Nguyên tác: The Rainbow Troops
Số lần đọc/download: 7465 / 462
Cập nhật: 2016-03-15 15:23:34 +0700
Chương 21: Lễ Giật Đồ
M
ujis, người phun thuốc diệt muỗi trông hệt phi hành gia, bảo chúng tôi rằng hôm nọ, lúc phun thuốc diệt muỗi ở văn phòng khảo sát PN anh trông thấy một bản đồ khai thác thiếc lớn.
“Ba máy xúc đang tiến về phía ngôi trường này!” anh ta nói giọng chắc như đinh đóng cột.
Mujis thậm chí có thể gọi tên các IB.
“IB 9, IB 5, IB 2.”
IB là cách nói địa phương cho EB, emmer bager, tiếng Hà Lan có nghĩa là máy xúc.
Cái tin do Mujis mang đến thật khủng khiếp vì bất kỳ thứ gì nằm trên đường đi của chúng chắc chắn sẽ bị giật đổ. Nhưng cũng như mọi lần, cô Mus lại lên tinh thần cho chúng tôi. Cô bảo chúng tôi hãy nguyện cầu để không có gì tồi tệ xảy đến với chúng tôi. Chúng tôi ngay lập tức quên béng đi mối đe dọa từ mấy cái máy xúc. Nhất là tôi, vì tâm trí tôi đang bận rộn với một cái tin thậm chí còn bất ngờ hơn.
Chuyện là như thế này. Hôm nay trên đường về trường sau khi mua phấn xong, trong khi tôi đạp xe, Syahdan đọc dòng chữ dưới đáy hộp phấn nó đang cầm trong tay: Gặp tớ tại Chiong Si Ku.
Cái gì? Một tin nhắn của A Ling! Chắc chắn đó là chữ viết của A Ling rồi! Tin nhắn được viết bí mật bên dưới hộp phấn đó khiến tôi mất tay lái, chiếc xe loạng choạng rồi đâm bổ xuống con mương. Tôi cố cứu lấy hộp phấn và dòng chữ quý báu ghi trên đó. Hết lần này đến lần khác cô Mus thất vọng vì tôi không gìn giữ hộp phấn cẩn thận. Syahdan và tôi ngã nhào xuống dòng nước bùn đen ngòm. Phấn không sao nhưng chúng tôi ướt nhẹp hết cả.
Syahdan phát khùng lên. Tôi hơi hoảng khi nó tỏ ra như thế, nhưng cũng lại thấy thật buồn cười. Tất cả những gì tôi có thể trông thấy chỉ là hai con mắt trắng dã của nó, vì người nó từ đầu tới chân nhuộm bùn đen hết cả. Hai đầu gối tôi rớm máu.
Khi chúng tôi về đến trường, tôi lấy phấn ra khỏi hộp và cho hết vào một chiếc hộp khác để có thể mang dòng tin nhắn của A Ling về nhà.
Về nhà, tôi đọc đi đọc lại mẩu tin. Tin nhắn đó dù đọc như thế nào vẫn mang một nghĩa duy nhất: cô muốn gặp tôi. Đọc ngược từ phải qua trái như trong tiếng Ả Rập, đọc xuôi từ trái qua phải, từ trên xuống, từ xa tới, hay đọc thật gần. Soi gương, đánh bóng bằng sáp nến, rọi kính lúp, bên bếp lửa, rắc bột mì lên trên, chổng mông lên kẹp đầu giữa hai đầu gối rồi đọc nó phía sau hai chân, nhìn thật lâu như đang xem một bức ảnh 3D. Tin nhắn vẫn mang duy một nghĩa: Gặp tớ tại Chiong Si Ku. Được viết bằng Indonesia dễ hiểu, không dùng thành ngữ, không mang tính khoa học, không úp mở, hay dùng ký hiệu hay mật mã gì. Chỉ là tôi không thể tin được. Nhưng cuối cùng tôi cũng đi đến kết luận rằng, tôi, Ikal, sẽ sớm được gặp tình yêu đầu đời của mình! Đó là điều không thể bàn cãi gì nữa, cứ để cả thế giới này mặc sức ghen tị.
Chiong Si Ku hay Lễ giật đồ là một lễ hội thường niên đến bây giờ vẫn còn được tổ chức. Ấy là một dịp vui cho tất cả người Hoa ở Belitong gặp gỡ tiệc tùng. Mọi thành viên trong gia đình đều có mặt và bà con của họ từ khắp nơi ở Indonesia cũng trở về Belitong tham dự. Mọi người đều mong đến dịp này. Có nhiều hoạt động giải trí khác nữa được gắn vào nghi thức tôn giáo cổ truyền này, như leo cột, đu quay, và nhạc Mã Lai. Chiong Si Ku đã phát triển thành một sự kiện văn hóa được quan tâm nhất ở đảo này. Mọi cộng đồng đều đến vui chơi và hưởng ứng sự kiện này: người Hoa, người Mã Lai, người Sarong, người Sawang.
Trung tâm của Lễ giật đồ là ba chiếc bàn lớn, mỗi bàn dài mười hai mét, rộng hai mét, cao hai mét. Trên bàn đặt hàng chồng đủ mọi thứ do người Hoa mang tới - vật dụng trong nhà, đồ chơi và nhiều mòn ăn. Có ít nhất 150 thứ, nào xoong chảo, radio bán dẫn, nào ti vi trắng đen, bánh ngọt, bánh quy, nào đường, cà phê, gạo, thuốc lá, nào vải vóc, nào xì dầu, nước ngọt, xô chậu, kem đánh răng, xi rô, lốp xe, chiếu, nào túi xách, bánh xà phòng, nào dù, áo khoác, khoai lang, áo sơ mi, thùng, nào quần dài, xoài, ghế nhựa, pin và nhiều sản phẩm làm đẹp khác chất cao như núi trên những cái bàn rộng. Vào lúc nửa đêm, sẽ có đủ thứ cho tất cả mọi người lấy, nói chính xác hơn là giành giật lấy. Đó là lý do tại sao người ta còn gọi Chiong Si Ku là Lễ giật đồ.
Thứ người ta muốn lấy nhất là một cái túi nhỏ màu đỏ có tên gọi là fung fu, được giấu dưới mấy núi đồ đó. Ai cũng muốn giành được fung fu vì nó biểu tượng cho may mắn. Bất kỳ ai tìm thấy cái túi may mắn đó đều có thể bán lại cho cộng đồng người Hoa với giá hàng triệu rupi.
Ba chiếc bàn đươc đặt trước Thai Tse Ya, một điện thờ ma vương làm bằng tre và giấy màu sặc sỡ. Cao năm mét và vòng bụng dài hai mét. Con ma bằng giấy đó nhìn thật đáng sợ. Mắt nó to như hai quả dưa hấu. Cái lưỡi dài thè ra nhìn trông như muốn liếm chỗ thịt ngậy mỡ đang đươc nướng bên dưới. Thai Tse Ya biểu tượng cho những đặc tính xấu của con người và cho cả sự xui xẻo. Suốt cả ngày đêm, người theo đạo Khổng tử khắp Beliong đổ về quỳ lạy xì xụp trước Thai Tse Ya.
Thai Tse Ya đứng đối diện điện thờ, và tôi định sẽ gặp A Ling nơi hành lang điện thờ đỏ chói đó.
A Kiong và gia đình nó vào sân điện thờ để cầu nguyện. Nó nháy mắt cười với tôi. Tôi cố gượng cười đáp lễ vì đang rất căng thẳng. Tôi đang mải chìm trong suy nghĩ về chuyên một cô gái người Hoa sẽ nghĩ gì về đứa con trai thuộc một ngôi làng Mã Lai như tôi. Ở chỗ của họ tôi thấy mình không được thoải mái. Liệu bỏ về có phải là cách tối ưu không? Không, niềm mong mỏi trong tôi tựa như một vết thương đang rỉ máu.
Tôi đợi A Ling suốt từ sau buổi cầu nguyện tối. Người đi xem lễ nô nức kéo đến ngày một đông và đã có rất nhiều trò riêu khiển. Không thấy bóng dáng cô đâu - có thể tôi đến quá sớm. Lẽ ra tôi nên tới muộn hơn, hay không đến luôn cho xong.
Siêu sao của nghi lễ chộp giật là người Sawang. Thiếu họ, buổi lễ sẽ mất đi không khí hào hứng. Năm nào họ cũng thành công vì sự tổ chức chặt chẽ của mình. Tối xuống là họ đã cất công nghiên cứu vị trí của những thứ có giá trị, những góc mà từ nơi đó họ có thể tấn công, và số người họ cần bao nhiêu là đủ.
Những người to con hơn được giao nhiệm vụ chặn các nhóm khác lại để cho những người nhỏ con hơn có thể nhảy thốc lên bàn. Những người còn lại lủi nấp dưới bàn, chờ hứng lấy bất kỳ món đồ nào rơi xuống. Nhóm của họ có chừng hai mươi người.
Tôi đã đợi được hai tiếng. A Ling vẫn chưa thấy đâu. Hàng ngàn người xem và hàng trăm người tham gia đã kéo đến chật cứng nơi sân chùa. Những tiết mục dangdut bắt đầu được trình diễn. Đu quay đong đưa cao vút tận trời xanh. Những người bán hàng rong cất tiếng rao lảnh lói chào mời. Không khí thật sống động vui tươi. Những người bán bong bóng rung chuông nghe thật chói tai, khiến tôi càng nóng ruột tợn.
Không khí lại càng huyên náo khi một vài người Sarong lục tục kéo đến. Họ quấn khăn đầu hệt những ninja, chỉ thấy mỗi đôi mắt. Rồi, chẳng mấy chốc sau, người Hoa kéo nhau đến. Ít nhất là sáu nhóm.
Những người tham gia Lễ giật đồ trông rất háo hức và nôn nóng chờ đến nửa đêm, lúc một thầy nho đập vỡ cái ang nước to. Khi ang nước vỡ, Lễ giật đồ bắt đầu.
Tôi hoàn toàn thờ ơ với những người tham gia Lễ giật đồ ấy. Những người đang trong tư thế chuẩn bị, trông cứ như vận động viên chạy nước rút đang tiến tới vạch xuất phát để sẵn sàng cuộc đua một trăm mét. Mọi cặp mắt thèm thuồng nhìn chăm chăm vào mấy đống đồ đầy ú trên bàn. Thật hồ hởi. Cũng thật là một cám dỗ khó cưỡng giữa cuộc mưu sinh vất vả của họ.
Tôi không màng đến bất kỳ cái gì đang diễn ra xung quanh, vì tâm trí của tôi chỉ tập trung vào mỗi A Ling. Cô có thể ở đâu nhỉ? Chẳng lẽ cô không biết rằng trái tim tôi đang hối hả đập đến là khốn khổ vì tôi muốn gặp cô biết chừng nào hay sao?
Rồi tôi trông thấy những người Mã Lai. Họ đến lẻ tẻ thay vì đi thành từng nhóm, và tôi biết lý do tại sao. Đối với tôi, Lễ giật đồ không chỉ là một nghi lễ thông thường mà còn là một nơi thể hiện bản sắc văn hóa chứa đựng nhiều bài học bổ ích. Buổi lễ này giúp tôi tỏ tường hơn bản tính cộng đồng người của tôi - người Mã Lai - và bản tính con người nói chung.
Người Mã Lai, như thường ngày, gặp nhiều khó khăn trong việc tự tổ chức. Họ tất bật với những đấu đá nội bộ mang tính chính trị hơn là tập trung vào buổi lễ để giành chiến thắng. Họ căm ghét sự chỉ trích và rất hiếm khi muốn xem xét bản thân mình. Họ luôn giữ quan điểm khác nhau và cực kỳ vui sướng khi có cơ hội tranh luận bảo vệ ý kiến của mình. Cho dù mục đích cuối cùng đạt được thì cũng chẳng sao, miễn họ không mất thể diện trong suốt những cuộc tranh luận vụn vặt đó là được. Và có thể nói những người cứng đầu cứng cổ nhất và những người ít học nhất trong số họ thường đưa ra lý lẽ ầm ĩ và hùng hồn nhất.
Nếu người Mã Lai có thể thực sự tổ chức được một đội thì mỗi cá nhân riêng lẻ đều muốn mình là đội trưởng. Vậy nên rốt cuộc chẳng bao giờ họ làm thành một đội đoàn kết và kết quả là họ tự mình làm mọi thứ, lúc nào cũng đơn thương độc mã. Do thế, họ chỉ cố giành giật mang về nhà được toàn kẹo cây, vài gói bánh quy dừa, vài chiếc tất không đủ đôi, đôi ba cái đầu búp bê, vài quả dừa mà người Sawang chẳng thèm đếm xỉa, một máy bơm nước - hay nói chính xác chỉ là cái vòi - và những thân thể bầm giập lem luốc vì giành giật.
Nhưng nói lại lần nữa, tôi không quan tâm đến buổi lễ hay thói quen của những người tham gia. Mọi suy nghĩ của tôi dồn cả vào A Ling cho dù đã ba giò đồng hồ chậm chạp trôi qua trong tuyệt vọng.
Đột nhiên, mọi cặp mắt dồn vào một người dáng dong dỏng. Ông là người Sawang và rất được trọng vọng trong buổi lễ. Nhiều năm rồi, cộng đồng của ông giao cho ông nhiệm vụ đặc biệt là săn cho được cái túi fung fu: chiếc túi vải màu đỏ cực kỳ có giá trị. Tên ông là Bujang Ncas.
Ông xuất hiện mặc áo choàng đen, hệt như một võ sĩ. Một đứa nhỏ người Sawang đi theo sau cầm áo choàng cho ông khi ông nhập vào đội Sawang tham gia lễ.
Trước đây tôi đã từng chứng kiến Bujang Ncas ra tay. Ông nhảy thốc lên bàn nhanh như sóc. Ông khá điềm tĩnh. Ông không thèm quan tâm đến tính tham lam của những người tham gia khác. Cách hành xử của ông hệt như của một nô lệ được Siti Hindu hứa trả tự do nếu giết được Hamzah, thống lĩnh Hồi giáo trong cuộc chiến Utar. Người nô lệ ấy chẳng liên quan gì đến cuộc chiến này cả; chẳng phải chuyện của anh ta, và sau khi đâm cây giáo xuyên qua ngực Hamzah, anh ta vội vã trở về nhà.
Va Bujang Ncas với đôi mắt hoang dại cũng hệt như thế đó. Ông ta gạt hết những thứ đồ quý giá khác, ông ta không để ý đến tiếng hò reo vang dội của hàng trăm người vạm vỡ cường tráng tham gia cuộc chiến sống mái này. Ông ta nhón gót đi thật điệu nghệ trên biển đồ. Đôi mắt sáng quắc lanh lợi của ông liếc qua liếc lại. Và chẳng mất quá nhiều thời gian, ông ta đã xác định được vị trí của fung fu. Không hiểu sao ông ta luôn tìm thấy nó, ngay cả khi ông thầy nho đã giấu chiếc túi vải thiêng nhỏ màu đỏ thắm ấy nằm gọn trong nếp gấp của một chiếc áo ngủ phụ nữ, hay trong một trong hàng trăm hộp bánh quy gần như không thể mở, hay trong một bao quả lai, hay bên trong chiếc kẹo cây, hay trong quả bưởi.
Bujang Ncas lận fung fu vào bên trong thắt lưng. Rồi huyền thoại sống của lễ giật đồ đó nhảy xuống đất êm ru, như thể ông có một sức mạnh nào đó khiến mình trở nên vô trọng lượng vậy. Một lúc sau, ông lẫn vào đám đông, mất dạng. Mang theo biểu tượng của lễ hội, ông mất hút vào trong bóng đêm, khói hương trầm nghi ngút.
Căng thẳng do đợi A Ling quá lâu, bụng tôi quặn đau. Chân muốn khuỵu xuống, đầu váng vất. Những ý nghĩ lung tung bắt đầu xâm chiếm tôi. Liệu A Ling có giống với hình ảnh tôi luôn mường tượng trong suốt thời gian qua không? Liệu những gì tôi hình dung về cô có khác với thực tế không? Biết đâu cô chưa từng quan tâm đến tôi thì sao.
Những ý nghĩ lộn xộn ấy bị cắt ngang khi đột nhiên tôi nghe thấy tiếng ang thủy tinh vỡ. Tiếng động bất ngờ ấy cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của tôi, và tôi chạy như ma đuổi đến chỗ an toàn khi hàng ngàn người tấn công ba cái bàn như thể bị ma ám.
Và rồi tôi chứng kiến một trong những hiện tượng đáng kinh ngạc nhất từng tồn tại ở loài người. Cho dù năm nào tôi cũng được chứng kiến nhưng cảnh tượng ấy vẫn khiến tim tôi muốn ngừng đập. Hàng núi đồ trên ba cái bàn biến mất tăm trong chưa đầy một phút - nói đúng hơn là hai mươi lăm giây. Không lời nào có thể diễn tả được khoảnh khắc đó, khoảnh khắc sân chùa rơi vào hỗn loạn kinh khủng. Hàng trăm người hung dữ tấn công không thương tiếc mấy cái bàn cao. Họ chẳng khác gì bầy cá mập háu đói đang rượt đuổi con mồi.
Những người đã leo lên được trên bàn thì di chuyển nhanh như chớp, thành thục hất đồ xuống dưới cho người trong nhóm chờ sẵn. Những người đi một mình thì leo lên bàn, ngồi thụp xuống chộp bất kỳ thứ gì có thể, lần lượt cho vào mấy cái túi mang theo; thao tác của họ cũng nhanh chẳng kém. Có khi họ không thể nhấc được cái bao ra khỏi bàn vì trọng lượng của nó vượt quá sức họ.
Hàng tá người giành giật nhau món gì đó và một trận cãi vã òm tỏi nổ ra giữa đống đồ. Họ ngã ngửa ra, va vào nhau, rồi rớt đánh bịch xuống đất. Đám khán giả thậm chí không có cơ hội vỗ tay cổ vũ nữa - họ quá kinh ngạc trước cảnh tượng khủng khiếp phơi bày bản năng hoang dã không thể tưởng tượng nổi của con người.
Những người không mang theo bao thì nhét tất cả mọi thứ có thể vào túi, thậm chí lận vào quần áo - nhìn họ giống như những anh hề. Trong tình huống quay cuồng chóng mặt ấy, não họ không thể vận hành hợp lý được nữa, ngay đến gạo và đường họ cũng nhét cả vào trong túi. Nếu túi và quần đầy, họ sẽ cho tất cả những gì có thể vào mồm. Họ cố hết sức giành lấy mọi thứ trong tầm tay, miễn là chúng vẫn còn trên bàn. Nếu cần, thậm chí họ sẽ cho các thứ vào trong lỗ mũi và lỗ tai nữa - quái đản thật!
Nếu ai đó đủ may mắn chộp được chiếc radio bán dẫn thì đừng hòng mang được nó về nhà nguyên vẹn, bởi vì chính chiếc radio ấy sẽ ngay lập tức bị đến mười lăm người chộp lấy cùng một lúc, sau đó thì còn lại có mỗi cái núm vặn kênh hay chiếc ăng ten. Mục đích không phải là lấy ăng ten mà là để đảm bảo rằng không ai khác có được chiếc radio nguyên vẹn. Dù radio bị phá hỏng hay không thể dùng được nữa thì cũng không quan trọng. Buổi lễ thể hiện lòng tham của con người. Ấy là một minh chứng không thể bác được của thuyết nhân loại học cho rằng tính ích kỷ, lòng tham, sự phá hoại và tính thích gây hấn là đặc tính cơ bản của giống người hiện thời.
Không đầy ba mươi giây, Lễ giật đồ - cái lễ mà người ta đợi suốt cả một năm ròng - kết thúc, chẳng còn lại gì ngoài lớp bụi dày, những người tham gia mình đầy thương tích, và những cái bàn tan nát giống như trái tim tôi sau khi chứng kiến tất cả.
Tôi đã đợi gần năm giờ đồng hồ, từ lễ cầu nguyện tối đến nửa đêm - A Ling vẫn không thấy đâu. Cô đã không giữ lời hứa. Có thể cô đang mải nhặt mầm đậu và đã quên mất cuộc hẹn cùng tôi chăng? Lẽ nào cô không biết được rằng mẩu tin nhắn trên hộp phấn đó có ý nghĩa nhiều như thế nào đối với tôi? Thậm chí cô còn chẳng thèm đến.
Tôi phát chán khi nghe bài hát dangdut Mã Lai Gelang Sipatu Gelang, bài hát kêu gọi mọi người về nhà vì cuộc vui đã chấm dứt. Tôi cứ đứng ngây ra thẫn thờ nhìn những người bán hàng rong dọn dẹp đồ đạc và đám đông lục tục kéo nhau về. Tim tôi tan vỡ. Rõ ràng, niềm hạnh phúc tôi đã cảm thấy suốt thời gian mua phấn chỉ là cảm nhận của riêng tôi. Tôi không hơn gì một con sói đang tru dưới ánh trăng, một đứa con trai kém may mắn với tình yêu không được đáp trả.
Ngực tôi thắt lại trong mong đợi xen lẫn tuyệt vọng. Tôi muốn đạp xe thật nhanh và quăng mình xuống dòng sông Lenggang cho rồi. Nhưng ngay khi sắp sửa đạp xe đi thì tôi nghe thấy một giọng nói ngay đằng sau. Giọng nói mềm mại như đậu hũ. Và là giọng nói du dương nhất tôi từng nghe trong đời, như thể tiếng đàn hạc từ thiên đàng vọng xuống.
“Tên cậu là gì?”
Tôi quay ngoắt lại và ngay lập tức cảm thấy như hai chân mình nhấc bống lên khỏi mặt đất.
Tôi thậm chí không thể thốt nên nổi một lời nào vì đứng trước mặt tôi đây, cách đúng ba mét, chính là A Ling!
Tôi hoàn toàn không biết cô đã đến từ hướng nào vì từ lúc nãy đến giờ hẳn là cô ở bên trong chùa nhìn tôi. Vào phút cuối cùng, khi tôi sắp sửa bỏ về trong tuyệt vọng thì cô đến và đảo ngược cảm giác thất vọng trong tôi.
Sau ba năm biết cô, chỉ biết mỗi móng tay của cô, mãi bảy tháng trước tôi mới trông thấy mặt cô. Sau khi tôi viết cho cô hàng tá bài thơ, và sau khi tôi mong đợi đến mỏi mòn, đêm nay cô mới biết tên tôi.
Tôi lắp bắp như người Mã Lai học kinh Koran.
Cô chỉ mỉm cười; một nụ cười ngọt ngào xiết bao. Cô mặc chong kiun, một chiếc váy dài đẹp mặc vào các dịp đặc biệt, và vào lễ hội tháng Sáu này, cô xuất hiện như nàng vệ nữ của biển Đông. Chiếc váy ôm sát người cô tôn lên những đường cong, dài từ mắt cá lên đến cổ, và được đơm một cái cúc hình như móng tay. Cơ thể mảnh dẻ của cô được nâng đỡ trên đôi guốc mộc xanh da trời.
Chính vào khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy mình không tương xứng. Đối với tôi, A Ling giống như một người luôn thuộc về người khác. Tôi chỉ đơn thuần là một cái tên trong danh bạ điện thoại của cô, sẽ bị cô mau chóng quên đi sau một tuần.
Cô hiểu tôi đang nghĩ gì. Cô cầm lấy kiang lian, chiếc vòng cổ của mình. Trên bề mặt chiếc vòng cổ có đính một viên ngọc có khắc chữ Trung Quốc tôi không hiểu.
“Miangsui,” cô nói, “Định mệnh.”
A Ling nắm tay tôi. Chúng tôi chạy về phía cái đu quay.
Người coi giữ chiếc đu quay đã ngắt điện. Anh sắp sửa ra về. A Ling nài nỉ anh cho nó quay thêm một lần nữa. Anh rõ ràng hiểu được đôi trẻ này đang say sưa với tình yêu.
“Tớ đã đọc bài thơ Hoa cúc trước lớp,” A Ling bảo, “Hay lắm.”
Tôi sung sướng tột cùng.
Và rồi chúng tôi im lặng, chỉ im lặng, ngồi mãi trên đu quay không muốn xuống. Tim tôi như nhảy múa dưới ánh sáng hắt ra từ những ngọn đèn trên chiếc đu quay thắp sáng bầu trời. Đó là đêm đẹp nhất trong đời tôi.