Worrying does not empty tomorrow of its troubles. It empties today of its strength.

Corrie Ten Boom

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
21. Có Thể Là Cái Gì Được Nhỉ?
ó thể là cái gì được nhỉ?” tôi nghĩ
Shintaro Komada (58)
Ông Komada đã làm việc tại một ngân hàng lớn ở thành phố cho đến 50 tuổi rồi chuyển sang làm cho một hãng bất động sản thuộc ngân hàng. Khi đến hạn về hưu ở tuổi 53, ông vẫn ở lại làm (thậm chí trông ông Komada có vẻ còn xa mới đến tuổi hưu trí). Hiện ông đang quản lý mảng kinh doanh phòng triển lãm nghệ thuật của họ. Không có kinh nghiệm trước đó nhưng trong sáu năm hành nghề ông đã dần thích thú với những doanh vụ kiểu này. Ông thích xe hơi và thường lái xe đưa vợ đến bảo tàng vào những ngày nghỉ lễ.
Là hình ảnh điển hình của một người làm việc trong ngân hàng, ông cho tôi ấn tượng là một kiểu người nghiêm túc: chịu khó, người của gia đình, sống lành mạnh. Có vẻ như ông cũng nghiêm túc như vậy với “sự nghiệp thứ hai” của mình. Như ông tự nói, ông có “bản chất kiên trì”. Không may là điều đó còn có nghĩa là ông đã kiên trì ngồi gần các gói sarin ngay cả sau khi ông bắt đầu cảm thấy khó chịu – “Chỉ còn một chút nữa là đến ga của mình thôi mà,” ông nghĩ – do đó ông phải gánh chịu những thương tổn nặng nề. Điều đã cứu ông, ông nói, là ông ngồi: “ngược gió” với các gói sarin. Nếu không ông sẽ còn bị tồi tệ hơn nữa.
o O o
Từ Tokozawa, tôi đáp tàu điện ngầm tuyến Seibu đến Ikebukuro, rồi tuyến Marunouchi đến Ginza, và từ đây đến Higashi-ginza trên tuyến Hibiya. Mất một giờ hai mươi phút. Tàu luôn chật đầy người. Tuyến Seibu đặc biệt tệ. Từ Ikebukuro đến Ginza là cả một cuộc giành giật mệt mỏi, nên tôi chờ một hai đoàn tàu đi qua để lên được một chuyến tàu vắng vẻ. Tôi ghét phải giành giật chỗ ngồi, nên tôi cần phải chắc là mình ở đầu hàng chờ. Tôi thường lên cửa đầu tiên của toa thứ hai.
Ikebukuro là bến cuối tất cả nên khi tàu đỗ, hành khách đều xuống hết. Sáng hôm bị đánh hơi độc lại có rất ít hành khách xuống. Nhưng cũng từng có một vài ngày như vậy nên tôi cũng không bận tâm để ý tới.
Khi hành khách đã xuống, các nhân viên nhà ga kiểm tra bên trong các toa. Chỉ là để đảm bảo không ai bỏ quên thứ gì trên tàu. Nếu không có gì thì là “Tất cả lên tàu.”
Đáng tiếc, rất rất đáng tiếc là người kiểm tra toa xe hôm mà tôi đi ấy chỉ là nhân viên bán thời gian: một cậu trẻ tuổi mặc áo vest, không phải nhân viên nhà ga chuyên trách. Ca sáng thường đầy các sinh viên làm bán thời gian. Họ mặc áo vest của Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm chứ không phải đồng phục xanh lá cây. Có một bọc giấy báo cạnh góc ghế ngồi bên phải, ngay trước mặt tôi. Chính mắt tôi nhìn thấy nó mà. “Có thể là cái gì được nhỉ?” tôi nghĩ nhưng nhân viên nhà ga cứ để cho hành khách lên tàu, không làm gì hết. Anh ta hẳn phải trông thấy cái bọc rồi, dù anh ta không thừa nhận. Nếu anh ta dọn cái bọc đi ngay thì thương tổn sẽ ít hơn nhiều. Thật đáng tiếc.
Như thế là đoàn tàu vẫn rời ga và mang theo cái bọc. Tôi cho là mình may khi không ngồi hướng thẳng tới bọc sarin mà ngồi ở ghế bên trái, cho nên không ở “cuối gió”. Sau hai hay ba phút, đoàn tàu lăn bánh.
Đầu tiên có ai đó nôn, và tôi nghĩ: “Hẳn là tại cái đùm báo ở cạnh cửa kia rồi.” Đùm báo và vùng xung quanh nó sung sũng ướt. Dù có xem chuyện này ra sao chăng nữa thì việc nhân viên nhà ga không làm gì cả với cái bọc anh ta rõ ràng trông thấy là đi ngược lại lẽ thường. Tàu chạy được một lúc, mùi bắt đầu bốc lên. Tôi đã nghe ai đó bảo rằng sarin không có mùi thơm nhưng cái này thì có. Chẳng hiểu sao nó lại có mùi hơi ngòn ngọt như xirô. Tôi gần như còn nghĩ là mùi nước hoa, không khó chịu chút nào. Nếu nó thật có mùi ghê ghê thì mọi người đã nháo lên rồi. Mùi ngòn ngọt như xirô – nó là như vậy.
Tàu tiếp tục chạy – Shin-otsuka, Myogadani, Korakuen – và đến mạn Myogadani thì nhiều người bắt đầu ho. Dĩ nhiên tôi cũng ho. Ai cũng bịt mùi soa lên miệng hay mũi. Một cảnh tượng rất kỳ cục, khi ai cũng ho giật lên cùng lúc. Theo như tôi nhớ, hành khách bắt đầu xuống ở Korakuen. Gần như đồng thời, mọi người cùng mở cửa sổ. Nhức mắt, ho, nói chung là thảm hại… Tôi không biết mình bị sao nữa, cái này quá là lạ, nhưng rốt cuộc tôi vẫn đọc báo tiếp như thường lệ. Đây là một thói quen đã lâu.
Khi tàu đỗ ở Hongo-sanchome, năm sáu nhân viên nhà ga lên tàu. Giống như họ đã nhận được tin và chuẩn bị sẵn sàng rồi vậy. “À, đúng, nó đây.” Họ dùng tay trần nhặt cái bọc đi. Lúc này sàn toa đã đẫm sarin nhưng họ chỉ làm mỗi việc đem cái gói đi và có lẽ lau vội sàn toa một chút. Đoàn tàu lại mau chóng chạy. Ở Ochanomizu, năm sáu nhân viên nhà ga khác lại lên tàu và lau sàn xe một lần nữa bằng giẻ.
Từ đây trở đi, tôi ho khủng khiếp, tệ đến nỗi tôi hầu như không đọc nổi báo. “Chút nữa thôi là đến Ginza,” tôi tự nhủ, “hãy cố chịu đến hết chuyến.” Tôi đã không thể giữ được cho mắt mở. Gần Awajicho, tôi nghĩ thầm, “Vừa xảy ra điều gì đó kinh khủng đây,” nhưng tôi vẫn cố bám trụ cho tới Ginza. Không hiểu sao tôi đã chịu đựng được chỉ bằng cách nhắm mắt lại. Tôi không bị đau đầu dữ dội hay nôn ọe hay thứ gì đại khái như thế, nhưng đầu óc tôi lơ ma lơ mơ.
Khoảng chừng tới Ginza, khi mở mắt ra, tôi nhận thấy bên trong toa xe tối om như mực, ngỡ như đang ở trong rạp xinê. Khi xuống tàu ở Ginza, tôi thấy chóng mặt, nhưng bằng cách nào đó tôi vẫn loạng choạng leo lên cầu thang được, bám lấy tay vịn, biết mình có thể ngã bất cứ lúc nào.
Đáng lẽ tôi đã chuyển sang tuyến Hibiya nhưng lại nghe thấy thông báo: “Do sự cố, tuyến Hibiya tạm hoãn.”
“Vậy là ở đó cũng có sự cố,” tôi nghĩ. “Là gì thì cũng thế. Chẳng phải riêng mình ta.”
Tôi muốn ông hiểu cho một điều là nếu thấy cực kỳ đau đớn hay nôn mửa hay thình lình không trông thấy gì thì tôi đã lao như chớp ra khỏi đoàn tàu ngay, nhưng nó lại không như vậy. Nó lan đi trong người tôi khá là chậm, nên phải đến Ginza, tôi mới rơi vào tình trạng đáng sợ. Tôi chưa từng bị ốm nặng hay nằm viện bao giờ. Tôi luôn mạnh khỏe. Có lẽ vì thế mà tôi mới cưỡng lại nó lâu đến thế được.
Đến tận sau khi tôi xuống, tàu vẫn tiếp tục chạy. Lẽ ra họ nên ngừng nó lại ở Hongo-sanchome hay Ochanomizu rồi mới phải. Hành khách đã náo loạn đến thế, làm sao họ lại không biết rằng đang có điều gì đó cực kỳ không ổn cơ chứ? Dù gì đi nữa, nửa giờ trước khi tôi bắt chuyến tàu ấy, ga Kasumigaseki đã hoàn toàn rối loạn rồi. Họ biết họ gặp khủng hoảng thì lẽ ra nên dừng đoàn tàu lại và cho tất cả hành khách xuống. Lẽ ra họ đã có thể giảm bớt thương tổn. Đây là một sơ suất nghiêm trọng. Thông tin giữa các bên hoàn toàn không đến được với nhau.
Dù sao tôi cũng đã bò lên cầu thang. Tôi biết mình phải ra khỏi đây không thì sẽ chết. Lúc ấy một cảm giác kinh hoàng tuyệt đối bao bọc lấy tôi. Cuối cùng tôi đã xoay xở lên được trên mặt đất và biết mình phải mau mau đến bệnh viện. Tôi nghĩ mình sẽ đi bộ đến bệnh viện ở Ginza nhưng nó ở khá xa. Nếu đi đường chính trên đại lộ, có khi tôi sẽ ngã úp sấp mặt xuống đất, cho nên tôi đi vào con phố đằng sau, thong thả, thong thả, nghiêng ngả như một tay say. Tôi thấy bên trong tối sầm và mờ mịt, cả thời gian đó tôi nghe thấy xe cứu thương và xe cứu hỏa, còi hú và chuông. Người người đang tán loạn. Tôi nhớ là đã nghĩ, “Mình gặp rắc rối to rồi đây.”
Tôi đến văn phòng và nhờ một đồng nghiệp đi với tôi đến bệnh viện. “Đi với tôi nhé,” tôi nói. “Tôi không nhìn thấy gì mà đi.” Có hai ba người cùng triệu chứng như thế ở bệnh viện. Tôi bảo cô y tá ở bàn tiếp tân, “Tôi không nhìn được,” nhưng tất cả những gì cô ta nói chỉ là, “À, vâng, nhưng đây không phải là bệnh viện mắt.” Không hề nhận thức được gì hết. Nhưng nhiều người khác cũng đến trong tình cảnh như tôi và khá nhanh sau đó tivi đã oang oang lên các chi tiết về triệu chứng của những nạn nhân sarin. Tuy chậm nhưng hiển nhiên là bệnh viện cũng đã nhận ra là hiện tại đang có một cuộc khủng hoảng. Họ kê các giường nằm tạm ở ngoài chỗ kê ghế sofa của khu vực tiếp tân và bắt đầu truyền máu. Chẳng mấy chốc sau đó các thư fax với thông tin y học đã được gửi đến.
Sau đó tôi được chuyển đến một bệnh viện khác và ở đó bốn đêm. Dần dần mắt tôi đỡ hơn và đến ngày thứ hai tôi đã có thể nhìn mọi cái khá bình thường, có điều trán và thái dương tôi đau dữ dội. Tôi hầu như không ngủ được chút nào. Tôi thức suốt đêm, chỉ ngủ được hai hay ba tiếng. Tôi chấp nhận ý nghĩ rằng nếu cứ thế này thì có thể mình sẽ không bao giờ trở lại đi làm được nữa. Mọi tin tức tôi nghe được đều xấu. Đã có ba bốn người chết hay sống thực vật.
Hai ngày sau khi ra viện tôi lại đi làm và tôi bảo đảm với ông là tôi không còn đủ sức trở lại văn phòng! Tôi cảm thấy lờ phờ, dễ mệt. Tôi không thể nhớ được cái gì. Ngay cả trong những việc đơn điệu hàng ngày, tôi cũng phải nghĩ, “Cái này làm lại thế nào nhỉ?” Nhưng kỳ lạ và đáng buồn là tôi không có bằng chứng gì rằng sarin là thủ phạm. Tất cả chuyện này vẫn khiến tôi căng thẳng. Tôi không thoải mái nếu phải đi đâu bằng xe hơi. Vẫn không chắc lái xe có thực sự ổn không nữa?
Một thời gian tôi sợ đi tàu điện ngầm, nhưng không còn lựa chọn nào khác nên đành ép mình đi. Ngay cả bây giờ tôi cũng không thích nhưng phải đành thôi. Sau khi trải qua một chuyện như thế, nỗi sợ hãi khi phải ở trong một cái hộp kim loại dưới lòng đất để rồi một điều tồi tệ xảy ra luôn choáng ngợp mình, nhưng một người làm thuê thì phỏng còn chọn được gì khác nữa? Không có cách nào khác để mà đi làm cả.
Khi nghe điều mà băng Aum bào chữa cho chúng, tôi giận, điên tiết lên. Tại sao chúng phải nhất loạt giết những người hoàn toàn vô tội vì hắn [Asahara] thích thế? Bảo tôi nên làm gì với cơn điên này đi? Tôi muốn thấy cả lũ bọn chúng bị xét xử, tuyên án và bị khử đi càng nhanh càng tốt.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm