Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 20
V
iệt cộng vào Sàigòn, theo đúng thông lệ Cộng đi tới đâu ruồi bâu đến đấy, thành phố Sàigòn thất thủ một sớm, một chiều trở thành cái Chợ Trời khổng lồ. Người Sè Goòng mang ra vỉa hè bán đủ thứ linh tinh. Hai chợ Trời đông đảo nhất Sàigòn là Chợ Cũ và Chợ Lăng Cha Cả. Mộng ước cao đẹp nhất của những anh nông dân Bắc Việt đi lính cụ Hồ vào được Sàigòn là được làm chủ cái đồng hồ "không người lái". Người bán đồ toàn là dân Sàigòn, người mua đồ toàn là lính Bắc Việt cộng sản. Các em Lính Cái Việt cộng mông to hơn cái thúng đi chợ trời tìm mua "Áo Mông" - Montagut - đồ các em mua phải là đồ có chữ U Ét - US- hay U Ét A - USA.
Ba Trung có đọc bài thơ Chợ Trời, anh nói:
- Anh làm thơ gọi chúng tôi là Mán, là Mường. Nếu các chú đi bắt anh mỗi chú chỉ đánh anh một cái thôi giờ này anh cũng ngồi không vững.
Cay cú nặng vì vụ vồ hụt Mai Thảo, Ba Trung nói:
- Anh thấy đấy… Chúng tôi định bắt một trăm anh là đúng một trăm anh bị bắt. Chúng tôi chỉ có bắt hụt mỗi một mình Mai Thảo.
Thấy anh đối xử với tôi tử tế, tôi nói:
- Các anh bắt vậy là hay quá rồi. Chỉ vì cái sơ suất này mà các anh không bắt được Mai Thảo: chúng tôi có vợ con, khi nghe tin anh em chúng tôi bị bắt chúng tôi quyến luyến vợ con nên chúng tôi cứ ở nhà chờ không chịu bỏ đi. Mai Thảo không có vợ con, sau giải phóng nó lại quen ở nhà này ít lâu, ở nhà khác năm bữa nửa tháng. Nghe nói bị bắt là nó lững thững hai tay không nó đi. Lẽ ra các anh phải bắt Mai Thảo trước nhất, sau nó mới đi bắt những người khác.
Ba Trung hỏi:
- Anh có nhiều lần gặp Mai Thảo phải không?
Có cái tật không thích nói dối - mặc dầu đôi khi cũng nói dối như máy - và không nói dối được, tôi trả lời:
- Có. Mai Thảo đến nhà tôi vài lần.
Ba Trung bất thần hỏi mánh:
- Cũng có khi anh đến rủ Mai Thảo đi chơi chứ?
Phải nói thật là tôi chẳng lần nào đến chỗ Mai Thảo trốn tránh gọi anh đi chơi cả. Nên tôi trả lời ngay boong.
- Không.
Và tôi giải thích "tại sao không":
- Mai Thảo không nói cho tôi biết chỗ hắn ở là vì việc đó không cần thiết, tôi không cần biết chỗ hắn ở làm chi. Tôi không hỏi chỗ Mai Thảo ở vì tôi sợ nếu tôi bị bắt, các anh sẽ hỏi tôi Mai Thảo ở đâu. Tôi không khai thì sợ các anh hành hạ tôi. Tôi khai thì tôi ân hận vì tôi mà Mai Thảo bị bắt. Vì vậy, tôi không hỏi. Nhưng bây giờ, khi đã bị bắt vào đây rồi, nếu tôi biết chỗ Mai Thảo ở tôi khai với các anh ngay. Nếu tôi còn ở ngoài mà tôi làm cho hắn bị bắt, tôi mới ân hận. Đã bị bắt rồi, tôi chẳng có gì mà để sợ. Mai Thảo có bị bắt thì nó cũng chỉ khổ như tôi thôi. Tôi chẳng áy náy gì về việc khai ra chỗ nó ở để nó bị bắt vì tôi biết trước sau gì nó cũng bị bắt thôi. Làm sao nó trốn mãi được…
Ba Trung không nói gì cả. Chèn đét ơi… tôi nói có lý quá trời đi, còn bắt bẻ tôi vào đâu được. Bị Việt cộng bắt mình khai báo với nó phải có lý may ra mới được nó nể nang phần nào. Có lần, tôi nhớ vào buổi tối đã khuya, khi đã sửa soạn ra về, cho tôi vào xà lim ăn cơm tù nguội cứng ngắc, Ba Trung nói:
- Làm việc với anh, tôi cũng học được nhiều điều hay hay…
Ba Trung nuôi mộng qua tôi, qua vợ tôi, bắt được Mai Thảo. Có lần hắn bảo tôi:
- Tôi muốn anh viết một thư cho Hoài Bắc. Ý thư là anh báo cho Hoài Bắc biết người ta, tức là chúng tôi, đã biết chỗ ở của Mai Thảo, Hoài Bắc phải đến cho Mai Thảo biết để Mai Thảo đi nơi khác ngay…
Tôi biết ngay mánh mung của Ba Trung. Trong tù thường có người bị bắt khi được thả lén mang thư của người tù ra ngoài, đem đến cho thân nhân người tù. Ba Trung muốn tôi viết thư cho Hoài Bắc, hắn sẽ cho một chú công an nào đó giả làm tù ở chung phòng với tôi trong Số 4 Phan Đăng Lưu mới được thả, đem thư HHT đến cho Hoài Bắc. Được thư Hoài Bắc sẽ nhẩy lên ngựa sắt lọc cọc đến chỗ Mai Thảo hay cho người nhà đi báo tin cho Mai Thảo biết là công an đã biết chỗ ở của Mai Thảo, nên đi chỗ khác ngay.. Anh em Ba Trung chờ sẵn ngoài đường sẽ đi theo, ập vào nơi Mai Thảo ở, còng tay Mai Thảo ngon lành.
