Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
in thầy Hải bị phòng nhì bắt nhanh như chớp lan truyền ngay về làng Sọ. Mấy bà đi chợ huyện về làng thì thào vào tai nhau:
- Chính mắt tôi thấy thầy Hải bị thằng Tây lùn giải đi.
- Trời ơi! Rơi vào tay Tây lùn chỉ còn nước chuẩn bị áo quan mà chôn thôi.
Mấy ông già họ Bùi đến nhà trưởng họ bàn nát nước mà cũng không tìm ra được kế gì giải cứu cho thầy giáo. Nghe nói thầy Hải bị bắt quả tang hoạt động kháng chiến. Có chứng cớ hẳn hoi. Bây giờ thì chỉ còn có cách như trong truyện Thủy hử là cướp ngục mà thôi. Nhưng ở thời hiện đại này rất khó có chuyện cướp ngục. Chỉ trừ phi bộ đội ta mở chiến dịch quét sạch đồn bốt khỏi khu vực này. Chuyện này đâu có dễ. Nó phụ thuộc vào cả chủ trương của tỉnh. Mà chủ trương thì đâu có thể vì một sinh mệnh cá nhân.
Tôi đi hóng hớt nghe tin. Trốn cả sư phụ lên phố huyện nghe ngóng. Chuyện này quan trọng với tôi lắm. Sư cụ Vô úy là thầy tôi, cả thầy giáo Hải cũng là thầy tôi nữa. Họ là những người dẫn dắt tinh thần cho đời tôi. Sư cụ đã chẳng có lúc nói với tôi rằng đạo là phải gắn với trần gian, với đời người ta. Đạo là phải vì đời. Ví dụ không có đời nữa thì còn cần gì có đạo. Vả lại còn chị Nguyệt nữa chứ. Thầy Hải gắn bó với chị tôi. Hình như điều này là hạnh phúc của chị tôi, mà còn là hạnh phúc của cả tôi nữa. Tôi hãnh diện có thầy là anh rể. Mất gia đình, chị em tôi tìm thấy chùa là gia đình. Song đó mới là cái gia đình tinh thần. Nó vô cùng quan trọng, nhưng dù sao con người cũng gắn bó với tình máu mủ ruột rà. Tôi ở chùa nhưng vẫn rất thèm khát một gia đình trần thế. Thì đây, anh Hải chị Nguyệt sắp đem lại cho tôi sự thỏa mãn ấy. Anh Hải ơi! Thầy Hải ơi! Em biết làm gì cho thầy bây giờ. Em chỉ là một thằng bé, một chú tiểu, thế thì trong cơn sóng cả gió lớn này, em có thể làm được điều gì giúp anh cơ chứ. Anh ơi! Em chỉ còn biết khóc mà thôi. Buổi chiều tà, trèo lên gác chuông trên tam quan đánh hồi chuông thu không. Tôi cầm chiếc vồ gỗ đánh vào chiếc chuông, chậm rãi đánh để nghe tiếng ngân nga của nó lan tỏa trên cánh đồng làng. Tiếng chuông thu không thật êm ả nhưng cũng thật u buồn làm sao. Đánh xong mỗi nhát vồ tôi lại nhắm mắt ngồi im để tiếng chuông u oa của nó rung lên trong đáy tim tôi. Nghe chuông chùa, nhiều người cảm thấy được xoa dịu, cảm thấy như tiếng chuông vuốt ve an ủi tâm hồn mình. Nhưng riêng tôi, kẻ đánh chuông, trong những ngày ấy, lại thấy chúng như tiếng nức nở. Khóc cùng nhân gian cũng là một cách an ủi chứ sao.
“Thầy Hải ơi! Mấy tháng trước, em cùng ông phu phố huyện, dùng chiếc xe bò lộc cộc kéo thầy em về chùa. Thầy em có làm gì đâu, còn bị người ta đánh cho gẫy chân thập tử nhất sinh. Còn thầy thì sao? Người ta bảo chúng bắt thầy với đầy đủ tang chứng...”. Tôi không dám nghĩ tiếp đến cái kết cục cuối cùng mà thầy Hải phải gánh chịu.
Tối hôm ấy, sau bữa ăn, tôi dọn dẹp vội vàng rồi ra vườn chùa ngồi bên gốc nhãn. Tôi ngồi đến khuya. Hết cả nước mắt để khóc. Đã quá nửa đêm, thầy tôi phải ra đặt tay lên vai tôi mà bảo:
- Đời người vốn là thế đấy... Hãy ráng học cách bình tâm... Thôi con ạ, để sáng mai ta đi hỏi xem sao.
Sáng hôm sau, sư cụ - thầy tôi chống gậy trúc tập tễnh đến nhà cụ chánh Long. Một tay cầm gậy, một tay nắm vai tôi.
- Bạch hòa thượng: Sao không sai chú tiểu gọi tôi ra chùa hầu chuyện mà lại... Rõ khổ! - Ông chánh ra tận ngõ đón thầy tôi vào. Còn thầy tôi thì rất kính cẩn:
- Bẩm cụ chánh, nhà chùa quê mùa này xin cụ chánh mở rộng lòng từ bi chìa tay ra giúp. Thầy Hải sắp làm con rể nhà chùa. Mà cũng là con dân làng Sọ, dưới quyền của cụ. Chắc ở đây có sự lầm lẫn nào đó. Thầy Hải vẫn được tiếng trong làng là nghiêm cẩn, là đức độ. Ai ai cũng mến. Chúng tôi là người tu hành chẳng biết nhờ cậy vào ai. Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn biết nhờ cậy vào cụ. Cụ là người có tiếng tăm. Một lời nói của cụ với quan đồn thì gấp trăm gấp nghìn lời nói của người dân chúng tôi...
Cụ chánh Long rất vì nể sư cụ Vô úy. Cụ thường khoe với dân làng rằng hai người cùng học chữ nho một thầy, là chỗ đồng môn. Cụ chánh thường tôn vinh sư cụ là lão sư huynh.
- Bẩm lão sư huynh. Thực quả là thời thế đã thay đổi lắm rồi. Lão đệ nào còn chút quyền hành gì. Nhưng huynh đã dạy thì đệ xin nghe. Chuyện này để lão đệ nói với cháu Mật xem sao.
Sự thực sư cụ cũng hiểu điều đó. Nhờ vả ông chánh cũng chỉ cốt đạt được điều ấy. Quản Mật mới là người có quyền thế. Hôm ấy, quản Mật về thăm cha. Ông ta đứng ngoài sân sau nói chuyện với mẹ, thấy sư Vô úy đến thăm cụ chánh, biết nhà chùa đến nhờ vả việc gì. Ông bèn vào nhà nói:
- Bạch sư cụ và thưa thầy. Con cũng xin nói chuyện này cho thật rành rẽ, kẻo rồi làng ta lại có sự hiểu lầm. Thực ra, từ trước đến nay, họ Bùi và họ Nguyễn vốn có những chuyện xích mích. Nhưng thưa hai cụ, trong chuyện của anh Hải, họ Nguyễn chẳng dính dáng gì. Đây là chuyện chính trị, chuyện người Pháp và Việt Minh. Bây giờ đã rõ rành rành ra rồi. Anh Hải là Việt Minh chính cống. Sư cụ cũng rõ đấy, Việt Minh bí mật đào hầm ở ao chùa, còn sư cụ chẳng biết đấy là đâu, thế mà phòng nhì cũng bắt giam cụ, lại còn tra tấn nữa. Huống hồ là chuyện anh Hải làm Việt Minh bị bắt quả tang... chuyện tày trời ai mà chẳng hiểu. Thầy con nể cụ nên nhận lời chuyện ấy... Con cũng phải thành thực tạ lỗi với cụ. Chuyện này quả thực quá sức con. Không ai có thể chạy chọt được đâu, cụ ơi...
Hai thầy trò tôi đành phải dắt nhau ra về. Đêm hôm ấy, và cả những đêm sau nữa, trong lúc tôi đang ủ rũ, trong lúc thầy Hải của tôi chắc đang bị tra tấn, thì thầy Vô úy tụng kinh gõ mõ. Sư cụ gõ mõ cho tới quá nửa đêm. Lạ chưa! Tiếng mõ đều đều vào không gian. Lời khẩn cầu kêu gọi chăng? Tiếng mõ vượt không gian siêu linh đi tìm các bậc Bồ tát cứu khổ cứu nạn hãy về với ngôi chùa quê nghèo hèn này, hãy dang tay ra mà cứu vớt những kiếp người nhỏ nhoi đang gặp phải bạo tàn với muôn vàn bất hạnh. Hay là tiếng gọi nhằm tới một chốn xa xăm nào.
Cái đêm cuối cùng, tiếng mõ của thầy tôi bỗng nhiên rất khác lạ. Nghe nó ta thấy cồn cào trong dạ. Nghe nó ta không ngủ được, nó làm mắt ta chong ra.
Có người còn bảo nghe nó thấy dựng cả tóc gáy. Cứ như thể có loài quỷ dữ đang đi trên những ngọn tre, xõa tóc mà hú gào oán than. Trong làng nhiều người nghe rõ tiếng mõ đã nói như vậy.
Đêm ấy, ở cái miếu hoang trên núi Yên Tử, sư huynh của tôi, sư Khoan Độ, đang đêm bỗng giật mình tỉnh giấc. Lòng dạ cồn cào bất an. Mắt chong ra không ngủ được. Rồi như có ai cấu vào tim mình, có ai bóp cổ mình cho nghẹt thở. Nghe thấy trong gió có tiếng ai kêu cứu. Tiếng gọi rất xa xăm và rất mơ hồ. Cái đêm ấy chính là đêm thầy Hải của tôi bị tra tấn đến chết đi sống lại.
Khi ấy, cùng sống với Khoan Độ còn có hai người nữa, đó là Thuồng Luồng và Sáu Nhỏ. Ngày xưa, lúc Độ xuống tóc đi tu, Thuồng Luồng không có duyên với Phật, liền trở về đảo. Anh cũng đã chán cảnh giang hồ nên lại quay về nghề đánh cá, câu mực trên một con thuyền nhỏ trong vịnh đảo sống qua ngày. Một người đàn bà quê Thái Bình trôi dạt ra mỏ, thương anh, chấp nhận lênh đênh, chấp nhận sống trên con thuyền nhỏ suốt đời với anh. Em chị ta là Sáu nhỏ vì uất ức đánh cai mỏ, bèn trốn ra biển cùng với anh chị. Mỏ thuê lính Tây đem canô gắn máy truy tìm. Hôm ấy Thuồng Luồng và Sáu Nhỏ đi đánh cá xa. Chỉ còn vợ Thuồng Luồng đang có mang ở nhà. Chúng đánh đập tra khảo người đàn bà đến trụy thai. Chị chết vì băng huyết.
Thuồng Luồng dẫn em vợ lên rừng làm nghề đốn củi, xẻ gỗ. Đi ngang qua miếu hoang lại gặp người xưa. Ba kẻ lang thang mừng quá tụ lại, bám vào nhau mà sống. Khoan Độ bảo:
- Huynh chỉ biết trồng sắn trồng rau sống qua ngày. Còn các em, cũng đừng làm nghề thảo khấu nữa.
- Đại ca chớ lo. Đệ đã bỏ từ lâu. Bây giờ, hai anh em chỉ cần vác rìu vác cưa là đủ sống cho cả ba người. Xin đại ca cứ ngày đêm tụng kinh, gõ mõ, cầu Phật cho thỏa thích. Nhớ tụng kinh thêm phần cho cả hai em. - Thuồng Luồng vừa nói vừa cười ha hả.
Sau cái đêm cồn cào mất ngủ ấy, Khoan Độ nói với hai người em:
- Hai đệ ở lại đây trông miếu cho ta nhé. Suốt đêm qua ta bồn chồn. Lòng nóng như lửa đốt. Chắc chắn sư phụ ta và ngôi chùa đang gặp nạn. Ta phải về với họ.
Thuồng Luồng nhìn mặt Khoan Độ bảo:
- Sắc mặt đại ca không tốt. Ấn đường hắc ám. Kỳ này đi lành ít dữ nhiều. Đệ không cam lòng để huynh ra đi một mình. Thế này nhé. Đệ và cậu Sáu sẽ cùng đi với huynh. Không chần chừ gì nữa. Dù thế nào, ba người cũng hơn một người... Đại ca còn sợ gì nữa nào... Giấy thông hành, có tiền là mua được. Ôtô lúc nào cũng chạy rầm rập ngoài đường cái. Chỉ tối hôm nay ta đã về đến phố huyện.
Lúc thầy giáo tôi bị tra tấn trong nhà giam, sư cụ tôi gõ mõ ròng rã bảy hôm. Bảo rằng gõ mõ thế để các Bồ tát mười phương về hộ trì cho thầy giáo đủ sức chịu đựng nổi sự hành hạ của ma vương.
Lúc thầy giáo tôi bị chặt đầu, rồi đầu xám ngoét, ruột trắng lòng thòng bên trên cọc thuyền nan trôi sông, sư cụ của tôi lại kiên trì tiếp tục gõ mõ đến tận khuya. Bảo rằng để giải oan cho thầy, để hồn thầy chóng vãng sinh vào cõi Tây phương cực lạc. Đầu thầy Hải bị trôi sông.
Đầu thầy đã bị bêu ba ngày đêm. Canh khuya hôm ấy, tiếng mõ của sư cụ đã dứt từ lâu mà tôi vẫn thao thức, không tài nào nhắm mắt nổi. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh cái đầu lâu thầy Hải lại hiện ra trong trí óc tôi. Con thuyền ma quái được kéo đi diễu hành trên sông Đào. Để phô trương sức mạnh của quân đội viễn chinh, để đe dọa nhân dân, cảnh cáo những người đi theo du kích, Bernard cho thuyền dừng lại ở các bến nước, và bắt các dân làng ven sông ra xem để nghe hắn nói những lời đe dọa rồi cả những lời đường mật. Cả nhà chùa cũng buộc phải đi xem. Đôi mắt thầy Hải tôi vốn sáng. Người có đôi mắt sáng là người thông minh, và dễ dàng gần với tâm nhà Phật. Thầy tôi bảo thế. Sư cụ chọn thầy Hải làm rể nhà chùa, chọn chồng cho chị gái tôi cũng vì điều đó. Sư cụ bảo chị Nguyệt:
- Con có thể tin cậy được người này. Thầy thấy chẳng nhìn lầm người đâu. Đôi mắt thầy giáo nói lên cái trí và sự trung thành. Con người này không phản bội những điều tốt đẹp.
Nhìn cái đầu từ xa, nhưng sao tôi vẫn thấy rõ đôi mắt của thầy Hải. Có lẽ những lời nhận xét của sư cụ đã ăn sâu vào tâm tưởng của tôi, hay là hàng ngày ngồi trong lớp, nhìn đôi mắt hiền từ của thầy quá nhiều nên ấn tượng về chúng đã thấm vào trí não của tôi, cho nên lúc này dù đứng ở xa, dù cái đầu để trong cái rọ thưa, tôi vẫn thấy đôi mắt rõ mồn một. Chỉ có điều khác là dù đôi mắt ấy vẫn rất sáng nhưng chúng lại ánh lên một nét căm hờn. Sự căm hờn là điều tối kỵ ở chùa. Phải tránh xa sự căm hờn, nhưng thú thực lúc ấy tôi đã nhìn thấy những tia nhìn ấy. Và thú thực lòng tôi cũng dâng lên một niềm xúc động. Lại còn bộ lòng ruột nữa chứ. Nó trắng hếu, nó lòng thòng. Lại còn con quạ đen ngửi thấy mùi xác chết đã bay tới đậu trên thanh ngang của cây thập ác, tức là trên cánh tay của chiếc áo bù nhìn thấm máu. Chắc cái áo ấy tượng trưng cho cánh buồm của con thuyền ma trôi trên sông phù sa màu máu loang. Dân làng Sọ câm lặng cúi đầu xuống. Chả một tiếng xì xào. Trong không trung chỉ nghe thấy tiếng quạ kêu và tiếng hò hét của Bernard.
Chiếc thuyền ma cuối cùng được neo lại ở bến làng Sọ. Neo ở đấy vì làng Sọ là trung tâm cả vùng. Neo ở đấy còn vì lý do người ta đồn rằng đó là con đường đi lại giữa vùng tạm chiếm và khu du kích. Quãng sông này nông có con đường từ bến dẫn qua trước mặt chùa làng.
Tối hôm ấy, tôi còn đang mơ màng nghĩ tới con thuyền ma quái và đôi mắt của thầy Hải thì một bóng người bỗng lù lù hiện ra ở đầu giường tôi. Cái bóng cao lớn làm tôi sợ hãi. Tôi chưa kịp nhận ra mọi chuyện thì cái bóng đã bịt lấy miệng tôi. Tôi giãy giụa, nhưng bàn tay rắn như thép đã ghìm tôi xuống. Và một giọng thì thào quen thuộc:
- Đừng sợ nào. Sư huynh đây mà... Huynh không muốn cho sư phụ biết rằng huynh đã về... Này... đệ hãy nghe cho rõ những lời huynh căn dặn đây...
Sáng hôm sau, lúc mặt trời lên đầu ngọn tre thì con chó vàng sủa rộn lên ở ngoài cổng tam quan. Tôi vội vàng chạy ra. Có hai người mặc quần áo nâu, một người đeo rìu, một người mang chiếc lưỡi cưa xẻ được uốn vòng lại cho gọn rồi khoác trên vai. Người lớn tuổi vạm vỡ nói:
- Chúng tôi thợ xẻ, nghe nói nhà chùa muốn đốn cây.
Tôi vội vàng dẫn họ xuống nhà tổ gặp sư cụ. Thầy tôi nói:
- Nhà chùa muốn hạ hai cây. Một cây mít trăm tuổi, cỗi lắm rồi. Chục năm nay không có quả. Ta muốn cho cây được hóa kiếp thành tượng Phật. Các bác phải khéo. Vì thân cây ngắn chưa đủ chiều cao hai pho. Cho nên không được chặt mà phải đào cả củ rễ.
- Bạch thầy, chúng con hiểu. Sẽ cưa hết các cành. Sau đó chỉ còn thân mới đánh cả củ.
- Cây thứ hai là cây xoan ngoài vườn chùa. Ta thấy nó đã bị rầu ngọn. Nếu để lâu ta e sâu ăn lan xuống dưới hỏng cả cây.
- Bạch sư cụ cứ yên tâm. Mới bị rầu thì không lo. Chúng con sẽ hạ xuống. Cũng đánh cả củ rồi ngâm xuống ao cẩn thận cho nhà chùa.
- Các bác cứ làm cẩn thận. Nhà chùa sẽ có thưởng. Còn chuyện ăn ở, các bác ở tạm cái nhà lá bên ao chùa. Bà vãi Thầm dạo này ốm yếu về ở với cháu rồi. Nhà bỏ không nhưng hàng ngày chú tiểu vẫn ra trông nom dọn dẹp, cho nên cũng tươm tất, sạch sẽ...
Thế là Thuồng Luồng và Sáu Nhỏ được tự do chiếm lĩnh ngôi nhà lá của bà vãi Thầm. Tôi biết hai người thợ xẻ này là đàn em của sư bác Khoan Độ. Hai người cũng biết quan hệ giữa tôi và sư bác nên thân thiết với tôi lắm. Hàng ngày, sau khi làm công việc chùa, tôi lại đi theo hai người để giúp đỡ và nói chuyện cùng họ. Người lớn tuổi tên là ông Luồng có sức khỏe phi thường. Ông ta cầm rìu bổ củi. Bổ đâu trúng đấy. Gỗ cứng đến thế nào cũng chỉ một nhát là toác làm đôi. Người bé nhỏ có cánh tay thịt sắt lại, chuyên dùng cây cưa xọc sáng loáng. Tên anh ta là Sáu. Sáu nói với tôi:
- Cưa này của Tây. Chỉ một người cũng cưa được. Một ngày tớ mài cưa hai, ba lần. Lưỡi nó chẳng khác gì đao kiếm. Dùng nó chém chết người như chơi.
Tôi vội nói:
- A di đà Phật. Đứng trên đất tam bảo, sao anh lại nói lời hung tợn?
Sáu cười hì hì rồi chữa lại:
- Ấy là tôi nói đối với kẻ ác. Chứ thực ra tôi dùng cái cưa này để bảo vệ nhà chùa đấy.
Tôi lấy làm ngạc nhiên, vì sau cái đêm gặp tôi, sư Khoan Độ chợt biến đi đâu mất. Tôi cũng tuân theo lời sư bác không nói với sư cụ rằng sư bác đã về. Sư Khoan Độ giấu sư cụ như vậy chắc cũng có nỗi khổ tâm riêng. Tôi tin ở sư bác. Tôi tin ở ngón tay mà sư bác đã tự đốt. Tôi tin ở lòng tận tuy của Khoan Độ đối với thầy tôi. Khoan Độ dù có làm điều gì thì điều ấy cũng chỉ tốt đẹp đối với thầy tôi và với ngôi chùa mà thôi. Mãi về sau tôi mới biết hết những gì đã xảy ra.
Đến tối thứ ba, quá nửa đêm, sư Khoan Độ mới xuất hiện ở căn nhà lá của bà vãi Thầm. Trong bóng tối, ông nói với hai người em:
- Các chú ạ, thảm lắm! Thảm lắm! Đầu lâu thầy giáo Hải bị bêu giữa sông đã một tuần rồi. Thây thầy giáo họ Bùi đã chôn rồi, nhưng thiếu đầu là không xong. Các cụ họ Bùi lên xin mà Bernard không cho. Nó bảo còn bêu hàng tháng. Hồn người ta nằm ở cái đầu. Nó còn dọa sẽ vứt đầu đi để thầy Hải không được hóa kiếp. Mới đầu, tôi định một mình đi ăn trộm cái đầu trả về họ Bùi. Sau điều tra ban đêm mới biết, Tây Bernard định dùng đầu lâu thầy Hải để làm mồi nhử. Hoặc du kích bên kia sông sẽ tới. Hoặc Việt Minh bên này sông sẽ từ phía chùa đi ra. Hàng đêm, chúng vẫn phục kích gần đấy. Có đêm chính Tây Bernard dẫn một tiểu đội đi phục. Khoảng chín giờ tối chúng xuất phát. Bernard muốn che cái lốt Tây và súng ống của mình, thường cải trang thành người nhà quê. Đội nón, mặc quần áo nâu. Trời rét mưa phùn nên thường khoác chiếc áo tơi lá. Tôi biết chỗ phục kích của chúng nó rồi. Tình hình thế này, tôi không thể một mình, phải nhờ các chú giúp một tay...
- Em thử nói thế này, đại ca nghe xem có ổn không - Thuồng Luồng nói - Thực ra, bọn Tây lùn em không sợ đâu. Chúng phục kích, mình không biết phục kích hay sao? Cái hơn của mình à biết rõ quy luật của chúng, còn chúng hoàn toàn bâấ ngờ không biết chúng ta. Cái hơn của chúng là vũ khí. Em trộm phép đại ca, đã giấu đem theo hai quả lựu đạn Mỹ để trong đám đồ nghề. Bọn chúng đi phục kích nên phải ít người … Anh điều tra rõ rồi phải không…Chúng chỉ có sáu đứa … Thằng Tây lai này gan to thật … Như vậy ta phải một chọi hai. Đệ có cái rìu. Chú Sáu có cái cưa … Còn đại ca? Chắc phải dùng cây tre đực làm côn. Đại ca dùng côn thì quỷ khóc thần sầu rồi… Nhưng đệ vẫn sợ một điều … Sợ gì à? Sợ đại ca ấy … Nếu đại ca đồng ý thì lần này ta phải đại khai sát giới … Mà đại ca thì đã xuống tóc đi tu … Đại ca phải giải lời thề một phen đi … Thằng Tây lùn là loại ác ôn … Trời không dung đất không tha nổi cho nó … Nó đã bẻ gãy chân sư phụ đại ca rồi đó … Nó đã chặt đầu bao người dân lành rồi đó … Hãy quyết định đi… Nó còn sống một ngày là dân không yên một ngày. Diệt trừ một kẻ ác ôn như vậy …chắc đức Phật cũng phải bằng lòng … mà đại ca phải nhớ điều này nhé. Đại ca chỉ chờn lòng một chút thôi … là tính mệnh của ba chúng ta đều gặp nguy …Chúng em xin giao tính mệh vào tay đại ca quyết định …
Thuồng Luồng đã quyết tâm, và đẩy sư Khoan Độ vào chỗ tột cùng tình nghĩa nên ông cũng phải thở dài, quyết tâm. Sau khi bàn tính kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, họ quyết định phục kích vào tối hôm sau.
Khi bóng tối sập xuống, họ bí mật đến bờ sông. Con sông Đào vừa tưới vừa tiêu. Tưới thì ít, chỉ những chân ruộng gần sông. Con sông đào đã lâu, từ thời nhà Nguyễn. Đất đào lên đổ sang hai bên. Cho nên, tuy không có đê, những ruộng sát sông cũng có phần cao hơn.
Chỗ phục kích của ba người là nơi có mấy cái mả đã cải táng từ lâu. Gỗ ván thôi người dân đã mang hết về làm chuồng lợn. Đất lở, đất sụt lâu ngày nên hố chỉ còn sâu đến bụng, cỏ dại mọc um tùm che kín miệng cái hố. Thật là nơi lý tưởng để giấu quân. Khoảng tám giờ họ đã ẩn nấp xong, tức là họ đã đến từ lâu trước khi Bernard xuất quân, trong khi đó viên sĩ quan Pháp hoàn toàn mù tịt về sự có mặt của ba người và ba người ấy lại đang phục kích chờ hắn.
Lúc đó vào tháng bảy. Nước con sông Đào rất to. Nước dâng lên kín cả bãi. Nước quãng này nông. Mùa cạn chỉ lên tới bụng, lội qua dễ dàng. Còn mùa này nếu lội lên tới ngực nhưng vẫn là nơi nông nhất. Cho nên qua sông mùa này, thông thường ai cũng qua đây.
Trời tối thui như mực. Mưa lâm thâm. Khắp cánh đồng mênh mông lúa con gái. Êch nhái giun dế mừng mưa kêu lên inh ỏi. Ba chàng dũng sĩ gần như hoàn toàn cởi trần. Người nào cũng chỉ mặc chiếc quần đùi. Khoan Độ căng mắt núp trong cỏ, căng mắt nhìn ra dòng sông, nhưng chả thấy gì. Chỉ khi nào ánh chớp nhay nháy trên bầu trời mới trông rõ con thuyền ma quái ở giữa dòng sông hiện ra, nhưng chỉ là cái bóng. Độ thầm nghĩ: “Đêm hôm trước, mình cũng ra đây định bơi ra trộm cái đầu lâu, chợt ngửi thấy mùi khét của thuốc lá Basto. Hôm ấy không mưa. Chắc có thằng lính nào nghiện nặng theo Bernard đi phục kích đã bị mình phát hiện. Còn đêm hôm nay, mình có thể đi ăn trộm đầu mà không bị phát hiện. Vậy tại sao mình vẫn phục kích nhỉ - Độ chợt cười mỉm trong lòng - Như thế không chỉ hoàn toàn là chuyện cái đầu. Trong thâm tâm, mình vẫn thích đánh trận này. Nghĩa là mình chưa dứt hẳn... Mình vẫn chưa hoàn toàn là một ông sư...”.
Ở cái mả cải táng gần đấy, có tín hiệu của Thuồng Luồng, báo chú ý, nó cắt đứt ngay dòng suy nghĩ của Độ. Anh liền định thần, chăm chú. Căng hết mắt, hết tai, hết cả óc ra để nghe ngóng, phán đoán. Hình như trong tiếng lúa rì rào, thoảng có tiếng lá lúa chạm vào nhau mạnh hơn. Như thể những chiếc lá dài, mảnh dẻ và nham nháp ấy va chạm vào những vật gì cứng hơn. Cái tiếng lạ ấy mỗi lúc mỗi gần, mỗi rõ. Nó ở trước mặt. Bây giờ thì rõ rồi. Đó là tiếng một tốp người đương rẽ lúa đi tới. Nghe rõ cả tiếng chân lội bùn nhóp nhép. Gã Tây lai này lợi hại thật. Hắn không đi trên đường, mà lội ruộng tới. Tín hiệu của Thuồng Luồng chuẩn bị. Trận đánh này Thuồng Luồng chỉ huy. Anh ta sợ Khoan Độ đã đi tu lâu ngày không quen chiến trận. Anh ta đặc biệt chỉ giao cho Độ một nhiệm vụ: Nếu tên Bernard trực tiếp dẫn quân đi, thì Độ phải bám chặt lấy, không để cho nó thoát.
Bóng tối mù mịt nhưng Khoan Độ cũng đã nhận ra những bóng đen lù lù xuất hiện. Một... hai... ba... Độ nhẩm đếm bảy tên cả thảy. Chúng đang tiến đến gần. Ô chết tiệt! Hình như chúng định phục kích đúng ở chỗ này. Tên đi đầu đi chậm lại. Kìa nó mặc áo tơi lá. Tây lùn đêm nay có mặt. Trời phù hộ ta hay sao mà chúng gom gọn lại thế kia. Đúng khi ấy, một tiếng nổ vang trời. Không kịp đếm xem bao nhiêu tên ngã xuống, cả ba người cùng đội cỏ xông lên như hung thần. Khoan Độ nhắm thằng áo tơi lá, thằng chỉ huy, lúc này đang phục xuống chuẩn bị bắn. Phải giáp lá cà để chúng không thể dùng súng. Phải chém giết theo kiểu thời nguyên thủy, vì đó là điểm mạnh của ta và cũng là điểm yếu của chúng. Một ánh chớp trên trời lóe lên, khiến chúng trông rõ ba con người mình trần đẫm mưa bóng loáng. Thuồng Luồng hét to vung búa bổ mạnh xuống đầu một tên làm máu và óc bắn tung toé. Sáu Nhỏ vung chiếc cưa mà buổi chiều anh đã mài từng răng sắc như lưỡi dao cạo. Còn Độ thì cưỡi lên lưng thằng mặc áo tơi, ra sức đấm. Tây lùn cũng khỏe. Nó đội lưng đứng dậy. Thằng này có súng lục. Nó quài tay ngang hông định rút súng, nhưng Độ đã nắm được tay nó. Còn tay và chân. Tây lùn dùng tất cả để đánh vào mặt Độ, để thúc vào ngực Độ, tuy nhiên hai bàn tay sắt của Độ đã bám được vào tay nó thì đâu có chịu nhả ra, dù cái đầu gối của nó tống vào bụng anh rất đau. Độ ra sức vặn. Nó ra sức chống lại. Cuối cùng rắc một cái. Tây lùn thét váng trời rồi nhũn ra.
Ba bốn cái xác nằm sóng soài. Có lẽ hai thằng lủi được vào ruộng lúa. Sáu Nhỏ gỡ được khẩu súng tiểu liên từ tay thằng địch vỡ đầu. Anh bắn liên hồi vào ruộng lúa nơi hai thằng tẩu thoát.
- Kìa đại ca, sao anh không khử thằng quỷ đó đi - Thuồng Luồng chỉ vào thằng Tây lùn vẫn đang bị bẻ quặt tay sau lưng - À... Tôi hiểu rồi... Thôi để nó cho bọn tôi.
Khoan Độ trao tên sĩ quan phòng nhì cho Thuồng Luồng. Thuồng Luồng vẫn bẻ quặt tay thằng Tây lùn, sai Sáu Nhỏ lấy dây thừng trói chân nó lại, và dùng thừng quấn quanh người nó như bó giò.
- Cậu định làm gì đấy?
- Anh cứ mặc tôi. Để cho chắc ăn anh ạ.
- Cậụ định dìm nó xuống nước.
- Dù dìm chết, nó cũng chưa hết tội. Nó hung tợn một thì em sẽ hung gấp đôi. Nó làm người ta đau đớn, thì em cũng phải làm cho nó biết thế nào là đau đớn.
- Đâm cho nó một nhát đi cho xong.
Độ nói nhưng hai người chẳng nghe.
Khoan Độ chắp tay ngẩng mặt lên trời, lầm bầm trong miệng. Hai người cưa một cái đầu. Kẻ bị bó giò rú lên như con chó dại sủa trăng. Chiếc thuyền bêu đầu trôi sông dập dềnh trên nước. Ông sư ngửa mặt lên trời ăn mày lòng từ bi của thế gian.
Ôi chao! Thật là phiền muộn! Sự thương xót ở thế gian này có còn sót lại chút nào không? Phải chăng chỉ còn là những tiếng đầu môi chót lưỡi.
Về sau yên hàn, sư huynh Khoan Độ của tôi trở về chùa, Độ không nói nửa lời mà chỉ mong sư phụ tôi dạy cho cách tụng kinh sám hối. Sư phụ nhẹ nhàng bảo rằng:
- Bồ tát cực chẳng đã phải làm những điều ngược ngạo, tuy nhiên lòng Bồ tát phải luôn không mảy may thù hận. Bất ly thế gian nhưng phải siêu vượt thế gian.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa