Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Tony Parsons
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Hai - Ông Đính Đoong - Mười Chín
at bắt đầu đi học.
Bộ đồng phục thằng bé mặc đáng lẽ ra phải làm cho nó trông người lớn hơn. Cái áo len xám cổ chữ V, áo sơ mi trắng và cà vạt vàng đáng lẽ phải làm cho nó trông như một người đàn ông tí hon. Nhưng không.
Sự nghiêm trang của bộ quần áo đi học chỉ càng làm bật lên sự bỡ ngỡ đến kinh ngạc của nó. Gần đến sinh nhật năm tuổi, thằng bé thậm chí chưa được tính là trẻ. Nó vẫn còn mới cứng. Ngay cả khi nó ăn mặc người lớn hơn cả tôi.
Khi đang giúp thằng bé chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi học, tôi ngỡ ngàng nhận ra tôi yêu khuôn mặt của nó đến mức nào. Khi nó còn là một đứa bé sơ sinh tôi không biết được là nó đẹp thực sự hay chỉ là do phần mềm cha mẹ đang hoạt động. Nhưng giờ tôi đã có thể nhìn thấy sự thật.
Với đôi mắt xanh nhạt, mái tóc vàng dài và nụ cười nở chầm chậm, bẽn lẽn trên khuôn mặt mịn màng đến không tưởng, nó đúng là một cậu bé đẹp trai.
Và giờ tôi phải để cậu bé đẹp trai của tôi ra với thế giới. Ít ra là đến ba rưỡi. Đối với cả hai cha con, nó dài như một đời người.
Thằng bé giờ không cười. Trong bữa sáng nó nhợt nhạt và im thin thít trong bộ quần áo giả làm người lớn của mình, vật lộn ngăn không cho cằm run lên và môi dưới bĩu ra, trong khi tôi vừa ăn Coco Pops vừa thao thao bất tuyệt bình luận về những ngày tuyệt vời nhất cuộc đời.
Món Coco Pops bị gián đoạn bởi một cuộc gọi từ Gina. Tôi biết chắc hẳn cô không dễ gì được về nhà - bên kia vẫn đang trong giờ làm việc - nhưng tôi cũng biết là cô sẽ không bỏ lỡ ngày trọng đại của Pat. Tôi nhìn thằng bé nói chuyện với mẹ mình, khó chịu trong áo sơ mi và cà vạt, một đứa bé đột nhiên bị bắt phải đóng giả một người đàn ông.
Và rồi đã đến giờ phải đi.
Lúc chúng tôi lái xe đến gần trường tôi đã hoảng loạn mất một lúc. Trẻ con ở khắp nơi, hàng đàn trẻ con mặc đồ giống hệt Pat, tất cả đều đi về cùng một phía với chúng tôi. Có thể tôi sẽ mất thằng bé ở đây. Có thể tôi sẽ mất thằng bé mãi mãi.
Chúng tôi đỗ cách xa cổng trường. Ô tô đỗ hàng hai, hàng ba khắp nơi. Những cô bé nhỏ xíu với hộp đồ ăn trưa hình Leonardo DiCaprio trườn ra khỏi những xe ô tô địa hình cỡ xe tăng Panzer. Mấy đứa con trai lớn hơn với túi Arsenal và Manchester United trèo ra khỏi những chiếc xe lọc xọc cũ kỹ. Âm thanh phát ra từ cái bộ lạc cao chưa đến một mét này thật khó tin.
Tôi nắm bàn tay ướt mồ hôi của thằng bé và chúng tôi gia nhập vào đoàn người. Tôi có thể nhìn thấy một hội những đứa nhóc bỡ ngỡ, bối rối và những phụ huynh bồn chồn tha thẩn quanh sân chơi. Chúng tôi đang định đi qua cửa để nhập vào cùng họ thì tôi để ý thấy một chiếc giày da đen mới tinh của Pat bị tuột dây.
“Để cha giải quyết dây giày cho con nhé Pat,” tôi nói, cúi xuống buộc, nhận ra rằng đây là ngày đầu tiên trong đời thằng bé không đi giày thể thao ra ngoài.
Hai cậu con trai lớn hơn đi qua, tay trong tay. Chúng liếc nhìn hai cha con. Pat nhìn hai đứa đó cười bẽn lẽn.
“Nó còn không biết đi giày kìa,” một đứa khụt khịt.
“Không,” Pat nói, “nhưng em biết xem giờ.”
Bọn nó ôm bụng cười nghiêng ngả, tựa lên nhau để không ngã lăn ra vì cười, rồi lảo đảo đi mất trong khi miệng vẫn lặp lại câu Pat vừa nói với vẻ không tin nổi.
“Nhưng con có biết xem giờ mà, phải không cha?” Pat nói, tưởng rằng chúng nghi ngờ lời nói của nó, mắt chớp lia lịa khi nó nghiêm túc tự hỏi có nên òa khóc hay không.
“Con biết xem giờ rất tài,” tôi nói, không thể tin nổi là tôi thực sự chuẩn bị thả con mình ra với tất cả những cay độc và thù oán của thế giới hiện đại tệ hại này. Chúng tôi vào trong sân chơi.
Nhiều đứa trẻ bắt đầu đi học có cả cha và mẹ đi cùng. Nhưng tôi không phải là phụ huynh đơn độc duy nhất. Tôi còn không phải là người đàn ông duy nhất.
Có một người cha đơn độc khác, có lẽ hơn tôi mười tuổi, một doanh nhân mỏi mệt đi cùng với một cô bé chỉnh tề với cái túi in những nụ cười ngây ngô của một ban nhạc nam nào đó tôi chưa từng nghe tới. Chúng tôi nhìn nhau trong chốc lát, rồi ông ấy tránh mắt tôi, như thể tôi đang mắc một thứ bệnh dễ lây. Cũng có thể vợ ông ấy đang ở văn phòng. Cũng có thể vợ ông ấy đang ở bất kỳ đâu.
Cô hiệu trưởng hiền hậu đến dẫn chúng tôi vào hội trường. Cô nói vài lời động viên ngắn gọn và nhẹ nhàng rồi bọn trẻ được phân vào lớp học của mình.
Pat ở lớp cô Waterhouse, và cùng với một nhóm cha mẹ và học sinh mới khác, chúng tôi được dẫn đến lớp của cô bởi một đứa trẻ lớp lớn được tin tưởng giao vai hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên của chúng tôi là một cậu bé tầm tám tuổi. Pat ngước lên nhìn chằm chằm cậu bé, ngẩn ngơ vì thán phục.
Ở lớp cô Waterhouse, một nhóm trẻ năm tuổi đang ngồi khoanh chân trên sàn, kiên nhẫn chờ đợi một câu chuyện từ cô giáo, một người phụ nữ với sự hóm hỉnh của một người dẫn chương trình trò chơi truyền hình.
“Xin chào các con!” cô Waterhouse nói. “Các con đến vừa đúng giờ kể chuyện buổi sáng. Nhưng trước tiên thì bây giờ là lúc phải chào tạm biệt mẹ của chúng mình rồi.” Cô cười với tôi. “Và cha nữa.”
Đã đến lúc phải rời xa nó. Cho dù đã có vài lần chào tạm biệt đầy xúc động trước khi nó bỏ học mẫu giáo thì lần này có vẻ khác. Lần này có vẻ như tôi là người bị bỏ lại.
Giờ thằng bé bắt đầu đi học, và đến khi học xong thì nó sẽ thành một người đàn ông và tôi sẽ sang tuổi trung niên. Những ngày dài xem băng Chiến tranh giữa các vì sao ở nhà trong khi cuộc sống đang diễn ra ở nơi khác giờ đã hết. Những ngày đó có vẻ vô nghĩa và bực bội, nhưng chưa gì mà tôi đã thấy nhớ chúng. Đứa bé của tôi đang bước ra thế giới.
Cô Waterhouse hỏi xem ai tình nguyện trông nom những bé trai và bé gái mới vào. Một rừng tay giơ lên, và cô giáo chọn ra những bé kèm cặp các bé mới. Tự dưng một cô bé mặt nghiêm trang, xinh xắn khác thường đứng bên cạnh chúng tôi.
“Tớ là Peggy,” cô bé bảo Pat. “Và tớ sẽ hướng dẫn cậu.”
Cô bé nắm lấy tay thằng bé và dẫn nó vào phòng học.
Nó còn không để ý thấy tôi đã đi về.
Tôi vẫn còn nhớ lần ngủ trên ghế sau trong ô tô của cha tôi. Chúng tôi đang lái xe ra khỏi thành phố, về nhà từ chuyến đi hàng năm tới nhà hát Palladium London để xem kịch thần thoại, những chuyến đi hàng tuần tới gặp bà tôi - và tôi dõi theo ánh đèn vàng của những con phố ở East End và những con đường quốc lộ Essex nhòa đi tít phía trên cái đầu mơ màng của tôi.
Tôi sẽ nằm ườn ra trên ghế sau xe cha - “Con không phải ngủ, chỉ cần cho mắt con nghỉ ngơi thôi,” mẹ nói với tôi - và không lâu sau tôi sẽ được ru ngủ bởi những rung động của chiếc ô tô và tiếng thì thầm của cha mẹ tôi.
Tôi chỉ biết là ngay sau đó tôi đã ở trong vòng tay cha, xe đỗ trên dốc, động cơ vẫn đang chạy trong khi cha bế tôi lên từ ghế sau, quấn trong cái chăn len ca rô mà ông giữ trong xe cho những chuyến của gia đình tôi đi đến bờ biển và nhà họ hàng và Palladium London.
Gần đây chỉ một chút âm thanh cũng có thể làm tôi thức giấc. Một gã say loạng choạng về nhà, tiếng cửa xe sập, tiếng chuông báo động giả cách đây hàng dặm - chúng đều đủ để giật tôi ra khỏi giấc ngủ và làm tôi nhìn chằm chằm lên trần nhà hàng tiếng đồng hồ. Nhưng khi tôi còn là một đứa trẻ ngủ trên ghế sau xe cha, không có gì có thể đánh thức tôi. Tôi vẫn ngủ li bì khi về tới nhà và tôi được bế lên tầng đặt vào giường, quấn trong cái chăn len ca rô ấy và trong vòng tay cha tôi.
Tôi muốn Pat có những ký ức như vậy. Tôi muốn Pat có cảm giác an toàn như vậy. Nhưng giờ khi Gina đã đi mất và chiếc xe VW đã bị bán đi để trả tiền nhà, những ngày này Pat ở cạnh tôi trên ghế hành khách của MGF, cố mở mắt ngay cả khi chúng tôi từ nhà cha mẹ tôi về và vẫn còn một tiếng đi xe trên những con đường vắng tanh ở trước mắt.
Tôi muốn con trai mình có những chuyến đi như tôi có hồi còn nhỏ. Nhưng chúng tôi đang đi với hai bàn tay trắng.
Cyd gọi vào gần cuối buổi sáng dài dằng dặc ấy.
“Thế nào rồi?” cô hỏi tôi.
Giọng cô nghe có vẻ lo lắng thật lòng. Việc này làm tôi còn thích cô hơn.
“Hơi đau lòng một chút,” tôi nói. “Cằm run lên lúc chia tay. Mắt ứa lệ. Nhưng đấy là anh, tất nhiên rồi. Pat thì chẳng làm sao cả.”
Cô cười, và bằng con mắt trong đầu mình tôi có thể nhìn thấy nụ cười của cô làm sáng bừng nơi cô làm việc, biến nó thành một nơi đặc biệt.
“Anh có thể làm em cười rồi,” tôi nói.
“Ừ, nhưng giờ em phải đi làm đây,” cô nói. “Vì anh không thể trả tiền các hóa đơn của em.”
Điều đó quả là đúng. Tôi còn không trả nổi hóa đơn của chính mình.
Cha tôi đi cùng tôi tới đón Pat cuối ngày đi học đầu tiên của cu cậu.
“Đãi ngộ đặc biệt,” cha tôi nói, đỗ cái Toyota của ông ngay ngoài cổng trường. Ông không nói là đãi ngộ đặc biệt cho Pat hay đãi ngộ đặc biệt cho tôi.
Khi bọn trẻ ồ ạt ùa ra ngoài cổng trường lúc ba rưỡi, tôi nhận ra rằng không bao giờ có khả năng lạc mất thằng bé trong đám đông này. Ngay cả giữa hàng trăm đứa trẻ ăn mặc ít nhiều giống hệt nhau, bạn vẫn có thể nhận ra con mình từ cách đó một dặm.
Thằng bé đi cùng Peggy, cô bé sẽ trông coi nó. Cô bé ngước lên nhìn tôi với cặp mắt quen lạ thường.
“Đi học vui không con?” tôi hỏi nó, e rằng thằng bé sắp dọa sẽ nín thở nếu có bao giờ phải quay lại đó.
“Cha biết không?” Pat nói. “Tất cả các giáo viên đều có tên giống nhau. Ai cũng tên là Cô.”
Ông già tôi bế thằng bé lên và hôn nó. Tôi tự hỏi còn bao lâu nữa thì đến lúc Pat sẽ giãy giụa khi bị chúng tôi hôn. Rồi nó hôn lên mặt cha tôi - kiểu hôn mạnh mẽ, thắm thiết mà nó đã học được từ Gina - và tôi thấy là chúng tôi vẫn còn một khoảng thời gian nữa.
“Chúng ta có mang theo xe đạp của cháu ở đằng sau xe ông,” cha tôi nói. “Ta có thể qua công viên trên đường về nhà.”
“Peggy đi cùng được không ạ?” Pat hỏi.
Tôi nhìn xuống đứa trẻ có đôi mắt nghiêm nghị.
“Tất nhiên là bạn ấy đi được,” tôi nói. “Nhưng trước tiên mình phải hỏi cha hoặc mẹ của Peggy đã.”
“Mẹ cháu ở công ty,” Peggy nói. “Cha cháu cũng thế ạ.”
“Thế thì ai đón cháu?”
“Bianca,” cô bé nói. “Cô trông trẻ của cháu. Cho dù cháu không còn là trẻ con nữa.”
Peggy nhìn quanh, ngước lên đám người lớn đang đón con đến khi nó nhìn thấy khuôn mặt mình đang tìm. Một cô bé sắp hết tuổi teen đang chen qua đám đông, ngậm một điếu thuốc trên miệng còn tay tìm bật lửa.
“Đấy là Bianca ạ,” Peggy chỉ.
“Nào Peggy,” cô gái nói, chìa tay ra. “Đi thôi.”
Pat và Peggy nhìn nhau.
“Chú định đi công viên khoảng một tiếng gì đó,” tôi bảo Bianca. “Chú sẽ rất vui nếu Peggy được đi cùng. Và cả cháu nữa, tất nhiên.”
Cô trông trẻ lắc đầu cụt lủn.
“Chúng cháu phải về đây,” cô nói.
“Gặp lại cậu ngày mai nhé,” Peggy bảo với Pat.
“Ừ,” cu cậu nói.
Peggy mỉm cười với thằng bé trong khi Bianca kéo cô bé đi qua đám người đang thưa dần.
“Con sẽ gặp bạn ấy ngày mai,” Pat nói. “Ở trường con.”
Có đất trên tay nó, màu sơn trên mặt nó và một miếng gì đó trông như bánh mì trứng bên miệng nó. Nhưng nó ổn. Đi học rồi sẽ ổn thôi.
Một khác biệt nữa giữa tôi và ông già tôi. Sau khi Pat ngã vào cái bể bơi cạn nước ấy, tôi sẽ khá vui nếu không phải nhìn thấy cái xe đạp của nó nữa. Nhưng vào một trong những giờ đồng hồ bất tận ở bệnh viện ấy, cha tôi đã lái xe đến công viên lấy lại Bluebell.
Cái xe vẫn ở nguyên chỗ chúng tôi bỏ lại, nằm nghiêng một bên ở đầu sâu hơn của cái bể bơi cạn nước, không hỏng hóc gì trừ cái ghi đông bị cong. Tôi sẵn lòng nhét nó vào cái thùng rác gần nhất. Cha tôi muốn Pat tiếp tục đi nó. Tôi không tranh cãi với cha. Tôi đinh ninh mình sẽ để dành việc đó cho Pat.
Thế nhưng khi cha tôi lấy Bluebell từ cốp xe ra, con trai tôi có vẻ hạnh phúc khi nhìn thấy nó.
“Cha đã bẻ thẳng cái ghi đông,” cha bảo chúng tôi. “Nó chỉ cần một lớp sơn. Chắc chẳng mất đến một phút. Con có muốn không, cha làm thay cho.”
Cha tôi biết là tôi chưa cầm một cái cọ vẽ nào từ hồi tôi bỏ lớp mỹ thuật sơ cấp.
“Con làm được,” tôi cau có nói. “Mặc áo khoác vào đi Pat.”
Đang là tháng Chín và đợt lạnh đầu tiên của mùa thu đã lấp đầy không gian. Tôi giúp Pat mặt áo choàng vào, kéo mũ lên, nhìn nụ cười nhoẻn rộng trên khuôn mặt thằng bé lúc nó nhìn thấy cái xe đạp của mình.
“Một việc nữa,” cha tôi nói, rút ra một cái cờ lê bạc nhỏ từ áo khoác ngắn của ông. “Cha nghĩ là đã đến lúc một cậu con trai lớn như Pat bỏ bánh phụ đi rồi.”
Đây là ông già tôi lúc bảy mươi tuổi - cứng rắn, hiền hậu, tự tin, mỉm cười với đứa cháu trai của mình với sự dịu dàng vô hạn. Vậy nhưng tôi lại thấy mình đang mắng nhiếc khả năng tự-tay-làm của ông, năng lực đầy nam tính của ông, sự chắc chắn tuyệt đối là ông có thể bẻ cong thế giới theo ý muốn của ông. Và tôi chán ngấy cái xe đạp ấy rồi.
“Trời ơi, cha,” tôi nói. “Nó vừa ngã khỏi cái thứ chết tiệt ấy được năm phút. Giờ cha lại muốn nó đi bốc đầu.”
“Con lúc nào cũng thổi phồng mọi chuyện,” cha tôi nói. “Hệt như mẹ con. Cha không muốn cu cậu đi bốc đầu - bất kể bốc đầu nghĩa là gì. Cha chỉ muốn nó thử một lần đi xe mà không có bánh phụ thôi. Việc đó sẽ tốt cho thằng bé.”
Cha tôi ngồi sụp xuống và bắt đầu tháo những bánh xe sau nhỏ khỏi chiếc Bluebell. Nhìn ông dùng cờ lê tôi cảm thấy như mình đã dành cả đời nhìn ông làm những việc lặt vặt trong nhà, đầu tiên là nhà ông và sau đó là nhà tôi. Khi điện chập chờn hay nước mưa dột từ trần nhà, Gina và tôi không động đến quyển Trang Vàng. Chúng tôi gọi cha tôi.
Nồi nước nóng bị vỡ, rãnh nước tan tành, có lỗ thủng trên mái nhà - không việc nào là quá lớn hay quá khó đối với hộp dụng cụ được giữ gìn cẩn thận của ông. Ông rất thích lời khen của Gina khi một công việc được hoàn thành - cô lúc nào cũng hơi quá lời một chút - nhưng dù được khen hay không thì cha cũng vẫn làm. Cha tôi là người mà mẹ tôi gọi là “giỏi việc trong nhà”. Tôi là thứ hoàn toàn ngược lại. Tôi là thứ mà tôi gọi là “vô dụng trong nhà”.
Giờ tôi nhìn mặt Pat nhuốm màu sợ hãi khi cha tôi tháo xong hai cái bánh phụ nhỏ ra khỏi xe đạp. Có một khoảnh khắc tôi suýt nổi điên, nhưng rồi tôi nén lại. Vì nếu tôi bắt đầu, thì tôi biết là tất cả những cuộc cãi vã trong ba mươi năm sẽ tuôn trào ra ngoài - sự lười biếng của tôi đối lập với khả năng đối-mặt-với-mọi-thử-thách của cha, tính rụt rè của tôi đối lập với sự nam tính của cha, mong ước một cuộc sống yên ổn của tôi đối lập với sự kiên quyết tự làm theo cách của mình của cha.
Tôi không muốn tất cả những cái đó lộ ra trước mặt Pat. Không phải hôm nay. Không phải bất cứ ngày nào. Nên tôi im lặng dõi theo trong lúc cha tôi đỡ con trai tôi lên xe đạp.
“Chỉ thử một tí thôi,” cha tôi dịu dàng nói. “Nếu cháu không thích, mình sẽ dừng. Mình sẽ dừng ngay lập tức. Được không cháu yêu?”
“Được, ông ạ.”
Cha tôi một tay nắm lấy ghi đông xe đạp còn tay kia giữ yên. Pat ghì chặt lấy ghi đông một cách tuyệt vọng, đôi giày đi học chưa gì đã bẩn thỉu của nó quay miễn cưỡng theo bàn đạp lúc bánh xe của Bluebell lăn vòng vòng. Với tôi mặt mày sưng sỉa theo sau, chúng tôi lảo đảo đi qua xích đu và cầu trượt và xuyên qua một mảng cỏ trống.
“Ông vẫn giữ đấy chứ?” Pat hỏi.
“Ông đang giữ,” cha tôi trấn an thằng bé.
“Tối thứ Bảy cha trông Pat hộ con có được không?” tôi nói.
“Tối thứ Bảy à?” cha lặp lại, như thể đó là một đề nghị lạ lùng, như thể tôi biết rất rõ rằng đó là tối mà cha và mẹ tôi thích đi chơi và làm vài viên thuốc lắc.
“Vâng, con đang định đi chơi.”
“Tất nhiên,” ông nói. “Cha mẹ sẽ trông nó cho con. Chuyện công việc phải không con?”
“Không liên quan gì đến công việc cả, cha à. Hiện tại con không có việc làm, cha nhớ không? Con đi chơi với một cô gái.” Nghe không thuận tai lắm. “Với một người phụ nữ.” Nghe vẫn không thuận tai lắm.
Tôi tưởng tin này phải khiến ông dừng lại. Nhưng ông vẫn tiếp tục tư thế lom khom, đỡ xe Pat trong lúc chúng tôi đi qua những bông hoa cúc và những bãi phân chó.
“Cô ấy là ai?” ông hỏi.
“Chỉ là bạn. Con đang tính đi xem phim.”
Cuối cùng ông cũng dừng lại, vừa lấy tay xoa xoa lưng vừa đứng thẳng dậy để nhìn tôi.
“Con nghĩ đấy là cách ứng xử phù hợp cho một người ở địa vị của con, phải không?”
“Đi xem phim ấy ạ? Con chả thấy làm sao cả.”
“Ý cha không phải là đi xem phim. Ý cha là đi chơi với một người phụ nữ lạ ngay sau...” Ông hất đầu về phía chiếc áo choàng của Pat. “Con biết gì rồi đấy.”
“Cô ấy không phải là người lạ,” tôi nói. “Và chúng con chỉ đi xem phim thôi. Chúng con có trốn đi kết hôn lén đâu.”
Ông lắc đầu, ngỡ ngàng khi nhận ra thế giới đang trở thành thế nào.
“Cha không quan tâm con làm gì,” ông nói. Rồi cha lại ra hiệu về phía Pat. “Điều cha quan tâm là thằng bé. Cô gái này - có nghiêm túc không?”
“Con không biết, cha à. Bọn con có thể hẹn hò lần đầu xong xuôi rồi sau đó mới chọn rèm được không ạ?”
Tôi đang đóng vai người vô tội bị tổn thương. Nhưng tôi biết là nếu tôi hẹn hò với một phụ nữ thì ông sẽ bối rối và lo lắng. Tôi không cố ý làm ông tổn thương. Tôi chỉ muốn cho ông thấy là tôi đã ba mươi tuổi và rằng ông không thể quyết định bao giờ tôi tháo bánh phụ của mình ra.
Chúng tôi đã đến một mảng đá dăm lởm chởm phía trước một bục sân khấu ọp ẹp.
“Sẵn sàng chưa?” cha tôi hỏi Pat.
“Sẵn sàng ạ,” Pat nói, nghe có vẻ chưa sẵn sàng một chút nào.
“Ông đang giữ cháu, hiểu không?” cha tôi nói và tăng tốc. “Ông sẽ tiếp tục giữ cháu. Chỉ cần giữ thẳng lưng. Và đạp.”
“Được ạ.”
“Cháu đã ngồi chắc chưa?”
“Cháu ngồi chắc rồi ạ!”
Họ phi qua chỗ đá dăm. Mặt của Pat khuất dưới cái mũ áo choàng của nó và cha tôi đang cúi bên thằng bé, như một người lùn bị ông gù đuổi theo. Rồi cha tôi thả tay khỏi chiếc xe đạp.
“Ông có giữ không, ông?”
“Ông đang giữ!” ông gọi với theo trong lúc Pat bỏ xa ông. “Đạp đi! Ông giữ cháu rồi!”
Đôi chân nhỏ của nó đạp. Bluebell loạng choạng một cách nguy hiểm khi Pat phi qua vũng bùn, nhưng cái xe đã tự lấy lại thăng bằng và tăng tốc.
“Cháu đang đi đó!” cha tôi hét. “Cháu đang đi đó Pat!”
Ông quay lại nhìn tôi và cả hai chúng tôi bật cười. Tôi chạy đến bên cha và ông quàng một tay lên vai tôi. Ông có mùi sữa tắm Old Spice và thuốc lá Old Holborn.
“Nhìn nó đi kìa,” cha tôi hãnh diện nói.
Cái xe đã đến mép mảng đá dăm, nẩy lên một lần và trượt lên cỏ. Giờ Pat đang di chuyển chậm hơn, nhưng vẫn đạp mạnh, tiến thẳng vào đám cây.
“Đừng đi xa quá!” tôi gọi. Nhưng thằng bé không nghe thấy tôi nói. Nó biến mất dưới bóng một cây sồi cổ thụ nào đó, như một sinh vật đội mũ của rừng già quay về hang ổ của mình.
Tôi và cha nhìn nhau. Giờ thì chúng tôi không còn cười nữa. Chúng tôi chạy theo thằng bé, giày trượt trên cỏ ướt, gọi to tên nó.
Rồi nó thản nhiên đạp xe về phía chúng tôi, cái mũ áo choàng đã bay ra sau, mặt cười toe toét.
“Nhìn con biểu diễn này,” nó hãnh diện nói, đứng dậy trong chốc lát trên bàn đạp trước khi phanh kít lại.
“Giỏi lắm Pat à,” tôi nói. “Nhưng đừng đi mất như thế lần nữa, nhé? Lúc nào cũng phải ở nơi cha và ông còn nhìn thấy được con.”
“Ông làm sao thế ạ?” nó nói.
Cha tôi đang tựa vào một cái cây, tay nắm lấy ngực, thở khó nhọc. Mặt cắt không còn giọt máu và có gì đó trong mắt ông mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Có thể đó là nỗi sợ hãi.
“Cha sẽ ổn thôi,” ông thở khò khè.
“Ông à?” Pat nói.
“Ông không sao,” ông nói.
Sau một phút dài tuyệt vọng cuối cùng ông cũng cho được ít không khí vào phổi. Vẫn thở khó khăn, ông cười xòa gạt đi nỗi lo âu của đứa con và cháu của mình.
“Tuổi già thôi mà,” ông nói. “Quá già để chạy bộ trong rừng.”
Và tôi nghĩ chính xác là vậy - tuổi già đã bắt kịp người đàn ông mà thân thể đã chịu đựng thật nhiều khi còn trai trẻ. Suốt cả đời tôi, những mảnh vỏ đạn, lởm chởm và đen đúa cứ cố len ra khỏi cơ thể cứng rắn già nua của ông. Mỗi hè chúng tôi lại nhìn thấy vết sẹo sưng tấy lên ở bên hông ông. Tất cả những nỗi đau và sự trừng phạt rồi sẽ bắt kịp với ông, không sớm thì muộn.
Nhưng tôi đã nhầm. Không phải quá khứ đang gọi. Đó là tương lai.
“Đừng lo cho ông,” cha tôi bảo chúng tôi. “Ông không sao. Về nhà nào.”
Chúng tôi đi bộ qua bóng chiều tháng Chín trải dài, quay lại chỗ chiếc ô tô của ông, Pat đạp xe phía trước, ông già tôi ngân nga, bài “Em làm tâm hồn tôi trẻ lại”, được an ủi và vỗ về bởi Dean Martin của ông, bởi Frank Sinatra của riêng ông.
Cha & Con Cha & Con - Tony Parsons Cha & Con