Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4352 / 180
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
ề Tổ vệ sinh đâm ra vất vả. Đủ các « khâu » lao động. Chở cơm, nước sôi cho hai nhà kỷ luật xong, Hải và tôi song ca … vệ sinh hành khúc, tức là đi đổ thùng ở cầu tiêu bệnh xá. Chúng tôi thay máng cầu mới, quét rửa sạch sẽ rồi khiêng máng phân đầy nhóc đem đổ xuống hố ngoài vườn rau phía sau hội trường. Rồi đổ phân cachot. Trật tự mở cửa cachot mỗi sáng sớm, tù nhân bị kỷ luật bê hộp đựng đạn đại liên ra. Tù nhân đã tiêu tiểu vào đó. Chúng tôi đổ phân và rửa hộp. Tôi có một truyện ngắn, nhan đề Khúc rẽ cuộc đời. Đời tôi đã rẽ nhiều khúc. Tôi không ngờ có thêm khúc rẽ xuống hầm phân ở Sa Ác, khúc rẽ hốt phân ở Rừng Lá. Tôi tự tặng tôi hỗn danh thứ ba: Long đổ thùng! Đổ thùng, dẫy cỏ sân trại, buộc hàng rào, quét dọn điếm canh, đổ rác các nhà là những việc linh tinh. Tôi thích thú công việc chở nước tắm cho hai nhà kỷ luật và tưới cây. Hải và tôi cố gắng kéo xe, đẩy xe thật êm cho nước khỏi trào ra. Một ca nước rất quý. Chúng tôi tự do đi lại trong khu vực khu A. Những buổi trưa, tôi thường vào hội trường nằm ngủ. Nằm suy nghĩ thì đúng hơn. Tôi đã sống ở Z30 D, K1 được 16 tháng. Phó giám thị Phúc đã quên tôi. Ông ta chưa gọi tôi “làm việc” lần thứ hai. Tôi vào Sa Ác với Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Mạnh Côn chết. Tôi ra Rừng Lá với Hồ Hữu Tường, Hồ Hữu Tường chết. Về Z30 D, ông Tường trụ trì bệnh xá, viết sách thuốc dân tộc. Ông bị bệnh cổ chướng, bụng chương phình. Người ta chở ông ra bệnh viện Phan thiết. Rồi tha ông. Thân nhân ông đưa ông về Sài gòn. Vài hôm sau, ông Hồ Hữu Tường chết 1. Đám tang ông cũng âm thầm như đám tang Vũ Hoàng Chương. Vợ tôi kể, ngoài Nhã Ca tiễn đưa Hồ Hữu Tường một quãng đường đến nơi yên nghỉ cuối cùng của ông, tuyệt nhiên không thết một khuôn mặt văn nghệ lớn, nhỏ, tiền bối, hậu bối nào khác hiện diện. Tôi rất sung sướng biết vợ tôi đã theo ông Hồ Hữu Tường đến tận huyệt và ném xuống quan tài Phi Lạc một nắm đất.
Đôi khi, vắt tay lên trán, nhắm mắt truy nã bản thân mình, tôi thấy cái sự nghiệp văn chương của tôi sao mà khổ sở thế, mà cô đơn thế, mà oan khiên lắm thế, mà ngộ nhận nhiều thế. Ngày tôi bước xuống hầm phân vục đầy xô phân bằng hai bàn tay trần, ròi nhung nhúc, ròi bò lên cả cánh tay tôi là ngày tôi thấy rõ niềm bí ẩn nhỏ của đời sống. Và tôi có cảm tưởng tôi mang vóc dáng một nhân vật cổ tích tội nghiệp nhất. Tôi nghĩ đến cô Tấm. Tôi nghĩ đến trái thị. Và tôi nghĩ đến trái đắng thơm nồng trong niềm bí ẩn của đời sống. Cái thật, cái tốt và cái đẹp, ở bất cứ không gian và thời gian nào, đều phải trả giá nước mắt, mồ hôi và máu. Tôi có bài thơ Trái thị làm ở Z30 D, thời gian khiêng cứt, hốt cứt.
Ngày xưa cô Tấm ngời nhan sắc
Thật thà như đếm chả thù ai
Cô thương điều xấu yêu điều ghét
Chung hết tâm tư với mọi người
Có nhiều đứa ác hờn ghen Tấm
Đầy đọa Tấm rồi giết Tấm oan
Tấm hóa thành chim thành trái thị
Cuối cùng thành công chúa nhân gian
Em ạ, anh là cô Tấm xưa
Lòng anh chứa chất cả hư vô
Anh đi với tháng dài năm rộng
Mơ nỗi niềm chưa ai ước mơ
Anh cũng bị chôn dưới vực sâu
Trước khi sặc nước mắt cơ cầu
Và cũng thành chim thành trái thị
Ngạo nghễ lên đời chói ngọc châu
Em, cổ tích này anh tặng em
Hãy nghe hãy truyền kể nghìn năm
Nghìn năm trái thị còn xanh mộng
Chỉ úa điêu ngoa héo dối gian 2
Nhưng cổ tích Tấm Cám có đoạn kết trả thù tàn bạo quá. Thật sự tôi yêu Thạch Sanh và đoạn kết cổ tích Thạch Sanh. Vậy tôi đã làm thêm bài thơ Lời Thạch Sanh, cũng vào thời gian tôi khiêng cứt, hốt cứt ở Z30 D.
Ôi, nhớ làm chi vụ lấp hang
Phiến thù đâu dễ bặt cung đàn
Ta ngồi trong tối so giây lại
Nghe rõ hồn ta nhập thế gian
Đốm lửa nào đây mới nhúm nhen
Bóng ta in mặt nước thần tiên
Cái gì xa lắm nhưng gần lắm
Chưa phải hư vô vẫn ảo huyền
Ta biết lòng ngươi rã rượi rồi
Về đâu chiều bủa khói mù khơi
Hồi chuông cáo phó sao buồn thế
Giọt nước mắt còn ta khóc ai
Hãy đi hãy đi hỡi Lý Thông
Ta vút lên đời như mũi tên
Mũi tên cổ tích thèm bay lượn
Chuyện cũ xong rồi ta đã quên 3
Từ vỡ lòng cay đắng đến vàng ửng ngậm ngùi, cuộc phiêu lưu tìm ý nghĩa cho đời sống – không tìm niềm bí ẩn của đời sống – tôi đã nghe thấy hương vị thơm nồng của trái thị. Với tôi là trái đắng. Tưởng chừng trái đắng đã thành hình từ đóa cổ thụ Sa Ác. Sa Ác: Rơi vào chỗ chết. Tôi không chết nghĩa là tôi còn sống. Tôi còn sống nghĩa là tôi tồn tại bằng những đóa hoa trên đỉnh ngọn tuổi tôi. Với nhà văn, đóa hoa cổ thụ là tác phẩm. Nhưng tôi vẫn trung thành với ý nghĩ cũ, ngày tôi rời bỏ Sở công an thành phố: “Nỗi thống khổ đầu tay của tôi là một thử thách nhẹ so với nỗi thống khổ của các văn hào thế giới. Nỗi thống khổ mà các nhà văn lẫy lừng của nhân loại đã trực diện, đã đương đầu, đã kiên nhẫn chịu đựng, đã phấn đấu im lặng ví như trái núi. Nỗi thống khổ tôi đang ngậm chỉ là cái móng tay. Cái móng tay chớ vội ồn ào khi trái núi nín thinh, bình thản liếm máu trên vết thương của mình mà cống hiến cho đời sống những ý nghĩa tuyệt vời về tình yêu và hạnh phúc”. Không đáng gì phải ồn ào về nỗi khổ, khi nhận mình là nghệ sĩ sáng tạo. Với nghệ sĩ sáng tạo, sự quan trọng không phải là trợn mắt, nghiến răng, vung trái đấm tố khổ, nhân khổ mà là suy tư từ nỗi khổ, suy tư từ kinh qua nỗi khổ. Để khám phá niềm bí ẩn của nỗi khổ. Để cô đọng nỗi khổ thành chất khổ, thành tinh túy của nỗi khổ mà thể hiện trong tác phẩm. Bằng ý nghĩ đó, tôi Cám ơn ngục tù.
Cám ơn em nhé ngục tù
Nhờ em giải đoán giấc mơ tuyệt vời
Nhờ em dẫn xuống vực đời
Chỉ con đường lạ lên trời hư vô
Lửa nào nổi cuộc phần thư
Cũng thiêu luôn cả cái xưa phận mình
Bây giờ anh mới biết anh
Nỗi đau tiền kiếp đóng đinh làm người
Thân anh nghe sắp rã rời
Với hồn anh nữa ngậm ngùi phù du
Cám ơn em nhé ngục tù
Cám ơn em lớp sương mù huyền vi
Nhờ em anh đến anh đi
Nhờ em anh ở anh về nhẹ tênh. 4
Như tôi đã viết Gọi là thay lời tựa ở Nhà tù, cuốn 1 của bộ hồi ký ngục tù của tôi: “Không ai thích vào tù, dù chết trong tù sẽ thành liệt sĩ hoặc ra khỏi tù sẽ thành dũng sĩ. Linh mục cũng sợ tù. Các nhà cách mạng càng sợ tù hơn. Bởi thế, ngục tù không bao giờ là thành tích vĩ đại để khi thoát khỏi nó, người ta vỗ ngực khoe khoang, người ta quảng cáo nó như một món hàng thương mại, người ta xử dụng nó như một phương tiện bước vào chính trường. Như những người thật thà với chính mình, tôi rất sợ hãi tù đày. Tôi ở lại Việt nam vì vụng về trong mưu toan chạy trốn. Tôi không bao giờ ở lại để làm chứng nhân lịch sử cả. Công việc phi thường này dành cho người khác. Tôi ở lại và tôi bị bắt bỏ tù. Tôi đành ở tù”. Làm sao hơn được? Cũng đành thôi. Cũng đành, bạn ta ơi, Dương Nghiễm Mậu! Ở tù là chuyện cũng đành thì an ủi mình bằng cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ, cuộc phiêu lưu định nghĩa Hạnh phúc và đau khổ.
Theo anh nhẹ bước phiêu du
Đi thăm địa ngục thâm u chín từng
Nghe xa thăm thẳm mịt mùng
Nghe gần hiu quạnh xoi mòn thịt xương
Nâng ly mật đắng Diêm vương
Uống say tới tận cuối đường cuộc chơi
Theo anh lên ngọn đỉnh trời
Hái hoa Thượng uyển thả trôi suối hồn
Nghe xa hạnh phúc đầu nguồn
Nghe gần ân ái thơm nồng Đào nguyên
Hôn em, ôi đóa môi mềm
Ôm em ôm cả niềm tin Địa đàng 5
Thế đó, những năm tĩnh ở các nhà tù Sở công an, đề lao Gia định, khám lớn Chí Hòa; những năm động ở các trại tập trung khổ sai lao động Sa Ác TH6, Rừng Lá Z30 D không bao giờ là thành tích huy hoàng, là “sự nghiệp” của tôi. Nó bình thường. Nó tầm thường như huyết tâm ở bọn vô lại khạc trúng gấu quần tôi, như ngộ nhận nghiệt ngã của người đời, của thói đời chụp bủa quanh tôi. Cái không bình thường, đối với tôi, là sự sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi, là sự khám phá không ngừng những niềm bí ẩn của đời sống, là sự đóng góp tài năng còm cõi của mình cho sự thắp sáng tổ quốc và hạnh phúc dân tộc. Đến hôm nay tôi mới biết noi gương Trần Dần:
Tôi có thể mắc nhiều
tội lỗi
Chẳng bao giờ quá ngu đi
mắc tội nằm
Han rỉ
khác gì cái chết
Chết con tim chẳng còn dám
đau thương
Chết khối óc
chẳng còn dám nghĩ
Nếu
tôi chửa đến ngày thổ huyết
Phổi tôi còn xâu xé mãi
lời thơ
Tôi có thể mặc thây
ngàn tiếng chửi tục tằn
Trừ tiếng chửi
“Sống không sáng tạo” 6
Phải, “tôi có thể mặc thây ngàn tiếng chửi tục tằn” của bọn vô lại. Bọn này “mắc tội nằm, tội han rỉ, tội chết con tim, tội chết khối óc” nên đâm ra sợ hãi những người sáng tạo. Chúng nó không dám chửi tôi “sống không sáng tạo”. Ai dám chửi tôi “sống không sáng tạo”?
Đầu tháng 8-1981, Z30 D ban ân huệ cho hai nhà kỷ luật đi tắm suối. Sáu mươi tù nhân ôm quần áo dơ, bình nhựa, xô nhựa xuất trại. Ở nhà, trực trại dẫn trật tự vào kiểm tra hành lý. Lại thêm một thủ đoạn mới. Người ta nghĩ rằng tù nhân bị kỷ luật vô thời hạn là tù nhân bị dồn vào chân tường, cần thiết đề phòng phản ứng đột xuất. Cảnh giác cao là châm ngôn Cộng sản. Cảnh giác bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Vậy cho tù nhân đi tắm suối thỏa thuê, tù nhân hoan hỉ, tù nhân tưởng tượng sắp mãn hạn kỷ luật, còn mình thảnh thơi lục lọi, khám xét.
Như thường lệ, Hải và tôi kéo xe đậu trước cửa nhà. Nhà 1 không còn gì để tịch thu, loại bỏ. Sang nhà 2, tôi ngồi ngay cửa. Nhà này toàn tù nhân Hà Nam Ninh. Trật tự khám xét tận tình. Cung củ đậu được phép đeo giây chuyền vàng tây có thánh giá. Nó cởi trần, mặc quần xà lỏn Đài Loan mà nó chỉa của một tù nhân. Từ khoang trên, nó liệng xuống sàn nhà xi măng một vật gì đó gây tiếng kêu. Trực trại, gã trung sĩ công an, tên Chiến di đế giép râu lên vật đó. Một miếng đá mỏng! Miếng đá không vỡ. Tôi lén vồ nhanh miếng đá bỏ vội vào túi áo tù trước ngực. Cung củ đậu liệng thêm cái thánh giá đẽo và mài nhẵn bằng gỗ lim. Trực trại Chiến lại di đế giép râu lên. Tôi lại lén vồ dấu đi. Là kẻ vô tôn giáo, nhưng tôi đã xúc động mạnh khi chứng kiến Cung củ đậu ném Thánh giá và cai tù Chiến di đế giép râu lên thánh giá. Quân dữ trong Tân Ước chắc cũng ngang ngược như thế này. Miếng đá và Thánh giá gỗ lim là hai vật còn sót lại sau nhiều lần khám xét. Xe cải tiến của chúng tôi chỉ mang đi đốt vài bộ quần áo rách, một số bị cói.
Ra chỗ đốt đồ loại bỏ, tôi móc túi ra xem miếng đá. Đó là miếng đá dày 50 ly, chiều ngang 4 phân, chiều dài 6 phân 50, có khoan một lỗ nhỏ đề luồn giây đeo. Một mặt, hình Đức Mẹ Maria được khắc thật công phu. Khuôn mặt Đức Mẹ nổi lên trong cái vòng tròn trũng xuống. Quanh vòng tròn là những nét khắc diễn tả ánh sáng từ khối óc của Đức Mẹ tỏa ra. Một mặt khắc con thuyền lênh đênh trên sóng cả, cột buồm là Thánh Giá. Dưới thuyền khắc bốn chữ trong Thánh Kinh: Này con là đá… Dưới nữa là hai chữ Lưu Niệm. Có thể gọi miếng đá này là Mề đay Đức Mẹ Maria. Tôi ngồi bần thần một lúc. Nguyễn văn Hải hỏi:
- Anh nghĩ gì vậy?
- Người tù và đức tin.
Tôi đưa Hải xem cái mề đay Đức mẹ. Anh ta khen đẹp và hỏi tôi:
- Anh lượm lúc nào?
- Lúc thằng Chiến di giép râu lên. Thằng Cung đã liệng mạnh, mề đay không vỡ. Thăng Chiến di mạnh, mề đay vẫn không vỡ. Miếng đá quá mỏng, cậu thấy chưa?
- Em thấy.
Tôi lấy lại cái mề đay, bỏ vào túi.
- Này Hải, cậu hình tưởng người tù tuyệt vọng ở Sơn La, ở Lào kay hay ở Yên Bái đi. Qua bến đò Khô Lâu là kể như hết đường về. Cậu lại hình tưởng người tù mài đá phẳng lì, mỏng và kiên nhẫn ngồi khắc hình Đức Mẹ, con thuyền, Thánh giá… Đức tin của anh ta vững mạnh khôn cùng. Chính đức tin của anh ta đã giữ nguyên vẹn cái mề đay đá. Đá mỏng không vỡ vì đức tin dày. Đức Mẹ Maria thật sự ở cái mề đay đá này.
Đến lượt trung úy Nguyễn văn Hải bần thần.
- Tôi còn lượm được thứ nữa.
- Cái gì?
- Thánh giá mài bằng gỗ lim.
Tôi lôi Thánh giá khỏi túi.
- Tặng cậu.
Tôi cho Hải cái Thánh giá đã bị quân dữ dí giép râu lên. Chúng tôi về. Tôi đến hồ nước của bếp bệnh xá tắm gội. Tôi không quên dùng bản chải đánh răng chà rửa sạch cái mề đay đá. Kể chuyện cho trung úy Nhẫn nấu bếp bệnh xá, anh ta nói:
- Anh sẽ được hưởng nhiều ân sủng của Đức Mẹ.
Ân sủng của Đức Mẹ, tôi không bao giờ nghĩ tới. Vì tôi ngoại đạo. Hành động lén nhặt miếng đá của tôi chẳng có toan tính chi cả. Tôi cũng không hiểu tại sao, hôm đó, tôi phản ứng tự nhiên và hồn nhiên thế. Tôi cất dấu cái mề đay Đức mẹ, khó lòng trả lại người tù nhân chủ nhân của công trình tay chân và tim óc ấy. Anh ta khắc “Này con là đá” nhưng “chìa khóa nước Trời” không ban cho anh ta. Anh ta nằm nhà kỷ luật.
Cuối tháng 8-1981, phó giám thị Phúc gọi tôi “làm việc”. Thời gian này, vợ con tôi đã được cấp Giấy thông hành xuất ngoại. Trước đó, tôi phải làm giấy cam kết “không được khiếu nại chuyện vợ con sang Pháp, không được đòi theo vợ con sang Pháp”. Tin tức về sự can thiệp của Amnesty International rất lờ mờ, tuy nhiên, gia đình tôi vẫn nhận đều đặn mỗi tuần một gói quà gửi đường Bưu điện của các ông Jacques Provendier, Émile Le Brizaut ở Bretagne, Pháp, và bà Christa Bremer, kịch sĩ, ở Brême, Tây Đức thay phiên nhau tặng. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng gửi thuốc và tiền về giúp đỡ gia đình tôi và tất cả gia đình các nhà văn bị cầm tù. Ông bà Auguste Ablason ở Ermont, Pháp, còn dám làm giấy khai sinh nhận vợ tôi là con gái và bảo lãnh cho vợ con tôi “về Pháp đoàn tụ gia đình”. Thêm vào nữa là linh mục Chân Tín và vợ chồng Nguyễn Ngọc Lan, những người tôi chống đối ra mặt trước 1975, dạy học các con tôi, giúp đỡ và bênh vực vợ con tôi. Còn tất cả bạn thân của gia đình tôi đều ngoảnh mặt! Con nuôi của tôi, nhân vật Ái Nhi trong Cây leo hạnh phúc, thì lừa tiền bạc và chửi rủa vợ con tôi. Đủ các thứ bìm leo lên dậu đổ. Cái sàng hoạn nạn đã đãi tình nghĩa. Lọt hết. Còn lại vài hạt bất ngờ, những hạt ngọc mà ta đã không mong ở trên đời.
Phó giám thị tiếp đãi tôi nồng nhiệt như hôm đầu tiên tôi đến Z30 D. Trà Thái nguyên. Thuốc lá Phù Đổng.
- Cơ hội về xum họp gia đình của anh đã rất thuận lợi rồi đó.
- Cám ơn cán bộ.
- Chị ấy và các cháu sang Pháp chưa?
- Chưa.
- Khi chị và các cháu sang Pháp, anh ở đâu?
- Có lẽ tôi về Bắc sống với bố tôi.
- Tốt thôi. Anh sẽ về.
Ông ta nhấn mạnh:
- Anh sắp về.
Và chậm rãi:
- Nhưng luôn luôn tâm niệm rằng đảng và nhà nước khoan hồng. Đảng và nhà nước tha anh. Ngoài ra, không một thế lực ngoại quốc nào đủ khả năng can thiệp cho anh được tha cả.
- Tôi hiểu
- Anh có điều gì phê bình sự điều hành của trại không?
- Thưa cán bộ, không.
- Tại sao không?
- Tù nhân chỉ chấp hành, không được phê bình.
Phó giám thị Phúc cười:
- Lãnh đạo của chúng tôi nhận xét anh không sai. Anh khôn lắm. Hơn cả khôn nữa cơ, anh biết nín thở qua cầu. Khác quan thì chúng tôi thành công vì anh đã lao động tốt, chấp hành nội quy nghiêm. Chủ quan thì chúng tôi thất bại vì anh không chịu thể hiện con người thật của anh.
Tôi bắt đầu nể nang phó giám thị Phúc. “Nó lú nhưng chú nó khôn”. Ông ta hỏi:
- Thật sự, anh muốn về chưa?
Tôi đáp:
- Ai ở tù lâu mà không muốn về.
- Tôi hỏi anh thôi.
- Tôi rất muốn về.
- Thế là đủ rồi. Bây giờ, một câu hỏi khác, câu hỏi mà tôi biết anh không thành khẩn trả lời nhưng tôi vẫn cứ hỏi.
- Tôi sẽ thành khẩn
- Tôi tin là không.
- Xin cán bộ thử hỏi.
- Anh còn thù hận chúng tôi không?
- Không.
- Dễ dàng nhỉ!
- Tôi sinh ra không để thù hận ai cả.
- Anh đã thù Cộng sản?
- Và tôi đã nằm tù khá lâu.
- Chưa lâu đâu. Anh phải nằm tù gấp 10 lần tội của một tên đại tá ngụy ác ôn. Nhưng anh sắp về, đảng và nhà nước khoan hồng tội ác của anh, cho là anh vẫn còn thù hận Cộng sản. Anh uống nước nữa đi …
Câu chuyện chuyển sang đề mục nghề nghiệp tương lai của tôi. Uống hết ấm trà móc câu Thái Nguyên, phó giám thị Phúc bảo tôi về trại. Ông ta tặng tôi gói Phù Đổng chưa bóc và tiễn tôi ra cuối hành lang. Người ta đã bảo tôi có « cơ hội thuận lợi về sớm » từ 17 tháng trước. Chắc chắn, cái « sắp về » sẽ kéo dài thêm 17 tháng nữa để « làm việc » lần thứ ba. Ngày 2-9-1981, Z30 D, K1 loan báo xổ số có văn nghệ chào mừng quốc khánh. Toàn thể tù nhân K1 tập họp ở hội trường, trừ hai nhà kỷ luật và cachot. Tổ vệ sinh đã quét dọn hội trường từ sáng sớm. Bàn ghế, máy móc kê sẵn. Kỳ này có những ba danh sách trúng số. Danh sách giữ bí mật tối đa, ngay trật tự Trần Trọng Thanh cũng không biết. Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu được tha, tôi sẽ về lặng lẽ, không chung danh sách tù nhân cải tạo. Và tôi tự xếp tôi vào loại không mua vé số không thể trúng xổ số. Tôi đi quét sân, không vô hội trường. Trực trại Chiến bắt tôi vào tham dự văn nghệ liên hoan mừng 2-9.
Mở đầu chương trình xổ số lao cải, anh cán bộ giáo dục chơi bài Tuyên ngôn độc lập mở nước Việt nam dân chủ Cộng hòa, độc lập – tự do – hạnh phúc, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam, vẫn độc lập – tự do – hạnh phúc. Tù nhân nghe Tuyên ngon độc lập thì bẽ bàng không thể tả nổi. Tuyên ngôn độc lập chấm dứt, ban nhạc hòa tấu bản Đàn Ta lư rất giật. Giật như ghẻ bôi thuốc xanh vậy. Tiếp theo là đọc danh sách tù nhân trúng số đợt nhất. Rồi văn nghệ giúp vui. Đơn ca, song ca, tốp ca. Đọc danh sách tù nhân trúng số đợt nhì. Tôi ngồi vỉa hè cuối hội trường đấu láo với trung úy Thọ và y tá Ninh thay thế bác sĩ Nhơn đã về. Bỗng Thọ đập mạnh đầu tôi:
- Có tên anh.
Tôi nói:
- Đừng đùa.
Ninh cầm tay tôi, giật mạnh:
- Anh có tên.
Tôi vẫn nói:
- Đùa dzai, mấy chú!
Tôi đứng dậy. Anh em ngồi trong hội trường quay xuống nhìn tôi, vẫy tay lia lịa, cười toe toét. Thì ra tôi đã trúng số. Tôi cũng trúng số. Tôi trúng số chung mới đúng là tôi hưởng sự khoan hồng, nhân đạo của đảng và nhà nước, “không một thế lực ngoại bang nào đủ khả năng can thiệp” cho tôi được tha cả. Chào mừng tôi, trung úy Thọ lột ngày bộ quần áo tù Z30 D mới phát. Tôi còn trần xì cái xà lỏn. Đợi nghe hết danh sách đợt ba, “phen” của tôi, những bạn tù thiếu may mắn kỳ xổ số này, chê văn nghệ phụ diễn, “bắt cóc” tôi về nhà. Một màn kịch chia gia tài tù diễn ra. Tôi bị lột nhẵn nhụi và trở thành “con bà phước”, vô sản chính thống. Cái mùng và cái mền của tôi, nay tôi phải mượn lại vì đã bị “xí”. Tôm khô, lạp xường, hủ tiếu, mì vụn, bột ngọt đi hết. Thuốc tây, thùng thiếc bay luôn. Bèn ăn phõ chờ ngày về. Cung củ đậu đến chậm, chửi um lên. Rốt cuộc nó cũng vồ được tuýp thuốc đánh răng Colgate vừa xài hai bữa.
--------------------------------
1 Thân nhân ông Tường đăng cáo phó trên báo Sài gòn giải phóng
2 Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
3 Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
4 Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
5 Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
6 Trần Dần, Hãy đi mãi
Trại Tập Trung Trại Tập Trung - Duyên Anh Trại Tập Trung