Số lần đọc/download: 0 / 26
Cập nhật: 2020-10-08 20:38:56 +0700
Chú Giải
[1] Lệ xưa, sau khi thắng giặc phải làm lễ hiến phù để cáo yết sự thắng giặc ở nhà Thái miếu. Trong đó có việc chém tù binh và lấy máu giặc rửa binh khí.
[2] Ải Lão Thử: còn có tên gọi là ải Chi Lăng.
[3] Bình Lệ Nguyên nay là khoảng Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
[4] Tương đương Bộ trưởng bộ quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội ngày nay.
[5] Ông nội (Trần Cảnh - Trần Thái tông) của vua Nhân tông và cha của Quốc Tuấn (Trần Liễu) là hai anh em ruột. Vì vậy vua Nhân tông phải gọi Hưng Đạo vương bằng bác. Ngoài ra nhà vua còn lập con gái của Hưng Đạo làm hoàng hậu.
[6] Năm Giáp Thân (1284) có cuộc đại duyệt toàn quân ở bãi Đông Bộ Đầu. Sự việc Quốc Tuấn tắm cho Quang Khải trước quân sĩ khiến mọi người yên tâm hai ông đã giũ bỏ tị hiềm.
[7] “Sát Thát” là giết quân Thát-đát, tức quân Mông Cổ xâm lược.
[8] Thanh dã: tức là kế vườn không nhà trống để giặc tới không có nơi trú ẩn, không có lương thực, thực phẩm mà ăn. Kế này mới chỉ xuất hiện trong cuộc kháng Nguyên lần thứ hai (1285).
[9] Luật lệ nhà Trần hễ ai theo giặc đều bị trị tội và tịch thu gia sản. Người trong hoàng tộc thì bắt phải đổi sang họ khác, riêng Ích Tắc là con vua nên không nỡ bắt phải đổi họ, nhưng xếp ngang với đàn bà nên gọi là “Ả”.
[10] Sông Rừng là tên gọi đoạn sông Bạch Đằng tại quãng rộng nhất bởi hai bên tả hữu ngạn đều là rừng rậm, nhất là phía tả ngạn thuộc đất Quảng Yên vốn là rừng đại ngàn. Tên gọi đó còn dùng tới ngày nay: bến Rừng, đò Rừng.
[11] Mũi Ngọc Sơn thuộc châu Vạn Ninh nay là Trà Cổ - Móng Cái.
[12] Tháp Sơn tức vùng Đồ Sơn, Hải Phòng ngày nay. Tại đó trên một ngọn núi cao 98m vua Lý Thánh tông cho dựng chùa và ngọn tháp Tường Long vừa là nơi vọng Phật vừa là nơi quan sát động tĩnh biển xa.
[13] Canh năm khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng.
[14] Tước Trần Thái tông truy phong cho Trần Thủ Độ sau khi ông qua đời.
[15] Tức là vùng Cửa Ông thuộc Bái Tử Long ngày nay - nơi Trần Quốc Tảng trọng trấn.
[16] Cửa biển vào sông Bạch Đằng (sông Rừng). Cửa Văn Úc ngày nay.
[17] Đại An nay thuộc xã Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
[18] Hồ Quảng tức là Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây lúc này thuộc về nước Nguyên do người Mông Cổ thống trị.
[19] Lê Phụng Hiểu người làng Cổ Bi, hương Băng Sơn thuộc Châu Ái có sức khỏe hơn người, mỗi bữa có thể ăn hết mấy đấu gạo và nhổ tre trong bụi làm gậy đánh nhau. Ông có công giúp Lý Thái tông dẹp loạn Tam vương năm Mậu thìn (1028).
[20] Mỗi sải tay tương đương 1 mét. Với mớn nước này như ngày nay, tàu từ 5 đến 10 vạn tấn có thể ra vào được.
[21] Đại Đô thế kỷ 13 của nhà Nguyên tức Yên Kinh cũ của nhà Tống và Bắc Kinh sau này của các nhà Minh, Thanh, Trung Hoa dân quốc và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
[22] Phao-lồ - là tên mà Hốt-tất-liệt gọi Marco Polo một thương nhân và là nhà thám hiểm người Ý đi theo “Con đường tơ lụa” (Route de la soie) ở lại triều đình của Hốt-tất-liệt mười sáu năm, khi về Ý có viết lại nhiều chuyện về nhà Nguyên trong cuốn “Livre de Marco Polo”.
