Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Bản Tiếng Anh : Arch Of Triumph 'arc De Triomphe' (1945)
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3045 / 116
Cập nhật: 2017-04-13 11:09:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ô ta đang ở trong ấy. - Morozov nói.
- Ai cơ?
Morozov vuốt lại tấm áo sắc phục.
- Cậu hiểu thừa tôi muốn nói ai. Dù sao cậu cũng đừng có làm bộ làm tịch với bố Boris của cậu trong khi bố cậu thừa hành chức vụ. Vậy ra cậu tưởng tôi không đoán ra được tại sao cậu đến Scheherazade ba lần trong vòng hai tuần nay sao? Một lần cùng đi với một kỳ quan tóc đen mắt xanh và hai lần đi một mình? Con người ta vốn dĩ yếu đuối - nếu không thì con có ý vị gì?
- Thôi dẹp đi - Ravic nói - và đừng tìm cách làm cho tôi xấu hổ trong khi tôi đang cần có đủ sức lực, đồ bợm già lắm mồm.
- Thế tôi đừng nói gì cả thì cậu thích hơn chắc!
- Dĩ nhiên.
Morozov tránh ra, nhường lối cho hai người Mỹ.
- Nếu vậy thì cậu đi đi, rồi hôm khác hẵng đến.
- Cô ấy đi một mình à?
- Ngay các bà quận chúa đương quyền mà đi một mình chúng tôi cũng không chấp nhận. Lẽ ra cậu phải biết điều đó. Câu hỏi của cậu đáng cho Freud quan tâm lắm đấy.
- Làm như thể anh có biết chút gì về Freud ấy! Chẳng qua anh say; và tôi sẽ khiếu nại về việc này với quan thầy của anh là đại úy Chetchenedze.
- Đại úy Chetchenedze vốn đóng trung úy trong cái binh đoàn mà tôi là trung tá. Anh ta chưa quên điều đó đâu. Cho nên cậu cứ thử chơi vào.
- Thôi được. Cho tôi vào.
- Ravic! - Morozov đặt bàn tay to tướng lên vai anh nói - Cậu đừng có ngốc! Cậu hãy đi gọi điện ngay cho cái kỳ quan mắt xanh rồi đi với cô ấy đến đây, nếu cậu cần đến. Cậu hãy tin vào kinh nghiệm của một người già. Tôi thừa nhận là cái mẹo này cũng rẻ tiền, nhưng nó bao giờ cũng công hiệu.
- Không, Boris ạ. - Ravic nhìn thẳng vào mặt Morozov nói - Ở đây không thể có chuyện mưu mẹo gì hết. Tôi không chấp nhận đâu.
- Thế thì về đi.
- Về cái Phòng cây Cọ bụi bặm ấy sao? Hay về cái ổ chuột của tôi?
Morozov bỏ Ravic đây để ra giúp đỡ một đôi khách đang cần gọi taxi. Ravic đợi anh ta trở lại.
- Cậu chưa đến nỗi điên như tôi tưởng. - Morozov nói - Nếu không cậu đã vào rồi.
Anh hất ra sau gáy cái mũ lưỡi trai có đính lon kim tuyến. Anh chưa kịp nói thêm câu nào thì một ông khách trẻ tuổi say khướt, mặc áo smoking trắng, bước ra cửa.
- Đại tá! Gọi chiếc xe đua!
Morozov vẫy gọi một chiếc taxi và giúp ông khách say bước lên.
- Sao anh không cười nhỉ - Ông khách nói - Anh không thấy hai chữ “đại tá” của tôi dí dỏm sao?
- Rất dí dỏm. Và “xe đua” có lẽ còn dí dỏm hơn.
Morozov quay lại với Ravic.
- Tôi nghĩ kỹ rồi. Cậu cứ vào đi. Vào địa vị cậu tôi cũng làm như thế thôi. Xét cho cùng thì trước sau rồi cũng gặp; thế thì sao lại không phải là ngay bây giờ? Cho nó xong đi. Khi không còn trẻ con nữa là người ta bắt đầu già.
- Tôi cũng đã nghĩ kỹ. Tôi đi chỗ khác đây.
Morozov ngắm Ravic một cách thích thú. Lát sau anh nói:
- Cũng được, nửa giờ nữa tôi sẽ gặp cậu.
- Không chắc.
- Vậy thì một giờ nữa.
Hai giờ sau, Ravic ngồi ở tiệm Cloche d’or. Trong tiệm rất vắng. Vài ba cô gái ngồi ở bar hót như khướu. Đây đó có mấy tay bán cái thứ mà họ gọi là “cocaine” đang đợi khách du lịch. Ở phòng trên, vài đôi trai gái đang thưởng thức món xúp hành tây. Trên một chiếc đi-văng ở góc phòng, hai cô đồng tính luyến ái đang thì thầm to nhỏ với nhau, chốc chốc nhấp chút cherry brandy. Một trong hai cô mặc tailleur, cổ đeo cravate, mắt đeo kính một mắt, còn cô kia có bộ ngực phốp pháp và mái tóc đỏ rực, mặc chiếc áo dài láng bóng cổ hở rất rộng.
Mình ngốc hết chỗ nói - Ravic nghĩ - Sao mình không đến Scheherazade nhỉ? Mình sợ cái gì? Tại sao phải tránh? Tình yêu của mình đã lớn lên, mình biết như thế. Ba tháng vừa qua đã không phá hủy được nó, mà chỉ làm cho nó thêm bền chắc. Tại sao lại phải tự huyễn hoặc? Đó là tình cảm duy nhất vẫn còn lại trong lòng mình trong suốt thời gian bôn ba qua các biên giới, trong những ngày chờ đợi ở những căn buồng kín, trong cảnh cô đơn da diết của những đêm thù nghịch không chút ánh sao. Nỗi chia ly đã làm cho tình cảm ấy mạnh lên hơn tất cả các tác dụng khác của nó, và bây giờ...
Một tiếng kêu khẽ lôi Ravic ra khỏi những mộng tưởng của anh. Có mấy người đàn bà vừa vào, mà anh không biết. Một người trong bọn họ, một người đàn bà da đen không đậm lắm, rõ ràng là đang say, cái mũ giắt hoa lật ra sau gáy, ném rõ xa một con dao ăn, và thong thả bước xuống cầu thang, mồm văng ra một tràng câu chửi bới hướng về hai cô đồng tính luyến ái. Không ai ngăn bà ta lại. Một người hầu toan bước lên cầu thang, nhưng một người đàn bà khác đã đứng chặn lối anh ta, nói:
- Không có chuyện gì đâu, không có gì đâu.
Người hầu nhún vai rồi quay trở lại.
Ravic thấy người đàn bà tóc đỏ đứng dậy, trong khi người vừa chận anh hầu bàn bước nhanh ra bar. Bà tóc đỏ đứng yên, một tay áp lên bộ ngực nở nang. Bà ta thận trọng tách hai ngón tay đang áp vào ngực ra và nhìn xuống. Giữa hai ngón tay ấy có thể nhìn thấy lớp áo rách một đường dài, để lộ một vết đứt hở toác ra. Không trông thấy da; giữa tấm áo màu xanh lá cây láng bóng chỉ thấy chỗ bị đứt đỏ lòm. Bà tóc đỏ nhìn vết thương của mình một cách ngờ vực.
Ravic bất giác đứng dậy. Nhưng anh lập tức trấn tĩnh và ngồi xuống. Bị trục xuất một lần cũng đủ lắm rồi. Anh thấy cô gái mặc tailleur kéo bà tóc đỏ ngồi vào đi-văng, trong khi bà kia rời bar bước tới với một ly cognac. Cô mặc tailleur dùng một bàn tay bịt miệng bà tóc đỏ, còn tay kia cố gỡ mấy ngón tay của bà ta đang co quắp trên vết thương. Người đàn bà thứ hai lập tức đổ cognac vào chỗ đứt. Một cách tẩy trùng nguyên thủy, Ravic nghĩ thầm. Bà tóc đỏ rên rỉ và bắt đầu giẫy giụa, nhưng cô kia giữ chặt cứng. Hai người đàn bà khác đúng che cảnh này lại để những người ở trong phòng khỏi trông thấy. Những việc này diễn ra rất nhanh và không làm mấy ai chú ý. Một phút sau, một nhóm người gồm những đôi đồng tính luyến ái, nam có nữ có, bước vào tiệm, như thể có một thông điệp thần kỳ nào báo cho họ đến. Họ vây quanh cái bàn ở góc phòng. Hai người trong bọn họ đỡ cho bà tóc đỏ đứng lên, trong khi những người khác cười cười nói nói luôn mồm, đứng thành một bức bình phong dày đặc. Họ kéo ra khỏi tiệm ăn, như thể vừa rồi không có chuyện gì xảy ra. May ra chỉ có vài khách hàng loáng thoáng nhận thấy rằng vừa rồi đã xảy ra một tai nạn.
- Tổ chức giỏi thật, có phải không ạ? - Có ai đứng sau lưng Ravic nhận xét. Đó là anh hầu bàn.
Ravic gật đầu rồi hỏi:
- Chuyện gì thế?
- Chắc lại là một trận đánh ghen. Dân đồng tính ấy họ nóng máu lắm.
- Làm sao họ đến nhanh thế được? Cứ như có ai điện cho họ đến ấy.
- Thưa ông họ cảm biết được ngay. - Anh hầu bàn đáp.
- Hình như một cô nào đó trong nhóm kia có gọi điện. Nhưng họ làm nhanh quá không ai nhận thấy.
- Thưa ông họ cảm nhận được đấy. Họ gắn bó với nhau như ma với quỷ vậy. Họ không bao giờ phản nhau. Không được để công an xen vào - họ chỉ cần có thế. Họ dàn xếp lấy với nhau cả.
Anh hầu bàn lấy cái ly của Ravic đi và hỏi.
- Ông uống thêm nhé? Vừa rồi ông uống gì ạ?
- Calvados.
- Thưa ông, thêm một calvados ạ?
Anh hầu bàn lui ra. Ravic ngước mắt lên thì thấy Jeanne ngồi cách anh mấy cái bàn. Cô vào trong khi anh đang nói chuyện, với người hầu bàn. Anh. không trông thấy Jeanne vào. Cô ngồi với hai người đàn ông. Cô chợt nhìn thấy Ravic. Cô tái mặt đi dưới lớp da rám nắng. Cô vẫn ngồi im một lúc, không cử động. Rồi cô ẩy mạnh bàn ra, đứng dậy va đi thẳng về phía Ravic. Trong khi bước đi, gương mặt cô dường như điềm tĩnh hơn và lấy lại vẻ dịu dàng: Chỉ có đôi mắt là vẫn bất động và trong suốt như pha lê. Ravic thấy đôi mắt ấy rực sáng hơn bao giờ hết. Hình như nó phát ra một ánh lửa căm giận dữ dội.
- Anh đã về đấy à? - Jeanne nói khẽ, giọng như nghẹn lại.
Cô đến đúng sát bên Ravic. Có một lúc tưởng chừng như có sắp ôm chầm lấy anh. Nhưng không. Thậm chí cô cũng không bắt tay anh nữa. Cô chỉ nhắc lại:
- Anh đã về?
Ravic không đáp.
- Anh về từ bao giờ thế? - Jeanne hỏi, giọng vẫn rất khẽ.
- Hai tuần nay.
- Hai tuần... thế mà em vẫn chưa... thế mà anh cũng chẳng...
- Không có ai biết em ở đâu cả. Ở khách sạn của em hay ở Schéhérazade đều không có người nào biết.
- Ở tiệm Schéhérazade... nhưng em...
Cô bỏ lửng câu nói.
- Tại sao anh không viết thư?
- Anh không thể viết được.
- Anh nói dối.
- Thế thì anh không muốn viết vậy. Anh cũng không biết là anh có trở lại không nữa.
- Anh lại nói dối. Đó không phải là một lý do.
- Đó là một lý do. Anh có thể trở lại, mà cũng có thể không. Em không hiểu sao?
- Không. Điều mà em hiểu được là anh về đã được hai tuần rồi mà chẳng thèm...
- Jeanne, - Ravic ngắt lời, giọng điềm tĩnh - em có được đôi vai màu đồng đỏ kia không phải ở Paris đâu.
Người hầu bàn đi qua chỗ hai người đang ngồi với dáng điệu của một thám tử. Anh ta đang còn giữ một ấn tượng quá sốt dẻo về cái cảnh vừa diễn ra ban nãy. Như thể vô tình, anh ta lấy một cái đĩa đi, và như tiện thể lấy luôn cả hai cái nĩa và hai con dao ăn đặt trên tấm khăn trải bàn ca rô trắng xen đỏ. Ravic nhận thấy điều đó.
- Ổn cả thôi. - Anh nói.
- Cái gì ổn? - Jeanne hỏi.
- Chẳng có gì. Ban nãy ở đây vừa có chuyện xảy ra.
Jeanne nhìn anh trừng trừng.
- Anh đang đợi một người đàn bà phải không?
- Trời ơi, không! Có mấy người khách cãi nhau. Một người bị thương. Lần này anh không can thiệp.
- Can thiệp ư?
Ravic thấy cô chợt hiểu ra. Sắc mặt cô thay đổi hẳn.
- Anh làm gì ở đây? Họ lại bắt anh nữa thôi. Em có đi hỏi. Lần này thì phải sáu tháng tù. Anh phải đi đi! Em không biết anh đang ở Paris. Em tưởng anh không về nữa.
Ravic không đáp. Jeanne nhấn mạnh:
- Em tưởng anh sẽ không bao giờ về nữa.
Ravic nhìn cô:
- Jeanne...
- Không, không! Không đúng! Chẳng có cái gì đúng cả! Chẳng có gì!
- Jeanne, - Ravic nói, giọng mệt mỏi - em trở về bàn thì hơn.
Mắt Jeanne rưng rưng.
- Em trở về bàn đi. - Ravic nhắc lại.
- Tại anh hết - Cô ném ra - Chính anh gây ra tất cả.
Cô vụt quay lưng lại và bỏ đi. Ravic ngồi xuống. Anh thẫn thờ nhìn ly calvados, rồi đưa lên như định uống. Nhưng anh không nhấp môi. Trong khi còn nói chuyện với Jeanne, anh vẫn bình tĩnh. Bây giờ anh thấy nỗi bứt rứt đang tràn dần vào anh. Lạ thật, sao các cơ ngực lại có thể rung lên như vậy dưới làn da! Tại sao chỉ riêng các cơ ấy mà thôi? Anh cầm ly lên và nhìn kỹ bàn tay mình. Bàn tay không hề run. Anh uống cạn nửa cốc. Trong khi uống, anh cảm thấy mắt Jeanne đăm đăm nhìn anh. Anh không nhìn lại. Một người hầu bàn đi ngang.
- Cho bao thuốc lá - Anh gọi - Caporal ấy.
Anh châm một điếu và uống nốt ly rượu. Jeanne vẫn quan sát anh. Cô ta dự kiến gì thế nhỉ? - Anh tự hỏi. Cô ta nghĩ anh sẽ uống kỳ say trước mặt cô ta chăng? Anh gọi người hầu bàn ra tính tiền. Khi anh đứng dậy, Jeanne bắt đầu nói gì rất hăng với một trong hai người cùng đi. Cô không ngước mắt lên khi anh đi ngang. Một nụ cười ngưng đọng trên gương mặt đã đanh lại, không còn thần sắc.
Ravic đi lang thang trên các đường phố đến lúc tự dưng thấy mình đứng trước nhà hàng Scheherazade. Gương mặt Morozov rạng rỡ lên.
- Hoan hô, cừ lắm con ạ! Bố bắt đầu tưởng là con lạc đâu mất rồi. Người ta bao giờ cũng vui mừng khi thấy những điều mình tiên đoán trở thành sự thực.
- Chớ vội mừng.
- Cậu cũng thế, vì cậu đến muộn rồi.
- Tôi biết. Tôi đã gặp cô ấy rồi.
- Cậu nói sao?
- Ở tiệm Cloche d’or.
- Thế thì ghê thật! - Morozov thốt lên - Cuộc đời bao giờ cũng có sẵn một trò gì mới để làm cho mình lác mắt.
- Đến mấy giờ anh mới rỗi hả Boris?
- Vài phút nữa thôi. Khách chẳng còn gì. Tôi phải đi thay áo quần đã. Cậu vào đi, uống một ly vodka chùa đi.
- Thôi cám ơn. Tôi đợi ở đây thôi.
Morozov quan sát anh.
- Cậu thấy khó ở sao?
- Tôi đang buồn nôn.
- Cậu gặp chuyện bất ngờ sao?
- Phải. Bao giờ người ta cũng chờ một cái gì khác. Thôi, đi thay đồ đi.
Ravic tựa vào tường. Bên cạnh anh bà già bán hoa đang xếp lại mấy cành hồng. Bà ta không mời anh mua. Thật là ngu ngốc, nhưng sao anh cứ muốn bà mời kia. Cứ như thể bà ta biết là mình không cần đến. Anh nhìn hai dãy nhà. Vài ba khung cửa sổ hãy còn có ánh đèn. Mấy chiếc xe taxi đi qua chầm chậm. Anh chờ đợi cái gì thế nhỉ? Anh cũng không biết nữa. Anh không ngờ Jeanne chủ động đến gặp anh. Mà sao lại không cơ chứ? Người tấn công bao giờ cũng là người có lẽ phải mà!
Anh thấy mấy người hầu bàn lục tục ra về. Suốt buổi tối, họ là những người dân Caucase và Cherkeas mặc áo đỏ đi ủng da ống rất cao. Bây giờ họ chỉ còn là những người thường dân mệt mỏi. Họ trở về nhà trong những bộ áo quần khiến cho họ có một dáng dấp kỳ dị. Morozov ra sau cùng.
- Bây giờ ta đi đâu? - Anh hỏi.
- Đi đâu cũng được, hôm nay tôi đi khắp rồi.
- Thế thì vô khách sạn làm một ván cờ.
- Sao?
- Đánh cờ. Cậu cũng biết đây: cái trò chơi dùng quân bằng gỗ ấy, nó làm cho ta người ta suy nghĩ mà đồng thời lại làm cho người ta khuây khỏa.
- Được, - Ravic nói - có sao đâu?
Ravic thức giấc, và ngay lập tức anh biết rằng Jeanne đang ở trong phòng. Trời còn tối, anh không trông thấy Jeanne, nhưng vẫn biết là cô đang ở đây. Căn phòng khác hẳn đi, cái cửa sổ cũng khác hẳn, không khí không còn như cũ và bản thân anh khác.
- Thôi những trò ngốc nghếch ấy đi - Anh nói - Bật đèn lên và đến đây.
Jeanne không động đậy. Anh không nghe thấy cô thở nữa.
- Jeanne, dù sao chúng ta cũng không nên chơi trò ú tim.
- Em không chơi trò ú tim.
- Thế thì lại đây.
- Anh có biết là em sẽ đến đây không?
- Không.
- Nhưng cửa anh để ngỏ đấy thôi.
- Cửa anh hầu như lúc nào cũng để ngỏ.
Jeanne im lặng một lát rồi mới nói:
- Em tưởng anh chưa về. Em chỉ muốn... em đoán là anh ra ngoài uống cái gì...
- Anh cũng định thế đấy. Nhưng rồi lại đi đánh cờ.
- Hả?
- Đánh cờ. Với Morozov, ở dưới kia, cái phòng giống như cái bể cá đã khô hết nước ấy.
- Đánh cờ. - Jeanne ra khỏi góc phòng - Khi mà người ta đã có thể đánh cờ được trong lúc...
- Anh cũng không ngờ là có thể đánh được. Nhưng lại đâm hay. Rất hay nữa là khác. Anh đã thắng được một ván.
- Anh là con người vô tình đến mức khả ố nhất.
- Jeanne, - Ravic nói - đừng to tiếng, anh van em. Anh vốn tán thành những cuộc cãi nhau ra trò nhưng hôm nay thì không.
- Em không to tiếng. Chẳng qua em quá khổ sở.
- Nếu vậy đừng nghĩ tới nữa là hơn. Chỉ nên cãi nhau khi nào khổ vừa vừa thôi, khổ ở mức trung bình ấy. Anh có biết một người khi vợ chết đã đóng cửa ngồi trong buồng nghiên cứu những thế cờ hay cho đến khi đám tang đã cử hành được một hôm mới thôi. Dư luận đã chê bai anh ta nhiều, thế nhưng anh biết rằng anh ta yêu vợ hơn mọi sự trên đời. Nhưng anh ta không thể làm khác được. Đêm ngày anh ta vùi đầu vào các thế cờ để đừng nghĩ đến cái gì khác nữa.
Bây giờ Jeanne đã đứng ở chính giữa phòng.
- Anh đánh cờ là vì thế đấy ư?
- Không. Đó là chuyện một người khác. Lúc em đến anh đang ngủ.
- Phải, anh đang ngủ. Anh có thể ngủ được cơ chứ!
Ravic nhỏm dậy.
- Anh còn biết một người nữa cũng vừa mất vợ, Jeanne ạ. Anh ta đã chui vào giường ngủ hai ngày liền. Bà mẹ vợ lúc điên lên. Bà ta không hiểu rằng người ta có thể chết dở sống dở vì đau buồn mà vẫn làm những chuyện kỳ cục chẳng ăn nhập gì với tình cảnh. Đối với những người bất hạnh, người ta cứ dán cho họ những cái nhãn rất lạ. Ví thử em trông thấy anh say mèm ra, thì em sẽ thấy là mọi sự đều vào quy củ. Nhưng vì anh đánh cờ và ngủ, cho nên anh là một kẻ vô tình trơ tráo. Đơn giản nhỉ?
Một vật gì vỡ đánh choang một tiếng. Jeanne đã cầm lấy một cái bình ném xuống sàn nhà.
- Rất hay - Ravic nói - Cái bình này lâu nay trông rất chướng mắt, anh rất ghét nó. Nhưng bây giờ em coi chừng kẻo đứt chân đứt tay đấy.
Jeanne lấy chân lùa mấy mảnh bình vỡ, rồi nói:
- Ravic, tại sao anh lại làm như thế?
- Phải - Anh đáp - Tại sao? Tại anh cần lấy lại can đảm, Jeanne ạ. Thế em không thấy hay sao?
Jeanne đưa mắt rất nhanh về phía anh.
- Có vẻ như thế. Nhưng với anh thì không bao giờ biết được là nên hiểu như thế nào.
Cô thận trọng bước qua mấy cái mảnh bình vỡ ra ngồi lên giường. Bây giờ, trong ánh sáng yếu ớt của bình minh, Ravic bắt đầu nhìn rõ mặt cô. Không hề có dấu vết gì của sự mệt mỏi. Một khuôn mặt trẻ, sắc nét, đầy sức sống. Cô mặc một cái áo măng-tô màu nhạt mà anh chưa lần nào trông thấy, và một chiếc áo dài khác với chiếc mặc ở tiệm Cloche d’Or.
- Em tưởng anh sẽ không bao giờ trở lại nữa, Ravic ạ.
- Anh đã phải mất rất nhiều thì giờ mới vượt biên giới được. Không có cách gì về sớm hơn.
- Tại sao anh không viết thư cho em?
- Viết thì cũng có thay đổi được gì đâu?
Jeanne nhìn ra chỗ khác.
- Thế thì thà...
- Thà anh đừng trở về còn hơn. Nhưng anh không có một thành phố nào hay một nước nào có thể nương náu được nữa. Nước Thụy Sĩ quá nhỏ, còn các nước khác thì đâu đâu cũng có bọn phát-xít.
- Nhưng ở đây... công an...
- Đối với công an thì bây giờ phát hiện ra anh cũng chẳng dễ hơn trước. Vừa rồi chẳng qua là một chuyện rủi ro, thế thôi. Không nên lo sợ vô ích.
Ravic lấy bao thuốc lá để trên bàn ngủ. Đó là một cái bàn khá tiện lợi, không quá hẹp, trên có thể để thuốc lá, sách báo và mấy thứ linh tinh. Ravic rất ghét những cái bàn ngủ giả cẩm thạch mà người ta thường thấy trong các phòng khách sạn.
- Cho anh điếu thuốc.. - Jeanne nói.
- Em có muốn uống gì không? - Anh hỏi.
- Có. Nhưng anh cứ để em đi lấy.
Cô đi lấy chai rượu rót đầy hai cốc. Cô đưa cho anh một cốc, rồi uống cạn cốc kia. Trong khi cô uống, cái áo khoác của cô tuột khỏi đôi vai. Trong căn phòng đang sáng dần, Ravic nhận ra cái áo dài. Đó là cái áo mà anh đã tặng Jeanne để nàng mặc trong chuyến đi chơi ở Antibes. Sao cô lại mặc chiếc áo này? Đó là chiếc áo duy nhất anh đã tặng Jeanne. Anh chưa bao giờ nghĩ đến những chuyện như thế này. Thậm chí anh chưa bao giờ muốn nghĩ đến.
- Ravic ạ, khi em trông thấy anh, bỗng dưng em không thể nào suy nghĩ gì được nữa. Và khi anh đi rồi, em đã tưởng là không bao giờ còn gặp lại anh. Em không nghĩ như thế ngay lúc ấy. Em đã chờ anh quay lại Cloche d’Or. Em cảm thấy anh thế nào cũng phải quay lại. Tại sao anh không quay lại?
- Anh quay lại để làm gì?
- Anh mà quay lại thì em đã đi với anh rồi.
Ravic biết là không phải thế. Nhưng hiện giờ anh thấy đừng nghĩ đến chuyện này là hơn. Anh bỗng dưng cảm thấy mình không muốn nghĩ gì hết. Jeanne đang ngồi cạnh anh, thế là đủ rồi. Trước đây anh không tin rằng như thế đã đủ. Anh không biết tại sao Jeanne đến đây, cũng không biết cô thực sự muốn gì, nhưng kỳ lạ và đáng lo ngại thay, chỉ cần có Jeanne ở đây là đủ rồi. Vậy đó là cái gì? - Anh tự hỏi. Mình đã đến nông nỗi này rồi sao? Cái đó đã không còn kiểm soát được nữa rồi sao?
Mình đã làm một cái tình trạng là tình cảm trở thành bóng tối, thành sức ép của máu, thành sự cưỡng chế của trí tưởng tượng, thành một mối đe dọa sao?
- Em đã nghĩ là anh muốn bỏ em - Jeanne nói - Anh có muốn như thế thật. Anh nói thật đi.
Ravic vẫn im lặng. Jeanne nhìn anh.
- Em biết mà! Em biết mà! - Cô nhắc đi nhắc lại với một giọng xác tín sâu xa.
- Cho anh xin cốc calvados nữa đi.
- Calvados đây à?
- Đúng. Vậy ra em không nhận được sao?
- Không.
Jeanne rót rượu. Cầm cái chai dốc nghiêng xuống, cánh tay cô tựa vào ngực Ravic. Anh thấy cái cảm giác tiếp xúc thấm qua xương cốt. Cô cầm cốc mình lên uống.
- Đúng calvados rồi.
Nhìn sang anh, Jeanne nói:
- Em đến là phải. Em biết mà. Em đến là rất phải!
Bên ngoài, ánh sáng tỏ dần. Các cánh cửa sổ lay động, kêu răng rắc. Gió sớm mai đang nổi lên.
- Em đến như thế này có phải không?
- Anh không biết, Jeanne ạ.
Cô nghiêng người xuống phía anh.
- Anh biết đấy. Anh phải biết.
Mặt Jeanne gần mặt anh đến nỗi tóc cô chụm vào vai anh. Anh nhìn mái tóc. Đó là một phong cảnh vừa quen thuộc vừa xa lạ, lúc nào cũng vẫn thế, mà lúc nào cũng khác. Anh nhận thấy da trán cô hơi bong ra, lớp sáp hơi khô lại trên môi trên. Hóa trang của cô không được hoàn hảo. Anh trông thấy tất cả những cái đó trên gương mặt đang gần sát mặt anh đến nỗi trong giây lát này nó cho hết tất cả thế giới còn lại. Anh trông thấy những cái đó, và hiểu ra rằng chỉ có trí tưởng tượng của mình gán cho nó một cái gì huyền bí. Anh biết rằng trên đời có những gương mặt đẹp hơn, thuần khiết hơn... Nhưng anh cũng biết rằng gương mặt này có một quyền lực đặc biệt đối với anh, một quyền lực mà không một gương mặt nào khác có được. Một quyền lực mà chính anh đã trao cho nó.
- Phải - Anh nói - Em đến là phải. Cách này hay cách khác...
- Em sẽ không chịu nổi đâu. Ravic ạ.
- Chịu nổi cái gì kia?
- Nỗi xa cách. Nếu anh đi mãi mãi.
- Lúc nãy em nói là em tưởng sẽ không bao giờ còn gặp anh kia mà?
- Không như nhau đâu. Giá anh sống ở một nước khác, thì sẽ khác. Chúng ta chỉ xa nhau thôi. Một ngày nào đấy em có thể tìm lại anh. Hay ít nhất em cũng còn bấu víu được vào niềm hy vọng đó. Nhưng ở đây, trong cùng một thành phố... anh không hiểu sao?
- Có. Anh hiểu.
Cô ngồi thẳng dậy vuốt lại mái tóc.
- Anh không được bỏ em. Em là trách nhiệm của anh.
- Em đang ở một mình à?
- Em là trách nhiệm của anh.
Cô mỉm cười.
Trong khoảng một giây, Ravic cảm thấy mình căm ghét Jeanne, vì cái nụ cười ấy, và vì điều cô vừa nói ra.
- Đừng nói bậy, Jeanne.
- Em không nói bậy. Thật thế đấy. Ngay từ ngày đầu. Không có anh...
- Tuyệt. Anh cũng chịu trách nhiệm cả về việc quân Đức chiếm đóng Tiệp Khắc nữa. Và bây giờ thì đủ rồi. Sáng rồi. Em sắp phải đi.
- Vậy ra anh không muốn em ở lại đây?
- Không.
- Thế thì, - Cô nói, giọng âm âm chứa chất căm uất - anh không còn yêu em nữa.
- Trời ơi! - Ravic kêu lên - Lại còn thế nữa kia ư? Nhưng mấy tháng gần đây em đi với những thằng ngốc nào thế?
- Đó không phải là những thằng ngốc. Em còn biết làm thế nào nữa? Ngồi ngắm mấy bức tường ở khách sạn Milan cho đến khi phát điên hay sao?
Ravic ngồi dậy.
- Em miễn cho anh khỏi nghe những lời xưng tội! Anh không cần đàn. Chẳng qua anh muốn cho cuộc nói chuyện đỡ thấp hèn.
Jeanne quan sát anh. Miệng và mắt cô không biểu hiện một sắc thái gì.
- Tại sao anh lúc nào cũng phê phán em? Những người khác họ có phê phán em đâu. Với anh, bất cứ điều gì dù nhỏ nhặt đến đâu cũng lập tức trở thành những vấn đề.
- Biết làm thế nào được? - Ravic nói đoạn nốc một hơi rất nhanh và lại buông mình xuống đệm.
- Thật đấy! - Cô nhấn thêm - Không bao giờ có thể biết nên hiểu anh như thế nào. Lúc nào anh cũng làm cho em nói những điều em không muốn nói. Rồi sau đó là anh công kích em.
Ravic thở rõ sâu. Một ý nghĩ kỳ quặc vừa hiện lên trong trí anh. Sự tối tăm của tình yêu, mãnh lực và tưởng tượng... sao những cái đó có thể thay đổi nhanh chóng đến thế! Và chính họ tự làm nên những sự thay đổi đó, không lúc nào ngừng, không biết chán. Họ là những kẻ chuyên phá hoại những ước mơ. Nhưng có phải lỗi của họ đâu? Có thật là tại họ không? Những tạo vật kiều diễm đến như vậy, mà cứ bị cô lập và đẩy về phía trước mặc dầu họ không muốn thế... một khối nam châm khổng lồ ở đâu trong chiều sâu của trái đất, và ở phía trên là cái đám sinh linh tưởng mình có một ý chí và một vận mệnh riêng của mình... có phải lỗi của họ đâu? Và bản thân anh, anh chẳng giống như họ là gì? Chẳng phải anh vẫn hoài công bấu víu vào một thứ thận trọng bề ngoài, vào một lối nhạo báng ngu xuẩn, trong khi vẫn biết rõ mười mươi những gì sẽ xảy ra đó sao?
Jeanne ngồi xếp chân, ở chân giường. Trông cô vừa giống một mụ đàn bà đanh ác lắm lời, vừa giống một cái gì vừa giáng trần trong một tia ánh sáng trăng.
Bình minh đã nhuộm những sắc hồng đầu tiên của ban mai đang chiếu vào họ. Ngày mới đang tung ra khắp nơi làm hơi mát mẻ của nó, qua những khoảng sân dơ dáy, trên những mái nhà ám khói, qua khung cửa sổ mở rộng, làn hơi còn vương hương rừng núi và đồng bằng.
- Jeanne, - Ravic hỏi - vì sao em đến đây?
- Tại sao anh hỏi thế?
- Tại sao anh hỏi ư?
- Phải, tại sao lúc nào anh cũng hỏi? Em đã ở đây, như thế chưa đủ sao?
- Đúng, em mới phải, Jeanne ạ. Như thế đủ rồi.
Jeanne ngẩng đầu lên.
- Thật là may! Nhưng tại sao lúc đầu anh cứ phải phá hỏng niềm vui đi mới được?
Niềm vui, - Ravic nghĩ - cô ấy gọi nó là niềm vui! Tự cảm thấy mình như bị vô số những guồng chong chóng xô đẩy vào luồng nước xoáy của sự khao khát muốn có nhau trở lại... đó là niềm vui sao? Ở bên ngoài quả có một thời khắc của niềm vui: những giọt sương mai đọng trên cửa sổ, mươi cái phút tĩnh mịch trước khi ngày sinh hoạt giương móng vuốt ra. Thế nhưng nàng chẳng có lý sao? Nàng cũng có lý như sương mai, như chim chóc, như làn gió, như dòng máu đỏ. Tại sao anh lại cứ phải hỏi? Anh còn muốn biết cái gì? Nàng đang ở đây. Nàng đã đến đây như một con bướm đêm, thế mà anh lại ngồi đếm số đường gân trên đôi cánh nó, băn khoăn vì những màu sắc có chỗ pha lẫn và phai bạc trên đôi cánh ấy. Tại sao lại phải vờ vịt? Tại sao lại phải chơi trò ú tim? Cô ấy đến, thế là mình bỗng dưng cảm thấy mình được thể, một cách thật ngu xuẩn, chỉ vì chính cô ấy đến trước. Còn nếu cô ấy không đến, thì mình sẽ nằm rũ ra đây, buồn rười rượi, cố gắng một cách anh dũng để tự lừa đối mình, đồng thời ngấm ngầm mong ước cô ấy đến.
Ravic tung chăn ra, bỏ chân xuống đất và xỏ đôi giày vải.
- Anh định làm gì? - Jeanne ngạc nhiên hỏi - Anh đây đuổi em đi đấy à?
- Không, anh dậy hôn em. Lẽ ra anh phải làm thế ngay từ đầu! Anh là một súc sinh, Jeanne ạ. Anh toàn nói bậy. Em đến thật là tuyệt diệu!
Một ánh chớp lóe lên trong đôi mắt to.
- Anh không nhất thiết phải dậy mới hôn em được đâu.
Các nóc nhà nổi bật lên trên màu hoàng kim đỏ rực của buổi sáng. Ở phía trên, nền trời ngả sang những sắc thật xanh nhạt. Vài áng mây trôi qua như những con hồng hạc ngủ quên.
- Jeanne, em nhìn xem. Ngày đẹp quá! Em có nhớ dạo nọ trời cứ mưa suốt không?
- Có anh ạ. Lúc nào cũng mưa. Trời xám ngoét và đổ mưa xuống hoài.
- Khi anh ra đi trời cũng mưa. Em thì khổ sở tuyệt vọng. Còn bây giờ...
- Vâng - Jeanne nói - Còn bây giờ thì...
Nàng nằm sát vào người anh.
- Bây giờ chúng ta có tất cả. - Anh nói - Có hết! Lại có cả vườn nữa: những khóm cẩm chướng trên bàn cửa sổ phòng Wiesenhoff. Và dưới kia, trong các cành dẻ, lại có cả chim.
Anh thấy Jeanne khóc.
- Tại sao anh không hỏi gì em? - Nàng nói.
- Anh đã hỏi quá nhiều rồi. Chính em cũng đã trách anh, còn gì?
- Lúc ấy khác.
- Chẳng có gì để hỏi cả.
- Những việc đã xảy ra từ khi ấy...
- Không có việc gì xảy ra cả.
Jeanne lắc đầu.
- Trời ơi! Em tưởng anh là thứ người gì hả Jeanne? Kìa, em nhìn ra ngoài mà xem. Nó đỏ rực, vàng chói và xanh biếc. Thử hỏi các thứ đó xem hôm qua có mưa không. Xem có chiến tranh ở Trung Hoa hay ở Tây Ban Nha không. Xem có một ngàn người chết hay có một ngàn trẻ em ra đời trong phút này. Tất cả những cảnh em đang trông thấy ngoài kia đều có thật, và chỉ có nó là đáng kể. Thế mà em lại muốn anh hỏi em? Mắt em như biển của người Hy Lạp, màu hoa violettes và màu rượu nho, thế mà anh lại đi hỏi vặn em về những việc đã chấm dứt sao? Em đã về với anh, thế mà anh lại điên dại đến nỗi muốn bới tìm gì trong đống lá vàng của dĩ vãng hay sao? Em tưởng anh là thứ người gì vậy?
Jeanne đã thôi khốc.
- Đã lâu lắm em không được nghe những lời lẽ như vậy.
- Sở dĩ như vậy là vì mấy tháng qua em ở giữa một lũ ngốc. Đối với đàn bà, chỉ có thể yêu họ say đắm hay ruồng bỏ họ. Không có rung động.
Jeanne níu chặt lấy anh như quyết không bao giờ để cho anh đi nữa. Nàng ngủ say sưa, và Ravic cảm thấy hơi thở ấm áp của nàng phả vào ngực. Anh thức thêm một lát nữa. Những tiếng ồn của buổi sáng bắt đầu dội khắp khách sạn. Tiếng nước vỗ lép bép, tiếng mở cửa đóng cửa, và ở phía dưới, ông già Goldberg vẫn như mọi buổi sáng đứng ho sù sụ trước khung cửa sổ mở rộng. Anh cảm thấy vai của Jeanne áp vào cánh tay anh, làn da ấm và nghe như nằng nặng trong giấc ngủ. Hơi nghiêng đầu sang một chút, anh thấy gương mặt nàng đã trở lại bình thản, thư thái, một gương mặt trong sáng như chính sự ngây thơ vô tội. Yêu say đắm hay ruồng bỏ chỉ là những ngôn từ. Ai có thể làm thế được? Và ai muốn làm thế?
Khải Hoàn Môn Khải Hoàn Môn - Erich Maria Remarque Khải Hoàn Môn