Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Chương 15: Nghĩa Vụ Của Người Giàu
V
ăn minh, đó là bạo lực được chế ngự, là chiến thắng luôn luôn chưa trọn vẹn trước tính hung hăng của động vật linh trưởng. Bởi vì chúng ta đã là động vật linh trưởng, chúng ta vẫn mãi là động vật linh trưởng, bất kể cây hoa trà trên rêu mà chúng ta học cách thưởng thức. Đó là tất cả chức năng của giáo dục. Giáo dục là gì? Là không mệt mỏi đưa những cây hoa trà trên rêu như lối thoát cho xung năng của loài, vì xung năng không bao giờ ngừng là liên tục đe dọa tính cân bằng mong manh của sự sống sót.
Tôi rất hoa trà trên rêu. Không gì khác có thể giải thích lối sống ẩn cư của tôi trong căn phòng âm u này. Từ những năm đầu đời, tôi đã tin chắc vào tính hão huyền của tồn tại của mình. Lẽ ra tôi có thể lựa chọn cách nổi loạn, và có trời chứng giám cho số phận bất công của tôi, tôi đã có thể sử dụng những nguồn bạo lực trong chính hoàn cảnh của chúng tôi. Nhưng trường học đã biến tôi thành một tâm hồn mà sự trống rỗng của số phận chỉ dẫn tới việc từ bỏ và tự giam mình. Nỗi thán phục kinh ngạc khi được sinh ra lần thứ hai đã chuẩn bị trong tôi mảnh đất của sự tự chủ mang tính xung năng; vì trường học đã làm cho tôi lại được sinh ra, nhờ thế mà tôi được an ủi và thế là tôi thuận theo ý muốn của các thầy cô giáo, tôi ngoan ngoãn trở thành một con người văn minh. Thực ra, khi cuộc chiến chống lại tính hung hăng của động vật linh trưởng dùng đến các vũ khí kỳ diệu như sách vở và từ ngữ, mọi việc trở nên dễ dàng và như vậy, tôi đã trở thành một con người được giáo dục, lấy từ các ký tự sức mạnh để kháng cự lại bản chất riêng của mình.
Cho nên tôi quá đỗi bất ngờ về phản ứng của bản thân khi Antoine Pallières hống hách bấm chuông phòng tôi ba lần, rồi không thèm chào tôi, nó liếng thoắng kể cho tôi nghe chuyện chiếc ván trượt patin của nó biến mất, tôi đã đóng sập cửa ngay trước mũi nó, suýt nữa làm kẹp đuôi con mèo của mình lúc đó đang chạy ra.
Không hoa trà trên rêu tí nào, tôi tự nhủ.
Và vì phải để Léon quay về ổ, tôi lại mở cửa ra ngay sau đóng sập nó.
- Xin lỗi, - tôi nói, - gió mạnh quá.
Antoine Pallières nhìn tôi với ánh mắt của kẻ đang tự hỏi liệu có đúng là hắn ta đã nhìn thấy cái mà hắn thấy. Nhưng vì nó được huấn luyện để cho rằng chỉ xảy ra điều phải xảy ra, cũng giống như kẻ giàu tự cho rằng cuộc đời của họ đi theo một luống cày thiên định mà quyền lực của đồng tiền đã xới lên một cách tự nhiên cho họ, nên nó quyết định tin lời tôi. Khả năng chúng ta tự điều khiển mình để không làm lung lay nền tảng của những niềm tin là một hiện tượng hấp dẫn.
- Vâng, dù sao đi nữa, - nó nói, - cháu đến để đưa cho cô cái này, mẹ cháu bảo thế.
Và nó chìa cho tôi một chiếc phong bì màu trắng.
- Cám ơn cháu, - tôi nói, rồi lại sập cửa ngay trước mũi nó.
Giờ đây, tôi đứng ở trong bếp, với chiếc phong bì trên tay.
- Sáng nay ta làm sao thế nhỉ? - tôi hỏi Léon.
Cái chết của Pierre Arthens làm lụi tàn những cây hoa trà của tôi.
Tôi mở phong bì và đọc vài chữ viết trên mặt sau của một tấm danh thiếp láng bóng đến nỗi mực không thấm được vào giấy nên hơi nhòe dưới từng chữ cái.
Bà Mitchel,
Bà có thể làm ơn, nhận giúp những túi đồ giặt là
chiều nay không?
Tôi sẽ qua phòng bà lấy chúng vào tối nay.
Cám ơn trước,
Chữ ký nguệch ngoạc.
Tôi không ngờ đến một trò tấn công xảo trá như thế này. Tôi rùng mình và đổ xuống chiếc ghế gần nhất. Tôi tự hỏi không biết mình có hơi điên không. Liệu điều đó có gây ra hiệu ứng như vậy với bạn không, khi nó xảy ra với bạn?
Thế này.
Con mèo ngủ say.
Sau khi đọc câu văn ngắn ngủi không đáng kể này, bạn không có bất cứ cảm giác đau đớn nào, bất cứ nỗi đau khổ lớn nào ư? Như thế là chính đáng.
Bây giờ.
Con mèo, ngủ say.
Bà có thể làm ơn, nhận giúp.
Một mặt, chúng ta nhận thấy dấu phẩy được sử dụng quá nhiều. Khi được dùng một cách tự do trong ngôn ngữ, mặc dù thông thường người ta không đặt chúng trước một liên từ kết hợp, dấu phẩy làm tôn lên hình thức của câu:
Người ta chẳng đã trách cứ tôi khá nhiều, cả vì chiến tranh, cả vì hòa bình...
Mặt khác, chúng ta có những lời vớ vẩn của Sabine Pallières trên giấy trắng rất mịn, xuyên thủng câu bằng một dấu phẩy đã biến thành dao găm.
Bà có thể làm ơn, nhận giúp những túi đồ giặt là được không?
Sabine Pallières đâu phải là một cô hầu gái người Bồ Đào Nha sinh ra dưới gốc cây sung ở Faro, cũng không phải một bà gác cổng vừa mới từ Puteaux tới, hay một người thiểu năng trí tuệ được gia đình của mình dung thứ, với một người như thế tôi hoàn toàn có thể sẵn sàng tha thứ cho việc làm cẩu thả tội lỗi đó. Nhưng Sabine Pallières là một phụ nữ giàu có. Sabine Pallières là vợ của một nhân vật quyền thế trong ngành công nghiệp vũ khí, Sabine Pallières là mẹ của thằng bé ngốc nghếch mặc áo khoác có mũ màu xanh lá thông, thằng bé mà sau hai năm học dự bị và theo học ngành Khoa học-Chính trị, chắc chắn sẽ truyền bá những suy nghĩ nhỏ nhen tầm thường của nó trong một văn phòng cấp bộ của cánh hữu; thêm vào đó, Sabine Pallières là con gái của một mụ già mặc áo măng tô lông thú, thành viên ban đọc duyệt của một nhà xuất bản rất lớn, và thích đeo nhiều đồ trang sức đến nỗi đôi khi tôi cảm thấy như người bà ta bị chùn xuống.
Vì tất cả những lý do đó, tôi không thể tha thứ cho Sabine Pallières được. Những đặc ân của số phận cũng có giá của chúng. Đối với người được cuộc sống khoan dung, tính chính xác bắt buộc trong suy nghĩ về cái đẹp là không thể thương lượng được. Ngôn ngữ - kho báu của con người - và các cách sử dụng nó - công sức của một cộng đồng xã hội - là những tác phẩm thiêng liêng. Cho dù chúng có phát triển cùng với thời gian, biến thái, bị lãng quên rồi lại hồi sinh đi chăng nữa, mặc dù đôi lúc, vi phạm nó lại làm nó phong phú hơn nữa, cũng chẳng thay đổi được gì trong việc để có được quyền chơi chữ và thay đổi với chúng, trước tiên cần phải lệ thuộc hoàn toàn vào chúng. Vì thế, những người may mắn trong xã hội, những người mà số phận loại trừ ra khỏi những lệ thuộc của kiếp nghèo, có sứ mệnh kép là tôn thờ và tôn trọng vẻ đẹp lộng lẫy của ngôn ngữ. Cuối cùng, việc bà Sabine Pallières dùng sai dấu phẩy lại càng là sự xúc phạm nặng nề hơn nữa vì trong khi đó, các thi sĩ tuyệt diệu sinh ra trong những thùng xe hôi thối hay những khu phố rác rưởi lại tôn sung đến mức thần thánh ngôn ngữ, sự tôn sung xuất phát từ cái Đẹp.
Người giàu có nghĩa vụ với cái Đẹp. Nếu không, họ đáng phải chết.
Đúng vào lúc tôi có những suy nghĩ phẫn nộ ấy, ai đó bấm chuông phòng tôi.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 7
Xây dựng
Bạn sống
Bạn chết
Đó là
Hệ quả
Càng ngày tôi càng quyết tâm trốn nơi này. Chưa nói đến chuyện tôi tự tử. Các bạn cần phải biết rằng: tôi bị bố mắng một trận vì đã chê trách một trong những khách mời của ông nói sai. Thực ra, đó là bố của anh Tibère. Anh Tibère là bạn của chị tôi. Anh ấy cùng học ở trường Sư phạm với chị ấy, nhưng học khoa toán. Khi tôi nghĩ đến chuyện người ta gọi đó là tầng lớp ưu tú... Sự khác biệt duy nhất mà tôi thấy ở chị Columbe, anh Tibère, bạn bè của họ và đám thanh niên "bình dân" là chị tôi và bạn bè của chị ấy ngốc hơn. Họ uống rượu, họ hút thuốc phì phèo, họ nói như trong các cư xá và họ nói với nhau những câu kiểu như: "Hollande đã bắn Fabius bằng cuộc trưng cầu dân ý, các cậu thấy đấy, lão ấy đúng là kẻ sát nhân" (xác thực) hoặc: "Tất cả các giám đốc nghiên cứu mới được bổ nhiệm trong hai năm gần đây đều là những tên phát xít, cánh hữu kiểm soát, không nên gây rắc rối với người hướng dẫn luận án của mình" (mới tinh hôm qua). Dưới một mức, người ta nghe thấy: "Thực ra, con bé tóc vàng mà J.-B. tán tỉnh nghiên cứu về nước Anh, tóc vàng đấy" (cũng mới hôm qua) và trên một mức: "Ông Marian giảng quá hay khi ông nói rằng sự tồn tại không phải là biểu hiện đầu tiên của Thượng đế" (cũng hôm qua, ngay sau khi khép lại hồ sơ về cô gái tóc vàng nghiên cứu nước Anh). Các bạn muốn tôi nghĩ gì về những câu nói này? Câu quá quắt nhất (đúng từng từ) là: "Không phải vì vô thần nên người ta không có khả năng thấy sức mạnh của bản thể học siêu hình. Đúng, điều quan trọng là sức mạnh của khái niệm, chứ không phải là sự thật. Còn Marian, lão thầy tu đểu đó, lão ấy quả quyết, ừ, được lắm".
Những viên ngọc trai trắng
Trên tay áo tôi buông xuống khi trái tim vẫn còn tràn đầy
Chúng tôi chia tay
Tôi mang theo chúng
Như một kỉ niệm về em.
(Cổ kim tập)
Tôi nhét vào tai mình hai cái nút tai bằng mút màu vàng của mẹ và tôi đọc những bài thơ hokku trong cuốn Tuyển tập thơ cổ Nhật Bản của bố để không thấy câu chuyện của những kẻ suy đồi. Sau đó, chỉ còn lại chị Columbe và anh Tibère và hai người gây ra những tiếng động bẩn thỉu trong khi biết rất rõ rằng tôi nghe thấy. Không còn gì tệ hại hơn: anh Tibère ở lại ăn tối vì mẹ tôi đã mời bố mẹ anh ấy. Bố anh Tibère là một nhà sản xuất phim, mẹ anh ấy có một phòng tranh trên bờ sông Seine. Chị Columbe thích bố mẹ anh Tibère đến phát điên, kì nghỉ cuối tuần sau, chị ấy sẽ đi cùng họ đến Venise, thế là thoát nạn, tôi sẽ được yên tĩnh trong ba ngày.
Trong khi ăn tối, bố anh Tibère nói: "Thế nào, chẳng lẽ anh chị không biết gì về cờ vây, một trò chơi tuyệt hay của Nhật Bản, hay sao? Hiện giờ, tôi đang sản xuất bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp, một trò chơi quá-hay, đó là trò chơi của Nhật Bản tương đương với cờ vua. Đây là lại một phát minh của người Nhật, quá-hay, tôi đảm bảo đấy!" Sau đó ông ta bắt đầu giải thích luật chơi cờ vây. Nhảm nhí. Thứ nhất, chính người Trung Quốc đã phát minh ra cờ vây. Tôi biết điều này vì tôi đã đọc bộ truyện tranh nổi tiếng về cờ vây. Đó là truyện Hikaru No Go. Thứ hai, đó không phải là trò chơi Nhật Bản tương đương với cờ vua. Ngoài việc cũng là một trò chơi trên bàn cờ và hai đối thủ đấu với nhau bằng những quân cờ màu đen và trắng, còn lại hoàn toàn khác nhau như chó khác với mèo. Trong cờ vua, cần phải giết để thắng. Trong cờ vây, cần phải xây dựng để sống. Thứ ba, một vài luật mà ông tôi-là-bố-của-một-thằng-ngốc kể ra là không đúng. Mục tiêu của trò chơi không phải là ăn đối thủ, mà là xây dựng một lãnh địa lớn hơn. Luật bắt quân quy định rằng người ta có thể "tự tử" nhằm mục đích bắt quân của đối phương chứ không phải người ta bị cấm đi đến một nơi mà sẽ tự động bị bắt v.v...
Khi ông tôi-sinh-ra-đời-một-cái-mụn nói: "Hệ thống xếp hạng người chơi bắt đầu từ một kyu và tiến lên đến ba mươi kyu, sau đó chuyển sang dan: một dan, hai dan, v.v..." tôi không thể nhịn được nữa, tôi nói: "Không, phải theo một trật tự ngược lại: bắt đầu từ ba mươi kyu và tiến lên đến một."
Nhưng ông xin-lỗi-tôi-không-biết-mình-đang-làm-gì vẫn ngoan cố với vẻ mặt tức tối: "Không, cô bé ạ, tôi tin chắc rằng mình có lý." Tôi lắc đầu, trong khi đó, bố tôi nhíu mày nhìn tôi. Điều tồi tệ nhất là tôi được anh Tibère cứu. "Đúng thế, bố ạ, em ấy nói đúng, một kyu là người giỏi nhất." Anh Tibère học toán, anh ấy chơi cờ vua và cả cờ vây. Tôi chúa ghét ý nghĩ này: đồ đẹp phải thuộc về người đẹp. Nhưng bố của anh Tibère vẫn luôn sai và sau bữa ăn tối, bố tôi đã bực tức nói với tôi: "Nếu con mở mồm ra chỉ để cười nhạo khách của bố thì đừng có nói gì nữa." Đúng ra tôi phải làm gì? Mở miệng như chị Columbe để nói: "Chương trình của nhà hát Amandiers khiến cháu lung túng quá" trong khi đúng ra chị ấy không thể đọc được một câu thơ của Racine, chứ chưa nói tới việc cảm nhận được vẻ đẹp của nó? Mở miệng để nói như mẹ tôi: "Hình như triển lãm nghệ thuật năm ngoái rất chán" trong khi mẹ tôi có thể tự tử vì đám cây cảnh, nhưng lại để mặc cho bất cứ bức tranh nào của Vermeer cháy rụi? Mở miệng để nói như bố tôi: "Ngoại lệ văn hóa Pháp là một nghịch lý kinh tế," đúng từng từ mà bố tôi đã nói trong mười sáu bữa ăn tối trước đó? Mở miệng như mẹ của anh Tibère để nói: "Hiện giờ, ở Paris, người ta không còn tìm được những hàng làm pho mát ngon nữa," lần này không hề mâu thuẫn với bản chất sâu xa của bà ấy vốn là dân buôn bán ở vùng Auvergne?
Khi tôi nghĩ tới cờ vây... Một trò chơi mà mục tiêu là xây dựng lãnh địa, đẹp biết bao. Cũng có thể có những pha chiến đấu, nhưng chúng chỉ là phương tiện để phục vụ mục đích: giữ vững đất đai. Một trong những thành công vang dội nhất của trò chơi cờ vây, đó là nó đã chứng minh được rằng để thắng, cần phải sống, nhưng cũng phải để người khác sống. Người nào tham quá đều thua: đó lào một trò chơi tinh tế về sự cân bằng, trong đó cần phải phát huy lợi thế mà không đè bẹp đối phương. Cuối cùng, sống và chết chỉ là hệ quả của quá trình xây dựng tốt hay tồi mà thôi. Đó là lời nói của một trong những nhân vật của Taniguchi: bạn sống, bạn chết, đó là những hệ quả. Đó là một câu tục ngữ của cờ vây và một câu tục ngữ của cuộc đời.
Sống, chết: đó chỉ là hệ quả của cái mà người ta đã xây dựng. Điều quan trọng là phải xây tốt. Thế là tôi tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ mới. Tôi sẽ ngừng phá hoại, hủy hoại, tôi sẽ bắt tay vào xây dựng. Ngay cả với chị Columbe, tôi sẽ nhìn ra ở chị cái gì đó tích cực. Điều quan trọng là việc người ta làm vào lúc chết, và ngày mười sáu tháng Sáu tới đây, tôi muốn chết trong khi xây dựng.