không trách cháu chứ?
Và thêm vào đấy là rào cản ngôn ngữ. Tiếng Việt tôi không nắm được, câu chữ của nó tôi vật vã chống lại, như cha tôi chỉ còn nói được “a-o-ter”. Tôi dự định sẽ nhờ mẹ tôi làm “trợ lý”. Mẹ sẽ giúp tôi lấy hẹn, phiên dịch cho tôi. Mẹ sẽ là hướng dẫn viên của tôi.
“Con ơi, mẹ nói chung làm được mọi thứ vì con, nhưng cái này có vẻ là nhiệm vụ bất khả thi, vì trong họ Bùi, người ta kiệm lời lắm. Bà nội trước khi qua đời có tâm sự một chút với mẹ. Con biết không, khi gia đình cha con ở trong rừng, bà nội đã mất một đứa con nhỏ. Con gái. Có 2 tuổi thôi. Mẹ không biết tên là gì. Cha con không bao giờ nói đến.”
Ðó là một dấu hiệu. Một kết nối giữa bà nội tôi và tôi, sợi dây vô hình nối những người cha người mẹ có con yểu mệnh. Tôi bám vào đứa trẻ đã chết ấy, như thể nó song sinh với đứa con gái nhỏ đã qua đời của tôi. Tôi cảm giác được an ủi khi nghĩ tới linh hồn tội nghiệp đó mà tôi không biết tên, biết chuyện, và cuộc đời ngắn ngủi bị cho là không đáng được kể ra. Chỉ mỗi bà nội tôi là biết: Khoảng trống toang hoác trong bụng, nỗi đau mà người ta muốn dìm đi.
Một câu hỏi trở đi trở lại: Tại sao lại rừng? Tôi gửi mail cho cô B, một người em gái của cha tôi, người duy nhất biết tiếng Pháp. Tôi vào Google gõ từ Fort-Bayard, thành phố nơi cha tôi sinh ra. Không còn nữa Fort-Bayard, hạt confetti của đế chế Pháp, tô giới ngắn ngủi, một thời từng là điểm nóng của giới buôn thuốc phiện. Thành phố từ ấy mang tên là Zhanjiang, theo Wikipedia, ngày xưa nó tên là Kouang-Tchéou-Wan, toàn những từ khó đọc mà tôi quên ngay lập tức. Tôi thích cái tên Fort-Bayard hơn.
Gia đình của cha tôi rời Trung Quốc vào năm 1945. Năm mà Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Cha tôi 3 tuổi. Trong tài liệu hành chính của Pháp, cha tôi khẳng định đã đi thẳng từ Trung Quốc tới Hà Nội nơi cha sẽ sống cả thời thơ ấu. Một lời nói dối? Mẹ tôi cam đoan với tôi là cha có rất ít kỷ niệm về Thủ đô. Mẹ tin là gia đình cha đã đi bộ về Việt Nam. Thế nên, rừng có lẽ là khu vực cây cối rậm rạp nằm ở biên giới Việt-Trung. Nhưng tại sao lại đi một hành trình dài như thế?
Tuy vậy, một hôm, cô B gọi điện cho mẹ tôi. Ðầu tiên cô không muốn nói, nhưng một khi van đã mở, thì ào ào như thác. Hôm sau, cô lại gọi nữa. Rồi thành thói quen. Tối nào hai người phụ nữ cũng kể cho nhau những tâm sự về quá khứ. Cha tôi không nhận thấy điều gì cả. Cha xem vô tuyến trong khi mẹ ủ mưu ở điện thoại. Ván cờ xa xưa và truyền kiếp lại bắt đầu. Ðàn ông thì im, còn đàn bà thì nói. Họ kể chuyện cho nhau nghe. Bằng giọng rất nhỏ. Với cô tôi thì thầm là thói quen. Tất cả đều bí mật, tất cả đều ngụy trang. Câu chữ bao giờ cũng cấm kỵ. Thế rồi, một hôm, cô không đừng được nữa.
Cô thú nhận.
Bí mật của gia đình.
Bí mật mà cha tôi đã giấu mẹ tôi trong bốn mươi năm chung sống vợ chồng.
“Rừng”, đó là chiến khu.
Ông nội tôi từng là Việt Minh.