[23] Nghĩa là: giết một người khiến cả vạn người khiếp sợ.
[24] Vua tôi nhà Nguyên thường gọi hai vua Trần (Thánh tông và Nhân tông) một cách hỗn hào là “cha con Nhật Huyên”.
[25] Tống Huy tông (1101-1109) được mệnh danh là một vị hoàng đế nghệ thuật của nhà nam Tống. Ông đam mê vẽ tranh quên cả việc trị nước (theo Wikipedia thì Tống Huy tông trị vì từ 1100 đến 1126 – Caruri).
[26] Ý nói mới gặp nhau lần đầu mà tình như đã từ xưa.
[27] Giặc vào theo đường sông Hồng từ Lào Cai (xưa gọi là trại Quy Hóa).
[28] Sông Đuống ngày nay.
[29] Chuyện này xảy ra từ thời Chiến Quốc ở nước Tàu. Kể rằng Sở Chiêu vương chạy loạn ra nước ngoài có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Chiêu vương về nước, thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối không nhận và tâu rằng: Nhà vua mất nước, tôi không được mổ dê, nay nhà vua về nước, tôi lại được làm nghề mổ dê, tước lộc thế là đủ, còn thưởng gì nữa.
[30] Chính là cửa Hải Triều nơi gặp gỡ giữa sông Luộc và sông Hồng, nơi có đường thông ra biển.
[31] Từ cổ xưa Việt Nam đã có phong tục kính trọng người già, khai thác kinh nghiệm và trí tuệ của người già. Dân gian có tục ngữ: “Gừng càng già càng cay, người già lắm mưu”. Vì vậy từ xa xưa trong các hương ấp có một tổ chức gọi là Hội đồng Tứ Toát (tương tự ngày nay là Hội đồng cố vấn) gồm bốn lão ông có đạo đức và có tri thức nhất trong hương ấp tuổi từ 50, 60, 70, 80. Tuổi cao nhất là Toát nhất. Cụ Toát nhất giữ chức chánh làm tư vấn cho cả Hội đồng, Toát nhì, Toát ba là hai cụ thay nhau thường trực, Toát tư là chân chạy của Hội đồng. Khi nào cụ Toát nhất viên tịch thì đôn các cụ kế tiếp lên và chỉ chọn bầu bổ sung cụ Toát tư.
[32] Lời chiếu này có ghi trong Nguyên sử. Trích theo bản An Nam chí lược của Lê Tắc, quyển hai. Nguyên văn:
“Đại Nguyên chiếu chế
Trung thống Nguyên niên thập nhị nguyệt sơ tam nhật, Thế tổ Thánh đức thần công văn võ Hoàng đế chỉ dụ An Nam quốc… Dụ nhĩ quốc quan liêu sĩ thứ, phàm y quan điển lệ, phong tục bách sự, nhất y bản quốc cựu lệ, bất tu canh cải… Trừ giới Vân Nam đẳng xứ biên tướng, bất đắc thiện hưng binh giáp, xâm lược cương trường, náo loạn nhân dân, khanh quốc quan liêu sĩ dân, các nghị an đồ như cố. Cố tư chiếu thị, niêm nghi tri tất”.
[33] Quỳnh Châu tức là đảo Hải Nam ngày nay.
[34] Đấu là đơn vị dung lượng của Trung Quốc. 1 đấu = 10 lít tương đương với 10 kg. Một người gánh 5 đấu gạo tức là gánh khoảng 50 kg đi đường xa rất cực.
[35] Thạch là đơn vị dung lượng của Trung Quốc. 1 thạch = 10 đấu = 100 lít tương đương với 100 kg.
[36] Mộc-hoa-lê phiên âm theo Hán tự. Tên Mông Cổ là Mugali (Mu-kha-li). Y là một viên tướng tâm phúc của Thành-cát Tư-hãn (ông nội của Hốt-tất-liệt) có công lớn trong việc đánh chiếm miền đông bắc Trung Quốc.
