Số lần đọc/download: 4390 / 95
Cập nhật: 2015-11-01 15:46:46 +0700
Lạnh
H
ồi tôi nhắm mắt đưa chân tới thành phố xa lạ này, tôi đâu có ham giật cái giải gì? Vậy mà đến đây năm trước năm sau liền được ngay cái hân hạnh chứng kiến Thủy Phủ (Minne: nước; Polis: đô thị) đạt luôn một hơi bốn kỷ lục về thời tiết.
Cách đây mười một năm, ngày 8 tháng 1 năm 1966, trời lạnh -20 độ F, và được xem là ngày 8 tháng 1 lạnh nhất tại địa phương. Năm nay cũng đúng vào ngày ấy, hàn độ xuống -23 độ F. Một kỷ lục.
Ngày kế tiếp, 9-1-74, cố gắng hạ xuống đến -21 độ. Nhưng năm nay, ngày 9 tháng 1 lại tụt xuống một lèo tận -32 độ. Thêm một trận đại thắng mùa đông nữa.
Ngày 10 tháng 1 năm 1912, trời lạnh -23 độ. Kỷ lục vẻ vang ấy giữ vững suốt sáu mươi lăm năm; đến năm nay, lúc 11 giờ rưỡi đêm 10-1, nhiệt kế lại xuống -27. Rồi đời cái kỷ lục của năm 1912.
Ngày kế, 11 tháng 1 vẫn năm 1912, là cả một nỗ lực vượt bực trong lịch sử khí tượng của xứ này: -30 độ. Nhưng vào lúc tờ mờ sáng 1-11 năm nay, hàn độ xuống tận -31 độ: hết thuốc chữa.
Vẫn chưa xong. Chúng ta mới nói đến chuyện thượng tuần tháng 1 dương lịch. Theo thường lệ, đó chỉ là màn mở đầu. Rồi từ đây tới cuối tháng, hạ hồi còn nhiều hứa hẹn.
Xung quanh mình, thiên hạ nhốn nháo cả lên: Một trăm giờ liên tiếp dưới không độ. Khiếp ơi là khiếp! Trong sở làm, trên xe buýt, trong các siêu thị v.v..., gặp nhau ở đâu cũng toàn nói chuyện “trăm giờ dưới không độ”.
Không độ? Cái ngôn ngữ ở đây ta nghe chưa quen, nghe cứ như là nó không được... thật! Cách thức đo lường ở đây rắc rối, kỳ cục, không giống ai. Cái gì mà nói ra nghe cứ lỉnh kỉnh những phít (feet), những pao (pound), những in (inch), những mai (mile) v.v... Rồi 12 in một phút (foot), mà 3 phit lại một da (yard); chẳng ra làm sao cả.
Hai trăm năm rồi, người Mỹ cứ cứng đầu cứng cổ giữ lấy những đơn vị đo lường cổ lỗ, lủng củng ấy; mãi tới khi nghe tin dân An Nam sắp sửa chạy sang, họ mới hoảng hồn bỏ thói cũ, vội vàng chấp nhận hệ thống đo lường thông dụng trên thế giới. Nhưng đã muộn: thói quen ăn sâu, phải chờ một thời gian chuyển tiếp để người Mỹ tập làm quen với các đơn vị mới. Hiện giờ, trong ngôn ngữ hàng ngày ta vẫn nghe toàn pao, với phít, với mai.
Trở lại với cái không độ của người Mỹ: Đây là độ Fahrenheit. Khi nhiệt kế Fahrenheit chỉ 32 độ thì nhiệt kế bách phân quen dùng ở ta xuống tới không độ từ khuya. Thành thử, thực ra đâu phải vừa rồi chúng tôi chỉ sống có một trăm giờ dưới không độ? Phải nói là hàng tháng, hàng một vài tháng trời dưới không độ bách phân liên tiếp.
Vả lại, bảo rằng ngày 9-1 lạnh -32 độ, ấy chỉ là nói về cái độ lạnh không kể ảnh hưởng của gió. Một khi ra đường, có tí gió vi vút, thì dám xuống tới dăm, sáu chục độ như chơi!
o O o
Giữa thời tiết ấy, hình như khắp cả chốn Thủy Phủ chỉ có loại chó husky là hí hửng. Đó là một giống khuyển gốc Tây-bá-lợi-á. Gặp lạnh, chúng khoái tỉ ra mặt.
Ngoài ra, bao nhiêu chim muông đều có vẻ khốn khổ. Mấy ngày liền, tôi không gặp một con sóc nào cả; cho đến lũ chim sẻ đông đảo cũng tự dưng vắng bóng, chẳng thấy đâu.
Sóc, sẻ, với vịt là những con vật tôi vẫn liệt vào hàng đặc biệt thân thuộc từ khi mới đến đây. Từ xứ nhiệt đới sang, trông con sáo không giống hẳn con sáo bên nhà, trông con chó không mấy giống con chó bên nhà, nhìn con bò không hề giống con bò bên nhà, nhìn hình thù người qua kẻ lại không mấy giống bà con bên ta. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ có con sóc bên đường, đàn sẻ trên cây, với lũ vịt trên các mặt hồ là trông quen mặt, không có gì khác với các giống đồng chủng nhiệt đới. Ta có cảm tưởng chúng vẫn theo ta từ bên nhà sang đây.
Sóc ở đây thật nhiều. Mùa hè, trong công viên, trên lề cỏ bên đường, trên cành cây, trên mái nhà, đều có sóc nhởn nhơ. Có những lúc ta đang nằm trong nhà xem dở trang báo, nghe có tiếng khua nhẹ bên cửa sổ: một chú sóc men đến không biết từ lúc nào bên mép cửa, chân đặt lên mặt kính, đang nghểnh đầu nhìn ta bằng đôi mắt chăm chú, dò hỏi. Ở công viên, có những con sóc bạo dạn, trèo lên vai khách, chồm tới đòi chia xẻ một miếng trái cây khách đang ngậm nơi miệng.
Đang gần gũi như thế, sóc có thể vụt phóc lên ngọn cây cao. Trên cây, nó “bay” từ cành này sang cành kia, nhẹ phới. Nó như là thứ chim không cánh. Giống khỉ cũng không kém tài, tuy nhiên hiện nay ở các đô thị không mấy khi gặp khỉ sinh hoạt tự do. Cho nên trong chỗ đông đúc thế này, loài sinh vật lông mao mà có thể nhảy nhót cao đến thế giữa không trung, e chỉ có các tay hiệp khách truyện Tàu và các chú sóc.
Từ mấy hôm nay chẳng thấy sóc đâu nữa. Nghe nói chúng lo rúc vào các đống lá cây, nấp vào các hốc cây.
Con vịt thì trên mặt hồ chúng được hưởng một khoảng nước lỏng nho nhỏ, mấp mé ba chục độ ấm. Xung quanh những nơi chúng bị cầm chân suốt mùa đông như thế toàn những tuyết trắng mênh mông, tôi đâu dám lảng vảng đến làm gì.
o O o
Sóc, vịt, sẻ v.v... các giống vật thích ứng thật tài tình, con người như chúng ta đành thua xa.
Mặc dầu đã quấn vào người bao nhiêu là lớp áo, lớp quần, lớp khăn cổ, lớp mũ trùm đầu, mỗi lúc ra ngoài ta vẫn cứ điêu đứng như thường. Một khoảnh da mặt bị hé lộ ra là một khoảng bị tê, bị rát như bỏng.
Từ ngoài bước vào nhà một lúc, da mặt như co rút lại, máu bắt đầu xông dồn ra cứu nguy các chỗ tê cóng. Bấy giờ ta có cảm tưởng môi vêu lên, cử động vụng về, vành tai chót mũi bị kim chích, đau réo lên.
Không bao giờ từng bộ phận trên nhân thể lại kêu gọi sự chú ý gấp rút đến thế. Thường nhật ta vẫn biết mình có tay có chân, có mắt, có mũi, nhưng mấy ai buồn để ý đến đâu? Tự dưng lúc này nào mũi nào tai bỗng nhức nhói, rậm rật, như thể kêu la khẩn cấp: “Thưa ông, đây là cái tai, đây là cái tai của ông:”, “Đây là cái mũi”, “Đây là vành môi khốn khổ của ông”, v.v...
Ờ, thì là tai, là mũi. Nhưng gì mà nhặng xị, ồn ào quá vậy? Không yên một tí được sao?
- Không được! Ít ra phải mười phút sau khi vào nhà, các bộ phận nó mới trở lại tình trạng bình thường, mới chịu ngưng léo nhéo.
Ra đường là khốn khổ, mà sự ra đường thì tùy thuộc vào chiếc xe. Chiếc xe hơi mùa mày lại dễ lâm bịnh. Trong bốn ngày kỷ lục nọ tính trung bình cứ mỗi giờ trong thành phố có bốn trăm cú điện thoại gọi đến các trạm xăng yêu cầu ra tay tế độ những chiếc xe không chịu nổ máy, bất chấp mọi biện pháp săn sóc đề phòng từ trước!
Phép đề phòng thật vất vả. Ngoài chuyện cho chất nọ chất kia vào xăng, vào bình điện, vào thùng nước v.v..., ngoài việc trùm chăm đắp mền cho xe, lại còn cứ ba bốn giờ nên nổ máy xe một lần cho nóng máy. Ban ngày còn khá, đêm đến, giữa khuya trời lạnh như cắt, mà đang ở trong nhà ấm áp, phải nai nịt đồ đạc chồng chất vào người, ra đường nổ máy xe. Có loại xe như Volkswagen không chịu nổ mà ngừng một chỗ, phải cho nó dạo lòng vòng mấy khu phố hồi lâu. Khuya khuya, cho xe đi dạo, rồi đắp mền cho xe tử tế; hầu hạ xe kỹ như thế xong mới được phép vào nhà ngủ.
o O o
Trong cái khoảng thời gian “trăm giờ dưới không độ”, một phóng viên của tờ Minneapolis Star gặp một thiếu phụ bật khóc trên quãng đường năm dãy phố đi đến chỗ đậu xe, liền hỏi, và được thiếu phụ nức nở vừa đáp: “Tôi mới từ California dời nhà lên đây. Chịu không thấu. Tôi muốn trở về”.
Từ một tiểu bang Hoa Kỳ đến một tiểu bang Hoa Kỳ mà nàng đã chịu hết thấu, nàng đã khóc lên khóc xuống. Huống hồ ta từ Đông Nam Á.
Vậy mà ta lại không nói được chuyện trở về. Ta lại còn chừng vài chục năm trước mặt để đương đầu: ngày ngày lò mò thức giấc lúc trời còn tối om, lóng cóng ra xe, tới sở; bốn rưỡi chiều ta ra khỏi sở đã lại tối om om, tuyết đổ tơi bời, trời sầu đất thảm!
Nguyên một cái ở đã khốn khổ, lại còn cái ăn. Không lóng cóng như thế, sao có được cái ăn?
Từ hồi nào tới giờ tôi vẫn tự mắng mình là đứa vô thần bất trị. Trong suốt mấy mươi năm trời, xứ tôi náo loạn cả lên vì sự xung đột giữa các niềm tin — hoặc niềm tin duy vật, hoặc niềm tin duy tâm. Ấy vậy mà đầu óc tôi cứ trơ ra, không chịu thấm nhuần tín ngưỡng vào đấng thần linh nào cả. Tôi vẫn ngờ rằng trước sau rồi cũng có ngày sự sai quấy hỗn láo ấy phải chịu một trừng phạt.
Quả nhiên. Ngày ấy đã đến. Và tôi đang chịu sự trừng phạt đến nơi đến chốn của ông thần quái ác nhất: ông... Thần Khẩu.
Tôi kêu trời trong giá lạnh xứ người: Biết bao giờ mình mới thoát nổi sự cai trị, đầy ải nghiệt ngã ấy? mới chấm dứt được cái cực hình phục vụ ông Thần Khẩu, một sự phục vụ nhục nhã, không lý tưởng nào cả.
1 – 1977