Nguyên tác: Дубровский
Số lần đọc/download: 1580 / 22
Cập nhật: 2017-02-14 17:07:31 +0700
Phụ Lục
T
iểu thuyết này bắt đầu được viết ngày 21 tháng Mười năm 1832 ở Pêterburg. Thời điểm cuối cùng công việc viết tác phẩm này đến nay còn được biết: 6 tháng Hai năm 1833. Dự định của tiểu thuyết này được gợi ra do một chuyến đi có thật mà Puskin đã được anh bạn thân Paven Vôinôvích Nasôkin (1801-1854) kể cho nghe: một quý tộc nhỏ người Bêlôruxia, họ Ôxtơrốpxki, kiện cáo với người hàng xóm về đất đai, thua kiện bị truất khỏi trang ấp, đã cùng với gia nhân trở thành kẻ cướp (tiểu thuyết này thoạt đầu cũng mang tên là “Ôxtơrốpxki”). Qua người quen của Nasôkin — viên quan chức Đ.V. Kôrốtki — Puskin lấy được bản sao chép tay về vụ kiện có thực ở toà án huyện Côdơlốp tháng Mười năm 1832. Tài liệu này Puskin đã đưa đầy đủ vào chương hai, chỉ thay đổi tên họ và chức vụ nhân vật. Ngoài ra trong tác phẩm này cũng phản ánh câu chuyện Puskin được biết về cuộc nổi loạn của nông dân dưới quyền địa chủ vùng Pơxkốp là Đubrốpxki, xảy ra năm 1737, trong đó chính viên địa chủ đứng về phía chống chính phủ. Tác phẩm này của Puskin còn dở dang. Theo dự định thì Đubrốpxki về sống ở Mátxcơva, về sau do sự tố cáo của một hạ thủ của ông, ông đã bị cảnh sát bắt.
Lần đầu tiên được in (với nhiều chỗ lược bỏ và xuyên tạc) năm 1841, trong tập X, Tuyển tập tác phẩm của Puskin. Nhan đề “Đubrốpxki” là do người xuất bản đặt.
Chú thích
(1) Đề từ trích trong bài ca tụng “Nhân cái chết của công tước Mêserxki” (1779) của nhà thơ Nga G.R. Đergiavin (1713 – 1816).
(2) Câu đầu một bài hợp xướng trích từ bài thơ của Đergiavin, âm nhạc của Ô.A.Côdơlốpxki viết nhân việc quân đội Nga chiếm được pháo đài Thổ Nhĩ Kỳ Idơmain (1791).
(3) Linh mục của giáo hội Nga có thể có vợ.
(4) Lời trong Kinh thánh (điều 33, câu 15).
(5) Ý nói đến cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ những năm 1787 – 1791.
(6) Có lẽ ở đây muốn nói đến cuốn sách dạy nấu nướng. Có thể đó là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng một thời của nhà văn Nga thế kỷ XVIII M.Tsunkốp “Chị đầu bếp tuyệt vời, hay Những cuộc phiêu lưu của người đàn bà trác táng”.
(7) Ở đây muốn nói đến cách xem tướng của Laphate I.C. (1741 – 1801) – nhà văn có tiếng thế kỷ XVIII của Thuỵ Sĩ chuyên xem tướng người ta qua cấu tạo của hộp sọ và nét mặt.
(8) Kulnhốp Iakốp Pêtơrôvích (1763 – 1812) – một danh tướng tử trận trong cuộc chiến tranh chống Napôlêông (1812) ở Kliaxtitxư. Sau khi ông mất, ảnh chân dung in thạch bản của ông được phổ biến rộng rãi.
(9) Rátclíp Anna (1764 – 1823) – một nữ văn sĩ Anh nổi tiếng chuyên viết loại tiểu thuyết kể về những cuộc phiêu lưu bí ẩn và những chuyện khủng khiếp đủ loại, cuối cùng bao giờ cái thiện cũng được ban thưởng, và điều ác phải bị đền tội.
(10) Mùa đông ở Nga các nhà thường hay lắp hai khung cửa kính.
(11) Giấy chứng chỉ được dùng ngựa ở trạm.
(12) Rinanđô – nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết “Rinanđô Rinanđini – chàng tướng cướp” (1797) của nhà văn Đức Kh.A. Vulpius (1762 – 1827). Tiểu thuyết này là một chuỗi những cuộc phiêu lưu khó tin là có thật, không có liên quan gì đến nhau, trong đó Rinanđô xuất hiện khi thì như một chàng tướng cướp dũng cảm, lúc lại như một đấng tình nhân dịu dàng.
(13) Hai ngôi sao – hai huân chương cao nhất thường tặng cho những đại thần dưới thời Nga hoàng.
(14) Cônrát – nhân vật chính trong thiên trường ca “Cônrát Valenrốt” (1828) của nhà thờ Ba Lan Ađam Mítxkiêvích (1798 – 1855). Do lơ đãng, người tình của chàng đã thêu hoa hồng bằng chỉ xanh và thêu lá bằng chỉ đỏ.