Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Chương 20 - Đòn Trả Đòn
M
ối quan hệ hiện nay giữa bà Marfa Xtrôgôp và Nađia là như vậy. Bà già xứ Xibir đã hiểu tất cả và nếu cô gái trẻ không rõ là người bạn trai biết bao thương tiếc hãy còn đang sống, thì ít nhất cũng biết anh là thế nào với người mà cô nhận làm mẹ và cô cảm tạ Thượng đế đã ban cho cô niềm vui được gần gũi bà thay cho con trai của bà đã mất.
Nhưng cả hai người đều không thể biết được là Misen Xtrôgôp bị bắt ở Kôlyvan, đang ở trong cùng một đoàn tù với họ và đang đi theo hướng thành phố Tômxk như họ.
Những người tù do Ivan Ôgarep đưa tới đã nhập làm một với tù nhân của Fêôfar giam giữ tại trại quân Tactar. Những kẻ khốn khổ này: người Nga hay người Xibir, quân nhân hoặc dân thường, lên tới con số mấy nghìn, làm thành một đoàn quân kéo dài trên nhiều dặm đường. Trong bọn họ, có những người được coi là nguy hiểm nhất, bị còng tay vào một sợi dây xích dài. Có cả những phụ nữ và trẻ con bị trói hoặc bị treo vào núm đầu yên ngựa và bị kéo lê tàn nhẫn trên mặt đường. Tất cả đều bị dồn đẩy như một bầy súc vật. Bọn lính kỵ áp giải buộc họ phải giữ trật tự tới một chừng mực nào đó và những người quá chậm chạp đã phải ngã xuống để không bao giờ đứng lên được nữa.
Từ sự sắp xếp như trên đi tới kết quả là: Misen Xtrôgôp đi ở hàng đầu trong số tù nhân rời trại quân Tactar, tức là trong những người tù bị bắt ở Kôlyvan. Họ không được xếp lẫn với những tù nhân ở Ômxk tới. Vì vậy anh không thể ngờ được là trong đoàn tù này có mẹ anh và Nađia, cũng như hai người phụ nữ này không thể ngờ là lại có anh ở đây.
Cuộc di chuyển từ trại quân đến thành phố Tômxk tiến hành trong những điều kiện như thế, dưới roi vọt của bọn lính, một số lớn đã bị chết, còn đối với tất cả thì đó là một cơn ác mộng khủng khiếp. Đoàn người phải vượt qua thảo nguyên trên một con đường mịt mù bụi cát do tên êmir cùng tiền quân của hắn gây nên dưới vó ngựa phi. Lệnh của chúng là phải đi thật mau, nên rất ít có những đợt dừng lại nghỉ bù ngắn ngủi. Một trăm năm mươi dặm đường phải đi dưới cái nắng thiêu đốt, thì dù có đi nhanh tới đâu chăng nữa, cũng thấy như không bao giờ chấm dứt!
Đó là một vùng đất cằn cỗi kéo dài từ hữu ngạn sông Ôbi đến chân núi ngang tách ra từ dãy núi Sayanxk theo hướng Bắc - Nam. Chỉ lơ thơ những bụi cây xơ xác cháy sém phá vỡ đó đây tính cách đơn điệu của cả vùng bình nguyên này. Không có cấy cày trồng trọt, vì thiếu nước. Và với đoàn tù đang muốn chết khát vì chuyến đi nhọc nhằn cơ cực này, thì nước uống lại càng là một vấn đề đòi hỏi nghiêm trọng. Để tới được một dòng sông nhánh phải đi về phía Đông tới năm chục dặm, tới tận chân hòn núi ngang, nơi phân thủy giữa lưu vực sông Ôbi và sông Yênitxây. Ở đó có sông Tôm, nhánh nhỏ của sông Ôbi chảy ngang qua thành phố Tômxk, trước khi nhập vào một trong những dòng sông lớn của mạn Bắc. Ở đó, nước tràn trề phong phú, đồng cỏ đỡ khô cằn hơn, thời tiết đỡ oi bức hơn. Nhưng những tên trưởng đoàn áp giải tù nhân được lệnh hết sức nghiêm ngặt là phải đi tới Tômxk bằng con đường ngắn nhất, vì Fêôfar lúc nào cũng sợ bị đột kích tạt sườn và bị chặn lại bởi một đạo quân Nga nào đó từ các tỉnh phía Bắc kéo xuống. Khốn nỗi, con đường cái lớn qua Xibir lại không men theo bờ sông Tôm, trừ một quãng giữa Kôlyvan và một thị trấn nhỏ tên là Dabêđiơrô, mà lệnh thì phải theo con đường lớn Xibir.
Chẳng cần phải nói nhiều về những nỗi khổ ải của bao nhiêu người bất hạnh. Hàng trăm người đã ngã xuống trên đồng cỏ và thi thể của họ nằm lại đó chờ bầy sói bị mùa rét lùa về ngấu nghiến đến những khúc xương cuối cùng.
Nađia lúc nào cũng ở đó, sẵn sàng giúp đỡ bà mẹ xứ Xibir. Cả Misen Xtrôgôp cũng vậy, chân tay còn cử động được là anh còn hết lòng giúp đỡ các bạn tù yếu sức hơn mình trong điều kiện cho phép. Anh động viên người này, an ủi người khác. Quên hẳn bản thân, không quản khó nhọc, anh đi như con thoi khắp chỗ, cho đến khi mũi giáo của một tên quân kỵ bắt anh phải trở lại chỗ của mình trong đoàn tù.
Tại sao anh không tìm cách trốn? Đó là vì lúc này anh đã quyết định là chỉ lao vào đồng cỏ khi nào thật chắc chắn là sẽ thoát được. Anh khư khư ý nghĩ là sẽ đi tới Tômxk “với phí tổn của tên êmir”.
Tóm lại là anh đã tính đúng. Cứ nhìn xem bao nhiêu phân đội giặc lùng sục vùng đồng bằng, phía hai bên sườn của đoàn người đi khi ở phía Nam, khi ở phía Bắc, thì nếu anh trốn, chắc chắn chỉ không quá hai dặm đường là anh không thoát khỏi bị bắt lại. Bọn kỵ binh Tactar đông lúc nhúc, đôi khi tưởng như chúng từ dưới đất trồi lên, chẳng khác gì những sâu bọ kéo đầy lên mặt đất sau một trận mưa rào. Hơn nữa, trốn trong những điều kiện như thế thật cực kỳ khó khăn, nếu không nói là không thể nào thực hiện được. Những tên lính áp giải cảnh giác rất cao, vì chúng sẽ mất đầu nếu xảy ra điều gì sơ xuất trong việc canh giữ.
Cuối cùng, ngày 15 tháng Tám, vào lúc chập choạng tối, đoàn người tới thị trấn nhỏ Dabêđiơrô cách Tômxk ba chục dặm. Ở quãng này con đường gặp dòng sông Tôm.
Việc làm đầu tiên của những người tù là nhào ngay tới mép sông, nhưng bọn coi tù không cho phép họ phá bỏ hàng ngũ trước khi cuộc dừng chân được bố trí xong. Dòng nước sông Tôm thời kỳ này chảy xiết như thác, nhưng một số tù nhân liều lĩnh hoặc tuyệt vọng vẫn có thể lợi dụng để tìm cách trốn, nên người ta lập tức đưa ra những biện pháp đề phòng thật nghiêm ngặt. Những thuyền bè trưng thu ở Dabêđiơrô được neo trên sông Tôm thành một chuỗi chướng ngại khó lòng vượt qua. Còn tuyến cắm trại thì dựa vào những nhà ở địa đầu thị trấn và cả một vòng vây lính gác dày đặc canh giữ.
Misen Xtrôgôp, lẽ ra từ lúc này phải nghĩ đến việc chạy tuốt vào đồng cỏ, nhưng sau khi xem xét tình thế thật cẩn thận, anh thấy là kế hoạch trốn chạy của mình không thể nào thực hiện được, nên đành chờ đợi để tránh mọi khả năng xấu có thể xảy ra.
Trọn đêm đó, những người tù phải cắm trại trên bờ sông Tôm. Tên êmir Fêôfar cũng lui lại ngày đưa quân vào thành Tômxk sang hôm sau. Hắn quyết định tổ chức một ngày hội toàn quân để đánh dấu ngày lễ khánh thành tổng hành doanh quân Tactar trong thành phố quan trọng này. Fêôfar đã chiếm lĩnh pháo đài, nhưng đại bộ phận quân đội của hắn còn đóng dưới chân thành chờ lệnh mới long trọng tiến vào thành.
Ivan Ôgarep để Fêôfar ở lại Tômxk, nơi mà cả hai cùng đến ngày hôm trước và hắn trở lại Dabêđiơrô. Chính từ điểm này, ngày hôm sau hắn sẽ xuất phát cùng với đoàn quân hậu vệ Tactar. Một căn nhà đã được chuẩn bị để hắn nghỉ qua đêm ở đấy. Vào lúc mặt trời mọc, dưới sự chỉ huy của hắn, kỵ binh và bộ binh sẽ rầm rộ tiến vào thành Tômxk, ở đó tên êmir muốn tiếp đón chúng với nghi thức long trọng thường dùng của các quốc vương châu Á.
Khi cuộc đóng quân bố trí xong, những người tù rã rời vì ba ngày đi đường, khát đến cháy cổ, cuối cùng đã có thể có nước uống và nghỉ ngơi đôi chút.
Mặt trời đã lặn, nhưng ánh hoàng hôn còn chiếu sáng phía chân trời, lúc Nađia dìu bà Marfa Xtrôgôp ra đến bờ sông Tôm. Đến lúc này, cả hai mới len lỏi qua được những hàng người dày đặc trên bãi sông để ra uống nước.
Bà già xứ Xibir cúi xuống dòng nước mát và Nađia vục hai bàn tay đưa nước lên miệng bà. Rồi đến lượt cô giải khát. Bà Marfa và cô gái trẻ Nađia đều thấy như được sống lại nhờ dòng nước mát lành này.
Đột nhiên giữa lúc định rời dòng sông, Nađia bỗng đứng bật lên. Một tiếng kêu không sao ngăn được bật ra khỏi miệng.
Misen Xtrôgôp đứng đó, chỉ cách cô vài bước chân! Đúng là anh ấy!... Ánh sáng cuối cùng của hoàng hôn còn soi rõ!
Nghe tiếng kêu của Nađia, Misen Xtrôgôp rùng mình... nhưng anh đã kìm chế được để không thốt ra lời nào có thể gây tai họa.
Và cùng lúc trông thấy Nađia, anh nhìn thấy cả mẹ anh!...
Trong cuộc gặp gỡ bất ngờ này, Misen Xtrôgôp cảm thấy không còn làm chủ được mình nữa. Anh đưa tay lên ngang mắt và lập tức đi ra xa.
Nađia bất giác nhón chân định chạy theo, nhưng bà Marfa đã kịp giữ cô lại và hé tai nói nhỏ:
- Ở lại, con!
- Anh ấy đấy! - Nađia nói đứt quãng vì xúc động. - Anh ấy còn sống, mẹ ơi! Chính anh ấy đấy!
- Đó là con trai của mẹ! - Bà Marfa nói. - Đó là Misen Xtrôgôp! Con thấy là mẹ không đi một bước nào về phía nó. Hãy làm theo mẹ, con gái của mẹ ạ!
Misen Xtrôgôp vừa trải qua một xúc động mãnh liệt nhất mà con người có thể cảm nhận. Mẹ anh và cả Nađia ở đó! Hai nữ tù nhân này hầu như hòa nhập vào nhau trong trái tim anh. Thượng đế đã run rủi cho người nọ đến với người kia trong cảnh bất hạnh chung này! Phải chăng Naddia đã biết rõ anh là ai? Không đâu, vì anh đã trông thấy cử chỉ của bà Marfa giữ cô lại lúc cô định lao theo anh! Vậy thì mẹ anh đã biết tất cả và đã giữ kín cho anh.
Đêm hôm đó, có tới hai chục lần Misen Xtrôgôp định tìm cách tới chỗ mẹ và Nađia, nhưng anh hiểu là anh phải chống lại cái ý muốn sôi sục đó, cái ý muốn được ôm mẹ trong vòng tay của mình và được một lần nữa siết chặt bàn tay cô bạn gái! Chỉ một khinh suất nhỏ cũng có thể làm đổ vỡ tan tành tất cả! Vả lại, anh đã nguyện là sẽ không tìm thăm hỏi mẹ. Anh phải tự nguyện làm theo lời nguyền đó! Vì không thể không trốn ngay đêm nay khi tới Tômxk. Anh sẽ vượt qua đồng cỏ, thậm chí anh sẽ không được ôm hôn hai con người thân yêu mà ở họ thâu tóm ý nghĩa cả cuộc đời anh. Đành phải để họ ở lại gánh chịu lấy bao nỗi hiểm nguy.
Vậy là Misen Xtrôgôp có thể hy vọng rằng cuộc gặp gỡ mới này ở Dabêđiơrô, nơi cắm trại, không mang lại hậu quả gì tai hại cho mẹ anh và cả cho anh. Nhưng anh không biết là một vài chi tiết trong cảnh đó tuy diễn ra rất nhanh cũng đã bị Săngga, gián điệp của Ivan Ôgarep, bất chợt nhìn thấy.
Mụ Digan ở trên bờ sông, cách đó vài bước, lúc nào cũng rình mò theo dõi bà già xứ Xibir, nhưng không để cho bà ngờ vực. Mụ không nhìn thấy Misen Xtrôgôp, vì anh đã mau chóng lẩn đi rồi, nhưng cử chỉ của bà mẹ giữ Nađia lại không lọt qua được mụ và một lóe sáng trong đôi mắt của bà Marfa đã làm cho mụ hiểu tất cả.
Như vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, con trai của bà Marfa Xtrôgôp, người chạy thư của Nga hoàng lúc này đang ở Dabêđiơrô trong số tù nhân của Ivan Ôgarep.
Săngga không biết mặt Misen Xtrôgôp, nhưng mụ biết là có anh ở đây! Mụ không tìm cách phát hiện ra anh; đó là điều khó thực hiện được trong bóng đêm và giữa đám người đông đúc này.
Còn việc lại tiếp tục rình rập Nađia và bà Marfa thì cũng là vô ích. Chắc chắn hai người đàn bà này luôn chú ý giữ gìn và không có khả năng nắm bắt được điều gì có thể phương hại tới người giao liên của Nga hoàng.
Mụ Digan chỉ còn một ý nghĩ: Báo cho Ivan Ôgarep biết. Thế là mụ rời ngay khỏi nơi cắm trại.
Mười lăm phút sau, mụ tới Dabêđiơrô và được đưa vào trong nhà ở của Ivan Ôgarep, phụ tá của tên êmir. Mụ được Ivan Ôgarep tiếp ngay:
- Muốn yêu cầu ta điều gì nào, Săngga? - Hắn hỏi.
- Con trai mụ Marfa Xtrôgôp hiện nay đang có mặt ở chỗ hạ trại. - Mụ Digan đáp.
- Nó là tù nhân ư?
- Là tù nhân.
- À, ra thế! - Ivan Ogarep kêu lên. - Rồi ta sẽ rõ...
- Ông chẳng rõ được gì đâu, ông Ivan ạ. - Mụ Digan nói. - Vì ông chưa biết mặt hắn.
- Nhưng mụ, mụ phải biết mặt hắn chứ! Mụ đã nhìn thấy hắn phải không, Săngga?
- Tôi không nhìn thấy hắn, nhưng nhìn thấy mẹ hắn. Mụ này đã tự phát giác qua một cử chỉ làm tôi hiểu hết.
- Mụ không lầm đấy chứ?
- Không, không thể lầm được!
- Chắc mụ biết tầm quan trọng của việc ta để tâm bắt giữ tên giao liên này chứ? - Ivan Ôgarep nói. - Nếu bức thư Maxcơva trao cho hắn mà tới được Irkuxk, tới được tay đại công tước, thì ông ta sẽ cảnh giác đề phòng và ta khó mà tiếp cận được! Vậy thì bức thư đó phải vào tay ta! Ta hỏi lại lần nữa: Săngga! Liệu mụ có lầm không?
Ivan Ôgarep nói một cách sôi nổi. Sự xúc động của hắn chứng tỏ ý nghĩa cực kỳ quan trọng của việc phải đoạt bằng được bức thư đó. Không một chút lúng túng về việc Ivan Ôgarep nhấn mạnh lần nữa câu hỏi của hắn, mụ rắn rỏi đáp:
- Tôi không lầm đâu, Ivan!
- Nhưng, Săngga này! Trong trại có đến hàng nghìn tù nhân và mụ nói là mụ không biết mặt Misen Xtrôgôp!
- Đúng đấy! - Mụ Digan đáp, mắt lóe lên một tia sáng man rợ. - Tôi, tôi không biết hắn, nhưng mẹ hắn biết! Ivan! Phải bắt mẹ hắn nói ra!
- Ngày mai, mụ già đó sẽ phải nói! - Ivan Ôgarep rít lên.
Rồi hắn chìa tay cho mụ Digan, mụ này nắm lấy và đưa lên môi hôn. Cử chỉ tôn trọng này theo tập quán các chủng tộc phương Bắc không có ý nghĩa hạ tiện.
Săngga trở về trại. Mụ lại tới chỗ của Nađia và bà Marfa, thức suốt đêm theo dõi hai người. Bà già và cô gái không ngủ, dù vô cùng mỏi mệt. Bao nỗi băn khoăn lo lắng làm họ chong chong thức suốt. Misen Xtrôgôp còn sống, nhưng cũng bị bắt tù như họ! Liệu Ivan Ôgarep, có biết cái đó không? Và nếu như hắn chưa biết thì rồi đây hắn sẽ có biết không? Tất cả tâm trí của Nađia đều dồn vào ý nghĩ này. Người bạn trai của cô còn sống, mà cô cứ nghĩ là đã chết rồi! Nhưng bà Marfa nhìn xa hơn và nếu như bà xem nhẹ sinh mạng của mình, thì bà lại có lý để rất lo ngại cho con trai bà.
Săngga len lỏi trong bóng tối tới gần hai người đàn bà đó, đứng yên tại chỗ suốt mấy tiếng đồng hồ dỏng tai lên nghe ngóng... Mụ chẳng nghe được gì cả. Với linh cảm phải hết sức cảnh giác, Nađia và bà Marfa không trao đổi một lời.
Ngày hôm sau, 16 tháng Tám, hồi mười giờ sáng, tiếng kèn đồng lảnh lót vang lên ở khu rìa trại quân. Lính Tactar lập tức chỉnh đốn đội ngũ.
Ivan Ogarep, sau khi rời Dabêđiơrô, tới trại ngay giữa một ban tham mưu đông đảo các sĩ quan Tactar. Vẻ mặt hắn sa sầm hơn thường lệ và những nếp nhăn hiện lên trên mặt chứng tỏ trong hắn đang nung nấu một cơn giận sục sôi chỉ chờ dịp nổ tung.
Misen Xtrôgôp đứng lẫn trong đám tù, nhìn thấy tên này đi qua. Anh linh cảm một tai biến nào đó sắp xảy ra, vì Ivan Ôgarep bây giờ đã biết rõ bà Marfa Xtrôgôp là mẹ của Misen Xtrôgôp, đại úy trong đội quân liên lạc của Nga hoàng.
Ivan Ôgarep tới giữa trại thì xuống ngựa và bọn kỵ binh tùy tùng quây thành một vòng tròn rộng quanh hắn.
Giữa lúc đó Săngga đến gần nói khẽ:
- Tôi không có tin gì mới đâu, Ivan ạ!
Ivan Ôgarep chỉ đáp lại bằng một lệnh ngắn cho viên sĩ quan tùy tùng...
Tức thì bọn lính hung hãn xông đến hàng ngũ tù nhân. Những con người khốn khổ này bị roi vụt, bị cán giáo thúc vào người, phải vội vàng đứng lên và xếp hàng thành một vòng tròn quanh trại. Phía sau họ là bọn lính bộ và lính kỵ quây thành bốn lớp, vô hiệu hóa tất cả các cuộc trốn chạy.
Ngay lập tức bầu không khí trở nên im phắc nặng nề. Ivan Ôgarep vừa ra hiệu, thì mụ Săngga liền tiến đến chỗ đám đông trong đó có bà Marfa Xtrôgôp.
Bà già Xibir nhìn thấy mụ đi đến. Bà biết cái gì sắp xảy ra. Một nụ cười mỉm khinh miệt nở trên môi bà. Rồi nghiêng người sát Nađia, bà nói nhỏ:
- Con không biết mẹ là ai, con nhé! Bất cứ cái gì xảy ra và dù sự thử thách này có gay gắt tới mức nào cũng không một lời nói, không một cử chỉ! Đây là vì nó, chứ không phải vì mẹ đâu.
Sau một lát nhìn chòng chọc thẳng vào đôi mắt bình thản của bà già xứ Xibir, Săngga đặt tay lên vai bà.
- Chị muốn gì? - Bà Marfa hỏi.
- Đến đây! - Mụ Săngga cộc lốc ra lệnh.
Và mụ đẩy bà đến giữa khoảng trống trước mặt Ivan Ogarep.
Misen Xtrôgôp lim dim cặp mắt để giấu bớt những tia long lanh.
Bà Marfa đi tới trước mặt Ivan Ôgarep, đứng thẳng người, tay khoanh trước ngực, bình tĩnh chờ đợi.
- Mụ đúng là Marfa Xtrôgôp phải không? - Ivan Ôgarep hỏi.
- Phải! - Bà già Xibir lạnh lùng đáp.
- Mụ có gì cần cải chính những điều mụ đã trả lời ta ở Ômxk cách đây ba ngày không?
- Không!
- Vậy mụ không biết con trai mụ, Misen Xtrôgốp, liên lạc viên của Nga hoàng đã đi qua Ômxk?
- Không biết.
- Và người mà mụ đã gọi là con ở trạm giao thông Ichim không phải là Misen Xtrôgôp, con trai mụ ư?
- Không phải con trai tôi!
- Và từ đó đến nay, mụ không thấy hắn giữa đám những người tù này phải không?
- Không thấy!
- Và nếu như người ta trỏ cho mụ thấy, thì mụ có nhận hắn không?
- Không!
Tiếng xì xào lan khắp trong đám đông khi nghe câu trả lời này. Nó tỏ rõ quyết tâm không gì lay chuyển nổi: không thú nhận gì cả.
Ivan Ôgarep không ngăn nổi một cử chỉ đe dọa:
- Nghe đây! - Hắn bảo bà Marfa. - Con trai mụ hiện ở đây, mụ phải chỉ nó cho ta ngay tức khắc!
- Không!
- Tất cả những người bị bắt ở Ômxk và Kôlyvan sẽ lần lượt diễu qua trước mặt mụ. Nếu mụ không chỉ Misen Xtrôgôp cho ta, thì cứ có bao nhiêu người diễu qua là bấy nhiêu đòn bằng roi da mụ sẽ phải chịu.
Ivan Ôgarep cũng hiểu là dù đe dọa thế nào, dù tra tấn tới đâu cũng khó mà cạy được miệng bà già xứ Xibir ngoan cường bất trị này. Để phát hiện ra Misen Xtrôgôp, hắn trông đợi không phải ở bà, mà ở chính Misen Xtrôgôp. Hắn không thể tin được là khi người mẹ và đứa con mặt đối mặt mà lại không có một động tác, một cử chỉ không cưỡng được phản lại họ. Tất nhiên, nếu chỉ muốn đoạt lại bức thư của nhà vua, thì hắn chỉ cần đơn giản ra lệnh khám xét tất cả các tù nhân, nhưng Misen Xtrôgôp có thể đã hủy bức thư đó sau khi đã nắm nội dung, và nếu anh không bị lộ mà tới được Irkuxk, thì kế hoạch của Ivan Ôgarep bị hoàn toàn phá sản. Như vậy, Ivan Ogarep không chỉ cần bức thư, mà còn cần cả chính người mang thư.
Nađia nghe thấy tất cả và bây gì cô mới vỡ lẽ biết Misen Xtrôgôp là ai và vì sao anh lại muốn bí mật đi xuyên qua các tỉnh bị địch chiếm đóng ở Xibir.
Theo lệnh của Ivan Ôgarep, tù nhân từng người một diễu qua trước mặt bà Marfa Xtrôgôp. Bà đứng yên như pho tượng với cái nhìn lơ đãng, hoàn toàn thờ ơ với những gì diễn ra trước mắt.
Con trai bà ở vào hàng cuối cùng. Khi đến lượt anh đi qua trước mặt bà mẹ, Nađia nhắm nghiền hai mắt.
Vẻ ngoài, Misen Xtrôgôp tỏ ra thật thản nhiên, nhưng lòng bàn taỵ anh rướm máu; những móng tay đã bấm sâu vào, ngoài ý thức của anh.
Ivan Ôgarep chịu thua.
Mụ Săngga đứng cách đó một quãng ngắn, thét:
- Roi da!
- Đúng! - Ivan Ôgarep không tự chủ được nữa cũng kêu lên. - Cứ roi da mà quật vào con mụ già này! Quật cho đến chết!
Một tên lính Tactar, tay cầm cái dụng cụ tra tấn khủng khiếp đó, đi đến gần bà Marfa Xtrôgôp.
Chiếc roi gồm nhiều dây da, đầu gắn những sợi thép xoăn. Người ta ước tính: xử phạt một trăm hai chục roi đó tương đương với án tử hình. Bà Marfa Xtrôgôp biết như vậy, nhưng bà quyết: không một hình thức tra tấn nào làm bà mở miệng, bà sẵn sàng hy sinh tính mạng mình.
Hai tên lính tóm lấy bà, bắt bà quỳ xuống. Áo bà bị chúng xé toạc làm cả tấm lưng phơi ra. Một mũi gươm nhọn chĩa vào ngực bà chỉ cách vài đốt ngón tay. Trường hợp bị đánh đau quá mà bà xỉu xuống thì mũi gươm nhọn sẽ xuyên vào ngực.
Tên lính Tactar cầm roi đứng như trời trồng. Nó chờ lệnh.
- Bắt đầu! - Ivan Ôgarep thét to.
Chiếc roi vung lên rít trong không khí... Nhưng trước khi nó quất xuống tấm lựng trần của nạn nhân, thì một bàn tay mạnh mẽ đã giằng lấy trong tay tên lính.
Misen Xtrôgôp! Trước cái cảnh ghê rợn khủng khiếp ấy, anh nhảy bổ tới... Nếu ở trạm Ichim anh đã nhẫn nhục khi bị cán roi đập vào vai, thì ở đây, trước cảnh mẹ anh sắp sửa bị lăng nhục, hành hạ, anh không sao tự kiềm chế nổi.
Ivan Ôgarep đã thành công.
- Misen Xtrôgôp! - Hắn kêu to.
Rồi tiến đến gần, hắn thốt lên:
- À! Con người trạm Ichim!
- Chính người đó! - Misen Xtrôgôp bình thản nói và giơ cao roi da quất mạnh vào giữa mặt Ivan Ogarep.
- Đòn trả đòn! - Anh nói.
- Cú trả miếng tuyệt vời! – Tiếng của một khán giả kêu lên thán phục, nhưng bị lẫn trong tiếng ồn ào đang sôi động.
Hai chục tên lính nhảy xổ vào Misen Xtrôgôp, gươm giơ cao.
Nhưng Ivan Ôgarep thét lên đau đớn điên cuồng kèm theo một cử chỉ ra lệnh ngăn chúng lại:
- Tên này dành cho êmir xét xử! - Hắn nói. - Hãy khám xét nó.
Lá thư có quốc ấn được tìm thấy ở ngực áo Misen Xtrôgôp, anh chưa kịp hủy. Chúng đưa bức thư ấy cho Ivan Ôgarep.
Người chứng kiến cảnh trên đây đã kêu lên câu: “Cú trả miếng tuyệt vời!” không phải ai khác, mà là Anxiđ Jôlivê. Bạn đồng nghiệp của anh, Hary Blao và anh dừng chân ở trại Dabêđiơrô đã được chứng kiến cảnh này.
- Trời đất! - Anh nói với bạn. - Những người phương Bắc này quả thật là những con người ghê gớm! Đúng là chúng ta phải sửa sai ý nghĩ đối với người bạn đồng hành của chúng ta! Korpanôp hay Xtrôgôp thật là tương xứng! Rửa hận Ichim thật tuyệt vời!
- Đúng, quả là một cuộc rửa hận đẹp vô cùng! - Hary Blao đáp. - Nhưng Xtrôgôp phải chết thôi. Có lẽ hay hơn là chưa nên trả hận vội!
- Vậy thì để cho bà mẹ phải chết dưới làn roi da ư?
- Thế anh tưởng rằng sự nổi giận như vậy sẽ làm cho số phận của mẹ và em gái anh ta tốt hơn sao?
- Tôi chẳng tưởng gì hết và cũng chẳng cần biết gì cả, - Anxiđ Jôlivê đáp. - Nếu tôi ở vào địa vị anh ta, thì tôi cũng chẳng làm gì hơn thế đâu! Chà, cái vệt roi quất mới ác làm sao! Nhưng, trời ạ! Đôi khi con người cũng phải biết sục sôi lên như vậy. Nếu Thượng đế muốn chúng ta bất cứ ở đâu, bất cứ ở hoàn cảnh nào cũng là những con người bình chân như vại, thờ ơ với tất cả, thì phải cho nước lã vào trong huyết quản, chứ đừng có cho máu!
- Một sự kiện tuyệt vời đáng viết thành một thiên ký sự đấy! - Hary Blao nói. - Giá mà Ivan Ôgarep cho chúng ta biết một chút về lá thư đó nhỉ!
Lá thư đó, Ivan Ôgarep, sau khi lau máu chảy đầy mặt, đập vỡ dấu niêm phong, và đọc đi đọc lại rất lâu như muốn nhập tâm tất cả nội dung của bức thư mật.
Rồi, sau khi ra lệnh trói Misen Xtrôgôp thật chặt và giải anh vào thành Tômxk với những người tù khác, hắn chỉ huy tất cả những đơn vị đã hạ trại ở Dabêđiơrô và, trong tiếng trống, tiếng kèn inh ỏi, hắn tiến vào thành phố. Ở đây Fêôfar đang chờ hắn.