Tháng 10 năm 1977, khi tôi ngơ ngáo tay bị còng, theo những anh Công An Nhăn Dăn thành Hồ, đặt những bước chân đầu tiên đi vào con đường tù đầy nạn nhân Cộng sản, đặt những bước chân đầu tiên là lời nói văn huê để diễn tả việc loạng quạng đi vào trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, các ông Mai Thảo, Hoài Bắc vẫn còn vất vưởng ở Thành Hồ. Nói rõ hơn là ngày tôi bị bắt các ông chưa vượt biên đi thoát. Sở dĩ công an Thành Hồ không tóm được Mai Thảo là vì Thành Hồ có trò vượt biên. Nhờ có vượt biên, Mai Thảo mới thoát được tù đầy cộng sản. Nếu không có vượt biên làm sao ông có thể lẩn tránh mãi. Bị Việt cộng vồ trượt, lùng bắt từ tháng 3 năm 1976 cho đến đầu năm 1978 ông mới đi thoát. Thành tích sống ẩn mình chờ đi chui của ông như dzậy là khoảng hai niên. Kỷ lục Guiness Mít.
Khi Ba Trung Huỳnh Bá Thành đưa cho tôi mảnh giấy bao thuốc lá, cây bút, bảo tôi viết thư cho Hoài Bắc theo ý hắn, tôi ngồi lặng đi nửa phút. Tôi thầm đọc Ba Kinh Kính Mừng xin Đức Mẹ Maria làm cho lá thư tôi viết không gây tác hại gì cho các bạn tôi. Tôi cẩn thận khẩn cầu cho chắc ăn. Trong lòng tôi không tin Hoài Bắc khi nhận được thư tôi - nếu Ba Trung cho công an giả làm tù được ra đến đưa thư thực sự - lại lóc cóc đạp xe đến chỗ Mai Thảo ở để phi báo ngay. Tôi chắc vậy, vì tôi biết Hoài Bắc cũng không biết rõ chỗ Mai Thảo ẩn náu như tôi. Dù có nhận thư báo, anh cũng chỉ chờ anh cháu liên lạc viên của ông bạn lại mới nói cho biết. Nếu tôi là Hoài Bắc tôi cũng làm như vậy.
Hai mươi mùa lá rụng đã qua kể từ ngày ấy - không nhớ là sáng, hay chiều, hay tối, trong phòng thẩm vấn số 4 Phan Đăng Lưu, cửa ngõ tù đầy của những công dân thành phố Hồ Chí Minh quang vinh, tôi cầm bút viết. Đại khái lời thư tôi còn nhớ:
Hoài Bắc,
Người ta đã biết chỗ ở của Mai Thảo. Mày đi cho nó biết ngay để nó đi chỗ khác. Ở lại đấy là bị vồ đấy.
H.H.T.
Tôi ký tờ thư ngắn. Ba Trung bảo tôi:
- Anh vẽ bông hoa dưới chữ ký anh.
Y xem tập thơ của tôi, thấy tôi thường vẽ bông hoa trên đầu bài, trên chữ ký. Tôi có con dấu bằng đồng hình bông hoa và chữ ký tôi khá đẹp. Khi đến bắt tôi, bọn công an lục soát lấy đi tất cả những con dấu hoa hòe hoa sói của tôi. Tôi vẫn nghĩ bông hoa là biểu hiệu tiền định của đời tôi. Hoa đẹp, hoa thơm, nhưng người ta không ăn được hoa. Đời tôi an nhàn, có chút tiếng tăm còm, có vài ba nữ độc giả ái mộ, vợ không đẹp lắm, con không khôn lắm nhưng cũng không quá ngu. Đời tôi đúng như bông hoa. Không có tiền. Phải chi thời trẻ tôi lấy dấu hiệu là trái sầu riêng hay trái mít. Tiếc thật. Lấy dấu hiệu là trái đu đủ cũng có ăn. Hoa thì hèn chi hổng nghèo phai nhạt nụ tầm xuân.
Dễ thôi. Tôi là người tù dễ bảo có hạng. Tôi vẽ bông hoa bên chữ ký theo lời của Ba Trung. Tôi tin dù thư có đến tay Hoài Bắc anh sẽ không tin đó là thư tôi. Vì tôi "mày tao" mí ông Mai Thảo, tôi không "mày tao" mí ông Hoài Bắc. Ông Hoài Bắc không mày tao với ai cả thì đúng hơn. Thư tôi "mày tao" vớí ông chắc vừa đọc ông đã thấy có cái gì khác lạ. Tôi có thể "toa, moa" nhưng nhất định không thể "mày, tao" vớí ông. Có vài lần tôi nghe ông Thanh Nam mày tao vớí ông Hoài Bắc, nhưng ông Hoài Bắc vẫn cứ "tôi, anh" với ông Thanh Nam.
Ba Trung có thực hiện mánh mung cho đàn em giả tù được thả đem thư rởm của tôi đến cho Hoài Bắc hay không? Chuyện đó tôi không biết và không bao giờ tôi biết. Hoài Bắc đã qua đời, hình như anh mất năm 1993. Ở Thành Hồ chúng tôi biết tin Hoài Bắc nhờ nghe đài VOA. Công an Việt cộng Ba Trung Huỳnh Bá Thành cũng đã chết.
Tôi bị giam 12 tháng 2 ngày trong xà lim, Biệt giam số 15 khu B hai tháng, Biệt giam 6 khu C Một mừời tháng. Khi sang phòng tập thể cuối năm 1978 tôi được anh em tù báo tin:
- Mai Thảo, Hoài Bắc, Lê Thiệp, Nguyễn Hữu Hiệu… đi thoát hết. Sang Mỹ cả rồi…
Nghe tin tôi nhẹ người.
° ° °
Tuy không biết nơi ẩn náu của Mai Thảo tôi vẫn có thể chỉ cho Ba Trung bắt được anh. Số là vợ chồng tôi chỉ về ở căn nhà nhỏ của mẹ tôi vẫn bỏ không trong Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ ba tháng sau ngày nón cối, dép râu ngơ ngáo vào Sàigòn. Khoảng tháng Mười, tháng Mười Một đen hơn mõm chó năm 1975 một tối buồn, trời trở lạnh, tôi đạp xế lang thang trong những đường phố tang thương của Sàigòn thương yêu. Khoảng mười giờ khuya ở đường Phan Đình Phùng, đèn tắt tối om, tôi gặp ông Mai Thảo, Hoài Bắc trên hai con ngựa sắt. Chúng tôi vào tiệm Nghi Xuân đớp phở. Khi đang dùng dằng chưa nỡ rời tay mà cũng chưa biết nên và có thể kéo nhau vào đâu chơi, chúng tôi nghe người gọi tên:
- Hoài Bắc… Mai Thảo… Hoàng Hải Thủy…
Gọi mà gọi lớn tiếng chứ không vừa đủ nghe. Ông Đoàn Khê - một tên khác là Khê Vinh - cầu thủ bóng tròn nổi tiếng trước năm 1954 - trên lưng ngựa sắt ghé đến. Chúng tôi trao đổi vài lời trên lề đường vắng.
- Bọn đá bóng Bắc Kỳ vào chúng nó có tìm ông không?
- Có chứ. Về bóng tròn thì tôi là Hồ Chí Minh của chúng nó…
Đó là lời tuyên bố giữa đường của ông Đoàn Khê, tức Khê Vinh, cựu cầu thủ Bắc Việt. Ba ông Khê Vinh, Mai Thảo, Hoài Bắc đều đã ra người thiên cổ.
Đêm ấy trời quá khuya, tôi theo ông Mai Thảo về ngáo một giường mí ông trong căn nhà một ông anh của ông phú lỉnh được để lại. Sáng hôm sau, tôi rủ Mai Thảo về nhà tôi chơi.
- Mẹ tao đau, vợ tao lên hầu bà cụ. Có mình tao ở nhà. Trưa mình đi đớp thịt chó.
Khu Ông Tạ Bắc Kỳ Ri Cư tám mươi phần trăm là dân công giáo, nổi tiếng khắp Sàigòn về mục Cầy Tơ. Ngã Ba Ông Tạ có một điểm độc đáo không nơi nào có là Ngã Ba được gọi bằng tên ông thầy thuốc hành nghề ở đó. Ông thầy thuốc tên là Tạ vẫn còn sống, vẫn ngày ngày hành nghề, nhân dân ta đã lấy tên ông đặt cho toàn khu. Không có văn bản địa đồ chính thức nào ghi địa danh ông Tạ nhưng địa danh ấy nằm trên cửa miệng của người Sàigòn từ những năm 1950 đến chưa biết bao giờ.
Trên đường đi, chúng tôi gặp Nguyễn Đình Toàn. Toàn đã biết nhà tôi, anh bảo:
- Chúng mày về trước. Trưa tao đến.
Mai Thảo chỉ đến nhà tôi ở Cư xá Tự Do có lần ấy. Khi nhờ anh cháu đến nhà tôi mượn truyện, anh chỉ có thể chỉ đường lờ mờ.
Anh cháu của Mai Thảo nói với tôi:
- Ông cậu tôi đâu có nhớ số nhà. Ông chỉ nói là ông ở trong cư xá Tự Do trước hồ tắm Cộng Hòa. Tôi có người quen ở ngay cùng dẫy với ông, chỉ cách nhà ông có mấy nhà. Tôi hỏi là trúng phóc.
Người quen của anh cháu Mai Thảo ở ngay gần nhà tôi. Mỗi lần đến nhà tôi, anh đều ghé nhà ấy trước. Tôi có thể khai với Ba Trung về người quen anh ở cùng cư xá với tôi. Nếu tôi khai biết đâu anh cháu Mai Thảo đã chẳng bị công an VC theo rõi và biết đâu nhà văn lớn đã chẳng vì thế mà theo tôi vào Số 4 Phan Đăng Lưu, biết đâu Mai Thảo đã chẳng ở lại với quê hương, biết đâu giờ này tên ông đã chẳng nằm trên một bảng đường nào đó ở thủ đô tị nạn. Biết đâu v.v…??
Hai mươi tháng tù đầy kéo dài trong ba niên. Cuối 1979, trở về căn nhà nhỏ Alice kể cho tôi nghe:
- Ba Trung nó gọi em lên Sở. Nó dụ em chỉ chỗ cho nó bắt Mai Thảo. Nó nói bóng gió là nếu em muốn anh sớm được tha thì em phải giúp chúng nó bắt Mai Thảo. Nó gọi em lên sở từ 9 giờ sáng để em chờ tới 11 giờ nó mới ra tiếp em. Nó nói đủ thứ ba lăng nhăng đến bốn, năm giờ chiều mới cho em về. Nó nói: "… Chúng tôi sẽ xây dựng nước Việt Nam thành một vườn hoa bên bờ Thái Bình Dương…". Nó còn hỏi em đã coi phim Chiến Tranh Và Hòa Bình của Liên Sô chưa? Nó nói phim chiến tranh và hòa bình của Liên Sô mới thật vĩ đại. Phim Mỹ không đi đến đâu. Nó còn nói: "Cái gọi là quốc gia Việt Nam Cộng Hòa nó đã chết rồi. Anh ấy cứ đào nó lên anh ấy thương xót nó…". Em điên lên em nói: "Nếu mà nó đúng thì nó có chết đến một trăm năm cũng vẫn đào nó lên. Việt Nam Cộng Hòa mới mất có mấy năm nay mà…". Nó dọa em: "Chị mới là người đáng bị chúng tôi bắt…". Em nói: "Các anh làm ơn bắt ngay tôi đi. Tôi mừng. Bị bắt là tôi hết lo. Bây giờ tôi phải lo nuôi chồng tôi ở trong tù, lo nuôi các con tôi. Tôi không sợ các anh bắt đâu…"
Nàng cay cú nhiều vì bị Ba Trung quấy rầy. Nàng từng hẹn hò:
- Nếu có ngày đổi đời, phe ta lại nắm quyền, ai giành cái gì thì giành, em giành thằng Ba Trung. Em bắt nó về em xích cổ nó ở chân giường, em cho nó ăn uống tử tế nhưng em bắt nó suốt ngày phải nói câu: "Xây vườn hoa bên bờ Thái Bình Dương…"