It is what you read when you don't have to that determines what you will be when you can't help it.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Azit Nêxin
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1175 / 33
Cập nhật: 2018-04-21 22:51:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chế Độ Bầu Cử Đại Cử Tri
hiếc cánh cửa màu xanh của quán cà phê có treo biển hiệu "Phòng đọc sách của những người bạn. Người thuê Gieman Giamaz" mở toang ra hết cỡ. Ông Gieman đứng bên cạnh bếp xamôvar lấy chiếc kẹp lật các viên than cho chúng cháy đều.
Huxein, người giúp việc của ông, vừa quét xong cái nền nhà đất nện, do nhiều người đi lại lâu ngày rắn chắc, đanh lại trông như nền bê tông.
Ánh nắng mặt trời chiếu qua bụi cây rậm dưới cửa sổ in hình hoa nắng lên nền nhà, trông tựa như tấm thảm với những hoa văn kỳ lạ. Quét dọn trong nhà xong, Huxein quay sang tưới hoa, chăm sóc vườn cây cảnh, lau chùi những chiếc bàn đá hoa nhỏ. Khi nó đặt những chai nước ngọt quanh chiếc bể cá cảnh nhỏ ở giữa vườn hoa, thì những chú các vàng xinh xắn thấy động liền chúi đầu, bơi sâu xuống chạy trốn.
- Đưa con Khaiđar ra sân! – Ngài Gieman gọi to Huxein.
Khaiđar là tên con chim bạch yên! Huxein vào nhà tháo chiếc lồng treo trên trần nhà mang ra treo ngoài mái hiên, nơi để những chậu hoa thiên trúc quỳ và hoa cẩm chướng. Dọn dẹp xong, Huxein mở nước cho chảy vào bể vòi phun.
Lúc này ông Ikhxan vốn là nhân viên trạm điện thoại nay đã nghỉ hưu, xuất hiện ở cửa quán cà phê.
- Mời bác Ikhxan vào nhà!...
- Xin cảm ơn! Chào các bạn!
- Chúc bác sức khỏe!
- Cho tôi xin tách cà phê, cháu trai nhé. Báo để đâu cháu nhỉ?
Ông Ikhxan ngồi xuống ghế, co chân phải lên, sửa lại chiếc kính trên mũi.
Chú bé Huxein mang lại cho ông tờ báo. Ông giở báo ra đọc.
Một lát sau thì ông Khatgi Macmút đến. Họ chào hỏi nhau. Tiếp sau đó là ông Biunhiamin nhân viên cảnh sát về hưu xuất hiện.
- Huxein, mở đài đi cháu! - Ông Biunhiamin tợp xong ngụm nước chè đặc, gọi to chú bé.
Huxein mở chiếc khăn thêu trùm lên chiếc đài, xoay nút chiết áp, bật đài.
Một cuộc trao đổi nào đó đang được phát đi trên sóng rađiô. Ông Ikhxan đang chăm chú đọc báo, bỗng huơ huơ tay như kiểu người ta đuổi ruồi, nói to:
- Tắt đài đi!
Chiếc đài im bặt.
Cùng một lúc anh bán hoa Mazlum và anh bán sữa Khalin bước vào quán. Họ chào hỏi các vị khách ngồi sau bàn và mời họ đánh đôminô. Trong quán người đông đúc, tấp nập.
- Ô, các bạn đến đông đủ quá, - ngài Mukhta Emrulakh bước vào quán, tươi cười chào hỏi các vị khách.
Ông Ikhxan rời mắt khỏi tờ báo, ngước nhìn bên trên chiếc kính nói:
- Lạy đức Ala hiển vinh cho chúng con được sống đến ngày sướng vui.
Không ai hiểu ông định nói gì, nhưng tất thảy đều quay đầu lại, về phía ông. Ông Ikhxan tay chỉ vào tờ báo, miệng nói:
- Lạy trời may mà những gì gây ra mọi nỗi đau khổ cho chúng ta đã lùi về phía sau. Giờ thì dù cho các cường quốc hùng mạnh nhất có liên kết với nhau cũng không thể khuất phục được chúng ta.
Ông Mukhta Emrulakh vốn hay tranh luận với ông Ikhxan, hỏi:
- Chắc lại có chuyện gì xảy ra rồi, phải không ông Ikhxan? Báo viết gì thế?
- Báo viết gì à?... Cuối cùng thì chế độ bầu cử đại cử tri đã được thông qua.
Mukhta Emrulakh chưa rõ nội dung câu chuyện nên chưa biết trả lời thế nào, bèn kéo dài giọng.
- V-â-n-g... Vì thế tôi mới phấn khởi. Nghĩa là đã thông qua chế độ bầu cử đại cử tri.
Anh chàng bán hoa Mazlum dừng chơi bài, hỏi:
- Ở Mỹ hay ở Nga?
- Không phải Mỹ, không phải Nga, mà chính chúng ta, chúng ta đã thông qua luật này.
- Thế à... Hay lắm, hay lắm.
Ông Biunhiamin cảnh sát về hưu, hỏi:
- Vì sao ông cho rằng luật này hay, tiến bộ?
- Thế nó xấu ở chỗ nào?
Ông Mukhta Emrulakh không chịu kém ông Ikhxan, nói:
- Dùng từ này chưa đủ, phải nói là tuyệt vời!
- Cầu trời mọi việc ngày càng tiến bộ!...
Ông Ikhxan tiếp tục giải thích:
- Ta hãy lấy các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật làm ví dụ... Tất cả các nước này có phải là các nước phát triển cao không?
- Đúng thế. Tất cả họ đều tiến rất xa, - ông Khatgi Makhmút nhận xét.
- Tại sao đất nước họ phát triển? Bởi vì những nước đó áp dụng luật bầu cử đại cử tri. Mọi sự là ở đó.
Ông Mukhta Emrulakh nói:
- Chỉ cần áp dụng chế độ bầu cử đại cử tri là đất nước lập tức sẽ chuyển mình về phía trước.
Ông Ikhxan tiếp tục:
- Chúng ta đã tiến hành nhiều lần cải cách ôn hoà từ những năm 40-70 trong thế kỷ XIX nhằm đưa đất nước tiến bộ phát triển, nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn. Và chúng ta vẫn chưa hiểu được nguyên nhân sự nghèo nàn lạc hậu của chúng ta là do đâu. Nếu như chúng ta hiểu nguyên nhân thì từ lâu đất nước ta đã đổi khác rồi.
- Vậy theo ông, nguyên nhân là ở đâu, thưa ông Ikhxan?
- Còn ở đâu nữa? Ở luật bầu cử đại cử tri...
Chúng ta chỉ cần động não một chút thì sẽ hiểu: tại sao Mỹ và các nước châu Âu lại tiến bộ, phát triển, luôn luôn đi đầu như thế?...
- Tất nhiên có nguyên nhân của nó.
Ông Mukhta Emrulakh lại tham gia:
- Nguyên nhân đã rõ; chế độ bầu cử đại cử tri... Nếu như ta áp dụng luật này từ năm, mười năm về trước, thì chúng ta đã bỏ xa Mỹ, Anh, Pháp rồi.
- Lạy đức Ala, đúng thế. Đất nước chúng ta có đủ thứ; quặng mỏ phong phú, đất đai màu mỡ, nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu thuận lợi. Nào có thiếu điều kiện gì đâu? Ta chỉ thiếu một bộ luật bầu cử theo chế độ đại cử tri...
- Giờ thì sẽ có. Rồi các nước sẽ thấy chúng ta thay đổi như thế nào...
Tất cả mọi người có mặt trong quán cà phê đều há hốc mồm ra mà nghe câu chuyện giữa hai ông Ikhxan và Mukhta Emrulakh.
- Lạy đức Ala hiển vinh, người đã giúp chúng con có được bộ luật bầu cử mới này!... Nếu chúng ta có bộ luật này từ một trăm năm trước thì hẳn chúng ta đã bay lên mặt trăng và mặt trời từ lâu rồi...
- Này người anh em, ông có biết vì sao tôi đau đớn trong lòng không? Vì không có ai nghĩ ra điều này, trong khi đất nước cứ nghèo nàn lạc hậu mãi, dân chúng phải chịu cảnh sống cực nhục, khổ đau. Nhưng, không sao, cuối cùng thì chúng ta đã hiểu ra.
Anh chàng bán sữa tham gia vào cuộc nói chuyện:
- Thưa ông Ikhxan, nghĩa là luật bầu cử theo chế độ đại cử tri là hết sức cần thiết phải không ạ?
- Chứ sao nữa!... Không còn bàn cãi gì cả. Tất cả đều phụ thuộc vào bộ luật này. Ở đâu không áp dụng luật bầu cử này ở đó sẽ bị lạc hậu.
Chủ quán Gieman từ chỗ để ấm xamôvar nói với sang:
- Xin lỗi các ông, tôi chưa hiểu một điều. Nếu luật bầu cử đại cử tri quan trọng đến thế, ích lợi đến thế thì tại sao cho đến nay các bạn đồng minh của chúng ta là Mỹ, Anh, Pháp chẳng hé răng nói với ta một lời. Họ cho ta vay tiền, họ cấp tín dụng cho ta, họ xây dựng cho chúng ta các kế hoạch kinh tế... để làm gì? Tốt hơn hết họ hãy giúp ta đưa bộ luật này vào thực thi có phải hơn không. Rõ thật xấu hổ! Thế mà cũng gọi là quan hệ hữu nghị à? Có thể chúng ta không tự phát hiện ra khiếm khuyết này, họ là người ngoài cuộc phải rõ hơn chúng ta chứ?
- Tôi không thể chia sẻ với ông điều này được - Ông Ikhxan đáp. Tình bạn là tình bạn. Cho dù tôi và ông có thân thiết đến đâu chăng nữa thì vẫn phải "thuốc ai người ấy hút, áo ai người nấy mặc", chứ không thể khác được.
Chú bé Huxein cũng tham gia:
- Vậy là câu chuyện các bác nói tới là một việc rất tốt phải không ạ?
- Tất nhiên đúng thế. Sự giàu có của đất nước, nạn thất nghiệp... tất tần tật đều phụ thuộc vào chế độ bầu cử đại cử tri.
- Tài nhỉ!... – Hai tay Huxein vỗ đen đét vào đùi.
- Chúng cháu thật xấu hổ khi phải hỏi điều này.
Anh chàng Mazlum và Khalin lên tiếng. Vậy cái luật bầu cử đại cử tri nó là thế nào?
Ông Mukhta Emrulakh làm ra vẻ không nghe thấy, nhìn sang ông Ikhxan, đối thủ của mình trong các cuộc tranh luận khoa học.
- Thưa các vị, - ông Ikhxan bắt đầu. – Chế độ bầu cử đại cử tri là mọi việc đều phải căn cứ theo các mối tương quan, quan hệ.
- Thế là thế nào? - Ông Gieman hỏi lại.
- Ôi lạy đức Ala, lạy đức Ala! Sao lại có những người chậm hiểu thế nhỉ? Mỗi một vật đều có mối quan hệ nhất định nào đó. Chẳng hạn ông là chủ hiệu cà phê còn ông kia là một nhà buôn. Cả hai ông đều đang sống theo các mối quan hệ nhất định nào đó. Ông không bao giờ lại muốn ăn mặc y hệt như ông nhà buôn. Ông sẽ không bao giờ nói: "Ông ta có tủ lạnh, nghĩa là, tôi cũng phải có tủ lạnh". Mỗi người đều phải biết rõ mối quan hệ của mình. Tất cả những điều bất hạnh đổ lên đầu chúng ta đều do sự thiếu hiểu biết về các mối quan hệ nhằng nhịt lẫn nhau đó. Chính cũng vì điều ấy mà sinh ra băng hoại lối sống.
- Đúng thế đấy! - Ông Khatgi Makhmút nói. – Lối sống ngày nay đã bị băng hoại nặng nề. Một người phụ nữ thấy bà láng giềng giàu có ăn mặc sang trọng, cũng muốn được sắm những bộ quần áo đắt tiền đó.
Ông Mukhta Emrulakh tủm tỉm cười dưới bộ ria con kiến, nhận xét:
- Ông Ikhxan ơi, ông hiểu lầm chế độ bầu cử đại cử tri rồi.
- Vậy phải hiểu thế nào mới đúng?
- Khi một đảng vừa lên nắm chính quyền sẽ chèn ép đảng thất thế. Bị lép vế đảng mất chính quyền chuyển sang phe đối lập. Sau một thời gian củng cố, đảng này dần dần phục hồi được lực lượng. Chế độ bầu cử đại cử tri ở đây có nghĩa là khi đảng đối lập lên nắm chính quyền thì đảng này sẽ làm tất cả những gì mà đảng trao quyền cho nó đã làm. Thí dụ như chính quyền cũ đã xây dựng được một nhà máy xi măng, thì chính quyền mới sẽ xây dựng nhà máy chế độ ô tô. Nếu chính quyền cũ xây dựng được nhà máy đường, thì chính quyền mới sẽ xây mười nhà máy đường. Sau đó chính quyền tiếp theo sẽ xây hai mươi nhà máy đường. Cứ như thế đất nước sẽ dần phát triển, tiến lên...
Đến đây thì ông Biunhiamin không chịu được nữa:
- Theo tôi cả hai ông đều hiểu không đúng. Chế độ bầu cử đại cử tri đó là sự trình diễn theo các phương diện nào đó. Giống như các cuộc trình diễn trong các nhà trường, trong các nhà hát. Giả thử đất nước đang cần có những chiếc tàu thuỷ... Chúng ta sẽ đưa ra các phương án để trình diễn như trong nhà hát. Mọi công dân đều có thể đến xem, đóng góp ý kiến, nên theo phương án xây dựng trong nước hay mua ở nước ngoài. Tổng kết thời gian trình diễn, sẽ căn cứ vào số phiếu bầu cho các phương án mà đưa ra quyết định. Nghĩa là mọi việc đều được công khai, minh bạch không giấu giếm gì dân chúng. Tất cả những gì cần làm đều đưa ra trình diễn trong các phương diện nhất định trước dân chúng...
Ông Ikhxan bỗng cười ầm lên:
- Vậy theo ông thì cả nước ta sẽ biến thành một nhà hát khổng lồ à?
- Sao lại hiểu như thế nhỉ? Cả thế giới người ta đều làm như thế. Ở Anh, ở Đức, ở Nhật, ở Italia, khắp nơi đều làm như thế cả. Chỉ có ở ta là không áp dụng chế độ này.
- Theo tôi thì, - anh chàng bán sữa Khalin tham gia. – trong chế độ bầu cử đại cử tri, mọi người đều được trao quyền, tuỳ thuộc vào khả năng của họ. Ví như một người cao lớn phải có hai mét rưỡi vải mới đủ may một bộ quần áo, nhưng đối với chú bé Huxein ở đây thì chỉ cần một mét rưỡi là đủ... Hay đối với một người gia đình có sáu nhân khẩu và một người khác sống độc thân chưa lập gia đình. Cả hai viên chức này được hưởng mức lương như nhau. Như thế là không hợp lý. Chế độ bầu cử đại cử tri để xảy ra những trường hợp không công bằng như vậy...
- Vậy chế độ bầu cử đại cử tri có thể hiểu như thế à? - Ông Gieman như muốn tổng kết cuộc tranh luận.
- Đúng, gần như thế...
- Đó là một bộ luật rất tốt.
- Rất tốt, từ đó chưa đủ.
- Nghĩa là còn quan trọng nữa?
- Tất nhiên, rất quan trọng...
- Chúng ta đã thông qua bộ luật này, thật tuyệt vời!
- Nếu chúng ta áp dụng sớm hơn, thì chúng ta đã đỡ đau khổ.
- Lạy đức Ala, cho chúng con sống được đến hôm nay.
- Lạy đức Ala! Dù muộn còn tốt hơn không bao giờ!
Leo Lên Và Tụt Xuống Leo Lên Và Tụt Xuống - Azit Nêxin Leo Lên Và Tụt Xuống