Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Chương 10
C
ục phó cục tác chiến nhẹ chân bước lên những bậc đánh bằng cuốc đã mòn vẹt trên sườn đồi sở chỉ huy của Mặt trận.
Người cán bộ đưa mắt nhìn về ngôi nhà tranh, đúng hơn là một túp lều mái và vách đều kết bằng cỏ gianh, của đồng chí Tổng tư lệnh.
Đêm hôm qua, anh đã hai lần cho người đến báo cáo với Đại tướng tin tức về chiến trường đồng bằng và Liên khu 5. Anh rất không muốn làm cái việc đánh thức đồng chí trong đêm khuya. Có lần, nhận được tin tới ban đêm, anh ra lệnh cho người chuyển đạt để nán lại hôm sau. Khi người chuyển đạt đến đưa tin, đồng chí hỏi ngay tin tới vào lúc nào, và lần đó anh bị phê bình.
Đại tướng đã quy định rất nghiêm ngặt, phải báo cáo mọi tin tức mới có liên quan đến việc chiến đấu ngay sau khi nhận được. Nhiều đêm, người cán bộ chuyển đạt đứng ngập ngừng bên chiếc màn tuyn cũ, không biết có nên đánh thức đồng chí vì một cái tin mà anh cho là không lấy gì làm quan trọng hay không... Cuối cùng anh vẫn phải đánh thức. Nhiều lần anh thấy đồng chí choàng thức dậy, nghe anh báo cáo xong không hỏi lại, chỉ nói nhẹ nhàng: "Được rồi". Rõ ràng, điều anh mang đến không làm đồng chí phải quan tâm. Anh biết khi mình đi khỏi, đồng chí khó mà tìm lại ngay được giấc ngủ ngon đã bị mất. Nhưng chẳng bao giờ anh thấy đồng chí tỏ vẻ khó chịu vì bị thức giấc bởi cái tin không quan trọng của mình.
Cục phó đoán sớm nay chắc đồng chí ngủ muộn. Trời còn rất sớm. Anh định tiếp tục nhè nhẹ lê đôi dép cao su đến đầu hồi nhà, rồi rẽ vào căn hầm tác chiến. Nhưng từ trong căn lều cỏ vẳng ra những tiếng nói miền Trung âm ấm:
- Đồng chí Thịnh, vào đây đã!
Đại tướng đã ngồi trước chiếc bàn tre, trên cái ghế dài làm bằng những thanh vầu bổ đôi ghép lại. Thoáng nhìn, người cán bộ nhận được ngay đồng chí đang tính toán, suy nghĩ một điều gì. Bao công việc anh đang sắp xếp để làm khi vào phòng tác chiến vụt biến đi nhường chỗ cho một câu hỏi lớn: "Không biết đồng chí sẽ hỏi mình vấn đề gì?".
Anh nhẹ nhàng lách mình vào cạnh chiếc bàn, ngồi xuống ghế chờ đợi.
Đại tướng hỏi:
- Đồng chí hẹn đồng chí Đông mấy giờ lên gặp tôi?
Báo cáo anh, tám giờ sáng nay.
- Tối hôm qua, đã kiểm tra lại bọn tù binh về cái hầm ngầm chưa?
Cục phó bắt đầu yên tâm hơn. Anh đã biết đồng chí cần hỏi mình vấn đề gì. Và chuyện này anh đã nắm được.
- Tôi đã lần lượt hỏi lại từng đứa, chúng đều khai như vậy.
- Chúng nó nói cái hầm này không phải là một hầm tổ chức để chiến đấu à?
- Vâng.
- Về kích thước chúng nó có nói giống như bác thợ nề không?
- Chúng nói tương tự như vậy.
- Tương tự là thế nào? Chúng nói tường xây mấy hàng gạch?
Cục phó hơi lúng túng. Sau trận đánh A1, Đại tướng rất quan tâm đến cái hầm ngầm khiến cho đơn vị đánh quả đồi này không hoàn thành nhiệm vụ. Cơ quan quân báo đã bắt tù binh ở đồn này lên khai thác. Chúng đều nói: Đây là hai căn hầm xây bằng gạch khá dày dặn giống như những căn hầm để rượu, trên có đổ đất cao đủ sức chịu đựng loại pháo 155 ly. Những căn hầm này chỉ là một loại công sự để trú ẩn khi bị đại bác bắn, chứ không phải là loại hầm ngầm cấu trúc để chiến đấu. Lời khai của chúng khớp với lời nói của nhân dân địa phương. Trước cách mạng, tụi Pháp xây trên đỉnh quả đồi này những căn hầm để giam giữ những người hoạt động chính trị. Hồi Nhật ở đây, chúng củng cố thêm để chống máy bay Mỹ. Ngày nay, Pháp trở lại đã tiếp tục lợi dụng những căn hầm này. Nhưng Đại tướng vẫn chưa tin hẳn, vì căn cứ vào những người đã chiến đấu ở A1, thì đó là một chiếc hầm ngầm kiên cố, có tổ chức chiến đấu hẳn hoi. Đồng chí bắt đi tìm bằng được những người thợ nề ở địa phương chính tay đặt những viên gạch xây những căn hầm. Người thợ nề đã dựng hẳn mô hình của chiếc hầm cho đồng chí xem. Hôm qua, tư lệnh trưởng đại đoàn Trường Sơn, đề nghị đào một con đường hầm vào chân hầm ngầm, đưa thuốc bộc phá đặt bên dưới để bóc cả nó đi... Đại tướng lại bảo cục phó cục tác chiến đi kiểm tra thêm một số tù binh nữa về kích thước căn hầm, chiều dày của các bức tường cùng cách tổ chức chiến đấu của nó.
Người cán bộ nói:
- Tôi không hỏi chúng tường xây mấy hàng gạch... Nhưng bọn chúng đều nói nơi tường dày nhất vào khoảng nửa thước.
Bộ mặt trắng xanh của đồng chí vẫn lộ vẻ suy nghĩ. Đồng chí nói:
- Chưa rõ lắm. Theo lời bác thợ nề thì căn hầm của bác xây dày, rộng hơn.
- Vâng... Có khác hơn một chút.
- Trước khi làm mô hình các đồng chí nói những gì với bác thợ nề?
- Chúng tôi có nói việc này rất quan trọng, bộ đội ta đánh lên A1 gặp nhiều khó khăn vì căn hầm này, và yêu cầu bác nhớ lại thật kỹ khi trước đã xây chiếc hầm như thế nào. Chúng tôi đã giải thích cho bác khá tường tận, đây là trách nhiệm đối với xương máu của chiến sĩ.
Đồng chí ngẫm nghĩ rồi nói:
- Đáng lẽ không nên làm như thế... Chỉ cần bảo bác ấy kể lại bác đã xây những gian hầm đó như thế nào. Bác ta là người đáng tin cậy. Nhưng có thể vì các đồng chí nói nhiều là nó quan trọng lắm, nó khó đánh lắm, nên khi bác nhớ lại, bác thấy căn hầm của mình xây to, rộng, kiên cố thêm lên.
Đồng chí mỉm cười. Cái cười của đồng chí rất tươi và hồn nhiên, cởi mở, khác hẳn với vừng trán rộng chứa đựng nhiều suy nghĩ.
- Như vậy có thể tạm coi hầm này không phải loại hầm cấu trúc theo kiểu chiến đấu?
- Vâng.
- Nhưng trong chiến đấu thì nó cũng nguy hiểm... nếu địch cứ tiếp tục tụt vào hầm, dùng pháo bắn lên mặt đồi để tiêu hao bộ binh ta khi xung phong, xong lại từ trong đó xông ra phản kích.
- Báo cáo anh, lần trước đánh chưa xong, theo ý kiến tôi, không phải hoàn toàn là vì chiếc hầm này, mà còn vì một số khó khăn khác nữa... Nếu lần này ta khắc phục được những khó khăn đó, thì với một căn hầm như thế, không phải bộ đội ta không có khả năng tiêu diệt.
- Ý kiến của công binh thế nào? Anh em nói có thể đào đường hầm vào đúng dưới căn hầm hay không?
- Báo cáo anh, tôi đã hỏi công binh, anh em nói cũng khó.
Đại tướng lộ vẻ suy nghĩ. Cục phó không nói gì thêm. Anh biết khi làm việc với đồng chí không nên vội vàng.
Hai người im lặng. Rồi Đại tướng lại hỏi:
- Ý kiến đồng chí như thế nào?
Chừng thấy người cán bộ còn phân vân, đồng chí nói ý kiến của mình trước:
- Như vậy thì... đúng là bộ đội ta có khả năng tiêu diệt cái hầm này. Nó không ghê gớm lắm. Lần trước, chưa hoàn thành nhiệm vụ vì còn gặp những khó khăn khác. Nhưng ta cần chú trọng đến đề nghị của những người trực tiếp chiến đấu ở đấy. Nên đồng ý với đề nghị của đơn vị và tìm mọi cách giúp đỡ họ thực hiện. Các đồng chí công binh không tin là có thể đào được đúng đến châm hầm phải không?
- Báo cáo anh, anh em nói như vậy.
- Cần giao nhiệm vụ cho công binh là phải tiến hành việc đào đường hầm. Phải động viên công binh của Bộ xuống cùng công binh đại đoàn cố gắng khắc phục khó khăn đào cho đúng đến chân hầm.
Im lặng một lát, đồng chí nói tiếp:
- Vạn nhất nếu không trúng hẳn, khi nổ có bị chệch đi đôi chút thì cũng vẫn có tác dụng giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, phải làm tốt mọi công tác chuẩn bị chiến đấu khác, đặc biệt là việc đào trận địa cho đúng tiêu chuẩn kích thước. Phải cắt rời nó ra khỏi trung tâm mà tiêu diệt.
Cục phó cảm thấy đầu óc mình nhẹ nhàng hẳn đi. Anh nói:
- Vâng. Chúng tôi sẽ trực tiếp động viên các cán bộ công binh.
- Đúng! Trước khi họ đi xuống đơn vị, bảo họ lên gặp tôi.
Người cần vụ mang lên một ca cháo nóng còn đang bốc hơi. Cục phó định đứng dậy, Đại tướng nói:
- Hãy ngồi lại đây đã?
Đồng chí quay đầu ra ngoài, bảo người cần vụ:
- Đồng chí cho mượn thêm cái bát nữa!
Người cần vụ đi vào, nhấc chiếc bát sắt cài trên vách liếp đưa lại. Đồng chí sẻ ca cháo làm đôi.
- Ngồi đây, ăn cháo đã.
Cục phó định từ chối để ra về thì đồng chí nói tiếp:
- Đồng chí hẹn đồng chí Đông tám giờ phải không? Còn có thời gian, ta trao đổi thêm vài chuyện.
Cục phó ngồi lại, tay cầm chiếc thìa nhưng anh hầu như quên cả bát cháo để trước mặt. Anh đã làm việc nhiều năm gần Đại tướng nên anh thuộc cách làm việc của đồng chí. Bộ óc của đồng chí không khi nào chịu ngừng suy nghĩ. Nhiều việc đã thành mệnh lệnh, chỉ thị, kế hoạch gửi xuống dưới rồi, chừng nào việc chưa xong, đồng chí vẫn tiếp tục tính toán, cân nhắc. Cách suy nghĩ của đồng chí là luôn luôn lật đi lật lại vấn đề, tìm ra những mâu thuẫn, những mắc míu, những tình huống khó khăn nhất không nhất thiết sẽ xảy ra..., và tính cách giải quyết. Một thói quen của đồng chí là làm cho những người ở chung quanh cùng suy nghĩ với mình. Những cán bộ ở gần đồng chí hay nhận được những câu hỏi bất chợt. Đại tướng rất chú ý nghe ý kiến của họ, nhất là khi họ nói những điều trái ngược với mình. Đồng chí thích nghe cả những thắc mắc, những câu hỏi của họ, vì hình như đồng chí muốn lấy việc giải đáp những điều đó để hoàn chỉnh thêm ý kiến của mình. Đồng chí thích làm việc theo cách thảo luận. Đồng chí không bằng lòng trong trường hợp nhận thấy cán bộ của mình ít suy nghĩ. Cán bộ thích gần đồng chí, vì với cách làm việc của đồng chí họ luôn luôn được bồi dưỡng. Nhưng mặt khác, cách làm việc này đôi lúc cũng khiến họ ngại, vì nó bắt họ phải luôn luôn động não, và thường thường là một sự động não rất kịch liệt.
Đại tướng húp một thìa cháo xong, ngước mắt nhìn người cán bộ và giục anh:
- Ăn đi cho nóng!
Cục phó chạm nhẹ cái thìa vào chiếc bát sắt, xúc một thìa cháo. Bộ mặt của anh lúc này có những nét giống như bộ mặt của một người trinh sát tập trung nghe tiếng động trong đêm khuya.
- Gần đây các đồng chí khai thác bọn tù binh có nhận thấy chúng có thái độ gì đáng chú ý không? - Đại tướng lại hỏi.
Cục phó cảm thấy mình chưa nắm chắc được câu hỏi của cấp trên...
Đại tướng gác chiếc thìa trên ca cháo, rồi nói tiếp:
- Có một viên tướng... khi đánh nhau hắn có một thói quen là luôn luôn đặt một chiếc ảnh mới nhất của viên chỉ huy quân đội đối phương ở trước mặt. Có lẽ đây không phải là một thích thú riêng hay một trò chơi vô ích. Hắn muốn qua chiếc ảnh đó, phán đoán một phần tâm trạng địch thủ của mình để định chủ trương tác chiến... Ta không nên chỉ tìm hiểu tâm lý kẻ địch qua những tấm ảnh. Trong chiến đấu, cần phải theo dõi thật sát, thật tỉ mỉ những diễn biến tư tưởng của kẻ địch. Có một cách tốt, là nên chú ý đến bọn tù binh. Tìm hiểu chúng qua một tên thì khó thấy, nhưng qua nhiều tên, chắc sẽ rút ra được một vấn đề, một đặc điểm gì của địch trong từng thời kỳ... Ý tôi định hỏi là như vậy.
- Xin phép anh suy nghĩ một chút đã.
- Tôi nói cho rõ thêm. Đồng chí thử xem ở đây hiện nay, thằng địch còn có thể làm gì...? Đã tính khá nhiều chuyện rồi. Nó sẽ tăng cường thêm quân để cố thủ. Điều đó tính rồi. Nó có thể ném thêm quán xuống Điện Biên, nhưng không thể là nhiều lắm. Na-va còn bao nhiêu tiểu đoàn dự trữ trong tay, ta nắm được rồi. Nó sẽ nhảy dù ở phía sau để đánh vào lưng ta, cắt rời chúng ta ở đây với hậu phương. Điều đó cũng có thể. Nhưng làm việc này, địch lại vấp phải khó khăn về quân số. Nó có thể rút sang Lào...? Điều này cũng tính rồi. Địch ra khỏi công sự, ta sẽ có điều kiện tiêu diệt chúng dễ dàng hơn và sớm hơn. Vậy thì còn điều gì nữa?... Các đồng chí có đem vấn đề này ra hỏi bọn tù binh xem chúng nói sao không? Các đồng chí thử đặt mình vào địa vị xem chúng có thể làm gì nữa?
Đại tướng ngừng nói, thong thả tiếp tục ăn cháo. Đồng chí đã nhìn thấy sự tập trung suy nghĩ cao độ qua cặp mắt linh lợi của người cán bộ. Đồng chí vốn rất coi trọng những giờ phút suy nghĩ đó.
Một loạt những tên tù binh, những lời khai của chúng, sắc thái của chúng lần lượt hiện ra rất nhanh trong óc đồng chí cục phó... Anh đã nhận thấy có một điều nên nói.
- Báo cáo anh, gần đây, đôi lần tôi nghe bọn chúng nói chuyện sẽ có một cuộc ném bom lớn vào chung quanh Điện Biên Phủ. Không biết chúng có định làm gì khác nữa không... chứ còn ném bom thì ngày nào chúng chả làm. Chúng có từ thứ bom nào chúng hiện có mà không đem trút xuống đây đâu?
Đại tướng ngồi nghe chăm chú. Rồi đồng chí hỏi:
- Có nhiều đứa nói đến chuyện đó không? Khi các đồng chí hỏi chúng thì chúng nói hay tự nhiên chúng nói ra?
- Một hai đứa tự ý nói ra. Một hai đứa khác, thì ta hỏi biết chuyện đó không, chúng trả lời có nghe nói một chuyện như vậy.
Đại tướng gật gù rồi lẩm bẩm: “Chuyến này có liên quan đến âm mưu của Mỹ đây...". Hình như đồng chí định nói gì nữa nhưng lại thôi.
Đồng chí quay đầu lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Sau những hàng cây cao vút của quả đồi này, là một sườn núi, dải sương trắng buổi sớm đang vén dần lên để lộ dần ra rừng cây rậm rịt. Cái nhìn của đồng chí và khung cảnh bày ra trước mắt, làm cho người cán bộ chợt nhớ tới đôi chuyến công văn chuyển về hậu phương... Anh đã nhìn thấy bên những bản báo cáo, những lá thư dày dặn của đồng chí gửi về Trung ương và các đồng chí Tổng quân ủy ở khu cán cứ, còn có một lá thư riêng gửi cho gia đình. Mấy tháng nay, những người cán bộ như anh bị chìm ngập trong công việc, hầu nhủ quên bẵng chuyện gia đình. Họ nói vụng với nhau về những lá thư của đồng chí: "Đại tướng xem chừng lại nhiều tình cảm hơn cả bọn mình". Nhưng điều làm họ ngạc nhiên, là họ không hiểu tại sao một núi công việc dồn xuống đôi vai, đồng chí đã tổ chức sắp xếp thế nào để vẫn có thời gian viết được những lá thư riêng.
Trầm ngâm một lát. Đại tướng quay lại nhìn cục phó rồi nói:
- Theo dõi, khai thác thêm xem có những tài liệu cụ thể về chuyện này không?
- Vâng.
- Có tin gì mới, báo cáo ngay. Chuyện quan trọng đấy... Trong kế hoạch mọi mặt, chúng ta phải tính đến chuyện đánh lâu dài ở đây, nhưng trong hành động cụ thể, phải thật khẩn trương, phải cố gắng rút ngắn chiến dịch lại ngày nào hay ngày ấy. Không thể đi bước một được. Thằng địch sẽ không chịu ngồi im mãi. Nó sẽ có cách đối phó mới nếu chúng ta để chiến dịch kéo dài.
Hai người đã ăn cạn hai bát cháo. Người cần vụ ở ngoài đi vào thu dọn bàn. Một lần nữa, cục phó đang lên báo cáo xin trở về cơ quan.
Đại tướng dặn thêm:
- Những chuyện vừa nói, đồng chí về làm cho tốt. Đó là để giải quyết những việc tại ngay đây. Nhưng ngoài ra, cũng phải tính đến chuyện đánh xong Điện Biên Phủ rồi thì sẽ đánh đâu.
Nhìn dôi mắt hơi mở to của người cán bộ, Đại tướng mỉm cười. Nếu chỉ nhìn đồng chí khi cười, đố ai có thể đánh giá đúng những việc làm trong đầu óc của đồng chí. Cái cười thật vô tư.
- Phải nghĩ đi không thì chậm đấy! Nghĩ đi, khi nào thư việc một chút ta sẽ bàn xem. Hồi ở Pắc Bó. Bác Hồ thường dặn cán bộ: Khi đề ra chủ trương thì phải nhìn cho thật rộng, thật xa, khi thực hiện thì phải thật cho cụ thể, chu đáo. Ở cương vị của các đồng chí, phải suy nghĩ thật nhiều mới được. Thôi đồng chí về. Bảo đồng chí Đông đúng tám giờ sáng nay lên gặp tôi. Nhớ bảo đồng chí cán bộ công binh nào được cứ xuống giúp đại đoàn trước khi đi qua đây.
Cục phó tươi tỉnh đứng lên. Một số vấn đề mới đã dồn thêm vào đầu anh. Khi về tới cơ quan phải ghi ngay vào sổ tay những điều Đại tướng nói hôm nay, và phải sắp xếp thời gian để suy nghĩ chuẩn bị ý kiến. Anh bỗng thấy bứt rứt, cảm như mình đã quên đi một việc gì... Quái sao đầu óc mình lại bấn thế này, anh tự hỏi. Kể ra công việc của mình so với công việc của đồng chí thì có là bao!
Cục phó vừa đi ra, Đại tướng với tay mở chiếc máy thu thanh nhỏ đặt giáp chiếc vách liếp bằng cỏ tranh, trên đầu chiếc giường tre cái đệm cũng bằng cỏ tranh. Sắp đến giờ phát thanh của đài Pháp – Á. Đầu dốc, đã thấy nhô lên chiếc mũ nồi đen và cái dáng người gù gù của trưởng phòng báo cáo Mặt trận. Sớm nào cũng vậy, cứ đúng đến giờ này, người cán bộ lại lên đây để nghe đài, luôn thể xin những ý kiến về công tác tuyên truyền...