[37] Thoát-hoàn Bất-kha tên Mông Cổ là Tô-gan Bu-kha (Toyan Buga).
[38] Tất cả những điều Áo-lỗ-xích nói về quân ta phần nhiều sai sự thật. Y nói vậy cốt để làm đẹp lòng Hốt-tất-liệt. Về số quân, năm Ất Dậu (1285) khi chuẩn bị phản công giặc, riêng bốn người con trai của Hưng Đạo vương đã điều khiển hai mươi vạn quân.
[39] Theo cách gọi dân gian thì tháng một là tháng 11. Còn tháng đầu năm gọi là tháng giêng.
[40] Bạt-đô: tiếng Mông Cổ có nghĩa là dũng sĩ.
[41] Nay là Ba Chẽ thuộc Quảng Ninh.
[42] Nghĩa là: Đây là cửa quỷ, một trăm người qua mới có một người trở về.
[43] Quân tân phụ là quân các tỉnh miền nam Trung Quốc.
[44] Cửa Lãnh Kinh nằm trên tuyến đường Sông Cầu hiện nay.
[45] Một loại nỏ bắn nhiều mũi tên một lúc.
[46] Sông Bình Giang tức sông Chũ thuộc huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
[47] Tam Đái giang chính là nơi gặp gỡ ba dòng sông sông Thao, sông Đà và sông Lô.
Tam Đái giang cũng chính là ngã ba Bạch Hạc.
[48] Dặm xưa tương đương 500 m.
[49] Một giờ cổ xưa bằng hai giờ ngày nay.
[50] Giờ tuất khoảng từ 19-21 giờ.
[51] Giờ hợi từ 21-23 giờ.
[52] Giờ thân từ 15-17 giờ.
[53] Giờ dậu từ 17-19 giờ.
[54] Một khắc bằng ¼ giờ thời cổ tương đương với 30 phút.
[55] Một tên khác của sông Hồng.
[56] Giờ sửu tương ứng từ 01-03 giờ.
[57] Giờ dần tương ứng từ 03-05 giờ.
[58] Tên lửa còn gọi là tên bùi nhùi. Cấu tạo gồm diêm tiêu trộn với bùi nhùi (bùi nhùi là loại mùn rơm rạ dễ cháy), khi mũi tên cọ xát với vật rắn sẽ xiết ra lửa và bốc cháy. Giặc rất sợ loại tên này của quân ta.
[59] Hà Bá là thần đứng đầu trong các loài thủy tộc và thủy quái.
[60] Mũ đan bằng sợi mây chuốt nhỏ.
[61] Quảng Yên ngày nay.
[62] Thái Bình, Nam Định ngày nay.
[63] Khác với châu Âu, dặm biển và dặm bộ của ta thời cổ không phân biệt. Mỗi dặm xưa khoảng từ 400-500m. Dặm của nhà Thanh là 300 m.
[64] Từ Khánh, phó tướng của Trương Văn Hổ, y chạy thoát được trên chiếc thuyền lương của mình, nhưng dạt mãi tới đất Chiêm Thành rồi sau mới tìm đường về Quỳnh Châu thì chiến tranh đã kết thúc.
[65] Phí Củng Thìn cũng là phó tướng của Trương Văn Hổ, y xuất phát hơi muộn nên gặp bão, loay hoay mãi rồi cũng dạt vào Quỳnh Châu.
[66] Tích-lệ-cơ vương là anh em họ với Hốt-tất-liệt (cha của Thoát-hoan). Xưa trong nhiều sách thường gọi người này là Tích-lệ-cơ Ngọc. Sự thật do một bản in nào đấy nhòe mực có thêm một chấm đã biến chữ vương thành chữ ngọc.
[67] Sông Cái là sông Hồng. Dòng sông này gọi tên theo địa danh từng vùng. Sông Hồng chỉ là tên gọi do người Pháp thấy dòng nước phù sa đỏ nên trên bản đồ địa lý họ ghi Fleuve Rouge (nghĩa là Sông Hồng).
[68] Kỵ binh Mông Cổ thường được trang bị hai loại cung tên. Cung nhỏ bắn các mục tiêu ở gần, cung lớn bắn các mục tiêu ở xa, họ thường vừa phi ngựa vừa bắn cung.
[69] Có nghĩa là:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Cõi bờ đã định tự sách trời
Cớ chi quân giặc sang xâm lược?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
[70] Có nghĩa là tuân theo mệnh trời thì tồn tại, cưỡng lại mệnh trời thì bị tiêu diệt. Mệnh trời ngày nay ta hiểu là quy luật của tạo hóa.
[71] Điện Chí Kính là nơi thờ tổ tiên từ năm đời trở xuống.
[72] Nhà Thái miếu là nơi thờ từ thủy tổ dòng họ trở xuống.
[73] Điện Thiên An là cung điện lớn nhất khởi dựng từ thời nhà Lý (1010) dùng làm nơi thiết triều.
[74] Độ dài mỗi thép mai chừng 0,35 - 0,40 m.
[75] Nghi Dương, nay thuộc vùng Kiến Thụy, Hải Phòng.
[76] Tháp dựng trên đỉnh núi có tên Mẫu Sơn do vua Lý Thánh tông cho xây cất vào năm 1057, theo thơ cổ để lại thì ngọn tháp cao tới 9 tầng, dựng trên ngọn núi có độ cao 91,7 m so với mặt biển, nay thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
[77] Nghĩa là cách xa một trăm bước chân vẫn bắn trúng chiếc lá liễu.
[78] Truyền thuyết Đường Minh Hoàng mơ lên chơi cung trăng.
[79] Nguyên văn câu ngạn ngữ Trung Hoa: Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách. Trong 36 kế thì chạy trốn là hơn cả.
[80] “Núi cùng biển độc, Giao Châu là nơi vực sâu bụi rậm dày dặc sương mù, hơi độc xông lên làm cho diều quạ đang bay bị rơi xuống; khí ẩm thấp theo gió tràn lan làm cho người sinh bệnh, cơ hồ không phải một cảnh giới có người, tuy có lấy được hết toàn cõi cũng không ích gì cho thiên hạ”.
[81] Đây là vùng đất thuộc hai huyện Kinh Môn, Kim Thành (Hải Dương), hai sông Kinh Thầy và sông Thái, một xuôi Bạch Đằng, một xuôi về cửa Đại Bàng.
[82] Truyện xưa kể một người có thanh kiếm quý, anh ta ngồi bên mạn thuyền chẳng may thanh kiếm tuột ra khỏi vỏ rơi xuống sông. Anh ta liền đánh dấu vào mạn thuyền chỗ thanh kiếm trượt rơi. Lúc thuyền tới bến, anh ta chiếu theo chỗ đánh dấu nhảy xuống nước mò kiếm.
[83] Nơi gò đó nay vẫn còn dấu tích thuộc làng Trung Bản huyện Yên Hưng thuộc lộ An Bang thời Trần. Sau đổi là Quảng Yên nay thuộc Quảng Ninh. Chính nơi đây dân lập đền thờ Trần Hưng Đạo và tạc bức tượng ngài xõa tóc dài đến tận lưng. Đây là bức tượng Trần Hưng Đạo duy nhất có mớ tóc dài buông sau lưng.
[84] Từ việc này, những người lính ở xa chỉ nhìn thấy tên phù thủy bị chém, thân đổ xuống phụt ra máu trắng. Cũng từ đấy người ta thêu dệt tên này có phép chém đầu ấy nó mọc ra đầu khác, và cái tên Phạm Nhan cũng mọc ra từ truyền thuyết của dân gian.
[85] Tích-lệ-cơ nhắc đến cuộc xâm lược Nhật Bản đại bại năm Tân Tỵ (1281) đã có chú thích ở phần trước.
[86] Bản in thiếu từ in nghiêng - Caruri.
[87] Người dịch Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Bùi Văn Nguyên. Trong bài phú có các tên đất, tên người thuộc nước Trung Hoa, tác giả mượn làm điển tích cho thêm phần súc tích như: Ngũ hồ, Cửu giang, Tam Ngô, Bách Việt, Duy Thủy, Xích Bích, Hợp Phì… Tử Trường, Bồ Kiên, Lưu Cung… tưởng không cần chú thích độc giả cũng tự hiểu được.