Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Fleurs De Ruine
Dịch giả: Hoàng Lam Vân
Biên tập: Nguyễn Linh Nhi
Upload bìa: Nguyễn Linh Nhi
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 12
Cập nhật: 2023-07-22 21:46:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
hamps-Elysées... Trông thật giống cái ao mà một nữ tiểu thuyết gia người Anh nhắc đến, ở dưới đáy của nó có, xếp thành nhiều lớp nối tiếp, tiếng vọng các giọng nói của tất tật những người dạo chơi từng mơ trên bờ của nó. Nước lóng lánh lưu giữ vĩnh viễn các vọng âm ấy và, những đêm vắng lặng, chúng hòa vào với nhau... Một buổi tối năm 1942, gần rạp chiếu phim Biarritz, bố tôi đã mắc vào cuộc vây ráp tiến hành bởi tay chân của cảnh sát trưởng Schweblin và Permilleux. Rất lâu sau này, quãng cuối tuổi thơ tôi, tôi hay đi cùng ông tới những cuộc hẹn tại sảnh của Claridge và chúng tôi cùng nhau đi ăn tối tại quán ăn Trung Quốc ngay gần, căn phòng nằm trên tầng hai. Ông có liếc nhìn về phía vỉa hè bên kia của đại lộ, nơi đợi sẵn, vài năm trước đó, cái xe bịt bùng sẽ chở ông đến Dépôt[21]? Tôi còn nhớ phòng làm việc của ông, trong tòa nhà màu nâu đỏ với những ô kính lớn ở số 1, phố Lord-Byron. Người ta có thể đi ra, bằng cách theo các hành lang bất tận, đại lộ Champs-Élysées. Tôi nghĩ ông đã chọn văn phòng đó vì nó có hai lối ra. Lúc nào cũng chỉ có một mình ông cùng một phụ nữ tóc vàng rất xinh đẹp, Simone Cordier. Điện thoại đổ chuông. Cô nhấc máy lên:
- A lô... Ai gọi đấy?
Rồi, ngoái đầu về phía bố tôi, cô thì thầm cái tên. Và cô hỏi:
- Tôi có nói với ông ta là anh ở đây không, Albert?
- Không. Tôi không ở đây đối với bất kỳ ai...
Và các buổi chiều trôi qua theo cách đó. Hoang vu. Simone Cordier gõ máy chữ những bức thư. Bố tôi và tôi hay đi xem phim trên Champs-Élysées. Ông dẫn tôi đi xem các buổi chiếu lại những bộ phim mà ông từng thích. Ở một trong số đó có nữ diễn viên người Đức Dita Parlo đóng. Ra khỏi rạp, chúng tôi cuốc bộ xuôi theo đại lộ. Ông nói với tôi, giọng chừng như tâm sự, vốn dĩ là bất thường ở ông:
- Simone từng là một người bạn của Dita Parlo... Bố đã quen cả hai cùng khoảng thời gian...
Rồi ông im bặt, và sự im lặng giữa chúng tôi kéo dài mãi cho đến tận quảng trường Concorde, ở đó ông đặt cho tôi những câu hỏi về chuyện học hành của tôi.
Mười năm sau, tôi tìm ai đó có thể gõ máy chữ cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi. Tôi đã tìm lại được địa chỉ Simone Cordier. Tôi gọi điện thoại cho bà. Bà tỏ ra ngạc nhiên vì tôi còn nhớ bà sau toàn bộ quãng thời gian ấy, nhưng bà vẫn hẹn gặp tôi ở nhà bà, trên phố Belloy.
Tôi bước vào căn hộ, tập bản thảo kẹp nách. Trước tiên bà hỏi tôi tin tức về bố tôi và tôi không thể trả lời, bởi tôi không có tin gì nữa.
- Tức là, cậu viết tiểu thuyết?
Tôi đáp là đúng thế, giọng không mấy chắc chắn. Bà dẫn tôi vào một căn phòng hẳn là phòng khách, nhưng ở đó không còn đồ đạc gì nữa. Sơn tường màu be tróc mảng nhiều chỗ.
- Đến chỗ quầy bar đi, bà nói với tôi.
Và bằng một cử chỉ đột ngột bà chỉ cho tôi một quầy bar nhỏ màu trắng trong góc phòng. Cử chỉ của bà, nó từng khiến tôi choáng váng vào lúc đó bởi vẻ thong thả, ngày hôm nay tôi hiểu được toàn bộ những gì nó che giấu về khía cạnh bối rối và hoảng loạn. Bà đứng ở đó, sau quầy bar. Tôi đặt tập bản thảo lên mặt quầy.
- Tôi rót cho cậu một cốc whisky nhé? bà hỏi tôi.
Tôi không dám từ chối. Chúng tôi đứng, mỗi người một bên quầy bar, trong làn ánh sáng thiếu chắc chắn mà một ngọn đèn nhỏ chiếu xuống. Bà tự rót cho mình whisky, cả bà nữa.
- Cậu uống giống tôi chứ? Xếch?
- Vâng.
Tôi đã không uống whisky kể từ khi người phụ nữ Đan Mạch mời tôi, Chez Malafosse, đã lâu lắm rồi...
Bà nhấp một ngụm lớn.
- Và cậu muốn tôi gõ tất tật cái này?
Bà chỉ vào tập bản thảo.
- Cậu biết đấy, tôi không còn gõ máy chữ từ lâu rồi...
Bà đã không già đi. Vẫn cặp mắt màu lục ấy. Những gì làm nên kết cấu đẹp của khuôn mặt vẫn còn nguyên vẹn: vầng trán, vòm lông mày, cái mũi thẳng. Nhưng nước da bà đã hơi có đốm đỏ.
- Chắc tôi sẽ cần tập lại... Không còn quen tay nữa...
Đột nhiên tôi tự hỏi bà có thể gõ máy chữ ở đâu, trong căn phòng quạnh vắng này. Đứng đó, với cái máy chữ đặt trên mặt quầy bar chăng?
- Nếu cô thấy phiền, tôi nói với bà, thì thôi bỏ đi...
- Không mà... không hề...
Bà lại tự rót thêm whisky.
- Tôi sẽ tập gõ lại... Tôi sẽ thuê một cái máy chữ...
Và bà đập lòng bàn tay lên mặt quầy.
- Cậu để lại cho tôi ba trang rồi hai tuần nữa quay lại... Cậu mang thêm cho tôi ba trang... Và cứ như vậy... Có được không?
- Vâng.
- Một cốc whisky nữa nhé?
Sau khi rời căn hộ của Simone Cordier, tôi đã không ngay lập tức lấy tàu điện ngầm ở bến Boissière. Trời đã tối và tôi lang thang vô mục đích trong khu phố.
Tôi đã để lại cho bà ba trang bản thảo của tôi, chẳng hy vọng lắm là bà sẽ gõ chúng. Bà đã nhún vai khi tôi nói rằng tôi không có tin tức gì của bố tôi từ năm năm nay. Chẳng gì, nhất định, có thể khiến bà ngạc nhiên từ phía “Albert”, ngay cả sự biến mất của ông.
Trời đã mưa. Có mùi xăng và mùi cành lá ướt lơ lửng trong không trung. Đột nhiên, tôi nghĩ đến Pacheco. Tôi tưởng tượng ra ông đang bước đi trên cùng vỉa hè. Tôi đã tới ngang đoạn khách sạn Baltimore. Tôi biết rằng một tối nọ ông đã đến một cuộc hẹn tại khách sạn ấy và tôi tự hỏi loại người nào ông có thể gặp ở đó. Có lẽ là Thiên thần Lái ngựa.
Lời chứng duy nhất mà tôi chưa từng bao giờ có được về Pacheco đã ngẫu nhiên hiện ra trong một cuộc trò chuyện, tại nhà Claude Bernard, ngôi nhà trên đảo Chó Sói. Chúng tôi đã ăn tối ở đó cùng một người chuyên buôn đồ cổ bên Bruxelles mà ông giới thiệu như là người liên danh với ông. Do những mẩu những đoạn nào mà chúng tôi lại, người đàn ông đó và tôi, nhắc tới công tước de Bellune, rồi Philippe de Bellune, tức de Pacheco? Cái tên ấy khiến ông nhớ đến một chuyện. Hồi còn rất trẻ, ông từng làm quen trên một bãi biển của Bỉ, tại Heist, gần Zeebrugge, một người tên là Felipe de Pacheco. Người đó sống ở nhà ông bà, tại một villa xập xệ, trên đê. Ông ta nói mình là người Peru.
Felipe de Pacheco hay lai vãng khách sạn Hải đăng nơi người chủ, từng là nữ ca sĩ tại nhà hát Opera của Liège, đôi khi biểu diễn, vào buổi tối, một buổi độc tấu cho khách khứa nghe, ông ta yêu con gái bà, một cô gái tóc vàng rất xinh tên là Lydia. Ông ta bỏ hàng đêm uống bia với đám bạn bè Bruxelles, ông ta ngủ cho đến tận trưa, ông ta đã thôi học và sống bằng chạy mánh, ông bà của ông ta đã quá già không thể trông coi ông ta được nữa.
Và vài năm sau đó, tại Paris, người trò chuyện với tôi đã gặp lại chàng trai ấy ở một lớp dạy nghệ thuật kịch nơi ông ta nhận mình tên là Philippe de Bellune. Ông ta theo học cùng một cô gái có mái tóc hạt dẻ sáng màu. Còn ông ta là một chàng thanh niên tóc nâu, trên mắt có vệt. Một hôm, cái ông Philippe de Bellune đó đã nói mình vừa kiếm được một công việc được trả thù lao khá nhờ các thông tin rao vặt trên báo.
Người rồi sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại họ nữa. Cả Philippe de Bellune lẫn cô gái có mái tóc hạt dẻ sáng màu. Chắc đó là hồi mùa đông năm 1942.
Tôi đã xem tất tật tin tìm người làm đăng trên các báo mùa đông năm ấy:
Cần vài thanh niên, không cần có hiểu biết chuyên sâu, công việc kiếm được nhiều tiền, ngay lập tức. Viết thư cho Delbarre hoặc Etève, Khách sạn Baltimore, số 88 bis, đại lộ Kléber, quận 16. Hoặc tự đến địa chỉ nêu trên, từ sau bảy giờ tối.
Tôi còn nhớ một nơi tên là Hôtel de Belgique, trên đại lộ Magenta, ngang đoạn Ga Bắc. Chính đó là khu phố bố tôi từng sống hồi còn nhỏ. Và mẹ tôi đã tới Paris lần đầu tiên ở Ga Bắc.
Ngày hôm nay, tôi nảy ra ham muốn quay lại chỗ đó, nhưng Ga Bắc đối với tôi đã có vẻ xa xôi tới độ tôi bỏ ý định. Hôtel de Belgique... Tôi được mười sáu tuổi khi, mẹ tôi cùng tôi, chúng tôi đến Knokke-le-Zoute vào tháng Bảy, như những kẻ vô gia cư. Bạn bè của bà đã tốt bụng đón tiếp chúng tôi.
Một tối nọ, chúng tôi cùng đi dạo trên con đê lớn của Albert-Plage. Chúng tôi đã để lại sau lưng sòng bạc cùng một vùng đụn cát quá đó khởi đầu đê Heist-sur-Mer. Chúng tôi có đi ngang qua trước Khách sạn Hải đăng hay chăng? Lúc quay về, theo đại lộ Élisabeth, tôi đã nhìn thấy nhiều villa bỏ không trong đó có lẽ một cái chính là nhà ông bà của Felipe de Pacheco.
Hoa Của Phế Tích Hoa Của Phế Tích - Patrick Modiano Hoa Của Phế Tích