Số lần đọc/download: 1914 / 61
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Chương 21
N
hờ sự săn sóc của Vân và chị Phụng mà tôi và Hoàng Việt đi khá hơn trước nhiều. Ăn uống không tệ như trước. Và mỗi lần hơi chớm sốt hoặc đau bịnh gì khác thì Vân moi thuốc ra chặn bệnh ngay. Chính sách của ông dược sĩ là phòng bệnh hơn chữa bệnh, và ăn ngon ăn đủ là cha thầy thuốc.
Đi được năm sáu trạm liền không bệnh, cũng không bỏ cuộc, tôi và Hoàng Việt phấn khởi vô cùng. Đường đi không có dốc cao. Chỉ vừa đủ mệt thôi. Nhưng dọc hai bên đường thì người rụng càng đông. Không có chặng nào là vắng người treo võng nằm hai bên đường. Có người băng tay băng chân, có người phù thũng, có người vàng như nghệ từ mặt mũi đến tay chân. Tôi có cảm tưởng như da họ bị thoa nghệ hoặc túi mật đã vỡ ra mà thấm tận ngoài da vậy. Thấy mà kinh hãi, không dám ngó lâu. Họ nhìn đoàn đi qua với những cập mắt hầu như không có tí xúc động vui buồn nào. Hình như họ đã chán kêu gào, van vỉ rồi, nên không buồn nữa. Tất cả: mặc kệ.
Một buổi chiều, giao liên dừng lại ở ven sông. Con sông không rộng cũng không nhỏ. Đối với người biết bơi như tôi thì chẳng ăn thua gì. Tôi có thể bơi “sải” vài cây số nhưng đối với các anh bạn Miền Bắc thì đó là cả một vấn đề nan giải.
- Sông gì đây?
- Đừng hỏi!
- Đến khu 6 chưa?
- Không được phép hỏi.
- Có kí-nin cho xin vài viên.
- Hết rồi.
- Chừng nào phát gạo?
- Chừng nào có thì phát.
- Có bệnh viện gần đây không?
- Không ai hỏi như vậy trên đường này. Câu hỏi là: Chết có ai chôn không?
- Hôm nay là ngày mấy?
- Ngày hôm nay giống ngày hôm qua và sẽ không khác ngày mai.
Đó là một mẫu đối thoại mực thước và bình thường nhất trên con đường này. Bất kỳ ở chặng nào, giữa giao liên và khách, hay giữa khách với nhau, người ta cũng đều có thể nghe đoạn đối thoại này. Tốt nhất là đừng hỏi gì hết. Đừng suy nghĩ gì hết. Ngay cả chuyện Bác Mao cạo đầu và kết tội chú Lưu, – người cùng với Bác Mao thành lập Đảng Cộng sàn Trung Quốc – là phản đảng – mà chỉ nên gằm đầu đi theo câu thơ đã được thời đại này lấy làm lẽ sống:
Bác bảo đi là đi (Bác bảo leo là leo)
Bác bảo thắng là thắng (Bác bảo chết là chết)
Anh giao liên bảo tất cả các đoàn.
- Các đồng chí nằm đây, chờ giao liên trạm trong ra rước – Anh ta còn dặn thêm – Các đồng chí nên đào hầm trốn máy bay. Hai bờ sông thường bị bắn luôn!
Nói vậy rồi đi.
Tôi hỏi với theo:
- Chừng nào thì giao liên trong đó ra, đồng chí?
- Chừng nào họ ra thì họ ra tôi không biết!
- Ê, đụ bà thằng kia, mày nói kiểu đó một năm được mấy lần vậy mậy? Đứng lại mầy! Trở lại bảo mày. Đi, tao bắn bỏ mẹ!
Một ông nhà binh quát tháo.
Anh giao liên chầm chậm quay trở lại. Ông nhà binh nói:
- Cậu được Đảng giao cho dắt đường phải không? Cậu dắt mấy trăm con người ta tới đây là đâu không ai biết cả. Cậu phải mời các trưởng đoàn đến cho biết địa hình địa vật, phương hướng, vi trí của địch cách đây bao xa, nếu địch xuất hiện hướng nọ hướng kia thì phải chạy đường nào chứ. Cán bộ từ Bắc vô đây đâu có phải là cá ươn chuột chết mà cậu muốn vứt đi đâu thì vứt.
Anh giao liên trả lời tỉnh bơ:
- Tôi có biết gì đâu mà cho các ông biết. Tôi chỉ có nhiệm vụ đưa các ông từ trạm đó vô tới mé sông này rồi trở về. Địch ở đâu, xuất hiện hướng nào tôi đâu có biết. Ở trên giao tôi ở đây cũng không có nói gì cả.
Ông nhà binh đang giận bừng bừng bỗng xuống nước ngay:
- Thôi được rồi, đi đi!
Nhiều người đã bọc ba-lô bằng tấm ni-lông để dành choàng đi mưa ném xuống nước nổi phình như bao tử trâu rồi ôm nó đập tầm vũm qua sông. Chỉ loáng mắt là họ đã qua bờ bên kia. Tôi nói với Hoàng Việt:
- Chém chết, mấy thằng đó cũng là dân Nam kỳ.
- Sao mày biết.
- Để rồi anh coi. Cuối cùng mấy thằng còn sót lại ở bờ bên này đều là cá rô cây cả!
Hoàng Việt nói:
- Bắt chuồn chuồn cho cắn rún tụi nó là biết bơi ngay.
Chúng tôi bàn kế hoạch “vượt sông Hoài của Lưu Bá Thừa.” Vân nói:
- Tụi mình và bà Phụng thì qua dễ rồi, nhưng còn đám nữ binh kia kìa. Ai mà cõng lội sông cho được.
Tôi sực nhớ chiếc cầu dây ở mấy trạm ngoài. Nhưng khoan đã, trước khi nhắc lại chiếc cầu ấy, tôi muốn nói với những tên to đầu như thế này. Chúng bay chẳng may nắm được quyền hành và điều khiển cả một dân tộc. Trước khi làm một việc gì thì hãy cân nhắc cho kỹ lưỡng và trong khi thi hành việc đó phải cho người đi kiểm tra. Cái ban kiểm tra của Nguyễn Lương Bằng ăn hút ở Hà Nội có biết đâu trên đường này lính tráng và cán bộ hành quân chiến đấu như những tội đồ sắp ra bãi chém.
Có quân đội nào hành quân kỳ cục như lũ lính quân đội nhân dân vào những năm 1962-75 trên đường này không? Không có một thứ phương tiện gì hết cả ngoài hai bàn tay và một con dao cùn. Vậy mà bên cạnh đó còn một bầy đàn bà con gái.-Phải tìm cách sống. Phải tìm cách tự tồn. Lạ thật. Trước mặt là sông, sau lưng là núi trong ba-lô mấy viên kí nín, trong ruột tượng mấy hạt gạo còm.
Chúng bay là lũ sát nhân. Chúng bay là tội phạm. Con đường này mãi mãi còn là vết máu vắt ngang lịch sử. Và chừng nào chúng bay chưa đền tội thì oan hồn Trường Sơn sẽ còn réo gọi tên chúng mày. Hằng triệu oan hồn bay vất vưởng chưa tan đêm đêm vây quanh đầu giường chúng mày!
Chiếc cầu dây lưng lơ bắc qua hai mỏm.núi. Không biết do bàn tay gan góc nào. Đây chỉ là một sáng tác của một nhà tài tử chứ không phải của công binh. Khi hai anh lính khiêng nòng súng cối đi đến giữa cầu thì một sợi dây đứt ngang. Thân cầu làm bằng một cái rễ cây hay dây gì không biết, chúng đan lại với nhau như mặt võng, trên đầu thì có tay vịn, Mỗi đầu dây được quấn nhiều lượt vào thân cây ở hai mỏm núi. Không biết nó đã được bao nhiêu tuổi rồi. Nhưng đến hôm đoàn chúng tôi dùng để qua suốì thì nó hãy còn nên thơ lắm… Chúng tôi đi từng người một. Chiếc cầu lắc lư rất nên thơ. Chỉ vừa đủ để tim run thôi chứ khó ngã. Chúng tôi chụp hình, chúng tôi vỗ tay mỗi khi một đứa vừa qua khỏi cầu. Có cả máy quay phim làm việc: Dưới dạ cầu nước chảy trong veo in hình bóng của đoàn dũng sĩ.
Nhưng khi hai anh pháo binh tha nòng pháo đi qua thì bài thơ cầu dây cụt vận đứt ngang vần, với những âm thanh hãi hùng của những người bước hụt chân, của nòng pháo rơi xuống lòng suối đá, của những người nằm dưới nước bị vỡ đầu gẫy chân rên la. Người trên bờ dòm xuống chằng biết làm sao cứu bạn.
Ôi là cái cầu dây bắc ngang trời. Nên thơ lắm mà ác hại cũng ghê. Mi đã trả thù những bàn chân đạp lên thân thể mi mà tiến phải không? Họ không phải là kẻ thù của mi đâu. Họ là một đàn thú bị lùa vào tử địa mà mi chỉ là phương tiện đưa họ tới đó thôi.
Bây giờ tới dòng sông này. Sông vô danh hay sông Gianh? Nước sông xanh ngắt rất nên thơ. Nhưng không khác gì chiếc cầu dây kia. Nó sẽ dìm chết người đấy. Biết đâu có những người đi trước chúng tôi đã được nước xanh xây mồ?
Có nhiều người bọc ba-lô bằng ni-lông làm phao bơi qua, xa trông lô nhô giống như những trái dừa khô trôi trên sông. Nhiều anh bộ đội tay ôm phao, tay giơ súng và bao đạn lên, chân đạp nước. Nước tủa lên trắng xóa một khúc sông. Tiếng người la hét ra lệnh hoặc khuyến khích kẻ bơi lội vang lên hai bờ sông. Trời chiều bãng lãng. Ánh nắng rắc đầy mặt sông làm cho đoàn lữ khách thấy ấm lòng đôi chút. Đứng trên bờ nhìn chẳng khác nào xem một cuộc lội đua.
Vân nói:
- Mấy thằng nhãi ranh háo thắng nhưng không có kinh nghiệm. Đi mệt, nhảy xuống nước ngay, bị trúng nước hoặc bị vọp bẻ bỏ mạng cho coi.
- Sao mày không nói với mấy cha chỉ huy dùm chút?
- Ai mà chỉ huy nổi chúng nó mày ơi! Mình cứ nghỉ cho ráo mồ hôi chừng nửa tiếng đồng hồ rồi sẽ lội. – Vân bảo đội nữ binh – Các cô rút hết cả dây võng đưa cho tôi; bỏ ba-lô vào ni-lông túm lại và buộc thật chặt để nước không vô được bên trong. Buộc rất nhiều ngoai. Ra tới giữa sông mà dây sút ra thì chết chìm. Chừng nào tôi ra lệnh mới được xuống nước!
Rồi Vân chuẩn bị đồ đạc phổ biến kế hoạch vượt sông cho chúng tôi. Xong Vân nối tất cả những sợi dây võng lại – tất cả là hai mươi tám sợi dây ni-lông, mỗi sợi dài mười thước có thể chịu một sức kéo ba trăm kí lô. Vân buộc một đầu dây vào một gốc cây còn đầu kia thì buộc vào lưng.
- Nó giở súng lên hết nổi. Nó chìm rồi! – Có tiếng la thất thanh.
- Cái phao bị thủng chớ gì!
Một ông, có lẽ là chỉ huy, dậm chân hét:
- Hai thằng kia trong tổ tam tam bươn lên tương trợ! Mau lên? – ông ta rút còi thổi om nhưng chẳng ai thi hành lệnh của ông cả.
Cái “thằng gì” càng ngày càng lún xuống nước. Ông chỉ huy quát:
- Vứt súng đi, vứt!
Cái “thằng gì” buông súng nhưng vẫn cứ chìm dần.
- Nó bị vọp bẻ rồi! – Vân vừa nói vừa tụt quần áo, chỉ còn quần đùi, phóng ào xuống sông. Vân ra đến nơi thì cái đầu của thằng kia vừa tụt xuống khỏi mặt nước. Vân giơ tay ra nắm chỏm tóc lội xốc đứng một hơi vô tới bờ bên kia.
Vân kéo thẳng buộc đầu dây kia vào gốc cây rồi vẫy tay ra hiệu cho đoàn vượt sông. Chị Phụng và các cô cởi xiêm y còn lại đồ tắm biển, lần lượt xách những túm đồ đi xuống mé sông rồi từ từ trầm mình xuống nước một cách trật tự.
Đám lính trừng trợn chắc lưỡi hít hà, mỗi người mỗi ứng khẩu loạn xà bì cả lên, Nam lẫn Bắc, trẻ lẫn già.
- Họ triển lãm cả mặt cả mũi chúng mày ạ!
- Ối giời tiên đâu mà cả bầy thế kia.
- Để tao “lông-giông” theo làm cá leo như Trư Bát Giới coi!
- Lâu quá không thấy mấy cái bánh bò bánh bèo đó.
- Tao bây giờ mà nhảy xuống nước thì nghe cái “xèo” như sắt nướng.
- Em ơi! Có bạc lẽ cho oa mượn hai… ngà… đồng.
Hoàng Việt xuống áp chót, tôi mở một dây ở gốc cây buộc ngang lưng rồi đội ba-lô đi vào nước. Ở bên kia Vân cứ nắm dây rút phăng trong lúc chúng tôi như những con thủy quái rẽ nước trườn tới. Chỉ nháy mắt chúng tôi đã qua tới bờ bên kia.
Chúng tôi lại được nghe một loạt ý kiến của các “vô ngại tướng quân” đã qua trước nhưng chưa chịu đi, còn đứng ở đây để chào đón các tiên cô.
- Em gì ơi! Em đẹp thế mà em đi chống Mỹ thì uổng quá đấy!
- Hai cái hường nhan phơi phới để cho ai?
- Các em, mới nhìn thì thấy rõ hai cái “u” điểm, còn cái “khuyết” điểm tuy giấu kín nhưng nhìn kỹ thì cũng tìm ra.
- Có em nào bệnh không, anh cõng dùm cho!
Tôi nói với Vân:
- Tao phục lăn mày đó!
- Tao đã thấy trước vấn đề cho nên tao bảo các em chuẩn bị sẵn. Mày xem đó. Vì không có kế hoạch nên mấy thằng bộ đội kia suýt chầu Diêm Vương rồi.
Chúng tôi kéo nhau đi theo con đường mòn vào khu rừng gần đó và tự tìm chỗ trú ẩn không dưới một sự hướng dẫn nào.
Chúng tôi mắc võng, căng lều và nấu cơm. Đoàn nữ binh cũng hạ trại gần bên chủ soái. Vân nói:
- Bữa nay tao đãi mày với ông nhạc sĩ một con gà.
- Giỡn hoài mậy? Mày đổi ở “buôn” nào vậy?
- Gà trong ba-lô chắc! Hoàng Việt nói.
- Ừ gà trong ba-lô chớ đâu – rồi quay qua vợ, Vân nói – Bắt con gà ra em! Mình ăn mừng qua sông an toàn!
Chị Phụng moi ba-lô lấy ra một hộp nhỏ dẹp như hộp cá mòi. Cá mòi! Tôi trông thấy và nghĩ bụng. Nhưng Vân nói ngay:
- Gà chà bông đấy mày.
- Một con gà mà ém hết trong cái hộp con đó được à?
- Ông Ba Khiêm đi Giơ-ne hội nghị với thằng Bun-Ùm ổng mua về đó.
- Gối rơm mà chồm tới Bộ trưởng Ngoại giao kia à?
- Không đâu mày ơi! Hồi lúc đó mình đâu có tới gần ổng được. Tao tới nhờ chị Ba mua sâm ở Mậu dịch Quốc tế. Chị Ba điệu lắm. Chỉ biết đứa nào về Nam chỉ cũng mua sâm dùm hết thảy. Tao quen chỉ hồi ở trong kia mà. Lâu lâu tao gởi biếu cho bà cụ tức là bà già anh Ba một chai bổ huyết lô-can của tao bào chế. Bây giờ tao tới nhờ chỉ mua đồ, chỉ còn nhắc. Chỉ cho tao hộp thịt gà này đó. Chỉ nói một con gà nạc mà nó nén vô cái hộp có bằng cái hộp quẹt thôi. Leo núi lội rừng mệt chỉ cần vít một muỗng quậy trong nước sôi bỏ ít rau rừng là có canh thịt gà ăn cơm rồi.
Vân tiếp:
- Bả nhai trầu ngoai ngoai cặp môi, nói bà chà bà chẹc:
” Các em về chỏng ráng oánh Mỹ cho mau mau để chị về nghe!
- Dạ. Ráng chớ chị Ba!
- Oánh xong Mỹ rồi oánh ai biết không?
- Dạ Pháp mình hạ xong, Mỹ diệt sạch thì còn thằng đế quốc nào dám hó hé nữa đâu mà oánh, chị Ba!
- Hạ Pháp diệt Mỹ xong tới oánh Bắc kỳ!”
Vân nói xong cười hô hố rồi lại tiếp: – Chỉ kể chuyện anh Ba đòi đập Hoan Đầu Vồ bể đầu tại Bộ Ngoại Giao cho tao nghe một cách hứng thú. Xong lại còn tiếp: Anh Ba em xin về Nam chiến đấu nhưng “Bộ chính chị” đâu có đồng ý. Chời ơi chời! Người ta đi oánh Mỹ mà không cho! Mà không cho anh Ba em đi về Nam cũng phải đó em ạ. Đó chẳng khác nào thả hổ về rừng. Họ sợ anh Ba em uất ức rồi trở cờ oánh ngược lại.
Chúng tôi đang húp canh gà và nghe chuyện tiếu lâm xã nghĩa thì một ông nhà binh tới. Trời chưa tối hẳn nên ông ta nhìn ra Vân:
- Ơ, đây rồi, anh gì ơi, làm ơn giúp em tí!
Chúng tôi bật cười vì trong đầu chưa tan câu chuyện “ba ván liền” nhưng lại nín ngay vi thấy anh ta mếu máo muốn khóc:
- Nó chìm mất rồi!
- Cái gì chìm?
- Thằng lính của em!
- Sao không buộc dây kiểu tôi làm hồi chiều.
- Chúng nó bảo như thế trông thủ công nghiệp nên chúng nó túm ba-lô rồi phóng ào xuống sông bơi. Khi qua bờ bên này kiểm điểm lại thì mất một cậu.
- Thế thì tôi biết đâu mà tìm?
- Đồng chí không biết lặn à?
- Tôi biết lặn nhưng tôi không thể lặn mò cả một khúc sông.
- Thế thì em chịu thôi. Em sẽ báo cáo là cậu ấy hi sinh trong chiến đấu.
- Lội sông mà là chiến đấu cái gì!
- Thì cũng như khiêng súng lọt xuống hố vậy thôi.
- Quân đội không có một phương tiện nào giúp cho các đơn vị qua sông hay sao?
- Ối giời muối gạo còn không đủ ăn, nói gì phương tiện. Phương tiện là hai cái chân đây này. Khổ quá, chúng em đâu có biết bơi. Cũng chả biết súng ống là gì. Thấy cây súng hãi bỏ bố!
- Ơ kìa lính tráng gì nói thế!
- Chứng em là thanh niên xung phong làm cầu đường mà. Bỗng ở trên đem súng tới phát và bắt hành quân chiến đấu. Cán bộ thì bộ đội đưa qua từ đại đội xuống tới tiểu đội. Còn thao tác súng thì vừa đi họ vừa dạy.
- Bây giờ thì làm sao vớt cậu ấy?
- Em cũng không biết làm sao!- Anh ta đứng trân một hồi rồi bỏ đi không từ giã.
Câu chuyện làm bữa ăn có canh gà hết ngon. Toàn chuyện ma quỉ gì đâu tắp vào mình không thôi.
Trời vừa sụp tối thì máy bay tới. Nó bay rà sát lòng sông và bắn trái sáng đỏ rực. Bộ đội và cán bộ hai bên bờ chạy tán loạn lủi vào rừng không còn ai lảng vảng ở bờ sông nữa. Những trái sáng lơ lửng trên không trung tủa ra như những con mắt đỏ chạch ngó xuống với những tia sáng lòa ước chừng nhìn thấy cả cây kim nằm trên đất.
- Đ.m. thế nào đêm nay cũng ăn bom trộm. Vân buột miệng thốt.
Bị chọc ngay tim, tôi gạt phắt:
- Nó không chơi cái mửng đó nữa đâu.
- Tại sao?
- Vì chẳng có thằng chì huy nào lại mang đơn vi phục kích tại nơi mình vừa đánh trận.
- Đó là chuyện đánh nhau. Còn đây là nó đánh mình và mình không phương gì đỡ.
- Nếu nó đánh đêm nay thì nó đã không bắn pháo sáng như thế. – Tôi lý luận luôn – Chẳng có tên chỉ huy nào vừa phục kích lại vừa báo cho địch biết rằng tao sắp tấn công mày. Thằng địch có đui cũng…
- Chỉ còn một cách là lui binh thôi. – Vân gạt ngang – Không nên chần chờ.
- Lui đi đâu?
- Đi xa bờ sông một chút! Đi mau, kẻo tối không thấy đường. – Vân vừa nói vừa quơ cuốn đồ đạc và quát đám nữ binh làm theo.
Hoàng Việt càu nhàu một cách vui vẻ:
- Mới bồi dưỡng gà lại bắt gà chạy!
Tôi vừa đi vừa chống chế.
- Đám bộ đội nó có đi đâu!
- Ối trời! Trông cậy vào chúng nó thì chết chùm. Tao không bao giờ hạ trại gần đám đó. Chúng là Thanh niên Xung phong bị ép cầm súng vừa bất mãn lại vừa không có một tí ý thức quân sự nào cả. Một đám người hỗn tạp như vậy vừa đi vừa rắc xác dọc đường, tới trong đó thì còn được bao nhiêu mạng. Vụ bom trộm đêm trước có lẽ cũng do sự ăn ở bừa bãi của tụi đó mà ra.
Cũng may cho chúng tôi là Vân biết hướng nhờ Vân đã đi ra đi vào hai lần rồi – nên chúng tôi không bị lạc đường và nhờ không có dốc, nên chúng tôi đã đi khá xa bờ sông khi trời tối hẳn. Ở đây có dấu vết đóng quân nhưng không còn một người nào. Vân nói:
- Từ đây vào trong thì luôn luôn phải quân sự hóa, đồ đạc phải luôn luôn gọn gàng không được phất phơ như trước nữa. Tụi nó đánh mình bằng đủ cách, kể cả biệt kích. Một trung đoàn nào đó bị phục kích, máy bay la rùm mày có nghe không? Chính tay trung đoàn phó bị bắt.
- Biết rồi!
- Nhưng chỉ còn một “cú leo” hộc máu nữa thì tới vùng thoai thoải.
- Hết núi à?
- Chỉ còn đồi.
- Vậy sắp tới Bà Rịia chắc!
- Tao đoán thế!
- Mình là Nhạc sĩ Mù (*) yêu cô tiểu thư nhưng không bao giờ biết mặt cô ấy.
( *) “Nhạc sĩ Mù là tác phẩm của P. Pavlenko người Nga.
- Hồi ở bên Bún-cà-ri anh có đi thuyền trên Danube bleu không?
- Có chứ mày, đi với mấy em!
- Nó có bằng cái con sông mình vừa phăng dây qua đó không?
- Giỡn hoài mậy!
Tôi và Hoàng Việt treo võng chung một đầu cây vì không quờ tìm được nơi nào tốt cả. Phải ở xa xa lều của Vân Phụng một tí, để cặp tình già trăng mật. Cảnh đổi thì tình cũng vọt lên (nhưng ở đâu kìa còn ở đây chắc tình xẹp lép). Bao giờ cũng vậy, Vân vẫn che kín bốn bên cho vợ ngủ nghê kín đáo và hợp vệ sinh, còn hơn Quan Công phò nhị tẩu nữa.
Tôi thấy an tâm khi nằm xa bờ sông. Cái câu đùa của tôi về sông Danube chẳng ngờ lại khơi dậy trong lòng Nhạc sĩ những nỗi niềm và hoài vọng cho nghề nghiệp và cho quê hương. Anh hút thuốc liên miên. Trước khi đi anh đã “thu mua hầu hết thuốc lá bán lẻ của Hà Nội,” xé nhỏ ra – không giữ điếu rời nữa – mà ém chặt vào một bao ni-lông. Những đĩa hát của Dalida, của Yma Sumac anh mua ở nước ngoài đem về cho anh em nghe ở nhà trường đã đời rồi bỏ lại. Cái radio nhỏ xíu của ông Mariane, giáo sư dạy nhạc của anh ở Nhạc viện Quốc gia Bungari, anh cũng để nhường chỗ cho cái túi nhựa sống này. “Tao đói thì được, nhưng không có thuốc lá thì chết sướng hơn!”
Anh đã viết xong Giao Hưởng số một, lấy tên Quê Hương khi còn học ở Bungari. Một lần nghỉ hè, mang về đưa cho dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội trình diễn ở Nhà hát lớn thành phố. Văn Cao khen anh là thiên tài. Tính anh xuề xòa dễ dãi và lúc nào cũng vui vẻ pha trò nhưng bên trong giấu kín một niềm đau vô biên về gia đình và về cách mạng.
Bạn đọc thân mến! Tôi viết những dòng này để tưởng niệm ông bạn nhạc sĩ của tôi. Hoàng Việt không còn nữa. Anh đã chết trong một trận bom ở Hậu Mỹ quận Cái Bè trên đường ra ven sông Cửu Long tìm hứng viết Giao Hưởng thứ hai của đời anh. Dù ở đoạn văn này tôi có đi xa con đường mòn một tí để cùng với anh thả hồn bay về sông Cửu Long tôi nghĩ cũng không lạc đề.
Quả bom nào liệng trúng hầm anh quả là một quả bom không có mắt và vô giá. Cho tới nay ở Việt Nam theo tôi biết, ngoại trừ Văn Cao, không có nhạc sĩ nào sáng tác tươi và phong phú như Hoàng Việt. Anh nuôi mộng lớn và ôm giấc mộng ấy xuống tuyền đài. Ở Sài Gòn hiện nay, có một nơi bán cà phê gọi là “Ca fê Hoàng Việt” tác giả của “Tiếng còi trong sương đêm” nổi danh trước 45 dưới tên Lê Trực. Bản nhạc này thuộc loại Rumba Mélodie rất được yêu mến ở các bars.
Hoàng Việt vào trường đi B như một anh lính quèn. Võng kaki, ba kí muối, một lon kho quẹt nén trong hộp ghi-gô. Đó là tất cả lương thực đảng cấp cho Hoàng Việt để vượt Trường Sơn, một nhạc sĩ đã viết symphonie. Lúc đó hình như anh mới bốn mươi nhưng tóc đã trắng hơn đen rồi. Đi học ở nước ngoài lâu thế mà về nước không có thứ gì mang theo cả, kể cả một cái pickup để nghe nhạc cũng không. Và vẫn gầy, gầy nhom như hồi kháng chiến Nam Bộ.
Nước ngập đồng xanh lúa chết
Gió mưa sụp đô mái nhà
Bao nhiêu gia đình tan hoang
Đau thương lệ rơi chứa chan
Anh đi chiến đấu sa tràng
Còn em gánh lúa trên ngàn
Lúa trên ngàn nắng phơi chang chang
Bàn chân dẫm gai lòng không thở than
… Bao giờ kháng chiến thành công
Anh về em thỏa ước mong.
Nhớ vợ nhớ con, ở chiến khu D Hoàng Việt viết bài Lên Ngàn này. Cô gái gánh lúa đó là hồn của hiền thê ở Sài Gòn hiện ra chiến khu với chàng. Nhưng sự thực thì nghìn trùng xa cách. Và cách mãi.
Ra Hà Nội nghèo lắm. Hoàng Việt không có cả xe đạp, mỗi lần đi đâu phải mượn của ông bạn nối khố Đồng Tháp Mười và đồng hương Mỹ Tho là Đạo diễn Trần Thiện Thanh, (em thúc bá của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm). Nay cả hai đều hội ngộ dưới suối vàng. Nhà đạo diễn cũng đã chết.
Thanh bảo: “Nó – tức Hoàng Việt – chạy nhong nhong như con chó đói khắp thủ đô, chẳng ai thèm ngó.” Tài hoa mà chi! Kháng chiến, hi sinh, xung phong mà làm con mẹ gì cho chết thân mình, uổng công cha sinh mẹ đẻ. Ra Hà Nội thế này, ông biết trước ông đéo ra! Nhưng mà đã lỡ ra rồi, về không được mà ở thì buồn đến muốn tự sát.
Một hôm, Hoàng Việt đến cái ga-ra của tôi (tôi ở chung với một thằng bạn cũng nhà vãn – bây giờ làm tới chủ tịch Hội Văn nghệ hay Hội Nhà văn gì đó) đưa cho tôi tờ giấy, bảo:
- Ê mày Xuân Vũ, coi lại dùm lời bài tình ca của tao mới làm chút, để tao đi thu kiếm sáu đồng ăn phở coi! Cơm cơ quan xót ruột quá!
Tình ca ( 1956)
Khi cất lên tiếng ca gởi về người yêu phương xa
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
Chim bay giăng giăng ngoài nắng Xuân đẹp thay
Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây
Em hãy nở nụ cười tươi xinh
Như đón chào riêng anh
Nói nhau ngàn lời qua đôi mắt xanh
Bến nước Cửu Long còn đó em ơi
Bãi mía nương dâu còn mãi muôn đời
Làm một bài tình ca của đôi lứa ta
Không thể xóa nhòa.
Còn một câu “Đập tan bao đau khổ và chia ly” nhưng tôi không nhớ nó nằm ở khoảng nào. Tôi có chữa “dùm” anh một chữ, nhưng cũng không nhớ là chữ nào. Bài hát được ca sĩ số một của Đài Phát Thanh Trần Khánh hát đầu tiên và hát đi hát lại trong chương trình “Nhạc yêu cầu của thính giả” mỗi tuần.
Về sau “ở trên” bảo Tình Ca là “tiếng nấc của tiểu tư sản, thiếu tính chất chiến đấu” và cắt dần dần không cho hát thường xuyên nữa trong khi đó lại cho hát bài “Lực lượng ta hùng cường” cũng của Hoàng Việt, bản nhạc được giải nhất trong cuộc thi Ca Khúc của Đài Phát Thanh lúc bấy giờ.
Lực lượng ta hùng cường
Vững như núi Trường Sơn
Đứng bên Thái Bình Dương
Bao ngàn đời giữ an Tổ quốc
Lực lượng xây bằng máu
Đã giành lấy thắng lợi sau cùng
Theo lá cờ của Đảng tiền phong...
Một hôm khác Hoàng Việt lại đến, than thở:
- Kẹt quá mày ạ! Có mấy cô nước bạn đến thăm trường âm nhạc, tao phải chường mặt ra đón tiếp (Hoàng Việt rất ghét lễ lộc hội họp) nhưng tao không có quần áo. Coi nè, (dép cao su, áo bộ đội ba mươi sáu đường gian khổ. Hoàng Việt được phong quân hàm thượng sĩ hay chuẩn úy gì đó) như thế này mà đón tiếp ai? Tôi bảo:
- Tôi không có giày, chỉ có cái áo “câu tôm” đây thôi (tức là áo Tây cũ mèm).
- Ở đâu mày có vậy?
- Mới mua ở chợ Trời để bận ngủ, lạnh quá, chịu không nổi anh ạ!
Hoàng Việt tròng vào. Cũng may coi tạm được. Anh mặc luôn rồi cười như nắc nẻ: Còn cái cà vạt nữa. Tìm đâu ra? Đến ông “đạo” Thanh thì chắc có. Hoàng Việt mượn luôn cái áo câu tôm của tôi mấy ngày liền để đi “nhảy” đầm với mấy cô bạn ngoại quốc.
Bỏ cái nghèo lại Hà Nội, vào đây gặp cái đói và cái sốt. Huề vốn! Tôi thấy Hoàng Việt hút thuốc liên miên, nên hỏi:
- Túi nhựa cạn nửa chưa?
- Quá Nửa (*) rồi Người Miền Nam (**) ơi!
(*) Tập truyện thứ hai của tôi, xuất bản ở Hà Nội bị cắt bài đầu tên là “Giới tuyến im lặng.” Sách bắt đầu bằng trang 17 với lời xin lỗi của Nhà xuất bản: “thợ in xếp nhằm số trang!”
(**) Tập truyện cuối cùng của tôi in trên Miền Bắc.
- Chưa thấy sóng Danube Xanh sao rít hoài vậy? –
- Tao đang travailler cho một cái Thème về Cửu Long Giang.
- Giao hưởng hay ca khúc?
- Hoàng Việt No 2. Há há…
- Trình bày ở Sài Gòn?
- Ở tiệm nhảy.
- Tiệm nào?
- Tiệm nhảy Hoàng Việt! Nè mày! Mày có muốn nghe tao hút gió một đoạn không? Đã lắm. Chỗ này thì phải đi bè hai bè ba.
- Có lời không?
- Có càng hay. Vô tới nơi tao chép nhạc ra cho mày làm lời nghe.
Thì ra Hoàng Việt đã thai nghén từ nước ngoài và viết những chương giao hưởng trên đường Trường Sơn. Anh nói:
- Cửu Long của mình dài hơn Danube mày ạ! Bốn ngàn cây số phải không? Tao phải viết một cái cho ra hồn. Cửu Long của mình rất đẹp và rất hùng vĩ, thế mà mình chưa có tác phẩm nào. Nước mình có nhiều sông. Sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long, sông Lô.
- Sông Hồng thì có Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận rất hay.
- Nhưng chưa xứng với Sông Hồng, chỉ có Sông Lô Trường Ca là xứng với Sông Lô thôi!
- Anh định mần ăn to hả?
- Tao sẽ “chơi một tụ phộc túi” với cái giao hưởng No 2 này. Này nhé, mày sẽ nghe tiếng sóng reo, tiếng gió thổi, tiếng hò Mỹ Tho man mác trên sông với nhịp mái chèo. Mày sẽ thấy cô em của mày trên sông nữa chứ?
- Em nào?
- Trăng!
Hoàng Việt lại châm thuốc hút. Đốm lửa đỏ rực như tâm tình của chàng nghệ si. Khuya lắm. Chứng tôi nằm im mơ màng trong mệt nhừ nhưng nghe tâm hồn sảng khoái vì lâu quá không có ai bàn chuyện sáng tác. Tôi hầu như quên hẳn mình là nhà văn. Tôi đã biến hạ thành một dấu nhạc thấp nửa giọng trên cái dòng nhạc Trường Sơn này. Tôi đã trở thành một người khác, một người suốt ngày chỉ nghĩ tới việc, cắt cử sốt, làm sao có gạo, dốc tới có cao không và v.v…