Số lần đọc/download: 2494 / 48
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Chương 19: Tuyết Rơi Đẹp Xiết Bao
Z.Tay Sắt là bí danh của người đàn ông dẫn đầu bộ ba vác súng vừa hò hét vừa lao ra ngoài trước ánh mắt khiếp đảm của khán giả khi màn sân khấu đóng lại. Ngày xưa Z. Tay Sắt là một nhà báo cộng sản. Hồi thập kỷ bảy mươi ông ta nổi bật là một nhà văn, nhà thơ nhưng chủ yếu là người "bảo vệ trật tự" trong các tổ chức thân xô viết. Z. Tay Sắt có thân hình hộ pháp. Sau cuộc đảo chính của phái quân sự năm 1980 ông ta trốn qua Đức. và lúc bức tường Berìin sụp đổ thì ông quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ với giấy phép đặc biệt để bảo vệ nhà nước hiện đại và nền cộng hòa chống quân du kích người Kurd và đám "Tôn thờ luật Sharia". Hai người đàn ông đi cùng thuộc vào nhóm dân tộc chủ nghĩa Thổ mà hồi 1979 và 1980, Z. Tay Sắt từng đọ súng trên đường phố khi màn đêm buông xuống Istanbul, song chính tinh thần mạo hiểm và ý tưởng bảo vệ nhà nước giờ đây lại hội tụ họ với nhau. Một số người cho rằng ngay từ đầu họ đã là tay chân của nhà nước. Những người kinh hoàng túa ra cầu thang Nhà hát nhân dân để rời chốn này cho thật nhanh thì làm ra vẻ ba người đàn ông ấy vẫn đang diễn tiếp vở kịch, vì chẳng biết họ là ai và đang làm gì.
Khi Z. Tay Sắt ra đến đường và thấy tuyết phủ một lớp dày, ông giậm chân vui sướng như một đứa trẻ, bắn hai phát chỉ thiên và hô to: "Dân tộc Thổ muôn năm! Nền cộng hòa muôn năm!" Đám đông đang tản mát vội dạt vào cạnh đường. Vài người nhìn họ với nụ cười khiếp sợ trên môi. Mấy kẻ dừng bước tựa nhưmuốn xin lỗi vì đã bỏ về nhà quá sớm. Z. Tay Sắt và tùy tùng của ông chạy ngược lên phố Atatürk, miệng hô khẩu hiệu và to tiếng chuyện trò với nhau như những kẻ say rượu. Những cụ già dựa vào nhau và liên tục giẫm thụt vào tuyết, hầu như không tiến lên được bước nào, và các ông bố đang lùa lũ trẻ con ép sát vào nhau đi dọc phố thì hoan nghênh nhóm Z. Tay Sắt một cách dè dặt.
Đến đoạn rẽ sang phố Kâzimbey Nhỏ thì nhóm ba kẻ phấn khích đuổi kịp Ka. Họ thấy Ka đã nhận ra mình và nép vào hàng cây trúc đào trên vỉa hè như tránh ôtô chạy qua.
"Thưa nhà thơ", Z. Tay Sắt gọi ông. "Ông phải giết chúng nó, trước khi chúng nó giết ông. Đúng không ạ?"
Đúng vào lúc ấy Ka quên bẵng đi bài thơ mà ông chưa kịp chép lại và định đặt tiêu đề là "Nơi không có Allah".
Z. Tay Sắt và hai thủ hạ tiếp tục đi lên phố Atatürk. Ka rẽ phải sang đường Montenegro vì ông không muốn theo chân họ và nhận ra là giờ đây ông đã quên hẳn bài thơ.
Ông có cảm giác đầy ngượng ngùng và tội lỗi như ngày còn trẻ mỗi khi rời khỏi các cuộc họp chính trị. Hồi đó ông thấy ngượng không chỉ vì sinh ra trong một gia đình tư sản giàu có ở khu Nişantaşi, mà cũng vì mọi phát ngôn ở đó đều cường điệu ấu trĩ đến cực đoan. Ông quyết định không về khách sạn ngay mà đi một đoạn đường vòng, hy vọng sẽ nhớ lại bài thơ vừa bị lãng quên.
Ông thấy mấy người tò mò tiến ra cửa sổ nhìn, sau khi chứng kiến cảnh tượng trên màn ảnh nhỏ. Khó có thể nói Ka nhận biết được bao nhiêu trong sự kiện khủng khiếp ở nhà hát. Vụ xả súng diễn ra trước khi ông ra khỏi nhà hát, nhưng hoàn toàn có thể Ka cho rằng tiếng súng và cả Z. Tay Sắt lẫn thủ hạ là một phần trong trình diễn cũng nên.
Tất cả tâm trí ông hướng về bài thơ đã quên. Khi nhận ra là thay vào đó một bài thơ khác đang trỗi lên, Ka đẩy nó vào một góc của trí óc mình chờ nó lớn.
Hai tiếng súng nổ xa xa và chìm đi trong tuyết không để lại một tiếng vang.
Và tuyết rơi đẹp xiết bao! Những bông tuyết lớn chừng nào, tựa như quyết tâm không bao giờ ngừng rơi, và lặng ngắt như tờ. Đường Montenegro thênh thang phủ kín bởi lớp tuyết cao đến đầu gối, nó lượn xuống dốc và lặn vào bóng đêm. Trắng xóa và bí hiểm. Không một bóng người trong tòa thị chính ba tầng tuyệt đẹp,một di sản của người Armenia. Những sợi nhũ băng rủ xuống từ cành trúc đào nối liền với lớp tuyết bọc kín chiếc ôtô bên dưới, đan thành một bức màn sáo nửa tuyết nửa băng. Ka đi qua dãy cửa sổ đóng đinh kín bưng của một ngôi nhà Armenia một tầng bỏ hoang. Ông lắng nghe hơi thở và bước chân của chính mình, nhận ra trong mình một sức mạnh đủ để kiên quyết quay lưng lại với tiếng gọi của cuộc sống và hạnh phúc mà hình như ông mới nghe thấy lần đầu.
Trong vườn hoa nhỏ xíu với bức tượng Ataturk đối diện phủ thống sứ không một bóng người. Cả trước Sở tài chính, ngôi nhà hoành tráng nhất thành phố xây từ thời người Nga, Ka cũng không thấy người nào. Bảy mươi năm trước, khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc và binh lính của Sa hoàng và vua Thổ rời khỏi đất này, đây là trụ sở hành chính và nghị viện của nhà nước mà người Thổ lập nên ở Kars. Phía đối diện là ngôi nhà Armenia cổ, tòa nhà chính phủ của chính nhà nước lụn bại ấy mà ngày xưa đã bị lính Anh xông vào chiếm cứ, bây giờ được dùng làm phủ thống sứ.
Tránh đi sát tòa nhà được canh gác cẩn mật, Ka rẽ phải về phía vườn hoa rồi đi tiếp. Đúng lúc đi ngang qua một ngôi nhà Armenia đẹp và buồn thảm như mọi ngôi nhà khác, Ka nhìn thấy một chiếc xe tăng bên rìa một khu đất trống cạnh đó đang đi khỏi, lặng lẽ và chậm chạp như trong mơ. Gần đó, ông thấy một chiếc xe tải quân sự đỗ sát trường tôn giáo. Qua lớp tuyết rất mỏng phủ bên trên, Ka nhận ra nó vừa đến đây chưa lâu. Một tiếng súng vang lên. Ka lộn lại, ông đi xuống phố Quân Đội, tránh lọt vào tầm nhìn của các cảnh sát canh trước phủ thống sứ đang trốn vào vọng gác có cửa sổ đóng kín băng để cố tìm hơi ấm. Ông hiểu ra rằng mình chỉ có thể giữ lại bài thơ mới nếu quay lại được khách sạn mà không bị quấy quả trong bầu không khí im ắng của tuyết.
Ka xuống đến lưng chừng dốc thì có tiếng ầm ĩ vọng sang từ vỉa hè bên kia; ông bước chậm lại. Hai người đang đạp chân vào cánh cửa Sở bưu chính.
Có ánh đèn pha ôtô lóe lên trong tuyết. Ka nghe thấy tiếng động êm tai của bánh xe lắp xích bám đầy tuyết. Chiếc xe của cảnh sát chìm đỗ cạnh Sở bưu chính, một người đàn ông đội mũ len mang vũ khí ra khỏi xe cùng một người khác có vẻ bình thản mà Ka đã thấy mặt lúc nãy, khi ông lưỡng lự có nên rời nhà hát không.
Một đám người dồn lại trước cửa. Có tiếng tranh luận kịch liệt. Nghe giọng nói và nhờ ánh đèn đường, Ka nhận ra Z. Tay Sắt và thủ hạ của ông ta.
"Mày không có chìa khóa nghĩa là sao?" một người hỏi.Mày là giám đốc Sở bưu chính, đúng không? Người ta đem mày về đây để mày cắt đường điện thoại cơ mà? Tại sao mày lại có thể quên chìa khóa được!"
"Không thể cắt đường điện thoại của thành phố ở đây được, mà ở tòa nhà mới trên phố Ga cơ," ông giám đốc giải thích.
"Đây là một cuộc cách mạng, và bọn tao muốn vào đây," Z.Tay Sắt trả lời. "Bọn tao đến tòa nhà kia khi nào bọn tao muốn.Rõ chưa? Chìa khóa đâu?"
"Các bạn trẻ ơi, hai hôm nữa là hết tuyết, đường phố sẽ quang quẻ, và nhà nước sẽ tính sổ với tất cả chúng ta."
"Cái nhà nước mà mày đang sợ ấy, đó chính là chúng tao đây." Z Tay Sắt trả lời. "Tóm lại mày có định mở hay không thì bảo?"
"Tôi không có quyền mở nếu không có lệnh bằng văn bản."
"Rồi để xem," Z. Tay Sắt nói. Ông rút khẩu súng ngắn của mình và bắn hai phát lên không trung. "Tóm lấy nó, cho dựa lưng vào tường, nếu nó không nghe lời thì xử bắn luôn."
Không ai tin chuyện đó sẽ xảy ra thật, mặc dù vậy các thủ hạ của Z. Tay Sắt có trang bị vũ khí đã lôi ông Recai Bey ra phía tường. Để đạn không bắn hỏng cửa kính sau lưng, họ xô ông ta sang bên phải một chút. Ông giám đốc ngã xuống vì tuyết ở góc này rất mềm. Họ xin ông thứ lỗi và chìa tay kéo ông đứng dậy, tháo cà vạt của ông ra để buộc hai tay quặt ra sau lưng. Vừa làm họ vừa trò chuyện với nhau và nói là cho đến sáng sớm sẽ thủ tiêu hét bọn phản quốc ở Kars.
Được lệnh của Z. Tay Sắt, họ lên đạn và xếp thành hàng trước mặt Recai Bey như một toán hành quyết. Trong giây phút đó có tiếng súng ở xa (đó là loạt đạn cảnh cáo của toán lính trong sân trước nhà ngủ của trường tôn giáo). Tất cả đều im lặng và chờ đợi. Lần đầu tiên trong ngày tuyết gần như ngừng rơi. Lát sau một người nói là lão già này (thực ra ông giám đốc đâu có già) có quyền hút điếu thuốc cuối cùng. Họ đút một điếu thuốc vào mồm Recai Bey, lấy bật lửa châm thuốc. Và trong khi ông giám đốc hút thuốc thì họ sốt ruột dộng báng súng và đạp ủng vào cánh cửa Sở bưu chính.
"Chớ làm hỏng tài sản nhà nước," ông giám đốc nói. "Cởi trói cho tôi, tôi mở cửa cho."
Trong lúc họ đi vào trong nhà, Ka đi tiếp. Đôi khi ông nghe tiếng súng nhưng cũng không bận tâm gì hơn khi nghe tiếng chó sủa. Ông tập trung tinh thần cao độ vào vẻ đẹp của màn đêm hoàn toàn lặng gió. Ông dừng chân một lát trước một ngôi nhà Armema cổ hoàn toàn vắng người. Rồi ông kính cẩn quan sát một nhà thờ Amemia đổ nát cùng nhũ băng rủ xuống từ những cành cây ma quái trong sân. Trong ánh sáng nhạt nhòa vàng ệch của đèn đường, tất cả nom như đến từ một giấc mộng đau khổ khiến Ka không biết vì sao có cảm giác tội lỗi. Mặt khác, ông thấy biết ơn mảnh đất câm lặng và hoang tàn này đã đem lại cảm hứng thi ca cho mình.
Phía xa, một thằng bé ngoài vỉa hè nói: "Con đi xem có chuyện gì xảy ra nhé," và mẹ nó sau cửa sổ quát lên, gọi nó vào nhà. Ở góc phố Faikbey ông thấy hai người đàn ông trạc tuổi mình đầy vẻ luống cuống đi từ hiệu giày ra, một người tương đối bệ vệ, người kia mảnh khảnh như một đứa trẻ. Từ mười hai năm nay, hai người này tuần nào cũng hai lần nói với vợ: "Tôi ra quán trà đây" và bí mật gặp nhau trong cửa hàng sặc mùi hồ dán giày; họ đang cuống lên vì nghe thấy thông báo về lệnh cấm ra đường trên ti vi chạy suốt ngày của nhà hàng xóm tầng trên hiệu giày.
Sau khi rẽ vào phố Faikbey và đi qua hai phố cắt ngang. Ka nhìn thấy một chiếc xe tăng đối diện cửa hàng mà sáng nay ông đứng ngắm cá hồi bày trước cửa. Cũng giống như đường phố, chiếc xe tăng trong không khí yên lặng huyền ảo ấy im phăng phắc như đã chết, đến nỗi Ka tưởng là trong xe không có người. Nhưng nắp xe đã bật lên, một người ngó đầu ra và bảo ông hãy đi về nhà ngay.
Ka hỏi anh ta đường về khách sạn Lâu Đài Tuyết. Song trước khi người lính kịp trả lời thì ông đã thấy văn phòng tối đèn của báo Thành phố biên giới phía đối diện và nhận ra đường về.
Hơi ấm của khách sạn và ánh sáng trong tiền sảnh làm ông vui vẻ hẳn lên. Qua nét mặt của các vị khách đang xem ti vi trong bộ áo ngủ và tay cầm thuốc lá, ông nhận ra có điều gì bất thường xảy ra, nhưng tâm trí ông lướt qua tất cả như một đứa trẻ lẩn tránh một đề tài khó chịu. Ông chỉ khẽ lướt mắt qua họ rồi đi vào căn hộ của Turgut Bey. Cả nhà vẫn ngồi bên bàn và xem tivi.
Turgut Bey đứng dậy khi thấy Ka và nói giọng trách móc, họ rất lo lắng vì ông về muộn, ông ta còn nói câu gì đó nữa khi ánh mắt của Ka và Ipek giao nhau.
"Anh đọc thơ rất hay,"Ipek nói. "Em tự hào về anh." Ka hiểu rõ ngay tức khắc rằng giây phút này sẽ khắc sâu trong ông cho đến cuối đời. Ông sung sướng muốn trào nước mắt, nếu như các cô gái khác không hỏi han gì và Turgut Bey đừng tọc mạch và lo lắng.
"Chắc chắn quân đội đã ra tay," giọng Turgut Bey cấm cảu vì ông không rõ nên hào hứng hay phàn nàn.
Trên bàn rất lộn xộn. Ai đó đã gạt tàn thuốc vào vỏ quýt; có vẻ là Ipek. Hồi Ka còn bé, một bà họ hàng xa của bố ông tên là Münire cũng có thói quen như thế, và cho dù trong khi nói chuyện luôn thưa gửi tử tế, mẹ Ka không bao giờ thực sự coi trọng bà ta.
"Họ đã ra lệnh thiết quân luật," Turgut Bey nói. Xin ông kể cho mọi người biết chuyện gì đã xảy ra tại nhà hát!"
"Tôi không quan tâm chút gì đến chính trị cả." Ka đáp.
"Tất cả, nhất là Ipek đều rõ là Ka chỉ buột mồm nói ra câu đó, song tuy vậy ông vẫn thấy ngượng ngừng.
Ông chỉ muốn ngồi đó và ngắm Ipek thật lâu, không nói lời nào. Nhưng không khí "đêm cách mạng" bừng bừng trong nhà làm ông chộn rộn. Không phải vì nó khơi dậy ký ức khủng khiếp về những cuộc đảo chính quân sự lúc ông còn nhỏ, mà vì ai cũng gặng hỏi ông mọi chuyện, chỉ trừ Hande ngủ thiếp đi ở góc phòng.
Kadife nhìn lên màn hình mà Ka không muốn xem. Turgut Bey tỏ vẻ hài lòng nhưng phấn khích vì đang "có chuyện".
Ka ngồi đó một lát và giữ tay Ipek, rồi ông nói thầm vào tai cô là hãy đi lên phòng ông ở tầng trên. Khi bắt đầu thấy khổ tâm vì không tiếp cận được cô hơn nữa thì Ka về phòng mình. Có mùi gỗ quen thuộc vẩn vơ trong không khí. Ông cẩn thận treo áo khoác lên móc trên cửa, bật đèn ở đầu giường: cơn mệt mỏi như tiếng gầm từ địa ngục không đủ làm mi mắt và toàn cơ thể ông trĩu nặng, mà cả căn phòng và toàn khách sạn đều như bồng bềnh. Vì vậy khi ông vội vã chép bài thơ mới vào vở, những vần thơ tuôn ra liên miên từ chiếc giường mà ông đang ngồi lên mép, sang khách sạn, tới thành phố Kars ngập tuyết và nhập thành một thực thể thánh thần duy nhất.
Ông đặt tên bài thơ là "Đêm nổ ra cách mạng". Nó bắt đầu bằng cảnh hồi thơ ấu, lúc cả gia đình bừng tỉnh trong đêm xảy ra đảo chính quân sự và mặc đồ ngủ nghe nhạc hành khúc trong đài; kế tiếp là các bữa ăn quây quần trong ngày lễ. Do vậy sau này ông sẽ tin rằng bài thơ ấy không bắt nguồn từ trải nghiệm thực tế của cuộc cách mạng, mà từ ký ức; và trên bông tuyết ông cũng đặt nó vào vị trí thích họp - trục HỒI ỨC. Một chủ đề cơ bản của bài thơ là trong khi thế giới đang xảy ra thảm họa thì nhà thơ vẫn có thể phần nào đóng kín tâm trí của mình lại. Nhưng như vậy đối với nhà thơ ấy, hiện tại này cũng chỉ như một thế giới hư cấu mà thôi.Cái giá phải trả cho nghệ thuật khó khăn chừng nào! Viết xong bài thơ Ka châm một điếu thuốc và nhìn ra ngoài cửa sổ.