A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Người Ấy, Họ Đâu Rồi?
ọ đâu rồi, những người đáng lẽ ra phải có mặt ở đây? Trời mưa và lạnh. Những đám mây thấp là là, dày đặc, đen và bất động. Hút tầm mắt chỉ thấy đầm lầy, bùn sình, nước lụt. Con đường duy nhất dẫn đến nơi này cũng đã ngập nước. Những chiếc xe của chúng tôi, dù là xe địa hình đồ sộ, đã sa lầy từ lâu, bị chôn trong thứ bùn đen dính nhớp nháp, chúng nằm nghiêng ngả, bất động trong các vết lún, vũng, rãnh, theo cách kỳ dị nhất. Chúng tôi phải xuống xe và đi bộ tiếp, ướt đầm trong mưa tuôn xối xả. Chúng tôi đi ngang qua mỏm đá cao, một đàn công đứng trên đỉnh ngó chúng tôi chăm chú và đầy lo âu. Tôi nhìn thấy một người trên vạt cỏ bên đường, anh ngồi cuộn người, co ro, đang run lên vì sốt rét. Anh không chìa tay ra, không van xin, nhìn chúng tôi bằng ánh mắt không đòi hỏi, thậm chí chẳng tò mò.
Phía sau, xa xa, chúng tôi nhìn thấy vài khu trại tiêu điều. Ngoài ra chỉ là hoang vắng. Và đầy nước, vì đang là mùa mưa.
Nơi chúng tôi đang có mặt mang tên Itang. Itang nằm ở phía Tây Ethiopia, gần biên giới Sudan. Ở đây, từ vài năm nay có một khu trại dành cho 150 nghìn người Nuer - những người tị nạn của cuộc chiến Sudan. Mấy ngày trước họ vẫn còn ở đây. Vậy mà hôm nay vắng tanh. Họ đã đi đâu? Có chuyện gì đã xảy ra với họ? Thứ duy nhất lay động vẻ chết chóc của các đầm lầy này, thứ duy nhất có thể nghe thấy được, là tiếng ếch kêu, tiếng kêu om sòm điên loạn, inh ỏi, ầm ĩ, đinh tai nhức óc.
Mùa hè năm 1991, cao ủy viên Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Sadako Ogata, đến Ethiopia thăm trại tị nạn ở Itang. Tôi được đề nghị đi cùng bà. Tôi bỏ hết tất cả để đi, vì đây là một cơ hội hiếm hoi để đến được một cái trại như thế. Cần nhớ rằng, vì nhiều lý do khác nhau, các trại này nói chung hay nằm ở những nơi xa xôi và cách biệt, đường đi đến rất khó khăn, thường bị cấm vào. Cuộc sống nơi đó là sự tồn tại lay lắt, buồn thảm và cùng cực, luôn luôn ở ranh giới sinh tử. Tuy vậy, ngoài nhóm bác sĩ và nhân viên của các tổ chức từ thiện, người ta ít biết điều này, bởi vì thế giới thận trọng cách ly với những nơi đau khổ tập thể như thế và không muốn nghe nói về chúng.
Lúc nào tôi cũng nghĩ không thể đến được Itang. Để tới đó, trước hết phải đến Addis Ababa. Từ đó phải thuê (nhưng thuê của ai?) và trả tiền (nhưng trả cái gì?) máy bay đến Gambela cách xa năm trăm cây số, nơi duy nhất gần Itang có sân bay. Đó đã là biên giới Sudan, do đó việc xin hạ cánh là điều khó khăn không gì tả xiết. Tuy vậy, cứ cho rằng anh có máy bay và thậm chí được phép hạ cánh đi. Anh bay đến Gambela. Anh sẽ đi đâu? Đến gặp ai tại cái thị trấn nghèo nàn này, nơi giữa khu chợ chỉ có vài người Ethiopia chân đất đứng trong mưa xối xả? Họ đang suy nghĩ gì khi đứng đó? Họ đang chờ đợi điều gì? Còn anh, anh biết đào đâu ra ô tô và tài xế, rồi những người sẽ kéo xe lên khỏi bãi lầy, dây thừng, gỗ bẩy? Đào đâu ra thức ăn? Nhưng cứ cho rằng anh có tất cả đi. Bao giờ anh sẽ tới nơi? Một ngày có đủ không? Anh phải thuyết phục, nài nỉ, mua chuộc bao nhiêu trạm gác ở trên đường, để họ cho anh đi tiếp? Để cuối cùng, khi anh đã đến đích, bên cánh cổng, người gác cổng bắt anh quay về, bởi trong trại đang có dịch tả hay lỵ, hoặc vì không có người chỉ huy anh phải xin phép hay ai đó có thể phiên dịch các cuộc trò chuyện với người Nuer, những cư dân của trại. Hoặc là, như chính điều giờ đây đang xảy ra, anh chẳng còn thấy ai sau cánh cổng, không một bóng người.
Sudan là nước đầu tiên ở châu Phi giành độc lập sau Thế chiến thứ hai. Trước đó nó là thuộc địa Anh, với hai thành phần được gắn với nhau trên giấy tờ, một cách giả tạo: miền Bắc Hồi giáo Ả rập và miền Nam Cơ Đốc giáo “da đen” (và duy linh). Giữa hai cộng đồng này có sự đối lập, thù nghịch và mối căm hận lâu đời, bởi ngưởi Ả rập miền Bắc đã xâm lăng miền Nam trong nhiều năm trời, bắt dân của họ bán làm nô lệ.
Làm sao hai thế giới thù địch như thế có thể chung sống trong một quốc gia độc lập? Không thể. Và đó chính là điều người Anh muốn. Những năm ấy, các đế quốc châu u tin rằng dù từ bỏ các thuộc địa trên hình thức, họ vẫn cai quản chúng trên thực tế, ví dụ như ở Sudan, nơi họ thường xuyên hòa giải những người Hồi giáo miền Bắc và người Cơ Đốc giáo miền Nam. Song chẳng bao lâu, những ảo tưởng đế quốc ấy không còn sót lại bao nhiêu. Ngay từ năm 1962, ở Sudan, cuộc nội chiến thứ nhất giữa miền Nam và miền Bắc đã bùng nổ (được khơi mào bằng những cuộc nổi dậy và khởi nghĩa ở miền Nam trước đó). Năm 1960 khi lần đầu tiên đi về miền Nam, ngoài thị thực Sudan, tôi phải có thêm một thị thực đặc biệt trên biểu mẫu riêng. Ở Juba, thành phố lớn nhất miền Nam, tôi bị một sĩ quan biên phòng tịch thu mất. “Thế này là thế nào!” - tôi nổi sùng. Tôi cần nó để đến biên giới Congo cách đây hai trăm cây số. Viên sĩ quan chỉ vào mình, không giấu vẻ tự hào: “Tôi chính là biên giới!” Anh ta nói. Quả thực, bên ngoài cửa ngõ thành phố là vùng đất trải dài, nơi chính phủ Khartoum đã không còn mấy quyền lực. Và đến nay vẫn thế, một đơn vị Ả rập bảo vệ Juba, còn vùng bên ngoài nằm trong tay quân du kích.
Cuộc chiến Sudan đầu tiên kéo dài mười năm - đến năm 1972. Sau đó, suốt mười năm tiếp theo là tình trạng hòa bình mong manh, tạm thời, rồi năm 1983 khi chính quyền Hồi giáo ở Khartoum muốn áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) lên toàn quốc, bắt đầu giai đoạn mới kinh hoàng nhất của cuộc chiến kéo dài cho đến ngày nay. Đó là cuộc chiến tranh dài nhất, lớn nhất trong lịch sử châu Phi và có lẽ là lớn nhất trên thế giới hiện nay, nhưng vì xảy ra ở một vùng hẻo lánh trên hành tinh chúng ta và không đe dọa trực tiếp đến ai, ví dụ như ở châu u hay châu Mỹ, nó không được quan tâm nhiều. Hơn nữa, sân khấu của cuộc chiến này, các bãi tử thần mênh mông và bi thảm của nó - do khó khăn về giao thông và các hạn chế hà khắc của Khartoum - trên thực tế đối với truyền thông là không thể tiếp cận được. Phần lớn người dân trên thế giới không có chút khái niệm nào về việc ở Sudan đang diễn ra một cuộc chiến lớn.
Cuộc chiến ấy diễn ra trên nhiều mặt trận và nhiều bình diện, nơi giờ đây xung đột Nam-Bắc thậm chí đã không còn là chính yếu nhất. Hơn nữa, nó có thể gây nhầm lẫn và bóp méo bức tranh chân thật của hiện thực. Ta hãy bắt đầu từ miền Bắc của đất nước vĩ đại này (với hai triệu rưỡi cây số vuông). Miền Bắc chủ yếu là sa mạc Sahara và Sahel, điều khiến chúng ta liên tưởng tới biển cát mênh mông và các vùng sỏi đá bạc màu. Trên thực tế, miền Bắc Sudan có cả cát, cả đá, song không chỉ có thế. Khi bay từ Addis Ababa sang châu u và bay trên vùng này của châu Phi, ta sẽ thấy bên dưới một quang cảnh đặc biệt: sa mạc Sahara vàng óng ánh trải dài ra xa, rất xa. Ngay chính giữa nó chạy ngang một dải xanh lục lớn, đậm màu của những cánh đồng và đồn điền nằm bên dòng sông Nile mênh mông nhẹ nhàng uốn khúc. Ranh giới giữa màu đất thẫm của Sahara và màu ngọc lục bảo của những cánh đồng ấy tựa như được khắc bằng dao: không hề có dải trung gian, không có sự chuyển tiếp nào, cái cây nhỏ cuối cùng của đồn điền vừa kết thúc là những viên đất sa mạc đầu tiên bắt đầu ngay.
Trước kia, những cánh đồng ven sông này đã nuôi sống hàng triệu nông dân Ả rập cũng như các sắc dân du mục sinh sống ở đó. Nhưng về sau, nhất là từ giữa thế kỷ XX và sau khi giành độc lập, nông dân Ả rập dần bị những người bà con giàu có đến từ Khartoum hất cẳng. Họ cùng với quần chúng, được quân đội và cảnh sát giúp đỡ, giành lấy quyền sở hữu những mảnh đất ven sông Nile màu mỡ ấy, tạo ra các đồn điền khổng lồ trồng cây xuất khẩu - bông, cao su, vừng. Tầng lớp địa chủ Ả rập có thế lực đã hình thành như thế, họ liên minh với quần chúng và giới công chức tinh hoa cướp chính quyền vào năm 1956 và nắm quyền cho đến ngày nay. Họ gây chiến tranh với “người da đen” miền Nam mà họ coi như thuộc địa, đồng thời đàn áp các đồng hương cùng sắc tộc của mình - người Ả rập miền Bắc.
Bị chiếm đoạt, trục xuất, mất đất đai và đàn gia súc, người Ả rập Sudan phải đi đâu đó, phải làm gì đó, tìm nguồn sinh sống. Những người đứng đầu ở Khartoum đưa một số vào quân đội ngày càng đông đảo hơn, một số vào hàng ngũ cảnh sát và công chức khổng lồ. Nhưng phần còn lại thì sao? Vô số những người mất đất và mất gốc ấy? Phần còn lại, chính quyền sẽ cố gắng hướng họ về miền Nam.
Có khoảng hai mươi triệu dân miền Bắc, sáu triệu dân miền Nam. Người miền Nam chia ra hàng chục bộ lạc, nói nhiều thứ tiếng, theo nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Tuy vậy, trong cái biển đa bộ lạc miền Nam ấy có hai cộng đồng lớn nổi bật, hai sắc dân cộng lại bằng một nửa dân số miền này. Đó là người Dinka và bà con của họ (dù thỉnh thoảng cũng có xung đột) - người Nuer. Anh có thể nhận ra cả hai sắc dân này từ xa: họ cao, tầm hai mét, mảnh khảnh, nước da rất đen. Một chủng tộc đẹp đẽ, tráng kiện, đầy tôn quý, thậm chí hơi kiêu kỳ. Từ lâu, các nhà nhân học đã luôn đặt vấn đề do đâu mà họ cao và mảnh khảnh đến vậy. Họ chỉ sống bằng sữa, đôi khi bằng máu của những con bò mà họ nuôi, tôn sùng và yêu quý. Không được giết những con bò này và phụ nữ không được đụng vào chúng. Cuộc sống của người Dinka và Nuer lệ thuộc vào đòi hỏi và nhu cầu của bò. Mùa khô, họ sống với chúng ở gần các con sông - Nile, Ghazal và chủ yếu là sông Sobat, còn vào mùa mưa, khi cỏ bắt đầu xanh trên những cao nguyên bao la, họ bỏ lại các dòng sông và cùng đàn gia súc lên đường tới đó. Cuộc sống của họ trôi đi trong nhịp điệu vĩnh cửu ấy, trong chuyến hành hương đi tới đi lui gần như hành lễ giữa bờ sông và các trảng cỏ trên các cao nguyên vùng Thượng Nile. Để tồn tại, họ phải có không gian, đất đai vô biên, chân trời thênh thang rộng mở. Bị khép kín, họ sẽ đau yếu bệnh tật, biến thành những bộ xương, lụi tàn và chết.
