Never lend books, for no one ever returns them; the only books I have in my library are books that other folks have lent me.

Anatole France

 
 
 
 
 
Tác giả: Hugh Laurie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Gun Seller
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1495 / 11
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mười Chín
in chào. Đây là bản tin chín giờ tối của đài BBC.
PETER SISSONS
Chúng tôi không rời Mürren trong vòng ba mươi sáu tiếng sau. Đó là ý kiến của tôi.
Tôi nói với Francisco: điều đầu tiên họ sẽ làm là kiểm tra nhà ga tàu hỏa. Bất kỳ ai rời đi, hoặc cố rời đi, trong khoảng mười hai giờ sau vụ bắn, thảy rồi sẽ có lúc chẳng khác gì sống trong địa ngục, dù cho họ có tội hay không.
Francisco cắn môi, nghĩ ngợi một lúc, rồi khẽ cười đồng tình. Tôi nghĩ rằng đối với anh ta ở lại trong làng là một phương án bình tĩnh hơn, táo bạo hơn, mà bình tĩnh, táo bạo là những phẩm chất mà Francisco muốn thấy gắn liền với tên tuổi anh ta trên mục hồ sơ tờ Newsweek một ngày nào đó. Một khuôn mặt ủ rũ, cùng với một hàng chú thích: “Francisco: bình tĩnh và táo bạo”. Kiểu thế.
Lý do thực sự khiến tôi muốn ở lại Mürren là vì muốn có cơ hội nói chuyện với Solomon, nhưng tôi nghĩ có lẽ tốt nhất đừng nói với Francisco điều đó.
Bởi thế chúng tôi vẫn quanh quẩn đó, tách biệt nhau, trong khi những người khác trố mắt ra nhìn những chiếc trực thăng vừa tới nơi. Đầu tiên là cảnh sát, rồi tới Chữ Thập Đỏ, và rồi, y như rằng, cách truyền hình. Những lời bàn tán về vụ nã súng truyền quanh làng trong khoảng năm mươi phút, nhưng dường như hầu hết du khách đều quá choáng nên không thể nói với nhau chuyện đó. Họ loanh quanh chỗ này chỗ kia, nhìn ngó, cau mày, giữ lũ trẻ sát bên mình.
Những người Thụy Sĩ ngồi trong quán rượu rì rầm với nhau; có thể họ bối rối hoặc lo lắng về tác động của vụ ám sát đến việc kinh doanh. Khó mà nói được. Nhưng hẳn nhiên là họ không cần phải lo lắng. Đến chập tối, các quán bar nhà hàng đã đầy khách hơn bất cứ khi nào tôi thấy. Không ai muốn bỏ lỡ một quan điểm, một tin đồn, một mẩu diễn giải nào về sự kiện tồi tệ, kinh khủng này.
Đầu tiên họ đổ tội cho người Iraq, điều đó dường như theo đúng trình tự chuẩn ngày nay. Giả thuyết đó tồn tại trong khoảng một giờ gì đó, cho tới khi những cái đầu thông minh bắt đầu gợi ý rằng người Iraq không thể nào làm chuyện đó, bởi họ thậm chí còn không vào được trong làng mà không bị nhận ra. Giọng nói, màu da, quỳ gối mặt quay về hướng Mecca. Những cái như thế không thể qua mắt một người Thụy Sĩ có độ cẩn trọng trung bình.
Tiếp theo là giả thuyết rằng có một vận động viên năm môn phối hợp không còn tự chủ, kiệt sức sau chặng đường hơn ba mươi kilômét trượt tuyết băng đồng, ông này vấp ngã, làm cho khẩu 22 ly của ông cướp cò, giết chết Herr Van Der Hoewe trong một tai nạn có xác suất xảy ra gần như bằng không. Dù nghe có vẻ lạ, giả thuyết này vẫn thu hút một lượng lớn người ủng hộ; chủ yếu bởi nó không liên quan gì tới những mưu mô hiểm độc, mà hiểm độc là thứ mà người Thụy Sĩ không muốn khuyến khích ở chốn thiên đường tuyết phủ của họ một tí nào.
Sau một lúc, hai lời đồn đó ăn nằm với nhau, đẻ ra một giả thuyết lai thật sự quái dị: đó là một vận động viên năm môn phối hợp người Iraq, những cái đầu không-thông-minh-chút- nào nói. Điên tiết vì ghen tị với thành công của các vận động viên Scandinavia ở kỳ Thế vận hội mùa đông vừa qua, một vận động viên năm môn phối hợp người Iraq (có người còn từng được nghe ai đó nhắc tới cái tên Mustapha) đã phát cuồng lên;trên thực tế, có lẽ hắn vẫn đang đâu đó ngoài kia, bám theo những người trượt tuyết cao lớn tóc vàng.
Và rồi mọi sự tạm lắng. Các quán bar bắt đầu vắng khách, các quán cà phê đóng cửa buổi đêm, và những người phục vụ trao nhau những cái nhìn bí hiểm trong khi dọn dẹp thức ăn thừa.
Cũng mất một lúc tôi mới nhận ra những gì đang xảy ra. Những vị khách du lịch, không thỏa mãn với hầu hết các lời giải thích, đã quay về phòng khách sạn để quỳ xuống, từng người hoặc từng cặp, trước CNN biết-tuốt đầy quyền năng, với Phóng Viên Có Mặt Tại Hiện Trường Tom Hamilton mà hiện giờ vẫn đang cho thế giới biết “những tin tức mới nhất, vừa được cập nhật”.
Tụ tập xung quanh chiếc ti vi ở quán bar Züm Wilden Hirsch, Latifa và tôi, bị khoảng chục tay người Đức dở tỉnh dở say dồn ép quanh vai, để nghe Tom giải thích giả thuyết rằng “vụ giết người có khả năng là một hoạt động của các tổ chức chính trị” - tôi đoán Tom được trả khoảng hai trăm nghìn đô một năm cho lời giải thích đó. Tôi muốn hỏi anh ta làm thế nào anh ta có thể loại bỏ thẳng thừng khả năng vụ giết người là do những kẻ theo chủ nghĩa tiêu cực gây ra. Thực ra, tôi có thể dễ dàng làm việc đó, bởi vì Tom đang hăng say làm công việc của mình trong một biển đèn ánh sáng chói mắt, cách chỗ chúng tôi đang đứng không đầy hai trăm mét. Mới hai mươi phút trước tôi còn đứng nhìn một kỹ thuật viên của CNN gắn micrô vào cà vạt của Tom, và Tom đã hẩy anh này ra mà nói sẽ tự mình làm việc đó, vì anh ta không muốn làm hỏng cái nút thắt.
Bản tin đã được phát chậm lại vào lúc mười giờ địa phương. Nếu Cyrus đã làm tròn việc của mình và tin tức đã tới được với họ đúng như kế hoạch, thì CNN lúc này phải đang bỏ thời gian để xác minh tin đó. Có vẻ, nếu như toàn bộ các nhân viên khác cũng như Tom, họ sẽ dành thời gian để đọc bản tin này. Francisco đã nhất quyết yêu cầu dùng từ “chủ nghĩa bá quyền” và có lẽ đã làm cho nó chậm lại đôi chút.
Cuối cùng thì bản tin ấy được phát sóng lúc mười một giờ hai lăm, được truyền tải chậm, rõ ràng, với dòng chữ to đậm “Những gã này làm tôi phát ốm” bởi người tổng hợp chương trình của CNN, Doug Rose.
Lưỡi gươm Công lý.
Mẹ ơi, ra nhanh mà xem. Bọn con đấy. Ông ta đang nói về bọn con đấy.
Tôi nghĩ, nếu muốn, tôi có thể ngủ với Latifa tối hôm đó.
Phần cuối bản tin của CNN bao gồm rất nhiều đoạn phim tư liệu về khủng bố trong lịch sử, chúng đưa trí nhớ người xem về đầu tuần trước, khi một nhóm ly khai xứ Basque đánh bom tòa nhà chính phủ ở Barcelona. Một người đàn ông để râu xen vào cố gắng tiếp thị những quyển sách ông ta viết về sự cuồng tín, và rồi chúng tôi quay lại chương trình chính của CNN: nói với những người đang xem CNN rằng điều chúng ta nên làm là xem CNN. Tốt nhất là xem từ một khách sạn tốt hơn khách sạn họ đang ở.
Tôi nằm trên giường ở Eiger, một mình, hai tay thay nhau tuồn rượu whisky và nicôtin vào trong cơ thể, và bắt đầu tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ta thực sự đang ở trong cái khách sạn tốt mà họ quảng cáo, vào thời điểm người ta quảng cáo nó. Liệu điều đó có nghĩa rằng ta đã chết? Hoặc đã tới một thiên hà khác? Hay thời gian đã đi ngược lại?
Tôi đang say, anh thấy đấy, đó là lý do tại sao lúc đầu tôi không nghe thấy tiếng gõ cửa. Hoặc có thể tôi đã nghe thấy nó từ đầu, tôi chỉ cố chứng tỏ cho bản thân mình rằng tôi đã không nghe thấy, và tiếng gõ cửa đó đã tiếp diễn trong khoảng mười phút, có lẽ là mười tiếng, trong khi đầu óc tôi đang phải tự kéo nó ra khỏi trạng thái lờ đờ mệt mỏi CNN. Tôi lê mình ra khỏi giường.
“Ai đó?”
Im lặng.
Tôi không có vũ khí, hoặc bất kỳ ý định cụ thể nào là sẽ sử dụng vũ khí, bởi thế tôi mở rộng cửa, thò đầu ra. Chuyện gì xảy ra thì sẽ xảy ra thôi.
Một người rất lùn đứng ở hành lang. Đủ lùn để ghét những người nào có chiều cao như tôi.
“Herr Balfour phải không?”
Trong một khoảnh khắc, tôi thấy hoàn toàn trống rỗng. Kiểu trống rỗng vốn thường xâm chiếm những điệp viên hoạt động bí mật - khi những chiếc đĩa quay lệch khỏi trục khiến họ mất phương hướng không biết mình đóng vai ai, mình thực sự là ai, tay nào mình cầm bút, hoặc tay nắm cửa hoạt động thế nào. Uống rượu whisky thường làm tăng tần suất của những khoảnh khắc như thế, tôi thấy vậy.
Nhận thấy anh ta đang chăm chú nhìn mình, tôi vờ ho trong khi cố trấn tĩnh. Balfour, có hay không. Balfour là cái tên tôi đang dùng, nhưng với ai? Tôi là Lang đối với Solomon, Ricky đối với Francisco, Durrell đối với hầu hết những người Mỹ, và Balfour... thế đó. Tôi là Balfour đối với cái khách sạn này; vì thế, nếu như họ đã chọn, và tôi không nghi ngờ gì rằng họ đã chọn, thì tôi cũng sẽ là Balfour đối với cảnh sát.
Tôi gật đầu.
“Ông đi theo tôi.”
Anh ta quay gót giày và diễu bước dọc hành lang. Tôi chộp cái áo khoác và chìa khóa phòng rồi theo anh ta, bởi vì Herr Balfour là một công dân tốt, người chấp hành mọi thứ luật pháp anh ta biết và mong muốn người khác cũng làm như thế. Khi chúng tôi đi tới thang máy, tôi nhìn xuống chân thì thấy anh ta mang giày đế cao. Thực sự anh ta thấp vô cùng.
Ngoài trời tuyết đang rơi (nơi này, để tôi nói cho anh biết, vẫn luôn có tuyết rơi, nhưng hãy nhớ rằng tôi mới chỉ đang bắt đầu tỉnh rượu) và những mảng lớn màu trắng đang run rẩy dưới đất, giống như những mảnh vụn từ một trận đánh nhau bằng gối của người nhà trời, bao phủ vạn vật, làm vạn vật mềm mại hơn, trở nên ít có vấn đề hơn.
Chúng tôi đi bộ khoảng mười phút, anh ta bước bảy bước mới theo kịp một bước của tôi, cho tới khi chúng tôi đến một ngôi nhà nhỏ ở rìa làng. Đó là căn nhà gỗ một tầng, có thể rất lâu đời rồi, cũng có thể không. Nó có cửa chớp hở trên ô cửa sổ, và những dấu chân trên tuyết cho thấy dạo gần đây có rất nhiều người được gọi đến. Hoặc có lẽ đó là một người, người thường hay quên thứ này thứ khác.
Đó là một trải nghiệm lạ, khi bước vào căn nhà đó, và tôi nghĩ có lẽ nó sẽ vẫn lạ như thế dù tôi có tỉnh táo. Tôi có cảm giác như nên mang theo một thứ gì; ít nhất là vàng hay trầm hương. Tôi không cảm thấy khó chịu với các chất nhựa thơm, bởi vì chưa bao giờ rõ thực ra nó là cái gì.
Người Đàn ông Rất lùn dừng ở bên cửa, liếc đằng sau nhìn tôi một lát, rồi gõ cửa một cái. Dường như sau một lúc, một cái chốt được mở ra đâu đó, rồi một cái nữa, một cái nữa, và một cái nữa, và cuối cùng thì cửa mở toang ra. Một người phụ nữ tóc xám nhìn Người Đàn ông Rất lùn một lúc, rồi nhìn tôi ba lúc, gật đầu, và đứng sang một bên cho chúng tôi đi qua.
Dirk Van Der Hoewe ngồi trên chiếc ghế duy nhất trong phòng, đang lau cặp kính. Ông ta mặc áo bành tô cỡ lớn ở ngoài, một chiếc khăn nhét vào cổ, cặp chân to béo phình ra ngoài đôi giày. Đó là đôi giày đắt tiền, hiệu Oxfords màu đen, dây giày bằng da. Tôi chỉ để ý điều đó bởi vì dường như bản thân ông ta cũng đang xem xét chúng một cách kỹ lưỡng.
“Thưa Bộ trưởng, đây là Thomas Lang,” Solomon nói, bước ra khỏi bóng tối, nhìn tôi nhiều hơn là nhìn Dirk.
Dirk vẫn từ từ lau kính, rồi nhìn chằm chằm xuống sàn trong khi khéo léo đặt kính lên mũi. Cuối cùng, ông ta ngẩng đầu lên nhìn tôi. Không phải một cái nhìn thân thiện. Ông ta đang thở nặng nhọc qua miệng, như một đứa trẻ đang cố hết sức để không ăn súp lơ xanh.
“Chào ông,” tôi nói và chìa tay ra.
Dirk nhìn Solomon, như thể chưa có ai nói trước với ông ta rằng có thể ông ta cũng sẽ phải chạm vào tôi, rồi giơ ra cho tôi một thứ mềm rũ, ướt nhoẹt với những ngón tay trên đó.
Chúng tôi nhìn nhau một lúc.
“Giờ tôi có thể đi chứ?” Ông ta hỏi.
Solomon ngừng một lát, buồn xo, có vẻ anh ta đã hy vọng rằng ba chúng tôi có thể ngồi nói chuyện một lúc và chơi bài Uýt.
“Tất nhiên, thưa ngài,” anh ta đáp.
Chẳng phải đợi đến khi Dirk đứng dậy để tôi nhìn ra rằng dù ông ta béo - và chao ôi, đúng, thực sự ông ta béo - nhưng ông ta không giống chút nào cái kích thước khi ông ta tới Mürren.
Đó hẳn phải là áo giáp chống đạn Life-Tec, anh biết đấy. Nó thật là một thứ tuyệt vời, nó sẽ làm mọi việc mà ta hy vọng nó làm để giữ mạng sống của ta. Nhưng nó không phải để cho đẹp mắt. Ý tôi là về hình dáng. Khi được mặc với quần áo trượt tuyết, nó có thể làm cho một người hơi béo trở nên rất béo, trong khi một người như Dirk sẽ trở thành một quả khinh khí cầu.
Tôi không đoán được người ta đã đánh đổi cái gì với ông ta. Hoặc có thể cả với chính phủ Hà Lan. Hiển nhiên là sẽ không ai nói với tôi làm gì. Có lẽ ông ta đang chuẩn bị nghỉ phép, nghỉ hưu hay bị cách chức - hoặc có thể họ đã bắt quả tang ông ta trên giường với một tá bé gái mười tuổi. Hoặc có thể chỉ là họ cho ông ta rất nhiều tiền. Tôi hiểu rằng đôi khi tiền rất có tác dụng với con người.
Dù thế nào thì họ đã làm được điều đó, Dirk sẽ ẩn mình cho kỹ trong vòng vài tháng tới, vì chính ông ta cũng như vì tôi. Nếu như ông ta thò đầu ra ở một hội nghị quốc tế tuần tới, tuyên bố về sự cần thiết phải có một cơ cấu tỷ giá linh hoạt giữa các nước Bắc Âu, nó sẽ trở nên thật kỳ quặc, khiến người ta phải đặt rất nhiều câu hỏi. Thậm chí CNN có thể sẽ cử người tường thuật vụ đó.
Dirk đi khỏi mà không nói lời cáo từ. Người phụ nữ tóc xám né người cho ông ta lách ra khỏi cửa, rồi ông ta và Người Đàn ông Rất lùn cùng nhau khuất vào trong bóng đêm.
“Ngài cảm thấy thế nào?”
Giờ tôi đang trên ghế, và Solomon đang chầm chậm đi lại xung quanh tôi sau khi thẩm vấn, đánh giá ý chí, tính cách và độ say của tôi. Anh ta đặt một ngón tay trên môi và vờ không nhìn tôi.
“Tôi khỏe, cảm ơn anh, David. Anh thế nào?”
“Cảm thấy nhẹ nhõm, thưa ông chủ. Đúng thế, tôi có thể nói vậy. Hoàn toàn nhẹ nhõm.” Dừng lại một lúc. Anh ta đang nghĩ nhiều hơn là nói. “Dù sao,” cuối cùng anh ta lên tiếng, “tôi muốn chúc mừng ngài vì cú bắn rất chuẩn. Các đồng nghiệp người Mỹ của tôi muốn ngài biết thế.”
Solomon cười với tôi, theo một kiểu hơi uể oải, như thể anh ta đã khoắng đến đáy chiếc hộp Những Điều Tốt Đẹp Để Nói và đang chuẩn bị mở chiếc hộp khác.
“Chà, tôi rất hãnh diện đã làm thỏa lòng quý vị,” tôi nói. “Giờ thế nào?”
Tôi châm một điếu thuốc và cố thổi khói vòng tròn, nhưng vì Solomon cứ đi đi lại nên vòng khói tròn hỏng mất. Tôi nhìn khói thuốc trôi ra xa, tản thành các sọc méo mó không ra hình thù gì, và cuối cùng thì nhận ra rằng Solomon vẫn chưa trả lời tôi.
“David này!”
“À vâng, thưa ông chủ,” anh ta nói sau một lúc ngưng lại. “Giờ thế nào? Đó hiển nhiên là một câu hỏi thông minh và thỏa đáng, là câu hỏi đáng có được câu trả lời đầy đủ nhất.”
Hẳn có gì đó không ổn. Solomon thường không nói thế này. Tôi nói như thế khi tôi say, nhưng Solomon chẳng bao giờ thế.
“Chà,” tôi nói. “Chúng ta đã xong phải không? Công việc đã kết thúc, những kẻ xấu đã bị bắt quả tang, lễ đăng quang đã đầy hiệp sĩ canh giữ rồi phải không?”
Anh ta dừng lại, chỗ nào đó phía sau vai phải tôi.
“Sự thực là, thưa ông chủ, kể từ giờ trở đi mọi việc có phần sẽ trở nên kỳ quặc một chút.”
Tôi quay lại nhìn anh ta. Và gượng cười. Anh ta không cười lại.
“Thế thì anh sẽ dùng tính từ gì để miêu tả cái lối mọi việc đã xảy ra từ trước tới giờ? Ý tôi là, nếu như việc cố bắn một người vào giữa cái áo chống đạn không phải là kỳ quặc...”
Nhưng anh ta không hề lắng nghe tôi. Anh ta trước nay có vậy đâu.
“Họ muốn ngài tiếp tục,” anh ta nói.
Hừm, tất nhiên là họ muốn rồi. Tôi biết điều đó. Bắt giữ khủng bố không phải và chưa bao giờ là mục tiêu của bài tập này. Họ muốn tôi tiếp tục, họ muốn tất cả tiếp tục, cho tới khi mọi sự sắp đặt ổn thỏa cho màn trình diễn lớn. CNN xuất hiện ngay tại hiện trường, máy quay lia liên tục - chứ không phải bốn tiếng sau khi sự việc xảy ra.
“Ông chủ,” Solomon nói, sau một thoáng, “tôi phải hỏi ngài một câu, và tôi cần ngài trả lời một cách trung thực.”
Tôi không thích kiểu này. Có gì đó rất không ổn. Như là rượu vang đỏ nhắm với cá. Mặc áo tuxedo mà lại đi giày nâu. Nó không ổn như mọi thứ đang xảy ra.
“Nói đi.”
Anh ta có vẻ thực sự lo lắng.
“Ngài sẽ thành thật trả lời tôi chứ? Tôi cần phải biết trước khi đặt câu hỏi.”
“David, tôi không thể nói với anh điều đó được.” Tôi cười to, hy vọng rằng anh ta sẽ thả lỏng người, thư giãn, đừng dọa tôi sợ nữa. “Nếu như anh hỏi tôi là hơi thở anh có mùi hay không, tôi sẽ trả lời anh trung thực. Nếu như anh hỏi tôi... tôi không biết nữa, về bất cứ thứ gì khác, thì có, tôi có thể sẽ nói dối.”
Điều đó dường như không làm thỏa mãn anh ta nhiều lắm. Làm sao mà thỏa mãn được chứ, tất nhiên rồi, nhưng tôi còn nói được gì khác đây? Anh ta hắng giọng, chậm và kỹ, như thể sẽ không có cơ hội để làm điều đó lần nữa.
“Chính xác thì quan hệ của ngài với Sarah Woolf là gì?”
Tôi thực sự đang chơi trò tung đồng xu. Không thể biếtlà mặt sấp hay là ngửa. Bởi thế tôi cứ nhìn trân trân trong khi Solomon chầm chậm bước đi, tiến rồi lại lùi, mắm môi cau mày ngó sàn nhà, giống như ai đó đang sắp diễn giảng về chủ đề thủ dâm với thằng con trai tuổi thiếu niên. Tôi chưa từng dự buổi diễn giảng nào như thế, nhưng tôi tưởng tượng sẽ có nhiều cái đỏ mặt và lắm sự bồn chồn, và việc khám phá ra một hạt bụi siêu vi trên áo khoác đột nhiên buộc người ta phải chú ý cao độ.
“Tại sao anh lại hỏi tôi, David?”
“Xin ông chủ, hãy...” Đây không phải là ngày tốt của Solomon, tôi có thể nói thế. Anh ta hít một hơi sâu. “Trả lời đi. Làm ơn.”
Tôi nhìn anh ta một lúc, vừa giận vừa thương hại.
“‘V ì tình xưa nghĩa cũ’, có phải anh định nói thế không?”
“V ì bất cứ thứ gì,” anh ta nói, “mong ông chủ trả lời câu hỏi của tôi. Tình xưa, tình nay, chỉ cần nói với tôi điều đó.”
Tôi châm một điếu thuốc nữa và nhìn xuống tay mình, cố gắng, như tôi đã từng cố nhiều lần trước, tự trả lời câu hỏi cho mình nghe, trước khi trả lời anh ta.
Sarah Woolf. Đôi mắt màu xám, với một vệt sáng màu xanh. Những đường gân cổ đẹp đẽ. Có, tôi có nhớ cô ấy.
Tôi thực sự cảm thấy thế nào à? Yêu? Chà, tôi không thể trả lời thế được, phải không? Chỉ là tôi thấy nó không đủ quen để gắn lên bản thân mình như vậy. Yêu là một từ. Một âm thanh. Sự gắn kết của nó với một cảm giác gì cụ thể là ngẫu nhiên, không đo đếm được, và hoàn toàn vô nghĩa. Không, tôi sẽ quay lại với nó sau, nếu anh không phiền.
Thế còn thương? Tôi thương Sarah Woolf bởi... bởi điều gì? Cô mất anh trai, rồi mất bố, và giờ đây đang bị giam trong tháp tối trong khi chàng người hùng tới để cứu cô còn đang loạng choạng vì cái thang bị hỏng. Chắc là tôi thương cô vì điều đó; vì cô xem tôi như một người giải thoát cho cô.
Bạn bè ư? V ì Chúa, tôi đâu có biết gì mấy về người phụ nữ này. Chà, thế thì là gì nào?
“Tôi phải lòng cô ấy,” tôi nghe thấy có ai đó nói, và rồi nhận ra đó là mình.
Solomon nhắm mắt lại trong một giây, như thể đó lại là một câu trả lời sai - rồi bước chầm chậm, lưỡng lự tới một chiếc bàn gần tường, cầm một cái hộp nhựa lên. Anh ta giữ nó trong tay một lúc, như đang suy ngẫm xem có nên đưa cho tôi hay lẳng ra đống tuyết ngoài cửa sổ; rồi anh ta bắt đầu lục lọi trong túi. Dù anh ta muốn tìm cái gì thì hẳn nó cũng ở trong cái túi cuối cùng mà anh ta lục, và, đúng lúc tôi đang nghĩ nhìn thấy chuyện này diễn ra với ai đó thật hay làm sao, anh ta đưa một cái bút lửa ra. Anh ta đưa cho tôi cái bút lửa và cái hộp, rồi quay lưng dạt ra xa, để tôi lại với nó.
Tôi mở hộp. Tất nhiên rồi. Đó là điều ta làm với những chiếc hộp đóng kín khi có người đưa cho ta. Ta mở chúng ra. Bởi thế tôi nhấc cái nắp nhựa màu vàng, và ngay lập tức trái tim chìm xuống sâu hơn một chút, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cái hộp chứa những tấm ảnh, và tôi biết, hoàn toàn biết, rằng tôi sẽ không thích bất cứ thứ nào trong số chúng.
Tôi rút tấm đầu tiên ra, đưa lên trước cái bút lửa.
Sarah Woolf. Không có nhầm lẫn gì.
Một ngày nắng, một bộ váy đen, đang ra khỏi một chiếc taxi ở Luân Đôn.
Tốt. Được thôi. Điều đó không có gì sai. Cô đang cười - một nụ cười rạng rỡ - nhưng điều đó chấp nhận được. Không sao cả. Tôi không mong đợi trông thấy cô gục vào gối khóc hai mươi bốn giờ một ngày. Kiểu thế. Tiếp theo.
Trả tiền cho tài xế. Lần nữa, lại không có gì sai cả. Anh đi xe taxi, anh phải trả tiền cho tài xế. Cuộc sống là thế. Bức ảnh được chụp với ống kính dài, ít nhất là loại 135, có thể còn hơn. Và cận cảnh cho thấy nó được chụp từ một người đi mô tô. Tại sao có người phải chụp làm gì...
Giờ đang đi từ xe taxi lại vệ đường. Cười. Tay tài xế taxi đang nhìn mông cô, điều mà tôi có thể cũng làm nếu tôi là tài xế taxi. Cô đã nhìn gáy của hắn, giờ hắn nhìn lại mông cô. Sòng phẳng. Thực ra thì cũng không sòng phẳng lắm, có lẽ thế, nhưng không ai có thể nói thế giới này là hoàn hảo cả.
Tôi liếc nhìn lưng Solomon. Đầu anh ta cúi xuống.
Xin mời tấm tiếp theo nào.
Cánh tay một người đàn ông. Thực ra là một cánh tay và một bả vai, trong một bộ com lê màu xám đậm. Đang với tới hông cô, trong khi cô nghiêng đầu lại, sẵn sàng cho một cái hôn. Nụ cười rạng rỡ hơn nữa. Lại nữa, có ai lo chứ? Chúng ta không phải là người Thanh giáo. Một phụ nữ có thể đi ăn trưa với một người nào đó, có thể lịch sự, vui mừng khi gặp anh ta - thế không có nghĩa rằng chúng ta phải gọi cảnh sát vì một thứ chết tiệt gì.
Giờ tay vòng quanh người nhau. Đầu cô ở phía máy ảnh, bởi vậy khuôn mặt anh ta không rõ, nhưng hẳn nhiên là họ đang ôm nhau. Một cái ôm đúng kiểu, trọn vẹn. Bởi thế anh ta có lẽ không phải giám đốc nhà băng của cô. Thế thì sao nào?
Cái này thì gần giống như thế, nhưng họ đã bắt đầu xoay người. Đầu anh ta đang ngẩng lên khỏi cổ cô.
Giờ họ đang đi về phía chúng tôi, vẫn khoác tay nhau. Không thể nhìn thấy mặt anh ta, vì có một người đang qua đường, gần với ống kính, làm nhòe ảnh đi. Nhưng khuôn mặt cô. Mặt cô thì thế nào? Sung sướng tuyệt trần? Hạnh phúc? Vui vẻ? Đam mê? Hay chỉ là lịch sự. Tấm tiếp theo, và cuối cùng.
Ồ, xin chào, tôi tự nhủ với chính mình. Anh ta đây.
“Ồ, xin chào,” tôi nói lớn. “Anh ta đây.”
Solomon không quay lại.
Một người đàn ông và một người đàn bà đang đi lại phía chúng tôi, tôi biết cả hai người. Tôi vừa mới thú nhận yêu người đàn bà, cho dù không chắc điều đó có phải là sự thực, và từng giây qua tôi càng trở nên không chắc chắn hơn, trong khi người đàn ông... vâng, đúng.
Ông ta cao lớn. Ông ta đẹp trai, vẻ phong trần. Ông ta mặc áo vest đắt tiền và cũng đang cười. Cả hai đều đang cười. Đang cười ngoác miệng. Cười rất to, như thể đỉnh đầu của họ sắp rớt xuống đến nơi.
Tất nhiên tôi muốn biết họ vui vẻ vì cái quái gì thế. Nếu như đó là một câu chuyện cười thì tôi rất muốn nghe - để tự đánh giá xem liệu nó có đáng cười vỡ bụng không, liệu nó có là kiểu chuyện cười khiến anh muốn ôm người bên cạnh và siết chặt như thế. Hay là cứ siết người ta chẳng vì lý do gì cả.
Rõ ràng tôi không biết câu chuyện đó, tôi chỉ chắc rằng nó sẽ không làm tôi cười. Hết sức chắc chắn.
Người đàn ông trong tấm ảnh, tay vòng quanh cô gái bị nhốt trong tháp tối của tôi, đang làm cô cười - làm cô ngập trong tiếng cười, ngập tràn vui sướng, làm cô ngập tràn ông ta, với tất cả những gì tôi biết - ông ta là Russell P. Barnes.
Chúng tôi sẽ tạm nghỉ ở đây. Hẹn gặp lại quý vị sau khi tôi liệng cái hộp ảnh ngang phòng.
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm