Số lần đọc/download: 429 / 21
Cập nhật: 2020-04-26 15:09:09 +0700
Chương 18
K
ins về sớm. Rõ ràng cuộc gặp với luật sư của Tim Collins khiến anh cảm thấy không thoải mái. Tracy ở lại muộn vì còn phải kiểm tra một đống hồ sơ dồn lại sau hai ngày đi vắng. Điện thoại reo, cô mỉm cười khi nhìn tên người gọi.
“Em đã hy vọng đó là anh.” Cô nói.
“Bọn anh xong việc sớm.” Dan nói. “Đúng là một kỳ tích sánh ngang với việc Jesus đưa Lazarus trở về từ cõi chết. Anh sẽ bay về chuyến sớm.”
“Đúng là tin hay nhất trong tuần. Khi nào anh lên máy bay?”
“Nếu không có gì trì hoãn thì gần sáu giờ anh sẽ về tới nơi.”
“Rồi anh sẽ ở lại chứ?” Cô trêu anh. Tây Seattle ở ngay gần sân bay. Họ đã bàn nhau rằng Dan sẽ nghỉ đêm ở nhà cô, rồi sau đó cả hai cùng lái xe tới Cedar Grove để Dan vừa chăm sóc được cho hai con vật cưng Rex và Sherlock của anh, vừa được ở bên Tracy vào dịp cuối tuần. Biết anh hẳn sẽ mệt nhoài sau một tuần dài nhọc nhằn, Tracy muốn gây bất ngờ bằng một bữa tối thật ngon lành.
“Em có giảm giá cho hội viên AAA không?” Dan hỏi.
“Không, nhưng AARP thì có.”
“Ôi.”
“Em nghĩ chúng ta có thể thương lượng.”
“Vậy chừng nào gặp hẵng hay.”
Tracy cúp máy, lấy áo khoác rồi hào hứng đi mua sắm, nhưng đúng lúc đó điện thoại bàn reo. Cô đã định không trả lời, nhưng đó lại là đường dây riêng của cô.
“Tôi khát quá đi mất.” Tiếng Kelly Rosa vang lên. “Tuần này đúng là địa ngục. Chồng tôi đang cho mấy đứa con gái đi tập bóng nên tôi được giải thoát vài giờ. Mua cho tôi ly bia đi, rồi tôi sẽ dốc bầu tâm sự về Kimi Kanasket cho mà nghe.”
Rosa chọn quán bar Công ty Bia Thiên Đường trên đồi Capitol. Tracy thấy bà đang ngồi phía trong, sát ô cửa kính kéo dài từ sàn tới trần nhà cho phép khách hàng nhìn được nhũng bom bia lớn bằng kim loại của nhà máy bia. Mãi mà Tracy không thể ghép được ngoại hình và tính tình vui vẻ của Rosa với công việc mà bà mẹ chỉ nhỉnh hơn một mét rưỡi này gánh vác. Trong bộ quần áo rộng rãi thoải mái, trông Rosa giống một bà mẹ trong hội phụ huynh học sinh hơn là một người cả ngày trèo đèo lội suối băng rừng để thu thập và khám nghiệm những thi thể đa phần đã mục rữa đến kinh hoàng. Có lần, Rosa từng giải thích với Tracy rằng đối với bà, vai trò của một nhà nhân chủng học pháp y ở văn phòng Giám định Y khoa quận King cũng chẳng kém gì một sử gia hay một nhà khoa học. Với bà, mỗi vụ án mới lại là một chuyên du hành ngược thời gian mà công việc của bà là tìm ra lời giải đáp cho những bài toán hóc búa.
Một tay Rosa nâng ly bia lên nhấp một ngụm, tay kia nhắn tin trên điện thoại. Là mẹ của hai cô con gái đang tuổi dậy thì, năng lực xử lý công việc của bà quả rất đáng noi gương.
“Mấy thứ này sẽ dồn xã hội vào chỗ chết.” Bước tới bàn, Tracy chỉ vào điện thoại của Rosa.
Rosa đứng dậy, tay vẫn cầm điện thoại. “Ray Bradbury hẳn cũng đã nghĩ vậy, mà ông ấy viết cuốn 451 độ Fahrenheit vào những năm 50. Nếu sống vào thời này, ông ấy sẽ nói sao nhỉ?” Bà đứng dậy ôm Tracy.
“Dạo này chị thế nào?” Tracy hỏi.
“Vẫn theo đuổi giác mơ thôi. Chờ đã. Thật ra tôi đang nhắn tin cho ông xã để nhắc rằng cho lũ trẻ tập bóng xong, ông ấy sẽ đưa tụi nó đi ăn tối.”
“Xin lỗi vì làm nhỡ việc của chị.” Tracy nói.
Rosa cười khẩy. “Ha. Nếu không ngồi đây uống bia thì giờ tôi đang phải đứng co ro dưới mưa lạnh để nhìn một quả bóng bị đá lăn lông lốc khắp sân. Nhờ phúc của cô mà tôi thoát được cơn cảm lạnh ghê tởm đầy.” Bà nhấn nút gửi và đặt điện thoại xuống. “Được rồi, chuông tắt, tôi cũng nghỉ luôn. Cô thế nào?”
“Vẫn ổn.” Tracy ngồi xuống khiến chân ghế cọ ken két trên sàn nhà bằng đá mài.
“Cũng lâu lâu rồi.” Rosa nói. “Thế là tốt đấy.”
Tracy ngó nghiêng xung quanh, hít hà mùi hoa bia nồng nồng. “Chỗ này hay đấy. Tôi thích.”
“Hồi trước, sau khi xong việc, Paul và tôi thường tới chỗ này.” Rosa nói. “TKCC.”
“TKCC?”
“Trước khi có con – dù lũ nhóc vẫn nghĩ đời bố mẹ chúng chưa biết mặt mũi của quán bar là thế nào. Có lần tôi kể cho con bé lớn về đêm nhạc của Rolling Stones mà bọn tôi tham dự hồi đại học. Không biết là điều gì làm tôi sốc hơn nữa, việc nó không biết Rolling Stones là ai hay việc nó không thể tin chuyện bố mẹ nó đã từng đi nghe nhạc. Rồi một ngày tôi sẽ bật mí việc tôi đã từng nhuộm tóc màu tím cho chúng biết tay.”
Bồi bàn tiến đến. “Chị uống gì?” Tracy hỏi.
“Bất Tử.”
“Đó là loại bia Indian Pale Ale.” Cô bồi bàn vừa nói vừa đưa cho Tracy một thực đơn các loại bia mang tên Kẻ Thất Bại, Vệ Sinh Nam Đỏ và Trí Khôn. “Tôi cần bổ sung thêm chút trí khôn nữa cũng được.” Tracy nói. “Nhưng ai lại bỏ qua bất tử được chứ?”
Rosa nhấp một ngụm bia. “Công việc của tôi phải chứng kiến quá nhiều cái chết rồi.”
Nếu những yêu cầu trong công việc khiến Rosa chán chường thì bà cũng không bao giờ thể hiện ra. Ít nhất Tracy chưa từng chứng kiến. Vóc dáng bé nhỏ của bà luôn tràn trề năng lượng tích cực.
“Anh bạn trai của cô thế nào?” Rosa hỏi.
“Ổn.” Tracy đáp. “Nhưng ngay lúc này thì hình như chẳng đứa nào dứt ra được khỏi guồng quay công việc.”
“Khốn thật.” Rosa đập bàn đánh chát một cái đến nỗi người phụ nữ ngồi một mình ở bàn bên giật mình quay sang nhìn. “Công việc thì chạy đi đâu được. Ai rồi mà chả phải chết. Hãy lôi anh ta tới chỗ nào thật gợi cảm, chỗ nào cô có thể quẳng hết mọi gánh lo đi, chỉ cần bận tâm nên uống loại cocktail gì và có thể làm tình bao nhiêu bận trong một ngày ấy.”
“Nghe hấp dẫn đấy.” Tracy nói. “Giúp tôi giải quyết vụ này đi thì may ra tôi kiếm được thời gian.”
“Tôi nghĩ tôi giúp được đây.” Rosa nói. “Nhưng tôi đang đợi một người.” Bà nhìn qua vai Tracy ra phía cửa.
Tracy để ý ở bàn có một cái ghế thứ ba, cô nhớ lại Rosa từng nói có thể sẽ nhờ người giúp. “Ai thế ạ?”
“Tin tôi đi, một người đáng để ta chờ đợi?’ Rosa lại nhìn ra cửa. “Anh ấy kia rồi.” Bà đứng dậy, vẫy một người đàn ông bảnh trai phong trần đang đưa mắt tìm kiếm trong đám đông. Khi thấy Rosa, anh ta vẫy tay lại và cười nhe hàm răng trắng lóa.
Rosa thì thào: “Nếu tôi muốn bầu mông anh ta nhưng chỉ là nghĩ trong đầu thôi thì có bị coi là quấy rối tình dục không nhỉ?” Bà chìa tay ra, ôm người đàn ông bằng một tay rồi giới thiệu hai người với nhau. “Tracy, đây là Peter Gabriel.”
Với làn da rám nắng, cơ bắp săn chắc, quần ka ki thụng, áo sơ mi phanh cổ và một chiếc áo khoác đi mưa nhẹ khoác bên ngoài, Gabriel như bước ra từ một trang tạp chí J. Crew. Mái tóc nâu loăn xoăn xòa xuống vai. Tracy đoán anh ta là vận động viên leo núi đá hay trượt tuyết mạo hiểm, chắc chắn là một môn thể thao ngoài trời.
“Peter Gabriel ca sĩ ấy á?” Cô hỏi.
“Phát âm giống nhau.” Anh ta đáp và bắt tay cô thật chặt. Tay kia anh ta cầm một bìa kẹp hồ sơ. “Cô có gu âm nhạc tốt đấy.”
Gabriel đặt hồ sơ lên bàn, cởi áo khoác và kéo ghế ra.
“Khoảng một năm trước, tôi và Peter cùng giải quyết một vụ chết đuối dưới sông.” Rosa nói. Bà ngừng lại, chờ tiếng còi hụ vang hết rồi nói tiếp. “Tôi nghĩ anh ấy có thể giúp vụ này.”
“Vâng.” Tracy quay sang nhìn Gabriel. “Anh làm nghề gì vậy, Peter?”
Gabriel đang cởi cúc tay áo để xắn tay áo lên. Trên cổ tay trái anh ta đeo hai cái vòng bằng thừng bện nhiều màu. Tay phải ngự một cái đồng hồ thể thao cỡ lớn. “Tôi làm tư vấn cho REI, nhưng đam mê của tôi là chèo thuyền vượt thác trên sông và đua ca nô.”
Cô bồi bàn mang bia tới cho Tracy và nở nụ cười rạng rõ với Gabriel. Gabriel săm soi tờ thực đon một hồi rồi nói: “Rồi, tôi không thể bỏ qua cơ hội thử loại bia mang tên Kẻ Thua Cuộc này được.”
Tracy thích anh ta liền.
“Peter đã làm hướng dẫn cho các chuyến du lịch vượt ghềnh thác ở hầu hết các con sông chính trong bang.” Rosa nói. “Mọi thứ từ dòng chảy cấp độ hai tới cấp độ năm. Tôi nói đúng chứ hả?”
“Đúng.” Gabriel trả lời trước khi quay sang Tracy. “Bố tôi có một công ty chèo thuyền vượt ghềnh thác ở sông Rough bang Oregon. Một công ty gia đình. Lúc mấy anh chị em nhà tôi biết đi cũng là lúc chúng tôi biết lội sông. Tôi làm hướng dẫn viên cho chuyến du lịch vượt ghềnh thác đầu tiên trong đời vào năm mười hai tuổi.”
“Khoảng một năm trước, tôi cần giúp đỡ trong vụ một cái xác được kéo lên từ dưới sông Skykomish.” Rosa đang nói tới con sông nằm ở đông bắc Seattle, cách đây một giờ đồng hồ xe chạy. “Bọn tôi muốn xác định xem có phải thương tích là do con sông gây ra hay không. Người ta đã giới thiệu Peter cho tôi.”
“Rất cảm ơn vì anh đã giúp.” Tracy nói.
Rosa mở tập hồ sơ của bà ra, Gabriel cũng mở hồ sơ của anh ta. “Hãy bắt đầu với kết luận của pháp y về việc nạn nhân vẫn còn sống khi rơi xuống nước.” Rosa nói. “Thứ nhất, chết đuối là một trong những nguyên nhân tử vong khó nắm bắt nhất vì không có một dấu hiệu cụ thể nào về việc chết đuối. Thực ra, nguời ta chết vì thiếu oxy. Nói vậy tức là tôi đồng tình với bác sĩ viết biên bản này rằng nạn nhân có vẻ vẫn còn sống khi chạm nước.”
“Chị đồng ý ư?” Tracy ngỡ ngàng thất vọng khi nghe Rosa nói vậy.
“Theo những gì ghi trong báo cáo pháp y thì đúng, tôi đồng ý. Pháp y đã tìm thấy nước trong đuờng dẫn khí hô hấp, bao gồm phổi và dạ dày. Một người có thể có nước ở cả hai bộ phận đó một cách thụ động nếu xuất hiện một dòng chảy mạnh, nhưng trong trường hợp này, tôi tin rằng việc nước tràn vào những bộ phận này phù hợp với việc người đó vẫn đang thở khi va chạm với nước.”
“Tại sao?”
“Tôi sẽ để Peter trả lời câu hỏi đó.”
“Vào tháng Mười một, sông Cá Hồi Trắng chỉ khoảng năm độ C.” Gabriel nói. “Một người ở trong dòng nước lạnh chừng đó, nếu còn sống sẽ có phản xạ há miệng. Tôi biết. Tôi trải qua rồi mà. Nếu nạn nhân không mặc áo phao hay đồ lặn thì sẽ bị chìm xuống và há miệng ra, hít vào một lượng nước lớn.”
“Đó là thứ chúng ta đang có đây.” Rosa nói. “Các vết bầm tím trên cơ thể là một dấu hiệu khác cho thấy khi rơi xuống nước, nạn nhân vẫn còn sống – bởi vì máu vẫn lưu thông tới những khu vực đó.” Bà nói tiếp. “Các vết bầm có trước khi chết thường sẽ giập, sưng, có máu đông ở vùng thương tổn và các mô bị thâm nhiễm dẫn tới đổi màu. Đó là những gì nhân viên pháp y ghi chép trong báo cáo, có ảnh chụp làm bằng chứng. Các vết bầm sau khi chết không có các đặc điểm đó.”
Tracy ngả người trên ghế, cảm thấy như bị hết hơi, dù cũng như mọi người, cô thừa biết đa phần các vụ việc đều diễn ra chính xác theo cách chúng thể hiện ra bên ngoài. Các vụ kiểu ai mới là thủ phạm hiếm hơn nhiều so với các vụ dễ ăn. “Vậy là cô ấy đã tự tử.”
Rosa định nói gì đó nhưng bồi bàn đã mang bia của Gabriel tới và đặt nó lên miếng lót cốc.
“Các vị còn cần gì nữa không ạ?”
“Tôi nghĩ là đủ rồi.” Tracy đáp.
Đợi người phục vụ đi khỏi, Rosa nhấp một ngụm bia rồi đặt cái cốc lên miếng lót. “Thực ra…” Bà điềm đạm nói. “Tôi không tin rằng cô ta tự tử.”
“Sao cơ? Tại sao lại không?”
“Ba điểm.” Rosa giơ từng ngón tay lên minh họa. “Một là nhận dạng mẫu đối với các vết bầm, hai là tính chất của các thương tích được ghi lại, và ba là lực chảy của dòng sông. Mời Peter bắt đầu với phần lực chảy của dòng sông.”
Gabriel đưa cho Tracy và Rosa mỗi người một tờ tài liệu. “Ta hãy bắt đầu với các thuật ngữ. Lực chảy của một con sông được đo bằng đơn vị mét khối trên giây. Lưu lượng đó sẽ thay đổi theo từng con sông, theo tháng và các yếu tố theo mùa như độ sâu của các khối tuyết trên núi trong năm đó, khối lượng hay mức độ của mưa mùa xuân, đại khái thế. Tôi vừa đưa hai người một tài liệu trên trang web của USGS ghi lại lưu lượng nước ở hầu hết các dòng sông. NOAA cũng cung cấp các thông tin tương tự, dữ liệu lịch sử về lượng mưa, nhiệt độ, dòng chảy. Với các ngư dân và hướng dẫn viên sông ngòi như tôi, đấy chính là Kinh thánh. Giống như người đi làm kiểm tra camera giao thông để quyết định sẽ đi đường nào trước khi tới công sở hay đi về nhà, hướng dẫn viên sông ngòi và ngư dân thì kiểm tra dòng chảy.”
“Các dữ liệu này lưu lại tối đa bao lâu?” Tracy vừa hỏi vừa mày mò thử tự mình giải mã tập tài liệu.
“Khoảng tám mươi năm.” Gabriel đáp. “Cái xác của cô được phát hiện vào tháng Mười một năm 1976. Trong nghề của tụi tôi, tháng Mười một và tháng Hai là những tháng khó lường nhất. Dòng chảy cực kỳ khó đoán. Hôm trước nó có thể đạt đỉnh rồi hôm sau lại tụt cực mạnh. Chúng tôi gọi đó là tháng chuyển tiếp. Tháng Chín và tháng Mười, mực nước thường ở mức thấp nhất, vì khi đó nguồn nước xuân hè từ tuyết tan trên núi đã giảm, nhưng nếu có một khối tuyết đặc biệt lớn thì lượng nước có thể giữ cao tới tận tháng Mười hai. Nếu khối tuyết nhỏ, giống hai năm vừa rồi, hoặc ta có mùa hè kiểu Anh Điêng và khí hậu ấm kéo dài tới tận tháng Mười thì lượng nước sẽ thấp. Nhưng ngay cả khi đó, nếu mưa tháng Mười một tới sớm, có thể là do tuyết ở chân đồi tan nhẹ, lượng nước có thể đang từ rất thấp dâng lên thành rất cao, chỉ tính bằng ngày.”
“Vậy ý anh là anh thật sự phải kiểm tra từng ngày một. Thôi được. Khi anh nói dòng sông có lưu lượng chảy cao thì là nhanh tới mức nào? Anh có thể nói nôm na cho tôi hiểu được không?”
“Tháng Mười một ư?”
“Phải.”
“Vào tháng Mười một, lưu lượng nước có thể đạt 67 m/giây, tương đương với từ 13 đến 19 km/h. So với xe hơi thì chẳng nhiều nhặn gì, nhưng với một con sông, như thế là rất, rất nhanh và mực nước rất cao.” Gabriel nói. “Khi mực nước cao tới mức đó, đá bị che lấp, hướng dẫn viên sông ngòi cũng chỉ có thể thả cho xuồng trôi xuống và lái nó vượt lên những con sóng lớn.”
“Một cái xác cũng sẽ cưỡi sóng như vậy ư?”
“Xác mặc áo phao sẽ nổi trên sóng. Xác không mặc áo phao hay đồ lặn thường sẽ bị chìm xuống, đặc biệt nếu người đó đã bị thương hay không có kinh nghiệm đối mặt với những tình huống sinh tồn như vậy. Tôi đã từng bị như thế, dù tôi luôn mặc áo phao, đội mũ bảo hộ, lại còn kinh nghiệm đầy mình. Chuyện đó chẳng hay ho gì đâu. Ta không thể nhìn thấy đá ngầm nên không có thời gian chuẩn bị cho va chạm, cũng như chẳng có thời gian tránh chúng. Giống như bị táng cho một cú bằng gậy bóng chày ấy. Đau như trời giáng.”
Tracy nhìn Rosa. “Vậy là nhanh tới mức gây ra các chấn thương mà bác sĩ đã ghi trong biên bản phải không?”
“Có thể.” Rosa lại gật đầu với Gabriel và nhấp thêm một ngụm bia nữa.
“Nếu mực nước thấp, lực chảy có thể từ 15 đến 18 m³/s, tương đương với 6 tới 8 km/h. Lực chảy không quá mạnh, nhưng khi đó mực nước không cao và có nhiều đá ngầm lộ ra giúp ta định hướng tốt hơn. Người ở trong dòng chảy thấp không chịu tác động như vừa nói, nhưng sẽ va chạm với đá nhiều hơn. Giống như tưng tưng tưng tưng,” Gabriel gõ lên bàn. “Thay vì thịch thịch.” Anh ta đập tay chát một cái, khiến Tracy phải giữ lấy cái cốc.
“Xin lỗi.” Anh ta nói.
“Không có gì.” Tracy xem lại tập tài liệu mà Gabriel đưa, trong đó có một biểu đồ với các điểm dữ liệu. “Giúp tôi chỗ này với. Theo như trong này thì lưu lượng nước tuần đầu tiên của tháng Mười một năm 1976 là hơn 15 m³/s một chút. Tôi hiểu như thế đúng chứ?”
“Đúng rồi.” Gabriel cùng xem tờ giấy của Tracy và lấy bút khoanh tròn dữ liệu.
“Vậy…” Rosa nói. “Một số chấn thương được xác định trong biên bản pháp y trùng khớp với những gì thường thấy trên một thi thể bị nhấn chìm xuống dòng sông có tốc độ dòng chảy ở mức 6 tới 8 km/h – bầm tím, rách xước, một số chỗ bị trầy.”
“Nhưng không phải tất cả?” Tracy hỏi.
“Theo ý tôi, nạn nhân của cô đã phải chịu chấn thương do đè ép, những chấn thương trùng khớp với tổn thương do vật tày, mà tôi nghĩ là kết quả của lực tác động ở tốc độ cao.”
“Giống như một con sông có dòng chảy mạnh.”
“Cũng không nhất thiết là vậy.” Rosa nói. “Nhưng cũng có thể. Nếu cô ta bị va vào một tảng đá rồi bị ép bởi một khúc cây hay các rác thải cứng khác thì đúng.”
“Nhưng không có những thứ đó.” Tracy nhìn sang Gabriel.
“Theo báo cáo của USGS thì không.” Anh ta xác nhận.
“Vậy thương tích của cô ấy từ đâu ra?” Cô hỏi Rosa.
Rosa cầm biên bản pháp y lên. Bà đã viết tràn hết ra lề, khoanh tròn các từ và vẽ đủ loại mũi tên. “Theo tôi thấy thì xương chậu và hai bên sườn bị gãy, cộng thêm nứt xương mu cũng như xương ức bị rạn, các tổn thương này phù hợp với những tổn thương có thể thấy ở một người bị xe cán phải ở vận tốc cao.”
Nhịp tim Tracy tăng vọt. Cô nghĩ ngay tới Tommy Moore và cái xe tải bị hỏng. “Cô ấy bị xe đâm.” Cô nói. Cô cần nghe những từ ấy vang lên rành rọt thành lời.
“Điều đó dẫn chúng ta tới yếu tố thứ ba, vết bầm theo mẫu.” Rosa đưa Tracy một bức ảnh trong báo cáo pháp y. Phải mất một lúc Tracy mới định hình được mình đang nhìn vết bầm trên lưng và vai phải của Kimi Kanasket. Gabriel nâng ly bia lên và nhìn ra chỗ khác.
“Các vết bầm dưới da xuất hiện khi máu tụ lại dưới biểu bì.” Rosa nói. “Và một vết theo mẫu xuất hiện khi da bị nghiến giữa các lằn hay rãnh, ví dụ như lốp xe.” Rosa lấy ngón tay chỉ lên một số vết bầm. “Các lằn rãnh càng sâu thì hoa văn trên vết bầm càng dễ nhận biết. Khả năng cao là nhân viên pháp y năm 1976 không nhận ra được điều này, nhưng giờ chúng ta đã nắm rõ chúng hơn. Theo ý tôi, đây là một vết bầm điển hình do bánh xe gây ra. Tôi sẽ đưa cho Melton xem để xem vết này có khớp với vết bánh xe nào trong thư viện của họ không.”
Đó chính là việc Tracy vừa thầm ghi nhớ trong đầu là sẽ làm. “Được rồi, còn gì nữa không?”
“Mặt và ngực cô ta bị trầy rách, cho thấy cơ thể bị tác động, đập xuống và kéo về phía trước theo lực tác động.”
“Đợi đã.” Tracy nói. “Chị đang nói chị tin rằng cô ấy bị đâm ngã xuống và bị kéo đi, hay là cô ấy đã nằm sẵn trên đất từ trước?”
“Nếu cô ta bị đâm và kéo đi, ví dụ như trên vỉa hè chẳng hạn, ta sẽ thấy nhiều vết thương dạng trầy xước, da và cơ bị toạc khỏi xương.”
Tracy nghĩ tới trảng đất trống. “Nếu cô ấy đang đứng trên cỏ và đất vào lúc bị đâm thì sao?”
“Cũng có thể, nhưng dựa vào tính chất của vết thương và vị trí của các vết bầm, tôi nghĩ nhiều khả năng cô ấy đã nằm trên đất từ trước.”
Tracy nghĩ về chuyến đi tới trảng đất trống của mình. Thời tiết và nhiệt độ tương tự với cái đêm Kimi biến mất, theo báo cáo của Buzz Almond. Mặt đất mềm đi sau một cơn mưa, nhưng mặt sau quả đồi dẫn xuống trảng đất trống vẫn trơn trượt do độ ẩm và nhiệt độ giảm. Cô suýt chút nữa đã bị ngã.
“Vậy… chị đang nói là…” Tracy chồm qua bàn để nói cho rõ. “Cô ấy nằm trên mặt đất, úp mặt xuống, và chiếc xe chèn lên rồi chạy qua người cô ấy?”
Rosa nói: “Tôi muốn nói là cô ấy nằm trên mặt đất và cố che người để tự vệ. Đó là lý do tại sao vết bầm lại ở bên lưng phải và vai phải. Đó là bản năng.”
“Vậy vết bầm trên cánh tay không nhất thiết là do va chạm với đá, mà có thể là do va chạm với một chiếc xe.”
“Có thể.” Rosa nói.
Tracy ngồi lại vào ghế. “Chị chắc bao nhiêu phần trăm?”
Rosa ra chiều suy nghĩ. “Việc cô ta bị xe đâm ư? 90 tới 95%. Còn về việc toàn bộ vết thương là do xe hơi chứ không phải do con sông gây ra thì không chắc đến thế?”
Tracy nói chậm lại. Đầu cô đang quay cuồng với vô số câu hỏi. “Ý chị là cô ấy bị đâm, nhưng vẫn còn sống khi xuống nước?”
“Đúng thế?’
“Dựa trên tính chất của thương tích thì liệu cô ấy có tự mình đi ra tới con sông được không?”
“Phần nhiều là không.” Rosa nói. “Nhưng tôi không biết khoảng cách mà ta đang nói tới là bao nhiêu.”
“Khá xa.” Tracy nói.
“Thế thì không nhiều khả năng lắm. Thực tế thì theo tôi là không thể?’
“Vậy cách duy nhất cô ấy ra được tới sông là có người đưa cô ấy tới đó.”
“Đó cũng là giả thuyết của tôi.” Rosa quay sang Gabriel. “Anh có đồng ý không?”
“Tôi đồng ý và thêm một điều nữa để xem xét. Nếu cô ta có khả năng tự đi một mình tới con sông, tôi nghĩ cô ta sẽ có đủ năng lực hành vi để bảo vệ mình nếu rơi xuống sông, nhưng trong trường hợp này tôi không thấy thế, ít nhất là theo những gì báo cáo này cho biết.”
“Ý anh là sao?” Tracy hỏi. “Anh muốn thấy điều gì?”
“Những gì hai người vừa nói trước đó, các vết trầy xước trên cánh tay và bàn tay khi cô ta cố gắng tự bảo vệ bản thân. Báo cáo pháp y cho thấy cái xác vẫn đi đủ hai chiếc giày và vẫn mặc áo khoác.”
“Tại sao điều đó lại quan trọng?”
“Nếu một cái xác được phát hiện dưới sông mà mất cả hai chiếc giày và quần áo thì thường là dấu hiệu cho thấy người đó đã vật lộn tìm đường sống và vẫn còn tỉnh táo. Một trong những điều đầu tiên người ta làm là cởi bỏ những quần áo nặng nề kéo họ chìm xuống.”
Tracy lại quay sang nhìn Rosa. “Giả dụ cô ấy bị xe đâm, theo ý chị, những vết thương đó có nguy hiểm tới tính mạng không? Liệu chúng có khiến cô ấy chết không?”
“Điều đó phụ thuộc vào việc thời gian trôi qua bao lâu trước khi cô ấy được cấp cứu. Hãy nhớ đó là năm 1976 và nơi đó là một khu vực hẻo lánh không có trung tâm y tế.” Rosa nói. “Quan trọng hơn cả, cô ta càng nằm đó lâu thì càng không có khả năng sống sót. Nhưng nếu cô muốn hỏi liệu cô ta có sống không nếu được cấp cứu kịp thời, thì tôi sẽ nói là có, tôi nghĩ cô ta sẽ sống.”