Tôi không biết cuộc chiến này bắt đầu từ đâu. Đã quá lâu rồi! Có thể lính quân đội chính phủ đã ăn trộm một con bò của người Dinka? Người Dinka đi giành lại con bò? Người ta bắt đầu xả súng? Người chết ngã xuống? Một chuyện gì đó tương tự như vậy hẳn đã phải xảy ra. Tất nhiên, con bò chỉ là cái cớ. Các quý tộc Ả rập ở Khartoum không thể chấp nhận chuyện đám mục đồng miền Nam có cùng các quyền lợi như họ. Người miền Nam không muốn bị hậu duệ của những kẻ buôn bán nô lệ cai trị mình trong một nước Sudan độc lập. Miền Nam đòi ly khai, muốn trở thành một quốc gia độc lập. Miền Bắc quyết định tiêu diệt quân phiến loạn. Các cuộc thảm sát bắt đầu. Người ta đưa ra rằng cho đến nay, cuộc chiến này đã có một triệu rưỡi nạn nhân. Đầu tiên, phong trào du kích Anya-Nya tự phát, tổ chức non yếu, hoạt động trong vòng mười năm ở miền Nam. Sau đó, vào năm 1983, đại tá nhà nghề John Garang, người Dinka, đã thành lập Quân đội Giải phóng Dân tộc Sudan (QĐGPDTS), kiểm soát phần lớn lãnh thổ miền Nam.
Đó là cuộc chiến lâu dài, bùng lên, lụi đi rồi lại bùng lên. Mặc dù nó đã diễn ra ngần ấy năm, tôi chưa nghe thấy có người muốn viết về lịch sử của nó. Ở châu u, có hàng tủ sách về mỗi cuộc chiến tranh, các kho lưu trữ đầy tài liệu, các phòng riêng trong viện bảo tàng. Ở châu Phi không có thứ gì tương tự như thế. Chiến tranh, ngay cả cuộc chiến dài nhất và lớn nhất, nhanh chóng chìm đi không được nhớ đến, rơi vào lãng quên. Dấu vết của nó biến mất ngay ngày hôm sau: người chết phải đem chôn ngay, các túp lều đất bị thiêu rụi được những cái mới dựng lên thế chỗ.
Tài liệu ư? Chưa từng có. Không có các chỉ thị trên giấy tờ, các bản đồ quân sự, tài liệu viết bằng mật mã, truyền đơn, tuyên cáo, báo chí, thư tín. Không có thông lệ viết hồi ký và nhật ký (đơn giản thường là không có giấy). Không có truyền thống viết sử. Quan trọng nhất là: ai sẽ làm điều đó? Không có các nhà sưu tầm kỷ vật, những người phụ trách bảo tàng, chuyên gia lưu trữ, các sử gia, các nhà khảo cổ học. Thậm chí tốt hơn hết là không có ai quanh quẩn trên chiến trường. Anh ta sẽ lọt ngay vào mắt cảnh sát, bị tống vào tù và - bị tình nghi là gián điệp - anh ta sẽ bị xử bắn. Ở đây, lịch sử đột nhiên xuất hiện, như một deus ex machina từ trên trời rơi xuống, thu hoạch vụ mùa đẫm máu của mình, bắt các nạn nhân đi và biến mất không dấu vết. Nó là gì? Tại sao nó lại ném ánh mắt quỷ dữ vào chính chúng ta? Nghĩ về điều này thật chẳng hay ho gì. Tốt hơn hết là không tò mò.
