Love is like a glass door… sometimes you don’t see it, and it smacks you right in your face.

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 156
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
ột ca sĩ người dân tộc Di dẫn ta vào núi, phía sau hồ Tào, trong các làng xóm của dân tộc Di. Càng đi lên đỉnh núi càng có vẻ tròn xoe, cây cối um tùm và sum suê, toát ra một thứ mùi đàn bà nguyên thủy.
Nước da rất nâu, mũi thẳng, mắt nhỏ dài, đàn bà Di thật đẹp. Họ rất ít khi nhìn thẳng vào mặt người lạ. Ngay dù ở chỗ ngoặt của đường mòn trên núi, ngẩng mặt về anh ta, họ vẫn giữ con mắt cúi xuống và dừng lại, không một lời, nhường cho anh ta đi.
Người dẫn đường của ta đã khe khẽ hát cho ta vài bài dân ca Di, đều buồn giống như những lời than, ngay cả tình ca cũng thế.
Nếu một tối trăng em đi ra,
chớ đốt đuốc trên đường,
nếu đốt đuốc trên đường,
mặt trăng nó sẽ đau lòng đấy.
Vào mùa cây cải dầu ra hoa,
em đừng mang rổ đi hái hoa,
nếu em mang rổ đi hái hoa,
cây cải dầu nó sẽ đau lòng đấy.
Nếu mày yêu một cô gái chân thật,
thì chớ có do dự,
nếu mày do dự,
người con gái nó sẽ đau lòng đấy.
Anh ta cho biết hiện nay hôn nhân giữa con trai con gái Di vẫn do bố mẹ xếp đặt. Trai trẻ muốn yêu nhau tự do thì phải đi ẩn trong núi để được gặp nhau. Nếu bị phát hiện chúng sẽ bị bắt và thời xưa còn bị gia đình giết chết.
Con cu gáy và con gà cùng nhau mổ hạt,
Con gà có chủ, con cu gáy thì không,
chủ con gà đến tìm nó,
còn lại con cu gáy một mình.
Cô gái và chàng trai cùng nhau nô rỡn,
Cô gái có chủ, chàng trai thì không,
chủ cô gái đến tìm cô gái,
còn lại chàng trai có một mình.
Những bài tình ca này, anh ta không hát được ở nhà trước vợ con. Anh ta đến nhà khách, nơi ta trọ và cửa đóng lại, anh ta hát, giọng êm dịu bằng tiếng Di, đồng thời lần lượt dịch ra cho ta nghe.
Áo dài, thắt lưng quấn quanh lưng, anh ta có cặp mắt buồn và hai má hốc hác. Chính anh ta cũng đã dịch các bài hát này ra tiếng Hán, bằng một ngôn ngữ đầy chân thành tự phát chảy thẳng ra từ trái tim. Đấy là một nhà thơ bẩm sinh.
Tuổi anh ta không xa tuổi ta lắm nhưng anh ta nói anh ta đã già. Làm ta hết sức ngạc nhiên, anh ta nói bây giờ anh ta chẳng còn được cái tích sự gì, nhưng anh ta có hai đứa con, một trai mười bảy, một gái mười hai, và anh ta phải làm ăn vất vả vì chúng. Sau đó, khi ta đến quê hương anh ta, một sơn thôn, ta thấy trong bãi chăn thả súc vật sát với nhà ở, anh ta nuôi hai con lợn. Trong nhà, nền bằng đất nện, trên giường chỉ có một tấm chăn mỏng bằng vải bông nhờ nhờ đen đã cũ. Vợ anh ta ốm. Hoàn toàn rõ ràng rằng cuộc đời là một gánh nặng cho anh ta.
Cũng chính anh ta đã đưa ta đi gặp pimo, một thầy tu Di. Ta và anh ta vào một nhà rất sâu, đi qua những hành lang hẹp, tối tới một mảnh sân ngang, ở đây thầy tu có một buồng đơn độc, với một cửa ra vào. Anh ta đẩy cửa sân rồi gọi. Lập tức vang lên một tiếng đàn ông đáp lại. Anh ta bảo ta vào. Bên trong, trước cái bàn gần cửa sổ, một người đàn ông mặc áo dài màu lam đang ngồi. Ông ta đứng dậy. Ông cũng đeo thắt lưng và đội khăn đen trên đầu.
Ca sĩ giới thiệu ta bằng tiếng Di rồi nói với ta rằng thày tu người ở vùng Kha Lạc, xuất thân từ một đại gia tộc nay từ trên trại ở núi cao được mời xuống làm pháp sư cho người Di ở thủ phủ huyện, ba mươi tuổi. Không chớp mắt, pháp sư nhìn ta chằm chằm, mắt sáng long lanh. Khó đương lại nổi cái nhìn của ông ta. Tuy ông chằm chằm nhìn thẳng vào ta nhưng thật ra ông nhìn đến nơi khác. Chắc là một thế giới khác, thế giới của rừng núi hoặc của các hồn linh.
Ta ngồi vào bàn trước mặt ông. Ca sĩ nói rõ vì sao ta đến. Ông đang chép lại một bài văn thờ cúng kinh điển bằng tiếng Di, ông cũng dùng bút lông như người Hán. Khi nghe ta nói xong, ông gật gật đầu, quệt bút vào nghiên mực cho ướt, cắm bút vào một cái bình, đậy nghiên mực lại. Sau đó ông đặt ngay ngắn ở trước mặt bài kinh thờ cúng, cũng viết bằng bút lông trên giấy da thô đã ngả vàng, mở nó ra ở đầu một chương đoạn, thình lình cất tiếng niệm lên.
Tiếng ông quá vang đối với căn phòng nhỏ bé như thế này. Nó buột thoát ra, đều đều, giọng rất cao rồi trầm bổng lên xuống ở vào khoảng giữa bốn hay năm độ âm cao: một nhát lời khấn cầu đưa bạn đến các vồng đất bằng của vùng cao nguyên.
Trong gian buồng tối này, qua cửa sổ sau ông, ánh nắng xem vẻ đặc biệt rực rỡ, đất lầy lội ở sân chói lòa. Một con gà trống vươn cổ lên như để nghe ông rồi lại bắt đầu mổ hạt, đầu cúi xuống, đã quen thuộc với cái tiếng nói này, tựa như với nó việc tụng niệm các bài văn thờ cúng này là chuyện cơm bữa.
Ta hỏi người đưa đường:
- Ông ta hát gì đấy?
Anh ta nói đó là những bài văn thờ cúng dành riêng cho cuộc đại tháo lui, cái chết của một người. Nhưng bài văn này được sáng tác bằng tiếng Di cổ, anh ta chẳng hiểu được gì nhiều trong đó. Qua anh ta, ta tìm hiểu phong tục tập quán người Di trong hôn nhân và ma chay, ta đã nhờ anh ta xem liệu ta trước hết có dịp nào dự một lễ tang giống như những gì anh ta vừa kể cho ta nghe không. Thời buổi này việc ấy là một cảnh tượng hiếm. Cái giọng nam cao liên miên trầm bổng phát thẳng từ họng người thầy cúng ra, vang lên trong hốc mũi rồi thoát ra ngoài, cái âm thanh đầy sức sống nhưng cũ rão này làm hiện lên ở trong ta một đám ma với những người đánh trống, thổi kèn xò na, múa các lá cờ cũng như mang các người giấy, ngựa giấy đi rảo. Các cô gái cưỡi ngựa, các cậu trai vác súng, suốt dọc đường đi, tiếng súng nổ rền.
Ta cũng thấy ngôi nhà táng của hồn người chết. Đặt trên quan tài, nó làm bằng tre đan bồi giấy mầu. Một bức tường bằng các cành cây đan nhau vây quanh nó. Nơi làm tang lễ, những đống củi cao đang cháy. Người thân của người chết ngồi vòng tròn quanh một trong những đống lửa đó; các ngọn lửa bốc lên mỗi lúc một cao hơn trong khi vang lên trong đêm tối tiếng niệm kinh thờ cúng; đám đông chạy, nhảy, đánh trống chiêng, nổ súng.
Con người đến với thế giới trong tiếng khóc tiếng kêu rồi lìa bỏ thế giới trong huyên náo, xem ra là phù hợp với bản tính người.
Phong tục này không phải của riêng các làng trại dân tộc Di. Người ta tìm thấy nó ở trong tất cả lưu vực Trường Giang, nhưng phần lớn nó mang một dấu ấn quá dung tục, mất đi hàm nghĩa nguyên sơ của cái cảnh ầm ĩ này. Ở Phong Đô, Tứ Xuyên, nơi từng được gọi là "quỷ thành", đất cổ xưa của người nước Ba, ta đã dự lễ tang của bố viên giám đốc một cửa hàng bách hóa lớn của huyện. Trên quan tài, người ta đặt một nhà táng giấy cho hồn người quá cố. Trước cửa nhà ông ta, xếp đầy xe đạp của những người tới chia buồn còn bên phía đối lại chồng chất vòng hoa, người ngựa hàng mã. Cạnh đường, ba nhóm kèn xò na lần lượt thổi từ sáng tới chiều theo ca, nhưng không một người thân thích nào, không một mối quan hệ nào đến khóc người chết mà đã lại hát những bài hiếu ca hay nhảy những điệu múa lễ. Họ chơi bài xì ở sân, túm tụm bên những cái bàn. Ta muốn chụp một bức ảnh về những phong tục hiện đại này nhưng ông giám đốc đã giữ máy ảnh của ta và đòi xem giấy tờ.
Dĩ nhiên còn những người biết những bài hiếu ca của con cái. Trong vùng Kinh Châu, tại Giang Lăng, đất cũ của người nước Sở, những bài hiếu ca này đã được truyền lại tới ngày nay. Chúng được hát lên trong lễ gọi hồn do đạo sĩ của làng tổ chức. Người ta gọi đó là "Cổ bồn ca", gõ chậu mà hát. Người ta tìm thấy vết tích trong Trang Tử 1: khi vợ Trang Tử chết, ông bèn hát và gõ vào một cái bồn, biến chuyện tang ma thành chuyện vui vẻ, âm thành bài hát này hẳn phải là vang dội đến nay.
Một số chuyên gia hiện nay về dân tộc Di đã chứng minh rằng ông tổ sáng lập của người Hán, Phục Hi, có một mối quan hệ với con hổ vật tổ của người Di, vật tổ này người ta tìm thấy một ít dấu vết của nó ở mọi nơi tại các đất Ba và Sở. Trên các viên gạch triều đại Hán phát hiện tại Tứ Xuyên, Tây Vương Mẫu được trình bày dưới dạng một con hổ cái mang mặt người. Khi ở cái làng người ca sĩ Di, ta đã quan sát hai đứa bé nô ở đất, trước một hàng rào mây đan. Chúng đội mũ có đầu hổ, thêu chỉ đỏ, giống như các mũ của trẻ con vùng Nam Giang Tây và Nam An Huy. Trong các di chỉ cổ của nước Ngô nước Việt, trên hạ lưu Trường Giang, người Giang Tô và Triết Giang nổi tiếng vì thông minh, vẫn giữ lại nỗi sợ hổ cái. Có phải là một thời cổ bị vùi sâu trong vô thức những người tôn thờ các vật tổ hổ cái vào thời mẫu hệ không? Không ai biết được. Cuối cùng, lịch sử chỉ là một màn sương dầy. Chỉ có tiếng hát của người pháp sư là rõ ràng, sáng sủa.
Ta hỏi người dẫn đường có thể dịch cho ta nghĩa đại khái của các bài kinh thờ cúng kia không. Chúng chỉ cho vong linh người chết con đường đi trong cõi âm, anh ta nói. Chúng thưa với Ngọc Hoàng, với tứ phương chư thần, với sơn thần, thủy thần và cuối cùng kể rõ gốc gác tiên tổ người chết từ đâu mà đến. Lúc đó hồn người chết có thể trở về quê hương bản quán, theo cái mạch đường đã được chỉ dẫn này.
Sau đó ta hỏi thầy tu đã đếm được bao nhiêu súng trong cái lễ lớn mà ông tổ chức. Ông nghĩ một lúc, rồi qua người dẫn đường đáp rằng có hơn một trăm. Nhưng trong tang lễ một nhà thổ ty, ông đã từng thấy một nghìn hai trăm súng. Lúc đó ông mười lăm tuổi, ông phụ lễ cho cha ông; ở họ ông, pimo thầy cúng là tổ truyền.
Một cán bộ người Di của huyện nhiệt tình dành cho ta một se Jeep để đưa ta đi Yến Thương tham quan ngôi mộ hướng thiên khổng lồ, mộ vua thời xưa của người Di. Đó là một quả đồi tròn, đỉnh lủm xuống, cao năm chục mét. Vào thời kỳ "khai thác giá trị đất đai vì cách mạng", người ta hóa rồ hóa dại. Để làm vôi, người ta đã mang đi ba hàng rào đá dùng cho ma chay bao quanh quả đồi, họ đã đào rồi đập vỡ các bình đựng tro người chết, đem gieo ngô lên khoảng đất trống này. Bây giờ chỉ còn vài ngọn cỏ dại cằn cỗi, bị gió thổi rạp là còn mọc ở đây. Theo những người nghiên cứu thuộc dân tộc Di, các đài tế những người chết ở đất Ba được các tư liệu Trung Quốc của Hoa Dương Quốc chí xác nhận là rất giống với ngôi mộ hướng thiên kia. Các đài đó được dành cho việc thờ phụng tiên tổ và được dùng vào việc quan sát trời.
Ông khẳng định rằng tổ tiên người Di quê quán gốc gác ở vùng A Bạt tại tây bắc Tứ Xuyên, họ cùng có tổ tiên chung với người Khương cổ. Ta đứng về quan điểm của ông. Người Khương và người Di rất gần nhau ở mầu da, khuôn mặt và thể cách sinh lý, ta có thể làm chứng cho cái đó vì ta ở các vùng đó trở về. Ông vỗ vào vai ta để mời ta đến nhà uống rượu. Chúng ta đã thành bạn. Ta hỏi ông liệu ở người Di có cần cứ phải uống rượu hòa máu để thắt chặt tình bạn không. Ông gật đầu: người ta phải giết một con gà trống, hòa máu nó vào rượu. Còn ông, ông đã cho con gà vào nồi rồi, chúng ta sẽ ăn và uống luôn một thể. Ông vừa cho con gái đi Bắc Kinh để học. Ông giao phó nó cho ta, nhờ ta săn sóc nó. Ông cũng đã viết một kịch bản phim, lấy đề tài từ một sử thi anh hùng thời cổ được lưu truyền bằng miệng. Nếu ta giúp được ông tìm ra một xưởng phim thực hiện nó thì ông tìm cách điều động một đoàn kị sĩ Di tham gia quay phim. Ta đoán ông thuộc về giai cấp quý tộc chủ sở hữu nô lệ người Di đen. Ông không cải chính. Ông kể năm ngoái, ông đã đến dãy núi Đại Lạng. Ông đã làm được việc ngoi ngược lên đời thứ mười hay thậm chí hàng chục đời - ta không nhớ nữa - tổ tiên của cái chi mà ông có chung với một cán bộ địa phương người Di.
Ta hỏi ông trong xã hội Di ngày xưa liệu đẳng cấp các bộ tộc có ngặt lắm không. Một con trai và một con gái cùng bộ tộc muốn lấy nhau hay đã có quan hệ tình dục với nhau có bị giết hay không? Với anh chị em con chú con bác cũng thế. Nếu một nô lệ Di trắng có quan hệ tính dục với một phụ nữ quý tộc Di đen, thì đứa con trai có bị kết tội tử hình và người con gái có bị bức tử không?
- Đúng, ông nói, nhưng chẳng phải cũng đã có như thế ở người Hán các anh đấy ư?
Ta nghĩ một lát, mà đúng.
Ta nghe nói các án tự sát có thể được tiến hành bằng các hình thức treo cổ, uống thuốc độc, trầm mình xuống sông hay nhảy từ trên cao vào khoảng không. Còn tử hình, do người khác làm cho, thì là bóp cổ, lăng trì, dìm chết đuối với một hòn đá buộc vào người, đẩy ngã từ đỉnh cao xuống, giết bằng dao hoặc súng. Ta hỏi ông có như thế hay không.
- Có như thế, nhưng ở người Hán các anh chẳng phải cũng có như thế đấy ư?
Ta nghĩ một cái lại cũng thấy đúng.
Ta lại hỏi liệu các hình phạt tàn nhẫn hơn thế nữa có còn nhiều hay không. Cắt gót chân chẳng hạn, chặt các ngón tay, xẻo tai, móc mắt, xuyên thủng mũi, chọc vỡ con ngươi.
- Đều đã có cả nhưng là trong quá khứ. Thế trong Cách mạng văn hóa chẳng đã làm như thế đấy thôi?
Ông nói đúng, sao ta lại ngạc nhiên cơ chứ?
Ông kể ông đã gặp trong núi Đại Lang một sĩ quan cũ của Quốc dân đảng vẫn cứ tiếp tục tự giới thiệu mình là tốt nghiệp khóa mấy năm mấy của học viện quân sự Hoàng Phố và là thượng tá của đại đội nào, sư đoàn nào, quân đoàn nào trong quân đội quốc gia. Bị bắt làm tù binh và bị một tù trưởng bộ tộc thu làm nô lệ, ông chạy trốn nhưng rồi đã bị bắt lại. Người ta đã kéo lê ông ra chợ, xích vào xương đòn gánh và bán cho một người chủ khác lấy bốn chục nén bạc. Khi Đảng cộng sản đến, thân phận nô lệ cũ đã cứu ông khỏi bị các hình phạt vì chẳng có ai biết lý lịch của ông. Bây giờ, khi người ta đang lại nói đến một liên minh mới ra đời giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng thì ông mới dám kể ra. Lúc đó người ta đã muốn cử ông làm ủy viên Hội nghị hiệp thương nhân dân Trung Quốc nhưng ông thoái thác. Ông đã bảy mươi tuổi, có năm con ra đời khi ông là nô lệ. Chủ nô đã cho ông hai người vợ và ông đã có chín con, bốn đứa chết. Ông còn đang sống trong núi, không muốn biết xem chút nào cái gì đã xảy ra với người vợ thứ nhất và các con ông. Người cán bộ hỏi ta có viết tiểu thuyết không. Anh ta sẵn sàng cho không ta câu chuyện này.
Sau bữa ăn, khi ta ra khỏi nhà anh ta, cái phố nhỏ đã chìm trong bóng tối; giữa hai hàng mái, nền trời hiện ra thành một hình chữ nhật dài màu xám thẫm. Một ngày phiên chợ, phố sẽ đầy những người Di đầu quấn khăn và người Mèo với mảnh khăn mùi soa buộc tóc, nhưng nó không khác mấy với một cái phố ở nội địa.
Trên đường về trung tâm đón tiếp, nơi ta trọ, ta đi qua một rạp chiếu bóng. Ta không biết có đang là một buổi chiếu hay không. Một tấm áp phích mồi khách vẽ một người đàn bà huy hoàng với bộ ngực nhô cao, đèn rọi vào sáng choang. Tên phim đại khái không phải là một tên đàn bà thì là dính tình yêu. Trời còn sớm, ta không muốn quay lại gian phòng có bốn cái giường vắng lạnh. Ta quay gót để đi đến nhà một người bạn ta vừa mới quen. Anh học khảo cổ học ở đại học. Ta không biết anh đến đây như thế nào và ta chưa hỏi. Anh chỉ đơn giản nói một cách miễn cưỡng rằng anh chưa có bằng tiến sĩ.
Theo quan điểm của anh, dân tộc Di sống chủ yếu trong lưu vực sông Kim Sa Giang và chi lưu của nó, Nha Củng Giang. Thủy tổ của họ là người Khương, di cư dần dần tới đây khi chế độ nô lệ thời Thương và Chu ở đồng bằng trung bộ đã biến mất. Vào thời chiến quốc, khi nước Tần và nước Sở đánh nhau ở Quý Châu hiện nay, tổ tiên của họ lại tiếp tục di cư đến Vân Nam. Đây là sự việc đã được xác nhận một cách không thể nghi ngờ trong Biên niên sử của người Di ở Tây Nam, bản văn cổ bằng tiếng Di. Nhưng năm ngoái anh đã phát hiện ở bờ hồ Tào hơn một trăm công cụ đá có từ thời đá cũ, rồi cũng ở tại chỗ đó, những công cụ thời đá mới, sự mài bóng cùng chế tác giống hoàn toàn với những dụng cụ đá ở di chỉ Hà Mẫu Độ, bến Mẹ sông, tại hạ lưu Trường Giang. Những vết tích kiến trúc giống với nhà sàn cũng đã được khai quật ở huyện bên Hách Chương. Vậy nên anh nghĩ rằng ở thời đá mới, đã tồn tại một quan hệ giữa các địa điểm mà chính anh và ta đang ở đây với văn hóa của tổ tiên các bộ tộc Di.
Khi anh thấy ta đến, anh lấy ở dưới gầm giường của trẻ con ra một rọ đá, ngỡ ta đến xem các công cụ anh tìm thấy. Cả hai nhìn nhau cười. Ta bảo anh:
- Tôi không đến vì đá.
- Đúng thế, đá ấy hả, không phải là thứ cấp bách nhất, nào lại đây, lại đây.
Anh đặt ngay cái rọ vào sau cửa rồi gọi vợ:
- Cho cái uống nhé!
Ta nói ta vừa uống rượu rồi.
- Không lo, chỗ tôi đây, anh hoàn toàn có thể say bò ra mới thôi, nếu say thì ngủ lại đây!
Anh chắc người Tứ Xuyên. Nghe cách anh nói, ta cảm thấy gần anh và bèn nói theo giọng Tứ Xuyên. Vợ anh chuẩn bị tức khắc những món để kèm với một loại rượu có hương vị đậm đà. Tràn đầy phấn khích, anh bạn lao vào những tràng giang đại hải: về các mảnh hóa thạch của voi răng kiếm machairodus lấy ra từ các đầm lầy của hồ Tào mà những người bán cá đem bán, về các cán bộ địa phương có thể hội họp cả một buổi sáng để quyết định mua có duy nhất một cái bàn tính.
Trước khi mua nó, phải hơ nó qua lửa đôi chút để xem các quả lăn là bằng sừng bò hay gỗ sơn.
Hàng thật hay hàng giả?
Cả hai chúng ta đều cười hết hơi, cười đau cả bụng. Thật ít khi vui như thế.
Khi ta ra khỏi nhà anh, dưới chân ta bỗng thấy nhẹ bỗng, điều hiếm có ở vùng cao nguyên này. Ta biết ta đã uống vừa đủ thôi, không vượt quá bản lĩnh của ta. Sau đó ta nhớ đã quên không lấy ở trong rọ của anh một lưỡi tầm sét đá mà các hậu duệ của người Nguyên Mưu từng sử dụng 2. Chỉ cho ta đồ đá trong rọ để sau cửa, anh đã kêu to lên lúc ấy:
- Muốn lấy bao nhiêu tùy thích, đấy là những pháp bảo tổ truyền của chúng ta đấy!
--------------------------------
1 Tác phẩm của Trang Chu, triết gia đạo Lão, thế kỷ 4 trước C.N.
2 Di chỉ khảo cổ ở tỉnh Vân Nam.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn