Mỗi con người có 03 loại tính cách: tính cách anh ta phô bày, tính cách anh ta có, và tính cách anh ta nghĩ anh ta có.

Alphonse Karr

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
ắng hồng ban mai chưa đủ làm tan hết lớp sương lạnh, tôi đã có mặt ở phi trường để theo chân phái đoàn tướng Trị tới dự lễ chuyển giao trại Daksut từ Mỹ sang Việt Nam. Hai chiếc trực thăng bốc chúng tôi thoát khỏi hai cây nấm mù bụi đỏ và trực chỉ hướng tây bắc. Sau bao ngày tháng, đây là lần đầu tiên tầm mắt tôi thoát khỏi căn phòng chật hẹp tù túng để lại có dịp trải rộng trên những núi cao sông dài. Bằng một tai nạn có thể gọi là nghề nghiệp, tôi đã phải vào nằm trong một bệnh viện trên cao nguyên suốt sáu tháng. Cùng chuyến đi này, Davis bị tử thương bởi một vết đạn ở đầu và chết ngay trên đường di tản. Sáu tháng trên giường bệnh sống như một kẻ ngoại cuộc, phấn đấu cô quạnh với sự hành hạ của những vết thương và không một tin tức thăm hỏi của Nguyện. Sự lãng quên gợi nhớ, con chim sơn ca đã cất cánh bay cao và chối từ quá khứ. Tôi đã tự cứu vãn sự sa sút bằng những đằm mình sinh hoạt trí tuệ và trong sự bận rộn viết lách. Sáu tháng đó một thời gian đủ dài để chồng chất bao nhiêu là biến cố làm biến đổi tất cả cục diện của đất nước. Dư vang những biến động ở cao nguyên như đã chìm sâu và thuộc về quá khứ. Xem ra các phe đã từng đối chọi nhau đều tự cảm thấy không có lợi lộc gì để tiếp tục cái trò chơi nhiều máu và nước mắt đó. Và cái buổi bình minh cách mạng đã hơn một lần tướng Thuyết hứa hẹn còn xa lắc khi lại xảy ra một cuộc chỉnh lý khác mà kết quả là sự ra đi khỏi nước của ba ông tướng trong đó có ông. Trong khi ở bên kia Thái Bình Dương, chính kiến thật chia rẽ. Cuộc chiến ở Việt Nam đã khiến dân chúng Mỹ hết kiên nhẫn và bắt đầu phân hoá. Người Mỹ đã thành công dự đoán ngày đặt chân lên nguyệt cầu nhưng họ lại đang bị sa lầy ở Viễn Đông. Bằng cách này hay cách khác, sớm muộn cuộc chiến tại Việt Nam rồi cũng tự nó phải tàn lụi. Đó chỉ là lời an ủi cho nỗi xôn xao thúc bách của quần chúng Mỹ. Và niềm hy vọng ra đi đó còn xa sự thực khi mà mỗi ngày Mỹ vẫn phải đổ thêm vào ngọn lửa chiến tranh ở đây hàng tỉ Mỹ kim hàng ngàn tấn khí giới và hàng sư đoàn quân Bắc Việt bất chấp pháo đài bay B52 vẫn lũ lượt ngày đêm men theo đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tục cuộc xâm nhập vô Nam. Và khi mà cuộc chiến đã vượt qua giai đoạn du kích, Hà Nội đã ngang nhiên đương đầu với Mỹ ngay giữa tại các thành phố thì những âm thầm mưu toan khai thác sự chia rẽ đổ máu về chủng tộc trên cao nguyên không còn một giá trị chiến lược quan trọng để phải tiếp tục nuôi dưỡng. Đó cũng là lý do của vụ chuyển giao dễ dàng hàng loạt các trại biên phòng LLĐB Mỹ sang quyền kiểm soát của chánh phủ địa phương, một phần trong kế hoạch rút quân danh dự được mệnh danh là Việt Nam Hoá cuộc chiến.
Rời thượng lưu một con sông với nhiều ghềnh thác, đoàn trực thăng đổi hướng trực chỉ phương bắc. Rừng rộng mênh mông nhưng người Mỹ vẫn đủ chất Da cam khai quang để làm tất cả phải tàn lụi. Từng chòm cây trụi lá bạc trắng như mái tóc điểm phong sương. Sự sống chỉ còn thoi thóp ở dưới đó. Nền trời thấp, mưa bay trong những đám mây ẩm lạnh, phần hở của thân thể lạnh đến tê cóng. Sau ba mươi phút bay phi cơ bắt đầu giảm cao độ và lượn vòng đổi hướng. Trại toạ ngự trên cả một ngọn đồi bao vây bởi những thung lũng. Quanh trại bao bọc bởi nhiều vòng đai phòng thủ, có trang bị những cỗ trọng pháo 105 ly và một phi trường Caribou để nhận tiếp tế từ dưới đồng bằng. Không cách xa phi đạo là hai khu ấp tân sinh Kinh và Thượng với những mái tôn xan xát. Đây là trại Lực Lượng Đặc Biệt thứ chín và được coi là quan trọng nhất trong số 62 trại trên toàn quốc cho đến sáng nay được trao quyền cho một Toán A Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam. Mười hai người lính Mũ Xanh Mỹ thuộc toán A 243 sẽ bước lên hai trực thăng chờ sẵn để rời vĩnh viễn khỏi trại kiên cố như một pháo đài, nơi mà họ đã dày công xây dựng trong suốt tám năm kể từ ngày mạo hiểm đặt chân tới địa phương hoàn toàn mất an ninh và hoang vắng này. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng chính nơi đây bốn năm về trước đã có vụ thảm sát người Việt mở màn cho những đổ máu đau thương về chủng tộc dắt dây sau đó. Nó từng là một cái gai từ nhiều năm móc trong cổ họng tướng Thuyết. Phải chi ngày hôm nay nếu còn ở lại Việt Nam hẳn phải là một ngày sung sướng nhất của đời ông, và hiển nhiên ngược lại đó là giờ phút ảm đạm và đắng cay của viên trung tá Tacelosky và những người lính Mũ Xanh Mỹ. Kể từ ngày mà vị Tổng Thống cha đẻ của họ bị ám sát, cả một binh chủng hào hùng này đã gặp vô số những khó khăn và chẳng còn một chút ân xủng. Nhưng đó cũng là thời cơ dễ dàng của tướng Trị. Mở đầu bài diễn văn đọc trước buổi lễ tại đây, tướng Trị đã khôn ngoan, như ông đã từng khôn ngoan để hết lời ca ngợi sự hỗ trợ hữu hiệu của người Mỹ nói chung và các chiến sĩ LLĐB thuộc toán A243 Hoa Kỳ nói riêng, trong cố gắng chung lưng đấu cật để biến bộ mặt sơ khai của địa phương thành một căn cứ quân sự vững chắc khả dĩ giúp đỡ giúp đồng bào Kinh Thượng có một đời sống êm ấm và tiến bộ về mọi mặt. Và cho đến hôm nay ông tin tưởng rằng vẫn với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, với kinh nghiệm gặt hái được trong những năm qua, các toán LLĐB Việt Nam sẽ có thể tự đảm trách trực tiếp việc quản trị các trại Dân sự Chiến đấu Thượng.
Phần chuyển giao với đủ mọi nghi thức quan cách: trước một tiểu đội danh dự dàn chào với sự hiện diện của tướng Trị, hai trưởng toán A Hoa Kỳ và Việt Nam đã trao kỳ hiệu, cùng mỉm cười và bắt tay nhau chặt chẽ. Sau đó, đại uý Cobb trưởng toán A Hoa Kỳ nguyên quán tại Wellsboro, đại diện cho toán lên bày tỏ cảm tưởng của riêng ông khi rời khỏi nơi đây. Bằng một giọng Việt Nam thành thuộc nhưng không tránh khỏi run run cảm động ông nói. - Chúng tôi rất buồn và vô cùng quyến luyến khi phải rời bỏ doanh trại này, nơi mà nhiều năm tháng các chiến sĩ LLĐB Hoa Kỳ và Việt Nam đã đồng lao cộng khổ với các Biệt kích quân Kinh cũng như Thượng để khởi công gây dựng cơ sở, mở mang an ninh bảo vệ đời sống cho ngót sáu ngàn dân ở quanh vùng về quy tụ trong các ấp thiết lập gần vòng đai trại... Nhưng cũng cho đến hôm nay chúng tối cảm thấy vô cùng sung sướng để thấy lần đầu tiên có sự hoà bình chung sống và hợp tác chặt chẽ giữa hai sắc dân Kinh Thượng ngõ hầu xây dựng một quốc gia Việt Nam tân tiến... Và rõ ràng vì nghi thức ngoại giao, điều mà đại uý Cobb đã không tiện nói ra là mối ám ảnh của chính ông về những bất hoà Kinh Thượng và chính ông cũng đã cảm thấy bắt đầu có những dấu hiệu chống đối từ phía các lãnh tụ Thượng thân Mỹ từ khi khởi đầu kế hoạch Việt hoá các trại DSCĐ địa phương. Đại uý Cobb vừa dứt lời thì ban quân nhạc trình tấu bản hành khúc riêng của những người lính Mũ Xanh trong khi các toán Biệt kích quân dữ dằn trong những bộ áo da beo diễn hành qua khán đài quan khách.
Và cũng như mọi lần khác, không biết lần thứ bao nhiêu các giới chức Việt Nam đã lại phải chứng kiến cái cảnh giết trâu ăn thề để làm lễ tuyên thệ trung thành với chánh phủ của các toán Biệt kích Thượng. Từ trung tâm bộ chỉ huy trại, cờ Mỹ đã được từ từ hạ xuống, quốc kỳ Việt Nam được dâng lên cùng với bản quốc thiều quen thuộc hùng dũng.
Trong khi phải hướng dẫn các đại diện báo chí đi thăm các ấp trại, đại uý Cobb đã tỏ ra rất thông thạo tiếng Thượng khi ông vui vẻ chào hỏi các vị bô lão và gia đình con em họ. Những đứa trẻ con lem luốc đã không tỏ gì sợ hãi mà lại nhào tới ôm chân ông nô rỡn như đã từ lâu quen biết. Trả lời câu hỏi của một nhà báo Mỹ nêu thắc mắc về nỗi bất an của những người Thượng khi thấy các binh sĩ Hoa Kỳ bỏ đi. Đại uý Cobb xác nhận điều đó nhưng ông cũng lại nói thêm. “Mặc dầu vậy, cho đến ngày hôm nay dân chúng vẫn có cảm tình đứng về phía chúng ta. Họ đã có kinh nghiệm đắng cay với cộng sản. Vả lại họ cũng không dại gì bỏ vào rừng sâu để rồi đói khát và bị bắn từ cả hai phía”... Đó cũng là lý do được bộ Tư Lệnh Mỹ coi là vững chắc để có thể giao hoàn toàn thể các trại nội địa cũng như biên phòng cho chánh phủ Việt Nam.
Theo lời kể của trung sĩ da đen Wynne thuộc tiểu bang Texas, một chiến sĩ Mũ Xanh kỳ cựu đặt chân từ ngày đầu tiên tới đây thì trái với quan niệm thông thường của nhiều người cho rằng trại chỉ có giá trị của một căn cứ quân sự kiên cố và vững chãi để ngăn chận bước xâm nhập của địch quân qua ngả biên giới. - Sự thực công việc của chúng tôi mang nặng tính cách chánh trị. Đó là chiến dịch chinh phục cảm tình và lôi kéo dân chúng đứng vào hàng ngũ chánh phủ. Nói xong trung sĩ Wynne vừa cười vừa cúi xuống ôm xốc trên tay hôn một đứa bé gái Thượng bẩn thỉu lem luốc. - Dân làng không muốn thấy chúng tôi ra đi nhưng tiếc thay đó lại là quyết định của thượng cấp và là nỗi mong đợi của chánh phủ Sài Gòn... “How sad to be a montagnard!”. Wynne cũng đã ngậm ngùi thốt ra như thế. Khi nghe tôi nhắc tới tướng Thuyết, Wynne nói không giấu vẻ cay đắng. - Hôm nay nếu chưa rời khỏi Việt Nam có lẽ là ngày sung sướng nhất trong giấc mộng vương quốc của ông ấy. Riêng đối với bác sĩ Raphael, viên trung sĩ y tá Mỹ vẫn được dân làng kêu là bác sĩ tuy không có vẻ cay đắng như Wynne nhưng anh ta thực sự tỏ vẻ buồn rầu. - Thời gian càng khiến chúng tôi quyến luyến nơi đây. Ra đi ngày hôm nay tôi cảm tưởng như sắp phải rời một quê hương thứ hai của mình.
Cũng trong buổi lễ, tôi gặp lại tay nhà báo tài tử sinh viên độ nào. Anh đã ra trường, không còn làm báo và hiện là y sĩ trưởng của một C thuộc binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Anh bảo đùa sự lựa chọn của anh có lẽ do bởi mối nhân duyên sẵn có với người Thượng, nhưng tôi hiểu rằng với một người nhiều lý tưởng như anh sự lựa chọn này có ý nghĩa một dấn thân cho cái điều mà thời sinh viên anh đã từng nhiệt tình cổ võ.
"Bổn phận của tôi bây giờ là lo tiếp thu và đảm trách vấn đề y tế của toàn thể các trại DSCĐ. Tuy nhiên nói chung sự tiếp vận và yểm trợ còn lệ thuộc nặng nề ở người Mỹ."
Thật chẳng thể ngờ rằng những vấn đề tưởng như mâu thuẫn trọng đại ngày hôm qua bỗng chốc biến dạng và chẳng còn một chút ý nghĩa nào nữa. Khi được hỏi về những lý do nào đưa tới sự ổn định cao nguyên hôm nay, anh trầm tĩnh - điều này là một biến đổi tôi mới nhận thấy nơi anh, đưa ra một nhận xét không thiếu sắc bén:
"Trước khi đạt tới một thoả hiệp như hôm nay, kinh nghiệm của những năm qua giúp họ - họ đây là người Mỹ, hiểu rằng nhúng tay vào những âm mưu dấy loạn như vậy chỉ gây tai tiếng vô ích mà không cải thiện thêm được chút nào vị thế của họ hơn hiện giờ. Và điều quan trọng hơn nữa là cả người Thượng và Kinh, sau mấy lần đổ máu đều hiểu thấm thía rằng bởi trong cái mối tương quan môi hở răng lạnh, họ chỉ còn một cách là xích lại gần nhau hợp tác để xây dựng một cộng đồng quốc gia Việt Nam mới."
Dù đã có dấu hiệu của một vài chuyển động tốt, tôi cũng đã không quá lạc quan như anh, và có lẽ quả đúng như Y Ksor nói là xa hơn một ly rượu tới môi cái viễn ảnh tốt đẹp của vùng Đất Hứa Cao Nguyên còn phải trải qua nhiều máu mồ hôi và nước mắt.
Trại Bunard 1969
Delta 49
Chữ viết tắt:
AP
Asociated Press
BBC
British Broadcasting Corporation
CIA
Central Intelligence Agency
CIDG
Civilian Irregular Defense Group
DSCĐ
Dân sự Chiến đấu Thượng / CIDG
FULRO
Front Unifié de Lutte des Races Opprimées
3K
Ku Klux Klan
LLĐB
Lực lượng Đặc biệt / Special Forces
MACV
Military Assistance Command Vietnam
USIS
United States Information Service
USOM
United States Operations Mission
VOA
Voice of America
Vòng Đai Xanh Vòng Đai Xanh - Ngô Thế Vinh Vòng Đai Xanh