Nếu bạn đã cố gắng hết sức mình thì bạn sẽ vẫn thanh thản ngay cả khi gặp thất bại.

Robert S. Hillyer

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
áng hôm ấy, khi mặt trời lên tới đầu ngọn tre, thì có một anh bộ đội quần áo chỉnh tề đến chùa, đầu đội mũ lá bọc vải, bên ngoài lần vải giăng lưới ngụy trang. Nghĩa là một anh bộ đội chính quy hẳn hoi. Từ đầu đến chân anh là một màu xanh lá cây của bộ quân phục mới tinh. Lần đầu tiên, tôi gặp một anh bộ đội như thế. Mới gần đây, bộ đội có về làng. Nhưng vùng tôi là vùng du kích, nên tôi thấy họ mặc toàn quần áo nâu, chẳng khác gì nông dân. Anh bộ đội gặp tôi, bảo:
- Chào chú tiểu! Cho anh gặp sư cụ với.
Sư cụ và anh bộ đội nói chuyện với nhau ở nhà tổ. Nói những gì, tôi không biết. Khi anh bộ đội ra về, tôi thấy thầy tôi vẻ mặt rất hớn hở. Sau đó, thầy tôi ăn mặc tề chỉnh, lên thượng điện đọc kinh. Trước đó, thầy sai tôi:
- Con lên gác tam quan gõ chuông.
Tôi ngạc nhiên:
- Bạch sư cụ, sao lại gõ chuông vào giờ này?
- Thì con cứ gõ? Chả là hôm nay ngày đại hỉ.
Tôi còn cố hỏi thêm cho rõ:
- Bạch sư cụ, con phải gõ mấy hồi?
- À à... Con phải gõ năm hồi... Mà càng lâu càng tốt... Cho tất cả bàn dân thiên hạ, cho cả làng đều biết...
Tôi vẫn chưa hiểu đầu đuôi ra sao, nhưng cứ theo đúng lời sư phụ dạy. Tôi gõ đúng năm hồi chuông thật dõng dạc. Cái vồ treo gõ vào cái núm chuông rất mạnh. Chuông chùa làng tôi là đại hồng chung. Cái chuông đúc từ hồi nhà Lê. Nghe nói hồi ấy họ Bùi có người làm quan to... Lúc đúc chuông, ông quan là người đầu tiên cúng dường đức Phật, đã thả vào vạc nấu đồng một lượng vàng. Trong làng, còn nhiều người khác làm công đức cúng vàng nữa. Thành thử chuông làng tôi nổi tiếng là ngân nga rất xa. Chuông Sọ đánh, cả ba xã lân cận đều nghe thấy tiếng.
Chuông đánh hồi thứ nhất. Dân làm đồng, dừng tay, hỏi nhau:
- Hôm nay là ngày gì, mà nhà chùa gõ chuông giữa giờ thế nhỉ?
Chuông đánh hồi thứ hai. Họ bảo nhau:
- Hay là... sư cụ có chuyện gì?
- Không phải. Chuông vui chứ không phải chuông buồn.
- Sao bác biết?
- Chuông chùa làng Sọ thiêng lắm. Các cụ bảo nó biết vui biết buồn. Các ông các bà cứ nghe kỹ thì biết. Hôm nay chuông như hát. Trong tiếng ngân nga có tiếng reo vui.
Chuông đánh hồi thứ ba. Có người nôn nao lòng dạ, bỏ việc đồng áng, chạy vội về làng, về đến nơi, đã thấy các cụ già áo the quần trắng, quạt che đầu, kéo ra chùa. Người ta bảo nhau:
- Hòa bình rồi. Pháp thua rồi. Từ nay không phải đánh nhau nữa. Giặc rút hết rồi. Cả đồn Sọ nhà mình chúng cũng rút sạch cả rồi. Về mà làm lễ kính cáo gia tiên đi. Ăn mừng đi... Nhờ có tổ tiên phù hộ, hôm nay quê ta mới sạch bóng quân thù. Đình làng giặc chiếm làm bốt, hôm nay chưa tu sửa được, nên các cụ phải ra chùa. Chùa cũng như đình, các cụ muốn nhờ chốn linh thiêng để tế cáo trời đất, để tế cáo tổ tiên.
Thì ra, anh bộ đội sáng nay tôi gặp thuộc đơn vị tỉnh đội. Bộ đội về làng mấy hôm nay là để chuẩn bị quét sạch các đồn bốt dọc huyện lộ và cả bốt PC. Huyện. Chưa kịp đánh thì sáng nay có điện của tỉnh về nói đã ký Hiệp định Giơnevơ (Gevève). Quân Pháp sẽ hoàn toàn rút khỏi miền Bắc. Từ nay, cả miền Bắc đã hoàn toàn được giải phóng.
Muốn thông báo tin này cho cả làng cùng biết, nhưng đây là vùng tề, chưa có chính quyền cách mạng. Chẳng lẽ lại bắt chính quyền ngụy đi báo. Không được! Giải phóng rồi tức là chính quyền ngụy đã bị giải tán. Nghĩ vậy nên anh chỉ huy mới sáng kiến ra cách vào chùa nhờ sư cụ gióng chuông báo tin cho cả làng. Thế cũng phải! Chuông chùa làng luôn gắn bó với mọi nỗi vui, buồn của làng xóm. Ngày Tết, ngày Hội, chuông chùa làng thường vang lên. Ngày hòa bình lập lại chẳng là ngày hội vui chưa từng có của cả làng hay sao? Sư cụ Vô úy là bậc chân tu. Hòa bình tức là lòng từ bi của đức Phật đã được thực hiện. Sư cụ là người hoan hỉ nhất, cho nên sư cụ cho đánh tận năm hồi chuông, nhiều hơn cả tiếng chuông những ngày đại lễ.
Hôm ấy tòa thượng điện trong chùa đèn nến sáng trưng. Các cụ bảo chùa cũng như đình đều là của làng, nhưng tế cáo thành hoàng làng thì làm trong thượng điện không được. Phải làm lễ vọng ở ngoài sân thôi. Các cụ liền bày hương án ra giữa sân chùa. Rồi vác cả trống cái ra thì thùng cho đến tận khuya.
Mấy hôm sau, chính quyền xã được thành lập. Bà Trần cán bộ phụ nữ huyện được trên cử về làm chủ tịch xã. Anh Hà, em anh Hải tản cư lên Tuyên Quang, nay cũng trở về xã làm bí thư chi bộ. Chị Nguyệt của tôi cũng trở về chùa. Bà Trần bảo:
- Sư cụ gả cô cho chú Hải. Nay chú Hải đã hi sinh oanh liệt cho Tổ quốc. Hay là tôi tính thế này. Cô cứ về ở với gia đình tôi. Dần dà để tôi tính, sẽ gây dựng gia đình cho cô. Trước mắt, hay là cô làm phụ nữ xã giúp tôi gây dựng phong trào, ừ, phải đấy, cô đã có một năm công tác ở phụ nữ huyện.
Chị tôi nghe vậy, giãy nảy lên:
- Cháu chịu thôi. Cháu làm cán bộ sao được. Một năm ở huyện, cháu chỉ làm chân thổi cơm. Có biết gì đâu.
- Thì cứ làm. Chúng ta là công nông cả thôi mà. Công nông nào đã được học, nào đã được nắm chính quyền bao giờ. Trong cách mạng, người ta hơn nhau ở cái lập trường mà thôi. Cứ làm, khắc biết.
Bà Trần phân tích thế nào chị tôi cũng không nghe. Bà Trần nhờ sư cụ. Cụ tôi nói, chị tôi cũng chẳng nghe. Chị Nguyệt bảo:
- Bạch sư cụ, sư cụ đã gả con cho anh Hải. Con nghe thầy đã trở về đời tục. Tuy nhiên, con chẳng có duyên với đời. Con nhớ bố con ngày xưa dạy: “Đời người con gái chỉ nên có một lần đò. Đời người ta càng nhiều lần đò càng lắm truân chuyên”. Anh Hải con không may vì nước thiệt thân. Tuy chưa cưới nhau, nhưng con cũng coi như mình đã sang một lần đò. Bạch cụ, con nguyện còn ngày nào sống ở nơi trần thế, con sẽ dành hết cả để ăn chay niệm Phật.
Chẳng hiểu thầy tôi đã nhìn thấy tương lai của chị tôi ra sao, mà thầy tôi chỉ thở dài. Sư cụ bằng lòng cho chị tôi ở lại chùa. Chị tôi lại bảo với bà chủ tịch xã:
- Cô ạ. Không hiểu sao, nghe gõ mõ, ngửi mùi hương, con thấy lòng con rất thanh thản. Mấy lại, còn em con nữa chứ. Còn sư cụ nữa chứ. Chị em con chịu ơn sư cụ. ơn ấy thật cao dày. Năm xưa, không có sư cụ dang tay ra cưu mang, chắc chị em con đã chết cả rồi. Con phải ở lại chùa để hầu hạ sư cụ.
Chị Nguyệt tôi trở về chùa hỏi thăm bà vãi Thầm nhưng hiện nay chẳng ai biết bà ở đâu. Người ta bảo bà vãi dạo này lẫn lắm rồi. Suốt ngày đêm, bà sống với cõi âm. Khi chị tôi đi lánh nạn, không có người phụ nữ nào ở chùa nên không có người giúp đỡ cụ Thầm. Cô Thì phải đón mẹ về ở với mình. Nhà cô Thì nghèo nhất làng. Chồng cô, anh cò Lẫm là người lưu lạc, quê tận dưới Nam, lên đây lấy cô Thì ở rể. Khi ông cụ Khố chết, anh Lẫm lại vác cái riu ra đồng bắt tôm tép. Cô Thì thấy vậy rớm nước mắt:
- Thầy tôi đã chết rét ngoài đồng. Anh lại định theo nghề thầy tôi hay sao?
- Thì nhà nó thử nghĩ xem. Nhà mình có ba gian nhà rách, bố mình đã dành cả một gian để chứa nào lờ, nào đó, nào ống lươn, nào nơm, nào lưới... Tôi phải cám ơn bố. Gia tài to đấy mình ạ. ít nhất thì mình cũng có miếng ăn.
Anh Lấm chẳng khác ông cụ Khố tẹo nào. Suốt ngày đêm quần quật vật lộn với sóng với nước. Chỉ có điều khác: ông cụ Khố chỉ có một mình cô Thì, còn anh Lẫm lại những năm con. Cô Thì là loại mắn đẻ. Mới hơn ba mươi tuổi đã năm mặt con với chồng.
Bà cụ Thầm về ở với con gái, nhưng thực ra cả nhà có ai để mắt được tới cụ đâu. Anh Lẫm mải ra sông, ra hồ, đi đến nửa đêm mới về. Cô Thì còn mải làm mướn cho người ta. Tối mịt mới về nhóm lửa. Có năm đứa con: đứa lớn nhất đã choai choai, phải đi ở đợ; đứa thứ hai, thứ ba, khoảng trên mười tuổi đã phải tập nhủi tôm nhủi tép giúp đỡ bố mẹ; hai đứa bé nhất, thằng lên bảy cõng con lên ba, lê la hết ngõ trên xuống ngõ dưới. Thế là chẳng có ai cai quản nữa, cụ vãi Thầm liền bỏ đi lang thang. Người ta chẳng biết cụ sống bằng cách nào. Năm thì mười họa, người ta mới lại thấy mặt cụ ở làng. Hỏi cụ đi đâu về, thì cụ trả lời: “Tôi đi chơi với bà Thắm”, hay “Tôi ở đền cô Chín về”, hoặc “Tôi đi thăm ông lão nhà tôi về”. Hóa ra, bà cụ toàn đi thăm những người ở cõi âm. Chị Nguyệt để ý đi tìm, nhưng không thấy.
Cho tới một đêm, chị tôi đang ngủ bỗng choàng tỉnh dậy. Chị Nguyệt chăm chú lắng nghe, thấy văng vẳng tiếng khóc. Tiếng tỉ tê lúc to, lúc nhỏ, lúc rõ, lúc đứt quãng. Chị tôi bèn ngồi dậy, đi ra hè. Định thần, nghe thật kỹ mới xác định được tiếng khóc ở ngoài chùa, ở bãi tha ma vọng vào.
Chui qua cái trổ tre, chỉ một quãng đường ngắn là tới bãi tha ma, và xa hơn chút nữa là tới rừng Cò. Cũng thấy rợn tóc gáy, nhưng nghe tiếng khóc quen quen, nên chị Nguyệt đánh liều đi ra bãi tha ma. Linh tính báo trước, hơn nữa, đã có lần bà cụ Thầm nói rằng ông cụ Khố được chôn ở đây, nên chị tôi mạnh dạn đi về phía tiếng khóc, lúc này nghe đã rõ mồn một.
Chị tôi quả đoán không sai. Chị đã bắt gặp bà cụ Thầm đang quỳ, đầu gục xuống trước một nấm đất. Bà khóc rấm rứt và lầm bầm trong miệng cái gì không rõ. Khi chị Nguyệt đỡ cụ lên, bà cụ Thầm như bàng hoàng trong mộng:
- Ai đây?... Nguyệt hả?... Nguyệt ơi, cái Thì nó bỏ mẹ rồi... Mẹ đi tìm con bao nhiêu lâu mà không thấy... Mẹ gặp con đom đóm rất to... Nó không xanh lét, mà đỏ đòng đọc... Đom đóm ma đấy!... Nó bảo con chết rồi, song mẹ chẳng tin... Chết thì mẹ biết chứ... Mẹ thường nói chuyện với các vong... Ông Khố nhà mẹ này... Cô Thắm này... Không vong linh nào trông thấy con cả... Tức là con chưa chết. Đêm hôm nay, vong ông Khố dẫn mẹ đi tìm con... Ông ấy bảo thế nào cũng gặp. Thế mà mẹ gặp con thật. - Bà nắn vai, nắn tay chị Nguyệt như để kiểm tra - Thật hả? Thế là con còn sống thật hả?
Chị Nguyệt vội mang bà Thầm về căn nhà lá vườn chùa. Đang đêm cũng đun nước tắm cho cụ. Rồi định giặt giũ bộ quần áo hàng mấy tháng trời không thay. Bộ quần áo cứng như mo nang, bốc mùi như chuột chết. Cuối cùng chị Nguyệt đành đốt nó đi, lấy một bộ thơm tho của mình mặc cho bà cụ. Mừng vì gặp được Nguyệt, lại được tắm táp sạch sẽ, lại được húp bát cháo nóng ấm bụng, bà cụ ngủ ngay khi chui vào cái ổ rơm. Ngủ nhưng vẫn nắm lấy tay chị Nguyệt tôi, như người chết đuối bám vào cái cọc. Trong giấc mơ, cụ vẫn thầm thì: “Nguyệt ơi đừng bỏ ta nhé”.
Sư cụ, thầy tôi, tỏ ra hài lòng vì việc làm của chị tôi. Cụ bảo:
- Ở chùa, chỉ có con làm được việc này thôi. Ráng mà cứu lấy bà cụ.
Cả xã, trong những ngày đầu hòa bình ấy, đều dồn sức vá lành những vết thương chiến tranh còn để lại sâu hoắm trên da thịt làng xã.
Người giàu rủ nhau xuống Hải Phòng, vào Nam. Người ta đồn nhau về những chuyện giảm tô, cải cách, đấu tố ở vùng hậu phương. Cụ chánh Long, một sớm, ra chùa uống trà với thầy tôi. Cụ bảo:
- Bạch sư huynh. Thầy khuyên tôi nên đi hay nên ở? Thằng quản Mật nhà tôi đã bồng bế vợ con xuống Hải Phòng từ một tháng nay. Nó bảo: “Ông phải quyết định cho nhanh. Không thể lưỡng lự. Việt Minh họ không dung tha cho nhà ta đâu. Này nhé: ruộng thì nhiều. Rồi bao nhiêu đời toàn là chánh tổng, lý trưởng. Riêng con lại đi lính cho Tây...”. Tôi hỏi lại nó: “Thế còn ruộng nương? Cả nhà ta bao nhiêu là miệng ăn? Mấy chục đời nay đều sống bằng ruộng đồng. Bỏ làng mà đi, vào trong ấy thì sống bằng gì?”, “Phải bỏ hết, bỏ hết không tiếc! Chần chừ là chết. Con hỏi thầy: mạng sống quý hay ruộng nương quý? Riêng con, thì bắt buộc phải đi thôi. Con nói hết lời. Còn tùy thầy? Thầy không nỡ xa mồ mả ông cha ư? Thầy không nỡ rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ư? Thầy bịn rịn với tình làng nghĩa xóm ư? Con nói thật, đó là những cái bẫy, chúng thít vào cổ chúng ta lúc nào không biết”. Chính vì nó nói như vậy nên tôi mới phải đến đây xin huynh một lời khuyên.
- Tôi biết nói thế nào với cụ đây. Thực ra chúng sinh chúng ta đang sống trong thời mạt pháp. Chẳng ai có thể biết rõ ngày mai rồi sẽ ra sao. Thế gian đương xao động. Con người đang giãy giụa tìm lối đi
Thực ra, ở dưới gầm trời này, chẳng đâu là không sóng gió. Tôi là người tu hành, chiể biết nẻo đi của Phật. Cụ là người sống giữa trần thế. Những nẻo đường trần thế liên quan đến chính trị, tôi hoàn toàn mù tịch. Thôi thì tùy thời thế, hoàn cảnh. Chỉ xin cụ, dù thế nào, cũng cố giữ bốn chữ từ bi, hỉ, xả.
- Bạch hòa thượng, không biết tôi nghĩ thế này có ổn không. Gia đình anh quản Mật thì đi một nhẽ. Chúng nó đi cả rồi. Còn gia đình anh bá Phượng. Nhà ấy có hai vợ? Gia đình vợ cả, chúng nó sợ, thì chúng nó đi. Còn gia đình vợ lẽ có ba đứa con còn nhỏ cả. Vả lại, cô con dâu vợ lẽ ấy tính toán, thành phần nhà nó nghèo, bần nông, lại là vợ lẽ, tì thiếp. Loại ấy cách mạng người ta không trừng trị? Có thể lại còn dựa vào là đằng khác. Cho nên, chúng nó không đi. Cái Hiếu, con gái lớn chị ta, tức là cháu tôi; nó nói với tôi: ‘‘Ông ơi! Cháu ở lại với ông, dù khổ sở, sống chết thế nào cháu cũng chịu’’. Con bé mới mười lăm tuổi. Tôi yêu nó lắm. Nghe nó nói tôi mới vững dạ. Tôi quyết định ở lại cụ ạ. Vả lại, năm nay tôi đạ sáu nhăm. Cũng đã được rồi … cụ nhỉ.
Người giàu lo lắng, tính tóan nát nước ra như vậy. Còn người nghèo, họ phập phồng chờ đợi. Nghe đồn rằng: Việt Minh về, thì người càng nghèo càng sung sướng. Có thể nói đó là những con cưng. Việt Minh sẽ chìu chuộng họ, nân đỡ họ Cái ý nghĩ huyền thoại, cái mơ ước ngàn đời ‘‘lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo’’ sắp được thực hiện.
Mang máng đồn đại như vậy. Mơ hồ biết được như vậy. Thực chăng? Hư chăng? Lắm lúc ý tưởng ấy như hiện ra mồn một. Rồi có lúc lại thấy hình như không phải vậy. Chả thế mà có ông cán bộ đã giải thích cho một gia đình khá giả:
- Các ông các bà đừng có nghe lời địch tuyên truyền nhảm mà kéo nhau đi Nam. Nơi đó là nơi địa ngục còn nằm trong tay bọn đế quốc sài lang. Độc lập mới là điều quý giá. Cách mạng đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo.
Câu nói ấy, người làng Sọ ngẫm cũng có lý. Bởi vì họ đã tận mắt chứng kiến những người kháng chiến. Họ là những người tốt, vô tư. Có người hi sinh cả mạng sống vì đuổi Tây. Như anh Hải chẳng hạn. Bóng con thuyền trôi sông, trên đó cắm cái đầu lâu của anh, cả khúc ruột lòng thòng của anh. Hình ảnh ấy, người làng Sọ có bao giờ quên được.
Và chẳng nói đâu xa. Ngay trong phút này, giờ này, hình ảnh của chị Trần tức cô Nấm cũng thuyết phục được mọi người. Đất này là vùng tề cũ. Nơi đây, trong kháng chiến, dù người dân vẫn ra sức làm ăn, nhưng phải nói là sự làm ăn rất khó khăn. Nào Tây tấn công, nào bắt lính, nào vây ráp tập trung, nào bắt bớ cấm đoán. Ấy là chưa kể đến chuyện cái cảnh đồng ruộng bị cấm trồng trọt, bởi vì đấy là vùng gần bốt, vùng quân sự. Ấy là chưa kể đến có lúc lúa chín rũ trên cánh đồng mà không ai được gặt và dám gặt, bởi vì đó là thời gian những cuộc vây càn. Cho nên khi hòa bình lập lại, dân có bao nhiêu người bị đói. Chị Trần phải xắn quần móng lợn đi suốt ngày suốt đêm cứu dân, quyết không để ai chết đói. Xong cứu đói lại đến chống hạn. Cả tháng trời không mưa. Ruộng khô nứt nẻ. Lúa nghẹn đồng. Chị lại phải đi liên hệ, đưa bộ đội về giúp dân tát nước. Rồi động viên thanh niên trong xã cùng ra làm. Đói. Người nào cũng gầy gò, bủng beo, mặt xanh nanh vàng, cầm cai dây gầu mà thở, mà run. Rồi bản thân chị cũng phải trực tiếp tham gia nữa chứ. Nói mồm cho khéo, ai người ta theo...
Có lẽ, trong những ngày đầu hòa bình năm 1954 ấy, chỉ có trẻ con là những người vui sướng nhất. Đây là lần đầu tiên chúng được đánh trống, được hát hò, được nhảy múa. Đối với chúng, rõ ràng đó là những ngày hội..
Đình làng, Tây dùng làm bốt mấy năm qua. Lúc này, các cụ bô lão đang phải góp sức phá bốt, phá hàng rào thép gai, lấp giao thông hào, nhờ bộ đội gỡ mìn, để ngõ hầu trả lại cho ngôi đình dáng vẻ đúng là đình. Công việc còn đang bề bộn, nên mọi chuyện làng xã, đáng lẽ phải được diễn ra ở đình, thì lại phải tiến hành ở chùa.
Khu chùa yên tĩnh bỗng trở nên rộn ràng. Dưới bóng nhưng cây muỗm tán lá xanh rì, rậm rạp, đội thiếu nhi đêm nào cũng múa hát.
Tôi là một chú tiểu. Lẽ dĩ nhiên, tôi không được tham gia hát hò. Đêm nào, tôi cũng ngồi ở tòa thượng điện ghé mắt qua khe cửa, nhìn các bạn đồng học của tôi với thầy giáo Hải trước đây sinh hoạt. Tôi không học hát bao giờ. Tuy nhiên lời những bài hát đều đã in sâu vào trí óc tôi. Dạo ấy, đâu đâu cũng vang lên Chiến thắng Điện Biên, Hò kéo pháo, Kết đoàn, Tình bằng có cái trống cơm.
Nhưng câu hát tuy hay nhưng điều hấp dẫn những người dân quê chúng tôi hơn cả là những điệu múa. Nói cho đúng hơn, đó là những điệu múa tập thể. Vừa múa vừa hát. Hát vốn là chuyện thường rồi. Bất cứ ở đâu và lúc nào, đã là con người ai cũng biết hát. Còn múa thì không. Dân quê chúng tôi nghĩ rằng múa khó lắm; múa là những bàn tay dẻo quẹo. Những ngón tay ngọc ngà uốn lượn tạo thành những đường cong mềm mại. Người thường không làm được. Việc ấy chỉ dành cho các cô đào chèo trứ danh năm thì mười họa mới xuất hiện ở sân đình. Đằng này lại là múa, mà ai múa cũng được. Chỉ việc nhón cái chân lên chút xíu rồi dậm khẽ ra phía sau, còn đôi tay thì vẩy sang phía bên kia. Dễ thật! Vui thật! Trò múa ấy kéo tất cả trẻ con làng Sọ tối nào cũng quây quần ở sân chùa, kết thành vòng tròn để tiếng hát vang rung cành lá, để cô cậu nào cũng đổ mồ hôi cùng những tràng cười giòn giã. Múa sạp: “Sòn sòn sòn đô sòn”. Hái chè bắt bướm: “Là là mí mí rê”. Tuy nhiên, người ta hay múa theo những giai điệu từ nước ngoài đem về, hay những điệu mô tả cái thiên đường xa lắc xa lơ. Ví dụ như:
Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa
Đây bao la, muôn sắc bao chan hòa.
Hay là...
Thắm thiết tình Việt Trung Xô
Đế quốc càng nhiều mối lo.
Cái đế quốc sài lang kia chúng tôi cũng đã biết mặt. Đó là quân Pháp. Pháp mạnh lắm. Bao nhiêu là súng đạn, bao nhiêu là lô cốt. Chúng tôi đã trải cả rồi, nhưng chúng tôi không sợ. Còn đế quốc Mỹ. Có anh bộ đội bảo rằng Mỹ giàu hơn Pháp nhiều, giỏi hơn Pháp nhiều, hiện đại hơn Pháp nhiều... Tuy nhiên, chúng tôi không hề sợ, bởi vì trước mắt chúng tôi là hình ảnh của những thiên đàng:
... Dân Liên Xô, vui hát trên đồng hoa...
Đêm nào, lũ trẻ chăn trâu ngây thơ của làng Sọ chúng tôi cũng gọi tên xứ thiên đàng ấy. Gọi tên, ao ước, cố gắng biến thành sự thực niềm mơ ước, đó là những ý nghĩ vụng dại, đáng yêu của những người bạn mục đồng của tôi thuở ấy.
Còn sư cụ Vô úy, thầy tôi trong những ngày ấy, lại lặng lẽ như một cái bóng. Khác với ngày thầy tôi nằm liệt, dạo ấy thầy tôi chẳng giảng dạy gì cho tôi cả. Thầy tôi tụng kinh nhiều hơn. Tối nào cũng vậy, sau khi lũ trẻ trong làng trở về nhà, thầy tôi lại lên thượng điện tụng kinh. Những khi ấy, tôi ngồi đằng sau, nhắc lại những câu kinh mà thầy tôi tụng niệm. Đọc mãi, nghe tiếng mõ đều đều mãi, cho đến lúc tâm tôi hoàn toàn phẳng lặng.
Thầy tôi bảo: đạo Phật cũng có Niết bàn. Nhưng nó không phải là một xứ xa lắc xa lơ nào đó. Nó nằm ngay trong cõi ta bà, nó nằm ngay trong lòng chúng ta. Niết bàn xuất hiện lúc chúng ta vô tâm nhất, tâm hồn ta bình lặng nhất, và chẳng một gợn thù hận.
Cái Huệ lúc ở hậu phương trở về đã đến thăm tôi ngay. Hôm ấy, tôi đang đun nước trong bếp. Nó lẻn từ vườn chùa đi vào. Nó hỏi thăm chị Nguyệt (chị tôi về làng trước nó). Huệ cứ lúng túng mãi, hai má ửng hồng, rồi mới đưa cho tôi một cái gói. Tôi cười:
- Tưởng quà hậu phương là gì khác. Hóa ra lại là ổi găng ở vườn nhà cậu.
- Cây ổi găng tứ thời nhà mình sai quá. Vừa về tới sân đã ngửi thấy mùi ổi thơm nức. Chả là mình đi vắng không ai hái, ổi chín mõm, chào mào đến ăn, quả rụng đầy gốc.
- Thế anh Căn?
- Anh Căn đi bộ đội rồi. Chưa đến tuổi nhưng cao lớn nên các chú chỉ huy nhận vào.
Nước sôi, Huệ theo tôi lên nhà tổ chào sư cụ. Thầy tôi khen Huệ chóng lớn, rồi hỏi thăm tình hình gia đình sư thúc Vô Trần. Đến tối, sư phụ nói chuyện với sư huynh Khoan Độ ở tràng kỷ. Tôi nghe loáng thoáng nói đến tôi, liền dừng chân nghe lén. Sư Khoan Độ:
- Dạ thưa thầy, con thấy sư đệ An và em Huệ nay đã lớn cả rồi.
- Sao cơ?...
- Dạ, chúng đã lớn. Mà lại thân thiết với nhau quá.
- Ừ, chúng đã lớn cả rồi - Thầy tôi nói thủng thẳng, giọng rất hiền từ - Nhưng mà, chẳng sao đâu con ạ... Đời người ta, có được một người bạn tốt là quý lắm. Mà sư, thì cũng như mọi người thôi. Cũng cần có bạn chứ sao. Thôi, cũng chẳng nên xét nét. Chẳng hề gì đâu con ạ.
Đêm ấy, lúc đội thiếu nhi đến sân chùa để tập múa hát, Huệ rủ tôi cùng tham gia. Tôi cười:
- Ai đời chú tiểu lại tham gia thiếu nhi, rồi lại nhảy sòn sòn. Không được đâu Huệ ạ.
Huệ dài giọng ra:
- Rồi mà xem. Đố cậu trốn đi đâu được.
- Sao cơ?
Huệ thầm thì:
- Bố tớ bảo: sư cũng là công dân. Nghĩa là...
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là... Sư cũng phải... giống như mọi người...
Lúc ấy chúng tôi còn nhỏ quá để có thể hiểu những cơn bão tố... những trận cuồng phong đang từng đợt từng đợt ào ào tràn qua đất nước, tràn qua ngôi làng nhỏ bé của chúng tôi...
Trong những ngày ấy, những anh bộ đội, những người lính, là những sứ giả cách mạng ở các làng quê. Hầu như, tất cả những gì mới mẻ của cách mạng đều thông qua họ mà đến với dân quê. Nào chống đói, nào chống hạn, nào chống di cư vào Nam, nào mít tinh, nào phổ biến học tập... tất cả đều có bàn tay của họ tham dự. Ngay cả việc dạy các em thiếu nhi hát múa, như tôi kể ở trên, cũng đều do các anh bộ đội. Tôi còn nhớ, đêm hôm ay, sân chùa bỗng vang lên một bài hát mới, một bài hát lạ. Lời ca ấy như sau:
Ta hát múa ta ca
Cố bần ta nắm tay nhau
Là quyết đấu tranh đem lại tự do
Là quyết đấu tranh đem lại lợi quyền
Đời cần lao ấm no sung sướng
Trung, cố, bần ta vuĩ liên hoan
Là trung, cố, bần ta vui liên hoan.
Trước đây, chỉ là xì xào. Còn bây giờ đã rõ ràng. Bài tụng ca về cố nông, bần nông đã bắt đầu vang lên ở làng tôi.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa