You will know that forgiveness has begun when you recall those who hurt you and feel the power to wish them well.

Lewis B. Smedes

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1459 / 21
Cập nhật: 2015-07-18 12:57:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
à Dương đi pát phố. Phố nào cũng vui hết cả. Biết đi phố nào? Nhất xứ là Tràng Tiền. Ở chỗ góc Tràng Tiền và Hàng Khay cũ là hiệu Âu Phục giành cho nam lẫn nữ. Bà vào đây cốt tìm mốt áo. Cô gái tiếp đãi rất đẹp và lễ phép. Nhìn cô bà chợt thấy tủi thân. Bà không còn làm sao trẻ được như cô nữa. Mẹ kiếp, thời gian là con ngựa bà chạy nhanh vun vút không kềm cương gò lại nổi. Nhưng thôi, không nên tiếc những cái đã qua và bất tái lai. Nhưng sắc đẹp tàn phai thì còn nhờ quần áo phấn son vớt vát.
Bà bước vào hiệu may Âu Phục với niềm hy vọng tràn đầy. Cô gái hướng dẫn giải thích các mốt áo, quần. Thì cũng mấy mảnh vải ghép lại thôi nhưng nhờ người vẽ kiểu sáng trí. Khoe cái này, giấu cái nọ, làm nổi cái điểm này để cái khối kia chìm xuống. Cũng như lời nói và việc làm thời bây giờ, cốt làm sao lừa được tai mắt người.
Cô gái lại đưa cho bà xem những quyển sách giấy láng dày cộm in toàn những kiểu áo, kiểu quần, váy viếc, dây lưng thắt đáy, quần rộng ống, áo tay ngắn tới nách. Bà vừa lật xem vừa ngó quanh hiệu. Cứ mỗi ngày không đến là thấy nó đổi mới. Bỗng bà giật mình một cô gái trần truồng đứng ở góc tủ kính đưa tay ra như mời làm bà lùi lại mấy bước. Tiệm may này nhố nhăng quá. Ai lại đem thân hình mỹ nữ trần trụi ra câu khách thế này? Nhưng nhìn lại thì cô nàng cao su. Mẹ kiếp, cao su mà in như người thật. Ai sơ ý thì nhầm. Nếu cứ thế đó ban đêm mang ra để ngoài tiệm sẽ có khối chàng đủ các lứa tuổi đến rề xe lại tỏ tình.
Cô gái đến giải thích cho bà về cái công trình mỹ thuật mang tên là darling này.
- Dạ mô hình ngưòi mẫu này là của ngoại quốc đấy ạ! Nó có thể làm động tác và nói thông thường như người thật ạ. Chỉ hiệu may của con có thôi. Ngoài ra chỉ chưng hình nộm chết nghĩa là không biết cử động. Ðây xin bà xem.
Nói xong cô gái thò nhẹ tay vào lớp vải mỏng bấm một cái pụp. Cô Darling bỗng giơ tay trái lên. Pụp! Cô lại giơ tay phải lên. Pụp! Cô lại co chân trái. Pụp! Cô hạ chân xuống. Pụp! Pụp! Cô gái chậm rãi bấm các nút. Cứ mỗi cái pụp, Darling lại làm một động tác. Cô gái giải thích:
- Darling cười chào bà đấy ạ! Bà Dương lấy làm thích thú:
- Ðạc Linh biết nói cười không?
- Dạ biết ạ! Cô gái lại bấm nút bật lên đôi môi đỏ tươi và tiếng nói…Chào bà!
- Hay nhỉ! Ðạc Linh nghĩa là gì, sao không nghe người Việt Nam có cái tên ấy?
- Dạ, Ðạc Linh là tiếng "Phi Châu" đấy ạ! Tiếng ta không có cái ngữ này!
- Ðạc Linh có họ gì với Ðạc Lắc không vậy?
- Dạ, cùng là Ðạc, chắc có họ với nhau ạ!
- Ối giời, vậy thì dẹp đi. Thuốc lắc đang bị cấm đấy Bà Dương nghĩ thầm. Thuốc lắc đã làm hại tuổi trẻ lẫn tuổi sồn và cả tuổi già nữa. Sao hiệu của cỗ dám bày bán cả "một con lắc" thế này mà công an họ cứ để nguyên thế. Hay là họ có "móc ngoặc" với cô ta bí mật làm những dịch vụ khác?
Cô gái sợ khách hiểu lầm nói:
- Dạ không ạ. Hiệu của con chỉ may mặc thôi. Không có dịch vụ mát-xa hoặc ôm iếc hay bất cứ dịch vụ nào có hại cho thuần phong mỹ tục mà luật chánh phủ cấm ạ.
Bà Dương nói to lên:
- Cô không móc ngoặc sao cô bày hàng "người lắc" ra thế này?
Bỗng từ trong buồng bước ra một người đàn ông sồn sồn mặc áo gi-lê, thắt cà vạt rất thời
trang. Ông ta nói ngay:
- Tôi xin tự giới thiệu tôi là ma-na-gio hiệu may. Tên tôi là Typhờ mờ. Xin giải thích về tên con hình nộm người mẫu này ạ! Darling tiếng Mỹ là yêu dấu, âu yếm để dùng cho giới nam giao thiệp với phái nữ đấy ạ, chớ không có họ hàng chi tới thuốc lắc đâu ạ!
Cứ mỗi câu, ông cũng như cô gái, lại "ạ" một tiếng để chấm dứt. Ông Typhờ mờ sẵn trớn nói luôn về tôn chỉ mục đích (trá hình) của hiệu mình.
- Dạ chúng tôi đã đọc báo nhân dân mỗi tháng một lần, nên biết rõ tai hại của thuốc lắc, do đó không bao giờ nhập cảng một viên…hì…thuốc lắc đâu ạ! Dạ đây là hiệu may chớ không phải ba đăng xinh Ðêm Màu Hồng ạ!
Bà Dương xua tay:
- Tôi hiểu rồi. Tiệm may có trách nhiệm may đồ nhảy đầm chứ không có đồ nhảy dây. Nhưng mà này, tên ông nghe quen quen, trước đây ông làm hiệu nào thế?
-...Dạ chắc bà muốn hỏi đến hiệu Âu Hóa ngày xửa ngày xưa phải không ạ?
- Tôi nghe tiếng quen lắm nhưng không khẳng định được, hồi xưa sách báo có nói phải không thưa ông?
- Dạ thế thì đúng rồi! Bà muốn nhắc tới cái đại danh "Tý phờ nờ" chứ gì? Dạ, tôi là kẻ kế thừa vốn cổ của nhà vẽ kiểu Ðông Dương của hiệu Âu Hóa một thời lừng danh đất Hà Thành là cụ Týphờ Nờ (1) đấy ạ! Dạ dân Hà Nội này vốn vô ơn nên không lập đài kỷ niệm cho cụ Týp là người Việt Nam, mà lại dựng tượng cái ông nào lạ hoắc tốn mất 4 tấn rưởi đồng đen. Dân Hà Thành chẳng biết ông ta là ai mà cứ đứng sầm sầm trên cuộc đất lịch sử của ta? Dạ, kẻ phàm phu này rất lấy làm đau lòng nên đã thuê lại cái nền Âu Hóa cũ để dựng lên tiệm Âu Phục chỉ khác có một chữ. Riêng cá nhân tôi đã lấy biệt danh là "Typhờ Mờ" để kế thừa truyền thống của ông ấy đấy ạ.!
Thấy vị khách có vẻ chưa thông nên ông ma-na-giơ giải thích rốt ráo:
- Dạ, ông ấy là "Typhờnờ". Nờ là "anh nờ" cho nên tôi lấy biệt hiệu là Týp phờ mờ. Trước N là M, nhưng tôi là hậu sinh nên là "Týphờ..mờ" đấy ạ! Còn Ðạc Linh là yêu dấu âu yếm chứ không có dính tí gì tới thuốc lắc cả ạ!
Bà Dương gật đầu. Ông managiơ týphờ mờ bèn trả cái trọng trách tiếp khách lại cho cô gái. Cô này trở lại cúi đầu cám ơn người xếp của mình và tiếp tục bấm nút giải thích. Cái thân hình cao su sáng lên ở từng điểm một. Cô gái lấy đồ ra ướm thử cho bà khách xem và giải thích tác dụng của vải vóc đối với người thật. Lần lượt, thứ tự, hết bên trái sang bên phải, hết trên, xuống dưới và dừng lại ở điểm cuối cùng cô cứ giữ ánh điện sáng rực hồi lâu để giải thích cho tận cùng về người mẫu cao su kia, không sót một góc cạnh, một điểm ưu, điểm khuyết nào.
Cô cứ nói một cách tự nhiên, thao thao, có lúc che nửa mồm, có lúc cười xã giao, có lúc miệng nói tay chỉ cụ thể nhưng mắt lại nhìn chỗ khác mà đôi má đỏ rần.
Còn bà khách thì cơ hồ không thấy gì hết, tai chỉ nghe ù ù, da thịt thì nổi ốc như gai vông. Ðến chừng cô gái chấm dứt bài giảng khoa học thì bất thần bà vẫy tay và kêu:
- Ông ma ma…ăn giơ gì ơi! Tôi muốn...
- Dạ, ông Týphờ -mờ, ma na giơ, bà cần việc chi, để em đi mời ổng. Dạ, ông ma na giơ là người cai quản luôn cả hiệu đấy ạ. Ðấy là tiếng Công Rô mới nhập ạ!
- À không, tôi chỉ muốn học thêm tiếng nước ngoài "ăn giơ" ấy mà.
- Dạ xin mời bà xem hàng mẫu không bán ở trong tủ kính để em đi mời ông Týphờ mờ ra đo bà. Dạ chỉ ông ấy đo và cắt thì khách mới hài lòng thôi ạ. Xin bà vui lòng cho biết bà thích món nào. Chúng tôi sẽ tặng không cho bà. Ðó là đường lối chính trị của chúng tôi do nhân dân lựa chọn. Dạ….
- Mua một món tặng không một món. Ông Týphờ mờ từ bên trong vén màn ló mặt ra bảo: Nhưng chỉ tặng không khi nào bà khách đặt may hoặc mua một món! Rõ nỡm!
- Ông ma na dơ bảo là "không khi nào khách đặt may". Thế thì cửa tiệm này dổm lắm, nên dịch vụ mới thế. Ông ấy còn mắng khách hàng là nỡm nữa kia!
- Dạ, ông ấy bảo là….
Mặc dù cô tiếp khách cải chính, bà Dương vẫn không nghe và vùng vằng bước ra.
- Bà này chưa vô hội Yamaha! (2) Cô gái làu bàu. Ồ, tiếc quá, hội ấy tuổi bà thì vô làm ủy viên trung ương như chơi.
Bà khách chưa ra khỏi cửa, nghe nói mấy tiếng Yamaha thì dừng lại nói:
- Xe Nhật thì nhất rồi! Tôi mới vừa mua cho thằng cháu nội tôi một chiếc đờ luých. Tôi đâu cần làm ủy viên trung ương mới mua được?
- Dạ sắp có chuyến nhập 2000 chiếc đấy thưa bà. Dạ! Xe Yamaha mà có chức như bà thì mua giá quốc doanh rẻ lắm!
- Ðồ nhập lậu hả? Ông nhà tôi mới tịch thu cả rồi.
Nói xong bà khách đi thẳng. Cô gái giận no, ném theo:
- Con mẹ già cà chớn. Giải thích tốn bao nhiêu nước bọt, phí của giời.
Bà Dương đi bách bộ dọc theo Phố Huế ngược lên Nhà Bưu Ðiện. Ðứng ở đây trông thấy nóc Ngân Hàng. Bà không bao giờ để tiền vô đây vì báo cứ đăng nay ông Giám Đốc này, mai ông trưởng phòng nọ thụt két hằng tỷ. Còn cái ông (Cao sĩ) kiếm tiền kiếm ăn gì đó vốn là một anh bần cố, phép toán chia chưa làm xong lại được phong chức Tổng Giám Ðốc Ngân Khố thì nhà nước có mà mang khố!
Bà đi vòng qua đại lộ Ðinh Lê rồi ra đường Ngô Quyền, băng qua vườn hoa, xưa nó là vườn hoa Con Cóc (dân Hà Nội gọi là "con cóc chửa") của đế quốc Pháp xây để kỷ niệm lính lê dương tử trận trong cuộc chiến Việt Nam, nay vẫn mang tên Con Cóc nhưng đã bôi cạo những dòng chữ trên 4 mặt mà không để câu gì trên đó. Khách ngoại quốc thấy lạ chụp hình và ghi là
"Toad Garden" để lưu niệm Việt Nam.
Ðây là điểm tụ của các băng bụi, chích choác và là điểm tụ của đám ngồi đồng ngồi cốt. Ðứng ở vườn hoa này bà tự hào ngó thẳng qua mặt tiền Bắc Bộ Phủ uy nghi. Bên cạnh là một cửa hàng sang trọng nhưng ít ai biết vì nó không có bảng hiệu ở mặt tiền nhưng nó dành cho những kẻ có thừa tiền như bà Dương và các bà như bà Dương.
Bà Dương không định đến đây hôm nay nhưng sự quen thuộc đưa bà bước vào. Cánh cửa kiếng trái khế xoay. Bà lọt vào một khía, không cần bước nó cũng đưa bà vào bên trong. Ðây là nơi giành cho Ủy Ban Quốc Tế ở trước kia nên trang bị cửa nào cũng khác thường. Vừa bước vào bên trong, bà giật mình. Một cô nàng rất đẹp đưa tay mời. Bà nghĩ thầm: Cái con nhỏ ở đằng tiệm may lại đến đây bao giờ thế?
- Cô Thoa có ở đây hôm nay không? Bà cất tiếng hỏi to.
Thoa là cô đứng ở ghế số 1 bà rất thích sửa mặt cho bà. Nhưng "cô tiếp viên" xinh đẹp kia không đáp. Con nhỏ này vô phép. Nhưng nhìn lại thì bà nhận ra đó lại là người cao su. Ở đâu cũng thấy người giả! Người giả đâu lắm thế?
Vừa lúc đó thì một thiếu nữ lên tiếng chào:
- Mời bà ngồi nghỉ!
- Thoa! Bà tưởng con đi vắng hôm nay. Bà định về, bữa khác sẽ tới.
- Dạ ngày nào con cũng làm ở đây. Con biết thế nào bà cũng đến, nên con chờ. Cô Thoa đẩy đưa.
- Sao có lần bà thấy con đằng…khách sạn...?
- Dạ có đôi khi họ cần ca, họ trả cao hơn thì con xin tạm nghỉ ở đây một buổi hay một ca vài giờ thôi ạ!
- Gái đẹp lúc nào cũng đắt giá! Chà, sắp lên siêu người mẫu rồi đấy hả?
- Dạ con hết mơ làm người mẫu nữa rồi bà! Người mẫu bây giờ mang tiếng quá xá! Mới có một vụ 6 siêu sao bị "bể mánh" báo chí la vỡ lở, ai cũng biết nên bố mẹ con không cho đi thi ngành ấy. Dạ hôm nay bà cần sửa chi ạ?
- Bà chỉ cần làm lại cái đầu để đi họp. Nhân tiện hỏi con vài vụ.
- Dạ, xin bà hãy ngồi lên ghế, kẻo khách đến họ ngồi lên rồi con phải làm cho họ, có khi mất thời giờ của bà…
- Sao hôm nay cháu lại kêu "bà". Kêu bằng cô cho nó thân mật! Ai vô ngồi ở đây?
- Dạ cũng các cô như bà, ủa các bà như cô không hà!
Bà Dương ngồi lên ghế quay nhìn vào trong thì thấy ghế khác cũng đã có khách. Có mấy ông tóc hoa râm bước ra, ông nào ông nấy đều mặt may đỏ rừ như mồng tơi chín. Có ông vừa đi vừa hắt hơi muốn bay vách tường. Thấy bà Dương nhìn có vẻ ngạc nhiên, cô Thoa nói:
- Dạ cửa hiệu mới mở thêm dịch vụ sửa sắc đẹp cho phái nam ở buồng đằng sau đấy ạ. Mấy ổng cũng diện lắm. Cạo mặt nám, nhuộm tóc…đủ hết đó bà.
Bà Dương nói:
- Ðàn ông mà sửa mặt sửa mũi ai coi chớ? Mấy ổng…
- Dạ cũng được chứ! Dịch vụ này đắc khách không thua dịch vụ các bà. Thấy Bà Dương có vẻ nghi ngờ, cô Thoa vào đề để khỏa lấp:
- Dạ cô cần hỏi con điều chi?
- Thì cũng loanh quanh sửa cái này cái nọ. Chân mày cứ vẽ đi vẽ lại hoài mất công quá. Con có thuốc nào không phai làm cho cô một lần thì tởn tới già, ủa, thì để tới già.
- Dạ có lâu rồi nhưng không thấy cô hỏi nên con không quảng cáo. Môi làm một lần đỏ cả đời, chân mày cũng thế.
- Ấy chết, cô làm tôi trở thành người "mày đỏ", ngày trước có Xuân tóc đỏ, bây giờ lại có tôi mày đỏ rồi.
- Dạ không, môi đỏ, còn mày đen. Nhưng phải xâm thuốc cho ăn vô da như xâm mình
vậy.
- Cô đồng ý xâm nhưng có chỗ không xâm được thì làm sao?
- Dạ như cái gì?
Bà Dương ngưng hồi lâu mói nói:
- Cái này là do Bác Sĩ họ bảo chớ không phải cô đâu nghen!
- Dạ cô cứ bảo thì con mới làm được. Dạ, khoa học ngày nay tiến bộ dữ lắm. Cái gì trong
người nó cũng cải biên được, mập cải thành ốm, rộng biến thành hẹp, ngắn kéo ra dài, lùi xùi giũa thành trơn láng, trắng sơn thành đen, đen nhuộm ra hồng đều được hết!
Bà Dương nghe, chíp trong bụng từng lời của cô bé rồi hỏi:
- Ngắn sửa thành dài như cái gì đâu? Thí dụ cho cô nghe coi!
- Dạ, như tay chân. Con người ngũ đoản tay chân ngắn hơn người thường, khoa học làm ra dài được tất cả.
Bà Dương sốt ruột hỏi:
- Còn cái gì khác nữa không?
- Dạ rộng sửa thành hẹp như cái mũi. Mũi to rộng thở không khí vô nhiều có hại phổi. Dạ con nghe Bác Sĩ bảo thế! Người Âu Châu mũi họ hẹp nên họ ít đau phổi!
Con bé lém biết tâm lý của các bà nhiều tiền ở không rững mở nên quen pát phố, xem bói, sửa sắc đẹp, chầu tướng. Cô biết bà Dương muốn chữa cái mũi "dễ thở" thành ra cái mũi đầm nên cô đẩy cây thoa mỡ bò, chớ Bác Sĩ nào mà nói vậy!
Quả nhiên đúng ý khách. Bà Dương bắt đầu ngay vô mối:
- Lâu nay Bác Sĩ nghe phổi tôi cũng bảo thế nhưng tôi ngại đi sửa mũi rồi người ta đồn đãi mình già rồi còn chưng diện. Tôi thích trời sinh sao để vậy.
Cô Thoa nói ngay:
- Dạ bên Âu Châu bà già cổ lai hi còn lái xe đi tắm biển, còn cạo chân mày và độn mông độn vú, con không phải nói thêm thưa bà! Ðó là vấn đề mỹ quan và xã hội, mình đẹp mình thích đã đành. Người khác nhìn mình họ cũng thích. Ðàn ông xứ mình 98% đều có bồ nhí là do vợ nhà xập xệ nhìn không hấp dẫn. Con nói xin bà bỏ lỗi cho. Phần lớn là tại các bà. Chưa già mà đã làm già. Rồi mang cái lốt già đi rình đánh ghen.
Bà Dương bị bấm đúng tim đen nhưng đành làm tỉnh:
- Tôi thì tôi không thế, nhưng tôi cũng chẳng thích làm trẻ. Tôi chỉ sợ bệnh cho nên tôi nghe lời Bác Sĩ để tránh bệnh phổi thôi.
- Dạ, đấy cũng tốt. Nó gồm có cả khoa học lẫn mỹ thuật, một công hai việc! Sẵn trớn cô Thoa nói luôn. Mỹ Viện của cháu có thể giúp bà trở thành một người đàn bà trẻ chừng 40, đẹp và đạt tiêu chuẩn quốc tế ạ!
- Quốc tế là sao?
- Dạ, đó là cao trên 1 thước sáu, bề bụng 65 phân, bề ngực 82 đấy ạ. Ðây bà xem Ca-ta-lô cho chắc. Bà ưng khuôn mặt nào cháu làm ra khuôn mặt ấy. Nếu bà muốn sửa đôi chân thẳng như chân người phương Tây cháu làm cũng được. Dạ bà chịu khó mang giày cao gót và tập đi trên một đường thẳng. Dễ dàng mà lại có kết quả ngó thấy.
Bà Dương sướng rơn nhưng còn õn ẽn:
- Tôi già rồi. Tôi không cần "tiêu chững" quốc tế quốc té gì hết. Nhưng mà nếu cô làm được cho tôi thì cứ làm để các bà bạn tôi noi theo.
- Dạ được ạ. Trong tập album này bà thích được như người nào bà cứ chỉ cho con. Bà có khuôn mặt đẹp sẵn rồi. Sửa chửa nâng nó lên 75% nữa là bà sẽ trở thành hoa hậu lão là cái chắc. Nếu ông có đi nước ngoài bà đi cùng ông. Ông mặc tây bà mặc đầm có thua gì ông Cờ-linh-tồn và Bà Ðệ Nhất Phu Nhân!
Bà Dương lặng thinh một hồi rồi nói:
- Các bà đầm tây ăn mặc diêm dúa lắm. Tôi không cần phải đi ngoại quốc làm chi đâu. Tôi chỉ quanh quẩn ở nhà thôi
Một chốc bà mới hỏi:
- Giá thành có hạ không cô?
- Dạ rẽ thôi thưa bà! Hút mở mông làm thon người, kéo tay dài ra 5 phân, hút mỡ hai bên má cho bớt phị, nắn khuôn mặt trái xoan, sửa mũi cà chua, xâm mày, xăm môi, trồng lông mi cong, giũa móng chân, gắn móng tay và làm ngón tay chuối mắn thành ngón tay mũi viết, cạo vết nám trên mặt, nhuộm uốn và cắt tóc…Tất cả làm theo ý muốn của bà.
- Như vậy cô biến tôi thành ra nguời khác rồi còn gì?
- Dạ đấy gọi là chỉnh trang toàn bộ, trừ một món thì 10 tỷ ạ!
- Nếu không trừ, cô lấy bao nhiêu? Bà Dương mau mắn hỏi.
- Dạ 17 tỷ ạ!
Bà Dương giật bắn người lên và ngoảnh cổ lại 180 độ, kêu liền 3 tiếng:
- Hả? Hả? Hả?
- Dạ nếu không trừ cái kia, cộng chung tất cả là 17 tỷ đấy ạ!
- Nghĩa là riêng cái tiết mục kia cô ăn tới 7 tỷ?
- Vâng ạ. Ðó là giá trong nước. Còn ra ngoại quốc phải gấp đôi đấy ạ!
- Thánh thần ơi! Tôi đào đâu ra số tiền ấy?
- Dạ tiền dổm dễ kiếm hơn đất thiệt ạ. Dạ nội cái 720 cây số vuông trên bộ cũng đã dư trả các món, còn 16% mặt biển thì cũng không thiếu trả cho cái món trừ kia ạ.
- Nhưng mà, cái cô này, tiền bá..án ấy tôi có lấy cả được đâu! Cái cô này tưởng như đó là của riêng của tôi ấy à?
- Dạ phải. Ðấy là con tính theo công thức của bia 33 đấy ạ!
- Cô cứ ghi tên tôi khách hàng đầu tuần tới đi.
Bà Dương tặng boa cho cô Thoa, xấp bạc dày mo để trên bàn, hình như cái nụ cười trên giấy không mấy gì tươi, nhưng lòng bà phơi phới, nghĩ thầm:
- Cái con nhỏ quái quỉ này sao chuyện gì nó cũng rành sáu câu hết vậy kìa! Ðây là do mấy ông mấy bà vô đây nắn mông cắt mắt, trong lúc chờ đợi, ngồi lê đôi mách chứ gì. Nhưng đó là
nhiệm vụ của đàn ông, không phải của mình.
Bà lại bắt sang chuyện Mỹ Viện:
- Gần đây có hai kiểu tóc thời trang khắp Hà Nội. Kiểu thứ nhất là tóc uốn có chùm buông thả lơi lơi hai bên thái dương. Kiểu này xưa lắm rồi, gái tân thời không xài nữa nhưng bỗng nhiên thịnh hành trở lại. Ðó là do các rạp chiếu phim Liên Xô thập niên 60: Tiểu thơ Mary (không phải mary sến) mà dân Hà Nội gọi là tiểu thư Mê Ly, cô có đi xem không?
Cô Thoa đáp:
- Dạ có ạ. Con đi xem để cốp-bi kiểu tóc của tiểu thư Mary. Ðó là kiểu tóc có những lọn buông lòng thòng hai bên như những chùm nho, nhưng nghe nói hồi thập niên 60, giới trẻ đâu có uốn tóc mà thích hay không thích. Còn bây giờ thì họ không thích kiểu đó. Nó không hợp thời trang nữa, mà họ thích kiểu mới nhập cảng từ Mỹ!
Cô Thoa lấy ca-ta-lô ra đưa cho bà Dương và nói tiếp:
- Bà xem, đây là kiểu tóc được áp dụng cho thanh niên lẫn thiếu nữ. Tóc cắt cao như bàn chải và đánh rối tung lên, những ngọn tóc bôi hồ khô cứng tua như một rừng chông nho nhỏ. Kiểu này cũng còn gọi là kiểu xì-po môđéc.
Bà Dương đang xem thì một bà khác bước vào. Cô Thoa chào hỏi như khách thường không thân ái như bà Dương. Bà này bới tóc theo kiểu Lào trông rất khéo.
Tuy lần đầu bà đến, nhưng cô Thoa làm thân ngay. Và bà này cũng đáp lại tấm thạnh tình. Bà gọi cô Thoa bằng cháu ngọt, rồi bà giải thích cái sự đi đến Mỹ Viện của bà bằng tiếng Việt Nam rành rẽ và hài hước:
- Ðế quốc Mỹ bỏ bom B Năm Hai kỳ đó phá nát cả Khu Khâm Thiên dài theo đường Nam Bộ, lên tới bờ Hồ. Nhà tôi ở trong khu vực đó, sập hết. Tôi bị vùi thây trong đống gạch vụn. Hai ngày chẵn không ăn hông uống, cũng không làm cái gì khác hơn ngoài sự cầu Trời khấn Phật thầm trong bụng theo thói quen. Một người dân thường, cư ngụ trong khu vực gần nhà tôi sống sót. Anh ta khai thật với công an, chớ không chối quanh co, rằng anh ta đi ăn trộm, lúc đi moi đồ trong nhà người ta đổ nát, thời may gặp tôi.
…Tôi vốn cao 1.68, bề ngực 86, vòng eo 64, vòng mông 98 như vậy là vượt tiêu chuẩn hoa hậu, nhưng sau trận bom tàn ác đó bề cao của tôi mất đi bộn. Bề ngực thun lại còn 82 phân 4
ly, vòng eo lại phình ra 82 phân và vòng mông còn có 79 phân. Mặt tôi ngày trước sần sùi như da cóc nhưng bị mãnh bom gọt và khói ung nên bây giờ nó như da ếch và nám đen nhiều vệt giống như bà con với anh Ba mặt nám. Vì những lý do trên, tôi đến yêu cầu Mỹ Viện làm cho tôi trở lại hình thể cố hữu của tôi. Màu da mặt của tôi phải được nõn nà như da ếch, ủa, da cóc. Nếu có thể xin hai cánh tay tôi thun lại được dãn ra 6 phân để tôi có thể vói đánh địch thủ ở xa gần và chỉa những ngón tay tôi cho hết chuột rút để tôi có thể chầu tướng một cách nghệ thuật.
Cô Thoa thấy nhan sắc của bà Lào không đến đổi nào. Chung Vô Diệm xưa kia đâu có
hơn thế này nhưng họ Chung có tài phép cho nên Vua Tề không yêu dấu cũng phải phong chức Chánh Cung Hoàng Hậu, nhờ vậy mà nước Tề lúc bấy giờ thành cường quốc, chinh phục được các lân bang như lấy đồ trong túi. Bây giờ đứng trước bà khách nọ, cô Thoa càng thấy nghề mình vạn năng. Mà dù có bất lực cũng nhận lời. Ðối với khách không nên từ chối một yêu cầu nào. Ðẹp thì ai cũng thích. Ðẹp là vấn đề tương đối và vô biên.
Bà Lào vẫn với giọng hài hước, nói tiếp:
- Xưa kia tóc của tôi đẹp lắm. Nó có thể làm ổ cho chí rận, ngay cả khỉ chồn cũng tạm trú được. Nhưng B-52 đã bốc xới cả lên, mãnh bom xén mất đi một góc, cho nên bây giờ nó mới xơ xác và vô trật tự như cư xá Mai Dịch vậy đó. Sẵn đây tôi yêu cầu Mỹ Viện uốn nóng xong uốn lạnh luôn để giữ cái hình thức sóng gào. Chả là nước bên ông nhà tôi không có biển, nên ông ấy thích tôi có những nét sóng cồn, sóng gợn, sóng lăn tăn. Ông ấy không mấy thích biển lặng sóng êm.
Cô Thoa lại ngạc nhiên về lối diễn đạt cao kỳ hóm hỉnh và đầy hình tượng của bà nhưng cô cũng hiểu, cô bèn lấy tờ giao kèo đưa cho bà khách yêu cầu điền vào các khoản trống.
Bà khách rút trong bốp ra chiếc bút máy nắp vàng chóe kê tờ giấy lên đùi viết ngay rồi đưa cho Thoa. Cô cầm lấy liếc qua thì giật mình, nghĩ bụng: Thảo nào bà ta bới đầu Lào. Lâu nay Thoa vốn nghe tiếng bà Hoàng người Việt này, nay mới có dịp diện kiến. Cô bèn cầm bút chì điểm các mục trên giấy và nói:
- Dạ thưa bà, giá tất cả là 17 tỷ tiền mỹ phẩm và tiền công ạ.
Cô biết có những khoản không thể chữa được nên đưa ra một giá bất khả nhận, nhưng chẳng ngờ bà khách cứ tỉnh bơ, bà hỏi lại:
- Bao giờ thì cô bắt đầu?
- Dạ xin bắt đầu ngay ạ!
- Cô nên nhớ rằng Mỹ Viện phải giữ chữ tín nghe!
- Dạ, tôi đâu dám sai lời. Dạ xin bà đặt trước cho một phần ba. Khi chữa được một phần thì xin bà cho thêm một nửa. Còn phần cuối thì xin bà cho nốt khi mọi việc hoàn thành mỹ mãn.
Bà khách khẽ xua tay:
- Tôi trả tất cả một lần, hôm nay, bằng tiền nặng, và boa cho cô 15 tê ngay bây giờ.
Nói xong bà khách viết chi phiếu đưa cho cô Thoa. Cô nhận lấy với hai bàn tay run run. Giọng cô cũng run run:
- Xin bà ngồi đợi để tôi ra sau chuẩn bị dụng cụ rồi sẽ bắt đầu ngay. Cô Thoa đi chừng 1 tiếng đồng hồ mới trở lại. Bà khách cười nhạt:
- Cô bé sợ séc ma nên lại nhà băng kiểm chứng phải không? Cô Thoa giật mình đáp như máy:
- Dạ không ạ, không đâu ạ! Con ở đàng sau chuẩn bị dụng cụ đấy chứ! Bà Dương bước lại rỉ tai Thoa. Thoa vẫn cứ chối đây đẩy:
- Dạ không ạ, không đâu ạ! Con không có đi nhà băng nào hết. Bà Dương cười và nói to lên:
- Cô không phải lo! Chủ nhà băng nào trông thấy cái séc đó cũng ưng xỉa bạc ra ngay. Cả đến các nước láng giềng cũng thế. Số tiền này so với chi phí của ông Cố Duẫn đổ xăng máy bay
đi Trung Quốc thăm vợ bé hằng tháng và đưa gia đình ổng gồm trên 30 người đi Liên Xô trước kia ăn chơi xem hội Ôn-lem-pích lem piếc gì đó chưa được 1 phần 3 mà.
Cô Thoa nói:
- Dạ, Ngân hàng vẫn mở cửa nhưng séc của bà ghi lộn đầu ạ!
- Ðầu ở đít, đít ở trên đầu thời buổi này như con tôm đi thụt lùi và mang cứt trên đầu! Có ai phân biệt đít với đầu đâu mà bắt lỗi tôi viết lộn đầu!
Cô Thoa nói:
- Dạ thưa bà, con không dám mè nheo, chắc lép với bà đâu ạ! Ông chủ nhà băng vừa thấy chữ ký của bà là xuất tiền ngay.
- Ðã bảo mà!
- Nhưng tiền ngân hàng hôm nay không đủ để chi cho người cầm ngân phiếu này ạ!
- Thôi, bắt đầu đi. Nè trong lúc cô đi vắng, có một người khách. Ðây là bà Tuyết, bạn của tôi..Có lẽ bà ấy không dội B-52 nên không chữa nhiều bằng tôi.
Thoa cúi đầu chào rất lịch sự, bụng thầm nghĩ: "đây cũng là khách xịn", bèn hỏi:
- Thưa bà, bà định cho chúng tôi cái vinh dự làm đẹp thêm bộ phận nào trên ngọc thể ạ?
- Tôi chỉ cần "tút" qua loa thôi.
- Dạ xin bà cho biết rõ hơn để chúng tôi chuẩn bị dụng cụ ạ!
- Tôi chằng nói giấu chi cô, tôi vừa ngã ở sàn nhảy nên trẹo cổ chân tí thôi. Chả là nhảy tuýt ấy mà! Người nhảy "tuýt" phải có hai cổ chân khỏe và linh động, xoay xong phải lắc (Bà Tuyết không phải dân Linh Bình hay Hà Lam nên phát âm tiếng "lắc" đúng 100%). Tôi đã chơi cái điệu này lâu rồi, nhưng lần này không hiểu sao tôi vừa xoay xong, lắc nhẹ có một phát lại bổ nhào.
Thoa khẽ hỏi:
- Bà dùng "thuốc lắc"?
- Không, không, không! Bà khách đáp bằng miệng lẫn tay. Tôi bảo tôi nhảy tuýt. Cái điệu này nó cường độ hơn "xà uynh", và xì lô xộp. Nó chỉ "Lắc" nhẹ thôi! Chớ không phải tôi xài
"thuốc lắc".
Cô Thoa xuýt xoa:
- Xin lỗi bà, con nghe nhầm nên suýt gọi bà là bà Tuýt. Bà Lào đỡ lời ngay:
- "Tuýt" cũng không khác "Tuyết" bao nhiêu. Cô đừng sợ lắm. Thì cũng như Thoa với
Tha vậy mà.
Bà khách vui vẻ tiếp luôn:
- Cô nghe nhầm thế cũng không hại ai. Có những kẻ nghe nhầm "vô sản" ra "tư bản" thì mới thật hại và bây giờ thay vì dùng hai chữ vô sản thì người ta dùng chữ tư bản là đúng phóc. Nhưng đó không phải là công việc của chúng tôi.
- Chúng con mới vừa học được công thức "tiếp khách" của tư bản.
- Tôi biết rồi "Buy one get one free" ấy mà! Nhưng họ khôn lắm. Mua một tặng một với các món rẻ không trên 1 đô la như chanh, rau, ngò, giấy chùi tay kìa. Chớ xe hơi, nước hoa thì không có mua một tặng một đâu. Nên nhớ rằng một của họ là ăn giá hai rồi, nên coi như tặng mà không có tặng gì hết.
Cô Thoa nghe nói thì ngớ ra, thầm phục sự hiểu biết của bà Tuýt. Cô bèn rướn cái lập trường lên:
- Tư bản nó mới thế chứ mình là xã hội chủ nghĩa, con xin làm cho bà hai tiết mục thật nhưng chỉ ăn tiền dổm một thôi.
Bà Hoàng lẫn bà Tuýt cùng cười. Bà Tuýt nói:
- Cảm ơn cô nhưng tôi chỉ có một thì cô làm sao tút hai được?
Thoa vẫn không chịu thua:
- Dạ cái tiết mục độc nhất đó khó lắm, cho nên tút một coi như hai, nhưng con chỉ ăn nửa giá thôi thì khác nào mua một tặng một ạ!
- Cô bé thông minh thật! Nhưng cô nên nhớ rằng tiết mục đó khó tút lắm nhé. Tút xong phải hơn lúc chưa tút đấy!
- Dạ, thưa bà, nếu Mỹ Viện này vạn nhất không hoàn thành kế họach năm trăm phần trăm được thi con xin giới thiệu bà đến phố "Hàn nồi" ạ!
- "Cái nồi" của tôi chưa có bể, tôi không cần phải đi hàn.
- Dạ không ạ. Ðấy là tên một hàng phố mới nối dài phố Hàng Bạc ra đến bờ sông đấy ạ. Ở đó có trung tâm "trau dồi đạo đức" giá rất hời. Cán bộ nhà đã chiếm đến bảy mươi lăm phần trăm tổng số khách đấy ạ! Chứ con không dám trèo leo bảo cái nồi của bà bể ạ!
- Thế chắc nó hấp dẫn không kém cái "Mỹ Viện" của cô! Bà Hoàng, bà Tuýt và cô Thoa cùng cười hồ hỡi.
Câu chuyện càng ngày càng tỏa rộng ra có vẻ vô tận và đụng đến nhiều người lâu nay không ai được đụng và chạm đến cả những phàm nhân tục tĩu tự đặt mình ngồi trên bàn thờ và bắt người khác vái lạy...Thấy thế, bà Tuýt kết luận:
- Nếu cô sửa chữa cho bà Hoàng có kết quả, tôi sẽ boa mấy tờ báo Thủ Đô này và Thủ Đô ông nhà tôi, viết bài quảng cáo rồi cho báo nhân dân bình luận ké luôn.
- Dạ, không dám ạ!
- Không sao! Không sao! Bài ngắn thôi không phải trả tiền nhuận bút như xưa kia thằng cha nào đó viết hàng ngày và ký tên DX hoặc CB chừng nửa cột báo mà tòa soạn phải trả gấp đôi một bài bút ký dài cả trang báo.
Vừa đến đây thì có chuông điện thoại reo. Cô Thoa bắt lên nghe và đưa cho bà Tuýt. Bà
Hoàng được cơ hội giới thiệu bà Tuýt với cô Thoa một cách gián tiếp:
- Có ai hỏi thăm bà đấy, bà ủy viên ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương!
- Ủa sao người ta biết tôi ở đây kìa? Bà Tuyết hỏi. Bà ủy viên vừa nói vừa đi đến cầm ống nghe:
- Allô tôi đây! Làm sao? Ði lên Hòa Bình à? Dạ trên đó có đại hội các Hoa pan cần có bà trong ban tuyển chọn. Ðược rồi, tôi sẽ bàn với Chị Hai Thanh Xuân sau. Không nhất thiết phải có mặt tôi.
Nói xong bà ủy viên gác máy và càu nhàu một mình:
- Các ông già Rô này luôn luôn đòi của lạ. Tiền công quỹ tuôn ra như nước cho hoa Cúc hoa Hồng rồi bây giờ lại đòi tới hoa pan.
Cô Thoa thấy vấn đề có vẻ quan trọng nên lẫn vào ở luôn trong buồng rồi ém quân luôn. Bà Tuýt đến ngồi bên bà Hoàng rũ rỉ:
- Chị giúp em một tay nhé! Bên chị thiếu chi "nhân lực". Các ông ấy được voi còn đòi tiên. Chị giúp em rồi khi chị cần em sẽ trả công lại.
Tuy bà Tuýt lớn tuổi hơn nhưng không dám gọi bà Hoàng bằng em. Bà tiếp:
- Người ta bảo già sanh tật đất sanh cỏ, đúng đấy chị ạ! Bây giờ mấy ông FM đầu bạc đã đời với hoa Hồng hoa Cúc, rồi đòi tới hoa pan, hoa Champa đó!
Bà Hoàng đáp:
- Bên ông tôi đâu có ủy ban bảo vệ sức khỏe như bên này đâu mà có sẵn bọn Champa!
- Chị chưa biết thôi! Chớ sao không có. Cùng là vua chúa với nhau thì ở đâu cũng thế. Chắc chắn họ sẽ phổ biến kinh nghiệm cho nhau. Ông Hoàng về bển thế nào lại khỏi dùng cái món cây nhà lá vườn. Ðàn ông mà chị! Bên này chúng em giữ như giữ tù mà còn "sổng" đấy! Có ông nào không có "bệ phóng" bí mật đâu. Nếu chị đồng ý thì…tâu với hoàng thượng trao đổi văn hóa. Thà mình tổ chức còn hơn đê họ vô tổ chức thành ra bừa bãi rồi mang tiếng lắm chị ạ.
Bà Hoàng ngẫm nghĩ một hồi rồi thở dài. Bà nói tiếp:
- Tôi vẫn biết thế nhưng cũng đành chịu thôi. Chị em mình đã đến tuổi này rồi đâu còn quyền lực đối với các ông ấy nữa!
Bà Hoàng đưa tay quẹt nước mắt rồi lấy khăn ra lau:
- Chị tưởng em làm "vợ vua" sung sướng lắm sao? Ông ấy không coi em như Vua Trụ đối với Khương Hoàng Hậu nhưng em chẳng sướng gì hơn Chiêu Quân. Một năm ông ấy ở bên nhà hết hơn nửa năm. Tình nghĩa đâu có mặn nồng. Bà Hoàng như bọc nước mắt bị chích vở toang ra. Các ông ấy bảo là em nên hy sinh cho giai cấp vô sản tức là làm cho tình hữu nghị hai nước láng giềng keo sơn. Bởi vậy nên bây giờ em mới khổ. Tiền đâu có xóa được nỗi cô đơn.
Bà Hoàng cũng xưng "em" lại với bà Tuýt. Thành ra hai người đều là em cả, chẳng ai chịu làm chị ai.
Bà Tuýt cũng mủi lòng thương người bạn có chồng là ông Hoàng ngoại quốc. Bà Hoàng nói tiếp:
- Mình là người Việt Nam lại không được nói hoặc không nói được tiếng Việt Nam, mà phải đi nói ngọng tiếng người. Em có về bên đó một lần. Chiếu trải đàng, vàng phết cửa ngõ, kẻ hầu người hạ, nhưng em chán lắm chị ơi! Em là người đàn bà thứ 8 trong hoàng cung.
- Chị cũng không nên buồn. Số phận đàn bà là bị đàn bà cướp mất hạnh phúc và bị đàn ông khinh rẻ. Một khi họ đã say mê xác thịt rồi thì lý tưởng họ cũng bỏ chứ đừng nói chi vợ tào
khang. Em làm "công tác" này em có dịp hiểu bụng họ cặn kẽ. Ở đây chỉ có hai chị em mình,
em kể cho chị nghe một vài câu chuyện chơi vui.
Một cô bé học sinh Trường Trưng Vương được tuyển chọn vào ban phục vụ sức khỏe trung ương. Chị thừa biết cái ủy ban này gồm những ai và nó phải làm những gì rồi. Sau một thời gian "phục vụ sức khỏe" cho trung ương, cô nàng được đền bồi bằng cách cho cô đi học Liên Xô. Hồi đó Liên Xô chưa đổ. Chỉ ba năm có học hay không học, cô ta cũng về nước với bằng Phó Tiến Sĩ (đại khái là Phó Tiến Sĩ Vật Lý, Sinh Hóa hay cái gì mình có biết đâu). Nhưng khổ đời là một ông già đã từng được cô ta "phục vụ" đưa ra sân bay rồi khóc lóc đến ngất xỉu lúc cô ta lên máy bay. Người ta phải gọi xe "Chữ Thập Đỏ" tới chở ổng vô Bệnh Viện cấp cứu. Nhưng ông không khỏe lại. Chuyến đi Liên Xô của cô bé phải hoãn chờ cho ông ấy mạnh lại rồi cô sẽ đi. Nhưng ông ấy bảo nếu cô ấy đi ông sẽ chết. Ðể cứu một ông trung ương đáng tuổi ông nội cô bé người ta đình hoãn chuyến du học của cô vô thời hạn. Cô bé không thất tình mà thất cơ lỡ vận không lập được công danh nên đã treo cổ tự vận.
- Công danh gì chị ơi! Ðàn bà chúng mình lấy công danh của chồng làm công danh của
mình. Chớ tự mình có làm nên được cái gì? Bà Hoàng hỏi ngược lại. Rồi con nhỏ tự vận có chết không? Tội nghiệp chưa? Con cái nhà ai vậy?
- Khi bố nó hay được thì cái xác đã xanh lét rồi. Máu từ đầu ngón chân rới xuống đất đọng vũng. Chuyện xảy ra lâu rồi. Chậc! Mấy ổng ác lắm!
Sau khi buông ra câu nói, bà Tuýt ngưng lại một lúc lâu:
- Con nhỏ đẹp nhưng nghèo nên phải nhận làm "nhí" cho mấy ổng để lấy phiếu mua thực
phẩm đặc biệt và tiền chu cấp hằng tháng để đi học và nuôi gia đình.
Bà Hoàng bỗng bật ra tiếng khóc tức tưởi. Bà Tuýt nhìn bạn, như ân hận đã làm cho bạn khóc. Bà vỗ nhẹ vào vai bà Hoàng:
- Thôi đừng khóc nữa. Người nào cũng khổ hết á, chẳng riêng gì chị. Khổ và nhục nữa chớ có phải chỉ mà thôi đâu.
Bà tiếp:
- Sau vụ đó chúng tôi không dám ló mặt đến các trường nữ nữa. Họ biết nên gọi bọn này là các mụ "tào kê". Làm cái công tác này tội lắm. Không làm không được mà làm thì bị chửi như vậy đó. Và lòng mình lúc nào cũng nặng nề, cảm thấy như mang gông. Chị biết không? Mỗi
lần tuyển được một đứa đem về giao cho Chị Hai Thanh Xuân, em về nhà không dám nhìn mặt con cái. Em tự hỏi nếu con gái mình cũng sa vào hoàn cảnh đó thì mình nghĩ sao?
Bà Hoàng rút chân lên ghế và đưa tay ôm gối như sợ bị con gì cắn chân. Bà thở dài sườn
sượt:
- Chị có con, còn có được niềm vui. Còn em thì trụi lủi.
- Quê chị ở đâu?
- Thôi hỏi làm gì chị ơi! Tôi nghe chị nói mà nhớ lại tôi. Hồi đó hổng biết sao tôi ngu vậy.
Tôi đang học trường Miền Nam.
Bà Tuýt nhìn bạn. Bà Hoàng hình như muốn lướt qua nên không đê cho bà Tuýt hỏi sấn
thêm. Bà nói:
- Em không hiểu sao Chị Hai Thanh Xuân lại ác vậy. Ði làm chi cái việc thiếu âm đức này. Một tay chị ấy vùi dập biết bao cành hoa tươi tốt.
Bà Tuýt nói:
- Không phải chỉ tự nguyện đâu chị à! Con người có ai muốn làm chi điều ác. Nhưng làm được lần đầu rồi làm mãi, không còn biết đó là điều ác nữa. Chớ không phải ham làm. Em ở gần chị Hai, em hiểu tâm sự của chỉ. Chỉ không nói ra nhưng em đoán được. Không phải chỉ muốn lên chức đâu. Chức gì nữa? Bây giờ chỉ là người có quyền cao nhất nước chớ không phải mấy ổng đâu. Chỉ muốn gì mà không được. Bà Tuýt kề tai bà Hoàng nói nhỏ một lúc.
Bà Hoàng kêu lên:
- Thật vậy à?..Em có nghe vụ Ðường Sơn oán! Lâu quá rồi, ai còn nhớ nữa!
- Mình quên chớ chỉ đâu có quên. Người ta nói: "tốt mái hại trống". Họ muốn đổ lỗi cho chị em mình.
- Ờ phải! Hèn chi có câu ca dao: Trời xanh nước chảy qua sân
Em lấy ông lão qua lần mà thôi
Mai kia ông lão chầu trời
Thì em lại lấy một người trai tơ
Bà Tuýt nói đến lần thứ một trăm câu nói:
- Phải kêu cái ủy ban của chị Hai là ủy ban phá hoại sức khỏe trung ương thì mới đúng. Nhưng trên đời này có những việc làm sai mà cứ lặp đi lặp lại hoài làm cho người ta tưởng đó là đúng. Khổ hơn nữa có những người làm sai mà cứ tưởng rằng mình đúng. Và càng khổ hơn nữa có những kẻ biết mình làm sai mà vẫn cứ làm rồi bắt người khác nghĩ rằng đó là đúng!
Bà Hoàng nhìn bạn:
- Chị nói lẩn thẩn cái gì vậy?
Bà Tuýt cười:
- Chính cuộc đời nó lẩn thẩn như thế mà mình phải sống chứ không phải tôi lẩn thẩn đâu chị à. Như cái việc đi đến Mỹ Viện này, cái sự gặp gỡ của chị em mình ở đây hôm nay, tất cả, tất cả góp lại thành một cái vòng lẩn thẩn quay cuồng cuốn hút mình vào, không vùng vẫy được.
Bà Hoàng nuốt ực rồi nói:
- Như em bây giờ lỡ đèn mà cũng lỡ trăng. Biết được thân phận mình thì Dương Quí Phi mới hay mình đã muộn và mượn chén thuốc độc để lại cái xác cho tình quân.
- An Lộc Sơn bây giờ còn không? Ở đâu? Bà Tuýt hỏi bằng một giọng sâu thẳm.
- Chết rồi! Anh ấy có lẽ buồn tình vô Không Quân đi học Liên Xô về lại Mig 21 đánh với Thần Sấm rồi hy sinh. Chị nghĩ coi co mới biết lái mà làm sao đánh lại với tụi Mỹ. Lúc ảnh đi học Liên Xô về có mấy đứa bạn gặp em, chúng nó đùa: Mày coi chừng thằng Ð…nó lái phản lực nó cho mày ăn một trái bom tấn đó! Tội nghiệp ông già ảnh, cây một trái. Bây giờ nghe nói ổng được thêm một sao và cho về hưu rồi ở trong Nam. Con không quân...Cha cũng "không quân".
Bà Tuýt buột miệng:
- Mấy ông lớn toàn phổng tay trên, toàn cướp vợ hoặc người yêu của cấp dưới không hà. Trong thời kháng chiến khoảng 1950-1951 trong Nam Bộ các đoàn thể được tổ chức theo
hệ thống từ Tỉnh lên. Nam Bộ thuộc quyền lãnh đạo bề dọc của trung ương và được lãnh đạo ngang với cấp ủy đảng trung ương. Ban chấp hành phụ nữ cứu quốc Tỉnh Cần Thơ có một nữ cán bộ rất đẹp, nước da trắng, gương mặt như đầm gọi là Bạch Cúc. Vào thời kỳ này có một phái đoàn trung ương từ ngoài Bắc vào do Lê đức Thọ làm trưởng đoàn gồm có Lê đức Thọ đại diện trung ương đảng, Dương quốc Chính đại diện bộ tổng tư lệnh, Bác Sĩ Phạm ngọc Thạch đại diện chánh phủ và một số cán bộ quân dân chánh trong đó có cán bộ văn nghệ: Lưu quý Kỳ. Anh Mười Kỉnh ở trong Nam nhưng được đắc cử ủy viên dự khuyết trung ương đảng họp ở Việt Bắc năm 1951. Việc đầu tiên sau khi đắc cử và được radio báo tin anh Mười bèn đi ghe 4 chèo xuống công tác ở Cần Thơ, vô ngay cơ quan Phụ Nữ Cứu Quốc Tỉnh, đóng ở nhà má Hai trong Rạch Long Nia để "thảo luận" với cô Bạch Cúc về vấn đề gì đó ai mà biết được!
Cô Cúc là vị hôn thê nghĩa là vợ chưa cưới của một cán bộ thanh niên cứu quốc tên là Lượng, nhưng không biết sao sau khi ông Kỉnh đi, thì nàng Bạch Cúc cũng đi. Chẳng những đi công tác mà đi luôn về trung ương cục của ông Kỉnh đóng ở Tân Bằng và rồi người ta thấy cô nàng đi chung ghe bốn chèo với ông Kỉnh. Kế đến tập kết, ra Hà Nội, người quen thấy cô Cúc Cần Thơ đi với anh Mười chung một xe Volga. Kế đến nữa thấy anh Mười được bổ nhiệm làm Ðại Sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Mạc Tư Khoa, nàng Cúc có về Hà Nội chơi và được người quen gọi là Chị Mười. Cán bộ bu lại hỏi thăm và nhờ anh đầu bếp Sáu Ú mua đồ bên Liên Xô gởi về.
Lúc bấy giờ ở Hà Nội có hai chị Mười: Chị Mười già trầu là chị Mười Thập, chủ tịch hội phụ nữ cứu quốc toàn quốc Việt Nam, còn chị Mười tre là Mười Cúc, tức bà đại sứ, vợ của ông đại sứ Việt Nam ở Liên Bang Xô Viết, tức cựu hôn thê của anh Lượng cán bộ thanh niên cứu quốc Tỉnh Cần Thơ. Lượng không thèm đi tập kết vì hận đời. Thì cũng là một cái sự đời đáng hận.
Vào thời kỳ này cán bộ nhớn cưới vợ khá rộn ràng. Võ quang Anh, tục gọi là Anh Lé, tư lệnh miền Tây (thay Nguyễn văn Trấn đi trung ương họp, có đi mà không có về). Ở trong này tư lệnh Lé cuổm vợ chưa cưới của chàng Sơn Lâm trung đội phó là nàng Thu Hồng. Anh Hai Hùng cưới vợ địa chủ là cô Mai Khanh, Lê đúc Thọ quơ con ở của nhà hội đồng ở Bạc Liêu (mà tưởng nhầm là con gái địa chủ). Tư lệnh Lé ra Hà Nội gặp số đen bị nàng Thu Hồng đá cho một phát văng dênh nhưng ông Lé vẫn quơ được một cô nữ sinh 18 cái xuân xanh của Trường Trưng Vương, mặc cho báo quân đội nhân dân la ỏm tỏi, chàng Lé vẫn cuỗm được chức ủy viên ủy ban kế hoạch nhà nước ngang với cấp thứ trưởng nghĩa là được tiêu chuẩn lãnh xe Volga và villa như thường. Còn cỡ không bự lắm (Trưởng phòng chính trị, phó ban tuyên huấn khu…) như Ðinh ngọc Thủy thì được giao làm trưởng phái đoàn triển lãm của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đi khoe thành tích ở bên Ðông Âu, Tàu, Liên Xô. Riêng ông kẹ mặt nám đáng lẽ sánh vai với bà già trầu Mười Thập thì xứng đôi biết mấy, cối này chày ấy đặc biệt vô sản thì quết văn ra biết bao nhiêu vô sản con để phục vụ đảng, thế nhưng anh Ba nhường cái của quý ấy lại cho anh Sáu Thọ để quơ em Nga học sinh thành hấp dẫn hơn, còn anh Sáu thì lại vái cả mủ để cho chị Mười ở không mút mùa, mà đi tìm "con gái địa chủ" như đã nói ở trên.
Trở lại vụ các kẹ cỡ thường thường bậc trung như ông Thủy thì cũng hoạt động mạnh lắm. Anh ta đứng kế anh Ba mặt nám chớ đâu phải cách tới vài tầng. Anh Ba là giảng viên chính trường Nguyễn ái Quốc 2 đặt ở Chùa Miên (Ngan Trân) thì anh Thủy cũng là giảng viên phụ chớ đâu có vừa. Nhờ cái vị trí này mà anh ta bỏ người vợ tào khang có một bầy con ở đầu Kinh Cậu
13 (xã Hồ văn Tốt) và cuỗm được một nữ tỉnh ủy viên thường vụ Sa Ðéc tên Hồng đến trường này thụ huấn Mác Lê rồi hai bên nắm tay nhau bay qua lộ Ðông Duơng lên tuốt trên miền Ðông,
chàng thì được anh Sáu phong cho làm trưởng phòng chính trị bộ tư lệnh Nam Bộ, còn nàng thì thường vụ phụ nữ cứu quốc. Người khôn lấy được chồng quan là thế!
Nhưng con người ta có cái số. Ông Thủy làm trưởng phái đoàn Triển lãm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đi sang tới Ðông Âu, xứ Rumani thì "hạ cánh" không được an toàn. Số là Thủy ta nom thấy một nàng bồi phòng xinh như mộng bèn bỏ ngón "xang xừ líu", chẳng ngờ đó là nữ đoàn viên Kôm Sô Môl Lê Nin. Cô em quyết bảo vệ cái lập trường bèn báo cáo với đại sứ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bucarest là ông Nguyễn thành A. Ông A không thể che lấp được nên báo cáo về Hà Nội thành thử ra ông Thủy rơi đài. Ông bị gởi trả về Hà Nội. Nàng Hồng năm xưa ra đón. Chàng đòi tự vận nhưng chỉ "đòi" cho cân bằng vói tội lỗi, chứ thực ra thì "người sống, đống vàng". Bà Hồng cũng nghĩ tình xưa nghĩa cựu mà xí xóa đi.
Nói có trời làm chứng, tôi không hề thêm thắt thêu dệt chút nào, bớt đi dùm thì có. Ðây là
"chuyện tự nó", tôi chỉ ghi lại thôi. Có lẽ còn nhiều người sống biết những giai thoại này.
Trong số mấy ông kẹ, có một ông đàng hoàng. Ðó là ông Phạm trọng Tuệ. Ông Tuệ có một thời thay cho ông Bảy Tuấn làm chính ủy khu IX tức miền Tây Nam Bộ và là chiến khu chót của nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Ông từ Côn Ðảo trở về năm 1945 cùng với ông Huỳnh Thủ chỉ huy một phân đội vệ quốc đoàn võ trang rất thô sơ, đóng ở miệt Cây Dừa, Thầy Qươn, Cái Nứa. Phân đội có một chị nuôi. Anh Tuệ, tục gọi là anh Bảy rất đẹp trai, chỉ huy trưởng, lại có "cây súng dài 7 diêm hộp quẹt" cho nên mới có cái thứ 7 là do giai thoại ấy. Chị nuôi rất hào hiệp…Nhưng tới phiên anh Bảy thì chị nắm lưng. Anh Bảy muốn giữ uy tín cá nhân và sự đoàn kết của đơn vị nên không dãy dụa gì hết. Khi tập kết ra Hà Nội, anh Bảy vẫn trọng nghĩa tào khang đem chị nuôi nghèo hèn ngày xưa về ở villa như thường và không phụ rãy như các đồng chí chém chạy của anh thời kỳ đó và cả về sau. Kẻ viết truyện này lấy làm khâm phục anh là một nhà cách mạng hiếm có trong thời đại cộng sản nhố nhăng này. Nhưng chị Bảy vốn thuộc giai cấp cơ bản, cho nên mặc dù anh Bảy làm tới ủy viên trung ương suýt vô bộ chính trị (và đang là bộ trưởng), chị vẫn đi xe đạp chớ không hề ngồi xe Volga.
Ðó là ông lớn duy nhất (mà tác giả truyện này được biết) giữ được đạo đức luân thường mặc dù có thừa điều kiện để phá hoại đạo đức luân thường. (hoặc anh có phá mà kín nhẹm không ai biết)
Còn nhiều nữa, nhưng thôi, kể ra thêm thì nó cũng thế thôi mà người kể lại bị mang tiếng là "bôi xấu cách mạng". Có thể tóm tắt một câu: Sắc đẹp, con gái là một vũ khí lợi hại phi thường, một mồi câu cá nào cũng dính từ thường dân trở lên, từ vua chúa trở xuống. Người Pháp có câu: "không phải sự thực nào cũng nói ra được" (Toute vérité n'est pas bonne à dire) nhưng mà tôi không nói thì mọi người cũng biết, vậy không phải chỉ một mình tôi nói. Cho nên cái sự thực ấy rất cần được nói ra.
Hôm nay tại trụ sở "Chầu tướng trung ương" có một buổi họp để bàn chương trình phục vụ đại hội do Chị Hai Thanh Xuân, chủ tịch ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương triệu tập miệng. Bởi vì cái ủy ban này không có xài giấy tờ mộc mẹo như cơ quan đảng hay nhà nước. Tuy vậy sức bật mạnh mẽ vô cùng. Cuộc họp bao giờ cũng đầy đủ nhân số. Hội viên làm việc rất hồ hỡi. Vừa "chầu tướng" vừa bàn công chuyện. Coi như chơi mà kết quả vô cùng. Danh từ "Chầu Tướng" rất thông dụng, dù người ngoài ủy ban nghe cũng biết đó là Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Ngựa trong bộ bài tứ sắc.
Tứ sắc tức là loại bài 4 màu: Xanh, đỏ, vàng, trắng.
Một sòng tứ sắc phải có 4 tay ngồi 4 góc chiếu. Mỗi bàn gọi là một chến. Không rõ tiếng chến có từ đâu. Ta vẫn thường nói "Ðứt chến" tức là thua hết tiền trong túi hoặc thất bại trong việc làm. "Ðậu chến" nghĩa là bỏ tiền ra chơi hoặc nghĩa là thành công.
Một chến tứ sắc kết thúc ngắn hay dàt tùy theo các tay nghề cao hay thấp. Một chến gồm
có nhiều bàn. Có khi thua gần hết, gặp bài tốt lại tới, lấy vốn trở lại và ăn luôn cả chến. Không phải như bài cào, một chến tứ sắc có khi kéo dài cả ngày, người thua rồi gở lại chớ không vùa nhanh như bài cào.
Ðậu một chến nhiều hay ít tiền tùy theo giá trị của một lệnh. Thời kỳ lúa 2 đồng 1 giạ thì
2 xu một lệnh, đậu 5 đồng 1 chến là cao rồi. Còn bài cào, cách tê thì 1 đồng, 5 cắc cũng chơi được. Ðánh tứ sắc dùng mưu trí nhiều hơn bài cào, thua hay ăn cũng chậm. Bốn tay chơi bỏ tiền ra bằng nhau tùy theo sự lớn nhỏ của sòng bài gọi là đậu chến. Nếu một trong bốn tay chơi thua hết số tiền bỏ ra thì gọi là đứt chến. Muốn chơi tiếp, mọi người lại phải bỏ ra số tiền bằng nhau gọi là đậu chến mới.
Bà Dương ở trong Mỹ Viện đi ra, lòng rất chi là hồ hỡi, phấn khởi, đồng khởi và đổi mới với lời hứa hẹn của Mỹ Viện mà bà ghi khắc từng chữ trong tâm.
- Mình sẽ có một cái sắc đẹp, tuy không nghiêng thùng đổ nước như Thúy Kiều làm Từ Hải chết đứng nhưng cũng giảm bớt được ít nhiều chi tiêu của đức lang quân ở Phố Hàng Phì Phạch
Bà nhìn phố xá thấy vui tươi hẳn lên. Mưa không còn rơi trên mày cờ đỏ và đời tròn lặn quá hòn bi nữa. Cặp chân của bà như được tra đôi hài nghìn dậm. Ở đâu vui cho bằng Hồ tìm Kiếm. Bà bèn bách bộ trở lại Hồ, không phải để tìm gánh bún bò của bà Béo mà để xem cảnh vật.
Bà không đi trên vết chân cũ đã mòn nhẵn rêu phong mà đi lối khác. Nhưng lối nào rồi cũng ra bờ Hồ. Mà bờ Hồ thì vui nhất có hai nơi. Ðó là Thủy Tạ và cổng Đền Ngọc Sơn. Bà còn
thừa sức khỏe để đi mấy vòng bờ Hồ nhưng trước tiên hãy đến Nhà Bưu Ðiện rồi băng qua đường là ngang chóc cổng vào Cầu Thê Húc chiếc cầu bắc liền với đại lộ và Đền Ngọc Sơn hay nói rõ ra muốn vào Đền Ngọc Sơn, phải qua Cầu Thê Húc.
Thôi thì cái nào dễ ta đi trước. Nghĩ vậy bà băng qua đường. Chưa chi đã gặp các cụ ngồi quanh mu rùa chớ khách tới. Các cụ "thiền" ở quanh Tháp Bút và gốc đa lập quốc. Cụ nào cũng mang kính đen nhưng cụ nào cũng tự hào rằng mình nhìn khắp năm châu bốn biển và thấu suốt quá khứ vị lai. Bỗng nghe tiếng gió reo lật phật trên đầu. Bà bèn ngó lên thì thấy một băng-đơ- rôn khổ rộng giăng ngang qua đường với dòng chữ đỏ nét to "CHÀO MỪNG ÐẠI HỘI X". Bà lấy làm ngạc nhiên. Mới vừa đại hội VIII xong lại đại hội X, sao lại nhảy cóc một cái? Chắc là có chuyện gì bất thương khẩn cấp! Mà có chuyện gì khẩn cấp bất thường bằng chuyện bán đất tổ tiên đâu, nhưng chuyện đó mặc cho mấy lão đầu bạc kiến nghị, biểu tình phản đối rồi cũng êm re như bao nhiêu chuyện khác. Bà Dương dừng chân nhìn kỹ lại thì trên băng có dấu…Như vậy là hồ bị tróc chữ bay đi hết một nét số làm cho số IX thành số X chứ không phải nhảy cóc. Ồi, mà nói cho cùng, cả tờ giấy đen nghẹt chữ người ta còn chẳng đếm xỉa chi, sá gì một nét! Nghĩ vậy bà Dương lại rảo bước. Nhưng rồi bà thấy trên mọi thân cây đều hiện nét vôi trắng, cũng CHÀO MỪNG, CHÀO….
À ra thế, gần đến ngày đại hội, người ta phải chào để cho dân chúng cùng chào hoặc nếu họ không chào thì cũng biết. Có khi biết mà chẳng chào hoặc chào mà chẳng biết tại sao.Thôi kệ! Khẩu hiệu là khẩu hiệu.
Ở gốc đa lập quốc, ông "Từ Mậu Công" đang tựa lưng vào một cái rễ cuộn lên khỏi mặt đất mà tính nhẩm vận mệnh đất nước chăng? Ở phía bên kia, ngồi quay lưng lại với ông là ông
"Phạm Tăng" đang đốt nhang có lẽ cầu Trời khẩn Phật cho Hạng Võ ngồi trên ngôi báu bền vững hồng đức minh vương.
Còn ở đằng chân Tháp Bút thì cụ "Trương Lương" đang cuốn gói xách tráp lên tay, sửa soạn di dời, mà miệng lầu bầu: "tưởng hắn là chân chúa, ai dè chỉ chân chúa lúc hàn vi, lên được ngôi cao thì trở thành bạo chúa!"
Bà Dương mặc kệ minh quân hay bạo chúa, miễn Viện Thẫm Mỹ thành công giúp cho cái mũi bà dễ thở thì thôi. Ðang nện gót guốc trên những hòn cuội cứng thì bỗng bà khựng lạ. Hai ba
con bò vàng ở đâu xuất hiện thình lình rồi tiếng chân rộp rộp. Chúng đang làm ráp đây chăng? Bà Dương xem thường nhưng cũng nép mình bên gốc đa rồi bước nhanh lên chiếc cầu mới sơn đỏ loét, định sẽ thong thả vào đền như khách viếng Đền vào ngày cận Tết, nhưng đám bò vàng lại khóa ngang đường vào làm những người đang đi trên cầu chỉ vào Đền chứ không trở ra được. Bà Dương cũng không nao. Cái thứ bò vàng này nhẵn mặt quá! Bò gì không chịu ăn cỏ. Quả thật chúng đang ráp. Gần đến ngày đại hội, ngành nào cũng lo lập công dâng lên…Cây cối còn phải mang khẩu hiệu trắng toát kia.
Ðám áo vàng bắt đầu lục soát bóp đầm và túi quần túi áo của người đi đường. Bóp đầm chỉ chứa son phấn giấy lộn trong đó chớ có cái gì mà xét? Tuy vậy chúng cũng banh ra và tịch thu rất hồ hởi món nầy món nọ mà chúng thành tâm một cách giả tạo là dấu hiệu "diễn tiến hòa bình" và "đi chệch đường lối xã hội chủ nghĩa".
Mà cũng phải thôi…Nơi đây là "tụ điểm" của mọi thứ dân bụi, dân chơi, dân hiệu, ca sĩ tìm "sô", chuyên gia tấu hài. Ai muốn thứ gì đều có thể kiếm ra thứ nấy ở đây không khó lắm!
Một anh áo vàng kêu lên với giọng hể hả:
- Ðây rồi! Nó đây rồi!
- Cái gì thế? Ma túy à?
- Không! Ông "Ca bốt lốt". Ba bốn ông nằm trong bốp đầm.
Một chú khác chạy đến thở hổn hển dập chân báo cáo thủ trưởng một cách nghiêm túc:
- Ở đằng ven hồ có con nhỏ áo xanh đáng nghi là bò lạc, tới xét ngay nhưng chỉ có mấy cái bong bóng chưa thổi. Một đứa trong tổ giành lấy phồng mồm thổi một hơi rồi thắt cuống lại tung lên! Kìa thủ trưởng xem, ba-lông đang bay lo lửng ngoài đường rồi tắp vào tấm băng-đờ- rôn. Thằng bé muốn bắt lấy, một cái bay tạt ra giữa hồ.
- Tầm bậy. Ðó là "ca-pôốt". Tiếng cách mạng ta gọi là bao cao su. Ấy chết nó che bít chữ trên tấm băng-đờ-rôn.
Một chú bò khác thấy một bà già đi nhanh vào đền bèn chận lại:
- Xin cụ cho cháu khám!
- Tôi không phải là bệnh nhân. Bộ chú là Bác Sĩ hay sao đòi khám?
- Dạ cháu khám cái bốp của cụ ạ! Nó no phồng kia, đáng khám lắm!
- Tôi không có cái gì bí mật nguy hiểm mà phải khám!
- Dạ đó là lệnh trên. Bọn xấu đang len lỏi phá hoại Thủ Ðô tươi đẹp của ta đấy ạ!
Rồi anh chàng khẽ kéo chiếc bóp từ tay bà già. Anh ta bới bới và bước lại dập chân báo cáo thủ trưởng:
- Dạ em khám ra món này! Chú bò cầm lấy tang vật run run.
- Món gì thế? Vị thủ trưởng nhăn nhó, quay mặt.
- Dạ em không biết ạ!
- Thừa biết lại bảo không! Vũ khí âm mưu "diễn tiến Hòa Bình" chứ còn gì mà không biết! Tịch thu ngay gởi về cấp trên làm tang vật. Giữ bà kia lại. Ơ kìa, đúng là vũ khí hãm thanh bắn không nổ!
Nhưng bổng thủ trưởng quát:
- Toàn đơn vị, chuẩn bị chiến đấu! Ba mũi giáp công!
Trong khi các đội viên tản hàng thì viên thủ trưởng bước tới trước mặt bà già:
- Xin bà cho coi chứng minh thư ạ! Bà già chậm rãi bảo:
- Nó ở trong cái bóp nhỏ. Chú lấy ra mà xem. Lựa là tôi phải nộp cho chú?
Vị thủ trưởng móc tấm chứng minh thư nhân dân ra đưa lên mắt lẩm nhẩm đọc rồi bỗng cúi đầu, có lẽ cảm thấy chưa đủ lễ, anh ta khoanh tay rạp người xuống:
- Xin bà xá tội cho. Chúng con có mắt không tròng, xúc phạm danh dự của bà lớn. Bà
muốn đến tụ điểm, ủa, địa điểm nào, chúng con chở bà đến tận nơi ạ.
- Tôi đi bộ mặc tôi! Từ rày đừng có láu ta láu táu nữa. Cái ngữ ấy mà gọi là "diễn tiến
hòa bình" à?
Mấy đứa bò vàng trắng mắt liếc nhau. "Bà lớn gì ở đâu thế?"
- Ðã bảo bà lớn…còn hỏi lớn gì lớn ở đâu? Ăn gì mà ngốc thế.
Ở đằng cuối hòn đảo sau Ðền Ngọc Sơn. Hai chú áo vàng đang giữ một tốp thanh niên và ráo riết hỏi cung:
- Các anh làm gì ở đây?
- Chúng tôi ngắm cảnh ạ!
- Cảnh gì ở đây mà ngắm?
- Ðất nước ta có nhiều cảnh đẹp, chúng tôi thích đâu thì ngắm đó chứ.
- Chế độ dân chủ mà!
- Dân chủ hừ! Các anh xem trên thân cây kia, những gì tua tủa như lông nhím, còn ống
thì ném đầy đất thế kia?
- Kim chích đấy ạ!
- Các anh vừa choác xong phải không?
- Vâng ạ! Nhưng đó không phải của chúng tôi.
- Của các anh đâu?
- Ðấy là của tụi khác. Của chúng tôi ném cả dưới Hồ. Chúng tôi không dùng nhiều đến thế. Ba đứa chỉ ba cây thôi!
- Anh kia đang choác. Mũi kim còn ghim trong mạch máu kia. Anh không sợ nguy hiểm
à?
hơn.
hội.
- Không ạ. Tới cơn em vừa đi vừa tiêm mới kịp. Như ăn cơm. Ðâu có gì là nguy hiểm!
- Tất cả về đồn. Anh áo vàng ra lệnh.
- Vâng em xin đi, nhưng xin cho em tiêm hết liều cho phê, kẻo nó hành, chết sướng hơn.
- Còn các anh kia?
- Chúng nó ở đâu đến tụ điểm này, em không quen ạ!
- Còn ở đâu nữa không?
- Dạ chúng em chỉ biết tụ điểm này và tụ điểm bảo tàng cách mạng thôi. Nhưng ở đây kín
Ở đằng kia vị thủ trưởng vẫn năn nỉ bà già:
- Xin bà vui lòng cho ạ.! Ðây là công tác của chúng tôi. Xin bà cảm phiền.
- Ðã bảo là tôi không có phiền hà gì hết, tôi biết đây là các anh lập thành tích mừng đại
- Dạ không đâu ạ! Ðây là công tác thường xuyên của đội phòng chống tệ nạn thành phố.
Ngày nào cũng vậy chớ không phải chờ đại hội mới ráp.
- Vậy cũng tốt. Các anh cứ tiếp tục bắt đám chích choác kia đi. Tôi trông thấy họ còn nấp trong Đền nữa!
- Dạ không ạ. Ðó là những cậu bị tóm xét xong, đã tịch thu tang vật, chúng tôi cho cả vào đó, chờ xe tới chở về đồn đấy ạ! Không có đủ phương tiện nên xe tới chậm đấy ạ!
- Ðông thế cơ à?
- Dạ ngoài hàng ba chỉ ít thôi. Bên trong mới đông. Bà vui lòng cho biết sẽ đi đâu để chúng tôi chở bà đi ạ!
- Tôi mà ngồi chung xe với lũ ấy à? Các anh coi tôi là ai?
- Dạ bà là bà lớn! Chúng tôi không dám nhầm lẫn đâu ạ!
- Thôi được rồi, để tôi đi bộ "tập dưỡng sinh" và ngắm cảnh luôn. Vị thủ trưởng đi bàn nhiệm vụ một chập quay lại:
- Xin bà thông cảm cho. Chúng tôi không bao giờ dám thế nữa ạ!
- Các anh làm thế cũng đáng khen chứ có gì mà xin lỗi mãi.
- Dạ còn tang vật, con xin giả lại cho bà đây ạ.
Bà Dương nhìn cái bọc giấy bóng bên trong lồ lộ cái tang vật màu da người, tay cầm lấy và đút nhanh vào bốp đầm, mặt sượng sùng đỏ rần.
Bỗng một chú bò kêu lên:
- Báo cáo thủ trưởng em bắt được hai tên phản động ngụy thành phố Bác ạ!
- Ngụy nào còn ở được đấy!
Hai người bị đưa tới, áo quần lấm lem, đầu cổ bù xù. Một anh bò vàng báo cáo:
- Ðây là hai mẹ con ruột đấy ạ. Họ ở trong Nam ra đây. Người thủ trưởng hỏi:
- Tại sao họ bị trói vậy?
- Dạ họ biểu tình đòi đất ạ!
- Ðất gì ở đâu mà đòi? Ðã ký hiệp ước với người ta rồi, đòi sao được?
- Dạ đó là đất của họ cán bộ nấy lên họ đòi lại chớ không phải đất nước ta ạ! Nói xong người lính trở về vị trí cũ.
Người thủ trưởng hỏi hai người bị trói:
- Các người ở Tỉnh nào? Bị lấy đất ra sao kể lại tôi nghe! Người đàn bà đáng tuổi mẹ chiến sĩ nói:
- Tôi ở Tỉnh Bến Tre, cán bộ lấy ngang đất của tôi, bán cho người khác giá gấp mười.
- Thế ra bà ở Tỉnh Ðồng Khởi à?
- Dạ tui chẳng biết Ðồng Khởi đồng khọt gì hết ráo. Tôi ở Bến Tre từ nhỏ tới lớn thì nói ở
Tỉnh Bến Tre.
- Tại sao đất của bà bị lấy?
- Dạ đất của má tui ở gần đất nhà thờ. Cán bộ lấy đất của nhà thờ rồi nại lý do là xưa kia đất của nhà thờ ăn ra tới đất của tui nên lấy luôn. Tôi đòi họ không trả mà đem bán cho người khác.
- Ai mua đất đó?
- Dạ cũng cán bộ. Dạ ở xã tui ở cán bộ giựt đất của dân nhiều lắm chứ không phải một gia đình tôi. Bà con đòi họ hứa trả nhưng không trả chúng tôi lên Tỉnh đòi, nhưng Tỉnh lại binh tụi ăn cướp nên chúng tôi phải ra trung ương đòi.
- Ðất ở trong đó trung ương có ăn cướp được đâu mà đòi trung ương?
- Dạ trung ương không ăn cướp thì trung ương phải xuống lịnh cho tụi ăn cướp trả lại cho
dân.
Người thủ trưởng hỏi:
- Rồi sao các người bị trói?
- Dạ trói đây là mấy người áo vàng đó mới trói. Bà già tiếp. Áo vàng Thủ Đô hiền hơn áo
vàng thành phố Bác. Áo vàng thành phố Bác đánh chúng tôi tét da bằng roi điện. Ở Thủ Đô họ
chỉ trói thôi.
Người thủ trưởng nói:
- Biểu tình chống nhà nước là sai luật pháp. Vậy xin mời bà con về đi rồi chánh phủ sẽ giải quyết sau.
- Dạ chúng tôi được chánh phủ trả lời rồi, nhưng chúng tôi chờ kết quả lấy đất lại.
- Chánh phủ trả lời thế nào? Cụ thể là ai nói?
- Dạ, ông Phó Thủ Tướng, ông Tạng ông Tan gì đó thay mặt chánh phủ nhà nước.
- À, Phó Thủ Tướng Nguyễn công Tạn. Ông ấy nói làm sao?
- Dạ ông ấy hứa sẽ trả đất lại cho chúng tôi và cách chức cán bộ làm bậy.
- Vậy thì được rồi! Bà con cứ về đi. Về tới trỏng thì công văn cũng vào tới!
Nói xong người thủ trưởng bước lại mở trói cho hai mẹ con bà kia. Nhưng người con nói:
- Tôi đã kinh nghiệm rồi. Cán bộ ăn cướp thì dễ, nhưng đòi lại thì khó lắm. Ngàn năm một thuở mới lấy lại được. Chúng tôi đọc báo thấy nhà nước bảo rằng các vụ cướp đất, phần sai chủ yếu là thuộc về cơ quan nhà nước. Có nơi sai không nhận. Có nơi nhận mà không sửa. Có nơi sửa mà không đến nơi đến chốn, điển hình là các vụ Thái Bình, Nam định. Tờ báo tôi còn cất giữ, còn câu nói của nhà nước thì chúng tôi thuộc nằm lòng. Sống để bụng, chết đem theo, chứ không khi nào quên.
- Như vậy là tốt lắm, đừng nên biểu tình là phạm chính sách.
- Chính sách gì lại ăn cướp rồi còn trói chủ nhà. Chúng tôi đòi đất và đòi chánh phủ phải giải thích tại sao trói chúng tôi?
- Tại vì bà con biểu tình!
- Không phải chỉ có hai mẹ con tôi mà cả ngàn người đang ở đằng chỗ Ba Ðình gì kìa, dây đâu trói cho hết? Không phải biểu tình đòi đất thôi, mà còn biểu tình chống tham nhũng nữa kìa. Nếu dân biểu tình chống ăn cướp và chống tham nhũng mà bị trói thì nhà nước cứ cho cán bộ ăn cướp rồi trói dân thì chúng tôi đồng khởi làm chi?
- Trói đây là thuộc tội ngủ bậy mất mỹ quan của Thủ Ðô chớ không phải trói vì biểu tình. Thôi bà con đừng giận chánh phủ, cứ việc nàm ăn, đừng có no để chánh phủ no! Tôi bảo đảm
chánh phủ no xong hết!
Vừa đến đây thì một công an viên lại tới dập chân:
- Bá cáo thủ trưởng. Chúng em bắt được "thuốc nắc" ạ!
- Sao đồng chí biết?
- Dạ hai cậu thanh niên khai đúng nà "thuốc nắc" đấy ạ!
- Họ khai nàm thao?
- Dạ họ bảo họ mới mua được. Sắp đi ba để nắc đấy ạ!
- Bao nhiêu viên? Ðem cả đây?
- Báo cáo có 2 viên thôi ạ! Ðồng chí tổ trưởng đã tịch thu rồi ạ!
- Bảo đem nộp đây nhanh lên để tôi nập biên bản, nhập kho tang vật của bộ. Người đội viên đi một lát trở lại:
- Báo cáo thủ trưởng, đồng chí tổ trưởng đánh mất cả rồi. Ðang tìm nhưng chưa gặp.
- Nó nằm trong túi áo túi quần của đồng chí ấy. Nếu không có thì trong ví một viên, còn một viên thì chính đồng chí đang giữ. Hổng tin thì đưa túi đây tôi xét.
- Dạ không ạ. Em không có giữ viên nào cả đâu.
- Mỗi viên trị giá 500 ngàn, qui ra 50 đô ấy, có muốn nấy thì trả tiền đây.
- Dạ, hai cậu thanh niên khai họ mua đến 70 đô nận ạ!
- Gọi cả lại đây, tôi giải quyết cho rốt ráo!
Ở trên đường Quan Thánh có một số villa dùng làm chỗ ở cho viên chức Pháp thời xưa, gọi là quartier des fonctionnaires français. Sau ngày bác đảng về Thủ Đô, chia cho một số ủy viên bộ chính trị trung ương đảng như Lê Duẫn, Lê đức Thọ, Phạm Hùng…Ủy viên thường và bộ trưởng thì không được nhập khu đó mà phải ở chỗ khác. Như Phan trọng Tuệ thì ở đằng Hàng Chuối, Ung văn Khiêm thì ở đường Khúc Hạo gần Chùa Một Cột v.v...
Có một cái villa số 82 đường Quan Thánh thì dùng cho ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương. Hàng rào sắt lại bọc thêm một lớp tôle để người đi đường không nhìn thấy bên trong. Người ta biết đây là nhà của chị Hai Thanh Xuân.
Ở đây đang có cuộc họp của ủy ban này. Một bà càu nhàu như ở giữa chợ cá:
- Tôi có gọi nhưng thằng chả bảo số siếc gì đọc không ra. Giám với chả Đốc. Số người ta
viết như vậy mà đọc không ra là cái ý nghĩa gì?
Bà Bạch Cúc hỏi:
- Cô viết thế nào?
- Thì bảy tỷ, viết con số 7 với mấy con xi-rô
- Em viết mấy con?
- Bốn năm con gì đó. Xi- rô là không có nghĩa gì hết, viết mấy con mà không được. Bà Bạch Cúc cười, nhưng bà Tuýt vẫn cau có:
- Thế mà cũng làm Giám Đốc ngân hàng. Có chết người không chứ! Cho nên bao nhiêu mồ hôi nước mắt của dân cứ chảy đi đâu hết.
- Chuyện đó còn có đó, bây giờ ta bắt đầu gầy sòng đi. Chị em mình quen nhau cả, xin giới thiệu nghe! Bà Hoàng, bà Dương, bà Tuyết (tức là Tuýt) và tôi. Nhưng tôi bận nên xin vắng mặt.
hỏi:
- Không được, Tứ sắc phải 4 tay! Chớ 3 tay hay tới hố lắm!
Vừa đến đây thì chị Hai về tới. Nhìn vẻ mặt hốc hác của chị, ai nấy đều lo ngại. Chị Mười
- Chắc chị "họp" trung ương sáng đêm qua hả? Chị Hai bị xoi xỉa bèn cường điệu:
- Họp hai ba đêm liền chớ phải một đêm đâu! Rồi chị nói lướt qua. Khối lượng công tác
kỳ này thật nặng nề. Ðối ngoại phải có cho đủ số phục vụ 4 phái đoàn Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Nam Tư. Tuy so với trước thì đại biểu các đảng bạn thưa đi hết 96,9% nhưng vô sản ta vẫn mạnh hơn tư bản.
Bà Dương nói:
- Quan trọng là số đại biểu từng phái đoàn! Chị Cúc ở Liên Xô lâu năm nên kinh nghiệm họp hành quốc tế. Ta cần phải biết số đại biểu của mỗi phái đoàn là bao nhiêu. Nếu cần thì ta tìm hiểu cá tính của trưởng, phó phái đoàn để phục vụ cho đạt yêu cầu. Như vậy họ mới cứu nguy đảng mình nhiều hơn. Thí dụ như kỳ mình sang phục vụ bên I xà lắc, mình biết thằng Kong-Le mê con Tvi hát bài Hoa Champa mình cho cô ta tiếp xúc với nó. Sau hội nghị nó nói om ra nên thằng vua Bù Hóc mời văn công mình sang biểu diễn và định tái nạm con nhỏ.
Bà Dương và phu nhân Thiếu Tướng bò vàng tuy nói bắt quàng nhưng các bà có biết đây là đâu nên cũng tỏ ý thán phục. Các bà có đi qua nước thằng cha vua Bù Hóc không? Tụi này ăn mắm mà bốc tay ghê bỏ bố! Bà Dương được trớn tiếp:
- Mình bây giờ từ 81 đảng còn có 4 đảng phục vụ số ít. Ta đi sâu đi sát hơn chớ có sao!
- Tôi nghe phái đoàn Bắc Cực gồm hơn 100 người đó! Họ không đòi phải cho đủ số cho họ đâu, nhưng mình phải biết điệu.
- Cứ trưng dụng hai Trường nữ Trưng Vương và Ðoàn Thị Ðiểm là được rồi. Nhưng còn mấy anh chà chóp nữa.
- Tụi này có ăn thua chi mà tới đại hội.
- Chúng nó có gởi thơ phản đối lên trung ương đã bắt nhiều nữ sinh Trưng Vương đẹp đi phục vụ, nên chúng nó mất nguồn an ủi lúc ly hương. Do đó công việc kiểm soát đình chiến bê trễ mà có nhiều vi phạm về phía ta. Ủa...ủa, chuyện đó...
- Chị lộn rồi. Chà chóp cuốn gói đi khỏi Hà Nội gần 30 năm rồi! Chị Hai biết mình lộn lèo nói hớ, bèn chữa lại:
- Ðó là phần phục vụ các phái đoàn đảng bạn. Còn vấn đề phục vụ nội bộ cũng nặng lắm. Ðoàn đại biểu Nam Kỳ trên 150 người. Toàn là dân hũ chìm và thành tích bất hảo, các em các cháu nghe nói đều ớn và xin đi phục vụ mục tiêu khác. Sau cùng là phục vụ người nhà. Các cụ
nhà mình phần đông hom hem cả rồi, nhưng khổ thế, càng già càng thích trẻ con 15-17. Nhưng cũng chả nên trách. Vì các ông ấy nhiễm nặng đạo đức của bác Hồ, kể cả mùi cà muối mắm
ngóe.
Ðang nói chuyện này bà Dương bắt quàng sang chuyện khác. Bỗng nhiên bà gầm lên:
- Kỳ này tôi phải lột da vài con bò vàng mới được!
Mọi người đang tản mác nói chuyện "thập ký nình" bỗng thấy bà Dương phóng ra một
chưởng thì có người hỏi:
- Chuyện gì vậy hả chị Cả?
- Bố tiên sư nó mắc mớ gì mà nó xét ví tay tôi chứ?
- Ai xét, xét ở đâu? Chị Cả đi bộ không có cận vệ hay sao?
- Nhân lúc đẹp trời tôi đi pát phố nhân tiện tập dưỡng sinh ấy mà! Tôi định vô Đền Ngọc Sơn để dọ chỗ Giao Thừa này đi hái lộc chẳng ngờ bò vàng làm "ráp". Trời đất ơi nó xét cái ví của tôi.
- Chị đựng cái gì ở trỏng? Bà Hoàng hỏi
- Thì cũng ba cái đồ tế nhuyễn phấn son chớ hổng lẽ ông "Ca bốt lốt". Ông ấy về hưu lâu
rồi mà!
- Sao chị biết ảnh về hưu?
- Thì ảnh không ứng cử đảng khóa vừa rồi, không về hưu sao? Bà Dương vẫn càu nhàu
- Xét gì thế mà xé..ét? Hết người xét rồi sao nó xét tôi? Nó gặp má nó nó cũng xét nữa sao? Quân vô kỷ luật! Quân chết dẫm!
- Rồi chúng nó có tịch thu món gì của chị không? Một bà khác lại hỏi.
- Có cái gì trong đó mà tịch? Ðã bảo là…
- Thôi đừng có đùa nữa, chị Cả đang giận. Chị không đậu chến thiếu tay gầy sòng bây giờ. Trong lúc chị Hai và chị Cúc bàn việc quốc sự thì bà Tòa và bà Tuýt, cả hai đều là ủy viên
của ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương, đang hợp ca bài "ghè tương mắm trở" ở ngoài sân. Bà
Tòa huênh tay nói năng như đàn ông bụi ở chỗ không người.
- Ði sửa cho vui vậy chứ. Sắc đẹp tôi đã như vậy mà nó sửa rồi cũng y như vậy chớ có lên đời tí nào đâu! Thế mà nó chặt tôi 3 tỷ. Thế tôi có bỏ tù cả nút nhà nó có được không?
Bà ủy viên Tuýt can:
- Bớt nóng đi cô! Công tác nó chưa hoàn thành, tại chị gấp đi nên mới thế. Nếu không vừa ý thì chị bảo nó tút lại. Muốn cái gì hẹp lại thì phải banh ra trước rồi mới hàn nhỏ lại sau.
Bà Tòa nhảy tưng lên
- Chị tưởng của tôi cũng như của ai hay sao mà "rộng hẹp"? Thằng chả làm tòa thì mới phải dùng nó chớ tôi có tà…đâu!
Bà Tòa định nói cái mồm loa của ông Tòa nhưng bà Tuýt lại hiểu ra cái khác. Cho nên bà
Tòa hơi tự ái.
- Chị đi để may cái của chị cho nó hẹp lại đi. Chớ còn em rộng hẹp mà làm gì nữa. Em
"thất nghiệp" lâu rồi. Nhưng lần này thì em quyết định sửa "mặt tiền" sao cho thằng chả nhìn ngứa mắt hết chạy theo mấy con nhí.
Bà Tuýt nói:
- Chỉnh trang là khi nào phe ta làm chủ tình hình chăm phần chăm kìa! Bà Tòa càng dẫy nẩy như bị chạm nọc:
- Thằng chả xử vụ bài trừ ma túy nào cũng hái được năm bảy tỷ tê. Vụ thằng Vũ Xuân Tề thằng chả cầm 100 tỷ để chạy cái án tử cho nó, nhưng ăn xong thì lại bị ở trên ra lệnh phải xử tử, thằng chả cứ ngậm nghe, không có ý kiến gì hết, chị coi có ác nhân không? Ác lai ác báo! Xong rồi tiền đâu có đem về nhà, thằng chả lại quay ra dùng câu con nhí của thằng Huỳnh Long, còn lại
bao nhiêu tóm đi đâu hết, đưa cho tôi có tí tẹo hà. Giời ôi là giời, chồng con gì chồng con thế!
Bà Tuýt dỗ ngọt:
- Thế sao tôi nghe con Mỹ Viện nói chị trả cho nó 7 tỷ?
- Ôi giời ôi! Thế thì lộn..lèo rồi! Bảy tê làm cái tóc mà đầu óc tôi để ở đâu lại nhầm đầu nhầm đuôi thế? Bây giờ làm sao hả chị? Tỷ với chả tê!
- Hãy còn kịp chán! Chị em ta cứ vào chầu tướng đi! Tôi sẽ bảo ông nhà tôi lấy lại cái một. Không mất mát đi đâu mà sợ. Nhưng chắc ổng chỉ đi công thức 4/6 thôi.
Bà Tuyết càng không tin ở thính giác của mình nên nói ăn trét, lạc đề xa lắc:
- Chị nghĩ nhầm rồi. Chính mấy cái đồ chơi đó đứng trên bộ chính trị. Chị không biết bà Nguyễn thị Phình thị Phèo gì đó chỉ chịu cho ông mặt lừa cấy một mầm sống mới ở bên Paris là chiếm được cái ghế bộ trưởng của thằng tác giả giải phóng miền Nam đấy. Thằng chả đang làm bộ trưởng của ông Phát thì sang làm bộ trưởng của ông Ðồng là chắc ba bó một giạ rồi, ai ngờ lại hụt giò. Thằng chả bất mãn tìm đường vượt biên bị công an tóm lại đấy. Ối giào, đến giờ này mà bà Tòa thân mến của tôi còn làm bộ ngây thơ đến thế hay sao? Ðáng cái đời, làm bài hát không lo làm bài hát để kiếm ghế ngồi.
- Sao chị lại biết những chuyện cách mạng hay ho nứt tường đổ vách thế?
- Tôi ở trong ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương đã 6 năm rồi. Chuyện gì nữa chớ, còn ba cái sự đời đen đỏ đó tôi chứa đầy một bung.
- Còn chuyện gì nữa nào nào?
- Mấy ông nhà văn ngu bỏ cha đi. Ðề tài tôi đựng cả thúng đây không đến tôi phát cho, để moi móc ở mấy cái lỗ rò mà còn bị mất mạng. Này, tôi bảo cho cô biết, cái ông tòa nhà chị nay mai rồi sẽ đeo con nhí của thằng Huỳnh Long bỏ lại đó cho coi. Cái quạt của nó chành ra xếp lại một phát là đi đời một ông kẹ đấy, bảo cho ông tòa nhà chị liệu mà giữ hồn.
- Rồi sao nữa?
- Ai biết hồi sau ra sao. Phải chờ xem...Người ta đem nó tuốt lên Hòa Bình để gài bẫy con
"heo rừng". Thôi đi vào đậu chến kẻo chị Hai trông.
Bà Tuýt nhỏ giọng lại một cách thân thiết.
- Em nói để chị đề phòng cái con quỉ cái mình xà uốn khúc đi. Nó đã hại tiêu tùng thằng Huỳnh Long. Thằng cha nào rớ tới nó cũng bị nọc của nó mà trào đờm. Cô về mà trói chặt cái ông Tòa của cô lại. Nếu không khéo rồi đây biết đâu quan tòa lại đi chung xuồng với…với, ủa mà thôi, tôi không biết đâu, tôi không biết gì hết. Nãy giờ hổng biết thần thánh ma quỉ nào mà khai khẩu khai nhãn tôi như vậy. Cô bỏ qua cho tôi đi nhé. Nếu cô đổ cho tôi thì tôi chối, cô chịu trách nhiệm đấy. Thôi đi vô nhà.
Bà Tuýt vừa quay lưng đi thì bà Tòa nắm vai lôi lại góc sân xa nhà hơn, ấn bà ta xuống chiếc băng đá bên chậu hoa còi, bảo:
- Chị còn gì nữa nói cho em nghe.
Bà Tòa xưa nay mới xưng "em" với bà Tuýt lần đầu.
- Em sẽ boa cho chị. Chị cần gì em sẽ bảo nhà em nó xử cho đúng chính sách của em.
- Boa gì mà boa. Chị em mình chung số phận hết cả. Ông nhà tôi công lao hãn mã từ thời kỳ bí mật, ở nơi gốc đa Tân Trào với ông Văn là đã có nhà tôi một chân trong đó. Ông Giáp là phân đội trưởng, ông Tấn là phân đội phó, còn ông nhà tôi là tiểu đội trưởng một a (tiểu đội). Mãi cho tới khi giải phóng miền Nam, nhà tôi đã 50 ngoài mà họ cũng đưa vô R đánh Mỹ. Khi giải phóng xong miền Nam thì nhà tôi được Bác Hồ xét công lao số 1, trên cả Lê trọng Tấn và Trần Ðộ. Ðúng ra ông Ðộ cũng được phong Đại Tướng một lượt với ông Tấn và nhà tôi. Nhưng ông Ðộ mắc khuyết điểm hũ hóa với bà Ba Ðịnh trong cương vị Phó Tư Lệnh bộ chỉ huy R. Chỉ có chút đó mà rụng mất hai sao. Tôi bảo là cái hoa ti gôn độc địa lắm. Hễ phất qua phất lại vài lượt là có kẻ rơi sao. Trong hàng Tướng không tay trong sạch đạo đức bằng ông nhà tôi và ông Ðộ. Nhưng mà rồi ông Ðộ cũng cầm chân con tí ngẩn không nổi đến đổi phải bị cái bề hê Nam Kỳ hốt hồn. Chả là bà Phó gần 70 nhưng da dẻ còn hồng hào, thân hình còn phốp pháp. Ở trong rừng
thì bà ta là nàng tiên so với đám khỉ cái, thì dễ gì các ông đực rựa tha tào? Thôi, đại khái là như vậy, kể ra hết thì dài dòng nhưng cái sự ấy cũng chỉ thế ấy thôi. Và thế rồi ông Ðộ chỉ đeo 2 sao! Bà Tòa buột miệng:
- Ai không biết nó như "dậy", nhưng mà sao không tránh đi!
Bà Tuýt kêu lên:
- Trời ơi, bảo tránh không được mà! Nếu tránh được thì con Rồng Vàng không sút móng! Vững lập trường như ông Đại Tướng…ý mà thôi bứt dây động rừng! Không khéo tôi bị chị Hai quở trách và mất tín nhiệm khó mà sống lắm chị à!
Bà Tòa nằn nì:
- Ở đây có hai chị em mình với cội hoa còi kia ai biết được mà chị lo dữ vậy. Có bề gì em bảo nhà em phê trắng án cho chị mà! Hổng lẽ em vô ơn hay sao?
Bà Tuýt còn giữ trong bụng biết bao nhiêu chuyện chết thì đem theo chớ chưa nói với ai. Ở trên cũng khôn. Cho bà ăn xôi chùa để bà ngậm miệng. Cục xôi chùa là cái ghế ủy viên ủy ban bảo vệ sức khỏe trung ương của Chị Hai Thanh Xuân. Bữa nay gặp người đồng bệnh, vả lại ngứa miệng nên khui ra bộn bàng. Bà ngưng một lúc, suy nghĩ, rồi nói, giọng thân mật hơn:
- Một người biết thêm cũng chả đến nỗi vỡ tung bộ chính trị, huống chi chị cũng không muốn giữ trong bụng em à! Thôi, trời xui đất khiến cho chị gặp em ở đây trong cái thời buổi nhiễu nhương này, âu cũng là định mệnh. Năm nay chị cũng đã cổ lai hi rồi. Năm 1943 chị mới
có ngoài hai mươi đi lên chiến khu làm giao liên bí mật, ham làm cách mạng lắm tuy chưa biết nó
là cái gì. Chỉ thấy cái bóng thôi mà đã tưởng Mỹ Nhân, chớ đâu biết Mỹ Nhân chỉ là cái áo khoác bên ngoài con quỉ dạ xoa. Nếu biết thế thì đã không nhầm. Bây giờ biết đã nhầm thì quá muộn. Em nghĩ ở tuổi của chị bây giờ còn làm được gì ngoài việc kiếm ăn. Không phải chị hèn hạ trước chén cơm manh áo đâu em, chị mong em đừng hiểu chị như thế. Không, em không bao giờ hiểu chị như thế. Bà Tòa nói. Chị còn biết rõ ông Trường Chinh báo cho mật thám Tây bắt ông Hoàng văn Thụ hồi năm 1942. Chị hồi đó đâu phải như bây giờ. Cuộc họp trung ương nào không có chị dự? Chị là con én của mùa Xuân cách mạng mà. Chính Bác Hồ đã gọi chị như thế! Cách mạng hồi đó vui và hào hùng lắm chớ không ti tiện chó má như bây giờ. Cái đám thằng Phiêu thằng Phiếu hồi đó đâu có được nấu nước cho hội nghị uống. Ông Giáp hồi đó ốm nhom nhưng không điêu tàn như bây giờ. Chỉ huy có 21 người nhưng oai hùng hơn lãnh đạo cả triệu quân. Tướng Tá hồi đó dũng cảm kiên cường cho nên mở chiến dịch nào là thắng to chiến dịch ấy. Ông Sáu Di hồi đó ở đâu hả chị? Ổng ở đâu chị không biết mãi đến gần chiến dịch Ðiện Biên thì chị mới nghe Bác nói: "Chú Thanh ở ngoài tiền tuyến mãi như rứa không góp được ý kiến hay cho bộ tổng tư lệnh. Ði gọi chú ấy về. Chính chị đã lận lưng lá thư của bác gọi ông ấy ra tận tổng hành dinh của ổng ở Thái Nguyên chớ ai. Ông Thanh và ông Giáp hồi đó là tướng cạnh của Bác. Việc gì cũng hỏi hai ông ấy rồi mới đến ông nhà chị.
Bà ủy viên rưng rưng nước mắt, húp môi nhưng vẫn kể:
- Chị nói thật với em, ai chết thì cũng thế thôi. Không thành thần thì ra ma quỉ, chứ có ai sống đời. Nhưng mà chết làm sao, chết cách nào. Chết như Thủ Khoa Huân, như Trần Quốc Toản cũng là chết. Chết như Trần Ích Tắc, như Lê Chiêu Thống cũng là chết! Còn chết như ông nhà chị, thật chẳng giống ai. Không phải Thủ Khoa Huân mà cũng không phải là Trần Ích Tắc! Thật đau đớn quá. "Người ta giết tôi" Ðó là tiếng nói cuối cùng của một nhà cách mạng, của một viên Đại Tướng, một công thần kỳ cựu của cách mạng Việt Nam. Trời đất ơi, làm cách mạng để được cách mạng đối xử như vậy đó! Mấy cái giỗ rồi, chị không cúng kiến chi hết, cúng thì vái làm sao? Vái vong hồn ông ấy về bẻ cổ vặn họng cái đám này à? Hu..hu..hu…Chị buồn quá nên chị đi bụi cho quên hết chứ từng tuổi này mà nhảy nhót uốn éo có ai coi cho!
Bà Tuýt bỗng oà lên khóc to như nước vỡ bờ. Bà Tòa hoảng hốt ôm riết mái tóc bạc của bà ủy viên vào ngực mình kêu lên khe khẽ:
- Chị ơi, chị đừng khóc to thế. Mấy bà kia hay đổ bể ra tùm lùm rồi chị phiền em đấy. Họ đến đậu chến đủ tay rồi. Thôi, lau nước mắt cho khô rồi đi vô. Chị, chị!
Có tiếng bên trong gọi:
- Hai bà kia còn hai tay cho các bà này!
Nhưng bà Tuýt vẫn không dứt tiếng hu hu. Bà Tòa dỗ dành mãi cũng không kết quả, bà
Tòa năn nỉ:
- Thôi đi chị, đừng có khóc nữa. Chị em mình đi vô Chầu tướng là quên hết! Bữa nay có con hùm cái Hồ Tây với con cọp cái Hông Ðà nữa kìa (Hông đà là Hà Ðông ám chỉ bà Ðại Tướng Văn xuống Vũng) ý mà có mụ Chè Tàu nữa (ám chỉ vợ của đương kim Nguyên soái nhà Lê) còn lố nhố vài ba cái bông hồng héo nữa. Ði vô đi chị. Bữa nay ủy ban họp trù bị song song với đại hội đảng nên các ủy viên đều có mặt. Chà, chắc có vấn đề gây cấn!
Bà Tuýt ngẩng đầu lên:
- Gây cấn nhất là vụ con nhí của thằng Huỳnh Long. Chỉ có một, giao cho ai? Chẳng lẽ bắt thăm? Nhưng đàn ông là thế, thế cả. Thằng này chết trên thây ma thằng kia nhưng ngẫm cho cùng thì mình chính là kẻ tạo nên dấu chân cho họ sụp chôn thây họ nên không trách được và có trách cũng không ai nghe cho. Bằng chứng là cụ Lê khả Phiêu mở chiến dịch "tự phê" một năm, lấy ngày sinh nhật của Bác để đánh dấu nhưng có ai phê tự phê gì đâu! Cả cái kẻ đề ra chủ trương này cũng không biết đó là cái gì và do ai dựng nên. Tôi nghiệp mấy ông Thanh Giang, Hoàng minh Chính, Bảo Cự, Dương thu Hương và nhiều đảng viên cao niên khác tưởng thật viết kiến nghị gởi lên trung ương 9 điểm 10 điểm rốt cuộc đều được ngâm chua. Tội nghiệp bà Tề đấu tranh cho chồng là ông Huỳnh cho đến lúc ông Huỳnh chết và bà thì kiệt sức cũng chết theo chồng không thấy ai xét xử. Ðó là những vụ gây cấn nhưng không bằng việc con nhí của thằng chúa tham nhũng Huỳnh Long đâu. Ðể rồi xem, con nhỏ này thuộc về ai, và ai sẽ giết ai, ai sẽ hại ai vì con nhỏ này. Xưa kia trong Nam Kỳ có một cô Ba Trà nhưng hai công tử Bạc Liêu chiếm đoạt, ngày nay miền Bắc ta có một con nhí mà cả chục người tranh ngầm.
Chị Hai Thanh Xuân nghe giọng ai quen quen cứ lải nhải ngoài sân thì bước ra. Không ngờ đó là ủy viên của mình bèn bảo:
- Thôi vô đây họp. Hôm nay nghỉ chầu tướng một bữa đi để làm việc trù bị đại hội. Kéo lằng nhằng mất hết thì giờ mà không giải quyết được gì cả!
Nghe lời chủ tịch mời, bà ủy viên Tuýt và bà Tòa nặng nề cất hai cái thân hình ốm tong lên, đi vào thì thấy trong nhà đã đông nghẹt những người quen kẻ lạ nhưng ai nấy đều ăn mặc sang trọng và đeo đồ trang sứt rợp trời. Bà Tuýt nghĩ: "mấy con đĩ hà nàm này đi trình diện để được chị hai ghi danh sách để mấy lão già lựa chọn chớ gì? Rõ dơ và hèn quá đi mất. Con cái, vợ bé, vợ mọn nhà ai như vậy? Thật đáng xấu hổ cho gia đình và cho cách mạng".
Bỗng bà thấy trong đám lô li ta đang lúm xúm ngoài sân, có một đứa quen quen. Dường như vừa trông thấy bà nó lẩn đi. Bà bước nhanh đến gần, thì ra là con Ngọc Toàn. Bà choáng váng mặt mày. Con gái bà cũng tới đây nữa sao? Quả mẹ là ủy viên con gái làm tiếp viên. Vậy cũng "hài hòa" lắm! Bà vừa chua chát nghĩ vừa gọi khẽ. Ngọc Toàn quay lại. Vừa trông thấy bà thì nó lủi đi ngay. Cha làm thầy con bán sách. Bà ức quá, bà đuổi theo kịp và níu tay nó, gắt:
- Sao con đến đây?
- Sao mẹ đến đây? Nó gắt trả lại ngay.
- Mẹ đến có chuyện.
- Con đến cũng có chuyện!
- Chuyện gì?
- Chuyện của con, mẹ không cần biết!
Mấy bà ủy viên trong nhà đổ ra. Kẻ khen Ngọc Toàn đẹp, kẻ bĩu môi bảo rau nào sâu ấy. Riêng Chị Hai Thanh Xuân thấy Ngọc Toàn có thể thay được cho con bồ nhí của Huỳnh Long, bà
gọi Ngọc Toàn vào nhà, vào hẳn trong phòng riêng. Một chốc trở ra, cả hai đều có vẻ mặt hớn hở. Các bà ủy viên kẻ thì nghĩ "tiêu con nhỏ", kẻ lại cho rằng nó được dịp may để tiến thân "Qua cái cửa ấy thì đi ngoại quốc dễ như chơi".
Từ lâu bà Tuýt biết con gái đi theo đám bụi, bỏ học, đeo theo thằng học trò ngỗ ngào bị án treo rồi lại lấy chồng là một tay chơi nổi tiếng ở các bar. Thằng rể quí, từ ngày cưới con gái của bà không hề đến nhà bà để chào mẹ vợ hay đốt một cây nhang trên bàn thờ ông bố vợ, có lẽ nó muốn trả thù bà mẹ vợ không đi đám cưới chúng nó chăng? Bà biết con gái bà lấy chồng nhưng không yêu chồng mà lại léng phéng công khai với ý trung nhân là thằng học sinh bị án treo nọ. Ðã vậy nó còn thay kim đổi đĩa với đám Oãi Sài Gòn mới ra Hà Nội. Trên danh nghĩa thì nó là vợ thằng Tuấn, con trai ông Tướng Hoàng su Phì nhưng nó vẫn quan hệ nhăng nhít với thằng tù bị án treo và tên Oãi trưởng Sài Gòn. Bây giờ nó đến đây, nói chuyện kín với chị Hai. Chuyện gì thì không chắc chứ còn vào tay chị Hai thì chắc chắn nộp thịt cho chằng.
Bà Tuýt bỗng kêu nhức đầu và xin vắng mặt ở buổi họp. Các bà ủy viên bàn luận qua loa còn phần chính của chương trình phục vụ hội nghị thì do chị Hai vạch ra trước rồi, các bà chỉ cần gật. Chẳng có gì khó khăn trong việc phục vụ. Hình hài các em đã chụp hình xong, chị Hai đã dán vào album và đã nộp cho ban trù bị đại hội cả tuần trước cho có lệ thôi. Còn các bông hoa tươi thắm thì đã có phần. Chị Hai đã cắt đặt xong rồi. Chỉ cần đem nạp.
Theo yêu cầu của Chín Ủi thì Tư Hồng Kỳ cho thông qua cả danh sách, bảo đảm không có vấn đề chính trị. Riêng con nhí của Huỳnh Long thì cần đưa về Bộ để điều tra thêm (dĩ nhiên là do Phan minh Hợi trực tiếp lấy khẩu cung)
Còn về sự đòi thưởng thức hoa pan hoặc những hoa lạ Champa thì Tư Hồng Kỳ giao cho Chín Ủi lo. Có khó gì, cho các em ăn mặc theo lối miền núi thì các em sẽ trở thành hoa pan, hoa Champa. Còn muốn có hoa Pháp, hoa Ðông Âu thì uốn quăn tóc, mặc áo xẻ rộng ngực như áo l. trâu là thành lay ơn, mõm chó chớ có khó khăn gì. Nhà thơ số 2 dân tộc có câu:
"Giả trông như thật, khác chi mô" mà!
Tôm Hùm Huýt Sáo Tôm Hùm Huýt Sáo - Xuân Vũ Tôm Hùm Huýt Sáo