Số lần đọc/download: 256 / 22
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Chương 5
R
ộp rộp rộp... Vó ngựa liền vệt dài như suối chảy. Rộp rộp rộp... vó ngựa khua rung mặt đất. Ngựa về vun vút như những luồng gió. Ngựa về, âm vang náo nức từng hồi chuông đồng.
Làng Nhuần ứ đầy thanh âm, màu sắc. Tiếng ngựa hí, tiếng người reo, tiếng giáo mác, kim khí va chạm, dồn dập, náo động.
Chưa bao giờ có cuộc tụ hội lớn, sôi động cả rừng núi tới tim gan người như thế ở làng Nhuần. Mừng vui thật lòng, người làng Nhuần, đứng dài bên con đường mới mở, vỗ tay chào đón những cánh quân từ các nơi xa tới.
Đến đầu tiên, từ lúc tinh mơ, là hai mươi con ngựa của cụ phó châu Lục Đinh Hoàng. Cụ Hoàng đầu trần, cặp mày áy trụi hơn hớn nhướng cao, cưỡi trên con ngựa bạch sạch sẽ từ lông bờm tới móng guốc, yên cương bóng nhoáng, có một người đi trước dắt. Sau cụ, hai hàng lính trên lưng ngựa bước từ tốn, khoan thai. Ngựa tuy xấu mã, ức như ức gà, nhưng tất thảy đều thắng yên cương mới; lính tuy toàn hạng non trẻ vốn chỉ quen việc canh gác bản làng, nhưng chỉnh tề mũ lưỡi trai xanh, áo quần xanh, băng đạn vải bao bố quàng quanh vai đồng loạt, thảy đều mới may xong.
Đàn ngựa ấy đi khỏi thì ào tới như một con lốc bất thần ba con ngựa hồng, mun, nâu. Bụi mù lên. Nhưng vẫn nom rõ mặt ba người trai trẻ ở Can Chư Sủ, đó là Pao, Lừ, anh trai Pao và Chin, người chỉ huy đội chống cướp của làng. Pao cưỡi con ngựa hồng, đệm một tấm chăn chàm cũ, như bay qua cái cổng chào, giơ tay hét to:
— Quân của Pa Kha tới kia rồi!
Cánh quân Pa Kha đã tới. Năm chục người, cả quân kỵ lẫn quân bộ. Lính kỵ nhún nhảy trên mình ngựa chạy nước đường trường, vừa để dưỡng sức, vừa để cho lính bộ đi theo cho kịp, trông thật là lỉnh kỉnh và hỗn độn. Ngựa thì yên cương đủ kiểu. Mà con nào cũng kềnh càng hai bên sườn những mã làn chất đầy rau cải, bu gà, bu vịt. Lính bộ, lẫn lộn người H'Mông áo lanh nhuộm chàm khuy vải, người Tày áo đen, hai túi dưới, mặt ai nấy đỏ hăm hăm, nhưng ngơ ngơ ngác ngác như rắn không đầu. Hoàng Văn Tường không thấy đến. Cũng chẳng thấy ai ra mặt thủ lĩnh đám lính lôi thôi lếch thếch nọ. Họ đến làng Nhuần thì cứ tự động tản ra, và chỉ thoáng cái đã nhôn nhao mua bán, đổi chác, rồi ngả ngay ra bên đường, hạ nạng thồ, mở cơm ăn.
Buổi trưa vừa đứng bóng thì cánh quân của châu úy Vàng Đình Tráng tới. Ông Tráng to bè, vóc dáng nông dân, nhưng mặc cái áo vàng như áo thày cúng, trên đầu có lọng xanh che. Trước ông là một người cưỡi ngựa mắm môi mắm lợi giương một lá cờ vàng viền răng cưa đen. Trông xa ông Tráng giống như một vị thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa nông dân. Nhưng đi sau ông lại là hai mươi nhăm con ngựa nòi Mông Cổ cao lớn, hai mươi lính toàn mũ Nhật chum chủm, quần Nhật lưng lửng, đũng quần, đầu gối độn vải dày cộm.
Nối ngay sau đàn ngựa ấy là quân của lý trưởng Hản Sảo Long. Tiếp đó, dòng dòng, mù mù, ầm ầm, à à, không còn phân biệt được quân của châu nào, bản nào nữa. Cho tới một lúc, những người đứng đón nhao cả dậy:
— Đông quá kia! Úi chà đông quá!
— Ai mà trông oai thế kia!
— Cả bàn đèn thuốc phiện nữa kia!
— Hoan hô! Hoan hô!
Đó là cánh quân đông nhất của cuộc hội quân lần này: gần hai trăm lính, nửa là lính kỵ, nửa là lính bộ từ châu Mường Cang xa xôi tới. Thật là một đội quân có cơ ngũ tổ chức.
Tiến theo một đội hình chặt chẽ, đi đầu là một con ngựa mập, đen như than, mắt xanh, dữ tợn. Cưỡi nó là một người gầy vêu, cứng như gỗ, mắt trắng dã, hàm răng vổ bập chặt môi dưới, trông vừa oai vệ vừa khinh bạc, khắc nghiệt. Y mặc áo va-rơi dạ, cúc đồng mới vàng chóe. Mái tóc dày cộm theo nhịp chân phi của con ngựa cứ xập xòe như cái cánh gà, thỉnh thoảng bị hất lên lại lộ ra cái sẹo to bằng đồng bạc trắng ở bên trái thái dương. Người đó là sếp Lý Kiêu Đương, thủ túc số một của tri châu Nông Vĩnh Yêng.
Sau Đương, ngựa xếp hàng hai. Hai con đầu màu tía, trên lưng là hai người rập rình mềm mại như làm bằng cao su. Một người to béo, phụng phệu, đầu như cái trứng vịt, nguyên là tướng cướp Lù Pin Dìn. Người bên kia là sếp Thòn loắt choắt, mặt hốc hác, tai chuột, răng cắn một cái tẩu, trang phục lính khố đỏ, ngực lủng lắng mề đay, chân quấn xà cạp, đi giày da có đinh thúc ngựa. Cả hai gương mặt đều vênh vênh, như cậy mình là kẻ mạnh và sau lưng buộc chặt cái khay bàn đèn. Cái vẻ mặt ấy thi thoảng còn gặp ở đội lính đi sau. Các ông sếp trực tiếp chỉ huy các phân đội. Các phân đội đi cách nhau chừng hơn trăm bước. Ngựa chạy nước kiệu, cổ ngất ngất tợn tạo. Chốc chốc, dồn cự ly, chúng lại chồm vào nhau, móng sau choang móng trước, hí rộn lên bực bội. Đoàn lính bộ đi sau xếp hàng ba, rầm rập chân giày vải người Nùng, hải sảo người Xã, tua tủa giáo mác, súng kíp, hỏa mai, gậy gộc; thò trên các miệng địu sau lưng là đuôi kèn pi kè, cán dù, ống nước và dọc tẩu.
Pao buộc con ngựa hồng ở gốc cây ba-la, chạy ra gọi: "Mìn ơi!".
Một người đi sau chót hàng quân, mặt sần trứng cá đỏ thẫm, nghe tiếng gọi tách ra, chạy tới, mừng mừng rỡ rỡ, lắp bắp: "Pao đấy à, Pao!".
Pao nắm tay bạn:
— Mìn đưa tôi địu giúp cho. Gì mà nặng thế?
— Có hai con gà. Một cho anh Chính. Một cho Pao.
— Đừng thế!
Đứng cạnh hai người, Lử bỗng nhảy lên, gào:
— Pê H'Mông! Pê H'Mông tu trù lơ! Người H'Mông ta! Người H'Mông ta đến rồi!
Những tiếng gào khác cùng lúc bỗng nổi dậy, ồn ào. Nhiều người đang vừa chạy ngược lên, vừa nhảy cỡn, rối rít.
— Pê Mông chúng thể! Người H'Mông ta đông quá!
— Dúng dùa Pê mông! Nhất người H'Mông ta rồi!
— Pê Mông dung câu! Người H'Mông ta đẹp quá!
— Nỉnh chúng thể! Ngựa nhiều quá!
Pê Mông đến thật rồi! Đó là cánh quân thuần người H'Mông đông người nhất, từ Pha Linh, đi tắt qua Can Chư Sủ, xuống bờ sông Chảy, tới đây lúc xế chiều.
Bốn mươi ngựa, con nào cũng đẫm mồ hôi khoang lưng, đã rong ruổi hàng ngày đường, nhưng còn hăng máu ngựa chiến. Không thể lẫn với bất cứ đội quân nào, lính toàn áo quần H'Mông xanh chàm, đều một loạt sức vóc cường tráng, tóc cờm cợp, tóc xõa, tóc hoa roi, mặt lầm lầm, vừa khó hiểu vừa hồn nhiên chất phác. Niềm vui hồn nhiên và chất phác vẫn ở bên mình họ! Đó là những lồng chim họa mi. Bốn chục ngựa thì đến hai mươi con tênh tênh bên sườn cái lồng có con chim đang nhảy choanh choách.
Châu Quán Lồ đi sau cùng, sau cả ba sảo quán: Châu Quán Si, Lềng Sì Trà và Thèn Sèn Phà.
Lồ vẫn cưỡi con ngựa màu lửa, đi bước một, vẻ thong đong. Cái mặt tròn lì lì. Con mắt lành nhìn thẳng. Vẻ cao ngạo bộc lộ rõ nhất ở đôi môi dày màu máu đỉa bĩu bĩu. Hắn chẳng nói chẳng rằng. Cho tới lúc con ngựa quặt vào nơi đón tiếp. Lử hầm hập chạy tới, vồn vã. “Na nủ! Na nủ tu trù lớ!” * Hắn mới cúi xuống gật gật: "Mê tu trù lê lơ” *.
Cuộc đón tiếp tới xâm xẩm vẫn chưa dứt. Vì cứ thi thoảng lại một tốp người sùng sục tới, hỏi ở Châu nào xã nào, thì cứ: "Chi pâu ề" hay “Pú dỉn tờ”. Đó là những người bị lạc, những người nghe thấy nói đi đánh Quốc dân Đảng thì tự động cầm súng đi, chẳng biết ở đơn vị nào, thuộc cánh quân nào.
Tối sập, ban đón tiếp do Châu phụ trách đang thu dọn thì rầm rập một đoàn ngựa trắng chạy nước kiệu tới. Nhảy bịch xuống đất là một người to béo, trắng nhễu, ria mép xoăn vểnh, cổ to ụ, áo chàm rộng, lưng giắt thanh kiếm dài, tay cầm lá cớ trắng viền đen, giữa có hình vuông đen, xưng danh là Trương Căm, cầm đầu Man-di khai sáng đòi được tiếp kiến đại ca Lê Chính ngay.
Bấy giờ, đã là sau bữa cơm. Chính đang tiếp các vị đứng đầu các cánh quân trong căn nhà lợp lá gồi dài, hai dãy sạp vầu lúc nãy đã lố nhố bóng người ngồi. Cụ Lục Đình Hoàng ngồi ở đầu sạp, thả chân xuống một chậu nước nóng. Hai cô gái áo màu hoa thiên lý rửa chân cho ông cụ đã xong, lấy khăn bông lau khô, đang lồng bít tất cho ông cụ.
Thấy Chính, cụ phó châu liền đứng dậy, hai tay run rẩy bập vào tay anh.
— Mời cụ an tọa! Cụ đi đường xa, chắc là mệt lắm?
Đáp lời Chính, ông cụ đánh tia mắt về phía sau, hừ một tiếng khẽ, tức thì một cô gái nâng trên tay một cái bao vải đỏ, tiến đến trước mặt Chính:
— Dân bản chúng tôi xin kính biếu ngài đặc phái viên — Cụ phó châu nói, giọng run run — Đôi giày vải là... của cháu gái Bức, người được ngài cứu mệnh. Lụa, gấm là của dân bản...
Chính nâng cái bọc vải đỏ, tươi cười:
— Cụ Hoàng ơi, Cụ biến tôi thành viên quan của bọn thực dân mất rồi.
— Xin ngài...
— Tôi xin nhận đôi giày. Còn lụa, gấm xin kính biếu lại cụ nào già nhất bản vậy.
Ngoài cửa chợt có tiếng reo to:
— Đại ca Lê Chính!
Chính quay lại, giơ tay, cao giọng:
— Ông Trương Căm!
Ông thủ lĩnh Man-di khai sáng sầm sập bước vào, tới gần Chính liền khụy gối khoanh tay:
— Trình đại ca, quân của làng Dao Man-di đã tới từ nãy. Hiện đang dựng trại. Xin cho đệ được lĩnh mũi hiểm yếu trong trận này.
Đứng ở ngoài cửa, từ lúc tối đến bây giờ, Lồ vội quay lưng, đi ra sân. "Dà... ông Chính này vừa đẹp người vừa có dũng tướng. Tướng cướp Trương Căm còn chịu dưới quyền. Ông Đờ sao mà chẳng sợ! Hãy, ta theo người này có khi tốt hơn đấy".
Bước chập choạng trong đêm, lát sau Lồ bỗng dừng lại nép vào một khóm nứa. Có hai bóng người ở phía trước cầm đuốc đi tới. Hắn nhận ra đó là hai anh em Seng — Tếnh.
Vẻ hoang vu của khúc sông Chảy đi qua làng Nhuần tan hòa ngay cả khi đêm buông.
Lửa bập bùng vàng nháng từng đám, lấp lánh mặt khúc sông. Người ta đốt những đống lửa lớn ở bãi đá, ở nơi buộc ngựa, trong các lán trú quân để chơi đùa, múa hát, nấu ăn. Tiếng ngựa hí, tiếng chim họa mi hót, tiếng chó sủa, tiếng người reo không ngớt, chan hòa, sống động và tươi trẻ lạ lùng.
Thật là một cuộc hội quân hiếm có và khá kỳ lạ ở thế gian này. Kỳ lạ trước hết là ở thành phần của đám người, khiến thoạt nhìn có thể nghĩ rằng đây là cuộc hội tụ của những kẻ tứ chiếng giang hồ, tham dự một cuộc hội hè vui chơi trong chốc lát, rồi lại tan đi.
Kỳ lạ vì, rõ ràng đến đây để làm nên một sức mạnh mới, nhưng những con người họp thành lại là tứ xứ quần cư và lòng dạ họ còn đang ngổn ngang bao tâm sự, bao ước muốn khác biệt, thậm chí đối chọi nhau.
Trong cái khối chưa đồng nhất này, rõ ràng còn chiếm một tỷ lệ kha khá là những kẻ thiếu thiện tâm. Trước hết là các thủ lĩnh và các thuộc hạ của họ. Thiếu gì kẻ định dùng máu xương của binh sĩ họ vào cuộc mua bán danh lợi. Có kẻ sốt sắng tham dự và thúc giục binh lính mình ra đi vì coi đây là một mưu sâu kế hiểm, dùng kẻ thù diệt kẻ thù trong mưu đồ bá chiếm quyền hành của mình. Không ít kẻ chỉ thi hành điều cam kết khi đã có lệnh của phái đoàn quân sự Pháp từ bên kia biên giới điện về. Cũng không thiếu tên gió chiều nào che chiều ấy, lựa chân bước, vừa tham gia, vừa nghe ngóng binh tình, để kịp thời xoay xở. Và trong đám quần chúng có mặt đông đảo ở bờ sông Chảy đêm nay, cũng không phải hiếm những tên côn đồ rình chờ cơ hội kiếm chác lợi lộc trong cảnh chiến trận hỗn mang.
Rõ ràng họ không là một khối thuần nhất. Nhưng dù muốn hay không, thì ta cũng vẫn phải công nhận rằng, khát khao được giải phóng, ước muốn vươn tới một đời sống tốt lành hơn, đã trở thành khuynh hướng chủ đạo, là sức mạnh tinh thần lấn át của số lớn các thành viên tham dự cuộc hội quân này. Cụ Lục Đình Hoàng không hẳn là một người vụ lợi. Miền củ đầu tộc họ Tẩn giản dị, chân thực, là tấm lòng trung thực phò chính trừ tà. Hàng trăm thanh niên Dao, H'Mông, Xã, Nùng nghèo khổ khi lên ngựa là hướng tới một hy vọng, tuy chưa thật sáng tỏ, nhưng cũng đủ sức làm nức lòng người. Mìn ở Mường Cang chưa nguôi quên niềm uất hận với thổ ty Nông Vĩnh Yêng. Hai anh em Seng và Tếnh có mối thù không đội trời chung với Châu Quán Lồ. Trong sâu xa, giải phóng đã là một nhu cầu bức bách của họ, và Pao, mang trong lòng bao bức bối từ một đời sống trì trệ, rặt những cay đắng, tủi hờn, hẳn là đã khát muốn cháy bỏng một sự đổi đời lớn lao cho chính mình và cộng đồng.
Giải phóng! Đổi đời! Chính cái nguyện vọng âm thầm mà mãnh liệt của đông đảo bà con các dân tộc, đã thực sự là trường lực cuốn hút họ ra đi và bó buộc những kẻ thống trị họ cũng phải thỏa mãn yêu cầu của họ: đưa họ lên đường. Phải mau mau đi tới với họ, bắt rễ vào họ. Họ sẽ là chủ lực quân của cuộc cách mạng hiện nay và sau này ở mảnh đất tận cùng này của Tổ quốc.
Đi trong đêm, thỉnh thoảng rẽ vào một lán trú quân trò chuyện với các chiến sĩ, lòng Chính rạo rực những ý nghĩ trên.
Gần sáng, Chính định quay trở về thì thấy một đám lửa lớn mới đốt ở một cửa ngồi. Anh rẽ bụi cây đi tới và nhận ra hai anh em Seng — Tếnh.
— Đi ngủ đi chứ, hai anh em!
Seng, người anh, cao hơn em một chút, dỗ cái ống nứa tọt ra một đầu đạn chì, ngẩng lên. Chính tiếp:
— Đúc đạn ghém à, Seng? Tôi nghĩ súng quân dụng có đủ cơ số đạn rồi kia mà!
Tếnh ngước hai con mắt ẩn chứa hận thù:
— Sau này về nhà... còn phải dùng, cán bộ à.
Lướt qua người Chính một cảm giác tươi lạnh. Hai anh em Seng — Tếnh thế nào rồi cũng phải trả mối thù của họ. Kia, cặp mắt Seng vẫn cháy lửa:
— Cán bộ Chính à, bố tôi không phải chỉ bị họ đánh bị làm nhục, bị hại một lần. Một lần, nó bắt ông cụ buộc vào một con ngựa bắt ông cụ chạy theo. Lần ấy, ông cụ còn khỏe, gò được dây, con ngựa không chạy được, nên mới thoát chết. Một lần, nó lột truồng ông cụ ở chợ, đánh năm mươi roi. Chỉ vì ông cụ không chịu nộp thuốc phiện, bạc trắng, không chịu nghe lời nó. Nhục lắm! Đau lắm! Cán bộ ơi!
Lại những chuyện nghe mà sôi máu. Nhưng tình hình sẽ đơn giản hơn biết bao nhiêu, nếu có một khoảng thời gian rộng hơn và ai có thể đổi thay được điều kiện lịch sử này?
Chính đứng dậy, vỗ vai hai người bạn trẻ, tiếng nói nén chặt bao nghị lực;
— Tôi đã nói với các em rồi. Bây giờ, súng chỉ bắn một đích đã.
Hoàng Văn Tường loắt choắt trong cái áo va-rơi dạ, cái quần ngựa, tay cầm can bịt bạt, đứng ở cửa, ngả mũ phớt, kiểu cách:
— Xin các vị thứ lỗi. Tôi mắc bận chút việc, giờ mới tới được.
Đó là buổi họp của những người đứng đầu các cánh quân chuẩn bị cho trận đánh sắp tới. Tường đã dùng dằng không muốn đi. Y có hiểu biết gì về quân sự? Nhưng phán Thông giục. Và bây giờ, ngồi xuống cái ghế ở đầu dãy bàn này, lia một vòng mắt, tính giá trị từng thành viên của cuộc họp, y mới chợt giật mình: chà, thật là ngu dại nếu y vắng mặt. Là bởi vì, toàn những bộ mặt ghê gớm cả!
Châu Quán Lồ sẽ thành vua chột lúc nào ai mà biết được. Lý Kiêu Đương hắn không chỉ ôm mộng làm sếp cho họ Nông. Lục Đình Hoàng. Vàng Đình Tráng... được lợi thời cơ, ai dám chắc họ sẽ bỏ lỡ. Còn Trương Căm, Lù Pin Dìn. Còn bao nhiêu bộ mặt mới xuất hiện, xem tinh tướng thì đâu có phải là những kẻ hèn kém? Còn ông lão người Dao vẻ mặt trịnh trọng xem ra rất ưu thời mẫn thế kia nữa, chà!
Trong cái đám người ngồi quanh ba cái bàn nối dài; Tường thấy chỉ có một gương mặt khả ái của một người tầm thước, mặc quần áo bộ đội, vải ga-ba-din, điệu bộ trông hơi kiêu, nhưng ra dáng là người có học, từ cách búng tàn tới cách châm điếu thuốc. Người này vừa được Chính, đặc phái viên, giới thiệu sẽ là chủ tịch ủy ban Quân quản bên cạnh Văn phòng hành chính khi giải phóng Lào Cai. Hỏi người bên cạnh xong, Tường lom khom đi tới sau người nọ, ngồi xuống và khe khẽ: "Chào anh Nguyễn Đắc". Người nọ, quay lại chìa tay, vui vẻ: "Chào ông Tường" và dịch ghế, lấy chỗ cho Tường đưa ghế lên ngang hàng.
— Xin mời các vị yên vị để có thể bắt đầu là việc.
Tường ngẩng lên. Đối diện với y, Chính vừa đứng dậy, điềm đạm. Tiếp đó, không để ý đến vẻ ngơ ngác của Tường, cùng những tiếng xôn xao của cử tọa, Chính tươi vui và hóm hỉnh:
— Các vị thân mến! Cả đêm qua chúng tôi có đi thăm các anh em chiến sĩ. Anh em hỏi tôi nhiều chuyện. Có anh em hỏi: Quốc dân Đảng cũng là người Kinh sao ác? Việt Minh cũng là người Kinh sao tốt? Tôi kể chuyện đi công cán các châu, có người H'Mông vui lòng dẫn đường cho tôi không lấy tiền, lại có người thấy tôi đến lại lánh mặt, không ra tiếp. Vậy là làm sao?
Đắc nghiêng đầu, hích nhẹ vai Tường:
— Một chính trị gia rất có duyên đấy, ông Tường!
Chính vẫn tự nhiên:
— Có anh em lại hỏi tôi: thằng Pháp nó thế nào. Tôi nói, nó là đứa ăn cướp. Anh em lại hỏi. Sao nó ăn cướp, mà các ông thổ ty lại rất thân thiết với nó? Tôi nói: xưa các ông thổ ty không biết, nay biết rồi, không thế nữa.
Đắc lại ngoảnh sang Tường, mắt nhay nháy, khoái trá và thán phục.
— Anh em đòi đánh Pháp — Chính tiếp, cặp mắt sáng nheo nheo — Tôi nói: ta như người đi đường xa. Mỗi ngày một chặng. Bây giờ đánh Quốc dân Đảng đã. Anh em đều bằng lòng. Chúng ta nhất định phải đánh thắng Quốc dân Đảng để giải phóng toàn tỉnh, lập chính quyền nhân dân, mưu hạnh phúc cho đồng bào. Nhất định chúng ta phải chiến thắng!
Đắc hơi nhổm lên. Những câu nói cuối cùng của Chính có hơi lửa. Con người Chính uyển chuyển quá, đẹp quá.
Đắc với cái mũ sắt treo ở trên vách, đặt vào đầu, thít chặt quai. Sau Chính, Đắc sẽ trình bày kế hoạch tác chiến. Nhưng anh chưa kịp đứng dậy thì huỵch một tiếng, ở ngay bên cạnh, Lý Kiêu Đương buông rơi cái gót giày, bật ngay dậy:
— Ông tri châu chúng tôi nói: Việc cử ai giữ chức vụ tỉnh trưởng phải được bàn bạc dứt khoát ngay từ bây giờ.
— Ha ha — Nhạy cảm, Tường ngồi bên trái Đắc, trề môi, dài giọng: — Chắc là ông tri châu Mường Cang xung phong đảm chức vụ nặng nề đó, có phải không, ông Đương?
— Không được! — Thình! Cái bàn nảy mạnh. Châu Quán Lồ mặt lầm lầm, nắm đấm dộng xuống vẫn đặt nguyên trên mặt bàn.
Tường nhếch mép:
— Ông Nông Vĩnh Yêng cậy có quân số đông những hai trăm mà!
— Toàn loại choảng pin, thổi cái hay hết! — Lồ đế.
Đương vểnh mặt, hai con mắt ngạo ngược, giọng ồm ồm:
— Lính của tôi phiên chế theo kiểu quân đội của Tưởng thống chế. Có trung liên cào cào.
— Chúng tôi toàn kỵ binh quen chiến trận!
— Kỵ binh ngựa thồ.
— Há há... há há.
Tường cao giọng:
— Người đứng đầu chính quyền phải là người có học, chứ không thể là kẻ thô lỗ, võ biền, vô học, các vị nhớ cho.
— Ông nói thế ám chỉ ai?
— Ai có tật người đó giật mình!
Chết thôi, tranh nhau nói có khi họ còn đánh lộn nhau không biết chùng. Miền củ ngồi im từ đầu đến giờ đã thấy lo lo, bỗng đứng phắt lên. Miền củ là chủ nhà ở đây. Miền củ vỗ hai tay bộp bộp:
— Sao lại như gà vịt nhốt chung một lồng thế? Trăm họ về đây phải chung một tiếng nói chứ! Rừng nào cũng có cây cao bóng cả. Cây cao bóng cả ở đây là Việt Minh. Ta phải nghe lời Việt Minh, quý vị ạ.
Hai chiến sĩ đã khiêng vào phòng họp một cái khung nứa dán tấm bản đồ toàn tỉnh vẽ bằng mực tím.
Đắc đứng nghiêng. Cái bản đồ trông giống hình con bướm xòe rộng hai cánh, có những chấm đỏ ghi tên mấy địa danh Pha Linh, Mường Cang, Pa Kha, Bản Lẩu... Sông Hồng Xẻ chéo một vệt đỏ là cái sống lưng con bướm, và mắt con bướm, khoanh tròn hai vòng là thị trấn tỉnh lỵ Lào Cai, cái đích của cuộc tấn công sắp diễn ra nay mai.
Cây gậy trúc chuốt bóng trên tay Đắc khoanh một vòng tròn quanh cái "mắt con bướm". Giọng Đắc vang vang:
— Tôi đã đích thân vào trinh sát ở đây. Hiện thời, quân số của chúng, kể cả bọn Trung ương Quốc dân Đảng từ dưới xuôi chạy lên, bọn đại bại ở Phong Thổ chạy về, có khoảng năm trăm tên. Ban chỉ huy chúng tôi cho rằng, đại quân của chúng ta...
"Ban chỉ huy". "Đại quân". Rồi "mũi thứ nhất". "Cánh thứ hai". Lối nói đại ngôn, với các từ ngữ được phóng to hết kích cỡ không ngờ hợp với chất giọng của Đắc quá. Đắc đại đội trưởng, Chủ tịch ủy ban quân quản tương lai, càng nói càng hùng hồn, mê mải.
— Đánh cho chết bọn Xã đi!
Nhưng lát sau, đúng lúc Đắc vừa ngắt câu lấy hơi, bỗng từ ngoài sân hắt vào một tiếng thét thật dữ tợn. Mọi người trong phòng họp đứng bật cả dậy. Bên ngoài có đám đánh nhau to. Nhìn ra đã thấy cái sân bụi mù mù loạn xà ngầu tiếng gào thét, chửi rủa:
— Giết chết bọn Xã chân thối!
— Đánh bỏ mẹ đồ con mèo đi.
— Kin sù trái, ni trái sù hi. Kin sù khở, ni trái sui tỉ (Người Kinh ở, mày ở mặt nước; Người Kinh đi, mày ở đáy nước).
— Pê Mông đâu! Giết bọn Hán gian!
Bụi bốc đám lớn. Ruồi bay từng đám vu vu. Trên đất, một người vừa ngã xuống, chồm dậy rút con dao nhọn bên sườn. Có tiếng người rú, tiếng chân người chạy ràn rạt.
Từ phòng họp, Đắc nhảy ra, bước lên một cái gốc cây chặt bằng ở giữa sân, rút súng, giơ cao.
— Đoàng! Đoàng! Đoàng!
Ba phát súng nổ chỉ thiên tức thời lập lại được trật tự. Đắc giậm chân, mắt đỏ ngầu, thét vỡ họng:
— Đồ thổ phỉ! Đồ giặc cướp! Định làm loạn, hả? Giải tán! Giải tán! Các vị chỉ huy về bắt ngay cho tôi những kẻ làm loạn này. Bắt ngay!