Trở lại với Sudan. Cuộc chiến bắt đầu ở đó dưới các khẩu hiệu ồn ào (miền Bắc: chúng ta phải giữ lấy sự thống nhất đất nước, miền Nam: chúng ta chiến đấu vì độc lập), theo thời gian, bi kịch của một quốc gia non trẻ dần thoái hóa thành cuộc chiến của các tầng lớp quân sự chống lại chính nhân dân mình, cuộc chiến của những kẻ có vũ trang chống những người tay không tấc sắt. Bởi vì tất cả xảy ra trong một đất nước nghèo, nhân dân đói khổ, nơi người ta cầm đến vũ khí, dao rựa, súng máy trước hết là để cướp lương thực, kiếm thức ăn. Đó là cuộc chiến giành nắm ngô, bát gạo. Mọi thứ trộm cắp ở đây đều dễ dàng hơn, tại đất nước mênh mông rộng lớn và không có đường sá này, giao thông liên lạc yếu kém, dân cư ít và thưa thớt, nghĩa là trong các điều kiện mà việc cướp bóc, phá phách không bị trừng phạt, dù chỉ là do thiếu mọi sự giám sát và kiểm tra.
Có ba lực lượng quân sự tham gia chiến tranh. Có quân đội của chính phủ - công cụ nằm trong tay giới tinh hoa ở Khartoum - do tổng thống, tướng Omar Hassan al-Bashir, chỉ huy. Quân đội này hợp tác với nhiều đơn vị cảnh sát nổi và chìm, các hội ái hữu Hồi giáo, đám quân riêng của các địa chủ lớn.
Chống lại lực lượng chính phủ này là các du kích QĐGPDTS của đại tá John Garang và các tổ chức khác nhau ở miền Nam đã tách khỏi QĐGPDTS.
Và cuối cùng là loại người có vũ trang thứ ba - đó là vô số các tổ chức được gọi là militia, các nhóm bán quân sự của những người trẻ tuổi (thường là thiếu niên) có xuất xứ từ các bộ lạc, được các tù trưởng địa phương hay thị tộc chỉ huy, tùy theo tình hình và quyền lợi mà họ hợp tác với quân đội hoặc với QĐGPDTS (militia ở châu Phi là sản phẩm của những năm gần đây, một lực lượng vô chính phủ, hung hăng, đang lớn mạnh, gây bất ổn cho các quốc gia, quân đội, các nhóm du kích có tổ chức và các phong trào chính trị.)
Tất cả các đạo quân, đơn vị, mặt trận, đội, đoàn ấy - nhiều đến thế và đánh nhau suốt ngần ấy năm - chống lại ai? Thỉnh thoảng chúng chống lại nhau, nhưng thường nhất là chống lại chính nhân dân mình, tức những người không có khả năng tự vệ, mà cụ thể hơn là phụ nữ và trẻ em. Nhưng vì sao lại chống lại phụ nữ và trẻ em? Phải chăng những gã đàn ông có vũ trang ấy bị một thứ chủ nghĩa chống nữ quyền đầy thú tính chi phối? Tất nhiên là không. Chúng tấn công, cướp bóc các nhóm phụ nữ và trẻ em vì họ được hưởng cứu trợ quốc tế, vì các bao bột mì và gạo, các thùng bánh mì khô và sữa bột là dành cho họ, những thứ ở châu u chẳng ai để ý, nhưng ở đây, giữa vĩ tuyến sáu và mười hai, chúng quý hơn tất cả. Hơn nữa, nhiều khi chẳng cần phải cướp các kho báu ấy của đám phụ nữ. Đơn giản chỉ cần bao vây máy bay khi nó chở lương thực tới, tịch thu các bao, thùng rồi vác hay chở chúng về đơn vị mình.
Từ nhiều năm, cái đói được chính quyền Khartoum sử dụng làm vũ khí để tiêu diệt người dân miền Nam. Giờ đây, họ đối xử với người Dinka và người Nuer như Stalin đã làm với người Ukraine năm 1932: bỏ đói đến chết.
Người ta không đói vì thiếu lương thực trên thế giới. Lương thực có đầy, thừa thãi. Nhưng giữa những người muốn ăn và các kho lương thực đầy ắp có một chướng ngại vật lớn: trò chơi chính trị. Khartoum hạn chế các chuyến bay cứu trợ người đói. Nhiều máy bay đến nơi bị các thủ lĩnh địa phương cướp. Ai có vũ khí, kẻ đó có lương thực. Ai có lương thực, kẻ đó có quyền lực. Nơi đây, chúng ta đang ở giữa những người không màng đến siêu nghiệm và sự hiện hữu của tâm hồn, đến ý nghĩa cuộc sống và bản chất của sự tồn tại. Chúng ta đang ở trong thế giới nơi con người lăn lộn, cố gắng bới trong bùn vài hạt thóc để sống qua ngày hôm sau.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun