Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Sách Cấm
H
ồi đó mới mười bảy tuổi đầu, học trò lớp mười, vậy mà thú thực thiếp ngủ đi thì thôi chứ đang còn thức tôi chỉ nghĩ tới đàn bà. Không phải đàn bà nói chung, dĩ nhiên, nhưng mà cũng không rành ra là nghĩ chằm chằm vào một ai. Bọn con gái ở lớp, ở trường, ở khắp trong thành phố, như màn sương dày vây giăng lấy cái đầu tôi hồi đó. Đúng hơn, như trận mưa dông, bởi vì sự thể đã đến với tôi rất chi là đột ngột. Đang yên đang lành, vui vẻ, chỉn chu, khô ráo, thình lình xây xẩm, ướt mèm, bết bát.
Tôi nhớ lần ấy, đang giờ giảng văn, thì báo động. Nhưng không kịp có còi báo động, không kịp cả nghe thấy tiếng hú của máy bay, bom đã nổ. Chúng tôi nhào xuống giao thông hào, túa chạy khỏi lán. Tuy đã được định rõ người nào hầm nấy và mỗi hầm chỉ năm người, nhưng do bị bất ngờ nên láo nháo. Một cái hầm chữ A mà tôi với cả chục đứa nữa lèn nhau. Bom dập xuống dường như rất gần, đạn cao xạ dường như nổ ngay trên nóc hầm, động cơ phản lực như muốn xé toạc người ta ra. Một đứa nào đấy, không biết là đứa nào, ôm ghì lấy tôi, và mặc dù run lẩy bẩy nhưng mà hai cánh tay của nó vẫn quàng cổ tôi rất chặt kéo riết xuống, tóc nó vùi lấp tôi, mặt tôi áp hết vào ngực nó. Tôi lâm vào cái tình trạng nóng hổi và khó thở đó không biết là trong bao lâu, chắc là rất lâu, vì khi chúng tôi ra khỏi hầm ló mặt vào lán thì thầy giáo đã trở lại với bài giảng được một lúc rồi. Cả lớp cười rộ lên chào đón chúng tôi. Không hiểu là cười cái gì, cười chúng tôi nhát như cáy, cười bộ dạng chúng tôi xộc xệch, hay cười vì trong đám gần chục đứa vừa lò dò ra khỏi hầm chỉ có mỗi thằng tôi con giai?
Nghĩa là… kể từ đấy, chỉ bởi vòng tay một đứa bạn không rõ người rõ mặt mà tôi đã không còn là tôi như trước nữa. Kể từ đấy, như là một cơn run rẩy kéo dài mãi mãi, một trạng thái rối bời đã triền miên choán lấy tôi, cả tinh thần lẫn thể xác.
Gần như ngay lập tức hôm trước hôm sau cái vụ ôm nhau trong hầm hai má vốn nhẵn thín của tôi tự dưng nổi đầy những mụn trứng cá. Chưa qua một tuần mụn đã lên cả trán cả mũi và bọc lấy cằm. Càng cạy càng nặn càng lên. Tím đen, đỏ ửng, dày cộp. Toàn thân ram ráp, ngứa ngáy, cảm thấy khô háo, cảm thấy chật chội. Áo quần thì cứ ngắn cũn đi và chật bó lại, căng ra. Cơ thể tôi hồi đó đè nặng lên tôi.
Nhưng nhất là phần hồn. Phần hồn của tôi hồi đó thực sự là một chiến địa nóng bỏng. Tuy không phải lúc nào lửa cũng ngùn ngụt, nhưng không bao giờ lụi, đều đều liên tục cháy âm ỉ. Những khao khát âm thầm mà bừng rực. Những tưởng tượng rồ dại làm mồ hôi vã ra. Những ý nghĩ căng rát và dữ dội chọc ngoáy khắp người. Cũng râm ran ngứa ngáy sần sùi như mặt mày mình mẩy, đầu óc của tôi, tình cảm của tôi hồi đó cứ thừa ứ ra, rạo rực, rậm rịch, nổi gai nổi ốc.
Người ngợm tuy cao vổng lên nhưng lại sụt cân và xanh tái đi. May mà trong giấc ngủ thần kinh tĩnh lại, tuyệt đối chẳng mộng mị gì, nếu không thế hẳn chỉ ngày một ngày hai sức lực đã chẳng còn một giọt. Thành thử tôi ngủ rất nhiều và lúc nào cũng buồn ngủ. Hằng đêm giấc ngủ cứu tôi thoát ra khỏi cơn sốt li bì mê mụ liên miên tù tì của mỗi ngày.
Thế nhưng, vừa mở mắt là lại vào ngay cơn sốt. Có những buổi sáng sớm, chưa ra khỏi màn mà ý nghĩ và hình ảnh đầu tiên trình làng đã khiến tôi như bị điện giật.
Song thường thường là tôi bắt đầu ngày mới bằng mươi phút nằm ườn ra, lừ đừ dìm lịm mình trong một mộng mơ vớ vẩn nào đó, luôn luôn là sướt mướt và nhàm tẻ, không đâu vào đâu, chẳng đem lại điều gì khác ngoài sự uể oải rã rời đi đôi với lú lẫn, làm cho câu chữ bài vở cần phải có để đến trường rụng rơi hết cả.
Hồn xác liêu xiêu chao đảo nên việc học hành tất nhiên là chẳng ra sao, song đấy chưa phải là điều khiến tôi ngày ngày canh cánh. Hồi đó làm tôi hãi nhất vẫn là mối nguy bị lộ tẩy cái lòng dạ đáng xấu hổ của mình. Tôi lo ngay ngáy rằng sẽ có lúc mình bất ngờ bột phát một hành vi, một cử chỉ, một câu nói nào đấy. Nhỡ ra, tôi thường bất chợt rùng mình với ý nghĩ đó, không dưng mình nắm lấy tay người ta, sờ vào áo người ta, vuốt lên tóc người ta. Nhỡ đâu mình buột miệng nói ra cái cảm giác của mình khi đứng gần người ta ngồi gần người ta. Nhỡ người ta bắt gặp luồng mắt của mình. Mà người ta thì lại không cụ thể là ai cả nên tôi không thể chủ tâm đề phòng, không thể chủ động lảng xa.
Tôi không còn dám chen tàu điện đi học nữa. Xếp hàng ở máy nước hay xếp hàng ở ngoài chợ, trong mậu dịch, tôi luôn tránh để không đứng sau hoặc trước một đứa con gái. Tôi không vào rạp xinê một mình. Bởi vì, nhỡ ra… Đến lớp cũng vậy. Đời sống học trò bao năm trời tươi vui thoải mái, vô tư bạn trai bạn gái đã gần như chấm dứt đối với tôi. Tôi trở nên ít lời. Trong giờ học tôi trở nên quá sức là nghiêm ngắn. Cả trong giờ ra chơi cũng tránh cười đùa, tránh nhìn, tránh chuyện. Tôi cẩn thận với hai bàn tay của mình. Tôi gắng không chạm người, không đụng người, không lướt người mình vào ai. Báo động máy bay, dù có sợ chết khiếp cũng chỉ ngấp nghé ở cửa hầm chứ không chen hẳn vào trong. Nói chung là tôi trở nên lầm lì, tôi trở nên gượng gạo. Luôn luôn tự dưng đỏ lựng hết lên cả cổ cả tai cả mặt. Và thường xuyên tự dưng toát mồ hôi.
Những ngày ấy thật là khổ sở. Hiểu rất rõ rằng mình như thế này là xấu xa quá quắt mà không làm sao tôi dừng mình lại được, không làm sao gồng sức lên đẩy lùi những thầm vụng đáng sợ ở trong lòng. Mà phải tuyệt đối ngậm tăm, không thể thổ lộ cùng ai, nên cứ vậy một mình chật vật tranh đấu với mình một cách vô vọng. Tôi cũng biết chẳng trước thì sau sẽ bị nhận ra, cho dù cố công tự kiềm chế đến đâu.
Và quả nhiên cái giờ phút ê chề ấy rồi cũng đã điểm. Mặc dù không đến nỗi là bị lên án hay bêu riếu, chỉ là những lời bàn tán và cười cợt do tình cờ mà nghe phải thôi, song cũng đủ cho tôi sượng mặt đến tận ngày nay.
Bữa đấy phiên tôi trực nhật. Đạp xe đến lớp quá sớm, quét dọn lau chùi xong xuôi mọi thứ mà còn dư cả tiếng đồng hồ nữa, tôi chúi vào sau chiếc bàn cuối lán đánh một giấc. Tiếng trò chuyện lay thức tôi. Một đám, không biết là bao nhiêu đứa, tụ với nhau ở dãy bàn trên cùng, vừa quà sáng vừa tán chuyện. Toàn giọng con gái. Vừa định nhỏm dậy thì tôi nghe thấy tên mình. Nằm lặng đi tôi nghe bọn con gái tranh nhau nói về mình. Và cười. Cười rúc rích. Cười rũ rượi. Trời ơi là cái thằng tôi! Thằng đó dạo này dở hơi quá chúng mày ạ. Thằng đó dạo này chuyên nhìn trộm. Không nhìn trộm thì lại nhìn trừng trừng, để ý mà xem, sợ lắm, suốt năm tiết nó cứ dán mắt vào gáy cái Minh ngồi đằng trước nó… Dạo này nó như ngọng, nói gì cũng ấp a ấp úng… Mà sao kinh thế chứ, dạo này mặt nó đặc trứng cá… Buồn cười chết đi được, nó cứ cố tình thúc cùi tay sang người tao… Nó hỏi tao nhiều câu lẩm cẩm không chịu được…
Lúc ấy, trong tình cảnh ấy, tôi chưa kịp cả hổ thẹn nữa, chỉ tràn ngập một nỗi sợ hãi. Tôi sợ bọn họ phát hiện ra tôi đang nằm ở cuối lớp và cả lũ sẽ khiếp đảm hét rú lên. Nếu mà như thế chắc tôi phải cắn lưỡi.
* * *
Hôm sau, cái Minh trưởng lớp cho bố trí lại chỗ ngồi. Tôi đang ở tổ 3 về tổ 5, đang ở bàn giữa lớp lùi xuống bàn cuối, chỗ ngồi trong góc cùng của lán. Lý do là vì tôi cao kều, đầu với lưng gây vướng cho bàn sau. Tôi chẳng nói gì, chẳng để lộ điều gì, nhưng mà muốn độn thổ. Muốn chết luôn. Suốt cả tuần lễ người tôi như gỗ. Trong đầu lúc nào cũng vẳng văng những lời bình phẩm và tiếng cười của mấy đứa con gái. Từng lời một, mỗi lần nhớ lại mỗi lần tê điếng.
May thay tuổi trẻ chóng quên dễ nguôi. Bản thân tôi dần lại hồn, còn mấy đứa con gái đó thì cư xử với tôi hoàn toàn như thể là chúng chưa từng bao giờ nghĩ rất cay và nói rất chua về tôi. Thêm nữa, như một niềm chia sẻ, một nỗi an ủi, tôi nhớ rằng sáng hôm ấy không chỉ riêng thằng tôi được bọn con gái cân đong mà còn mấy thằng nữa. Và tất cả những thằng đó cũng về một góc lớp với tôi, ngồi trên tôi, ngồi cạnh tôi.
Vả chăng, dù rất nhục rất bẽ, tôi không uất không oán các cô bạn, trái lại. Thật tình là thế, nhờ nghe lỏm được cuộc luận bàn quái ác của họ, mà tôi đã có thể phần nào hãm cái đà trượt dốc của mình lại. Màn sương đặc sệt đầu óc đã loãng ra. Tâm trí bớt bấn loạn, trở nên ngăn nắp hơn, dành được nhiều chỗ hơn cho bài vở. Cả trứng cá trên mặt nữa cũng đỡ tràn lan.
Và thậm chí, đôi khi, tự dưng, hoàn toàn không chủ tâm, tôi lẳng lặng để mắt nhìn đám bạn trai ngồi cùng góc lớp với mình bằng cái nhìn của mấy đứa bạn gái ấy. Tôi thấy mà sợ. Bọn con gái đã nói chẳng ngoa tý nào. Không biết là ý nghĩ trong đầu mấy thằng bạn tôi có quá đáng như ở trong đầu tôi không, nhưng bề ngoài thì chúng cũng như tôi, đều ít nhiều khớp với miêu tả của bọn con gái. Thái độ, cử chỉ, điệu bộ, cái nhìn, giọng nói, vụng về, lóng ngóng, lộc ngộc, và đều như có một cái gì đấy kỳ cục và vụng trộm.
Thằng Hiệp “sứt” ngồi ở bàn trên tôi quai hàm lúc nào cũng thường trực ngáp. Nó có thể gà gật ngủ ngồi suốt năm tiết học. Khi không ngủ thì nó lén lút đọc truyện hoặc vẽ nhăng nhít. Toàn những hình bậy bạ, vẽ lên mặt bàn, vẽ ra sau vở. Nhiều nhất là nó vẽ lên giấy nháp, rồi chuyền tay cho bọn con trai bàn trên bàn dưới xem, đánh giá và vẽ thêm thắt vào. Sách đọc trộm trong lớp cũng luôn là từ thằng Hiệp chuyền đi. Quay vòng qua bọn con trai các bàn. Cũng toàn là những “truyện ái tình” hoặc ướt át ngớ ngẩn, hoặc hết sức là nhem nhuốc và khả ố.
Nếu bị tóm quả tang đang chúi mũi vào ba cái đồ tệ mạt ấy thì đừng nói hạnh kiểm với lại thi cử, mà phải ra khỏi lớp, bán xới khỏi trường, chấm hết đời học trò là cái chắc. Nhưng bọn chúng tôi vẫn liều lĩnh đọc và vẫn có đứa đọc ngay trong giờ học. Vậy mà lạ, chưa có đứa nào bị phát giác.
Chỉ có tôi, một lần, suýt nữa thì xong đời.
Đấy thực sự là “tác phẩm” rác rưởi nhất trong số tất cả những mớ nhuôm nhoam ô dề mà bọn lộc ngộc mới lớn chúng tôi đã luân chuyển cho nhau. Không phải sách in mà là một quyển vở. Chữ viết tay, li ti nhưng nắn nót, mực tím, dày kín cả gần trăm trang giấy.
Thực ra tôi chưa cầm đến cái của đó. Nó vẫn đang trong lượt đọc của thằng Toàn ngồi kế một bên tôi. Chưa khi nào tôi thấy Toàn như thế, nó đọc ngốn ngấu và hoàn toàn mất tự chủ, rất lộ liễu. Từ tiết đầu tới tiết cuối, cả giờ ra chơi, cả phút giải lao, Toàn cắm mặt vào cuốn vở dúi trong ngăn bàn. Nó đọc mà tay run, mặt mày đỏ rịm, mồ hôi mồ kê. Sự bấn loạn thấy rõ ấy khiến tôi chộn rộn theo, không nhịn được, cứ nghiêng đầu sang Toàn đọc ghé. Và cũng toát mồ hôi, cũng mất hết sự cẩn trọng. Lúc đó, sắp hết tiết cuối. Từ bục giảng, thầy giáo đã đi xuống gần cuối lán rồi, hai thằng chúng tôi mới giật mình, thẳng người lên, ngồi ngay ngắn, đổi nét mặt, ra vẻ chăm chú. Tưởng chắc bị lật tẩy, vậy mà lạ thay, thầy chẳng thấy gì. Chẳng căn vặn gì cả tôi cả Toàn. Hú hồn, mừng húm.
Không ngờ, đạp xe về tới nhà thì tôi gặp Toàn đang đợi ở cửa, nó bảo: “Mày đưa lại tao quyển truyện, tao đọc nốt hai trang cuối cho xong rồi mai đến lượt mày. Mà đừng có đọc ở lớp nữa. Hôm nay hút chết, sợ quá”. Tôi sững người, đánh đổ xe. Thì ra, Toàn đã nhanh tay tống cái nợ đó sang ngăn bàn tôi và cứ thế thằng ngốc ấy mặc nhiên là trách nhiệm đã về tôi.
Hốt hoảng tôi đạp xe quay lại lán. Nhưng đã muộn, bọn kíp chiều, lớp 10C, đã vào tiết đầu. Biết là đã vô phương, trời sập xuống đầu rồi, tôi vẫn cứ đành loanh quanh ở gần lán. Nhưng mấy lần giờ giải lao, giờ ra chơi, cũng không cả gan xộc vào. Phải đợi bọn 10 C tan học được một lúc lâu, tin chắc trong lán không còn ai mới dám.
Nhưng, vẫn còn một người ở trong lớp học đã vắng ngắt. Lại ngồi đúng chỗ của tôi, góc bàn cuối lán. Đường cùng rồi, không thể rút lui, tôi đành bước tới. Một đứa con gái. Và tôi biết nó, cái Thủy, nhà cùng phố. “Bạn quên gì phải không?”, nó hỏi. “Ừ”, tôi đáp, “quyển truyện… à, quyển vở, trong hộc bàn đúng chỗ này… Bắt được à? Bắt được thì cho xin đi”.
Thủy lấy từ trong túi dết ra cái quyển vở khốn kiếp ấy. “Mình nán lại để đưa tận tay bạn, sợ nhỡ ai người ta cầm phải rồi nộp các thầy thì khốn”. Không dám tin vào mắt mình, tôi muốn hét lên vì mừng rỡ. Thoát nạn rồi.
Lúng búng cám ơn, tôi vố lấy quyển vở, vù ra khỏi lớp, cuống cuồng phóng xe đạp về nhà như bị ma đuổi.
* * *
Thây kệ thằng Toàn thằng Hiệp rồi sẽ rủa xả gì mình, tôi tống ngay cái “tác phẩm” chó chết ấy vào bếp lửa. Nhưng cho đến tận sáng hôm sau vẫn còn tim đập chân run, vẫn còn rợn cả người khi nghĩ đến cái họa tày đình chỉ chút xíu nữa là chuốc phải.
Tôi cũng vô cùng là biết ơn Thủy. Và mất mấy hôm liền tôi cứ băn khoăn nghĩ mãi làm cách nào để bày tỏ được sự biết ơn ấy.
Còn chưa biết làm thế nào thì một buổi sáng, vừa đến lớp, ngồi vào chỗ, tôi thấy trong ngăn bàn của mình có một cuốn sách. Nó được phong kín trong lớp giấy báo và chằng kỹ lại bằng dây thun buộc tóc. Bên ngoài ghim mẩu giấy gấp tư. Rất ngắn. “Từ rày đừng đọc nhảm nữa. Mình cho bạn mượn cuốn này. Mang về nhà hẵng đọc. Đừng cho ai biết. Đọc xong, để lại chỗ đây. Rồi mình lại cho mượn cuốn khác”. Rõ là Thủy viết cho tôi, nhưng kín đáo, chỉ mình với bạn.
Tôi dúi vội cuốn sách vào cặp. Cả buổi học cố không nghĩ đến nó mà không được. Vừa sợ, vừa tò mò. Tò mò về cuốn sách, ngỡ ngàng về người cho mượn sách.
Thủy vốn cùng lớp với tôi từ cấp hai, mãi đến đầu lớp mười mới tách ra, tôi 10A, Thủy 10C. Nhà cũng khá gần nhau, đầu phố giữa phố. Song chỉ vậy thôi, chẳng phải chỗ bạn bè. Phần vì tôi là con cái gia đình cán bộ. Còn Thủy thì con nhà tư sản, mà tư sản phản động, ông bố đã mấy lần phải đi tập trung cải tạo. Phần vì từ cuối cấp hai, là khi đã tương đối lớn, Thủy rất không được tập thể ưa. Chẳng bởi một lý do rõ ràng nào, càng ngày Thủy càng hay bị mọi người để ý chê bai. Thoạt nhìn là người ta đã thấy ở Thủy có cái gì đó không rõ là cái gì, là lạ khang khác không y hệt mọi người. Cách để tóc, cách ăn mặc chẳng khác ai mà vẫn như có hàm một sự diêm dúa thầm lén. Da dẻ trắng trẻo mềm dịu. Cách nói, dáng đi đều bị nhận ra là thiếu khiêm nhường. Hết lớp tám tất cả chúng tôi đều đã vào Đoàn, riêng Thủy vẫn cứ mãi là chân bạch vệ.
Tập thể thế nào thì tôi thế nấy. Mọi người không thân với Thủy thì tôi cũng không thân. Nói chung, chúng tôi chẳng có can cớ gì để mà phải mật thiết. Bây giờ lại mỗi đứa mỗi lớp càng khó gần. Vậy mà, Thủy lại đã hết sức tử tế với tôi như thế, là vì sao? Một sự thân tình hết sức là kỳ lạ, bởi vì cũng là một sự thân tình đầy liều lĩnh.
Cuốn sách đầu tiên Thủy cho tôi mượn là cuốn Những Ngày Thơ Ấu của nhà văn Nguyên Hồng. Tôi biết ông này là nhà văn đương thời hiện đại Xã hội Chủ nghĩa, nhưng cụ thể cuốn sách ấy thì tôi lại thấy là được xuất bản từ tận năm 1938, thời Pháp thuộc. Nghĩa là, dù sao cũng loại sách mà tôi và Thủy không được phép đọc.
“Thầy tôi làm cai ngục, mẹ tôi con nhà buôn bán”. Sờ sợ, dưới ánh đèn khuya, tôi giở trang đầu. Cuốn sách khổ nhỏ, không dày, được đóng thêm bìa cứng, gáy da. Các trang đã ngả màu lá úa, nhưng tinh tươm, kiểu chữ rất đẹp và khác lạ so với những sách tôi thường thấy. Và khác lạ nhất là những gì được viết nên. “Hai thân phụ tôi lấy nhau không phải vì quen biết nhau lâu và thương yêu nhau…”
Tôi đọc cuốn cách ấy chậm rãi, thấm thía, trong ba ngày.
Theo lời dặn, tôi mang cuốn sách đến lớp và để lại trong ngăn bàn. Cũng tính viết một lá thư đôi dòng gửi kèm trong sách, nhưng ngần ngại, tôi chẳng viết.
Sáng hôm sau, giống như lần trước, trong ngăn bàn của tôi lại có một cuốn sách bọc kín trong giấy báo, nhưng không có thư. Đấy là cuốn Vỡ Đê của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Cũng bìa cứng gáy da, cũng năm xuất bản, cũng kiểu chữ in thời Pháp thuộc. Nhưng dữ dội, choáng váng. Cộm lên những tình tiết, những chi tiết khiến tôi xây xẩm. Đây thì đã rõ ràng là “sách cấm” rồi, một tuần liền tôi đã đọc với niếm xúc cảm dâng lên đến ngạt thở, với niềm thán phục, và cả với nỗi lo sợ bị cha mẹ bắt gặp. Tôi cũng đã mang trả cuốn sách trong nỗi lo sợ. Để cuốn sách trong ngăn bàn, ngồi chờ qua buổi trưa, cho đến tận khi nhìn thấy chắc chắn Thủy đã vào đến cửa lớp, tôi mới rời khỏi chỗ để ra về. Mà kỳ quặc hết sức, chúng tôi không nói gì với nhau, không cả nhìn nhau nữa. Đi lướt qua nhau.
Hôm sau tôi đến lớp thật sớm, trước cả đứa trực nhật. Lần này Thủy cho tôi mượn cuốn tiểu thuyết Đoạn Tuyệt in từ năm 1934 của nhà văn Nhất Linh. Một tên tuổỉ lạ lẫm, tuy nhiên từng có một lần nào đó tôi đã thoáng nghe thầy dạy văn nhắc đến và hình như thầy có nói rằng ông ta là một tay lãnh tụ Quốc Dân đảng.
Mãi mãi tôi không bao giờ tự cắt nghĩa nổi vì sao mà hồi đó tôi và Thủy lại phải như thế với nhau. Vì sao chúng tôi không trực tiếp trao sách vào tay nhau? Những cuốn sách cấm mà Thủy để lại cho tôi trong ngăn bàn, qua suốt một đêm, luôn có nguy cơ bị ai đó phát hiện ra. Nghĩ mà phát sợ. Chúng tôi sẽ trả lời ra làm sao và sẽ ra sao nếu bị phát giác là đang đọc những Hồn Bướm Mơ Tiên, Bỉ Vỏ, Sợi Tóc, Vang Bóng Một Thời, Lầm Than, Số Đỏ, Kỹ Nghệ Lấy Tây, Làm Đĩ… và thậm chí, Lục Xì?
Không theo một trình tự nào, không có sự sàng lọc nào hết. Chắc là trong căn phòng áp mái của gia đình Thủy, sách không bày trên giá mà xếp trong rương. Và Thủy cứ lần lượt lấy ra để phục vụ tôi. Không phải cuốn nào tôi cũng thích, nhưng đọc tất. Cuốn không thấy hay thì đọc một buổi, thấy hay thì có khi đọc nhấm nháp cả tuần.
Suốt học kỳ hai lớp mười, tôi vừa học hành và chuẩn bị thi vừa mải mê với luồng sách của Thủy. Hết cuốn này sang cuốn khác được Thủy bí mật chuyển cho tôi qua ngăn bàn. Những tác phẩm văn học đã hết thời ấy mặc dù đầy rẫy những sự cấm kỵ lại đã giúp tôi gạn đục tâm hồn mình. Những cơn cuống náo dục tình, những ý nghĩ suy đồi ngày một bớt đi trong tôi. Nhờ rất nhiều vào các nhà văn tiền chiến lỗi thời, tôi bước vào đời một cách bình thản như bao người trai trẻ khác.
Nhưng tôi và Thủy thì vẫn cứ thế. Vẫn chỉ là những cuốn sách chuyển cho nhau qua ngăn bàn. Không gần lại được vào nhau hơn. Không một bức thư. Không một lời. Không cả nhìn nhau.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Thủy là vào một buổi trưa trời đột ngột nổi dông. Đang trên đường từ trường trở về nhà, tôi và mấy đứa bạn cùng lớp dạt vào núp dưới một mái hiên. Mưa à à như thác đổ, càng lúc càng to. Chỉ phút chốc đường phố đã ngập nước. Từ bến tàu điện, Thủy đội mưa chạy tới. Dọc phố Cầu Giấy có bao nhiêu chỗ trú nhưng phải đúng đến nơi tôi đang đứng cô mới tránh vào. Người cô ướt thướt. Vải áo dính sát bó rít lấy mình mẩy. Tóc xổ xõa, rã rượi. Thủy đứng dựa vào tường. Đưa tay vuốt nước trên mặt. Chưa bao giờ chúng tôi ở kề nhau đến thế. Tôi biết là Thủy muốn nói gì đấy với mình.
Nhưng vì còn nhiều người khác ở đấy nên tôi lảng, chỉ nhìn phớt lên người Thủy rồi ngoảnh ngay đi, ngó vơ vẩn ra ngoài mưa. Như là chẳng quen biết. Chợt một tiếng sét xé thinh không, nhoàng lửa quắc sáng dựng đứng đất trời trong khoảnh khắc. Lẳng lặng Thủy rời chỗ trú, đi vào màn mưa. Chẳng ai gọi cô lại cả, cả tôi cũng không. Tôi chỉ ngây người nhìn theo, sững sờ. Những năm sau này mỗi khi nhớ về thuở đó, ý nghĩ thường rọi cho tôi thấy lại một lần nữa, rồi một lần nữa chính cảnh tượng ấy. Thủy đi xa dần, xiêu xiêu trong màn mưa lấp trời. Cô rẽ ở góc phố, khuất đi, tan biến như một hạt mưa bị vùi giữa biển mưa. Trong hồi tưởng của tôi, thời niên thiếu chỉ còn nốt được đến ngày hôm đó thì lụi hẳn, buồn thảm và vĩnh viễn qua đi cùng với buổi trưa u uất chìm lịm dưới mưa ấy.
Cuốn sách cuối cùng Thủy cho tôi mượn không phải là tiểu thuyết mà là tập “Máu Cuồng và Hồn Điên” của Hàn Mặc Tử. Tôi đọc chưa dứt nên chưa kịp để tập thơ điên ấy vào ngăn bàn chung của hai đứa.
Bom trúng thẳng vào lán học của chúng tôi ngay sau buổi trưa mưa gió tôi và Thủy gặp nhau dưới mái hiên. Trưa ấy, tôi lớp 10 A đã tan học. Còn Thủy thì 10C kíp học buổi chiều. Non nửa lớp 10C bị vùi lấp, nhưng chỉ một mình Thủy không hồi lại được.