Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2045 / 25
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17: Hình Thức Kết Khối Hiện Đại Nghĩ Về Hình Ảnh Kết Hợp Ngày Mai
rải qua bao nhiêu dự phóng, dàn xếp, vận động, việc kết khối Đông Nam Á cho tới nay có thể nói là vẫn chưa đạt được nền móng cụ thể nào, mặc dầu ý chí kết khối vẫn ngày càng được vun bồi mạnh mẽ hơn. Lý do chính yếu là vì nhiều quốc gia trong khu vực vẫn chưa tự gạt bỏ được liên hệ với các đế quốc bên ngoài. Ngoài ra còn có những suý đồ khuynh đảo riêng tư, những ganh ghét, e ngại lâu ngày đến nỗi đã trở thành tập quán, những chủ trương cô lập của nhóm cầm quyền, v.v…
Thực tế hiện nay, về hình thức kết khối chỉ có một tổ chức quy tụ một số quốc gia trong khu vực, đó là Liên Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN); nếu cần, có thể tạm kể thêm Mặt Trận Nhân Dân Đông Dương của Cộng Sản. Nhiều tổ chức khác có một số quốc gia trong khu vực tham dự, nhưng bộ phận đầu não lại ở ngoài Đông Nam Á, nên trọng tâm của tổ chức không thể nằm trong khu vực, chẳng hạn như Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO), hoặc Hội Nghị Á Châu Thái Bình Dương (ASPAC).
Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á chỉ mượn tên Đông Nam Á, kỳ thực là một cơ quan của các đế quốc Tây phương nhằm mục đích cùng có hành động chung trong khu vực. Mục đích ấy đã không đạt được vì mâu thuẫn về quyền lợi trong nội bộ Khối Tư Bản, và vì vậy tổ chức đã bất động từ lâu [1].
Hội Nghị Á Châu Thái Bình Dương, tuy gồm toàn các nước Á, Úc, nhưng lại chỉ nhằm kết hợp để chặn ảnh hưởng và sức bành trướng của Trung Cộng trong vùng Đông Nam Á. Đây là một tổ chức của khối Mỹ nhưng do hai đại diện tư bản trong khu vực – Nhật, Úc – cầm đầu. Từ khi Mỹ đổi chính sách với Hoa Lục, Hội Nghị này đã không còn lý do để tồn tại; chuyện tan vỡ hoàn toàn chỉ còn là vấn đề thời gian[2]. Hơn nữa, phạm vi của Hội nghị đã bao trùm khắp miền Tây Thái Bình Dương, nên cũng như Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á, không thể coi là một hình thức kết hợp Đông Nam Á [3].
Mặt Trận Nhân Dân Đông Dương
Về phía CS, tại ĐNA, chưa có một hình thức tổ chức nào đáng kể với ý nghĩa kết hợp vùng. Lý do giản dị là vì ở đây, ngoài nhà nước CS duy nhất là Bắc Việt, trên nhiều nước khác, CS chỉ mới tới giai đoạn lập mặt trận để đấu tranh giành chính quyền. Lý do khác là vì trong cuộc tương tranh Nga và Tàu, chưa bên nào thực sự tạo được ảnh hưởng độc tôn trong đám CS ĐNA. Vì vậy, CS Việt, Lào, Kampuchea cũng chẳng có hẳn một nơi vững chắc để mà bám trụ.
Đã từ lâu, CS VIệt sử dụng chính sách đi dây giữa Nga và Tàu. CS Lào và Kampuchea không mấy bận tâm đến vấn đề đối ngoại, vì chỉ việc đi theo con đường mà CS Việt đang đi. Hà Nội luôn luôn có ý đồ kết khối Đông Dương, nhưng chỉ hành xử qua tổ chức Đảng, vì như ai nấy đều biết hai Đảng CS Lào và Kampuchea chính là con đẻ của Đảng CS Đông dương, tiền thân của Đảng Lao Động Việt Nam ngày nay.
Do đó, vấn đề hình thức liên minh hay hiệp hội không từng được đặt ra với Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội cũng không bỏ lỡ những cơ hội bên ngoài đưa đến để tạo thêm đường giây khuynh loát các nước Đông Dương. Cơ hội ấy đã do Sihanouk mang lại lần đầu tiên trong đề nghị tổ chức Hội Nghị Nhân Dân Đông Dương tại Phmon Peng nhân dịp kỷ niệm lễ độc lập Kampuchea lần thứ 11 ngày 9 tháng 11 năm 1964.
Nguyên vào năm 1964, Pháp nhận thấy cần phải hành động tích cực để lấy lại uy thế ở Đông dương. De Gaulle đã vạch ra phương thức tiến hành việc tạo lại địa vị bằng cách trung lập hóa Đông Dương – thực chất là vận động Đông Dương bỏ Mỹ, Nga, Tàu để theo Pháp- mà bước đầu là một Hội Nghị Nhân Dân Đông Dương do Sihanouk, đàn em trung thành nhất của Pháp, triệu tập.
CS Việt đã tỏ ra rất hoan nghênh đề nghị của Sihanouk, phần vì đang cần lấy lòng ông hoàng dễ bốc đồng này để tiếp tục sử dụng lãnh thổ Kampuchea làm hành lang thâm nhập vào Nam Việt Nam và làm hậu cứ an toàn, phần vì biết rõ sẽ chi phối được hội nghị. Sihanouk và các phe nhóm thân Pháp ở Đông dương không phải là đối thủ của CS trong một hội nghị chính trị như vậy.
Hội Nghị Nhân Dân Đông Dương đã được triệu tập sơ bộ ngày 14 tháng 2 năm 1965 và chính thức họp từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 3 năm 1965 tại Phnom Penh. Thành phần tham dự hội nghị được mời theo tiêu chuẩn “đoàn thể nhân dân” chứ không phải chính quyền. Tuy nhiên danh sách các đoàn thể dự hội nghị lại do chính quyền Kampuchea, chính quyền Bắc Việt và Mặt trận Lào Yêu nước (CS Lào) đưa ra [4].
Kết quả hội nghị cho thấy có sự thắng thế rõ rệt của CS Việt trong việc lèo lái các phái đoàn. Nghị quyết của hội nghị không nêu ra một hình thức kết khối Đông Dương nào ngõ hầu thỏa mãn được cao vọng Sihanouk, cũng không nói đến vấn đề trung lập hóa Đông Dương theo đề nghị của De Gaulle [5]. Sau hội nghị, Sihanouk đã không giấu giếm nỗi bất bình về sự khuynh loát của CS Việt. Ông ta cho rằng CS Việt có những ảnh hưởng rất nguy hiểm và là kẻ thù ngầm của dân tộc Khmer. Nỗi bất bình ấy đã làm cho Sihanouk không còn tích cực trong việc kết nhóm Đông Dương mấy năm sau đó nữa.
Nhưng từ đầu năm 1970, sau khi bị lật đổ và phải lưu vong sang Hoa Lục, Sihanouk lại nghĩ đến hình thức liên kết Đông Dương để làm chỗ tựa vượt ra ngoài hệ thống Đảng CS mà chính bản thân ông ta không dự phần. Lần này thì Bắc Kinh đứng ra đỡ đầu cho Sihanouk, y như Paris đã làm trước kia. Bắc Kinh vẫn ngầm chống lại việc Hà Nội khuynh loát đảng CS các nước Đông Dương khác và trông đợi ở hội nghị mới một chiều hướng thuận lợi hơn cho Bắc kinh trong việc tranh chấp với Nga sô. Thực tâm Bắc kinh không có ý hỗ trợ cho chủ trương liên kết Đông Dương.
Với sự tiếp tay của Bắc Kinh, Hội Nghị Cấp Cao Nhân Dân Đông Dương đã được triệu tập tại Quảng Châu trong hai ngày 24 và 25 tháng 4 năm 1970. Đại biểu các thành viên của hội nghị gồm có Phạm văn Đồng (Bắc Việt), Sihanouk (Kampuchea), Souphanouvong (Lào) và Nguyễn Hữu Thọ (Nam Việt).
Hội nghị đã đưa ra một bản tuyên bố chung, thật ra là một văn kiện kết ước với nhau giữa các thành viên, gồm những điểm chính sau:
· Lên án Mỹ vi phạm các hiệp định Genève 1954 về Đông Dương và 1962 về Lào.
· Đề cao tinh thần đoàn kết chiến đấu chống Mỹ của các phong trào CS và thân Cộng tại các nước Đông Dương.
· Các bên cam kết tận tình giúp đỡ nhau.
· Các bên chấp nhận thi hành 5 nguyên tắc sống chung hòa bình trong việc giao thiệp với nhau.
Sau hết, hội nghị quyết định sẽ mở các cuộc tiếp xúc khi thấy cần giữa các nhà lãnh đạo cao cấp hoặc đại diện có thẩm quyền để trao đổi ý kiến về các vấn đề hệ trọng chung.
Thực tế mà nói, trước hay sau hội nghị, vai trò cầm đầu của Bắc Việt cũng chẳng có gì thay đổi. Hội nghị được bày ra, trái với điều mong mỏi của Bắc Kinh và Sihanouk, đã chỉ củng cố thêm vị thế của Hà Nội mà thôi. Trong hội nghị, người ta thấy vai trò Nguyễn Hữu Thọ chỉ là vai trò hết sức tượng trưng. Vì phái đoàn của Thọ không hề được coi là phái đoàn của một “nước” như các phái đoàn khác. Ngay trong hội nghị, về số nước Đông dương, người ta cũng chỉ nói đến ba, chứ không bao giờ đến bốn. Vai trò Souphanouvong với chức vụ chủ tịch Mặt Ttrận Lào Yêu Nước có lẽ tạm coi là xứng hợp với Phạm văn Đồng trong tổ chức CS Việt Nam. Souphanouvong, cũng như Đồng, vẫn thường được coi là nhân viên hành chánh hàng đầu; hơi có liên hiệp ở Vientianne là đảng lại đẩy ông ra nắm ghế trong nội các. Người thực sự điều khiển bên trong đảng CS, tức đảng Nhân dân Lào (Phak Pason Lao) là tổng bí thư Kaysone Phomvihane. Còn vai trò Sihanouk là một vai trò khá đặc biệt. Đối với phe CS Á Đông (Trung Hoa, Bắc Việt, v.v…), Sihanouk vẫn là quốc trưởng của vương quốc Kampuchea, nhưng trong hệ thống đảng, ông ta không có chỗ đứng.
Có thể nói, trong Mặt Trận Nhân Dân Đông Dương của CS, Sihanouk chỉ được CS đưa ra như một nhân vật trang trí. Điều rắc rối là Sihanouk lại biết rõ thâm ý ấy và đã cố gắng tạo uy thế riêng của mình vượt ra ngoài vòng kiêm tỏa của CS cả trên trường quốc tế lẫn quốc nội. Đã có lần, khi tức giận lên, Sihanouk không ngại miệng vạch rõ thâm ý của CS ra, nhưng nhiều khi ông ta lại tự ru mình trong ảo tưởng “lãnh tụ tối cao” của “Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Giải Phóng Dân Tộc Kampuchea” khá hùng hậu hiện tại.
Trên thực tế, thành phần chủ công của lực lượng ấy, tính đến 1973, là một sư đoàn CS Việt Nam, thành phần trung gian là các trung đoàn liên hợp Việt-Khmer thuộc cấp quân khu. Khmer thuần túy chỉ thấy ở các đơn vị địa phương, du kích. Còn danh hiệu LLVTNDGPDT/KPC thường được nêu ra trong các bản tin chiến sự, các thông cáo chiến thắng, chẳng qua chỉ là cái bình phong che phủ trên đất Kampuchea của chính Bộ Chỉ Huy Miền, bộ phận quân sự thuộc Trung Ương Cục Miền Nam của CS Việt. Từ 1970, lãnh thổ Kampuchea đã được CS Việt chia ra thành quân khu tương tự như tại Nam Việt Nam để tiện điều hành quân vụ.
Rút cục, đâu đâu cũng quy về Hà Nội. Và, dù có văn kiện kết khối hay không thì Hà Nội cũng vẫn nắm trọn toàn khối Đông dương bên phe Cộng. Nói như vậy không có nghĩa là Hà Nội không gặp trục trặc trong vấn đề lãnh đạo. Trong nội bộ phe Cộng ở Kampuchea, trục trặc đã xảy ra không ít. Không nói gì đến người của Sihanouk, ngay nơi thành phần Khmer đỏ cũng có khuynh hướng thoát khỏi sự chi phối của CS Việt. Tình trạng rạn nứt trong bóng tối ấy cũng đang phát triển.
Nhìn chung, nỗ lực kết khối Đông Dương của CS Việt trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu hiệp đồng trong chiến tranh (nên đã chấp nhận cả những phần tử không ưa CS trong hàng ngũ), sau vẫn hướng về mục tiêu xích hóa toàn cõi Đông Dương như luận cương của Đảng đã vạch ra trên 40 năm trước. Sự kết khối rõ ràng mang ý nghĩa nằm trong trận đồ tranh chấp tư bản – cộng sản và rồi cũng sẽ vỡ khi trận đồ ấy tự triệt tiêu vì mặt trận quốc tế được đế quốc bày theo chiều hướng khác.
Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á
Như chương trên đã đề cập đến, Hiệp Hội ĐNA (ASA), gồm ba nước Thái, Phi, Mã, đã ngưng hoạt động từ 1963 vì rắc rối về bang giao giữa Phi và Mã. Tới năm 1966, khi tình trạng bang giao nội bộ được cải thiện, Hiệp hội ĐNA lại rục rịch tái hoạt động. Nhưng phạm vi Hiệp hội ĐNA quá nhỏ, các nước cùng đồng ý phải có một khuôn thức mới rộng lớn hơn để đón thêm hội viên mới. Do đó, Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA (ASEAN) đã hình thành qua tuyên ngôn Bangkok sau đại hội đầu tiên từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 8 năm 1967 giữa năm nước: Indonesia, Phi-líp-pin, Mã Lai Á, Thái và Singapore.
Tuyên ngôn Bangkok đề cập đến mục đích của Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA nhắm vào những điểm chủ yếu tương đối khiêm tốn như tương trợ nhau trong việc phát triển, giáo dục, nghiên cứu về các địa hạt kinh tế, xã hội, văn hóa, v.v… Gọi là để bảo đảm nền trung lập sẵn có (?) của Indonesia, tuyên ngôn 1967 cũng cam kết tương tự như Thông Cáo Chung của Hội Nghị Cấp Cao Manila năm 1963 rằng các căn cứ quân sự ngoại quốc trên các nước hội viên (Anh tại Mã Lai Á, Singapore, Mỹ tại Phi-líp-pin, Thái) chỉ có tính cách tạm thời và không mang ý đồ sử dụng để khuynh đảo trực tiếp hoặc gián tiếp nền độc lập và tự do của các quốc gia trong vùng hoặc làm tổn thương đến trình tự phát triển của các quốc gia ấy.
Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA khi thành lập đã tiếp nhận những phản ứng tiêu cực, hoài nghi của các nước ĐNA còn lại cũng như nhiều nước lớn trên thế giới; vì ai cũng thấy rõ ĐNA đã từng có hiệp hội này, liên minh nọ, nhưng thảy đều đi đến tê liệt hoặc tan vỡ. Riêng đối với Trung Cộng, Hiệp Hội được coi như là một mũi giáo đâm vào cạnh sườn Hoa lục. Bắc Kinh đã mở hẳn một chiến dịch phỉ báng Hiệp Hội và nhất là phỉ báng “Tập đoàn quân nhân phát xít Suharto”, những phần tử Bắc Kinh cho là đang lái Hiệp Hội vào con đường vũ trang chống Trung Cộng theo lệnh của Mỹ. Thật ra, đối với Bắc Kinh, bất kỳ một sự kết khối nào của ĐNA cũng chỉ có hại hơn là có lợi cho Hoa lục, nên sự chống đối một cách quá đáng ngay từ lúc đầu cũng không phải là điều khó hiểu.
Mặc dầu từng gặp sóng gió trong vụ tranh chấp Sabah giữa Phi-líp-pin và Mã Lai Á, nhưng Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA cũng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Hoạt động đáng kể nhất của Hiệp hội là cuộc vận động trung lập hóa Đông Nam Á, khởi đầu từ nghị quyết do Đại hội Kuala Lumpur 1971 đề ra [6]. Nghị quyết Kuala Lumpur đã hình thành do dự thảo thỏa hiệp được coi là quá lý tưởng vào lúc ấy của Mã Lai Á. Dự thảo thoả hiệp được đặt vào hai cấp: cấp các quốc gia địa phương, và cấp các đại cường bên ngoài. Tại cấp các quốc gia địa phương, cần thể hiện sáu điểm thảo thuận sau:
- Tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không tham gia các hoạt động đe dọa trực tiếp nền an ninh của nước khác.
- Không để các cường quốc bên ngoài can thiệp vào việc nội bộ trong vùng.
- Không để ĐNA trở thành sân khấu tranh giành giữa các cường quốc.
- Phải nghiên cứu đường lối và phương tiện để tự phòng vệ các nước trong vùng.
- Phải có quan điểm, lập trường chung đối với các vấn đề sinh tử về an ninh trong vùng trước các đại cường.
- Phải cổ võ sự hợp tác địa phương.
Tại cấp các đại cường, cụ thể là Nga, Mỹ và Trung Cộng, cần thỏa thuận 3 điểm:
- Chấp nhận nền trung lập của ĐNA.
- Phải đặt ĐNA ra khỏi khu vực tranh chấp.
- Tìm cách bảo đảm nền trung lập của ĐNA để vùng này khỏi bị lôi cuốn vào vòng tranh chấp về sau.
Thật ra, nếu gọi là một cuộc vận động (trung lập hóa) thì phải nói rằng đó là một cuộc vận động rất tiêu cực. Vì tự biết tư thế yếu kém của mình, các hội viên Hiệp Hội đã chỉ đưa ra những đề nghị trung lập hóa để các nước còn lại trong vùng và các đại cường có ảnh hưởng vào vùng này tuỳ nghi cứu xét và hưởng ứng, phản đối hoặc bỏ qua.
Dù có sự yêu cầu của Hiệp Hội hay không về việc xét định số phận ĐNA, thì những cuộc thu xếp, đôi co, mặc cả với nhau giữa các đế quốc cũng đã và đang diễn ra khi công khai, lúc bí mật. Tình trạng ĐNA đã chín mùi đủ để thấy không còn đế quốc nào có tư thế độc tôn trong khu vực nữa. Nhưng như vậy không có nghĩa là ảnh hưởng đế quốc sẽ biến mất. Trái lại, các đế quốc phải tạo ra thăng bằng ảnh hưởng, nghĩa là trong tương lai, ĐNA sẽ bị bắt buộc phải tiếp nhận một số ảnh hưởng vốn không có từ trước, và bớt đi những ảnh hưởng vốn đã có quá nhiều.
Nhìn lại chính sách quốc gia ĐNA, cụ thể là các hội viên Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA, trong việc đi tìm một thế đứng của tập thể, những khuynh hướng vọng ngoại vẫn còn đầy dẫy. Phi và Thái cùng cho rằng việc ký tuyên ngôn trung lập không ngăn cản hai nước này tiếp tục ở lại Tổ Chức Liên Phòng ĐNA (SEATO) do Mỹ làm chủ. Thật là một lập luận phản luận lý đến cùng cực! Lý Quang Diệu của Singapore thì một mặt ký tuyên ngôn trung lập, mặt khác lo bay sang Luân Đôn thỉnh cầu Anh hãy tạm hoãn việc rút quân khỏi hòn đảo này để Đảng Nhân Dân Hành động dựa hơi dựa hám quân Anh tiếp tục cầm quyền thêm một thời gian nữa.
Chung quy, Hiệp Hội Các Quốc Gia ĐNA chưa thực sự gột bỏ được chất liệu tư bản đã cấu tạo nên nó; cũng như Mặt Trận Nhân Dân Đông Dương được thai nghén và khôn lớn từ sau mưu đồ bành trướng của cộng sản mà ra! ĐNA nếu có được tổ hợp thực sự cũng sẽ không thể kết hợp dưới hình thức kéo bè kết nhóm trong môi trường phân hóa quốc tế do các đế quốc gây ra.
Ghi Chú:
[1] Xin xem mục Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á, chương 14.
[2] Hội Nghị Á Châu Thái Bình Dương (Asia and Pacific Council) đã được thành lập vào tháng 6 năm 1966 tại Hán Thành với chín nước hội viên: Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan), Phi-líp-pin, Mã Lai Á, Úc, Tân Tây Lan và VNCH. Mục tiêu bên trong của tổ chức này là quy tụ các quốc gia thuộc khối Mỹ trong vùng để chặn ảnh hưởng và sức bành trướng của Trung Cộng. 1955 là năm Hoa Lục đang đẩy mạnh nỗ lực cách mạng văn hoá và chiến tranh Việt Nam đang bùng lên lớn hơn.
Khi Mỹ đổi chính sách đối với Bắc Kinh (1972, 1973), Hội Nghị bị xao động mạnh vì mất dần động lực quy tụ. Để chuyển hướng, tạo lý do tồn tại mới, trong đại hội lần 7 tại Hán Thành vào tháng 6 năm 1972, các nước hội viên đã đề ra bốn nguyên tắc, minh xác Hội Nghị:
1. Là một tổ chức hợp tác địa phương đem lại hoà bình và tiến bộ cho vùng,
2. Không phải là một cơ quan chính trị hay quân sự nhằm chống lại các nước khác,
3. Sẽ cố gắng cải thiện hợp tác trong các địa hạt kinh tế, kỹ thuật, xã hội, văn hoá, v.v…
4. Không phải là một tổ chức đặc biệt riêng rẽ mà sẽ mở rộng cửa đón nhận các nước không phải là hội viên trong vùng.
Mặc dầu có chuyển hướng, nhưng Hội Nghị cũng vẫn không đứng vững nổi. Cuộc họp đầu năm 1973 tại Bangkok đã vắng mặt hai hội viên là Mã Lai Á và Úc. Nhật và Tân Tây Lan đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng, cũng đang chuẩn bị rút ra khỏi Hội Nghị. Cái xương sống của Hội Nghị là trục Đông Kinh – Canberra mà rã thì đương nhiên Hội Nghị sẽ rã theo.
[3] Cũng không thể coi là hình thức kết hợp ĐNA các tổ chức như:
- Hiệp Ước Phòng Thủ 5 Nước Khu Vực Mã Lai Á – Singapore (Five Power Defense Agreement of Malaysia and Singapore) gồm Anh, Úc, Tân Tây Lan, Mã Lai Á và Singapore. Tổ chức này cũng đang tan rã vì trước hết nó chỉ là một thứ Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) thu nhỏ do Anh cầm đầu, sau nữa tất cả các nước trong tổ chức đều đã và đang tiến tới quan hệ ngoại giao với “đối tượng phòng thủ” chính của tổ chức là Trung Cộng.
- Kế Hoạch Sông Cửu Long (Mekong River Scheme) nhằm khai thác hạ lưu sông Cửu Long (thuỷ điện, nông ngư nghiệp, vận tải, v.v…) để phát triển kinh tế bốn quốc gia hữu quan là Lào, Thái, Kampuchea và VNCH. Kế hoạch này, mặc dầu mang tính chất phối hợp về kinh tế, nhưng nằm trong chương trình phát triển của Viễn Á Kinh Uỷ Hội (ECAFE), một tổ chức đìạ phương của Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, nó chỉ nhằm vào một số mục tiêu hạn hẹp và không có cao vọng toả rộng lãnh vực hợp tác trong tương lai.
[4] Trong tổng số 38 phái đoàn tham dự, thành phần được coi là thuộc Miền Nam VN chiếm số lượng đông đảo nhất và chia ra làm 4 nhóm rõ rệt: nhóm CS, nhóm thân Cộng do CS dựng lên, nhóm thân Pháp, và nhóm thiểu số do Sihanouk hỗ trợ.
Nhóm CS có phái đoàn quan trọng nhất là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam VN do Huỳnh Tấn Phát cầm đầu. Nhóm thân Cộng, thật ra là những món trang trí của CS, rất phức tạp và gồm một số đông đảo “đoàn thể” chỉ được tạo ra vì nhu cầu tham dự hội nghị. Trong nhóm thân Pháp có Uỷ Ban Hoà Bình và Canh Tân Miền Nam VN từ Pháp về, do Trần Văn Hữu cầm đầu, là quan trọng nhất. Nhóm này chủ trương trung lập kiểu Pháp và có thể coi là phe VN có lập trường gần lập trường Sihanouk nhất. Sau cùng là các nhóm thiểu số ly khai ở VN do Sihanouk hỗ trợ nhằm cắt đất miền Nam VN. Trong nhóm ly khai có hai phái đoàn hoạt động mạnh hơn cả là Mặt Trận Tranh Đấu Miên Hạ (Front de la lutte du Kampuchea Krom) do Thạnh Prom Vireak làm trưởng phái đoàn và Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên Champa do Y Dhou Adrong làm trưởng đoàn.
[5] Hội Nghị cũng bác bỏ luôn cả đề nghị vận động Pháp thay thế Anh làm chủ tịch Hội Nghị Genève của phái đoàn Sangkum, chính đảng duy nhất của Kampuchea.
[6] Đại Hội Kuala Lumpur khai diễn ngày 21 và kết thúc ngày 25 tháng 11 năm 1971. Nghị quyết chủ trương vận động trung lập hoá ĐNA của Đại Hội đã gây tiếng vang lớn lao trên thế giới, nhưng đúng như ký giả Phi Maximo Soliven đã viết trên tờ Manila Time ngày 29 tháng 11 năm 1971 rằng nghị quyết “nghe vang một cách kỳ thú trên giấy tờ” nhưng giữa lý thuyết và thực hiện vẫn còn một hố ngăn cách quá lớn, và rằng “thắng lợi rõ rệt duy nhất” của Đại Hội là quyết định nhóm nữa tại Manila.
Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh - Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Định Mệnh