Hãy xem mỗi trở ngại là một cơ hội.

Tiến sĩ Wayne Dyer

 
 
 
 
 
Dịch giả: Nguyễn Nam Trân
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: ISach Master
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1313 / 33
Cập nhật: 2015-10-02 21:38:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nói Dối (Dazai Osamu)
hiến tranh mới hết, vậy mà thiên hạ đã đi diễn thuyết tứ tung, hô hào rùm beng hết chủ nghĩa này đến chủ nghĩa nọ, tôi hết tin nổi thứ nào nữa. Tư tưởng chủ nghĩa, cần quái gì mấy thứ tào lao đó, chỉ cần con trai đừng nói dối, con gái đừng tham lam, thì cái nước Nhật này sẽ kiến thiết lại được thôi.
Nhà tôi cháy trụi lũi, phải dọn về Tsugaru ở nhờ nơi chỗ cha mẹ tôi, trong lòng lúc nào cũng thấy rười rượi, hôm nay bất ngờ được người bạn cùng lớp hồi tiểu học đến thăm, tôi liền đem hết những điều đang bực mình đổ lên đầu anh ấy. Anh bạn tôi đang có chức phận gì đó trong làng, nghe tôi nói, anh ta cười rồi lên tiếng phản đối thẳng thừng:
– Không đâu, tuy anh nói có lý nhưng như vậy là anh nói ngược, phải nói con trai hãy bỏ cái tính tham, còn con gái thì đừng dựng chứng nói dối, mới phải.
Tôi thấy chới với, bèn hỏi:
– Coi kìa, tại sao lại như vậy?
– Thì có gì đâu, trình bày cách nào cũng được thôi, nhưng đàn bà mà nói dối thì ghê lắm. Tết vừa rồi tôi có dính tới một chuyện làm tôi phát ớn, nổi da gà cùng mình. Từ đó trở đi, tôi hết dám tin mấy bả. Ngay cả vợ tôi tuy lem luốc vậy đó, nhưng không biết chừng bả cặp kè với anh chàng nào mà mình không hay. Thiệt đó, không ai ngờ nổi đâu.
Anh bạn tôi không hề nhích miệng cười, kể tiếp cho tôi nghe một câu chuyện bí mật mới xảy ra trong cái xóm nhà quê này. “Tôi” trong câu chuyện dưới đây chính là anh ấy, năm nay ba mươi bảy, đang giữ một chức gì đó trong làng.
“Chuyện này bây giờ mới dám kể, chớ hồi đó tôi phải giấu biệt. Biết được ít nhiều về vụ này chỉ có hai người trong làng, ông trưởng chi cảnh sát, một người thiệt tốt vậy mà chỉ ít lâu sau ông ta bị đổi đi đâu mất, và tôi thôi.”
“Tết vừa rồi, khắp nước Nhật từ mấy chục năm nay chưa bao giờ thấy tuyết rơi dữ như vậy. Ở đâu tuyết cũng rơi chất đống, cao đến nỗi muốn đụng tới dây điện giăng ngoài đường, tuyết đọng làm gãy cây cối ngoài vườn, áp ngả hàng rào, làm sập nát bét một số nhà cửa. Vùng này thiệt hại như bị lụt nặng, liên miên ngày nào tuyết cũng ào ào như bão, đường xá xe cộ kẹt hết, cả vùng mất liên lạc với bên ngoài ròng rã hai mươi ngày trời, tình hình hồi đó cực như vậy”.
“Hôm đó khoảng gần tới tám giờ tối thì phải, tôi đang chỉ cho đứa con gái lớn làm toán thì thấy ông trường chi cảnh sát đến, coi tướng ổng không khác gì tượng mấy người tuyết.”
“Tôi chắc có điều gì không hay đây, liền mời ông ta lên nhà trên, nhưng ổng nhất định không chịu vô. Ông ta là người rất khoái uống rượu, lâu nay là bạn nhậu của tôi, có phải khách khứa gì đâu, vậy mà tối hôm đó khác với mọi lần, ổng làm mặt lạ cứ đứng đó, nhưng ổng đứng không yên như có điều gì rất lo.”
“- À, hôm nay tôi chỉ có chút việc tới nhờ anh thôi.”
“Chắc có chuyện gì không hay thiệt, tôi cũng thấy sốt ruột.”
“Tôi bước ngay xuống sân đất, vội vàng xỏ chân vào đôi dép, không nói không rằng, dẫn ông ta ra chỗ chuồng gà. Trong chuồng có để một cái bồn đốt than làm lò sười cho gà con. Hai đứa tôi lén mở cửa bước vô. Chúng tôi vô, vậy mà bọn gà không mảy may cục tác, như vậy anh đủ biết là bọn tôi đã rón rén đến mức nào”.
“Chúng tôi đứng đối diện nhau, ở giữa là cái bồn than lò sưởi.”
“- Xin anh tuyệt đối giữ bí mật dùm, chuyện đào ngũ đó anh!”
“Ban đầu tôi cứ ngỡ là có ai trong nhà giam của chi cảnh sát bỏ chạy trốn, nên chỉ im lặng chờ ông ta nói tiếp.”
“- Có lẽ đây là chuyện chưa hề xảy ra trong vùng này. Thằng Keigo bà con của anh đó, nè, không thấy nó đi trình diện nhập ngũ”.
“Như bị ai tạt gáo nước lạnh vào mặt, tôi vội nói:”
“- Đâu có, chuyện gì kỳ cục vậy, thì chính tôi đã dẫn nó lên đến tận trên tỉnh Aomori, đích thân tôi đứng tiễn nó ngay trước cổng trại lính kia mà”.
“- Phải rồi, thì tôi cũng biết chuyện đó. Nhưng hiến binh ở trển gọi điện thoại xuống nói không thấy nó lên trình diện. Mấy ổng muốn xuống điều tra, nhưng tình hinh tuyết rơi dữ quá, không làm sao xuống được, nên nhờ tôi bí mật điều tra trước cho mấy ổng. Vì vậy tôi mới tới nhờ anh đây nè.”
“Thằng Keigo là ai, người ngợm thế nào, anh ở luôn trên Tokyo làm sao mà biết. Đến thời buổi này, tôi có kể nó là ai, ở đâu cũng không sao cả, nhưng dù nói gì đi chăng nữa cũng không phải là chuyện hay ho gì, càng nói tôi càng buồn thêm. Thôi thì anh cứ đinh ninh là có cái thằng tên là Keigo bà con xa của tôi, vậy là đủ rồi. Một anh chàng nhà quê còn trẻ măng chỉ mới cưới vợ xong.”
“Nó được giấy kêu nhập ngũ, mà nó nhà quê đến nỗi xe lửa cũng chưa đi được lần nào, vì vậy tôi mới dắt nó lên cho tới tận trước cổng trại lính trên tỉnh Aomori. Nó không vô trỏng là nghĩa lý gì? Hay là nó giả đò đi vô một hồi, rồi quay lưng lại bỏ chạy trốn hay sao.”
“Điều ông trưởng chi cảnh sát trông mong là, thằng Keigo có muốn trốn thì nó cũng không biết trốn đi đâu. Dù có phải băng rừng vượt núi trong bão bùng gió tuyết đến mấy ngày đi nữa, thế nào nó cũng cố tìm cách mò về nhà cho được mà thôi. Sức mấy mà nó chịu chết. Thế nào nó cũng bò về. Ông ta nói:”
“- Con vợ nó thiệt không xứng với nó chút nào, con nhỏ đẹp như vậy nên chắc chắn nó sẽ mò về, vì vậy tôi mới đến nhờ anh. Anh là người đứng ra làm mai cho hai đứa nó, mà hai đứa nó lâu nay một mực kính nể anh. Không, tôi không hề chọc anh đâu, tôi nói thiệt đó. Tối nay phiền anh đến đằng nhà nó, giải thích đầu đuôi cho vợ nó nghe; tôi không muốn làm khó dễ gì hai vợ chồng nó đâu, nếu thằng Keigo có về thì hãy lén đi báo cho anh biết ngay. Anh dặn con vợ nó nghe cho thật kỹ điều này, nếu trong vòng hai ba bữa nữa tụi mình tìm ra được thằng Keigo thì tôi sẽ dàn xếp để nó không bị tội tình gì cả. Số là mấy hôm nay tuyết rơi nhiều như vầy, đường xá xe cộ chạy đâu được, tôi sẽ lấy cái cớ này viết báo cáo lên trển khai lý do tại sao nó trễ nải trong việc đi nhập ngũ. Còn nếu để chuyện đào ngũ lọt ra bên ngoài thì cả làng mang tiếng chết. Tôi mong là anh vì danh dự của cả làng mà chịu khó giúp cho. Tôi nhờ anh đó.”
“Vậy là ông trưởng chi và tôi ra đi trong cơn bão tuyết, lặn lội đến nhà con vợ nó. Chỗ tụi nó ở khá xa. Tôi cứ nghĩ sao mà đời con người ta gặp nhiều chuyện khó xử quá như vậy. Một người như tôi là thứ được miễn đi lính, nay lại phải đi giải thích cho vợ lính nghe về những tôn chỉ cần phải giữ gìn, càng nghĩ tôi càng thấy khó xử thiệt.
“Đến trước nhà tụi nó thì ông trưởng chi cảnh sát im lìm chia tay tôi. Một mình tôi bước vô trong sân, anh ở lâu trên Tokyo nhưng anh sanh ở đây, chắc anh còn nhớ cách sắp đặt nhà cửa dân làm ruộng ở vùng này. Khi vô trong sân đất thì bên trái có cái chuồng ngựa còn bên phải là gian nhà ở với cái nhà bếp được lót ván có kê mấy cái lò thật bự. Nhà thằng Keigo cũng giống như vậy.”
“Vợ nó còn thức, đang ngồi may vá bên cạnh lò sưởi.”
“- Ồ! tao phục mày hết sức. Vợ tao, bả ăn xong bữa cơm tối là bả bồng thằng nhỏ vô buồng đi ngủ luôn với nó, ngáy như sấm. Có khi nào bả làm chuyện may vá gì ban đêm đâu. Mày xứng là vợ lính đang đi đánh giặc, tao phục lắm, tao phục mày lắm.”
“Tôi khen mấy tiếng không khéo gì cho lắm. rồi cởi áo khoác leo lên ngồi xếp bằng bên cạnh lò sưởi, vì là chỗ họ hàng trong nhà, tôi thấy không cần phải làm khách.”
“- Bà già ngủ rồi hả.”
“Tôi hỏi như vậy vì thằng Keigo còn bà mẹ già bị mù.”
“- Bả ngủ rồi, được nằm mơ là sướng nhất đời.”
“Con vợ nó vừa tủm tỉm vừa nói mấy lời như vậy, tay vẫn không ngừng xỏ kim may vá.”
“- Ừ, không biết chừng mày nói vậy cũng phải. Chắc mày cũng cực lắm phải không? Nhưng thời buổi này cả cái nước Nhật có ai sướng được gì đâu, dù có cực cũng phải ráng chịu thêm ít lâu nữa nghen. Có chuyện gì lo không nổi thì lại đằng tao, tao sẽ tìm cách giúp cho. Như vậy nghen.”
“- Cảm ơn chú, nhưng hôm nay chú đi đâu mà về trễ dữ vậy.”
“- Tao hả? tao đâu có đi đâu, tao từ nhà tới thẳng đây.”
“Tính tôi ghét chuyện rào trước đón sau, mặc dù cũng muốn ăn nói cho khéo, nhưng sao tôi thấy phiền phức nên không rào đón được. Biết là có làm mích lòng người ta nhưng tôi vẫn giữ cái tật nghĩ sao nói vậy, cho nên đôi khi tôi bị kẹt chết đứng. Vả lại tôi nghĩ dù có rào trước được một hai lần chưa chắc mấy lần sau cũng được xuôi chiều cả.”
“Vào lúc ấy, vì nghĩ dù có tìm cách nói vòng vo cũng không được lợi lộc gì nên tôi đã nói thiệt: tao từ nhà tới thẳng đây, nhưng con vợ nó không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, vói tay lấy hai cây củi mới, gác thêm lên đống lửa rồi tiếp tục may vá.”
“Có điều này hơi kỳ nhưng tôi muốn hỏi thẳng anh, hồi tiểu học anh với tôi là bạn cùng lớp, như vậy hai đứa mình cùng một tuổi, ba mươi bảy. À không, chỉ còn hai ba tuần lễ nữa thì sang năm mới, năm Showa thứ 21 (1), tụi mình ba mươi tám, tới cỡ tuổi này chắc anh vẫn còn ưa chuyện trai gái, phải không? tôi không nói giỡn đâu, nếu có dịp thì thiệt tình tôi cũng muốn hỏi thử ai đó về chuyện này.”
“Thiệt tôi cũng không ngờ, đó, đầu tôi thì sói, con đàn con đống bốn đứa, tay thì da sành cứng ngắt, nứt nẻ tróc vẩy cùng hết, tay này mà rờ tới lớp áo mềm mại của mấy nàng thì thế nào da nó cũng xóc vào trong đó, cộc kệch như vầy, sức mấy mà tôi dám mở miệng thì thầm chuyện yêu với thương. Vậy mà cái tật háo sắc thì lạ thật nó vẫn còn, có người nào đẹp một chút ở bên cạnh, mà chỉ có hai đứa với nhau, nói chuyện một hồi, thế nào trong lòng cũng nổi lên cái gì là lạ. Anh thì thế nào hả? Không lẽ cái ham muốn của tôi mạnh hơn người khác hay sao. Thiệt tình tuổi tôi cũng đã cao, tướng tá luộm thà luộm thuộm, là thứ không giữ được bình tĩnh để trò chuyện tự nhiên với đàn bà con gái. Dĩ nhiên nào tôi có điên khùng gì mà dám nghĩ được người đàn bà đối diện kia chịu mình hay mình mê người ta đâu, nhưng trong bụng cứ làm sao ấy. Có cái gì đó làm cho tôi không thể giáp mặt đàn bà con gái nói chuyện khơi khơi được như kiểu với đàn ông con trai bọn mình. Trong lòng như có cái gì vẩn đục. Có phải là cái dục vọng hay là cái quỉ quái gì đó không? Nhưng, dĩ nhiên cũng có lúc tôi có thể giữ được bình tĩnh, đàn bà con gái không làm cho tôi thấy gì hết. Các bà già đã ngoài tám mươi hay bọn con nít mới năm tuổi thì hoàn toàn không sao cả. Nhưng cũng có đôi khi tôi tiếp chuyện đàng hoàng, không thấy lúng túng ngượng nghịu gì với một người đàn bà xuân tình phơi phới. Như vậy là nghĩa làm sao?”
“Mấy lúc sau này, tôi không biết phải nghĩ thế nào cho phải. Trước đây tôi vẫn nghĩ như vầy, người đàn bà nào mà mình tiếp chuyện nửa chừng không thấy lúng túng, cái lòng vẫn đục của mình không bị khơi dậy thì chắc chắn đó là một người đàn bà quý phái trâm anh. Đối với loại đàn bà con gái mình thấy phải giữ miếng, dĩ nhiên tuy không có chuyện gì lang bang, phải lòng thế nọ thế kia, nhưng nếu không khéo thì qua câu chuyện có thể gây cho người ta những ấn tượng mơ hồ, gây lúng túng cho người ta, thì nhất định đó là chuyện không hay. Kết luận lại người nào có nhan sắc, tuy không đến nổi lẳng lơ nhưng khi tiếp xúc, tôi thấy không yên thì tôi không phục, còn ai mà tôi bình tĩnh tiếp chuyện được, mới chính là người đoan chính, đáng cho tôi nể.”
“Còn vợ thằng Keigo, đối với người khác thì không biết thế nào, chứ tôi thì không khi nào nó để cho tôi cảm thấy có gì cả. Thời buổi bây giờ đã hết cái chuyện địa chủ với tá điền, nhưng con nhỏ này vốn là con gái một gia đình suốt mấy đời làm ruộng cho nhà tôi. Lúc nhỏ, gương mặt nó đã khá đặc biệt, tuy là dân làm ruộng nhưng con nhỏ mảnh khảnh, nước da trắng trẻo, lớn lên mặt nó hơi hểnh, nói ác một chút thì giống như mấy chiếc mặt nạ treo trong chùa, vậy mà thiên hạ lại khen nó là con gái đẹp trong xóm. Tính tình nó ít nói, lại rất chịu khó làm lụng, nhất là nó không hề làm cho tôi thấy ngợ gì hết. Tôi rất chịu nó về điểm đó nên tôi mới đứng ra lo việc cưới xin nó về cho thằng Keigo, bà con của tôi.”
“Tuy nói là họ hàng nhưng tôi với con vợ nó chẳng qua là chỗ người dưng. Và tuy vậy chứ tôi chưa đến nỗi lụ khụ, kẻ đối diện lại là một người đẹp có chồng đang đi lính, ban đêm chỉ có hai đứa ngồi nói chuyện với nhau, bình thường làm gì có được chuyện đó. Nhưng với con vợ nó, tôi hoàn toàn không có tình ý gì, như vậy là anh đủ biết cái đức hạnh của con vợ nó, nhờ đó tôi mới có thể thản nhiên ngồi nói chuyện được.”
“- Thiệt tình là hôm nay tao có chuyện quan trọng muốn tới nhờ mày đây.”
“Con vợ nó vẫn không dừng tay xỏ kim may vá, lơ đãng nhìn tôi rồi hé miệng hỏi:”
“- Hả!”
“- Không sao, mày cứ may vá đi, bình tĩnh nghe tao nói là được rồi. Tuy nói là vì nước vì non, nhưng thực ra đây chỉ là chuyện dính tới xóm tới làng, à không phải nữa, điều tao sắp nói là vì gia đình của tụi bây thôi, nhất định mày nên nghe tao! Trước tiên đó là vì tương lai của chồng mày, thằng Keigo, sau đó là cho chính bản thân của mày, rồi đến cho cả mẹ tụi bây, sau cùng là cho tổ tiên tụi bây, con cháu tụi bây về sau, thế nào mày cũng phải nghe điều tao sắp nhờ mày đây.”
“- Chuyện gì mà chú nói nghe dữ dằn vậy.”
“Con vợ nó tay vẫn tiếp tục xỏ kim may vá, nhỏ nhẹ nói, không tỏ vẻ gì lo lắng cả.”
“- Mày đừng ngạc nhiên nghen, tao nói vậy chứ chắc ai lại chẳng ngạc nhiên về chuyện này. Nói thiệt với mày, mới hồi nãy đây, ông trưởng chi cảnh sát có lại đằng nhà tao…”
“Tôi hoàn toàn không muốn rào trước đón sau, kể luôn một mạch câu chuyện ông trưởng chi cảnh sát nói với tôi:”
“- Nè, thằng Keigo dù nó có làm chuyện gì dại, nhưng người ta ai lại chẳng có lần bị ma quỉ nó ám nó xúi giục mình làm chuyện tầm bậy hồi nào mà mình không hay. Giống như mấy thứ ung nhọt bị nhiễm trong tim ngay từ hồi người ta mới sanh ra, mấy thứ độc địa đó phải để cho nó lòi ra ngoài hết đi. Chuyện lỗi lầm, đã phạm rồi thì thôi không trốn đằng nào được, nhưng bổn phận của mày của tao, là người biết điều thì đừng nên để cho chuyện nó đổ bể rùm beng ra. Ông trưởng chi có hứa với tao là ổng sẽ dàn xếp êm thắm, ổng là người chưa hề nói gạt ai, chỉ cần trong vòng hai hay ba ngày tới đây, tìm ra được thằng Keigo thì ổng sẽ vì tiếng tăm của cả làng, vận động với mấy ông trên tỉnh để không ai bị khiển trách hết. Ông trưởng chi lẫn tao sẽ kín miệng, tuyệt đối không nói với ai đâu. Thằng Keigo chắc chắn sẽ về đây với mày. Nếu nó về, thì mày đừng nghĩ ngợi xa xôi gì hết, hãy tới báo cho tao liền. Tao nhờ mày vậy đó. Đây là tao lo cho thằng Keigo, tao lo cho mày, cho bà già, cho danh dự tổ tiên và con cháu tụi bây.”
“Con vợ nó không đổi sắc mặt, vẫn tiếp tục việc may vá, chỉ lẳng lặng nghe tôi nói, lúc đó bỗng nó lắc vai thở dài nói:”
“- Có chuyện gì mà sao ảnh khờ ảnh dại vậy.”
“Rồi đưa mu bàn tay trái gạt giọt nước măt.”
“- Chắc mày cũng cực trong lòng lắm phải không? tao biết mà. Nhưng cả cái nước Nhật hiện nay có trăm ngàn chuyện còn cực lòng hơn cả chuyện của mày, thôi mày ráng chịu đi. Nếu thằng Keigo có về, thì thế nào cũng phải tìm hết cách đến đằng tao báo cho tao biết liền. Cho đến hôm nay, chưa bao giờ tao nhờ tụi bây điều gì hết, bây giờ, đây này, tao chắp tay nhờ mày chuyện này đó.”
“Tôi cúi mình nhờ con vợ nó. Ngay lúc đó, lẫn trong tiếng gió mưa tuyết, tôi nghe có tiếng ai ho, sặc khe khẽ vẳng lại từ phía chuồng ngựa. Tôi ngước đầu lên, hỏi:”
“- Mày mới ho đó hả.”
“Con vợ nó nhìn tôi với vẻ mặt nghi ngờ rồi trả lời tỉnh bơ:”
“- Dạ đâu có “
“- Vậy thì ai ho đó hả. Mày không nghe sao?”
“- Ủa! Cháu có nghe gì đâu.”
“Con vợ nó đáp như vậy, miệng cười mỉm.”
“Vào lúc ấy, không biết vì sao tôi thấy ớn lạnh, cả người nổi da gà.”
“- Không phải nó đã về đây rồi đó sao? Nè mày, không được gạt tao đó mày? Không phải có thằng Keigo ở ngoài chuồng ngựa đó sao mày?”
“Có lẽ bộ tịch cuống quýt của tôi trông có vẻ tức cười thế nào đó, nên con vợ nó bỗng bỏ đồ đang may để trên đùi sang một bên, úp mặt lên trên bắp vế, cười nắc nẻ đến nổi ho sặc cả lên. Được một lúc thì con vợ nó mới ngước đầu lên, cắn môi cố nín cười, mặt đỏ bừng như mới đi tắm nước nóng xong, đưa tay vuốt tóc lại cho chỉnh tề, rồi ngồi thẳng người, nghiêm nghị đâu mặt với tôi:”
“- Chú cứ yên tâm, cháu không dại gì đâu. Nếu ảnh về, thì chắc chắn cháu sẽ tới báo cho chú biết liền, lúc ấy trăm sự xin nhờ chú lo hết cho tụi cháu.”
“- À, vậy hả”
“Tôi cười gượng tiếp lời.”
“- Tiếng ho tao nghe vừa rồi chắc là tại tao lãng tai. Thế này thì thật là đàn bà con gái gan dạ hơn cả con trai. Ừ thôi, nhờ mày chuyện đó nghen.”
“- Dạ được, chú cứ để đó cho cháu.”
“Con vợ nó gật đầu nhận lời đầy vẻ tin tưởng được.”
“Tôi thấy yên bụng, vừa dợm đứng lên sửa soạn về thì ngay lúc đó tôi nghe từ phía chuồng ngựa có tiếng ai la:”
“- Đồ thằng điên, sao mày xem rẻ mạng mày vậy.”
“Đúng là giọng của ông trưởng chi cảnh sát đang to tiếng la lối.”
Anh bạn tôi nói tới đó bỗng nín thinh, đưa tay lấy đôi đũa sắt, trở mấy cục than đang cháy đỏ. Tôi nóng ruột giục:
– Rồi sau đó ra làm sao? Có nó ở đó hả?
Anh bạn tôi cầm đôi đũa sắt cắm thật sâu vào đống tro trong lò sưởi, bực dọc nói:
– Thì thằng Keigo đó chớ còn thằng quỉ sứ nào nữa, nó mò về đây đã được đến hai bữa, anh coi có ác không? Nó mò về từ hai hôm trước, hai đứa nó bàn tính với nhau, con vợ nó để cho nó trốn trên gác sát nóc chuồng ngựa; vùng này người ta gọi chỗ này là “magi” (2), chất rơm khô ở đó. Dĩ nhiên đó là cái kế do con vợ nó bày đặt ra. Bà già, mắt bả không thấy đường, nên chuyện gạt bả dễ ợt. Vậy là con vợ nó dấu nó trên gác chuồng ngựa, ngày ba bữa, bưng cơm nước ra cho chồng. Sau này chính thằng Keigo thú tội với tôi, chớ còn con vợ nó thì nín luôn, không hé răng. Ngay cả đến bây giờ con vợ nó vẫn còn làm bộ như không biết gì hết. Đêm hôm đó, tôi lặn lội đến chỗ nó, mình lấy hết lòng nói ngọt, mà mình lại là người lớn đã cúi đầu năn nỉ nó, vậy mà con vợ nó làm mặt tỉnh bơ. Ngược lại thằng Keigo trốn ngoài chuồng ngựa nghe tôi năn nỉ con vợ nó, nó động lòng xấu hổ, không dám trườn mặt ra, rồi anh biết không, nó lấy dây quấn lên xà nhà treo cổ tự tử đó anh.
Ông trưởng chi sau khi chia tay tôi, thật đúng là nghề của ổng, ổng lẩn quẩn xung quanh nhà, rình chừng. Ông ta khám phá được ngay hình như có ai ở chỗ chuồng ngựa, ổng liền dòm lén vô thì thấy thằng Keigo đang lủng lẳng. Ông ta liền quát to: “Đồ thằng điên, sao mày coi rẻ mạng mày vậy”, khi ông ta lôi được nó xuống thì chúng tôi cũng vừa mới chạy tới. Nghe tiếng ông trưởng chi la: đồ thằng điên, hai đứa tôi bật đứng dậy, không ai nói với ai, chúng tôi bỗng nhìn nhau, con vợ nó khẽ nghiêng đầu, lắng tai như cố ngóng nghe tiếng động phát ra từ phía chuồng ngựa. Thôi hết mức rồi, con nhỏ làm như thiệt. Dễ sợ thiệt. Rồi hai đứa tôi lật đật chạy tới chỗ chuồng ngựa, thằng Keigo đã bị ông trưởng chi cảnh sát bắt quả tang. Chuyện nói láo đã lộ rành rành ra rồi, vậy mà con vợ nó còn làm bộ núp sau lưng tôi, trỏ miệng hỏi nhỏ: “Mình về hồi nào vậy mình?”
Nếu không được thằng Keigo thú tội là nó đã lội về đây từ hai hôm trước thì chắc suốt đời, nhất định tôi sẽ tin con vợ nó cho đến phút ấy không biết gì hết. Từ đó trở đi, con nhỏ ngậm câm, đôi khi trên miệng chỉ thoáng có một nụ cười, tôi không biết nó nghĩ cái gì trong đầu, tôi hết hiểu nổi nó. Tôi vẫn coi trọng con vợ nó ở chỗ nó không hề khêu gợi chút nào thèm muốn nổi dậy trong tôi, nhưng đối với tôi, có lẽ người đàn bà nào làm đàn ông thấy phát thèm mới là người ngay thẳng. Tôi hết biết đâu là thiệt đâu là giả, từ đó trở đi thấy đàn bà con gái là tôi hết dám tin.
Sau đó, thằng Keigo đem giấy chứng nhận của ông trưởng chi cảnh sát lên trình diện trên tỉnh Aomori, mọi việc suông sẻ, nó phục vụ không được bao lâu thì hết chiến tranh. Nó trở về làng, hai vợ chồng nó sống hòa thuận với nhau, nhưng tôi hết tin con vợ nó nên tôi tránh lui tới nhà bọn nó. Ghê thiệt, mà sao nó mánh khóe giỏi đến nước đó, dám bô bô cái miệng, nói láo một cách tỉnh bơ như vậy. Đàn bà con gái mà nói láo một cách thản nhiên như thế thì nước Nhật này nguy mất. Thế nào, anh nghĩ sao?
– Chuyện đó thì không phải chỉ có đàn bà con gái Nhật Bản là như vậy đâu, đàn bà nước nào cũng giống nhau thôi, nhưng mà nè … không biết chừng con nhỏ nó phải lòng anh?
Tôi lỡ lời nói hớ cái cảm tưởng rất ngông của tôi.
Anh bạn chức sắc đó không hề cười, lắc đầu chối biến:
– Làm gì có chuyện đó.
Rồi cuối cùng nghiêm nghị nhỏ giọng than:
– Vậy mà con vợ tôi với con vợ nó, hai đứa lại không ưa nhau.
Tôi ở trên Tokyo cả mười lăm năm trời, nhưng chưa khi nào tôi nghe ai nói ra vẻ tình thiệt như vậy.
Tôi tủm tỉm cười một mình.
Ðinh Văn Phước dịch
Vườn Cúc Mùa Thu Vườn Cúc Mùa Thu - Nhiều Tác Giả Vườn Cúc Mùa Thu