Số lần đọc/download: 1914 / 61
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Chương 20
X
in mời các bạn trở lại lều với các bạn tôi.
Nhờ sự chăm sóc đúng cách và có thuốc đầy đủ của ông bạn dược sĩ mà tôi và Hoàng Việt phục sức rất nhanh. Cái bánh chè của nhà nhạc sĩ chừng như đã trở lại bình thường sau mấy ngày liền được bàn tay của Vân xoa nắn với thuốc rượu.
Bây giờ máu hoài hương lại chỗi dậy trong người. Trước kia cứ một lần đến trạm thì cả Hoàng Việt lẫn tôi đều mong đường bị kẹt hoặc giao liên ốm để nằm lại dưỡng sức, nhưng bây giờ thì ngược lại, chúng tôi nóng ruột muốn đi mau.
Nhưng đường vẫn chưa thông. Bên ngoài không có khách vào vì ở đây đang bị đùn. Mẻ cao khỉ của dược sĩ Vân thất bại như mẻ thép nấu bằng nồi đất của hợp tác xã bên Trung Quốc. Xương không tan ra mặc dù Vân đã cho vào hai ba lần chất hóa học gì đó. Bỏ thì tiếc, nhưng nấu hoài vẫn không thấy kết quả cũng nản lòng, nhưng không nỡ vứt đi mà cứ để đó tính sau.
Vân cằn nhằn tôi:
- Mày dở quá! Sao không câu nó đi luôn.
- Cô ta là phó đoàn mà mậy, đâu có bỏ đi như thế được, nhưng sau khi về tới nơi nàng sẽ xin vào ngay.
- Cóc mọc râu!
Còn Hoàng Việt thì càu nhàu Vân:
- Ông dược sĩ dở quá! Đem đủ thứ thuốc mà quên đậu phộng Hà Tĩnh để cho nó vài thìa.
Chuỗi ngày ăn dầm nằm dề ở đây, chúng tôi lấy ba đề tài để giết thì giờ: tiếu lâm, chuyện kháng chiến Nam bộ và chuyện bất mãn Miền Bắc. Tôi vốn thuộc làu truyện Tàu, nhưng các vị kia lại không hạp khẩu, còn kể tiếu lâm thì bị vướng chị Phụng, nên cả ba đứa xoay quanh đề tài cuối cùng. Còn công việc làm thì chỉ quơ củi, phơi bột gạo, sửa quai dép, vá quần áo, hoặc nằm khễnh ra nhìn trời qua kẽ lá.
Muốn đi săn khỉ nhưng đoàn của Vân thì không có AK, cho nên đôi khi ba đứa rủ nhau xuống suối bắt cua đá và tìm lá bứa về nấu canh chua đổi bữa.
Một hôm, lúc đi săn cua, tôi trở lại vấn đề bào chế cao đơn hoàn tán. Vân nói:
- Các chả như những vua chúa vậy mày ơi! Bề ngoài làm vẻ đạo đức, nhưng tao thấy rõ cái đạo “đứt họng” của mấy chả hết ráo. Mày nhớ đâu hồi 56, 57 gì đó có một vụ án động trời không? Một ông bự thiệt bự dùng vi trùng giết vợ để lấy con gái nuôi. Bị phát giác và lãnh án tử hình.
Tôi nói:
- Tao có thấy báo Nhân Dân đăng, nhưng tao thắc mắc, làm thế nào hắn có vi trùng và tiêm được cho vợ hắn.
- Vậy mày không nhớ vụ Dương Bạch Mai uống nước ngọt mà chết tại hội trường Ba Đình sao?
- Đó là việc của Bộ Công An. Họ có thầm quyền bỏ thuốc độc vào nước ngọt. Còn đây là việc cá nhân của hắn.
- Hắn mua vi trùng ở Phòng Vi trùng bệnh viện C.
- Ai bán?
- Thì cũng trong đám nhân viên chứ ai.
- Rồi ai chích?
- Bác sĩ chích chứ ai!
- Bác sĩ không biết đó là vi trùng à?
- Biết mới chích chứ không biết chích làm gì?
- Có loại bác sĩ đó nữa à?
- Có loại ông bự đó nên mới đẻ ra loại bác sĩ đó chứ sao! Còn nhiều vụ lắm mày ơi Xe tàu nào chở cho hết. Nhưng mình đã lỡ đi rồi, trở lại thì đi đâu, nhưng càng đi thì càng thấy bộ mặt của cách mạng ghẻ lở. Nam Bộ chúng mình trung thành với cái hang “Bắt bò lạc” ể mình cả chục năm, ra Bắc thợ đấm bóp (*) không làm cho một mẻ “tẩm quất” nào cho dãn gân dãn cốt cả. Đã bịnh càng bịnh luôn.
(*) Thợ đấm bóp đến năm 1956-57 vẫn còn làm ăn ở Hà Nội, phần lớn đi rao tìm khách ban đêm.
- Bây giờ mình thoát!
- Vô trong R rồi mày sẽ thấy thoát hay không! Tao vô tới nơi mới bật ngửa. Mẹ cha nó, đi đâu cũng không khỏi bị rau muống phủ đầu. Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Miền Nam toàn là các anh cọc cạch.
- Anh Sáu Mặt Sắt đang trên đường “quào” làm đầu nậu.
- Đủ bộ Già Rô, Già Cơ, Già Phích, Già Chuồn trong đó rồi. Dân Nam kỳ thủ hai ghế phó bảy và phó bét.
- Là ai?
- Đồng Văn Chuột, phó nhòm, bà già trầu tỉnh mày phó cối.
- Bị tới bảy tầng lớp áp bức vừa đè vừa nén cối chịu gì thấu!
- Bả bị vít rồi, có “ké” nữa là khác!
- Chày nào bén vậy?
- Chày ba! Đám đĩ hà nàm khoác áo hộ lý này dzô tới là cách mạng Miền Nam phất lên rào rào.
Đến chiều, khi chúng tôi về thì chị Phụng reo lên:
- Đường thông rồi! Trạm ngoài vô rồi! Mai mình đi. Giao liên vừa cho biết.
Tôi đang loay hoay thu xếp mọi thứ cho gọn gàng thì bỗng có tiếng kêu thét:
- Anh Bảy!
Tôi quay lại thì thấy hai ông cán gáo đi lê lết chậm rì. Ông khỏe đèo ông yếu.
- Anh không nhận ra em sao? Ngữ đây! Núi đây!
- Trời ơi! – Tôi vất đồ đạc chạy ào ra. Hoàng Việt cũng phóng sang.
Một hình tượng tới muôn đời tôi cũng không thể quên. Một cái xác trên tay Ngữ.
Thằng Núi rũ xuống như cái áo rách. Tôi bảo Ngữ tiếp tay nâng nó lại võng của tôi cho nó nằm. Cứ để nguyên quần áo đầy đất cát như vậy, chỉ lột đôi dép của nó ra thôi.
Đầu nó trọc lóc không còn một sợi tóc nào, mặt mũi xám như chì.
Ngữ vừa thở vừa nói:
- Giao liên họ bảo vào đây có bệnh viện lớn chứa được cả trăm người.
Hoàng Việt lắc đầu:
- Nhị tỳ lộ thiên thì có!
- Tụi này suýt chết vì bom trộm mấy đêm trước đây cậu ạ!- Tôi nói xong, gọi Vân tới xem qua.
- Bệnh gì thế này? – Vân bình thản như không có chuyện gì.
Tôi kể sơ cho Vân nghe. Ông dược sĩ lắc đầu:
- Sốt ác tính mà ngâm nước cho xuống nhiệt độ? Chết như chơi!
- Thì bị mưa rồi để vậy, coi mòi nó bớt nóng rồi để luôn.
Vân lấy ống nghe, nghe tim, bắt mạch, chị Phụng lấy nhiệt độ. Vân bảo:
- Thay quần áo, đắp ấm, để nó nằm yên cái đã!
Trời đã sụp mặt. Khí lạnh lại phủ xuống dày đặc. Tiếng khỉ vượn kêu trên đầu. Chúng như cũng kinh ngạc cho cái hiện tượng dưới mặt đất này.
- Sao cậu bắt nó đi gấp vậy? – Tôi nói với Ngữ.
- Phải đi thôi anh ạ. Trạm dời điểm. Hình như họ bỏ trạm của thằng Phẩm vì thiếu người.
- Nghĩa là khoảng cách giữa hai trạm dài gấp đôi?
- Vâng. Ai đi thì đi, ai không đi nằm lại đó, cứ nằm. Trạm nó không chiếu cố một thứ gì. Chúng em hỏi: Nay mai muốn tìm trạm thì đi hướng nào. Nó nói chính nó hiện giờ cũng không biết đi hướng nào. – Ngữ ngưng để lấy hơi rồi nói – Còn nhiều người tệ hơn thằng Núi nữa anh ạ. Có người phù thũng. Đành nằm lại đó chờ chết thôi. Đồng đội của họ cũng bỏ đi. Mạng người cứ coi như lá rụng thôi anh ạ!
Chị Phụng đem ra cho Ngữ chén nước trà nóng. Ngữ cám ơn lia lịa như nhận được quà tiên. Ngữ tiếp:
- Thằng Núi mới tệ xuống ba hôm nay thôi. Trước đây nó không đến nỗi. Sau khi các anh đi, nó vượng lên khá lắm. Đi chậm nhưng qua nổi một trạm.
- Có ghé lại cái làng khu Năm không?
- Tụi em nằm đó ba ngày để chỉnh đốn các thứ.
- Có bị máy bay loa không?
- Chúng nó làm khiếp lắm anh ơi! Ngày đêm máy bay loa rầm rầm không nghỉ ngơi được. Nó rải truyền đơn ghi tên danh sách cả đoàn mình. Có rải cả hình anh và chị Phương, anh chị Thiệp nữa.
- À, cậu có gặp Thiệp hả?
- Có! Ảnh nằm chết dí ở đó. Cái làng phải di cư để tránh nhảy dù sắp tới.
- Nhảy dù gì?
- Chúng nó đe sẽ quét sạch cả làng. Đồng bào và cán bộ đoán là nó sẽ cho trực thăng nhảy dù xuống nay mai. Những đoàn đi Nam còn rơi rớt lại đó cũng phải lết theo giao liên vô trạm trong để rồi tiếp tục nằm lại. Em cố lôi thằng Núi đi. Giao liên bảo là cố vào trong này có bệnh viện to lắm. Em vào trạm trong nữa, hỏi, thì họ lại bảo vô trạm kế ngay đây. Tức là trạm này. Thằng Núi cố lê chân. Nếu chỉ dốc thường thì nó không đến nỗi tệ như vậy nhưng vì dốc đứng, em phải lôi, phải đủn, còn dốc xuống thì nó ngã mấy cái khiếp quá nên có lẽ bị cả nội thương.
- Sao nó rụng tóc hết vậy?
- Em cũng không biết, tại sao. Cứ mỗi sáng thức đậy, nó đưa tay cào lên đầu nó bảo: Anh Ngữ xem đây này, nó đưa cho em xem từng mảng tóc. Trời đất em kinh hãi quá. Mới hôm nào tóc xanh ngăn ngắt bây giờ cái đầu trọi như đồi trọc!
Tôi đã từng gặp một cậu sinh viên tóc bạc như tóc ông già sáu mươi ở trạm ngoài, bây giờ lại phải nhìn một chàng trai rụng hết tóc. Con đường này quả là con đường tóc tang của tuổi trẻ.
- Cậu còn gạo không? – Tôi hỏi Ngữ.
- Còn chứ anh. Mười bảy kí lô. Nặng quá! Họ phát số gạo đó cho mình là vì họ không muốn giữ lại kho. Vì tình hình ruồng bố sắp đến nơi. Chúng nó đến là đốt sạch. Thế đó, chứ không phải mình có nhiều gạo đâu.
- Ra thế!
- Em phải giản chính một số đồ đạc để mang gạo. Mang quàng cả cho thằng Núi.
- Thằng Thiệp không đi à?
- Ảnh nói ảnh phải đi tìm cán bộ địa phương móc ngoéo để xuống Bác Kế. Em không hỏi gì nữa. Mạnh ai nấy đi.
Ma quỉ gì đâu không biết nữa. Mới khỏe được mấy hôm lại mệt. Đúng ra là tôi không có trách nhiệm gì, nhưng ai lại đang tâm bỏ đồng đội như thế này mà đi. Mai phải đi. Lương tâm cắn rứt không ít. Đi cũng cắn rứt mà ở cũng cắn rứt. Lương tâm con người đâu có đơn giản như chính sách. Cứ hễ ném ra là hốt lấy thành quả.
Tôi nghiêng nhìn thằng Núi. Mặt nó xám ngoẹt. Tôi không tin rằng kỳ này nó qua ải. Tôi bỗng nhớ tới câu thơ, hay câu nói, từ miệng nó:
Núi vẫn Đôi mà anh thiếu em
bây giờ thì
Núi vẫn Đôi mà em thiếu anh.
Vân nói:
- Để tao tiêm cho nó mũi thuốc.
- Tao có quinine 0,40 đây!
- Không. Thuốc khác cơ. Tao có sérum bột nhưng lại không có nước cất.
Tôi không chú ý và cũng không hỏi là thuốc gì. Nhưng vài tiếng đồng hồ sau thì Núi ú ớ. Tôi và Ngữ rọi đèn pin. Mắt Núi lờ đờ. Tròng mắt lăn qua lăn lại khe khẽ.
- Đói bụng không Núi? – Ngữ hỏi.
Núi khẽ lắc.
- Ăn tí cháo nghe Núi? – Tôi hỏi.
Núi cũng lắc.
- Có ăn mai mới đi nổi. – Hoàng Việt tiếp.
Núi cũng lắc luôn.
- Đưa tay bắt tí coi. – Tôi bảo – Biết ai đây không?
Núi chỉ giơ lên nửa chừng rồi buông xuống.
- Mạch tim yếu quá! Để tao tiêm một mũi trợ tim.
Chúng tôi để bệnh nhân nằm im. Tất cả đi vào lều của vân. Vân nói:
- Từ trước tới nay tôi chưa gặp trường hợp sốt ác tính. Chỉ mới nghe nói đến khi vào con đường này thôi. Trong y học của Pháp có tiếng “sốt tẩu mã” tức là fièvre galopante. Không biết có phải là loại sốt này không. Tôi cũng không biết triệu chứng và sức tác hại của nó như thế nào.
- Đại khái là nóng phát điên. Nó chạy khắp rừng. Tụi tao phải bắt nó lại, buộc lên võng. Hôm đó nhằm trời mưa… Hôm sau nó xuống nhiệt độ. Bây giờ rụng tóc. Nghe người ta truyền miệng thì loại sốt này mười người mắc phải, chết chín, còn một người sống sót cũng tàn tật. Đây đúng là trường hợp thằng Núi.
- Bây giờ làm gì? – Vân hỏi.
- Theo mày thì làm gì?
- Tao có một số thuốc điều trị sốt ra rất mạnh, nhưng bây giờ nó đâu có sốt nữa. Sốt đã chuyển sang chứng khác rồi. Có thể vi trùng đã đột nhập vào não. Đó là tao chỉ đoán mò thôi. Nhưng nếu sự đoán mò của tao có đúng đi nữa thì tao cũng không biết phải trị như thế nào ngoại trừ tao cho tăng sức đề kháng và trợ tim.
- Mày làm gì được mày làm, miễn nó sống thì thôi.
Vân đưa ra một chục cách để phục sức và gia tăng sức cho bắp thịt như dùng dầu nóng xoa bóp hoặc xông hơi kiểu như bà con nông dân ta xông nóng lạnh nhức đầu ở thôn quê… nhưng chỉ có một cách là khả dĩ thi hành được: Xoa bóp bằng dầu nóng. Kết quả rất khả quan. Chúng tôi căng tăng mắc võng và lấy thêm ni-lông của Vân che hai bên hông. Vân lấy một gói thuốc bột khuấy trong nước ấm rồi bảo Núi hả miệng cho mình đổ thuốc. Núi biết nghe. Núi hả miệng, nuốt ực và nói “Cảm ơn” rất rõ.
Vân giải thích:
- Đây là thuốc toàn năng chỉ dùng cho cán bộ cao cấp và trong trường hợp tối khẩn thôi. Ví dụ trong trường hợp người yếu quá sắp chết mà chưa trối trăn thì nó có thể làm bệnh nhân khỏe lại vài tiếng đồng hồ.
Quả thật, đến khuya, tôi nghe Núi gọi Ngữ. Hai đứa nói chuyện với nhau một chập. Tôi thò đầu ra vách mùng nói sang:
- Bây giờ đỡ rồi hả Núi?
- Đỡ rồi.
- Cậu đang nói chuyện với ai đấy?
- Anh Ngữ?
- Còn ai đang nói với cậu đây?
- Anh Vũ hả?
Thấy Núi phân biệt được hai chữ “đấy và “đây” tôi yên tâm nên ngủ trở lại.
Vì mệt mỏi nên ai nấy cũng ngủ thẳng giấc. Đến lúc mặt trời xuyên qua mùng nóng cả mặt mới thức dậy. Riêng Ngữ thì còn nằm vùi vì cuốc đi pa-tanh hôm trước. Thói quen hễ tôi thức trước Hoàng Việt thì tôi kêu hỏi:
- Anh Bảy bày trẻ đêm qua có mơ thấy mấy em bên Bún-cà-ri không?
Nhưng bữa nay ê ẩm quá, cả về thể xác lẫn tâm hồn, nên tôi còn nằm im để vỗ về mình trong giây phút của buổi bình minh trinh trắng.
Da thịt hơi hám của Nguyệt còn in trong tôi. Thế mà bây giờ nàng đã xa rồi. Mai sẽ xa nữa. Mốt càng xa thêm nữa. Xa mãi. Từ xa ít tới xa nhiều. Nàng nói với tôi những gì. Không nhiều, nhưng nàng đã nói tất cả rồi: Một đêm vợ chồng! Ừ nhỉ, thằng Vân nói đúng! Sao tôi không bắt nàng đi luôn. Đi chiến đấu, đi vào lửa khói thì dù vô kỷ luật tí cũng rất đáng hoan nghênh. Đã có biết bao nhiêu người được lệnh đi Nam mà đập bệnh để khỏi đi thì sao?
Tôi tiếc đã không gợi ý cho nàng. Nếu tôi đặt vấn đề đó ra, biết đâu nàng chẳng nghe theo. Tôi bây giờ là tư lệnh tối cao của nàng mà. Trời ơi mới hôn nhau đó rồi lại xa đó. Một cái “mười năm” nữa trôi qua thì còn gì là đời?
Tôi uể oải bước xuống đất và đi lại lều Núi, chui vào, đưa tay giở mùng và gọi nhưng tôi kêu lên thất thanh:
- Núi! Núi? Núi! – Tôi lắc vai nó. Tôi chụp tay vào đầu nó. Tất cả lạnh ngắt.
Tôi buông mùng xuống và kêu Ngữ.
- Ngữ ơi 1 Thằng Núi chết rồi!
Tất cả bật dậy. Trừ Vân.
Vân đủng đỉnh đi ra khỏi lều sau cùng:
- Tôi đã biết trước là không thể cứu chữa. Cho nên tôi cho cậu ta liều thuốc hồi dương đó. Tim đã kiệt. Có lẽ não đã bị viêm nặng lắm rồi.
Ngữ mò thấy gói kí-nín trong chăn của Núi, đưa cho tôi, không nói gì. Không còn viên nào trong đó. Chiếc bi-đông bật nút nằm dưới đít võng. Tôi đút cái gói không vào túi quần, đưa tay vuốt mặt thằng bé, miệng tôi như câm.
Giao liên tới ra lệnh hành quân.
Trước sự lưỡng lự cửa tôi, Ngữ nói trước:
- Anh và anh Hoàng Việt cứ đi đi. Để em ở lại đây lo cho nó.
Biết nói gì nữa! Tôi và Hoàng Việt cắn răng đi theo giao liên. Anh ta không nhìn. Anh ta đã thấy quá nhiều lần tình cảnh này rồi. Còn bi thảm gấp trăm.
Sá gì một cái lá rơi giữa một khu rừng hoang. Như muôn đời trước và muôn đời sau, xác lá vun cho cây. Nhưng cây rừng còn hữu ích. Còn những cái cây sống mang tên Hồ, Duẫn, Đồng, Giáp mọc trên xác thây nhân dân chẳng đem lại cho ai một lợi ích gì. Thằng thanh niên tên Núi nằm xuống đây là để thêm hồng huyết cầu cho mặt chúng vốn đỏ như gấc, càng đỏ thêm lên.
Đi nhưng mà lòng nặng trĩu u buồn. Trước một cái chết, coi như không.
- Nó là học sinh năm thứ hai trường Cao đẳng Mỹ thuật mày ạ!- Tôi nói với Vân.
- Cỡ đó vô Nam làm cái gì?
- Vẽ bích báo!
- Phì! Mày vô đó rồi sẽ thấy, cơ quan trong cuộc kháng chiến với Mỹ này không có chỗ ngồi nữa là chỗ dán bích báo.
- Tao cũng không hiểu mấy chả bắt nó đi làm gì vậy?
- Còn thằng kia?
- Khá hơn chút.
Ngữ ở lại với Núi. Khi về tới R ít lâu sau tôi nghe tin Ngữ đã tấp xuống khu 6 và ở đó luôn vì bị ngã, chân què, không đi được nữa. Hai cậu Núi và Ngữ rất dễ thương. Ngữ thì chí tình với bạn, chịu khó nấu nướng. Núi thì hiền như cục bột.. Hai cậu luôn luôn xưng “em” với tôi ngọt ngào. Bây giờ chẳng biết thằng Ngữ có còn sống mà về được với quê hương hay không. Còn Núi? Núi Đôi. Ngọn núi nào ở Ninh Bình đó sẽ ở giá trọn một ngàn năm tới....