The secret of getting ahead is getting started. The secret of getting started is breaking your complex overwhelming tasks into small manageable tasks, and then starting on the first one.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Tác giả: Doan Bui
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thuận
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 8
Cập nhật: 2020-10-15 22:03:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20: Dải Băng Mobius
uộc sống lại quay về với dòng chảy của nó. Cuộc sống của loài đà điểu, rúc đầu vào cát. Lẽ ra sự im lặng có thể kéo dài mãi mãi. Chúng tôi đã quen với nó. Tôi đã quen với nó. Tôi không còn lôi hồ sơ nhập tịch của cha mẹ tôi ra xem nữa, nó giờ đây đã bị xếp dưới đáy sâu của một ngăn kéo. Tôi đã từ bỏ ý định lần lại dấu vết những người trong gia đình mình. Rồi cũng có lý do nữa là Mê Linh con gái thứ ba của tôi. Sinh ngày 26 tháng Hai và mất ngày 13 tháng Ba năm 2013. Một cuộc đời ngắn ngủi làm sao! Vài bức ảnh, một hồ sơ y tế 32 trang, và những kỷ niệm giấu kín của tôi. Tôi không gửi giấy cáo phó cho ai. Tôi cũng không viết mail tập thể để báo tin cho mọi người. Và trên trang cá nhân Facebook của tôi, năm 2013 là một khoảng trắng lớn.
Mẹ tôi đến bệnh viện thăm Mê Linh, các con gái lớn của tôi đến gặp em trước khi nó qua đời. Chúng cũng có mặt ở đám tang. Trừ cha tôi. Tôi thậm chí tự hỏi ông có được thông báo hay không. Có thể là ông chẳng biết gì về chuyện này cả.
Tôi còn nhớ giải thưởng báo chí ấy, một tháng rưỡi sau cái chết của con gái tôi. Tôi trốn trong nhà những tuần trước đó, kiệt quệ hoàn toàn. Khi người ta báo cho tôi hay rằng tôi đã giành giải thưởng, tôi như kẻ mất hồn, nhưng tôi cũng bay đi Montréal, người ta tặng tôi vé, tất cả đã được tổ chức để chờ tôi tới. Tôi thấy mình bước lên sân khấu, ngây dại trước bao cái nhìn, tôi nhắc đến bài báo đã mang lại giải thưởng cho tôi, bài báo viết riêng cho những di dân bị chết đuối trong dòng sông Evros, ở biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Những cái chết không để lại dấu vết. Như con gái tôi. Trong một tuần, phải làm bộ mặt dễ thương, tôi không nói gì về nó, nó choán mọi chỗ trong tôi. Như thể tôi bị xấu hổ, nhưng về gì mới được? Hoan hô, cô hẳn là vui mừng lắm, đúng không? Tự hào quá! Ồ vâng, tôi vui lắm. Vui đến độ phát nôn. Mà tôi đã nôn thật. Lúc ấy tôi đang ở du thuyền trên sông Saint-Laurent. Những người bồi bàn mặc đồ theo kiểu thế kỷ XVIII, phục vụ món tôm và những chiếc bánh nướng nhỏ dùng với cocktail.
Tôi im lặng, tôi giữ thể diện, như người ta đã dạy tôi ngày trước. Tôi mỉm cười. Trên những bức ảnh mà bây giờ vẫn đuổi theo tôi trên Internet, nụ cười nhếch mép của tôi đông cứng như một cái nhăn mặt đến hôm nay vẫn khiến tôi lạnh người khi nhìn lại. Sự im lặng làm tôi tan nát. Tôi chỉ nói với rất ít người về cái chết của con tôi. Giống như mẹ tôi với cơn tai biến của cha tôi, tôi đã giấu tất cả.
Tôi nhận được hàng loạt mail chúc mừng. Tôi nên trả lời thế nào đây? Tôi làm những việc vớ va vớ vẩn. Tôi viết những thứ chẳng đâu vào đâu. Ðôi khi để khỏi quá im lặng, tôi thông báo về cái chết của con gái tôi với vài người hầu như chẳng quen biết, họ hẳn là cũng cảm thấy bối rối trước sự thổ lộ không đúng chỗ này. Tôi chờ đợi, một cách thảm thương, những câu đáp lại và những lời chia buồn đã không bao giờ đến.
Người ta vẫn nhắc lại giải thưởng đáng nguyền rủa đó: “Dù sao thì cô cũng hài lòng đúng không nào?”. Tất cả đều nói với tôi về giải thưởng. Không ai nói với tôi về đứa con đã chết.
Ðôi khi còn lại một mình, tôi đổ ụp xuống, tôi khóc như một con vật sắp bị chết đuối. Bị sự im lặng nghiến nát, tôi thèm được gào lên. Có chứ! Con gái tôi đã hiện diện, đúng đấy, tôi có chứng cớ đây này! Tôi dường như còn muốn rằng ông nhân viên cảnh sát Armand Thierry đã từng điều tra về cha tôi hãy làm thế với chúng tôi bây giờ. Ông ta hẳn sẽ ghi trên giấy trắng mực đen: Nguyên đơn từng có một con gái thứ ba, dù rằng rất ít người đã nhìn thấy đứa trẻ. Hẳn sẽ có một vết tích để lại.
Trong nhiều tháng liền, tôi ẩn mình vào việc viết. Ngôn từ xô đẩy nhau. Theo cách đó, tôi có cảm giác tìm cho con gái nhỏ đã chết của tôi một vị trí. Lấp đầy sự im lặng. Tôi viết cho tôi, nhưng trên thực tế, tôi muốn gào lên cho cả thế gian biết nỗi đau của mình. Tôi viết như người ta bắt con tin, tôi phẫn nộ vì cái chết không sao hiểu nổi của đứa con bé bỏng. Và rồi tôi cũng hiểu ra. Tôi chặn lại cơn thác ngôn từ. Tôi cất tất cả trong một phong bì to, đem giấu dưới những chiếc áo len. Tôi hầu như phát ốm bởi ý nghĩ sẽ nhìn thấy bài viết đó. Tôi không bao giờ đọc lại những dòng chữ ấy. Có lẽ tôi không đủ khả năng làm thế.
Ðôi khi, ở chỗ làm hay đâu đó, tôi bỗng cảm thấy sự cần thiết không sao cưỡng lại là được nói về đứa con gái nhỏ, và không giữ gìn gì cả, tôi bắt đầu nói. Nhìn chung, điều ấy khiến những người xung quanh im lặng bối rối. Tôi tự hứa là sẽ không làm thế nữa. Thời gian trôi đi, tôi thôi nói về nó. Thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác là đã phản bội đứa con không còn nữa của mình. Ðã chôn nó lần thứ hai, với bài viết mà tôi bỏ dở, dán kín trong phong bì bằng giấy cứng. Và tôi luôn nhói tim khi ai đó hỏi tôi có con chưa: Tôi trả lời là tôi có hai đứa, mà không nhắc gì đến đứa cuối cùng và về cuộc đời quá ngắn để có thể được kể ra của nó.
Thế là dần dần, trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ quay lại dự án kia. Cuộc điều tra về cha tôi, về sự im lặng của cha, như để tìm hiểu sự im lặng của chính tôi. Nó có thể là một quyển sách. Một cái gì đó đã sinh ra từ điều không được nói. Một cái gì đó vừa ném chúng ta vào tương lai lại vừa bắt chúng ta nhìn lại phía sau. Như dải băng Mobius.
N_120
Dải băng Mobius là một thể thức toán học kì diệu. Như những mê đạo Escher luôn luôn khép kín, đó là một kiểu vòng tròn xoay quanh chính nó cho tới vô tận. Một mặt phẳng có một biên duy nhất. Phải và trái hòa vào làm một. Chỉ cần cầm lấy một dải băng, xoắn 1800, và nối hai đầu với nhau. Nếu dùng ngón tay di theo một biên, sẽ có cảm giác là đang chuyển từ trái sang phải, rồi lại từ phải sang trái, mà không bao giờ rời mặt phẳng đó.
Lacan vô cùng thích dải băng này. Tính đối ngẫu của ý thức và vô thức: Những điều được nói ra và những điều bị im đi. Trong khi xem mục Dải băng Mobius của Wikipedia, tôi khám phá một đoạn của Ulysse 31, bộ phim hoạt hình mà tôi rất thích. Ulysse mơ về những đứa con của mình. Télémaque và Thémis (con gái của chàng trong phim) bước trên một dải băng Mobius, một vòng tròn vô hạn, họ bước đi mà không thể ra khỏi mê đạo ấy.
Chúng ta là những đứa con của Ulysse 31. Cuộc đời chúng ta là dải băng Mobius. Chúng ta bước đi, chúng ta tin rằng chúng ta đang đi trên một đường thẳng, rằng chúng ta đang đi từ một điểm A đến một điểm B, rằng chuyến đi này có một cái đích. Phải “tiến lên phía trước”, người ta nói. Thật phi lí. Trong khi chúng ta không ngừng xoay quanh chính chúng ta.
Chúng ta đi từ số 0 này đến số 0 kia. Người hấp hối nằm trên cái tã lại quay về cảnh yếu ớt và dễ tổn thương như đứa trẻ sơ sinh. Ở hoàng hôn của cuộc đời, thể xác đòi lại uy quyền của nó với tâm hồn, con người quay về làm thú vật, các cảm giác được sống lại, trong đau khổ hay đê mê, cho đến co thắt cuối cùng. Tôi biết sự giống nhau đến rùng mình giữa những co thắt trước khi chết, những hơi thở hổn hển ở phút hấp hối mà bất kỳ ai đã chứng kiến đều không thể quên được, và sự tàn bạo của việc sinh nở. Một cơ thể ở phút lâm chung thường rung chuyển, chồm lên, một cuộc chiến khủng khiếp và dữ tợn, như thể đang rặn đẻ chính mình.
Tôi vạch một mạch dải băng Mobius của tôi, nó cuộn xung quanh hư vô và đi đi về về giữa quá khứ và tương lai. Như mọi người, tôi đều tin là mình đang đi về phía trước. Tôi bám vào ảo tưởng này: Tôi “đang tiến lên”. Và để quên đi một điều rằng tôi đang trượt ở chiếc cầu tụt mang tôi xuống số 0 tròn trĩnh, Hư vô Vĩ đại, tôi quay đầu về phía sau, tôi quay tròn quanh quá khứ và người thân. Tôi ghi lại những dấu vết, chép lại bước chuyển từ đời này qua đời kia, những cuộc đời thoảng qua của chúng ta, cũng phi vật chất như những giấc mộng. Tôi là thư ký ghi chép lại những gì không còn nữa.
Người chết không bao giờ để chúng ta yên. Họ không ngừng đánh thức chúng ta, tóm lấy chúng ta, ám ảnh chúng ta. Ðứa con gái nhỏ vắng mặt của tôi ở lại bên tôi và đẩy tôi về quá khứ. Tôi đã thường nghĩ là phải giấu hết và quên hết. Tôi sợ phá vỡ hiệp ước gia đình. Viết, cũng được thôi, nhưng viết và cho người khác đọc, viết và tiết lộ? Thật là khủng khiếp. Không thể thế được. Hàng nghìn lần tôi muốn lùi bước. Nhưng giá tôi có cái quyền ấy?
Ðứa con gái nhỏ đã chết của tôi thỉnh thoảng lại quay về vào những lúc bất ngờ nhất, như thể để nhắc nhở tôi nhiệm vụ ấy. Khi tôi nhận được thẻ mới của bảo hiểm xã hội toàn phần, tôi điếng người: Trong phong bì người ta gửi kèm cả một thẻ nữa, đề tên nó. Mê-Linh. Tôi đã quên không báo cho họ rằng nó đã qua đời.
Lúc đó tôi biết tôi buộc phải tiếp tục cuộc điều tra.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng