Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Chương 19
T
hời tiết rất là đẹp đẽ ngày rằm tháng Giêng. Hôm đó là ngày Hội Rước Ðèn. Một vầng trăng tròn đẹp đẽ giống như một đĩa ngọc treo trên bầu trời xanh thẳm, giữa những ngôi sao lấp lánh và một vài giải mây trắng. Trôi từ từ ngang qua bầu trời, mặt trăng toả ánh sáng xuống trần gian bên dưới.
Tối hôm ấy, buổi cúng lễ tại nhà từ đường được cử hành sớm hơn thường lệ. Những đứa con trai nhỏ đi ra phố xem người ta đốt đèn lồng. Những người lớn hơn thì tụ tập trong phòng của Giác Tân, bàn cãi phải làm gì vào cái đêm cuối cùng Ngọc Cầm còn ở lại. Ngày hội Năm Mới sẽ chấm dứt ngày mười lăm tháng Giêng âm lịch, và tuy Ngọc Cầm cũng sống trong cùng một thành phố, nhưng họ sẽ ít có cơ hội được thăm viếng nhau vài ngày liền trong một lần. Tất cả đồng ý đề nghị của Giác Tân là họ sẽ tổ chức một buổi chơi thuyền trên hồ.
Thoạt đầu Thụy Giao cũng sẽ đi, nhưng đứa con trai bắt đầu khóc khi mọi người bắt đầu ra đi, nên nàng phải ở nhà săn sóc con. Nhóm người đi gồm có Giác Tân và hai người em trai, cô em gái Thục Hoa, hai người em gái họ và Ngọc Cầm, cùng với Minh Phương đem theo một giỏ đồ ăn.
Lẻn vào hoa viên từng người một, họ đi dọc theo hành lang có mái che. Thục Trân, người con gái e lệ nhất, bám lấy Minh Phương. Chung quang rất là yên tĩnh, những ngọn đèn điện đó đây sáng lờ mờ và cô đơn. Một giải ánh trăng trong hoa viên bị lốm đốm với nhiều bóng đen.
Mọi người đi thong thả, vừa đi vừa nói chuyện. Khi tới bãi trồng hoa, bỗng họ nghe thấy một tiếng động kỳ lạ, và một hình thể đen thui bay lên từ ngọn đồi nhân tạo, bay lên mái che của hành lang, làm Thục Trân kinh hoàng đến nỗi co rúm người sau Minh Phương.
Thục Hoa bỗng giật mình kêu lên, "Cái gì thế?"
Mọi người đứng im. Trong cái khung cảnh tối thui, không một sự động đậy. Giác Tuệ dậm chân, nhưng không có sự đáp ứng. Chàng nhảy qua hàng lan can, bước lại khóm hoa, nhặt lên vài hòn sỏi và ném lên mái của hành lang. Một con mèo kêu meo meo và phóng vọt đi mất.
Giác Tuệ cuời, "Chỉ là một con mèo thôi mà." Nhảy vào trong hàng lan can, chàng trông thấy Thục Trân bám sau Minh Phương. Chàng nói, "Chẳng có gì mà cũng sợ."
Thục Trân nắm chặt tay Minh Phương, trả lời bằng giọng run rẩy. "Mẹ em nói trong hoa viên có ma đấy."
Giác Tuệ cuời, "Ma? Có ai trông thấy ma chưa? Mẹ em chỉ đùa em thôi, và em tin thế. Thực là một người ngây thơ!"
Giác Tân hỏi, "Tại sao em đi chung với chúng ta nếu em sợ ma?"
Thục Trân buông tay Minh Phương ra và e lệ trả lời, "Ði chơi với các anh chị thì vui thích lắm. Em phải đi theo."
Ngọc Cầm mỉm cười khen ngợi. "Em nói hay lắm. Ðấy là cách biết nói. Hãy theo chị. Chị sẽ bảo vệ cho em. Ðừng lo. Có chị ở bên, không ma nào dám lại gần em." Ngọc Cầm nắm tay Thục Trân, và hai người đi với nhau.
Họ bước vào vườn trúc. Tuy ở vườn này không có một ngọn đèn nào, nhưng mặt trăng soi sáng một lối đi nhỏ quanh co. Vườn trúc rất rậm rạp, và bầu trời rực rỡ ánh trăng trên đầu. Những cành trúc khẽ xào xạc trong gió. Họ nghe thấy tiếng nước chảy từ một nơi nào đó; tại cuối vườn trúc, mọi người tìm thấy một con suối nhỏ.
Ðể tỏ ra không sợ ma, Giác Tuệ cố tình đi chậm lại phía sau, đi với Minh Phương. Bỗng chàng lao vào một bụi trúc. Nghe thấy tiếng động, mọi người quay lại, và Giác Dân hỏi, "Tam đệ, em làm cái gì vậy?"
Giác Tuệ không trả lời, và nhổ lên một cây trúc non, bẻ hết cành và làm thành một cái gậy. Chàng gõ thử xuống đất và thoả mãn nói, "Cái này là một cây gậy tốt." Rồi chàng đi gần Minh Phương.
Mọi người đều cười. Giác Dân nhăn mặt hỏi, "Có thế thôi ư? Anh tưởng em phát khùng chạy đi đào một kho tàng chôn giấu."
Giác Tuệ cãi lại, "Kho tàng? Anh lúc nào cũng nghĩ đến kho tàng! Em có thể thấy thế trước khi anh tập đóng vở kịch Ðảo Kho Tàng. Anh đã bị mê mẩn bởi kho tàng rồi."
Rất hứng khởi, cả nhóm đi vào một vườn thông. Rất ít ánh trăng có thể len lỏi qua được lớp lá thông dầy, và tại chỗ sâu nhất trong vuờn thông, lối đi dường như hoàn toàn biến mất. Nhưng mọi người biết rõ lối đi. Giác Tuệ dẫn đầu, dùng cây gậy trúc để dò đường, và mọi người đi theo chàng. Tiếng rì rào của vườn thông dường như gây cho họ một cảm giác kinh hoàng, một nỗi sợ của bóng tối sâu thăm thẳm. Tinh thần căng thẳng, mọi người từ từ tiến lên. Ngọc Cầm nắm chặt Thục Trân bên cạnh.
Dần dần lối đi trước mặt sáng sủa hơn, và họ trông thấy mặt hồ, lấp lánh màu bạc dưới trăng. Vầng trăng tròn phản chiếu, trôi trên mặt hồ, thỉnh thoảng méo mó thành hình bầu dục vì những gợn sóng lan ra. Thỉnh thoảng một con cá nhảy lên khỏi mặt nước. Gần ngay mé phải là chiếc cầu cong. Từ đằng xa mé trái, chiếc cầu lờ mờ lượn vào vọng đình tại giữa hồ.
Dừng lại bên bờ nước, mọi người cảm thấy thoải mái trong sự yên tĩnh mát mẻ. Một hòn đá ném xuống nước làm vỡ tan vành trăng dưới nước, gợn lên thành một vòng tròn lớn. Tuy mặt trăng mau lẹ trở lại hình dáng nguyên thủy, nhưng làn sóng gợn tiếp tục lan rộng cho tới lúc biến mất.
Giác Dân quay lại trông thấy Giác Tuệ đứng phía sau, đang cười.
Giác Dân trách, "Lại em nữa."
"Mọi người dừng lại ở đây làm gì? Con thuyền ở đằng kia cơ mà." Giác Tuệ chỉ tay vào một chiếc thuyền nhỏ buộc vào một cây liễu ở bờ đối diện với cây cầu.
Thục Hoa nói, "Anh không cần phải nói. Mọi người đã trông thấy nó từ lâu rồi." Nàng kéo cái đuôi sam dài từ sau ra trước. Ðùa nghịch mớ tóc, nàng nhìn lên mặt trăng và bắt đầu hát một điệu nhạc cổ.
Nàng vừa hát câu đầu tiên "Khi mặt trăng sáng nhất", thì cái giọng rung vang của Giác Dân hát theo, rồi sau đó là Ngọc Cầm và Thục Anh. Giác Tân bắt đầu phụ họa theo bằng tiếng sáo. Ðúng lúc đó, Thục Anh mượn cây sáo của Giác Tân và nói:
"Cây tiêu ấy không hay bằng cây sáo này." Rồi tiếng sáo trong vút ngân dài trấn át tiếng tiêu mong manh và yếu đuối. Nhưng người ta vẫn nghe thấy tiếng réo rắt của cây tiêu.
Giác Tuệ thong thả đi bộ theo bờ nước về phía cây cầu, sau khi vẫy gọi Minh Phương đi theo chàng. Hai người trao đổi vài lời ngắn ngủi khi đi được một quãng xa, rồi Minh Phương quay lại nhập bọn với người khác. Mãi tới khi Giác Tuệ đi tới cây cầu chàng mới biết chàng chỉ có một mình. Chàng quay lại với mọi người.
Quang cảnh đẹp đẽ chung quanh làm chàng khó chịu. Chàng cảm thấy chàng khác hẳn với hai anh và các người em gái. Dường như dưới cái bề ngoài bình yên, gia đình chàng nuôi dưỡng một ngọn lửa âm ỉ.
Bài hát chấm dứt, Thục Anh đưa cây sáo lên môi và bắt đầu một bài khác. Giác Tuệ chặn nàng lại.
"Hãy đợi lúc chúng ta lấy được con thuyền đã. Vội gì thế?"
Giác Tuệ dẫn đầu và Minh Phương đi sau cùng, mọi người bước dọc theo hồ tới cây cầu và đi qua cầu.
Giác Tân tháo giây buộc thuyền, và giữ thuyền vững cho mọi người bước xuống. Sau khi đẩy con thuyền ra, chàng nhẩy vào chỗ tay lái, cầm mái chèo lên và bắt đầu chèo thuyền.
Từ từ trôi bên dưới chiếc cầu cong, con thuyền tiến vào khoảng giữa mênh mông của hồ. Ngồi phía sau, Minh Phương mở giỏ đồ ăn mang theo, và lấy ra một ít đồ ngâm muối, hạt dưa và đậu phọng. Nàng cũng lấy ra một chai rượu hồng và vài cái ly nhỏ. Nàng đưa tất cả cho Thục Anh và Thục Hoa, và hai người đặt tất cả trên một chiếc bàn nhỏ giữa thuyền. Giác Dân mở chai rượu và rót ra. Dưới ánh trăng chiếu thẳng trên đỉnh đầu, mọi người ngồi xuống và ăn uống.
Ánh trăng bây giờ phủ cây cầu cong giống như một màng tơ lấp lánh, và đèn điện tại hai đầu cầu chỉ trông thấy lờ mờ. Con thuyền từ từ quay trở lại. Mọi người nhìn lên mặt trăng, và khi nhìn lại họ trông thấy một cảnh khác của cái hồ. Một bên là bờ đá cao lừng lững; phía bên kia là một toà nhà đứng soi bóng xuống nước. Toà vọng đình ở giữa hồ bây giờ trông thấy rõ ràng.
Tim Giác Tuệ bật ra với những điều chàng muốn nói. Ðể giảm áp lực, chàng bật ra một tiếng kêu vang lên và vọng lại từ bờ đá.
"Em có một giọng thực lớn." Giác Tân bật cười, và chàng bắt đầu hát một bài hát theo kịch nghệ Bắc Kinh.
Vòng quanh bờ đá, con thuyền lướt qua một cái cầu câu cá. Toà nhà nhìn xuống hồ bây giờ bị che khuất bởi một bụi cây thấp nhưng rậm rạp.
Từ đầu thuyền kia, Thục Anh gọi, "Ðại ca, hãy lại đây uống chén rượu, cứ để mặc con thuyền, nó tự trôi được mà."
"Ở chỗ này tốt lắm rồi, mình tôi ngồi rộng lắm," Giác Tân trả lời, trong khi chàng ngưng chèo để uống một ly rượu và ăn vài hạt đậu phọng. Con thuyền vững vàng, hơi nhúc nhích đôi chút. Khi ăn xong đậu phọng, Giác Tân nói như thể nói với riêng mình, "Hãy neo con thuyền ở bờ câu cá, tôi phải lên bờ." Nói xong, không chờ ai đồng ý, chàng lách con thuyền vào cầu câu cá một cách gọn gàng. Chàng buốc xuống bậc đá dẫn từ mặt nước lên tới đỉnh, và ngay lập tức, đầu chàng hiện ra bên trên bờ đá, cười với mọi người.
Thục Anh lượm vài hạt dưa và ném vào Giác Tân, nhưng chàng biến mất ngay, và hát vài câu nhạc kịch Bắc Kinh khi chàng bỏ đi, giọng chàng mỗi lúc một khẽ dần, cho tới lúc không còn nghe thấy nữa.
Ngọc Cầm nói như than phiền, "Thật là tiếc chúng ta không có một người nữa ở đây với chúng ta đêm nay."
Thục Hoa vội nói trong lúc cắn hạt dưa, "Ðại tẩu phải không?"
Ngọc Cầm lắc đầu.
"Tôi biết là cô em họ Lệ Mai của chúng ta," Trước khi Giác Tuệ nói hết, Giác Dân chặn lại, nhìn em một cách trách móc và nói, "Em thực là vô ý tứ, hãy nói khẽ chứ kẻo Ðại ca nghe thấy."
Giác Tuệ thản nhiên lý luận, "Ðại ca nghe thấy thì đã sao? Dẫu sao anh ấy cũng đã gặp Lệ Mai rồi."
Thục Hoa ngạc nhiên hỏi, "Ðại ca đã gặp Lệ Mai?"
"Thiếu gia," Minh Phương kêu lên từ cuối thuyền. Mọi người nhìn lên và trông thấy đầu Giác Tân nhô lên bên trên bờ đá, chú ý lắng nghe mọi người. Tất cả đều im lặng.
Giác Tân thong thả bước xuống những bậc đá, bước lên thuyền rồi ngồi vào chỗ tay lái, và nói với mọi người, "Tại sao không nói chuyện nữa khi tôi trở về?" Giọng của chàng có một vẻ buồn bã thương tâm.
Giác Dân cố gắng giấu kín. "Chúng em quên mất đề tài khi anh về tới, nhưng dẫu sao chuyện ấy cũng không có liên hệ gì tới anh đâu."
"Không cần phải che giấu, anh đã nghe thấy mọi người nói đến Lệ Mai và anh rồi." Giác Tân trả lời với nụ cười chua chát, trong lúc thong thả chèo thuyền vào giữa hồ.
"Ðúng vậy. Ngọc Cầm nghĩ rằng tối nay sẽ thích thú hơn nếu có Lệ Mai cùng ở đây." Ðây là lời nói bật ra từ Giác Tuệ ngay thẳng. Con thuyền bây giờ đi qua giữa hồ, hơi trôi nổi không phương hướng.
"Lệ Mai sẽ không bao giờ có mặt ở chỗ này nữa trong suốt cuộc đời của cô ta." Giác Tân nói rồi thở dài ngẩng lên nhìn trời. Làm như thế, chàng khiến con thuyền nghiêng về một phía, và hắt nước tràn vào thuyền, rồi chàng vội giữ vững con thuyền khỏi chòng chành.
Những đám mây trắng trôi trên bầu trời, và mặt trăng rực rỡ từ từ lướt vào đám mây. Nhưng mọi người đều chú ý đến Giác Tân, không để ý đến bầu trời.
Thục Anh nói với Giác Tân bằng một giọng bùi ngùi, nửa nhớ nhung nửa thương cảm, "Thực ra đáng lẽ chúng ta cần có mặt đêm nay không phải chỉ có Lệ Mai mà thôi, mà còn các cô em họ Hoa và Vân của bà nội Chu. Trước kia họ thường đến thăm chúng ta và chúng ta vui thích biết bao! Bây giờ họ đã rời bỏ Thành Ðô được ba năm rồi, thời gian trôi qua mau quá!". Rồi nàng quay lại nói với Ngọc Cầm, "Ngày mai chị cũng sẽ xa chúng tôi; nếu chúng tôi lại tới đây chơi thuyền tối mai thì sẽ thiếu đi một người nữa, phải không? Quả thực là đúng khi nói không có tiệc nào là không tàn."
Giác Tuệ say sưa nói, "Nếu tiệc sẽ tàn thì hãy tàn vào lúc vui vẻ nhất. Nếu sau những chờ đợi bất đắc dĩ và cuối cùng vẫn tàn thì quá tệ đối với tôi!"
Giác Tân nói an ủi, "Em cần phải biết khi một cây đổ xuống, khỉ sẽ tán loạn mỗi nơi một con; nhưng cây chưa đổ mà."
"Sẽ có một ngày cây sẽ đổ xuống, thì xin hãy đổ xuống sớm đi, để cho mọi người có thời giờ sửa soạn cho con đường riêng của mình." Giác Tuệ nói thế xong chàng cảm thấy chàng đã tuôn ra hết tất cả những cảm nghĩ thù nghịch chàng đã có từ lâu.
"Ngọc Cầm ơi, tôi không muốn tan vỡ như thế, để chỉ còn một mình tôi thì thực là cô đơn biết bao!" Thục Trân ngồi giữa Ngọc Cầm và Thục Anh bỗng ngẩng đầu lên và thiết tha nói thế với Ngọc Cầm, bằng giọng nói trong trẻo của một cô gái còn nhỏ. Trong lời nói này bao hàm những mầm mống của thảm kịch. Nghe thấy lời nói của Thục Trân, Giác Tuệ thấy hiện ra trước mắt hình ảnh của đôi chân bó nhỏ xíu trong đôi giầy thêu bằng lụa đỏ, và trong tai chàng là tiếng khóc nức nở của đau đớn. Cái bi kịch của số phận cô gái nhỏ này mạnh mẽ đến nỗi mọi người có cảm tình ngay. Nhưng cảm tình này chỉ là tạm thời thoáng qua, bởi vì trước mắt mọi người cái tương lai lờ mờ đang lừng lững cùng với sự hiện diện tối tăm, bắt buộc mọi người phải nghĩ tới chính mình, để nghi ngờ và lo sợ cho chính tương lai của mình.
Mặt hồ bỗng tối xầm lại, tất cả mọi vật chìm trong một màu xám, không có một tia sáng. Mặt trăng đã lẩn vào sau một khối mây lớn, hoàn toàn che kín ánh trăng trong một lúc. Mặt hồ hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ còn lại nhịp chèo đều đặn.
Giác Tân nói với Minh Phương ở đầu cuối thuyền, "Hãy chèo chậm lại."
Thục Trân ôm lấy Nhọc Cầm, và Ngọc Cầm cũng ôm lấy nàng. Bầu trời lại mở ra, ánh sáng lại tuôn xuống khắp nơi, vì mặt trăng đã thoát ra khỏi vòng kiềm toả, bỏ những đám mây đen tối lại phía sau, và trôi trên bầu trời xanh mênh mông. Vọng đình giữa hồ và cây cầu cong lại hiện ra rõ ràng ở phía trước, mặt trăng hắt bóng tối của vọng đình và cây cầu xuống mặt hồ, và cái vẻ đẹp trong sáng làm cho khung cảnh đẹp như tranh. Bên trái là vườn mai, không còn hoa nở nữa, để lại những cành hãnh diện phô bày dưới ánh trăng, với một đôi chút hương còn phảng phất. Bên phải là một sườn đồi trải rộng rải rác một vài cây liễu, bên ngoài là một con đê vây quanh một phần của cái hồ thành một cái ao nhỏ, với một cửa cong vòm trên con đê để nước chảy vào.
Ngọc Cầm vỗ vai Thục Trân để an ủi nàng. "Ðừng sợ gì cả, hãy nhìn, mặt trăng lại hiện ra rồi, trông thực là đẹp!"
Thục Trân lùi xa khỏi Ngọc Cầm, ngồi thẳng lên, nhìn bầu trời và mỉm cười nhìn Ngọc Cầm và hỏi, "Ngọc Cầm ơi, tại sao phải chia ly, ở chung mãi với nhau chẳng hơn ư?"
Mọi người phì cười và Ngọc Cầm âu yếm vỗ vai Thục Trân, và mỉm cười nói, "Tội nghiệp em gái tôi, mỗi người phải có chuyện riêng phải làm, làm thế nào mà mọi người ở chung mãi với nhau được?"
Giác Tân nói, nửa mỉa mai nửa xúc cảm, "Sẽ đến lúc tất cả chúng ta phải xa nhau và mỗi người sẽ đi một con đường riêng. Nhưng em thì lúc nào cũng vậy, em sẽ lấy chồng khi em lớn lên, em sẽ đi theo chồng và ở bên chồng mỗi ngày, và em sẽ quên tất cả chúng ta."
Tại sao một người con gái phải kết hôn vào một gia đình khác, bỏ những người đang thương yêu để đi theo một người khác? Thực Trân đã hỏi mẹ nàng câu hỏi này vài lần rồi, nhưng chưa có được câu trả lời có thể hiểu được. Bây giờ cái chữ người chồng được nhắc lên, nàng bỗng đỏ bừng mặt và cảm thấy bẽn lẽn một cái gì nàng chưa hiểu.
Nàng trả lời ngay thẳng, "Em sẽ không lấy chồng, em sẽ không lấy ai cả."
Giác Dân ngồi đối diện với nàng liền hỏi, "Như vậy em sẽ ở nhà để trở thành một cô gái già ư?"
Giác Tuệ vội vàng nói thêm, "Nếu em không muốn lấy chồng, tại sao em để Thím bó chân cho em?"
Thục Trân không biết trả lời thế nào. Nàng bĩu môi và cúi đầu xuống, lặng lẽ sờ bàn chân bó nhỏ của nàng vẫn còn hơi đau, và nhớ lại câu trả lời mau lẹ của mẹ nàng. Mẹ nàng đã kể cho nàng biết khi Ðại tẩu lần đầu bước vào nhà, đã bị người ta chế riễu sau lưng vì chân không bó và vẫn to bình thường. Người ta còn đi xa hơn nữa là khi Ðại tẩu bước vào phòng hôn lễ, khi nàng bước vào và ngồi trên cái ghế của cô dâu, có người bước lại, giở váy của nàng lên để nhìn hai bàn chân to bình thường của nàng. Vì thế Thục Trân biết được sự không may của những người con gái không bó chân. Sau nhiều trận đòn bị mẹ đánh, và sau một thời gian dài của những cơn đau thấu xương, sau biết bao ngày đầm đìa nước mắt, sau biết bao đêm không ngủ được của nàng, mẹ nàng đã thành công bó chân nàng thành một hình thể kỳ dị. Và nàng được gì từ hai chân bó nhỏ này? Một mặt nàng trở thành một cái gì mà mẹ nàng có thể hãnh diện đem khoe mọi người, mặt khác nàng trở thành mục tiêu chế riễu của các anh chị em họ. Lời khen và vinh quang mẹ nàng hứa hẹn không xảy ra, nhưng sự chế nhạo và tội nghiệp ngày càng chồng chất lên nàng. Nàng mới có mười ba tuổi, quá trẻ, quá dịu hiền, thế mà nàng đã trở thành một nạn nhân, một vật hy sinh. Với đôi chân tàn tật lúc nào cũng đau đớn, nàng đã thụt lui về mọi phương diện so sánh với các chị em trong họ. Sự tàn tật ấy biến nàng thành một người yếu đuối, và hy vọng chiến thắng đền bù duy nhất của nàng nằm trong cái giờ tân hôn. Vuốt ve hai bàn chân tàn tật, nàng còn có can đảm nói nàng không muốn lấy chồng không? Tuy thế hy vọng về tương lai thì vẫn mơ hồ không có gì chắc chắn, trong khi thực tế của hiện tại đem lại cho nàng nhiều điều khác biệt. Ngay tại đây trong cái thuyền nhỏ này có ba đôi chân không bó nhỏ, làm thế nào nàng có thể chắc chắn về cái giây phút vinh quang đền bù của nàng?
Khi ý nghĩ của nàng tới một chỗ khó nghĩ như thế, nàng không thể nào không buông người gục lên đùi Ngọc Cầm và khóc.
Không ai biết nguyên nhân tại sao nàng khóc, và tất cả đoán xúc cảm của nàng liên quan tới việc chia tay, và do đó dịu dàng an ủi nàng. Nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục khóc nhiều hơn khiến mọi người đành phải ngưng lại. Giác Dân còn nói, "Này, em làm hư cả áo của Ngọc Cầm rồi." Nhưng nàng cũng không ngẩng đầu lên. Thục Anh cầm cây sáo lên và thổi một khúc của bản Thu Sầu, một khúc nhạc buồn than khóc, như thể khóc cho một chuyện buồn trong quá khứ. Âm thanh run rẩy của khúc nhạc trôi trên mặt hồ, lên bổng xuống trầm, lan ra xa rồi thu gọn lại, làm cho mọi người muốn khóc.
Bỗng một tiếng thở dài nặng nề buông ra từ mũi thuyền, làm ảnh hưởng tới mọi người và ngay cả mặt nước. Mọi người ngơ ngác và thấy Giác Tân ôm gối vào lòng, đầu ngẩng lên nhìn trời. Con thuyền lặng lẽ trôi, toà vọng đình trên đảo ngay trước mặt, có vẻ đồ sộ và trang trọng.
Giác Tuệ ngạc nhiên hỏi, "Ðã lâu rồi mà tại sao chúng ta cứ ở chỗ này mãi?"
Không ai trả lời. Giác Tuệ bắt đầu điều khiển con thuyền cho nó quay về bên phải và chui qua gầm cầu. Cây cầu thấp nên không có nhiều khoảng trống trên đầu và mọi người phải nghiêng về bên trái để cúi đầu xuống, khiến con thuyền chòng chành dữ dội. Khi lấy lại được thăng bằng, ánh trăng từ trên cao lại rọi xuống mặt hồ, và cây cầu đã ở đằng sau lưng.
Con thuyền bây giờ ở khoảng nước rộng nhất, mặt hồ là một mặt phẳng phản chiếu bằng phẳng, không gợn sóng. Nước trôi từ từ về phía trước dưới ánh trăng với một vẻ mịn màng lóng lánh rất đẹp đẽ. Con thuyền trôi theo dòng nước chảy, không bị một khuấy động nào trong sự yên tĩnh.
"Hãy nhìn mặt nước, trông giống như vải sa tanh!" Giác Dân thán phục kêu lên. Chàng ngỡ ngàng trước quang cảnh trước mắt.
Ngọc Cầm công nhận, "Ðêm trăng đẹp quá. Ðiều đáng tiếc là không phải mùa thu, trời khá lạnh, và không có hương thơm của một đêm thu."
"Ðàn bà thực khó chiều, khi được cái này lại đòi cái kia. Thực ra đêm nay có điểm đặc biệt của nó. Hãy coi sương mù đang buông xuống." Giác Tân nói và quay lại ra lệnh cho Minh Phương, "Minh Phương, hãy chèo mau lên, khuya quá rồi."
Khi mặt hồ thay đổi và hẹp lại, cây cối và nhà cửa dần dần biến mất. Hai bên chỉ là những ngọn đồi nhân tạo, với một túp lều nhỏ trên đỉnh đồi về bên phải. Tại chỗ này nước chảy mau hơn, và con thuyền lướt nhanh qua cái khe nhỏ hẹp. Giác Tuệ dành lấy mái chèo và thận trọng điều khiển con thuyền; con thuyền làm một vòng tròn rộng tới đằng sau một ngọn đồi nhân tạo, ngọn đồi trông rất cao và chặn lại một phần ánh trăng.
Sương mù bò lên mặt hồ, buông một tấm màn xuống vạn vật. Trời mỗi lúc một lạnh hơn. Mọi người uống xong tiệc rượu và ngồi sát vào nhau. Một tiếng chiêng vang lên mơ hồ từ xa, dường như thuộc về một thế giới khác. Giác Tân và Minh Phương hăm hở chèo thuyền.
Ngọc Cầm hỏi Thục Trân, "Vấn đề đi học của em đã được giải quyết chưa? Chị nghe nói ngày mai thày giáo sẽ tới."
Trong mấy ngày vừa qua, với sự cổ võ của Ngọc Cầm, Thục Hoa và Thục Trân không ngừng năn nỉ các bà mẹ cho phép họ được học chữ. Cuối cùng các bà mẹ đành phải bằng lòng cho hai người gia nhập vào một lớp học do một ông thày dậy các con trai trong nhà.
Thục Trân trả lời ngay, "Giải quyết rồi. Em sẵn sàng học."
Ngọc Cầm nhận xét, "Chị không ngờ các em thành công dễ dàng như vậy."
Giác Tuệ xen vào, "Chuyện này cũng không có gì lạ. Cha mẹ các em không phải tốn một đồng tiền nào - thày giáo cũng vẫn lĩnh cùng một số lương dù ông ta dạy bao nhiêu trẻ con trong một gia đình. Con gái của những gia đình khác cũng đang học đọc và học viết, thì em cũng không nên quá hãnh diện cho sự mù chữ của con gái trong gia đình mình. Chừng nào má của Thục Trân đồng ý thì ba của Thục Trân không bận tâm; dẫu sao chú ấy cũng không bao giờ quan tâm đến những chuyện này, nếu con gái học trong nhà, đặc biệt là học những "sách của thánh hiền." Khi nhắc tới "sách của thánh hiền" Giác Tuệ cảm thấy nổi da gà; chàng không thể đè nén một tiếng cười mỉa mai.
Sự giải thích của Giác Tuệ làm vấn đề trở nên rõ ràng đối với mọi người. Không ai cần giải thích thêm nữa.
Những con sóng bạc đầu nhấp nhô và sương mù phủ kín mặt hồ khi con thuyền tới gần chiếc cầu cong lờ mờ trong sương. Những ngọn đèn điện trên bờ hắt ra ánh sáng đỏ và vàng trong sương mù. Mọi người đã làm một chuyến đi vòng khắp hồ.
Từ con thuyền trôi chầm chậm, mọi người thấy hình ảnh của trăng lấp lánh trong sương mù là một cái gì khá hấp dẫn. Trong lúc mọi người mải nhìn quanh thì con thuyền đã trôi qua tòa nhà Nhật Nguyệt. Giác Tân hỏi mọi người đã muốn trở về chưa.
Giác Tuệ nói, "Khuya quá rồi, và ở nhà còn có món bánh nhồi thịt ngon ngọt chờ đợi chúng ta."
Vì không có ai phản đối, Giác Tân lái thuyền vào bờ. Sau khi con thuyền được buộc vào cây liễu, mọi người bước lên và đi qua cây cầu.
"Tôi chưa bao giờ hưởng một buổi tối thích thú như thế này trong đời tôi," Giác Dân phê bình, và được vài người khác đồng ý.
Nhưng Giác Tân vẫn đang suy nghĩ - Phải chi có Lệ Mai ở đây với chúng ta...
Và Ngọc Cầm tự nhủ - Lần khác ta phải đem Lệ Mai đến nhập bọn.
Khi mọi người bước từ hoa viên ra, hai đứa bé Giác Anh và Giác Xuân chạy ra đón họ. Giác Anh hứng khởi kêu với Giác Tân:
"Ðại ca đọc tờ báo ấn bản đặc biệt chưa? Người ta đã khỏi sự đánh nhau!"
Giác Tân thấy khó hiểu. "Tại sao có ấn bản đặc biệt? Ai đánh ai?"
"Ðây, Ðại ca hãy đọc lấy," thằng bé nói, hãnh diện được là người loan cái tin quan trọng ấy. Nó dúi tờ Nhật Báo Quốc Gia, ấn bản đặc biệt, vào tay Giác Tân.
Giác Tân đọc tờ báo, tâm trí rất căng thẳng. "Tổng đốc đã ra lệnh mở một chiến dịch chống lại Trương tướng quân. Giao tranh đã bắt đầu."