Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Chương 20: Lê Duy Tân Bất Ngờ Được... Làm Vua!
S
ách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên,quyển 30, tờ 29) viết rằng:
"Nhà vua (chỉ vua Lê Thế Tông, làm vua từ năm 1573 đến năm 1599 - ND) bị bệnh, đến ngày 24 tháng này (tháng 8 năm 1599 - ND) thì mất. Vua ở ngôi 26 năm, hưởng thọ 32 tuổi. (Trịnh) Tùng cùng bọn bầy tôi trong triều bàn định rồi lấy cớ rằng: con trưởng của Nhà vua là Thái tử (Lê) Duy Trì không được minh mẫn, bèn rước con thứ của Nhà vua là (Lê) Duy Tân, lập lên làm vua (tức vua Lê Kính Tông). Hạ chiếu lấy năm sau (Canh Tí, 1600 - ND) làm năm Thận Đức thứ nhất, tha hết các thứ thuế của dân trong nước còn thiếu và mở rộng lòng thương xót đến những người phải phiêu bạt đó đây mới trở về bản quán, đồng thời, gia tước và cấp đất cho bọn bề tôi có công, gia phong điển lễ thờ tự cho bách thần theo thứ bậc cao thấp khác nhau. Triều đình lại còn định ra thể lệ để tang (Vua): Các hàng thân vương, các quan văn võ lớn nhỏ ở trong triều cũng như ở các địa phương, để tang từ ba năm trở xuống, nhưng theo thứ tự mà giảm dần; nhân dân cả nước để tang hai mươi bảy ngày; riêng (Trịnh) Tùng là bậc huân vương nên phải khác với trăm quan, chỉ để tang một trăm ngày mà thôi."
Lời bàn: Đời cha là Lê Duy Đàm cũng không ngờ mà được làm vua. Bấy giờ (năm 1572), Lê Anh Tông vì hốt hoảng mà bỏ chạy vào Nghệ An, khi đi, đem theo bốn trong số năm vị Hoàng tử của mình. Vị Hoàng tử thứ năm là Lê Duy Đàm, lúc này mới 6 tuổi, đang ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), được Trịnh Tùng... đẩy lên ngôi vua. Lê Anh Tông sau đó bị Trịnh Tùng giết, còn Lê Duy Đàm hiển nhiên giữ ngôi chí tôn suốt hai mươi sáu năm trời. Đó là vua Lê Thế Tông (1573 - 1599).
Tương tự như vua cha, Lê Duy Tân cũng là phận con thứ mà gặp may. Bấy giờ, bởi anh ruột là Thái tử Lê Duy Trì, tuy đã lớn tuổi, nhưng bị chúa Trịnh Tùng coi là… không minh mẫn mà bị phế, cho nên, Lê Duy Tân mới... bất ngờ được đưa lên làm vua, dầu lúc ấy mới mười một tuổi. Đó là vua Lê Kính Tông (1599 - 1619).
Lê Duy Tân là bậc thần đồng mẫn tuệ hơn người chăng? Tiếc thay, sự thể lại không phải như vậy. Các tác giả sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 1 - a) đã nhận xét về vua Lê Kính Tông như sau: Nhà vua "riêng nghe mưu gian, đến nỗi có việc chẳng lành, thực đáng thương lắm.” Năm 1619, Lê Kính Tông bị chúa Trịnh Tùng giết hại. Cho nên, nói là vua không hề thông minh cũng được, mà nói là vua hèn cũng được.
Đưa Lê Duy Đàm lên ngôi vua là Trịnh Tùng, mà đẩy Lê Duy Đàm phải xuống suối vàng lúc mới ba mươi hai tuổi... cũng là chúa Trịnh Tùng. Mới hay, quyền sinh sát của Nhà chúa mới khủng khiếp làm sao! Trịnh Tùng muốn vua Lê chỉ là hư vị, cho nên, tuổi Nhà vua càng nhỏ càng tốt, đầu óc Nhà vua càng u tối hoặc càng nhu nhược càng tốt. Lỗi của Nhà vua ở đây, hình như chỉ là ở chỗ, càng về sau càng lớn tuổi đó thôi!
Lê Duy Tân bất ngờ được lên ngôi rồi cũng bất ngờ bị giết hại, nghĩa là cực may với cực rủi xa cách nhau nào có là bao. Con diều giấy bay ở trên cao, có biết đâu, người ta tung mình lên thì người ta cũng có thể kéo mình xuống. Không thể tự bay như chim thì điểm trang màu mè diêm dúa cho đôi cánh giấy, nhiều lắm cũng chỉ mua vui chốc lát cho thiên hạ mà thôi.