However rare true love may be, it is less so than true friendship.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20: Kiếp Người, Kiếp Vật!…
áng hôm sau, tôi vẫn đội mũ cát nhưng đi dép Thái Lan. Còn đôi dép râu tôi đút gầm giường. Đôi dép này mang từ Sài Gòn ra. Khi không thấy tôi đi, tôi biết chắc tụi phản gián tỉm được đôi dép đó. Không có cóc khô gì trong ấy cả.
Bắt đầu ra khỏi cửa khách sạn, tôi ghi nhớ bất cứ một bộ mặt, hoặc không thấy mặt thì dáng dấp, dù trong một ngách ở xa xôi, hoặc đứng trong cửa sổ, trừ khi cửa đó khép để khe hở để theo dõi. Nhưng, khi tôi đã nghi một khe hở của một chiếc cửa nào, đi chừng 100 mét, tôi sẽ mượn cớ nào đó quay lại, nhìn thấy khe hở ấy khác đi là tôi đặt vấn đề rồi. Cho nên, hầu như tôi không bỏ sót một cái đuôi nào mà tôi không biết. Nếu tôi chưa biết chắc rõ bao nhiêu cái đuôi, tôi chỉ dẫn vào những ngõ vắng, hoặc ngõ hẹp, là phải lộ hết.
Khi tới Ngõ Huyện, tôi vào làm bát phở. Ăn xong, tôi “cố ý” vô tình để quên chiếc mũ cát. Tôi biết, chiếc mũ này, người khác nào đó sẽ tưởng tôi quên, cầm lấy. Nhưng, không những không được, mà có khi còn liên lụy. Chiếc mũ ấy phải về tay một, trong những cái đuôi của tôi, để rồi về tới cơ quan phản gián của Hà Nội.
Tôi đến cuối nhà thờ, mới vờ bất chợt vỗ tay lên đầu, và ngơ ngác vội vàng quay lại hiệu phở. Cái mũ đã mất, tôi tỏ vẻ ngẩn ngơ tiếc của, rồi tiếp tục đi trở lại phía nhà thờ. Điều đó sẽ góp một phần nhỏ, trong kế hoạch của tôi đối với chúng sau này. Tôi là người đãng trí.
Hôm nay Chủ Nhật mà Nhà Thờ Hà Nội thật vắng vẻ, lưa thưa một vài người đi lễ. Cuối nhà thờ chỉ mở một cánh cửa bên. Trong nhà thờ có tất cả khoảng bảy, tám mươi người, đa số là các ông bà già, còn thanh niên phụ nữ, trẻ con khoảng mười sáu, mười bảy em. Giữa cảnh vắng vẻ và trong ánh sáng lờ mờ vì nhiều cửa đóng, óc tôi trầm ngâm liên tưởng đến những hình ảnh buổi thiếu thời, những ngày Chủ Nhật, tôi cũng đi lễ nơi đây. Ồn ào náo nhiệt, chuông trống tưng bừng, rộn ràng, một thời phồn thịnh huy hoàng của giáo dân miền Bắc.Tôi đăm chiêu nhìn mấy chục người, đang gục đầu lâm râm than thở. Tôi chợt nhớ đến mấy câu trong bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của bà Huyện Thanh Quan:
“Lối xưa xe ngựa, hồn Thu Thảo.
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương. ………..
Đá vẫn trơ gan, cùng tuế nguyệt.
Nước còn cau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ, soi kim cổ.
Cảnh đấy, người đây, luống đoạn trường.”
Nhìn cảnh này, ruột tôi cũng đứt từng khúc như bà Huyện năm xưa. Cùng một cảnh, hai thời đại, một tâm hồn. Tan lễ, tôi đứng tựa lưng vào hàng rào sắt, nơi tượng Đức Mẹ đứng giữa sân phía cuối nhà thờ.
Nhìn những ông bà già lầm lũi ra về, mắt tôi thoáng thấy bà dì họ. Bà có tên là bà Đốc Cắn. Chồng bà chết từ khi tôi chưa biết cuộc đời. Bà không có con, chỉ có con nuôi. Vì tiếc mấy ngôi nhà của anh chị em bà ở Hàng Bạc và phố Lương Ngọc Quyến, bà đã ở lại Bắc. Không ngờ, tất cả mấy ngôi nhà này đều thuộc về Cục Quản Lý Nhà Cửa của nhà nước.
Bà dì tôi vẫn mập như xưa, nhưng tóc đã ngả mầu và da đã nhăn. Nét đăm chiêu mang nhiều tư lự. Khi bà đi ngang qua, bà có nhìn thấy tôi, nhưng con mắt của bà nhìn tôi như trăm ngàn người khác qua đường. Phải, làm sao bà có thể nhận ra thằng cháu của bà được. Bởi vì, có đập bể đầu ra, bà cũng không thể ngờ tôi lại ra Hà Nội. Phần tôi, ý thức được vấn đề là tôi đến gặp bà, thì sau này bà phải vào gặp công an. Tôi chỉ nhìn bà bằng con mắt lê thê và đè nỗi niềm xúc động đầy vơi của mình xuống. Tôi theo đường Lý Quốc Sư ra Hàng Bông, về Hàng Gai. Tới đấy, tôi thấy một chị du kích áo nâu, quần đen thắt ống. Vai đeo khẩu CKC, đang nắm tay một em nhỏ chừng 12, 13 tuổi, kéo về phía đồn cảnh sát bờ hồ. Những người đi đường hỏi, chị nói: “Thằng này và mấy thằng nữa đứng nấp trong ngõ, chờ những em gái chạc tuổi đi qua, xông ra bóp … vú.” Tôi nghe mà không hiểu được, tại sao một xã hội suy đồi đến độ kỳ lạ như vậy?
Đến đầu Hàng Đào, bỗng dưng tôi thấy mấy bà ôm thúng bán mấy nải chuối, bà thì mấy trái dứa… ôm quang thúng chạy tóe khói ra. Một anh cảnh sát chừng 22, 23 tuổi đang đuổi theo bà. Anh cảnh sát đã nắm được quang gánh. Bà đó chừng 40, 45 tuổi vừa thở hổn hển, hai tay cứ vặn vẹo vào nhau:
- Thưa anh, anh tha cho em, nhà em chỉ có vài nải chuối và mấy quả dứa chín này đem bán, về mua gạo cho các cháu nhỏ. Lần sau em không dám đem đi bán nữa.
Tai tôi nghe mà lòng quặn thắt lại. Óc tôi càng mở rộng để hiểu cuộc đời và những kiếp người. Tôi bỏ đi dọc theo Hàng Đào, đến Hàng Ngang. Hàng Bạc đây rồi! Nhớ đến hai câu thơ:
“Cho hay, cảnh cũ ưa người nhỉ?
Ai thấy, mà ai chẳng ngẩn ngơ”
Tôi thấy lòng thổn thức bâng khuâng, vơi đầy khi nhìn phố cũ. Lạ thật! Cũng đường phố ấy, cũng những căn nhà ấy ngày xưa, mà bây giờ tôi lại nhìn thấy bé nhỏ, lũn tũn như những chuồng chim bồ câu. Phố xá thì bé con, ngắn một tị.
Chân tôi cứ thả bước, lòng tôi cứ chìm nổi đầy vơi. Tôi đi sát nhà Tân Hưng, chiếc biển hiệu đã gỡ. Còn hai chữ “Tân Hưng” kẻ vào tường trước đây, hãy còn mờ mờ. Tôi liếc nhìn vào trong nhà, thấy được ngăn ra từng gian, bằng những tấm cót, có những bà nhà quê xa lạ. Ô kia rồi! Mãi trong sân, tôi thoáng thấy chị Thuận. Trông chị mà tôi rất ngạc nhiên: Chị là hoa khôi Hàng Bạc 1952 cơ mà (đầu 1954 chính chị và em trai chị là Hòa đã kể lại), khi ấy tôi chỉ là một cậu bé 15, 16 tuổi. Tôi cũng đã biết, chị được bao nhiêu những tay công tử hào hoa của Hà Thành đắm say, ngưỡng mộ.
Con gái Hàng Bạc xưa nay nổi tiếng đài các trâm anh, vừa giầu, lại vừa đẹp, cành vàng là ngọc. 1953, cô Mi nhà Ngọc Chương lại là hoa khôi Hàng Bạc. Dù còn nhỏ, tôi vẫn thấy các cô đẹp như tiên. Thế mà bây giờ tôi nhìn chị Thuận như một bà gái xề, nửa tỉnh, nửa quê đang đút cơm cho con ăn. Giữa lúc ấy, tôi thấy anh Kỳ, chồng chị Thuận. Trông anh già và gầy nhỏng, đi đôi guốc lộc cộc, tay dẫn hai đứa con gái nhỏ ở ngoài phố về. Anh Kỳ đấy ư? Một người mà trước kia không bao giờ mặc pyjama hay đi dép ra đứng ở cửa hiệu. Nhà anh thường có 4, 5 người ở, đài các thanh lịch lắm. Giờ đây, sau 8 năm, những người giầu có ngày xưa là đây.
Những hình ảnh này cho tôi thấy: Dưới chính quyền “xã hội chủ nghĩa”, người giầu trở thành người nghèo. Người nghèo trở thành người cùng cực hơn. Kia, nhà Trường Nguyên; đây Chấn Hưng, Bảo Hưng Long; Lại đây nữa: Bảo Thịnh, Đức Hưng, Bảo Thành, v.v…Toàn thấy những người nhà quê. Nhà nào cũng quây cót. Sau này tôi hiểu, tùy theo nhà anh bao nhiêu người, chỉ cho anh ở một phần theo số người. Phần còn lại, thuộc chính phủ, sẽ cho người khác ở.
Nhìn rạp hát Kim Chung, mà ngày xưa tôi hay chui vào xem chạc. Cũng là rạp hát ngày xưa đó, sao bây giờ trông nhỏ bé thế! Phải rồi, mình đã sống ở Sài Gòn, đã đi xa nhìn những thành phố lớn. Sau lâu ngày, trở lại nhìn Hà Nội, thành phố cổ xưa, nên mới có cái cảm giác như vậy.
Ngắm nhìn những chữ đồng, chữ xây “granite” của các cửa hiệu, bây giờ vỡ chữ nọ thiếu chữ kia, với mầu rêu loang lổ của các ngôi nhà như dư âm của một thời vang bóng. Đi theo đường Tạ Hiền, qua rạp Quảng Lạc, vào ngõ Sầm Công, đến đền Bạch Mã, quẹo lên chợ Bắc Qua, rồi Hàng Chiếu. Tôi kéo lê thê 5 cái “đuôi” đi khắp tứ tung, cho chúng nó phán đoán. Có trời biết được ý định của tôi!
Ra tới chợ Bắc Qua, thấy một đám đông túm hụm, có cảnh sát, tôi ghé đến. Một chị chừng 25, 26, mắt đỏ hoe đang nức nở, giọt ngắn, giọt dài đứng bên cạnh cái thúng gạo, phải nói là thúng cát lẫn gạo. Thì ra, một anh chàng nông dân chân đất, cắp một thúng gạo nặng, đậy cái bao tải rách vẻ sợ sệt, lén lút, đến gạ bán cho một chị đi đong gạo. Anh lấm lét nói là công an đang theo dõi bắt anh bán gạo, anh phải vội bán rẻ để chuồn về quê ngay. Chị này tưởng món hời, phải cần nhanh tay chụp lẹ. Thúng gạo nặng đến 15 ký mà anh chỉ lấy 10
ký với 2 đồng cho cái thúng. Anh nói, anh không dám mang thúng về, sợ hợp tác xã nghi ngờ. Công an đầy đường, đâu có dám xem gạo kỹ, dịp may gặp món hời phải vồ sớm, còn đắn đo gì. Sau khi anh kia và chị “khẩn trương” chia tay, chị hớn hở đội gạo về. Đến Hàng Chiếu, mấy ngón tay giữ thúng trên đầu, thọc sâu xuống những hạt gạo no lành của một ngày may mắn, nhưng cảm giác thấy khác thường. Chị bỏ thúng xuống và bới lên. Chỉ có một lớp gạo ở trên, cón toàn cát bên dưới!
Sự việc này cho tôi thấy, ở một xã hội quá nghèo nàn, người ta chỉ có thể lừa lọc nhau đến như vậy là cùng. Nhìn trị giá của một sự lường gạt, đã đánh giá được mức độ cuộc sống người dân của xã hội ấy. Tôi vào một quán cơm ở Hàng Chiếu, quán này có vẻ đông người, gần 20 người ăn uống. Tôi tìm một chỗ ngồi. Tôi ngạc nhiên, thấy hai thanh niên mặt mũi sáng sủa nhìn tôi cười. Tôi cúi gầm ăn, đầu suy nghĩ, tôi chưa hề quen biết mấy người này, vậy vì sao? Câu hỏi của tôi đã được giải đáp ngay sau đó. Khi tôi vừa đứng dậy, còn một chút cơm thừa, một chút thức ăn thừa, hai người xô đến, mỗi người giành một thứ.
Tiện đó, tôi kéo “đuôi” vào thăm chợ Đồng Xuân nổi tiếng của Hà Nội thủ đô, như Bến Thành Sài Gòn. Ngoài cửa, có một chỗ bán hoa của hợp tác xã, còn hầu hết mỗi người mỗi cái thúng hay cái mẹt bán hoa quả hoặc những thứ lặt vặt. Chốc chốc lại ôm chạy quanh vì công an đuổi. Chợ bấy giờ là phụ, là không hợp pháp. Nhà nước đã có những cửa hàng lương thực của từng khu phố. Mọi thứ từ muối, mắm, đậu, hành, v.v… nghĩa là tất cả về thực phẩm đều có phiếu, tùy theo gia đình cán bộ hay nhân dân. Trong nhân dân lại tùy theo có đặc ân hay không, và tùy theo số người… Có những phiếu nhất định mỗi tháng, mỗi gia đình được mua bao nhiêu. Ngay từ thời gian này, đã có tình trạng, có phiếu mà không có hàng, càng về sau, càng trầm trọng hơn. Tôi nhìn đồng hồ, 2 giờ. Tôi chợt nghĩ đến nhà trọ Ngã Tư Sở, ở đó có ban công và sân thượng phơi quần áo, rất tốt. Quần áo tôi, hai bộ đã quá bẩn, hôm nay về tắm rửa giặt quần áo. Ngày mai, đi sở thú. Tôi vào chợ mua hai cục xà bông và trở về nhà trọ. Khi về tới nơi, tên quản lý nói, buồng cũ đã có người thuê, chỉ còn phòng số 10. Tôi nói, phòng nào cũng được, nhưng óc tôi nghĩ ngay, như vậy đã có sự sắp xếp. Được, ta sẽ lên phòng xem sao.
Sau khi vào phòng đóng cửa, bất chợt 5 phút sau, tôi mở ngay cửa. Dọc suốt hành lang, hai bóng người rụt nhanh vào phòng số 4, chéo phía đối diện. Hai thanh niên, một tôi đã quen mặt. Trót mở cửa phòng, tôi phải vờ đi ra phía sân thượng, sờ sờ mấy cái dây phơi, ra vẻ định sẽ phơi quần áo ở đấy.
Vào phòng lần này, tôi lật chiếu, xem gầm giường, một vài góc khả nghi, chiếc bàn, chiếc ghế… Tôi quan sát toàn bộ. Nếu ở những nước tiên tiến, có thể có những máy ghi âm, máy ảnh tự động. Nhưng ở miền Bắc thời ấy, trình độ lạc hậu, làm quái gì đó, cùng lắm chỉ ở chỗ kín đáo chụp trộm ảnh và tìm điều kiện có khe nứt nẻ nào đó, ngồi nhòm vào buồng là cao. Dù nghĩ vậy, nhưng tôi cũng cứ xem kỹ, kỹ để biết về địch thôi, chứ tôi cũng chả có gì. Trong người tôi chỉ còn tài liệu “M”, đừng hòng bao giờ tôi lấy ra xem, lâu lâu, tôi chỉ lấy cớ gãi, để sờ, sợ rơi mất. Tôi vẫn băn khoăn, đã có sự chỉ định xếp đặt phòng cho tôi, vậy phải có vấn đề gì. Nhìn toàn bộ phòng, không thể có điều kiện gì từ ngoài nhìn vào phòng. Tôi chú ý từng lỗ đinh, từ lỗ khóa. Tôi xem lại lần nữa. À, đây rồi! Có thế chứ! Chúng nó cũng quỷ quái đấy: Bốn góc bàn tôi sờ rồi, không có gì. Thì ra giữa gầm bàn (bàn không có ngăn kéo), chúng dùng keo gắn một chiếc máy ghi âm nhỏ kích thước 12 x 8 x 1,5 phân. Có thế, tôi mới an tâm. Kệ nó đấy, tính sau. Tắm giặt đã.
Khi vào đi tắm, tôi vừa giặt vừa thẫn thờ suy nghĩ. Như thế này, chúng nó đã đánh giá mình cao quá. Mình có máy móc chó gì đâu, có ai đến giao thiệp với mình đâu. Kể ra, nếu tôi thích chuyện trai gái, mang một cô em về làm trò cho cái máy ghi âm, chúng cũng được một băng mùi mẫn miễn phí. Trong quá trình đi đường, nhiều cô loại gái kiếm tiền cứ cười cười với tôi, như ở vườn hoa Chí Linh, Tràng Tiền, góc Cầu Gỗ, Cột Đồng Hồ…
Tắm rửa, giặt quần áo xong thì đã 5, 6 giờ. Giặt cả hai bộ, tôi còn mỗi cái quần đùi để mặc, ra đứng ở ban công nhìn chéo ra phố. Tôi thoáng thấy một bộ mặt đứng sâu trong cửa sổ một căn gác chéo nhà bên cạnh. Tôi vờ làm vài động tác thể thao để nhìn kỹ. Bộ mặt quen? À, tên kính râm, đội mũ cát két lần đầu tiên tôi phát hiện ở nhà thờ X. Hôm nay không đội mũ, không đeo kính nên hắn làm tôi ngờ ngợ. Tôi rất ngạc nhiên và lạ lùng. Tôi có cảm tưởng khó hiểu là tại sao, bất cứ nhà nào chúng cũng vào được? Ở xã hội tự do đâu có thể như vậy. Đồng thời, tôi cũng cảm thấy một không khí rình rập, bao quát lúc nào cũng ở chung quanh tôi. Từ cảm giác này, mắt tôi lơ đãng nhìn mấy con sẻ đang ríu rít ở một mái nhà trước mặt, tôi cũng thấy hình như chúng cũng có chất Cộng Sản. Thậm chí, mấy cái cây vô tri đứng im lìm cạnh ngôi nhà, tôi cũng thấy chúng có chất gì của Cộng Sản. Cái chất của soi mói, lọc lừa, lường gạt, không lương thiện. Cùng một bầu không khí của Tổ Quốc quê hương, nhưng quang cảnh, người và vật ở xã hội này không hợp với tôi. Tôi không có cảm giác gần gũi thân thương, quen thuộc như ở miền Nam.
Thấp thoáng người ở cửa sổ lại chụp ảnh tôi. Tôi đã thấy 5 lần, còn sau lưng hoặc tôi không biết, không kể. Hôm vào nhà thương Việt Đức kỳ sau, tôi cũng bị chụp 2 lần. Chụp làm gì nhiều thế! Có thể, chúng để làm chứng cớ, tài liệu sau này chăng? Thôi vào đi ngủ! Vào buồng tôi nghĩ ngay tới cái máy ghi âm. Nếu không vì những chủ trương sau của tôi, tôi đã đến chửi cho nó một mẻ, hoặc cũng cho nó mấy phát… rắm. Nhưng tôi đành nằm im coi như không biết. Chính vì tôi tỏ ra luôn luôn chủ quan lơ là, nên nhiều khi, thấy những cái “đuôi” của tôi rất lộ liễu đến độ ngờ nghệch. Hay có thể vì tôi đã biết mặt rồi, nên tôi có cảm giác thế chăng? Đường phố đầy người đi lại, nếu tôi không biết chúng rồi, cũng khó mà biết ai với ai. Chẳng lẽ thấy “gà hóa cuốc”, gặp ai cũng tưởng như họ theo dõi mình hay sao? Tôi cứ vẫn vơ suy nghĩ rồi ngủ lúc nào không hay.
Hôm sau, tôi đón xe điện ra bờ hồ. Khi đi qua Hàng Da, nhìn chữ “Pharmacie Thẩm Hoàng Tín” to tướng nhưng đã mờ nhẻm vì thời gian, tôi chợt nhớ tới sư bà Đàm Hương. Hiệu thuốc tây bây giờ đóng cửa im lìm. Mấy cái cửa sổ trên gác, đóng những thanh gỗ cọc cạch che kín mít. Chỉ nhìn thế, tôi cũng đã thấy sự tàn lụi của cái pharmacie rồi, nghĩa là cửa hiệu không còn được mở nữa.
Tới bờ hồ, tôi lại mua tờ báo Thủ Đô. Đây là tờ báo có tính cách địa phương, nội thành nên có vài tin lặt vặt hàng ngày, trong khi những tờ Nhân Dân, hay Quân Đội Nhân Dân không bao giờ nói tới. Thực vậy, tôi đi trên đường phố thấy bao nhiêu chuyện cắp trộm, lừa đảo vẫn xảy ra thường thường, nhưng không bao giờ thấy có trên báo. Ngay trên đài truyền thanh (nói qua đường dây) cũng họa hoằn mới nghe thấy một vài sự việc để ngăn chận tội ác và những chuyện xấu của xã hội.
Đây cũng là một cái đặc biệt của miền Bắc. Khắp Hà Nội, từ nội đến ngoại thành, ở những đầu phố, hoặc chỗ thường xuyên tụ tập đông người như bến xe, trước nhà bách hóa, v.v… thường có treo loại ống loa hai tầng để phổ biến tin tức cũng như thông báo (gọi là truyền thanh). Rồi tới giờ quy định mới mở điện bắt vào đài phát thanh. Còn radio thì thật là hiếm, nếu không có là không có. Radio và máy ảnh phải đăng ký hàng tháng. Mua phim chụp ảnh phải làm đơn xin phép, nói rõ lý do, hoặc phải có giấy của cơ quan giới thiệu. Cho nên, hầu như không một người dân nào có máy ảnh (đồ quốc cấm) nếu đi ra những vùng chung quanh Hà Nội, các bạn sẽ thấy đây đó, nhìn bất cứ hướng nào, cũng thấy hầu như mỗi nhà đều có những cần câu bằng tre chọc thẳng cao lên trời, trông như những lông của con nhím khổng lồ, xù ra khi gặp kẻ thù. Đó là dây ăng ten của ga len ghép đơn giản mấy cực để nghe đài gần. Chỉ nghe được đài Hà Nội và nghe nhỏ tí. Thứ này trẻ con trong Sài Gòn vẫn chơi (loại này thì không phải đăng ký).
Ở bờ hồ, dù chẳng cần thiết lắm nữa, nhưng do thói quen nghề nghiệp, tôi vẫn quan sát toàn bộ những khuôn mặt chung quanh tôi. Tôi lại thấy chéo mãi phía hiệu kem trước nhà Thủy Tạ, cô gái chừng 18 tuổi có hai cái đuôi sam. Trông đôi má mủm mỉm đỏ hây, thế mà đòi là phản gián theo dõi tôi. Được! Hôm nay, tôi dẫn cô lên sở thú. Qua cô ta, tôi đã thấy cách bố trí người theo dõi của Cục phản gián Hà Nội. Người nào cũng theo tôi một ngày, ít nhất một tuần sau tôi mới gặp lại. Cộng sản làm như vậy để con mồi khỏi nghi ngờ, mất cảnh giác. Cho tới hôm nay, hơn 40 bộ mặt quen thuộc rồi. Tôi nghĩ thầm: Hà Nội sao lắm nhân viên phản gián thế! Rồi đây, những ngày tới còn bao nhiêu nữa?
Tôi lên xe điện đi sở thú. Tôi lững thững đi bộ như một kẻ nhàn du đi vãn cảnh. Hôm nay, tôi định sẽ ghé thăm núi Nùng, nơi tương truyền là mồ chôn giặc Thanh cướp nước, cũng như gò Đống Đa, Thái Hà Ấp vậy. Lưa thưa, rải rác một số người, vài hàng quà bánh. Cả sở thú chỉ vỏn vẹn 5, 6 chuồng thú, quá ít so với ngày xưa. Không biết thú đưa đi đâu hết? Tôi đến chỗ một chú cọp đang nằm ngủ, chỗ này đông nhất, hơn 10 người kể cả trẻ con đang đứng ngắm ông ba mươi nằm nhắm mắt. Nhìn con hổ nằm ngủ trong chuồng, với cảnh đám người đứng xem. Tôi đang bâng khuâng nhớ đến bài thơ bất hủ “Cọp Nhớ Rừng” củ Thế Lữ, bất chợt một tiếng rầm rung cây lá, con cọp bật dậy, chồm lên hồng hộc. Mọi người chung quanh giật mình. Nhiều đứa trẻ sợ quá hét lên, bám lấy người lớn. Cả cô đuôi sam cũng xanh mặt, cuống cà kê dúm người lại.
Chẳng hiểu vì sao? Tôi nhìn lại phía xa cách đấy hơn 300 mét, trên cũng con đường để đi ngang qua trước chuồng cọp này, một anh mặc quần áo bộ đội đang lôi cương một con ngựa. Con ngựa chồm hai vó trước, không những dứt khoát không nghe theo anh bộ đội để đi nữa, mà còn kéo anh ta đi ngược trở lại. Tôi chợt hiểu con cọp đang nằm nhắm mắt, mũi đánh hơi thấy mùi ngựa, đồng thời con ngựa cũng đánh hơi thấy chúa sơn lâm, nên sợ quá không dám đi nữa, dù còn cách đến hơn 300 mét.
Tôi nhìn cô bé đuôi sam, mặt cô ta đỏ lên rồi quay đi. Tôi nghĩ bụng thế mà đòi đi ngành tình báo. Lúc tôi nhìn về phía con ngựa, tôi thấy ở một gốc cây gần đó, một đôi “nhân tình” ngồi bên nhau có vẻ ngây ngất tâm sự, nhưng con mắt của họ tôi nghi quá. Trong căn nhà nhỏ của một quán nước có cửa sổ hướng về tôi, nơi chiếc bàn mãi trong góc quán, tên đeo kính râm, đội cát két đang ngồi hút thuốc lá, mắt lơ đãng nhìn đi đâu, trước mặt là ly nước; và một anh mặc quần áo xám bộ đội, đang gác chân lên chiếc xe đạp, nhìn ra hồ sen, cách chỗ tôi gần 100 mét. Tôi đã thấy anh ta ở bờ hồ.
Tôi trèo lên núi Nùng hướng mắt về trường Bưởi, bâng khuâng nghĩ đến Sài Gòn, đến những bạn bè thân quen, những họ hàng ruột thịt và những người trong Cục. Họ có biết tôi đang nằm trên thớt của kẻ thù, đang ngày đêm căng thẳng với kẻ thù, từng phút từng giờ hay không? Hay họ đã quên rồi? Hai nẻo đường đi, một mình tôi đi trên đường hướng về nơi đen tối mịt mù. Tâm tư nặng chĩu nỗi niềm, tôi tìm một ghệ cỏ ngồi dựa lưng, đôi mắt lim dim, lắng nghe tiếng gió rì rào.
Loanh quoanh mãi 3 giờ chiều, tôi mới quay bước trở về. Tôi cũng chẳng đón xe điện, cứ lững thững đi dọc theo đường Quan Thánh. Tai vẫn nghe tiếng guốc lộc cộc đều đều của cô gái đuôi sam, sau tôi khoảng ba, bốn mươi thước. Tự nhiên, tôi muốn đùa giỡn, đồng thời cũng muốn thử nghiệp vụ của cô gái này. Phố lưa thưa một số người đi. Tôi thả bước chầm chậm, tiếng guốc vẫn lách cách theo sau. Đến một quãng phố có một bờ tường xây dọc theo hè phố, và còn chừng 30 thước nữa là một phố cắt ngang. Bất chợt, tôi đi sát bờ tường rồi rảo bước, tôi thoáng nghe tiếng guốc cũng nhanh hơn. Đến đúng chỗ góc phố, tôi quẹo và nép khuất vào một trụ tường, một tay đưa lên ngực, một tay ôm mắt như chóng mặt xây xẩm, lưng tựa vào tường.
Cô ả hơi bất chợt nên vội vàng đi nhanh hơn. Khi tới góc phố, đinh ninh là tôi rẽ theo phố ấy, nhưng bây giờ thấy tôi biến đâu mất. Cô ta hốt hoảng bước thẳng xuống đường. Như thế đã đủ, trong một phút đã hiểu tài nhau rồi. Tôi hơi nhích ra một tí cho có vẻ tự nhiên, để cô trông thấy. Mặt tôi vẫn nhăn nhó, tay vẫn xoa xoa ngực bên trái. Khi trông thấy tôi, mắt cô ả sáng lên long lanh như mừng rỡ. Tôi uể oải chầm chậm lê chân theo phố đó. Đến một hàng nước chè bên hè, tôi ngồi đại xuống, lật ly nước chè cho bà hàng rót, rồi đầu cứ cúi gầm như sắp ốm bệnh. Tôi uể oải chầm chậm lê chân theo phố đó. Đến một hàng nước chè bên hè, tôi ngồi đại xuống, lật ly nước chè cho bà hàng rót, rồi đầu cứ cúi gầm như sắp ốm bệnh. Chừng một lúc, tôi nhấc chân cho sẳn ra ngoài ghế, rồi bất chợt quay ngoắt ra đường, dựa lưng vào bàn nước.
Ở trong cửa, ngay nhà đối điện, cô gái đuôi sam đang ngồi ghế nhìn thẳng sang phía tôi. Cô vội vàng cầm tờ báo trước mặt giơ lên, làm ra vẻ đang đọc để che mặt. Thật đáng buồn cho cô, tờ báo lại ngược, không biết cô đọc làm sao? Cô bị lúng túng chỉ vì tôi cố tạo cho cô tưởng rằng tôi đang ốm bịnh. Dáng điệu chậm chạp đang gục đầu, nhưng bất ngờ quay lại. Đây là việc làm của một người thiếu chín chắn, sau này tôi ân hận mãi ở trong tù. Tôi vẫn còn lạ lùng là tại sao, nhà nào họ cũng vào được? Chẳng lẽ nhà dân ai cũng biết họ là công an mật? Hay họ có dấu hiệu gì đặc biệt, để nhà dân nào cũng phải cho họ vào?
Tôi rẽ về lối chợ Đồng Xuân, đã 4 giờ 30 chiều, thấy một đám đông ồn ào, tôi ghé lại. Tôi không thấy cảnh sát, chỉ thấy người ta đang chỉ trỏ 6 hộp sửa bò “Nestlé” (hiệu con chim, của Pháp) còn mới. Hộp nào cũng mở hé ra, toàn nước bùn đất. Một ông đỏ mặt tía tai, hai tay chống mạng sườn, chõ mồm chửi vào đám đông: “Ông mà bắt được mày, thì ông vặn cổ ra!”. Tôi chẳng hiểu đầu đuôi xuôi ngược. Hỏi người đứng đấy, họ cũng lắc đầu. Sau tôi nghe loáng thoáng đâu: Nó ngâm nước, bóc nhãn hộp sữa ra, đục hai lỗ nhỏ rồi rút hết sữa, cho bùn nước vào, lấy sáp bịt lỗ rồi dán giấy lại như mới.
Tôi đã thấy những chuyện như vậy, ở Hà Nội bây giờ không có gì là lạ lắm nữa, nên bỏ đi. Khi tôi xuống tới bờ hồ, mặt trời đã nằm dài trên những chòm cây phía Tây. Ánh nắng xiên khoai chọc tút mãi vào những hốc sâu hoắm, của cây đa già đền Bà Kiệu. Chiều hôm nay gió lộng, cả ngày trời Hà Nội nóng như nung, nên buổi chiều, bờ hồ thật đông đúc, đầy cả người. Trước lúc về nhà trên đường từ xí nghiệp, nhà máy tan ra. Công nhân thường ghé đây 5, 10 phút để đón ngọn gió hồ chiều. Cho vơi đi phần nào những giờ lao động mệt nhọc.
Tôi ghé vào hiệu “Bách Hóa Tổng Hợp” ở bờ hồ. Đây là căn nhà to, ba tầng của một người đã di cư vào Nam, được sửa lại làm nhà bách hóa lớn nhất Hà Nội. Ai đã từng ở tỉnh xa ra Hà Nội mua hàng, cũng đều ghé vào đấy.
Tôi rất lạ! Rất nhiều loại hàng tốt, cần thiết bày trong tủ kính có đề giá bán hẳn hoi, nhưng lại để mảnh giấy con ghi: “không bán”. Vừa đi vừa suy nghĩ mãi. Lúc tôi leo cầu thang lên tầng hai, tầng ba, thỉnh thoảng tôi cũng thấy người ngoại quốc đi vào. Chả biết là người Liên Xô hay là người các nước “xã hội chủ nghĩa” Đông Âu? Phải chăng, Cộng Sản chỉ cốt bày hàng để tuyên truyền, hay vì hàng cần thiết, nên họ đã chia nhau mua hết? Các hàng vớ vẩn thông thường thì nhiều.
Mặc dù tiếng loa luôn nhắc nhở khách hàng coi chừng kẻ gian móc túi, vậy mà chỉ trong vòng nửa giờ, tôi đã thấy một người kêu ầm lên mất ví, và lại một lần ở tầng hai, thấy ồn ào, bảo đuổi bắt tên ăn cắp. Tôi cũng phải sờ tay để ý vào cái ví của tôi, kẻo lỡ có ít tiền nó mượn mất, thì thật khó khăn. Một ý nghĩ làm tôi mỉm cười: Gián điệp lại bị cắp móc ví! 6 giờ 30, tôi thấy hơi mệt vì đã đi cả ngày, tôi ghé về Cầu Gỗ ăn cơm, rồi ra xe điện về Ngã Tư Sở.
Vào buồng, lúc sắp ngủ, vì tối, tôi rờ tay dưới gầm bàn vẫn thấy còn chiếc máy, không hiểu có thay băng chưa? Đợi sáng mai, tôi xem mới biết.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen