Số lần đọc/download: 2187 / 23
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:55 +0700
Chương 20 -
N
ửa tháng sau khi Tiên Sa chết Hoài mới được phép nghỉ ba ngày. Anh qua Mỹ Tho vào tận Giang Đoàn 21 Xung Phong để kiếm Thường. Nhưng anh lại biết thêm tin buồn. Thường đã chết trong cuộc hành quân vừa qua. Sau khi di tản dân chúng về Mỹ Tho tàu của Thường trở lại vùng hành quân và bị trúng mìn. Thường và thủy thủ đoàn chết với tàu của họ. Hoài vào bộ tư lệnh sư đoàn 7 để dò hỏi về những người dân ở tỉnh Bến Tre được tản cư về đây. Họ nói là anh phải liên lạc với nhân viên của ty xã hội của tỉnh. Hoài tới ty xã hội tỉnh Mỹ Tho. Họ cho Hoài biết là những người mà anh tìm không có tên trong danh sách. Ba ngày không ăn không ngủ Hoài cũng không biết tin tức của gia đình Tiên Sa. Trở về đơn vị anh tựa như cây khô rủ héo vì không có nước, thiếu ánh sáng mặt trời.
Hoài ngồi bó gối cúi mặt nhìn dòng nước đục ngầu. Hôm nay đúng là ngày giỗ đầu của Tiên Sa. Người lính chiến si tình và chung thủy tới chỗ ngồi quen thuộc âm thầm thắp nén hương lòng tưởng nhớ người yêu. Một năm. Cái chết của Tiên Sa biến Hoài thành một người khác. Yêu là đoạn trường. Vẫn là một vị đại đội trưởng tận tụy với nhiệm vụ, yêu thương lính của mình, đánh giặc lì hơn ngày xưa, vẫn vui cười với mọi người, nhưng trong lòng Hoài là khổ đau không thể nói thành lời. Thứ khổ đau câm lặng. như chấp nhận số phận tàn nhẫn dành cho mình. Cái đau khổ của Hoài được biểu lộ bằng những cơn say cháy chín gan người, thuốc Bastos xanh khói vàng tay. Uống cho say. Uống để đi vào cõi trời mênh mông nào đó có Tiên Sa cười âu yếm nhìn anh với tia nhìn ngời sáng đam mê. Uống để cảm thấy môi Tiên Sa mềm, nụ hôn Tiên Sa thoảng mùi hương mù u diễm tuyệt. Người lính chiến chung thủy với tình yêu. với người yêu. sống không có bóng dáng của đàn bà trong đời sống lắm gian truân và nhiều nguy hiểm. Chỉ là hình bóng. kỷ niệm. nỗi khổ đau lặng câm như acid sulfuric ăn dần mòn thân xác và tâm hồn của mình.
- Ông thầy...
- Có chuyện gì vậy Tư?
- Dạ... Tiểu đoàn mời ông thầy về họp...
Tư thở dài khi thấy mắt người đại đội trưởng của mình long lanh lệ. Nó thương ông thầy như thương người anh của mình. Nó biết ông thầy khổ. buồn và vẫn còn thương nhớ cô Tiên Sa. Chỉ thương vậy thôi vì với tâm hồn chất phát và thật thà nó không có nói lời an ủi gì hết ngoại trừ lo cơm nước quần áo thuốc men. Hoài bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng cách mỗi khi Tư đi phép cho nó tiền đem về vợ con. Đó là lòng ưu ái thiết thực của Hoài dành cho các người lính nghèo của mình. Ai đi phép cũng phải gặp đại đội trưởng để nhận tiền thưởng. Không nhận tiền thưởng là không được đi phép. Không có Tiên Sa, Hoài cần gì tiền. Không có Tiên Sa Hoài cần gì ăn diện. Diện cho ai?
Hoài bước vào phòng họp của tiểu đoàn. Đại úy Hùng nói nhanh.
- Anh vừa đi họp ở trung đoàn. Tình báo của tỉnh và tin tức của các toán viễn thám cho biết tiểu đoàn K3 đang hoạt động ở đây...
Hùng chỉ vào một khu vực hình bầu dục được khoanh bằng mực đỏ trên bản đồ. Đó là khu vực được bao bọc bởi hai con sông Ba Lai, sông Bến Tre và Kinh Giẹt Sậy. Nó gồm có các làng Lương Hoà, Lương Qưới, Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Phú, Châu Thới, Châu Hoà và Châu Bình thuộc quận Giồng Trôm.
- Trung đoàn sẽ hành quân ngày mai. Lần này tiểu đoàn của mình được giao phó nhiệm vụ chận bít không cho tụi nó chém vè về miệt Ba Tri. Tiểu đoàn sẽ được xe chở xuống Giồng Trôm. Hoài lãnh vùng Châu Bình. Thiều coi vùng Mỹ Nhiên, Mỹ Chánh. Hai đại đội còn lại sẽ chận miệt Bình Hòa và Giồng Trôm. Tiểu đoàn 1 sẽ từ vùng Lương Hòa và Lương Qưới ép vào trong lúc tiểu đoàn 2 từ vùng Phong Nẫm ép xuống. Mục đích của trung đoàn là lùa tiểu đoàn K3 vào vùng cù lao Dung...
Ngừng lại đốt điếu thuốc hít một hơi Hùng cười hỏi:
- Hoài có ý kiến gì không?
Hùng không hỏi ba đại đội trưởng kia mà hỏi Hoài- đàn em thân tín của ông, người đại đội trưởng thâm niên nhất, nhiều kinh nghiệm nhất và thông thạo địa thế của vùng hành quân nhất.
- Anh biết là tụi nó sẽ chém vè về khu vực do tiểu đoàn mình giữ phải không?
Hùng cười ha hả khi bị Hoài nói trúng tim đen của mình.
- Em là dân Bến Tre như anh mà. Bị kẹt bởi con kinh Giẹt Sậy, sông Ba Lai và rạch Xẻo Môn, tụi nó bắt buộc phải rút. Đường rút lui của tụi nó là Châu Bình... Vượt qua Châu Bình là tụi nó thoát. Bởi vậy anh mới chọn Hoài... Em giúp Thiều rải quân vì em thâm niên và biết vùng này rành hơn... Thôi mấy em về chuẩn bị...
Hùng còn rút gói Lucky ra mời bốn đại đội trưởng của mình mỗi người một điếu lấy hên.
Sau khi ra lệnh cho các trung đội trưởng dẫn lính lục xoát. tìm kiếm hầm hố, phá hủy mìn, lựu đạn và hầm chông xong Hoài lững thững đi trên con đường đất dọc theo con rạch nhỏ. Quang cảnh thật tiêu điều và vắng vẻ. Dừa lão cụt ngọn vì đạn pháo binh. Dừa non ngã nằm trên đất vì bom của máy bay. Cỏ hoang mọc đầy lan ra tận con đường đất. Mấy ngôi nhà lá lụp xụp. tối tăm. Còn đâu làng Châu Bình của anh. Còn đâu quê hương êm ả của Hoài và Tiên Sa. Hoài ứa nước mắt khi hai chữ Tiên Sa hiện ra trong trí của mình. Anh nghe được tiếng bước chân của nàng đi trên con đường mòn dẫn về khu rừng mù u, tiếng cười hồn nhiên, giọng nói nhỏng nhẽo của người tình. Hoài ơi... người lính chiến thở dài u uất. Thời gian không làm anh quên mà thời gian làm nhớ thêm. nhớ đòi đoạn, quặn trái tim, nghẹn hơi thở, nhăn vầng trán, hóp đôi má, khàn giọng nói
Hoài ngừng lại nơi con đường dẫn vào nhà Tiên Sa. Mái lá mục nát. xiêu vẹo. Cái sân rộng phẳng phiu dùng để đập dừa. phơi dừa giờ lấm tấm cỏ xanh. Hoài bước đi như mơ, theo sau là Tư, người lính mang máy truyền tin. và tiểu đội chỉ huy. Bước chân lặng lẻ. Cảnh vật như cũ. Chiếc giường nhỏ của Tiên Sa. Màng nhện giăng đầy trên nóc nhà, trên vách ván. Hoài cầm lấy cây đàn dựng nơi góc. Bụi bặm bám đầy. Hoài cầm lấy cái hộp đựng bộ sáo treo nơi cây cột. Mở nắp anh đưa cây sáo lên môi. mường tượng như làn môi êm ấm. mềm của Tiên Sa đang vờn trên môi mình. Hơi thở nàng nồng hương mù u diễm tuyệt. Nụ hôn nàng ngọt hơn đường mía lau, dài hơn một kiếp. Hoài ứa nước mắt. Anh khóc vì được Tiên Sa hôn. Đặt ống sáo vào hộp Hoài cầm lấy cuốn sách nhạc. Hình ảnh Tiên Sa chập chờn lay động, gãy đổ ngã nghiêng theo từng bước chân mộng du của người lính chiến si tình. Từng bước... từng bước... Hoài đi trên con đường mòn dẫn tới khu rừng mù u... Tiếng thở dài hắt hiu. Khu rừng thân yêu của anh. nơi tình tự của Tiên Sa bị gãy đổ, ngã nghiêng, chỉ còn năm ba cây đứng trơ vơ và trụi lá. Hương mù u không còn nữa. Bông mù u không còn nở trắng. Chiến tranh đã tàn phá hết. hủy hoại hết. hủy hoại vật. hủy hoại người. đời người trong đó có Hoài và Tiên Sa.
- Ông thầy...
Hai chữ đó lôi Hoài về đời sống thực. Hai thày trò trở lại nhà của Tiên Sa. Lấy cái hộp đưng ống sáo nhét vào túi quần xong Hoài đưa cây đàn cho Tư giữ.
- Tư mà làm hư cây đàn của cô Tiên Sa là anh rút giấy phép thường niên của em đấy...
Hoài cười nói đùa.
- Ông thầy đừng lo... Em biết ông thầy thương cô Tiên Sa nên em sẽ giữ cây đàn thật kỹ cho ông thầy...
- Thôi mình đi...
Hoài đi. Chỉ có Tiên Sa còn ở lại. Nàng phải ở lại vì đây là nơi nàng sinh ra và an nghỉ.
Cuộc hành quân thành công ngoài sự ước muốn của vị trung đoàn trưởng. Đích thân ông ta xuống tận chỗ Hoài đóng quân để bắt tay người đại đội trưởng có công trạng nhiều nhất trong cuộc hành quân. Tiểu đoàn K3 của Việt cộng đã để lại gần trăm xác khi cố gắng vượt qua chỗ đóng quân của Hoài và Thiều. Chỉ có hai đại đội nhưng biết rõ địa thế, đoán được đường rút lui của địch, Hoài dàn quân phục kích địch ngay trên đường rút lui của chúng. Cuộc chạm súng ngắn ngủi. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ Hoài và những người lính của sư đoàn 7 đốn gục tiểu đoàn K3. Xác chết nằm rải rác trên bờ rạch, trên con đường trước nhà của Tiên Sa và bà ngoại trong đó có xác tên tiểu đoàn trưởng. Hoài không có ý định trả thù cho Tiên Sa. Anh chỉ muốn loại ra khỏi vòng chiến kẻ đã giết chết một người hiền lành và vô tội như Tiên Sa. Điều khiến cho mọi người lạ lùng là lính của Hoài không có người nào chết trừ mười mấy người bị thương mà hai bị thương nặng cần phải chở về Tổng Y Viện Cộng Hòa.
- Ông thầy đánh giặc hay như cô Tiên Sa đánh đàn và thổi sáo...
Lính nói như vậy mặc dù họ chưa bao giờ nghe Tiên Sa đánh đàn hay thổi sáo. Hoài cười vui mà cảm thấy tâm hồn rã mục vì nhớ thương. Hồi còn ngồi trung học nghe ông thầy việt văn giảng truyện Kiều. nói tới cái thuyết tài mệnh tương đố của Nguyễn Du Hoài cười không tin. Bây giờ anh mới thấm thía bốn chữ đó. Cũng như Thúy Kiều Tiên Sa là nạn nhân của " Chữ tài liền với chữ tai một vần ". Đọc thơ Đinh Hùng anh còn nhớ một câu " Bởi tài hoa nên đành đoản mệnh ". Tiên Sa ơi... Trời sinh ra Tiên Sa tài hoa làm chi để giờ này Hoài phải bơ vơ. khóc từng ngày, ôm lấy sầu đau đi trọn đời người.
Cầm lấy tấm giấy phép đặc biệt bảy ngày do trung đoàn cấp Hoài ngần ngừ không biết phải làm gì. Tư nhỏ nhẹ lên tiếng:
- Ông thầy đi phép đi ông thầy... Về thăm gia đình. về Sài Gòn thăm bạn bè... Ông thầy ở đây hoài bịnh lắm ông thầy...
Nghe lời người lính trung thành Hoài xếp ba bộ quần áo trận. một bộ thường phục vào cái túi nhỏ. Dặn dò chuẩn úy Trang. đại đội phó xong Hoài đón xe về Bến Tre. Chiếc xe lôi chạy dọc theo con đường quanh bờ hồ Trúc Bạch khiến cho Hoài rưng rưng nước mắt. Tiên Sa... Tiên Sa đâu rồi mà cây trứng cá vẫn đầy trái vàng ươm. Hàng phượng vĩ vẫn nở hoa đỏ thắm. Trường trung học Phan Thanh Giản buồn hiu. Hoài nhớ lại ngày hai đứa mình nắm tay nhau đi bộ tới trường để dò xem Tiên Sa đậu hay rớt kỳ thi trung học đệ nhất cấp. Chiếc xe lôi ngừng nơi bến xe đò Á Đông. Lên xe Hoài suy nghĩ miên man. Điều mà anh vẫn canh cánh bên lòng là tình trạng của gia đình Tiên Sa. Anh cảm thấy mình thiếu bổn phận đối với họ và nhất là không thực hiện được mong ước của người yêu. Anh tính sẽ dùng bảy ngày phép ở Sài Gòn để tìm kiếm gia đình Tiên Sa. Anh nghĩ tới mục nhắn tin tìm người quen trên báo. Muốn chuyện đó được làm dài hạn anh phải nhờ Khang. Xế chiều xe vào thành phố. Sài Gòn vẫn như xưa. Ồn ào. vui nhộn. Dù cường độ chiến tranh mỗi ngày một tăng người ta vẫn sống thản nhiên. Đang đứng đón xe bus về Thị Nghè Hoài nghe có tiếng gọi.
- Hoài... Hoài...
Hoài nhận ra Thắng. bạn cùng khóa Thủ Đức. Nó nằm giường trên còn anh nằm giường dưới.
- Mày đi đâu vậy?
- Tao về thăm nhà... Còn mày?
- Tao đi ăn đám cưới... Mày nhớ thằng Hạnh cùng tiểu đội với mình không?
- Nhớ... Phải thằng Hạnh ở Gia Định không?
- Ừ... Chiều nay nó làm đám cưới. Lấy con nhỏ nào Gò Vấp. Đi... Tao với mày đi ăn đám cưới nó...
- Nó có mời tao đâu mà đi...
- Lính mà mậy... Người ta không mời mình đi mới bảnh. Lâu quá tao không gặp mày. Đi ăn cưới để hai đứa mình nhậu cho đả...
Không cần biết Hoài ưng thuận hay không Thắng kéo bạn lên xe bus đi Gia Định. Hạnh ôm lấy Hoài vì mừng rỡ. Nó đang lo không có ai phù rể để uống rượu dùm vì phe nhà gái tuyên bố sẽ cho chàng rể bò vào phòng cô dâu tối nay.
- Mày uống rượu được không?
Hoài mỉm cười vì câu hỏi của bạn.
- Chút chút... Người ta tới đâu tao tới đó...
- Vậy là đỡ cho tao rồi. Tụi mày phải phụ tao bằng không tao phải bò vào phòng em thời ê mặt quá...
Đám cưới nhà binh nên ồn ào và vui nhộn, nhất là lính đánh giặc, nhất là bạn cùng khóa hai ba năm mới gặp. Đứa sư đoàn. đứa dù. thằng thủy quân lục chiến. biệt động, đủ màu áo, đủ binh chủng.
- Ê Hoài...
- Gì...
- Mày thấy cái bàn ở trong góc đó không?
- Chỗ nào?
- Cái bàn của mấy cô ngồi đó...
- Ừ...
- Tao thấy có con nhỏ mặc áo dài màu xanh nó liếc mày hoài...
- Nó liếc tao làm chi?
Thắng cười sặc sụa.
- Thằng này đánh giặc riết đâm ra khùng. Con gái liếc nó mà nó hỏi để làm chi...
Tuy nói như vậy nhưng Hoài kín đáo quan sát. Anh thấy cô gái đó còn trẻ. nhìn thật quen nhưng không nhớ ra cô ta là ai. Hơn chục ly bia, đế và vĩnh tồn tâm khiến cho đầu óc của anh không còn đủ sáng suốt để nhớ. hoặc nhận ra cô gái đó là ai.
Tới màn chàng rể và cô dâu đi trình diện họ hàng hai bên nên Hoài, Thắng phải đi theo đỡ đạn. Tới bàn cô gái Hoài thấy cô ta nhìn anh mỉm cười gật đầu chào. Hoài cũng lịch sự gật đầu chào lại.
Hết một vòng khách khứa hai chàng phù rể về lại bàn của mình. Thắng cười nhìn bạn.
- Mày thấy tao nói có đúng không?
Hoài gật đầu im lặng như cố lục lạo trong trí nhớ cùn nhụt của mình xem có ai giống cô gái áo xanh này không.
Thắng đá nhẹ vào chân bạn.
- Nó tới kìa...
Bằng những bước chân rụt rè cô gái đi về chỗ của Hoài đang ngồi. Cô ta càng thêm e thẹn vì hàng chục cặp mắt của mấy ông lính đang hau háu nhìn như muốn nuốt sống mình. Hơi mỉm cười cô gái nhỏ nhẹ hỏi Hoài.
- Dạ... Em xin phép hỏi anh có phải tên Hoài?
- Đúng... Tên của tôi là Hoài...
- Dạ có phải anh Hoài quê ở Châu Bình?
Hoài mở lớn mắt. nghe tim của mình đập sai nhịp. Châu Bình quê của Tiên Sa.
- Đúng... Tôi ở Châu Bình...
- Dạ em cũng ở Châu Bình...
Hoài nhíu mày. Dường như...
- Dạ... Em tên là Bông. em của chị Tiên Sa...
Tiên Sa... Hai tiếng đó đánh thức người lính si tình đang mê ngủ trong vùng kỷ niệm và đang ngà ngà men rượu. Tiên Sa đi từ lâu lắm rồi. Tiên Sa đã bỏ đời để rong chơi trong vùng trời mênh mang. Ta ngồi đây đếm từng sát na đi mà cảm thấy mỗi sát na dài bằng một kiếp. Ta nhớ em. thăm thẳm nghìn sâu, nhớ khu rừng mù u hoa trắng xóa, có dáng em đi dịu dàng trên xác hoa rụng tàn. héo úa. Hoài ơi... tiếng em thì thầm vời vợi xa...
- Anh Hoài...
Hoài thấy Bông nhìn mình mỉm cười.
- Em cho anh địa chỉ của nhà em. Ngày mai anh tới em sẽ kể cho anh nghe về chị Tiên Sa...
Hoài lặng lẻ gật đầu. Bông trở lại với mảnh giấy trắng ghi địa chỉ. Từ đó cho tới khi tiệc cưới tàn Hoài câm nín như một người mất hồn.
Áo bà ba trắng, quần đen Bông đón người anh rể hụt của mình bằng nụ cười tươi vui.
- Mời anh ngồi... Em pha nước đá chanh cho anh uống nghe...
Một điều Hoài nhận thấy là càng lớn Bông có những thứ giống Tiên Sa như giọng nói và cách đi đứng.
- Anh không ngờ mới có mấy năm mà Bông lớn quá và thay đổi nhiều quá. Hồi đó em nhà quê...
Bông cười dòn vì câu nói của Hoài. Đặt ly nước đá chanh trước mặt Hoài nàng cười.
- Em mười tám rồi chứ bộ... Em nhỏ hơn chị Tiên Sa năm tuổi...
Hoài thở dài. Bông cũng im lặng. Cuối cùng Hoài lên tiếng.
- Cách đây mấy tháng anh có về lại Châu Bình... Đi hành quân ở vùng đó. Anh có ghé nhà...
- Chắc không còn gì hả anh?
- Nhà hư hại nhiều lắm... Tuy nhiên anh cũng tìm được cây đàn và hộp đựng sáo của Tiên Sa...
- Hồi lúc dọn đi em định đem theo nhưng ba cản. Ba nói rằng chị Tiên Sa chết rồi thời giữ nó làm gì...
Uống một hớp nước đá chanh Hoài nói.
- Sau khi anh Thường đưa em ra khỏi Châu Bình rồi em ở đâu mà anh tìm hoài không thấy. Tìm ở Bến Tre không có anh chạy qua Mỹ Tho vào Giang Đoàn 21 tìm anh Thường mới biết ảnh đã chết...
Hoài ngừng nói vì thấy Bông ứa nước mắt.
- Tội nghiệp anh Thường... Sau khi tới Mỹ Tho anh Thường đưa em và gia đình về nhà ba má của vị hôn thê của ảnh. Sau khi ảnh chết ba má vợ của ảnh vẫn cho Bông và gia đình ở nhờ thời gian lâu lắm. Vì không muốn nhờ vả họ nên em mới ra bến bắc bán bánh và trái cây sống qua ngày...
- Lúc đó em được bao nhiêu tuổi?
- Dạ mười lăm...
- Em giỏi quá... Khó có cô gái nào làm được như em...
Bông cười vui như đón nhận lời khen của anh rể.
- Cũng nhờ trời thương và chị Tiên Sa phù hộ nên một bữa đang bán bánh ở bến bắc thời chị Hương gặp em. Chắc anh còn nhớ chị Hương bạn của chị Tiên Sa?
Hoài gật đầu.
- Hương là bồ của Khang bạn anh...
- Chị Hương nhận ra em rồi hỏi tại sao em lại ở đây. Em kể cho chỉ nghe về chị Tiên Sa khiến cho chỉ và anh Khang buồn lắm. Sau đó chị Hương bàn với anh Khang đem em và gia đình về Sài Gòn ở với ba má của anh Khang một thời gian ngắn rồi sau đó anh Khang mua cho gia đình em một căn nhà mà em đang ở đây. Anh Khang thật tốt. Ảnh đem em vào làm việc ở tòa báo của má ảnh. Ban ngày em làm việc còn ban đêm em đi học thêm. Hai năm sau em thi đậu trung học và đang chờ để vào học trường sư phạm...
- Em cũng thông minh và chịu khó như Tiên Sa...
- Cám ơn anh... Em có thể thông minh và chịu khó học nhưng không tài hoa bằng chị Tiên Sa...
Hoài cười như mếu.
- Bởi tài hoa nên đành đoản mệnh...
Bông ứa nước mắt khi nghe người anh rể hụt của mình nói câu trên.
- Em biết từ khi chị Tiên Sa mất anh buồn khổ nhiều lắm nên em định không nhắc tới chuyện xưa nữa. Nói ra thời anh sẽ buồn thêm mà không nói thời lòng em bứt rứt...
- Có chuyện gì em cứ nói đi. Anh buồn quen rồi nên có buồn thêm cũng không sao...
Nhìn lên bàn thờ với chút khói hương bay lãng đãng Bông thở dài nhè nhẹ.
- Từ khi má chết chị Tiên Sa phải thôi học về coi sóc gia đình thời chị buồn lắm. Thứ nhất là xa anh và thứ nhì là không được đi học. Hai chị em có nhau nên chị tâm sự với em về tình yêu của anh chị. Chị Tiên Sa nói với em là nếu chị không lấy được anh thời chị sẽ không ưng ai làm chồng. Chị sẽ ở vậy suốt đời...
Hoài cúi mặt xuống vì biết mình sẽ khóc. Anh không muốn Bông thấy mình khóc.
- Cái bữa mà chị Tiên Sa bị lính của anh bắt vì nghi ngờ chị là liên lạc viên. Chị kể lại cuộc gặp gỡ của anh chị rồi anh dặn chị về nhà sửa soạn để ngày mai anh vào đón chị và gia đình lên Sài Gòn. Em và chị Tiên Sa kín đáo thu xếp hết mọi thứ cần dùng. Chiều tối hôm đó bộ đội về đông lắm. Họ tụ tập và hội họp trước sân nhà của em. Theo lời chị Tiên Sa nói thời họ bàn tính về chuyện phục kích đơn vị do anh chỉ huy. Biết được tin đó chị Tiên Sa rất lo âu và sợ hãi. Chị tính đi báo cho anh hay. Nếu không biết thời thôi chứ biết được rồi chị không thể ngồi yên nhìn người ta giết chết anh. Suốt đêm đó dường như chị không có ngủ. Mới tờ mờ sáng chị bảo em đừng cho ai biết việc chị đi gặp anh để báo cho anh biết tin. Cũng vì vậy mà chị đạp phải lựu đạn của bộ đội lén gài từ tối hôm qua...
Hoài ngước mặt lên. Bông thấy nước mắt chảy thành dòng trên khuôn mặt dày dạn gió sương của người anh rể.
- Anh đã căn dặn Tiên Sa đừng đi đâu vì sợ bị đạp lựu đạn hay bị đạn của hai bên bắn lầm. Anh không ngờ vì lo lắng cho tánh mạng của anh mà Tiên Sa đã chết một cách tức tuởi...
- Chị Tiên Sa nhờ em nói lại với anh là nếu chị có mệnh hệ gì thời anh nên quên chỉ đi để lấy vợ...
Hoài cười buồn.
- Anh không muốn quên và không thể quên... Tình yêu của anh với chị em quá lớn. quá nhiều vì vậy khó mà quên lãng. Tới khi mình quên thời mình đã già rồi. Vả lại đời lính chiến như anh đôi khi ngắn ngủi...
Nhìn quanh quất căn nhà bày biện đơn sơ Hoài hỏi Bông.
- Ba em còn sống?
- Ba em mất hồi năm ngoái. Chỉ còn bà ngoại đã già thêm lẫn...
- Em có gia đình chưa?
- Chưa thưa anh... Em mới có bạn trai. Ảnh học sư phạm...
Hoài rút trong túi áo trận một phong thư dày cộm rồi đưa cho Bông.
- Anh hứa với Tiên Sa là sẽ bảo bọc cho em và gia đình. Bây giờ gặp lại em, thấy em sắp công thành danh toại anh rất mừng. Tiện đây anh có một chút tiền cho em...
- Em không thể nhận tiền của anh...
Hoài nghiêm mặt:
- Anh và chị của em đã hẹn ước với nhau thành chồng vợ. Tuy ước hẹn không thành nhưng anh tự coi mình là chồng của chị em. Bởi vậy anh cho tiền em thời cũng như chị Tiên Sa cho em...
Nghe câu nói đó Bông vui vẻ nhận tiền. Nàng mời Hoài ở lại ăn cơm tối nhưng Hoài nói có hẹn với Khang. Anh hứa sẽ trở lại thăm Bông trước khi về đơn vị.