Nguyên tác: Горячий Снег
Số lần đọc/download: 811 / 9
Cập nhật: 2017-05-19 13:24:54 +0700
Chương 19
G
ần khẩu pháo có tiếng thét sợ hãi từ dưới hầm vọng lên:
-Đứng lại, ai đi đâu? Tôi bắn này!...
-Bắn đi, bắn ngay đi,-U-kha-nốp đáp lại, giọng chế nhạo và quăng hòm đạn xuống giữa các càng pháo-Phải thét lên như thế này cơ mà, bác Tri-bi-xốp ạ: “Ai, đứng lại!”. Và phải hô thật to để cho đầu gối người ta run lên. Nào bác thử hô lại lần nữa xem nào!
-Tôi chịu thôi… Tôi chịu thôi, đồng chí thượng sĩ ạ.-Chúng nó bắn đáy,-Tri-bi-xốp ngồi trong hầm làu bàu bào chữa bằng giọng khản đặc vì rét cóng.-Ban nãy tôi đang bật lửa hút điếu thuốc ấy thế là nghe đến “víu” một cái ở trên đầu và đạn cắm vào bờ lũy. Chúng nó nã tiểu liên hay sao ấy!...
-Chúng từ đâu bắn tới? Bắn vào đâu?-Cu-dơ-nét-xốp nghiêm khắc hỏi, anh vẫn chưa trông thấy Tri-bi-xốp và bước lại gần căn hầm.
Khẩu pháo đen sẫm đứng đơn độc trên trận địa pháo như thể bị anh em pháo thủ bỏ lại từ lâu, mảnh vải bạt che pháo phần phật trước gió. Đống vỏ đạn đã bắn nằm giữa các càng pháo choãi chân ra, đám tuyết đọng trong những vết nứt trên bờ lũy đất, tất cả trông có vẻ man rợ, ánh hồng lên dưới quầng sáng ở gần bờ bên kia. Giọng nói cóng lạnh của Tri-bi-xốp làu bàu trong bóng tối:
-Cúi người xuống anh, cúi xuống… chúng nó đã nhận ra khẩu pháo và bắn đấy…
Tri-bi-xốp không bò ra khỏi hầm, người bác hòa lẫn vào vách hầm nên không trông thấy rõ, chỉ thấy bác động đậy ở đó. Cu-dơ-nét-xốp nói bằng giọng ra lệnh khiến chính anh cũng bực mình.
-Sao bác cứ rúc trong đất như con chuột trũi thế hả, Tri-bi-xốp? Đến qua kính ngắm cũng chả nhìn thấy bác! Bác ra đây, Nết-trai-ép đâu?
Nhưng chả hiểu sao anh cảm thấy xấu hổ và lúng túng khi trông thấy bác theo mệnh lệnh thô bạo của anh loay hoay trong lũy đất nghiêng người bò lên vị trí đặt pháo, khom người lách tới ngồi trên càng pháo, thận trọng đưa mắt nhìn về phía bờ bên kia; chiếc áo choàng cũn cỡn trùm lên người bác như một quả chuông, khuôn mặt lưỡi cày râu không cạo nhô ra từ dưới mũ lót như sẵn sàng chờ đợi nguy hiểm; bác cầm khẩu các bin như cầm gậy. Kể cũng lạ, không biết bác ấy đã chịu đựng cả trận đánh này bằng cách nào?-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ, anh nhớ tới hình ảnh Tri-bi-xốp lúc địch ném bom, lúc ấy bác nằm nhoài ra và những con chuột ở trong hang dưới mí hầm bị mảnh đạn bắn vào, nhảy lên lưng bác, kêu chin chít?-Lúc ấy bác ta nói gì nhỉ? À, đúng rồi… “Con cái, tôi còn lũ con”.
-Tôi quan sát, đồng chí trung úy ạ. Còn Nết-trai-ép ở trong hầm trú ẩn… họ ở đằng kia kìa. Cô cứu thương Dôi-a cũng đã đi lại phía đó… Cả anh chàng coi ngựa Ru-bin nữa. Họ trò chuyện gì đó. Còn chúng nó từ bờ sông bên kia bắn sang… Tôi vừa mới bật lửa một cái, ấy thế là viên đạn rít lên trong bờ lũy đất. Đồng chí hãy cúi xuống, ngộ nhỡ…
-Chúng bắn từ đâu tới? Cụ thể là từ đâu?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi.
-Từ bờ bên kia, thưa đồng chí trung úy. Chúng ngồi gần lắm, trong những ngôi nhà ấy, chúng nó trông thấy khẩu pháo của ta.
Lời giải thích rụt rè, ngọng nghịu đó của Tri-bi-xốp, khuôn mặt nhỏ nhắn, râu ria tua tủa của bác khi thì quay về phía anh, khi thì quay về phía U-kha-nốp, sự lo ngại, sự báo trước ngốc nghếch hay sáng suốt của bác-tất cả đều dường như xa lạ, như từ một cuộc đời khác và anh không còn cảm thấy lòng thương hại trước đây đối với Tri-bi-xốp nữa.
-Bác đã trông thấy bọn thiện xạ bắn tỉa của địch ờ bờ bên kia thế mà lại không nhìn thấy gì ngay trước mắt mình,-Cu-dơ-nét-xốp bực bội nói.-Thế mà cũng đòi là người quan sát.
-Gì kia hả?-Tri-bi-xốp hoảng hốt vươn người trên càng pháo.-Đồng chí nói gì kia, đồng chí trung úy?
-Bác hãy quan sát chăm chú hơn phía sau đồi kia kìa-ở đấy có một đội cứu thương Đức. Chúng đang thu lượm xác chết. Bác đừng có luôn luôn nhìn về phía sau lưng như thế mà phải nhìn về phía trước. Kẻo không bọn Đức lại kéo mất khẩu pháo ngay trước mũi bác. Rõ chưa?
-Về bọn xạ thủ tiểu liên, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay xem bác có trông gà hóa cuốc không, bác Tri-bi-xốp ạ,-U-kha-nốp nói rồi đợt một lát anh thong thả ra lệnh một cách đôn hậu:-Hãy khom người xuống dưới bờ công sự, trung úy. Tri-bi-xốp, nhoai vào hầm đi. Mau lên, nào! Bác nói là hễ thấy đốm lửa thì chúng bắn từ bên kia sông sang à? Chúng tôi sẽ kiểm tra xem.
Anh rút bật lửa ở trong túi ra với vẻ đùa cợt, hát hất nó ở trên lòng bàn tay, ra hiệu cho bác Tri-bi-xốp thấy. Bác thở hổn hển, rời khỏi càng pháo, hối hả như con thú nhỏ trước cửa hang, chui vào trong hầm, ngồi im trong đó. Cu-dơ-nét-xốp đứng yên, anh vẫn chưa hiểu U-kha-nốp làm như thế để làm gì.
-Khom người xuống, trung úy, để đề phòng bất trắc.-U-kha-nốp ấn vai Cu-dơ-nét-xốp, đẩy anh nép mình vào bờ lũy, sau kh bản thân mình cũng khom người xuống, anh ta giơ tay bật ngay chiếc bật lửa ở trên đầu. Tức thì ở bờ bên kia vang lên một phát súng trường, đốm lửa lân tính sáng lóe lên. Không nghe rõ tiếng đạn réo nhưng có tiếng đất lở từ bờ công sự phía bên phải cách đó hai bước.
-Hóa ra bác Tri-bi-xốp không trông gà hóa cuốc,-Cu-dơ-nét-xốp nói.
-Chúng ngồi gần lắm, quân súc sinh,-U-kha-nốp nói.-Đâu như ngay trong những ngôi nhà đầu tiên… Có lẽ gần hơn.
-U-kha-nốp ạ, đến sáng có lẽ phải diệt bọn chúng, và nã về phía đó hai trái đạn,-Cu-dơ-nét-xốp vươn thẳng người lên, nói.-Chúng đã nhận ra có người động đậy ở gần khẩu pháo. Chúng sẽ không để cho ta bắn đâu.
-Tôi đã nói mà, tôi đã nói mà!-Từ trong hầm vang lên giọng nói của Tri-bi-xốp xác nhận sự bất hạnh.-Chúng mình cứ như ngồi trong cái túi. Đằng trước là chúng nó, liền sát ngay sau lưng cũng là chúng nó… Chúng mình đã bị cứt đứt rồi, trung úy ạ!...
-Quan sát đi, Tri-bi-xốp!-Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh.-Chỉ có điều là không phải quan sát đáy hầm, rõ chưa? Nếu có chuyện gì hãy bắn súng các bin báo hiệu và chạy vào hầm trú ẩn ngay! Bác nhắc lại đi!
-Nếu có chuyệngì, bắn súng các bin, thưa đồng chí trung úy…
-Nhất là đừng có ngủ! Ta đến chỗ hầm trú ẩn đi, U-kha-nốp.
Họ lần theo những bậc đất trổ vào tấm vải bạt, từ trong hầm phả ra hơi người ấm áp, vọng ra những giọng nói nghe không rõ, trong những giọng nói đó Cu-dơ-nét-xốp nhận ra ngay giọng nói của Dôi-a. Và lúc ấy anh chợt thấy ớn lạnh, sực nhớ tới lúc cô nheo mắt áp sát thân mình vào người anh để tìm sự che chở, đôi đầu gối lấm láp của cô, những giây phút tưởng chết đến nơi khi khẩu pháo tự hành của địch đã phát hiện ra họ và khi anh lấy thân mình che chở cho cô một cách vô ý thức, bản năng và anh sẵn sàng chết như vậy để che chở cho cô khỏi mảnh đạn. Nhưng ngay cả giờ đây nữa, anh cũng chỉ hiểu lờ mờ những gì đã xảy ra với anh và đặc biệt là với cô trong giây lát đó. Có lẽ điều ấy bắt nguồn từ những thế kỷ sâu thẳm; có lẽ từ thuở xa xưa ấy người đàn ông do bản năng không cưỡng lại được đã hy sinh quên mình như thế để bảo vệ người đàn bà nhằm duy trì giống nòi trên trái đất.
Lúc đứng gần cửa hầm Cu-dơ-nét-xốp nghĩ không biết lát nữa đây, sau khi anh và U-kha-nốp bước vào, nét mặt và ánh mắt Dôi-a sẽ như thế nào. Anh nhíu lông mày, gạt tấm bạt che cửa ra.
Mọi người im bặt. Có người ho sù sụ.
-Phải che bạt cẩn thận hơn… Bọn thiện xạ bắn tỉa của địch bắn cừ lắm đấy!
Trong hầm trú ẩn ẩm ướt, giá lạnh, leo lét ngọn đèn dầu xanh lè làm bằng vỏ đạn pháo, ánh đèn chiếu sáng những bức tường ẩm ướt. Ở đây có ba người: Dôi-a, Ru-bin và Nết-trai-ép. Cả ba người đang xúm xít sưởi xung quanh ngọn đèn tự tạo khêu cao nổ lép bép và đều quay đều về phía cửa hầm. Hạ sĩ Nết-trai-ép ngả người gần Dôi-a, khuỷu tay chạm vào đầu gối cô-chiếc áo choàng phanh ra để lộ rõ chiếc may ô kẻ sọc của lính thủy ở trên ngực-đưa mắt nhìn Dôi-a có ý thăm dò. Anh mỉm miệng cười, dưới hàng ria lộ hàm răng trắng bóng.
-Kìa, Dôi-e-sca, trung úy mà cô hằng mong đợi!
Chiến sĩ coi ngựa Ru-bin ngồi trên chiếc hòm dạn rỗng lập tức co ro, hối hả quá mức đưa những ngón tay chai sần, mập mạp chụp lấy ngọn lửa bập bùng từ cái vỏ đạn. Chừng như không tin Cu-dơ-nét-xốp, tròng mắt sáng lóe lên vẻ lo lắng, sau đó cô lặng lẽ thở dài nhẹ nhõm. Khuôn mặt cô chẳng giống chút nào với lúc cô ở bên khẩu pháo: nó gầy guộc, hốc hác đi nhiều, phía dưới mắt cô những quầng thâm, môi sạm đi dường như khô nẻ vì bặm môi nhiều. “Không,-Cu-dơ-nét-xốp thoáng nghĩ,-lúc này, chắc chẳng ai có thể hôn vào đôi môi đen sạm đó. Môi cô ấy làm sao thế nhỉ? Và tại sao Nết-trai-ép cứ nhìn cô ấy chằm chặp như thế?”.
-May quá, thế là anh em đã tới!-Dôi-a nói, mỉm cười, vẻ vui mừng rõ rệt.-Tôi mong các anh ghê quá. Muốn được gặp anh em còn sống. May qýa, các anh tới. Các anh từ đâu tới thế?
-Không xa đây lắm. Chúng tôi là khách của bọn Đức, Dôi-e-sca ạ. Tôi đã cùng với trung úy đi kiểm tra các vị trí của bọn Đức,-U-kha-nốp đáp và anh vẫn đứng, cúi đầu xuống, ném phịch xuống cạnh ngọn đèn chiếc túi da nhỏ rất giống túi dùng trong gia đình, có những chiếc khuy cài mạ kền dính băng giá.-Xin các bạn hãy tiếp nhận tặng phẩm. Nết-trai-ép trải vải bạt ra! Có lẽ các bạn đã đói meo rồi phải không? Xin gửi tới vị chuẩn úy hậu cần thân mến của chúng ta lời chào chiến đấu. Có lẽ lão ta đang ngồi ở đâu đó tại hậu phương trên cái nồi của mình và oai hùng khua huân chương loẻng xoẻng, đau khổ vì chúng ta!
Nết-trai-ép cười vang còn Dôi-a bặm môi, ngước nhìn Cu-dơ-nét-xốp, lúc này cô không mỉm cười nữa mà lộ vẻ chờ đợi thông cảm, không giấu giếm. Ru-bin mặt đỏ gay vẫn đang sưởi bàn tay to bè như cái xẻng trên ngọn đèn, liếc mắt nhìn trộm Dôi-a, mũi sụt sịt mạnh:
-Trung úy,-Dôi-a gọi bằng cặp mắt to trên khuôn mặt gầy guộc của cô hơn là bằng giọng nói rồi cô gật đầu ra hiệu cho anh.-Anh hãy ngồi xuống đây cạnh tôi. Tôi cần nói chuyện với anh. À thôi,-cô bặm môi, sửa lại,-anh hãy cầm lấy mảnh giấy này. Của Đa-vla-chi-an đấy. Anh ấy nhờ tôi chuyển cho anh. Chiều qua tôi không chuyển được vì không thể nào rời bỏ anh em thương binh. May có Ru-bin giúp tôi. Trung úy này, chẳng lẽ chúng mình bị bao vây à?
Cu-dơ-nét-xốp cầm tờ giấy Dôi-a đưa cho, không trả lời câu hỏi của cô. Anh hỏi:
-Cậu ấy thế nào hở Dôi-a? Đã tỉnh chưa?
-Vẫn nửa tỉnh nửa mê,-Ru-bin rầu rĩ thốt lên.-Cứ luôn mồm gọi anh. Anh ấy bảo phải nói với anh cái gì ấy…
Cu-dơ-nét-xốp đã biết trung úy Đa-vla-chi-an bị thương nặng ngay từ lúc mới chiến đấu, biết rằng anh ấy hầu như khó qua khỏi được và sau khi đưa mắt hết nhìn Ru-bin đến Dôi-a, anh hiểu rằng tình trạng của Đa-vla-chi-an vẫn vô vọng như trước và anh cẩn trọng giở mảnh giấy trên đó có những chữ to viết nguệch ngoặc bằng bút chì hóa học:
“Thư riêng của trung úy Đa-vla-chi-an gửi trung úy Cu-dơ-nét-xốp. Cô-li-a, mình bị thương, đừng bỏ mình lại đây. Đừng quên mình. Đó là yêu cầu của mình. Nếu chúng ta không gặp nhau nữa thì thẻ Đoàn, tấm ảnh có đề đằng sau và địa chỉ ở túi bên trái. Ảnh mẹ mình và cô ấy. Cậu hãy giữ lấy và viết thư. Còn làm thế nào chắc cậu khắc biết. Chỉ có điều là đừng sướt mướt quá. Thế thôi. Mình đã chẳng làm được trò trống gì. Mình là kẻ thất bại. Ôm hôn cậu. Đa-vla-chi-an”.
o0o
Dôi-a đứng dậy, khóe miệng co giật lại giống như một nụ cười.
-Thôi anh em ở lại khỏe mạnh nhé. Tôi đến chỗ thương binh đây. Ngồi ở chỗ các anh lâu quá rồi.
-Dôi-a,-Cu-dơ-nét-xốp rầu rĩ nói và sau khi đút bức thức vào túi, anh bước theo cô ra cửa hầm.-Tôi đi với cô. Cô hãy dẫn tôi tới chỗ Đa-vla-chi-an.
Khi họ bước ra, mọi người trong hầm im lặng.
Thế nào, anh em đồng hương, vẫn thở đều đấy chứ?-U-kha-nốp hỏi.-Không hoảng loạn đấy chứ?
Hạ sĩ Nết-trai-ép đưa cặp mắt xám vằn những tia đỏ vì mệt mỏi chăm chú nhìn theo Dôi-a bước ra ngoài tấm vải bạt vén lên, chiếc áo choàng đu đưa phía trên đôi chân tròn trĩnh dường như bị nén vào đôi ủng ngắn, lấm lem đất sét. Rồi bỗng nhiên anh ta ngồi xuống, thở dài gần như rên lên qua kẽ răng. Anh đã mất cái bộ dạng bảnh bao, nổi bật trước đây: cái cằm sạm đi vì râu mọc tua tủa, hàng ria mép và râu quai nón của anh lởm chởm. Anh gãi ngực và nói với vẻ đùa cợt tiếc rẻ.
-Chao, cuộc sống hẩm hiu quá! Các cậu ạ, mình dám xin hỏi đức Chúa xem có phải chúng mình tận số ở đây không?... Đồng chí Chúa ạ, tôi muốn trước khi chết được hôn một cô gái nào đó đến mức cô ta lịm đi! Trong Dôi-a chả có cái gì cả, có lẽ chỉ được đôi mắt với đôi chân. Giá được siết chặt lấy cô ấy ngủ một đêm, các cậu ạ, thì sau đó dù có phải đưa ngực ra chống lại xe tăng mình cũng cam lòng. Mình thấy Cu-dơ-nét-xốp cũng không kém cạnh gì đâu. Cậu nghĩ thế nào, Ru-bin? Chắc cậu cũng đã từng đi ve gái ở làng mình chứ hả? Trong đời cậu, cậu đã hại nhiều cô rồi chứ?
-Cậu chă-ẳng thấy… “có cái gì cả”,-Ru-bin nhắc lại.-Cậu cũng có con mắt tinh đời đấy. Dôi-a ấy à… nhưng đôi mắt và đôi chân của cô ta không phải để dành cho cậu. Theo mình, chuyện ấy đã làm cậu “mụ mị” rồi. Chén nhiều sô-cô-la ở hải quân quá hóa rửng mỡ đấy!
-Không đâu, Ru-bin, có trông cái mặt cậu, mình cũng biết cậu là tay biết vượt rào đi tán gái! Cậu khỏe như con trâu mộng! Cổ cậu có thể làm gãy đường ray được đấy!
-Thôi đủ rồi, các cậ, Dôi-a yêu ai thì việc gì đến chúng mình!-U-kha-nốp nạt nộ.-Nết-trai-ép ạ, nói chung mình mến cậu. Nhưng cậu hãy chấm dứt cái trò tán hươu tán vượn về cô nữ cứu thương đi. Mình ngấy lắm rồi. Hãy nói chuyện khác đi! Còn cậu, Ru-bin, hãy lo chắm sóc ngựa!-Vẻ mặt hơi có ý hăm dọa, U-kha-nốp chờ cho mọi người trong hầm yên lặng rồi nói bằng giọng hiền lành, chất phác:-Mình thích cái không khí gia đình lắm. Này, Nết-trai-ép, nhận lấy phần thưởng vì đã diệt được xe tăng địch! Mình đã lấy được hai khẩu trong chiếc xe vận tải bọc thép. Cả chiếc túi nhỏ nữa. Tặng cậu một khẩu!
U-kha-nốp tháo ở dây lưng ra bao súng đựng khẩu Pa-ra-ben-lom, vứt bừa xuống chân Nết-trai-ép. Nết-trai-ép hừm hừm, không phải là không tò mò mở khuy, rút ra khẩu súng ngắn nặng, đen bóng, ước lượng sức nặng của nó trên lòng bàn tay.
-Của bọn sĩ quan hả, thượng sĩ? Nặng khiếp…
Ru-bin liếc nhìn khẩu súng xa lạ, khẩu súng hộ thân của một tên Đức nào đó đã bị giết, mấy giờ trước đây hắn còn bắn vào họ, la hét, hạ mệnh lệnh bằng tiếng của chúng, căm thù, sống, mong được sống. Anh thốt lên vẻ hơi rầu rĩ:
-Khẩu súng chắc chắn gớm. Có điều là chúng mìn không có quyền chiến đấu bằng vũ khí của bọn Đức.
-Cóc cấn! Của thằng ấy đấy à?-Nết-trai-ép hất đầu về phía chiếc túi da mà U-kha-nốp đang mở khóa.-Hắn là sĩ quan à? Túi của hắn đấy à?
-Hình như thế. Chắc trong túi đầy thức ăn. Vì vậy mình lấy. Ta xem xem nào. Chắc chúng không mang lựu đạn trong chiếc túi này.
U-kha-nốp kéo phẹc-mơ-tuya mạ kền ở phía trên chiếc túi trông có vẻ thành bình xếp cẩn thận, chật căng, banh miệng túi ra, dốc các thứ lên tấm vải bạt.
Từ trong túi tuôn ra tấm vải bạt một đôi áo lót mới bằng lụa, bộ đồ cạo râu, một túi xúc xích và bánh mì, một hộp đựng xà phòng cạo râu bằng chất dẻo, một lọ nước hoa, chiếc bàn chải đánh răng, hai gói trong suốt đựng thuốc phòng bệnh, chiếc bi đông đựng trong túi len màu sẫm, chiếc đồng hồ nữ móc vào dây chuyền. Cỗ bài để trong bao đỏ, chẳng hiểu sao trên mặt bao lại vẽ một dấu hỏi trên bờ hồ xanh biếc, nơi một người đàn ông lực lưỡng mặc áo tắm chật căng đuổi theo một người đàn bà trần truồng, mập mạp, tóc màu sáng. Tất cả những thứ đó toát ra mùi vị dìu dịu và thơm thơm giống như mùi phấn xoa mặt là lạ.
-Tiếc là Dôi-a đã đi mất,-Nết-trai-ép nói, ngắm nghía chiếc đồng hồ nữ trên lòng bàn tay mình.-Cho phép mình tặng cô ấy, thượng sĩ nhé? Cô ấy đeo chiếc đồng hồ này hợp lắm. Mình lấy được không?
-Lấy đi, nếu như cô ấy nhận quà tặng của cậu.
-Cậu nhìn xem, chúng mang theo cả cái khỉ gió gì thế này?-Ru-bin thốt lên, giọng khụt khịt.-Thậm chí dự trữ cả mũ đàn bà kiểu ăng-lê nữa!
Những đồ dùng thân thiết, kỳ quặc trong cuộc đời xa lạ, khó hiểu của tên Đức vô danh bị giết bày ra trước mắt mọi người, đó là những vết tích phơi trần cuộc sống trước đây của hắn sau khi hắn chết.
-Toàn đồ dùng vặt vãnh cả!-U-kha-nốp bực bội nói và đẩy cái túi vào hóc hầm.-Không phải chiến lợi phẩm mà mình muốn. Thôi được. Cánh mình lấy một nửa thức ăn, còn một nửa dành cho Dôi-a và anh em thương binh.-Anh kinh tởm đưa tay gạt tất cả mọi thứ sang một bên trừ chiếc bi đông, dao cạo râu, túi bánh mì và xúc xích, đoạn anh xé giấy bóng kính, rút con dao găm ở bao ra.
-Áo lụa để cho rận nó khỏi làm ổ,-Ru-bin nói đưa những ngón tay thô nhám sờ chiếc áo lót Đức ra vẻ thành thạo và khuôn mặt bè bè rám nắng của anh lộ vẻ như hằn học và đau đớn.-Ra thế đấy, hả?...
-Cậu nói gì kia, Ru-bin?-U-kha-nốp hỏi.
-Nó chuẩn bị cả đến cái áo lót bằng lụa, chả quên thứ gì. Còn bọn mình lúc nào cũng nghĩ thật dễ dãi!... Cứ theo như đài phát thanh thì chúng mình sẽ tiêu diệt quân thù trên lãnh thổ của nó. Lãnh thổ! Hãy lo giữ lấy túi…
-Nói tiếp đi, tiếp đi, Ru-bin,-U-kha-nốp ngước đôi mắt sáng lên.-Nói đi, sao lại im lặng? Nào, nói đi, đừng ngại!
-Còn cậu, Ru-bin, có lẽ cậu là người hay kêu ca, một kẻ hoảng loạn,-Nết-trai-ép nhận xét thoáng qua và lập tức bật cười.-Tranh vẽ cái gì đây nhỉ?-Anh cầm chiếc bao đựng cỗ bài và mở ra, cỗ bài màu đỏ tụt ra lòng bàn tay.-Cậu là đồ cá chích, Ru-bin ạ. Cậu rên rỉ như cây nhị ấy. Cậu đã thấy gì ở làng mình nào? Cậu đi xoắn đuôi bò chứ gì?
-Láo toét. Mình không xoắn đuôi bò mà là người coi ngựa của nông trường,-Ru-bin hằn học sửa lại.-Trong đời mình, mình đã nhìn thấy nhiều cái mà cậu nằm mơ cũng chưa thấy đâu! Khi cậu phởn đời trên những tàu thuyền của mình thì chủ yếu đã khiến mình chết từng khúc ruột! Có một lần thôi mà cả cuộc đời của mình bị đảo lộn. Sau trận địch ném bom mình đã gầm lên như một con thú dùng tay bới hai đứa con gái nhỏ của mình bị vùi ở dưới đất lên!... Nhưng chậm mất rồi! Muốn chui vào thòng lòng cho rồi nhưng lòng căm thù sục sôi ngăn mình làm như vậy!...
U-kha-nốp nheo mắt nhìn Ru-bin, dùng dao cắt miếng xúc xích hun khói. Nết-trai-ép vứt cỗ bài lên tấm vải bạt. Ở đây có hai con bài trần truồng và hai con đầm hở hang, đại đội bít tất đen, găng tay đen, quấn chặt lấy nhau trong tư thế thô bỉ, trái tự nhiên; những con vua rậm râu, lực lưỡng như những đô vật, bế trên lòng những chú bé dễ thương, nép khuôn mặt thiên thần với những nụ cười thiên thần vào chúng. Đây không thể là những quân bài được nhưng dẫu sao đó vẫn là những quân bài hơi nhàu nát, sờn mép vì bị cầm nhiều, tuy vậy không thể hình dung được rằng bọn giặc đã ngồi bên bàn chơi những quân bài này, nói, cười, thua, được.
-Gớm, tởm thật! Sau những trò khỉ này chả còn thiết gì nữa! May mà Dôi-a đã đi kịp thời. Phụ nữ chả nên xem những cái này. Đến phát điên lên mất!
-Đầu óc cậu lúc nào cũng nghĩ đến đàn bà!-Ru-bin đỏ mặt lên nói.-Trong chiến tranh có kẻ may người rủi!
Nết-trai-ép thu bài lại, vứt chúng vào một xó, lau bàn tay vào áo choàng y như muốn chùi sạch cái gì nhờn nhờn, nhơ nhớp sau đó anh nhặt khẩu Pa-ra-ben-lom lên, ngả lưng vào vách hầm, nói:
-Ru-bin ạ, cậu muốn cho mình là người thế nào thì tùy, mình thích đàn bà… nhưng mình cũng có món nợ phải thanh toán đấy. Anh cả mình bị địch giết năm bốn mốt ở gần thành phố Li-đa. Lúc ấy mình còn nghĩ: chiến tranh sẽ kéo dài độ một tuần lễ. Chúng ta ráng sức lên-thế là sẽ tiến vào Béc-lin, nguyên soái Vô-rô-si-lốp cưỡi ngựa trắng đi đầu. Té ra… chúng nó đã đẩy chúng mình tới tận Mát-xcơ-va.-Nết-trai-ép nghịch khẩu Pa-ra-ben-lom ở trong tay.-Mình đồng ý là chúng ta đã vất vả suốt hai năm nay. Nhưng Xta-lin-grát là chuyện lớn đấy, Ru-bin ạ. Suốt năm tháng trời bọn Đức hùng hổ xông lên tưởng mười mươi là chúng sẽ mở rượu sâm banh ăn mừng, ấy thế nhưng đến lượt chúng mình bắt đầu thúc vào sườn chúng.
-Chúng mình bắt đầu!-Ru-bin nhai lại-Chúng mình bắt đầu nhưng chưa kết thúc! Như hôm nay chẳng hạn: chúng không đột kích được qua chỗ chúng ta thì cho xe tăng đi vòng qua! Thế nghĩa là ta lại không lường được sức của chúng à? Cánh mình ngồi đây như lũ chuột bị cắt rời ra còn chúng nó có lẽ đang cưỡi xe tăng đến chỗ đồng bọn ở xe tăng và cười mũi cậu đấy!
-Thôi đi, thôi đi, chúng nó chẳng cưỡi được đâu,-Nết-trai-ép mếch lòng-Chúng mình đã diệt được xe tăng của nó ở đây.-thế mà cậu khóc à? Rồi sẽ phải xé mũ vải ra làm mùi soa đấy.
-Có cậu phải xé mũi thì có! Vì sao cậu hí hửng trước khẩu súng Đức thế?-Ru-bin quát Nết-trai-ép.-Cậu hí hửng vì chiến lợi phẩm à?
-Chứ sao!-Nết-trai-ép nói.-Súng Pa-ra-ben-lom của bọn Đức tốt phải biết!
Ru-bin đứng dậy, vóc người bè bè, chân ngắn, anh đưa đôi mắt vằn tia máu đỏ nhìn khắp căn hầm, trông anh rất dữ dội trong cơn giận dữ công khai đối với tất cả-với chiến tranh, với chiếc áo lót bằng lụa của Đức với cuộc chiến đấu này, với việc bị bao vây, với Nết-trai-ép. Trước khi ra khỏi hầm, anh xốc khẩu các bin ở dưới đất lên, quay về phía U-kha-nốp nói thêm:
-Ăn cái của chiến lợi phẩm này à? Dù có chết đói tôi cũng không đụng tới một miếng! Thà tôi…
-Này Ru-bin, quay lại và ngồi xuống đây!
Nói xong U-kha-nốp ngừng cắt thỏi xúc xích bị đông cứng như cái gậy, có những chấm mỡ trắng ở giữa, cắm mạnh con dao vào chiếc bánh mì. Nết-trai-ép lập tức thôi không nghịch khẩu Pa-ra-ben-lom nữa-thấy U-kha-nốp cắm phật con dao vào bánh mì và thấy ánh mắt anh đổi khác, Nết-trai-ép cảm thấy chuyện chẳng lành. Trước cái nhìn và mệnh lệnh đó Ru-bin dừng lại, lòng vẫn chưa nguôi, anh gục đầu xuống toan cưỡng lại nhưng hình ảnh như nước mắt long lanh trên mi mắt anh.
-Hãy nhớ lấy, Ru-bin, tôi cũng gióng bộ từ biên giới về đây, tôi biết rõ giá mỗi cân thuốc súng là bao nhiêu. Nhưng dù cho chúng ta nằm hết lại ở đây không sót ai, tôi cũng không cho phép được hoảng loạn.-U-kha-nốp bình tĩnh nói, vẻ đường bệ.-Dẫu sao chúng ta cũng đã ép bọn Đức vào ven sông Vôn-ga, có đúng như thế không? Chiến tranh là chiến tranh-hôm nay chúng thắng ta, mai ta đè bẹp chúng! Cậu đã thụi nhau bao giờ chưa? Nếu cậu là người đầu tiên xơi quả đấm vài quai hàm thì tai ù lên, mắt nảy đom đóm chứ gì? Nhất định là hồn vía lên mấy. Cái chính là phải biết trỗi dậy, lau máu ở quai hàm và đánh trả. Và dẫu sao chúng ta cũng đã đánh trả phải không Ru-bin. Đây là cuộc đánh nhau kiểu khác. Chúng mình đã không tặng quà lưu niệm cho bọn Đức. Thôi được. Mình chúa ghét cái trò ba hoa! Gặp phải tay khác ấy à, chắc hắn đã chụp cho cậu cái mũ là gây hoảng loạn. Nhưng mình thì hiểu khác. Ngồi xuống đi, uống nước trong bi đông đây này. Và hãy giữ thần kinh cho vững. Hiểu không? Không được nói gì nữa đấy nhé!
-Ấy, ấy… Gây hoảng loạn. Tiếng nghe mới khủng khiếp chứ. Động một tí là: gây hoảng loạn!-Ru-bin chua chát nói.-Này thượng sĩ ạ, tôi chết còn dễ hơn uống ngụm nước cơ. Chả có gì khủng khiếp hơn việc tôi dùng tay đào bới mấy đứa con gái của tôi. Cậu muốn nghĩ về tôi thế nào thì nghĩ…
-Tôi nghĩ thế nào cho phải thì thôi. Chúng nó đã giết mất ngựa của cậu rồi, cậu hãy đến chôi tôi làm pháo thủ đi. Ta sẽ cùng chết bên nhau.-U-kha-nốp nhếch mép cười-Như thế vui hơn… À mà có lẽ chúng ta sẽ còn khiêu vũ nữa cơ đấy!
-Sao được!...
Và không nói hết câu, Ru-bin đặt khẩu các bin vào một góc hầm tối, ngồi xuống lặng lẽ gạt những giọt nước mắt căm hờn, rút túi đựng thuốc lá ra, những ngón tay sần sùi, run lật bật cuốn một điếu thuốc lá.
o0o
-Dôi-a, Đa-vla-chi-an thế nào? Có thể nói chuyện được với cậu ấy không?
-Lúc này thì không. Tôi đã định nói với anh… Lúc tỉnh, anh ấy cứ luôn luôn hỏi anh còn sống không, trung úy ạ. Các anh cùng học ở một trườn ra à?
-Cùng ở một trường ra… Nhưng liệu có hy vọng không? Cậu ấy có qua khỏi được không? Cậu ấy bị thương vào đâu?
-Anh ấy bị nặng hơn tất cả mọi người. Bị thương vào đầu và vào hông. Nếu không lập tức đưa anh ấy tới viện quân y thì anh ấy sẽ rất gay go. Và với những người khác cũng vậy. Tôi chẳng giúp họ được gì. Quả là bất lực! Tôi đánh lừa họ là sắp có xe tải tới. Nhưng theo tôi, chúng ta đã hoàn toàn bị cắt đứt với hậu phương. Chở họ đi đâu? Ai biết viện quân y ở đâu được?
-Này, có liên lạc được với ai ở đài quan sát không?
-Không có liên lạc. Họ vẫn đương chữa máy vô tuyến điện. Tôi biết thế. Các chiến sĩ thông tin ở đằng ấy, chỗ Đrô-dơ-đốp-xki. Sau lúc tôi chạy lại chỗ khẩu pháo của Tru-ba-ri-cốp anh ở đâu trung úy? Anh đã trông thấy chiếc xe tăng nghiền nát khẩu pháo của ta chứ?
-Tôi không biết rằng cô…
-Hãy quên điều đó đi, trung úy ạ. Tôi chẳng nhớ gì cả. Thật khủng khiếp, thậm chí đầu gối tôi run lên. Chà, hình như tôi đã hỏi về khẩu “Van te” của tôi. Điều đó cố nhiên thật nực cười. Tôi muốn sống đến trăm tuổi, đẻ hàng chục đứa con để trêu ngươi mình và mọi người. Anh thử hình dung xem, mười cái miệng mê hôn ngồi quanh bàn, tóc tất cả đều trắng ra và mồm chúng bê bết cháo. Giống như hình vẽ trên hộp đựng bột ngô ấy, anh biết không?
-Tôi không biết… Dôi-a, hình như cô đã bị cóng? Ta đi đi, đừng đứng lại nữa.
-Trung úy ạ, lúc ấy ta phải bỏ thương binh lại gần thành phố Khác-cốp đấy. Tôi còn nhớ họ la hét như thế nào…
-Đây không phải là Khác-cốp, Dôi-a ạ. Chúng ta sẽ không thoát đi đâu được. Ta chỉ còn có bảy trái đạn nữa. Sẽ chẳng ai bỏ ai cả. Thậm chí cũng chẳng phải nghĩ tới chuyện đó.
Họ dừng lại trên con đường mòn, hẹp do nhiều vết ủng giẫm dọc mép bờ sông, cách căn hầm đất khoảng hai chục bước chân. Mặt băng trên sông toát ra cái buốt lạnh như kim châm, từ những hố băng đen ngòm to tướng-hậu quả của trận ném bom ban sáng-hơi nước bốc lên dày đặc. Quầng sáng ở bờ sông bên kia đã nhạt đi, thấp xuống; vào giờ này, lúc đêm khuya, dường như quầng sáng đó đã bị băng giá cứng như thép bóp nghẹn. Mặt sông ban đêm im lặng như tờ và cả hai người đều nói và thở một cách chật vật trong cái giá lạnh dữ dội đó. Bản thân Cu-dơ-nét-xốp cũng chẳng hiểu vì sao anh lại trấn an tinh thần Dôi-a trong cái tình thế bấp bênh mơ hồ mà chính anh cũng không hiểu rõ, khi không biết điều gì sẽ xảy ra sau một, hai giờ đồng hồ nữa trong đêm nay, người nào trong bọn họ sẽ sống được tới sáng, nhưng anh không dối mình cũng như dối cô khi anh tin chắc rằng: không thể rút lui, thoát khỏi đây đi đâu được cả vì trước mặt và sau lưng đều là xe tăng địch, còn tít về phía xa, sau lưng họ cũng là bọn Đức đã bị siết chặt trong vòng vây, nơi mà cuộc tiến công hôm này của địch-tưởng như kéo dài hàng năm-nhằm hướng tới.
-Tình hình ở phía đó, ở Xta-lin-grát ra sao? Tại sao bọn Đức lại ngưng chiến ban đêm? Chúng đã đột kích được tới đâu?...
-Lạnh buốt khủng khiếp!-Anh thốt lên.-Hình như cô đã bị cóng rồi?
-Không, đó là do thần kinh thôi. Tôi biết chắc rằng bây giờ tôi sẽ không rời bỏ để đi đâu cả. Anh bảo: không đi đâu được à?...
Cố giữ cho răng khỏi run cầm cập, cô bẻ cổ áo choàng lên, nhìn quan đầu Cu-dơ-nét-xốp về phía quầng sáng, phía bờ bên kia đã bị quân Đức chiếm, khuôn mặt trắng bệch của cô bị cổ áo bằng lông cừu thu hẹp lại, hàng lông mày lá liễu, đôi mắt sẫm lại một cách kỳ lạ và tách rời tất cả biểu lộ sự mệt mỏi và nỗi đau khổi sâu lắng.
-Tôi không muốn bỏ thương binh lại lần thứ hai nữa. Tôi không muốn… không có gì khủng khiếp hơn việc đó.
Cu-dơ-nét-xốp cảm thấy toàn thân ớn lạnh, anh bỗng tưởng tượng ra cảnh bọn Đức sau khi đã bao vây đơn vị, chúng vừa chạy vừa thét truyền mệnh lệnh cho nhau, cắp tiểu liên vào hầm đất để thương binh, còn cô, không kịp rút khẩu “Van te” ra, cô lùi vào góc, ép lưng vào vách hầm, dang tay ra như bị đóng đânh câu rút.
Anh hạ thấp giọng hỏi;
-Này, cô có biết sử dụng vũ khí không, có biết bắn súng ngắn, súng tiểu liên không?
Cô nhìn anh và cười vang khó hiểu, ấp làn môi trong cổ áo lông, chỉ thấy đôi lông mày giật giật.
-Rất tối!... À này anh, tại sao lúc ở gần khẩu pháo, khi tôi tỏ ra nhát gan, anh đã ôm tôi chặt lạ lùng, để bảo vệ tôi phải không? Cám ơn anh, trung úy? Tôi đã quá nhát gan.
-Tôi không để ý.
-Khoan đã!...-Cô rời môi khỏi cổ áo, lông mày cô không còn giật giật vì tiếng cười bất ngờ nữa.-Thế chuyện gì đã xảy ra lúc tôi rời chỗ đó đi tới khẩu pháo của Tru-ba-ri-cốp?
-Xec-gu-nen-cốp đã hy sinh ở đó.
-Xec-gu-nen-cốp à? Anh chàng coi ngựa bé bỏng nhút nhát ấy à? Con ngựa của anh ta bị gãy chân chứ gì? Khoan đã, để tôi nhớ lại. Khi họ tới đây Ru-bin đã nói với tôi một câu khủng khiếp: “Ngay cả thế giới bên kia, Xec-gu-nen-cốp cũng sẽ không tha thứ cho kẻ nào gây nên cái chết của mình”. Thế là thế nào?
-Không tha thứ cho kẻ nào à?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi lại và quay người đi, cảm thấy có mảnh sương giá trên cổ áo cọ cọ vào má anh như một hòn đá mài ẩm ướt.-Chỉ có điều là anh ta nói với cô như thế để làm gì?
“Phải, cả mình cũng có lỗi và mình sẽ không tha thứ cho mình về việc đó,-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ.-Giá lúc ấy mình có đủ nghị lực để phản đối… Nhưng mình sẽ nói gì với cô ấy về cái chết của Xec-gu-nen-cốp? Vì đã nói đến chuyện đó thì phải nói lên tất cả sự thật. Nhưng tại sao mình lại nhớ đến chuyện đó khi hai phần ba số anh em trong đơn vị đã hy sinh? Không, chẳng hiểu sao mình không thể nào quên được!...”.
-Tôi không muốn nói về cái chết của Xec-gu-nen-cốp,-Cu-dơ-nét-xốp quả quyết đáp-Lúc này nói chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì.
-Trời ơi,-cô thì thào,-tôi thương các anh quá chừng, những chú bé đáng thương…
Còn anh, khi nghe giọng nói đau khổ và xót thương đối với tất cả mọi người, nghĩa là đối với cả anh, anh nghĩ: “Chả lẽ cô ấy lại yêu Đrô-dơ-đốp-xki! Chả lẽ anh ta đã chạm được vào đôi môi cô chẳng hiểu sao nứt nẻ, mọng lên? Và chẳng lẽ cô đã không nhận ra được rằng Đrô-dơ-đốp-xki có đôi mắt lạnh lùng, tàn nhẫn khiến ta nhìn vào thấy khó chịu hay sao?”.
-Sao anh cứ nhìn tôi chằm chằm như thế, trung úy thân yếu?-Anh nghe thấy tiếng cô thì thào, giọng mượt mà.-Cứ làm như là anh mới trông thấy tôi lần đầu ấy… Anh đáp giọng khàn khàn:
-Tôi sẽ ghé thăm Đa-vla-chi-an sau. Đừng gọi tôi là trung úy thân yêu. Cô thương cả tôi nữa à? Tôi chưa chết và còn chưa bị thương. Hơn nữa tôi không muốn chết một cách vô nghĩa và ngu xuẩn.
-Thế ra có thể có cái chết thông minh ư, trung úy? Tôi muốn anh còn sống, anh thân mến ạ. Muốn anh sống lâu. Đến một trăm năm mươi tuổi. Lời tôi nói thiêng lắm. Anh sẽ sống đến một trăm năm mươi tuổi. Và anh sẽ có vợ với năm đứa con. Thôi tạm biệt. Tôi đến chỗ anh em thương binh đây… Mà này, sao anh cứ nhìn tôi chằm chằm như thế, trung úy? Chắc anh hơi thích tôi phải không? Đúng không nào? Thế mà toi không biết!-Cô nhích lại bên anh, đưa một tay lên bẻ cổ áo lông khỏi môi, nhìn anh với vẻ tò mò háo hức.-Ôi, tất cả những chuyện đó mới ngốc nghếch và lạ lùng làm sao, Cu-dơ-nét-sích?
-Tại sao lại “Cu-dơ-nét-sích” (Cu-dơ-nét-sích có nghĩa là con dế, đọc gần giống với họ của Cu-dơ-nét-xốp).
-Cu-dơ-nét-xốp, Cu-dơ-nét-sích… Thế chả lẽ anh không thích con dế à? Khi nghe tiếng chúng kêu, tôi cảm thấy rất dễ chịu. Chả hiểu sao tôi cứ tưởng tượng ra một đêm ấm áp, đụn cỏ khô trên cánh đồng và vầng trăng đẹp ở trên hồ. Và khắp nơi là tiếng dế…
Gió lạnh ở mặt sông đóng băng thốc lên lay động tà áo choàng của Dôi-a. Đôi mắt cô mỉm cười, long lanh, thẫm đen trên lần cổ áo lông mà bàn tay đeo găng trắng của cô đã kéo xuống; sương giá làm trắng cặp lông mày và khiến hàng mi trĩu nặng. Cu-dơ-nét-xốp lại tưởng như hàm răng cô vẫn khẽ run cầm cập và đôi vai cô hơi co giật như thể toàn thân đã bị cóng. Anh có cảm tưởng rất rõ hàm răng run cầm cập đó không phải của cô và lúc này, một người nào khác nói bằng giọng khác chứ không cô, rằng chẳng có bờ sông, quầng sáng trên trời cũng như xe tăng Đức và anh đang đứng với ai đó gần cổng ra vào trong một đêm tháng Chạp sau khi đi trượt tuyết về; gió thổi tuyết mịt mù như khói từ trên mái nhà xuống và những ngọn đèn lồng sáng lên giữa sương mù dăng khắp trên những hàng rào tuyết phủ trong một ngõ hẹp… Cảnh đó đã xảy ra bao giờ nhỉ?
-Anh có muốn hôn tôi không?... Tôi thấy hình như anh muốn… Anh không có chị em gái à? Hai ta rồi cũng có thể bị giết, Cu-dơ-nét-xốp ạ…
-Làm thế để làm gì? Có coi tôi là thế nào-một chú bé à? Đó là lối õng ẹo làm duyên chăng? Hay là cái gì khác?
-Lời õng ẹo làm duyên nào cơ? Hoàn toàn không phải thế.-Cô bẻ cổ áo lên bịt tiếng cười, cổ áo che khuất nửa mặt, mắt mở to.-Thoạt đầu người ta thường làm duyên bằng đôi mắt. Người ta đưa mắt nhìn vào một góc, nhìn vào mũi mình rồi nhìn đối tượng. Nếu như có đối tượng thì đó là anh… Nhưng tôi không làm như vậy, anh thấy không? Không, anh đã che chở cho tôi như một người em gái ở cạnh khẩu pháo, trung úy ạ. Thậm chí tôi đã cảm thấy như vậy. Chả lẽ anh không có em gái à?
“Ở gần khẩu pháo… xe tăng địch tiến. Chúng mình đã bắn. Ca-xư-mốp bị giết. Cô ấy ở bên cạnh, sau đó cô ấy chạy về chỗ khẩu pháo của Tru-ba-ri-cốp lúc xe tăng địch thọc vào. Rồi một tràng súng máy hất tung Xec-gu-nen-cốp lên mấy lần phía trước khẩu pháo tự hành… Khói bốc trên lưng áo choàng. Và khuôn mặt méo xệch, choáng váng của Đrô-dơ-đốp-xki: “Chả lẽ tôi muốn cậu ấy chết à?...”.
-Cô nhầm rồi!
“Đrô-dơ-đốp-xki! Tôi không thể tưởng tượng nổi cô đứng bên cạnh Đrô-dơ-đốp-xki!”-Anh suýt buột miệng nói ra nhưng một dải ánh sáng đỏ lừ đột ngột rọi vào khuôn mặt cô đang hướng về phía anh có ý cảnh giác thăm dò, soi sáng rực đôi mắt mở to, làn môi, sương giá trên cặp lông mày thanh tú, khiến anh chưa hiểu ngay được chuyện gì đã xảy ra.
-Trung úy!...-Cô thì thào.-Bọn Đức à?
-Trung úy!...-Cô thì thào.-Bọn Đức à?
Đúng vào lúc ấy, ở đâu đó phía trên bờ sông cao, những loạt đạn súng máy nổ tung tóe, đạn pháo sáng lại vọt lên, anh lập tức muốn thét lên bảo cô rằng trận đánh lại bắt đầu, bọn Đức đã khởi sự và chắc chắn đây sẽ là trận cuối cùng kết thúc tất cả nhưng bằng giọng như lệnh vỡ, anh đã hét lên không phải điều anh nghĩ;
-Cô chạy vào hầm trú ẩn đi!... Chạy ngay đi! Cô hãy nhớ rằng tôi không có em gái! Tôi không có em gái! Và đừng có nói chuyện ngớ ngẩn! Tôi chẳng bao giờ có em gái cả!...
Và chẳng hiểu sao mình lại nói dối để báo thù cô, anh căm ghét mình vì việc đó và hầu như gạt cô ra, anh đi trên lối mòn, còn cô lảo đảo, cất bước về phía sau, thốt lên khe khẽ, vẻ mặt thay đổi, thảm hại:
-Anh hiểu sai tôi rồi, trung úy! Hiểu sai rồi, Cu-dơ-nét-sích…
Anh đã chạy trên mép bờ sông tới hầm của anh em pháo thủ, nghe thấy tiếng tiểu liên rền rĩ kéo dài ở phía trên. Phía tay trái anh, dưới ánh sáng đạn tên lửa chập chờn mặt băng trên sông khi thì sáp lại gần chân khi thì bật nhanh ra xa, chìm vào đêm tối. Tiếp đó ở phía trên nơi đặt khẩu pháo có tiếng súng các bin nổ, rồi một tiếng súng khác; từ phía trên có tiếng ai la gọi, giọng chin chít như thỏ. Đó là súng bắn báo hiệu của Tri-bi-xốp.
“Thế nghĩa là cuộc tiến công… nghĩa là ngay bây giờ!... Bọn mình chỉ còn có bảy quả đạn, chỉ còn có bảy…”.
Cu-dơ-nét-xốp chạy lại căn hầm đất, gạt phắt tấm vải bạt che cửa, anh nhìn thấy ngọn đèn tim tím, mẩu bánh mì đã cắt để trên vải bạt, U-kha-nốp, Ru-bin, Nết-trai-ép như đã hiểu ra chuyện gì đó, cùng ngước mắt lên nhìn anh và anh hô to:
-Tới bên pháo!...