Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Tác giả: Arthur Hailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Final Diagnosis
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
hò tay vào lồng ấp qua hai lỗ thông bên cạnh, bác sĩ Dornberger khám em bé Alexander một cách cẩn thận. Từ lúc lọt lòng đến nay đã là ba ngày rưỡi - cứ sự thường thì đây là một dấu hiệu đầy hy vọng. Nhưng mới có thêm những hội chứng càng lúc càng rõ rệt mà bác sĩ cần thấy phải theo dõi với tất cả sự lo âu. Nhẩn nha khám xong, ông đứng yên suy nghĩ cân nhắc các hội chứng, sàng lọc chúng qua bao năm kinh nghiệm và vô số những ca bệnh đã trải qua. Sau cùng lý luận đã khẳng định thông tin của trực giác: lời dự đoán hết sức bi quan.
- Cô biết không - ông nói - có lúc tôi đã lấy làm mừng tưởng nó sẽ qua khỏi được.
Từ nãy đến giờ, cô y tá trẻ phụ trách phòng sơ sinh non tháng - cũng là người mà John Alexander đã gặp mấy hôm trước, nhìn bác sĩ Dornberger bằng ánh mắt chờ đợi.
Cô nói:
- Cách đây một tiếng đồng hồ hơi thở của cháu vẫn đang đều đều bỗng dưng yếu hẳn đi. Tôi đã gọi cho ông ngay lúc đó.
Một cô y sinh đứng ở bên kia lồng ấp đang chăm chú theo dõi cuộc trao đổi, đôi mắt bên trên khẩu trang hết dán vào Dornberger lại quay sang cô y tá phụ trách.
- Đúng, hơi thở không ồn định. Dornberger vừa suy nghĩ vừa nói thong thả, cố gắng không bỏ sót một chi tiết nào: -Lẽ ra da không vàng như thế, hai bàn chân như bị phù. Cô nhắc lại các chỉ số huyết học.
Y tá trực xem lai sổ ghi:
- Số lượng hồng cầu là 4.9 triệu. Bảy hồng cầu nhân trên một trăm bạch cầu.
Lại yên lặng. Hai cô gái đứng nhìn trong khi bác sĩ xử lý các thông số. Ông suy nghĩ: thiếu máu nhiều quá, tất nhiên rất có thể đó chỉ là phản ứng bình thường ở mức độ cao. Ông nói lớn:
- Này, nếu không dựa vào xét nghiệm cảm ứng máu, tôi dám nghi ngờ rằng đưa bé bị rối loạn nguyên hồng cầu.
Y tá trực tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Nhưng thưa bác sĩ, đã...- Cô kìm lại được.
- Tôi biết, điều ấy không thể xẩy ra được. Ông khoát tay về phía sổ ghi - Dù sao tôi cũng phải xem lại báo cáo xét nghiệm máu của người mẹ bản chính ấy nhé.
Lật xấp giấy tờ, y tá trực rút ra bản kết quả do bác sĩ Pearson ký sau trận đấu khẩu với David Coleman.
Dornberger đọc kỹ rồi trả lại:
- Tốt lắm, dứt khoát là cảm ứng âm tính.
Kết quả dứt khoát, tất nhiên rồi, nhưng trong lòng ông vẫn băn khoăn: kết quả có thể sai hay không - ông tự nhủ, khoa xét nghiệm chưa bao giờ phạm sai lầm như thế. Dù sao, ông định bụng đi kiểmtra bệnh xong sẽ ghé qua trao đổi với bác sĩ Pearson đôi chút.
Ông nói với y tá trực:
- Lúc này chưa thể làm gì hơn. Có gì thay đổi cô gọi báo ngay cho tôi.
- Vâng, thưa bác sĩ.
Dornberger đi rồi, cô y sinh hỏi: Ban nãy bác sĩ nói gì nhỉ... loạn nguyên...?
- À, loạn nguyên hồng cầu, một thứ bệnh đường máu ở trẻ sơ sinh. Bệnh này thỉnh thoảng xảy ra khi máu người mẹ là Rh trừ và khi người cha Rh cộng. - cô y tá trực với mái tóc đỏ trả lời một cách dè dặt nhưng rất tự tin như bao lần đã qua.
Các y sinh thích được phân công đến làm việc với cô. Tuy được tiếng là một trong những y tá chính thức có khả năng nhất của bệnh viện, cô cũng chỉ mới rời vị trí y sinh được hơn một năm, sau khi tốt nghiệp thủ khoa. Biết như thế, cô y sinh này chẳng ngại hỏi kỹ thêm:
- Hình như gặp trường hợp ấy, người ta thay máu cho đứa trẻ lúc mới lọt lòng.
- Truyền thấy máu ấy ư?
- Vâng.
- Một vài ca nào đó thôi -Y tá trực nhẫn nại giải thích. Còn tùy vào kết quả xét nghiệm cảm ứng máu của người mẹ. Kết quả dương tính thường có nghĩa là đứa bé bị loạn nguyên hồng cầu, phải được truyền thay máu tức khắc sau khi lọt lòng. Ở ca này, kết quả âm tính thành thử việc truyền thay máu không cần thiết - Cô ngừng rồi nói thêm, giọng tư lự, nửa như nói với chính mình - Nhưng thật là lạ quá cho mấy cái hội chứng này.
o O o
Từ sau trận đấu khẩu mấy hôm trước về việc kiểm tra phòng xét nghiệm, nhà bệnh lý học trưởng khoa không nói gì đến công tác của David Coleman tại phòng huyết thanh.
Coleman không đoán ra được ý nghĩa của sự im lặng ấy - anh đã đạt được yêu cầu và sẽ trực tiếp trông coi phòng huyết thanh, hay là Pearson có ý trở lại tấn công nữa? Trong khi chờ đợi, nhà bệnh lý học trẻ tuổi đã có thói quen vào phòng huyết thanh đều đặn và xem xét các công việc đang được thực hiện. Kết quả là anh đã nghĩ ra một số những thay đổi về mặt nghiệp vụ. Vài thay đổi nho nhỏ đã bắt đầu được thực hiện một hai ngày qua.
Giữa anh và Carl Bannister, kỹ thuật trưởng tạm gọi là có ngưng bắn. Trái lại John Alexander rõ ràng ủng hộ sự quan tâm của Coleman đối với phòng xét nghiệm. Hai ngày qua anh đã nêu ra một vài đề nghị và được Coleman tán thành. Alexader đã trở lại làm việc ngay sau ngày vợ anh được đưa vào bệnh viện, mặc dù Pearson đã tỏ ý - bằng mọi cách nói cộc cằn nhưng kể là tử tế - cho phép anh nghỉ nếu anh muốn. Coleman nghe thấy Alexander nói với ông:
- Cảm ơn bác sĩ, nhưng nghỉ tôi lại đâm ra nghĩ ngợi chẳng có ích gì.
Pearson gật đầu bảo rằng anh muốn sao tùy ý, bất cứ lúc nào anh cảm thấy cần thì cứ việc lên thăm vợ con.
David Coleman mở cửa bước vào phòng huyết thanh. John Alexander đang ngồi ở băng ghế dài giữa phòng, mắt đã rời kính hiển vi. Trước mặt anh là một phụ nữ mang áo khoác trắng có bộ ngực cực kỳ đồ sộ mà Coleman nhớ mang máng đã gặp trong bệnh viện nhiều lần từ hôm đến nhận việc. Khi anh bước vào, Alexander đang nói:
- Tôi thiết nghĩ bà nên hỏi bác sĩ Pearson hoặc bác sĩ Coleman. Tôi đương phải làm báo cáo kết quả cho họ.
- Báo cáo gì thế?- Coleman hỏi. Hai người cùng quay nhìn về phía anh.
Người phụ nữ lên tiếng trước:
- A, bác sĩ! - Bà nhìn anh bằng ánh mắt dò hỏi: - Ông là bác sĩ Coleman?
- Đúng vậy. Tôi là Hilda Straughan. Bà chìa tay cho anh rồi nói thêm: - Trưởng ban cấp dưỡng.
- Xin chào bà - Khi bắt tay, Coleman ngạc nhiên khi thấy hai bầu vú tuyệt kỹ lắc lư theo cánh tay của bà trông như hai con cá voi nhấp nhô theo làn sóng lượn. Tự kìm chế ý nghĩ, anh nói:
- Có vấn đề gì chúng tôi có thể giúp bà được? - Do kinh nghiệm, anh biết phòng xét nghiệm và nhà bếp thường sát cánh với nhau trong những vấn đề vệ sinh thực phẩm.
- Mấy tuần trước có nhiều người bị bệnh đường ruột. Bà cấp dưỡng nói - Hầu hết là nhân viên của bệnh viện.
Coleman bật cười.
- Bệnh viện nào mà chẳng xảy ra chuyện ấy lúc này hay lúc khác.
- Ồ, tôi biết chứ - Bà Straughan rất nhẹ nhàng tỏ ra bất bình với lời nói khiếm nhã ấy - Nhưng nếu nguyên nhân nằm ở thức ăn, sự thường là thế, tôi muốn tìm ngay cho ra nếu có thể được, nhờ vậy có thể phòng ngừa được bệnh tật.
Ở người phụ nữ này có nhiệt tình mà Coleman cảm thấy kính trọng. Anh hỏi một cách lịch sự:
- Bà có ý kiến gì chăng?
- Nhất định là có. Tôi ngờ ngợ mấy cái máy rửa chén dĩa của tôi, thưa bác sĩ.
Coleman thoáng ngạc nhiên vì cách nói ấy, nhưng vẫn giữ vẻ thản nhiên, anh hỏi:
- Ồ, tại sao thế? - Qua đuôi mắt, anh thấy Bannister đang bước vào phòng. Cả hai kỹ thuật viên cùng theo dõi cuộc trò chuyện.
Bà cấp dưỡng nói:
- Hệ thống nước nóng miễn dịch của tôi không đạt yêu cầu.
Cách nói của bà khiến anh phải cố nín cười.
- Đã có ai làm sáng tỏ điều ấy chưa?
- Có rồi ạ, thưa bác sĩ Coleman. - Rõ ràng đây là chuyện mà bà Straughan rất hăm hở bàn bạc. Bà nói tiếp: - Đã nhiều lần tôi nói với ông quản trị Tomaselli. Chính nhờ lần nói chuyện cuối cùng mà ông Tomaselli yêu cầu bác sĩ Pearson xét nghiệm máy rửa chén dĩa.
- Tôi hiểu - Coleman quay sang John Alexander - Anh có làm xét nghiệm không?
- Thưa có.
- Tìm thấy gì chăng?
- Nước không đủ nóng.
Alexander xem lại hồ sơ.
- Tôi đã làm ba cái xét nghiệm trên dĩa đựng thức ăn vào ba thời điểm khác nhau trong ngày. Nhiệt độ chỉ vào khoảng từ 110 tới 130 độ.([33])
- Thấy chưa?- Bà cấp dưỡng đưa hai tay lên trời biểu lộ cảm xúc của mình.
- Phải rồi - Coleman gật đầu – Thế thì thấp quá.
- Chưa hết đâu, thưa bác sĩ - John Alexander cất tập hồ sơ và lấy một bản lam mẫi trên băng ghế - Tôi e rằng tìm ra vi khuẩn sinh hơi ([34]) thuộc nhóm phân, trên những chiếc khay sau khi được lấy ra khỏi máy rửa.
- Cho tôi xem - Coleman cầm bản lam mẫu bước đến bên kính hiển vi - anh chỉnh ống ngắm và nhận thấy ngay những con vi khuẩn hình dáng như giun đất rất dễ nhận mặt.
Anh đứng thẳng lên. Bà Straughan hỏi:
- Cái gì thế? Như vậy nghĩa là sao?
Coleman trầm ngâm:
- Mẫu xét nghiệm cho thấy có vi khuẩn sinh hơi. Cứ sự thường thì nước nóng đủ tiêu diệt chúng. Thế nhưng chúng thoát ra được máy rửa và nằm trên khay.
- Có nghiêm trọng không?
Anh suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời:
- Có và không. Chén dĩa nhiễm vi khuẩn có thể gây cho một vài người bị bệnh đường ruột như bà đã thấy, nhưng chuyện ấy tự nó không có gì quan trọng. Nó trở nên nguy hiểm khi có người gieo bệnh trong bệnh viện.
- Người gieo bệnh à?
Coleman tiếp tục cắt nghĩa:
- Đó là người mang vi khuẩn bệnh trong người mà không biết mình mắc bệnh. Xét bề ngoài, có thể người ấy xem ra rất bình thường lành mạnh. Sự thể này xảy ra nhiều hơn bà tưởng đấy.
- Vâng, tôi hiểu rồi - Bà Sraughan nói, giọng tư lự.
Coleman quay sang hai kỹ thuật viên.
- Hiện nay chúng ta vẫn thường xuyên xét nghiệm những người dọn thức ăn trong bệnh viện chứ?
Bannister trả lời, giọng điệu ra vẻ mình là kẻ quan trọng:
- Ồ, đúng vậy. Bác sĩ Pearson rất om sòm về việc ấy.
- Chúng ta vaxn làm đúng kỳ hạn đấy chứ?
- Phả...i. Ông ta suy nghĩ rồi nói thêm: - có lẽ cũng đã lâu chưa xét nghiệm lại.
- Lần cuối cùng là khi nào?- Coleman hỏi giọng thờ ơ như thể đó là chuyện thường lệ.
- Xem nào... phải tra lại sổ mới được - Bannister bước đến tường đối diện.
David Coleman thầm cân nhắc các dữ kiện liên hệ. Nếu máy rửa chén kém chất lượng - mà rõ ràng là kém rồi còn gì - cần phải có biện pháp ngay lập tức, không thắc mắc gì cả. Mặc khác, nếu việc kiểm tra những người dọn thức ăn vẫn được thực hiện đều đặn như lời Bannister đã xác nhận, thì chưa đến nỗi phải báo động. Nhưng nếu có chểnh mảng thì lại ra chuyện khác. Anh nói với John Alexander:
- Anh nên làm cho xong sớm bản báo cáo cho bác sĩ Pearson đi.
- Vâng, thưa bác sĩ - Alexander quay về với tập hồ sơ.
Ở cuối phòng, Bannister đang tra lại sổ cái mở phanh trên tủ hồ sơ.
Ông ta hô to:
- Ngày hai mươi bốn tháng hai.
Ngạc nhiên, Coleman hỏi lại:
- Tháng hai à?
- Đúng vậy.
- Thế là đã sáu tháng trời. Anh đưa ra nhận xét với bà cấp dưỡng:
- Hình như nhà bếp ít có thay đổi nhân viên.
- Ồ, có chứ! Bà Straughan hăm hở phản bác - từ tháng hai đến nay chúng tôi đã nhận vào nhiều người mới, thưa bác sĩ Coleman.
Vẫn chưa hiểu nổi, Coleman hỏi Bannister:
- Ông bảo đảm đúng ngày đó chứ?
Lần cuối cùng đấy.- Bannister vênh váo. Kể cũng là thú vị khi được dịp cho tay bác sĩ non choẹt thông minh thuộc sử này biết chuyện này chuyện nọ. Ông ta nói thêm: -Nếu muốn, bác sĩ cứ việc xem tận mắt.
Phớt lờ lời đề nghị, Coleman nói:
- Còn các nhân viên mới được tuyển dụng từ đó đến nay thì sao?
- Không còn gì nữa - Bannister nhún vai - Nếu phòng theo dõi sức khỏe không gởi các mẫu vật đến để xét nghiệm, chúng ta không có cách nào khác để biết đến các nhân viên dọn thức ăn mới vào làm - thái độ của ông ta hoàn toàn dửng dưng, gần như khinh mạn.
Coleman cố nén bực bội đang từ từ dâng lên trong lòng. Anh bình thản nói với người cấp dưỡng:
- Tôi thiết tưởng bà nên quan tâm đến vấn đề này - lần đầu tiên anh nhận ra có cái gì đó, có nơi nào đó lệch lạc nghiêm trọng.
Dường như bà Straughan cũng có cùng một ý nghĩ như thế.
- Tôi sẽ xem lại ngay lập tức. Cảm ơn bác sĩ C.- Bộ ngực của bà lại núng nảy theo mỗi bước chân đi ra khỏi phòng xét nghiệm.
Yên lặng một hồi lâu. Lần đầu tiên Coleman cảm thấy Bannister có tâm trạng áy náy. Khi ánh mắt hai người gặp nhau, anh lạnh lùng hỏi ông ta:
- Thời gian qua có lúc nào ông tự hỏi tại sao việc xét nghiệm những người dọn thức ăn không được tiến hành đều đặn chăng?
- Ừm, Bannister bôn chồn, sự tự tin lúc trước đã tan đi như mây khói - Tôi tưởng thế nào rồi cũng làm...có điều là sớm hay muộn thôi.
Coleman trừng trừng nhìn ông ta bằng ánh mắt khinh miệt rồi giận dữ nói:
- Nhưng ông thích muộn hơn, có đúng không? Nhất là nếu công việc đòi hỏi ông phải động não một chút - Ra đến cửa, anh ngoái lại: -Tôi sang bác sĩ Pearson.
Mặt tái nhợt như không còn giọt máu nào, kỹ thuật viên trưởng cứ đứng nhìn khung cửa mà Coleman vừa bước ra. Vành môi ông uốn thành lời xét ra của kẻ bại trận: - Anh ta biết hết, phải không? Mọi điều trong sách vở...
Lúc này, chung quanh Bannister là triệu chứng báo trước sự thất bại và sụp đổ. Thế giới quen thuộc của riêng ông ta - thế giới mà ông ta tin là bất khả xâm phạm nên không cần phải làm gì để bảo vệ, đang vỡ ra thành trăm nghìn mảnh vụn. Một trật tự mới đang ló dạng, một trật tự không có chỗ dành cho ông ta vì những thiếu sót của chính ông ta. Chán chường, lạc lõng, ông ta dường như chỉ còn là một bóng dáng bạc nhược, tiều tụy đang bị thời gian bỏ rơi lại phía sau.
o O o
Joe pearơn nhìn lê khỏi bàn làm việc khi Coleman bước vào. Không chào hỏi hay rào đón, nhà bệnh lý học trẻ tuổi tuyên bố ngay:
- John Alexander phát hiện vi khuẩn sinh hơi trên những chiếc khay được rửa bằng máy.
Dường như không ngạc nhiên, Pearson nói sẵng:
- Do hệ thống nước nóng.
- Tôi biết - David Coleman cố gắng vẫn không dấu được sự mỉa mai: - Có ai để lo chuyện ấy chưa?
Ông cụ nhìn anh bằng ánh mắt đầy thắc mắc. Ông nói với sự bình thản đáng ngạc nhiên:
- Chắc anh cho rằng công việc ở đây được điều hành rất tệ phải không?
- Ông hỏi thì tôi xin nói. Đúng như thế! Coleman mím chặt môi. Anh tự hỏi liệu hai người sẽ tiếp tục làm việc với nhau trong không khí như thế này bao lâu nữa.
Pearson mở mạnh một ngăn kéo thấp dưới bàn, vừa lục lọi vừa nói chuyện. Giọng ông có vẻ giận dữ pha lẫn ưu phiền, nghe rất lạ:
- Anh còn quá trẻ, mới vào nghề và đầu óc đầy những quan niệm cao đẹp. Anh đến đây nhằm lúc có chế độ quản trị mới và tiền bạc được thỏai mái hơn nhiều năm qua. Thế là anh nghĩ rằng chuyện gì lệch lạc cũng là do không có ai nghĩ đến việc chấn chỉnh, không có ai để công lo lắng!
Ông đã thấy được vật muốn tìm và quẳng một xấp hồ sơ căng phồng lên mặt bàn.
- Tôi không nói thế - Coleman nói nhanh gần như bào chữa.
Pearson đẩy tập hồ sơ về phía anh. - Đây là hồ sơ lưu các thứ giấy tờ giao dịch về chuyện hệ thống nước nóng. Chịu khó đọc, anh sẽ thấy tôi nài nỉ xin cấp hệ thống mới từ nhiều năm nay rồi - Pearson lớn tiếng thách thức:
- Xem đi, xem thử đi.
Mở tập hồ sơ, Coleman đọc bản lưu trên cùng. Anh lật một trang, lại một trang nữa rồi lướt qua các trang bên dưới. Ngay lập tức anh biết mình đã lầm tới mức nào. Hồ sơ có những trang lên án gay gắt tình trạng vệ sinh của nhà bếp với những lời lẽ nặng nề mà Coleman có lẽ không dám sử dụng. Các đơn từ đề ngày của nhiều năm trước.
- Thế nào?- Pearson vẫn chăm chú nhìn Coleman đọc hồ sơ.
Không lưỡng lự, Coleman nói:
- Xin lỗi. Tôi nợ ông một lời xin lỗi về chuyện này.
- Không sao, Pearson vẫy tay một cách bực bôi. Khi lời nói lắng xuống, ông tiếp tục: - Nghĩa là anh thấy còn chuyện khác nữa ư?
Coleman nói giọng đều đều:
- Ngoài chuyện máy rửa chén đĩa, tôi còn khám phá ra rằng hơn sáu tháng qua không hề có xét nghiệm những người dọn thức ăn.
- Tại sao? - Câu hỏi bật ra như tiếng nổ chát chúa.
- Rõ ràng phòng theo dõi sức khỏe không gửi người nào xuống. Bà trưởng ban cấp dưỡng hiện đang kiểm tra lại.
- Thế anh bảo chúng tôi không thắc mắc gì cả hay sao? Không một ai ở khoa Xét nghiệm hỏi tại sao không người nào được gửi xuống ư?
- Rõ ràng là không.
- Bannister ngu quá. Chuyện này nghiêm trọng lắm - Pearson thật sự quan tâm đến vấn đề và quên hẳn sự thù nghịch đối với Coleman.
Coleman nhỏ nhẹ:
- Tôi nghĩ là ông muốn biết.
Pearson nhấc điện thoại. Yên lặng một lát, ông nói:
- Cho tôi nói chuyện với ông quản trị.
Cuộc trao đổi rất ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề.
Gác máy, đứng lên, Pearson nói với Coleman:
- Tomaselli đang xuống. Chúng ta hãy gặp ông ta ở phòng xét nghiệm.
o O o
Trong phòng xét nghiệm, những điều David Coleman tìm ra được báo cáo lại vỏn vẹn trong mấy phút đồng hồ.
Pearson và Tomaselli lắng nghe John Alexander đọc lại sổ ghi chép, sau đó Tomaselli xem các bản lam mẫu. Ông vừa rời mắt khỏi kinh hiển vi thì bà trưởng ban cấp dưỡng bước vào. Ông quản trị quay về phía bà ta:
- Bà tìm ra những gì?
- Chuyện khó tin những có thật - Bà Straughan lắc đầu làm một cử chỉ hoài nghi rồi nói với Pearson:
- Hồi đâu năm, phòng theo dõi sức khoẻ tuyển dụng một nhân viên mới là bác sĩ P. Không ai cho bác sĩ mới biết về việc xét nghiệm những người dọn thức ăn, thành thử không một người nào được gửi xuống.
Tomaselli hỏi:
- Thế ra đã không có xét nghiệm từ... bao lâu rồi nhỉ?
- Xấp xỉ sáu tháng rưỡi.
Coleman nhận thấy Carl Bannister đang đứng lẳng lặng một mình, rõ ràng đang bận việc. Nhưng có lẽ không bỏ sót một chi tiết nào đang diễn ra trong phòng.
Quản trị viên hỏi Pearson:
- Ông đề nghị thế nào?
- Trước hết phải kiểm tra toàn bộ các nhân viên mới, càng nhanh càng tốt - Lần này nhà bệnh lý học cao niên tỏ ra sắc sảo, nhặm lẹ - Sau đó tái xét nghiệm tất cả những người khác. Có cấy phân, X-quang vùng ngực và khám tổng quát. Nhất thiết phải tính đến toàn bộ các nhân viên nhà bếp và bất cứ ai có liên quan tới thực phẩm.
- Nhờ bà lo cho việc đó được không, bà Straughan? - Tomaselli nói - Cứ đến làm việc với phòng theo dõi sức khỏe, họ sẽ lo các chi tiết.
- Vâng, thưa ông T, tôi sẽ bắt tay vào việc ngay - Bà nhấp nhô chuyển động ra khỏi phòng xét nghiệm.
- Còn gì nữa không? Tomaselli đưa sự chú ý trả lại với Pearson.
- Chúng ta cần thay hệ thống nước nóng cho máy cái rửa chén dĩa. Hoặc là thế, hoặc dẹp máy cũ đi và sắm máy mới – Giọng Pearson lên cao sôi động: - Điều ấy tôi đã nói với mọi người từ bao năm nay rồi.
- Tôi biết - Tomaselli gật đầu - Tôi tiếp thu hồ sơ cũ và đưa vấn đề ấy vào danh sách những việc cần làm. Khổ nỗi chúng ta phải chi tiêu quá nhiều chuyện lớn - ông trầm ngâm:- Không biết se phải tốn kém chừng bao nhiêu.
Bực bội, Pearson nói:
- Làm sao tôi biết được. Tôi có phải là thợ hàn xì đâu.
- Hàn xì thì tôi có biết đôi chút, may ra giúp được đấy.
Nghe tiếng nói dịu dàng, một người quay lại. Đó là bác sĩ Dornberger, hai tay đang bận bịu với dọc tẩu. Ông đã nhẹ nhàng bước vào phòng xét nghiệm mà không một ai hay biết. Trông thấy Tomaselli, ông nói:
- Tôi có phá ngang chuyện gì không đấy?
Pearson cộc lốc:
- Không. Tốt thôi.
Dornberger thấy John Alexander nhìn mình chăm chú.
Ông hỏi:
- Ta vừa ở chỗ cháu bé, con ạ. E rằng cháu không được khỏe.
- Có hy vọng gì không, thưa bác sĩ? - Alexander hỏi khẽ.
Những người khác quay nhìn anh, ai nấy đều đã dịu nét mặt. Bannister đặt ống nghiệm xuống và bước lại gần.
- E rằng không nhiều lắm - Dornbergar nói chậm rãi.
Sự yên lặng buông xuống, và rồi, như chợt nhớ ra, ông quay sang Pearson:
- Joe, không có gì nghi ngờ về thử nghiệm cảm ứng máu của Mrs. Alexander chứ?
- Nghi ngờ ư?
- Nghĩa là có gì nhầm lẫn không?
Pearson lắc đầu:
- Không nghi ngờ một chút nào, Charlie. Nói thật, chính tay tôi làm xét nghiệm, rất cẩn thận - ông hỏi giọng tò mò: - Sao ông lại hỏi như thế?
- Chẳng qua kiểm tra lại cho chắc chắn vậy thôi - Dornberger bập ống điếu - Sáng nay có lúc tôi ngờ rằng cháu bé bị loạn nguyên hồng cầu. Nhưng lo lắng như thế kể là quá xa.
- Không đời nào xảy ra chuyện đó được - Pearson nói mạnh mẽ.
- Phải, tôi cũng nghĩ như ông- Dornberger đáp.
Lại yên lặng, ánh mắt mọi người hướng về Alexander..
David Coleman cảm thấy muốn nói một điều gì đó để xoay hướng tập trung của mọi người và để giúp anh kỹ thuật viên được yên tâm hơn. Hầu như không suy nghĩ, anh nói với Dornberger:
- Trước kia thường có nghi ngờ về nghiệm pháp cảm ứng máu khi phòng xét nghiệm chỉ sử dụng phương pháp muối đẳng trương và Protein đậm đặc. Đôi khi ca bệnh dương tính lại có kết quả lầm là âm tính. Ngày nay, với nghiệm pháp Coombs, kết quả rất chính xác - Nói xong anh nhận ra rằng phòng xét nghiệm này mới chỉ có thay đổi từ khi anh đến nhận việc. Anh không có ý moi móc Pearson.
Lúc này anh hy vọng ông cụ không để ý. Hai người đã cãi cọ nhiều rồi, không nên gây sự thêm một cách không cần thiết.
- Nhưng thưa bác sĩ Coleman... Alexander há hốc miệng, ánh mắt thảng thốt.
- Sao? Có chuyện gì?
Coleman bối rối. Anh chưa nói chuyện gì đáng gây nên phản ứng này.
- Chúng tôi đã không làm xét nghiệm Coombs gián tiếp.
Tuy rất mến Alexander, Coleman không khỏi bực mình. Vì Pearson đang có mặt, anh muốn tránh theo đuổi đề tài này. Đàng nào cũng không tránh được nữa rồi. Anh buột miệng nói ngay:
- Ồ, có chứ. Tôi nhớ đã ký phiếu đặt mua huyết thanh Coombs kia mà.
Alexander nhìn bằng ánh mắt tuyệt vọng, khẩn khoản:
- Nhưng bác sĩ Pearson bảo không cần thiết. Chỉ phải làm xét nghiệm bằng muối đẳng trương và Protein đậm đặc.
Phải mất nhiều giây đồng hồ Coleman mới tiếp thu được những lời ấy. Anh thấy Harry Tomaselli, không hiểu chuyện, cứ chăm chú nhìn hai người bằng ánh mắt đầy thắc mắc. Dornberger cũng bất ngờ bị hút vào câu chuyện.
Pearson có vẻ không yên. Ông nói với Coleman, giọng áy náy:
- Tôi định nói lại với anh mà quên mất.
Lúc này đầu óc Coleman đã sáng rõ. Nhưng trước khi đi xa hơn nữa, anh muốn khẳng định chắc chắn một sự kiện:
- Có đúng là - Anh hỏi Alexander - đã không có xét nghiệm Coombs gián tiếp chăng?
Alexander gật đầu. Bác sĩ Dornberger bỗng chen vào:
- Khoan đã. Để tôi hỏi cho rõ. Phải chăng anh muốn nói rằng máu của người mẹ, tức Mrs. Alexander, có thể đã bị cảm ứng?
- Tất nhiên là có thể. - Không đếm xỉa đến điều gì nữa, Coleman cất cao giọng nói văng ra:
- Nghiệm pháp muối đẳng trương và Protein đậm đặc rất có hiệu quả trong nhiều trường hợp, nhưng không phải tất cả. Bất cứ ai theo sát tình hình nghiên cứu huyết học tới mức phải chăng, cũng biết đến điều ấy - Anh liếc ngang nhìn Pearson, ông vẫn đứng im phăng phắc. Anh tiếp tục nói với Dornberger: - Đó là lý do khiến tôi chỉ định làm nghiệm pháp Coombs gián tiếp.
Ông quản trị vẫn đang cố gắng nắm bắt ý nghĩa chuyên môn của y khoa.
- Nghiệm pháp mà anh đang nói tới đó, đã có chỉ định tại sao không được thực hiện? - Ông nói.
Coleman quay sang Bannister. Ánh mắt không thương xót, anh hỏi:
- Cái gì đã xảy ra cho tờ phiếu do tôi ký để mua sắm huyết thanh Coombs?
Thấy ông kỹ thuật viên ngập ngừng, anh hỏi dồn:
- Sao?
Bannister lắc đầu rồi nói lúng búng chỉ vừa đủ nghe:
- Tôi xé bỏ rồi.
Dornberger nói như không tin:
- Ông xé bỏ phiếu đặt hàng của bác sĩ mà không báo cáo lại ư?
Không khoan nhượng, Coleman hỏi:
- Ông xé bỏ theo lệnh của ai?
Bannister nhìn xuống sàn nhà, miễn cưỡng đáp:
- Theo lệnh của bác sĩ Pearson.
Dornberger suy nghĩ thật nhanh rồi nói với Coleman:
- Thế có nghĩa là có thể cháu bé đã bị loạn nguyên hồng cầu. Mọi dữ kiện đều chĩa vào nguy cơ ấy.
- Nếu đúng như vậy, ông phải cho truyền thay máu phải không?
Dornberger xót xa:
- Đúng ra phải truyền thay máu ngay khi lọt lòng mẹ. Bây giờ thì trễ rồi, nhưng vẫn còn hy vọng - Ông nhìn nhà bệnh lý học trẻ tuổi như muốn nói rằng chỉ có ý kiến của anh là đáng tin cậy:
- Nhưng tôi muốn biết chắc chắn để khỏi lãng phí sức lực yếu ớt của cháu bé.
- Cần phải làm xét nghiệm Coombs trực tiếp trên máu đứa trẻ. Phản ứng của Coleman nhặm lẹ và hữu hiệu. Lúc này cứ như chỉ còn có anh và Bannister. Pearson đứng yên như bàng hoàng vì chuyện xảy ra quá nhanh.
Với Bannister, Coleman sẵng giọng:
- Bệnh viện có chút huyết thanh nào không?
Ông kỹ thuật viên nhẫn nhục:
- Không.
Vấn đề này nằm trong quỹ đạo của ông quản trị, ông hỏi ngắn gọn:
- Có thể kiếm được ở đâu?
- Gấp lắm rồi - Coleman lắc đầu- Phải nhờ nơi nào có phương tiện làm xét nghiệm giúp.
- Viện đại học. Họ có phòng xét nghiệm lớn hơn của chúng ta. Harry Tomaselli bước đến máy điện thoại. Ông nói với hiệu thính viên:
- Cho tôi nói chuyện với bệnh viện Đại học - ông quay lại nói vơi mọi người: - Ai lo bệnh lý bên đó? Dornberger đáp:
- Bác sĩ Franz.
- Cho tôi gập bác sĩ Franz -Tomaselli nói - Ai nói chuyện với ông ta đây?
- Để tôi. - Coleman cầm máy. Mọi người nghe anh nói: - Bác sĩ Franz phải không ạ? Đây là bác sĩ Coleman, trợ lý bệnh lý học bệnh viện Three Counties; ông có thể vui lòng làm giúp chúng tôi một thử nghiệm Coombs sắp tới được chứ? - Coleman yên lặng nghe rồi nói: - Vâng, chúng tôi sẽ đem mẫu đến ngay. Cảm ơn bác sĩ. Xin chào - Anh quay lại với mọi người trong phòng:
- Cần lấy mẫu máu ngay lập tức.
- Tôi sẽ giúp, thưa bác sĩ - Bannister nói, tay đã cầm sẵn khay đựng dụng cụ.
Coleman toan từ chối, nhưng thấy rõ vẻ khẩn khoản trong ánh mắt ông ta, anh lưỡng lự rồi nói:
- Tốt lắm. Đi với tôi.
Ông quản trị nói với theo:
- Tôi sẽ xin xe tuần tra của cảnh sát đưa mẫu máu đi cho nhanh.
- Ông giúp cho. Tôi muốn được đi theo - Alexander nói.
- Được, ông quản trị hét vào máy điện thoại - Nối cho tôi gọi cảnh sát thành phố - ông quay sang Alexander:- Anh đi với họ, đem mẫu máu ra cổng cấp cứu. Tôi sẽ dặn xe tuần tra chờ sẵn ở đó.
- Vâng ạ - Alexander nhanh chân bước ra.
- Đây là quản trị viên bệnh viện Three Counties - Tomaselli lại nói vào máy - Chúng tôi cần xe cảnh sát chuyển gấp mẫu máu cấp cứu...vâng người của chúng tôi sẽ ở cổng cấp cứu. Bên phải - Gác máy, ông nói: - Tôi phải đi xem cho an tâm.
Ông bước ra, trong phòng chỉ còn lại Pearson và Dornberger.
Mấy phút qua nhiều ý nghĩ sôi động trong tâm trí bác sĩ phụ sản cao niên. Tất nhiên trong bao năm hành nghề thầy thuốc, ông đã có những bệnh nhân chết trong tay mình. Đôi khi cái chết xảy ra như thể số trời đã đinh.
Nhưng trong mọi ca bệnh, ông luôn luôn đấu tranh cho sự sống của họ, có những lần rất cam go, và không bao giờ đầu hàng trước giây phút cuối cùng. Trong mọi dịp - dù thành công hay thất bại - ông đều có thể thành thật tự nhủ rằng mình đã xử sự với hết lương tâm trách nhiệm, đã đặt ra những tiêu chuẩn cao, đã trổ hết tay nghề, và không phó mặc điều gì cho sự may rủi. Ông biết có những y sĩ không làm được như thế. Nhưng cứ như ông biết và tin chắc, chưa có bệnh nhân nào chết vì sự chểnh mảng hoặc thiếu sót của ông.
Cho đến lúc này.
Lúc này, gần đến ngày chính mình cũng phải giải nghệ, xem ra ông sắp phải chia sẻ hậu quả đắng cay, bi thảm do sự kém cỏi của người khác - mà tệ hơn nữa, người ấy lại là bạn của mình.
- Joe - ông nói - có điều này tôi muốn nói cho anh biết.
Pearson đã ngồi xuống một chiếc ghế đẩu, mặt tái nhợt, ánh mắt mông lung. Nghe nói, ông từ từ nhìn lên.
- Đứa bé này đẻ non, Joe ạ, nhưng nó rất bình thường, và chúng ta có thừa khả năng để truyền thay máu ngay sau khi nó lọt lòng mẹ.- Dornberger ngừng lại, và khi ông nói tiếp, giọng nói lộ ra bao nhiêu cảm xúc hỗn loạn: - Joe, chúng ta làm bạn với nhau đã lâu, có lúc tôi bao che cho ông và giúp ông trong những cuộc xung đột. Nhưng lần này nếu đứa bé chết, cầu chúa thương xót tôi... tôi sẽ lôi ông ra trước hội đồng y khoa và chẻ xác ông ra làm hai.
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng