Nếu bạn không thể phạm sai lầm, bạn sẽ không thể làm được điều gì.

Marva Collins

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: zzz links
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4297 / 144
Cập nhật: 2016-02-19 21:18:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20 -
ăm nay, tôi đón Giáng sinh và chào mừng năm 1979 bằng bo bo.
- Vũ ạ!
- Gì?
- Năm nay tao 18, mày bao nhiêu?
- Mười bảy.
- Mày thấy điều gì khó chịu không?
- Thấy.
- Nói coi trúng ý tao không.
- Lũ nhóc bằng tuổi mình, ngu dốt hơn mình mà lại dạy dỗ mình, chửi mình, đục mình thê thảm.
- Đúng. Tao khó chịu lắm. Hồi trước, chúng mình còn nhóc và tụi bù đăng (bộ đội) hơn hai mươi tuổi cả nên mình nhỡ nó lớn. Bây giờ chúng mình lớn, tụi bù đốp (công an) nhóc, tụi nó có bằng tuổi chúng mình thì vẫn cứ nhóc. Tụi nó biết cái gì, nói ngọng níu no mà lên mặt giáo dục chúng mình, tao lộn ruột.
Mai bím xả xú bắp một mạch. Giá nó không hứa tôi chửi thề, văng tục, nó đã tuôn xối xả ngôn ngữ vỉa hè. Tôi hiểu chỉ ngôn ngữ vỉa hè mới đủ nói hết sự ấm ức của Mai bím.
- Mày ạ, tao bàn với Hòa đen rồi, phải chơi tụi nó.
- Mày tính làm anh hùng keo nữa? Bù đốp không phải là Cung củ đậu, Phú mù.
- Là gì cũng cứ chơi.
- Lấy gì mà chơi? Lớn hơn thì cũng đừng ngu hơn. Tụi nó có súng đạn, mày có gì?
- Tao có máu liều.
- Liều vô ích. Mày sẽ chết lãng nhách, kéo thêm nhiều thằng chết lãng nhách.
- Vậy cúi đầu lao cải suốt đời à? Phải vùng lên chứ?
- Không vùng lên ở đây.
- Ở đâu?
- Ở ngoài đời, ở khắp nơi.
- Tao rất thương mày, nhưng tao hơi chán mày, Vũ ạ! Chúng tao sẽ chơi rồi chết lãng.
- Tùy mày đấy. Tao nhớ có lần mày trách tao không níu mày lại, tao níu rồi đấy nhé, Mai.
Mai bím im lặng. Nó không trách móc gì tôi cả. Nó thần mặt một lúc rồi vò đầu giậm chân:
- Bao giờ nó mới cho ra, Vũ?
- Tao không biết, nhưng nếu mình không chết bệnh hay không để nó giết lãng, sẽ có ngày mình ra.
Tôi vỗ vai Mai bím:
- Tao rất phục mày. Tao không ngờ…
Mai bím hỏi:
- Ngờ gì?
- Không ngờ mày dám chống đối.
Mai bím thở dài:
- Mày còn nhớ tụi nhóc phục quốc, phục cò gì đấy ở Chí Hòa, khu FG không? Hồi đó tụi nó bằng mình bây giờ. Tao ưa nói chuyện với tụi nó, tụi nó bảo sống cần lý tưởng và lý tưởng của chúng nó là đục cách mạng.
Tôi nói:
- Mày nhớ và mày say men lý tưởng rồi. Tốt thôi. Thế tụi nó có giải nghĩa cho mày hiểu lý tưởng là gì không?
Mai bím lắc đầu:
- Không, tao cóc cần hiểu. Nó bắt mình, giam mình lâu, đối xử mình như chó thì mình phải đục nó. Mày tội gì mà nó bắt mày đẩy mày xuống hầm biệt giam, hầm cứt? Nếu mày níu tao, tao sẽ trốn trại.
- Kiên nhẫn chút nữa, Mai ạ! Tao không thích khiêng mày lên đồi Fanta. Tao muốn ba anh em mình về sống với ba má tao, rồi chúng ta sẽ gặp chú Tường.
Mai bím bớt nóng nảy. Nó thả mắt lên trời. Trời cao tỷ tỷ lần tay với của nó. Thằng nhãi móc túi quên hẳn cái dĩ vãng vỉa hè. Nó chỉ còn biết hiện tại và muốn đi xa.
- Mày bảo phải đợi hả, Vũ?
- Ừ.
- Đợi lâu không?
- Càng lâu càng tốt. Mày có ý nghĩ chống đối là tao phục rồi nhưng mày nên ngậm miệng.
- Tao nghe mày. Tao vẫn tin mày giỏi hơn tao.
- Mày mới giỏi. Mày sẽ đi học, sẽ đọc nhiều sách và mày trở thành vĩ nhân.
- Móc túi cũng trở thành vĩ nhân sao?
- Móc túi tao chưa đọc thấy, nhưng sẽ là mày. Còn bán kẹo, bán đậu phọng, nhặt sắt vụn thì vô khối, họ đều là vĩ nhân có thời thơ ấu khổ sở. Mày trên tất cả vĩ nhân, anh hùng vì mày đã trải đời niên thiếu của mày khắp nhà tù, khắp chế độ.
- Mày có bố tao không đấy, Vũ?
- Tao thật lòng, Mai ạ! Bố tao bảo thằng Nguyễn Cao Cầu dốt như bò, thuở nhỏ nó du thử du thực, lớn lên nó giết người tranh gái thế mà nó còn làm tới thủ tướng. Nữa là mày.
Mai bím có vẻ khoái. Thằng thật tốt, nó cứ sợ cái quá khứ móc túi theo nó tới khi chết. Mai bím rỉ tai thế nào mà cả đội lâm sản của Hòa đen không chửi thề, văng tục nữa. Chúng tôi bị bắt hồi còn là thiếu niên, giờ đã thành thanh niên, cái thanh niên rách rưới te tua và buồn thảm giữa rừng xanh đầy vắt muỗi thèm máu. Lớn lên, tự nhiên, chúng tôi thay đổi tính nết. Và chúng tôi dám nghĩ những điều mà còn bé, chúng tôi chưa biết nghĩ.
- Tao làm xong hình Chúa cho mày rồi, Vũ ạ! Tao hơi lạ.
- Lạ cái gì?
- Tao cố khắc nét mặt Chúa vui vui thì lại cứ hóa buồn buồn.
- Tao đã nói với mày rồi, Chúa sinh ra là buồn, buồn đến khi bị đóng đinh trên thập giá. Nó bêu nhục Chúa cạnh thằng ăn trộm, mày ạ!
- Hèn chi. Nhưng tại sao tao muốn Chúa vui, Chúa cứ buồn? Rõ ràng tao khắc miệng Chúa vui, thế rồi hóa sầu thảm.
- Chúa nhập vào mày.
- Tao không tin.
- Mày sẽ tin.
- Tao tin mày, không tin Chúa. Tao thề không tin Chúa. Mày bảo tao làm gì cho Chúa tao cũng làm nhưng nhất định tao không tin Chúa.
- Tại sao?
- Vì tao đã móc túi cố đạo và vì cố đạo đuổi tao, không cho tao ngủ ở cửa nhà thờ. Tao tức quá, chửi cả cố đạo lẫn Chúa. Chúa ghét tao, phạt tao, đêm ấy tao bị cớm vồ phải nằm Tế Bần ba tháng.
Tôi không nói chuyện Chúa với Mai bím nữa nhưng những gì tôi đã nói với nó về Chúa, nó nói lại cho bọn lâm sản nghe. Có hôm, tôi giả vờ núp một chỗ nghe Mai bím… truyền giáo. Bọn lâm sản phục Mai bím sát đất. Mai bím bảo tất cả phải tin Chúa vì Chúa của mọi người, Chúa là tình thương ánh sáng. Riêng nó thì cứ khăng khăng không tin Chúa. Tôi nghĩ, ngày nào đó, Mai bím sẽ phải thú nhận nó tin Chúa vì nó đã mơ mộng tương lai. Dưỡng như, chúng tôi không bị quản chế kỹ lưỡng. Người ta chỉ muốn chúng tôi nộp đủ chỉ tiêu lao động và khuyên chúng tôi đừng dại dột trốn trại. Thỉnh thoảng, người ta vuốt ve chúng tôi rằng chúng tôi tiến bộ rõ rệt, nhà nước sắp khoan hồng tha chúng tôi về sum họp gia đình! Cái “chính sách” dễ chịu chỉ áp dụng cho bọn lâm sản tự giác. Những đội khác bị đì tới chỉ.
Công an quản lý tù có phần khắc khe hơn, tươm tất hơn bộ đội. Trại đã có các thứ thuốc dân tộc trị tiêu chảy, kiết lỵ, rắn cắn. Đặc biệt thuốc Xuyên tâm liên chữa bách bệnh. Chúng tôi phải sinh hoạt đều đặn, phát biểu sôi nổi, thi đua sinh đoạt cờ đỏ lao động tân tiến. Tết năm nay, chúng tôi được ăn xôi và chè bà cốt và vẫn bị cấm không được nhớ nhà, cấm buồn bã, cấm hát nhạc vàng đồi trụy và phải thường xuyên cười tập thể ba ngày Tết! Tôi đã được khiêng xác chết lai rai trên đồi Fanta. Tôi tình nguyện vào tổ chôn cất vì chẳng hiểu sao, tôi thích ngọn đồi oan khiên ấy thế. Cứ mỗi lần chôn một thằng nhóc là tôi có một ý nghĩ mới về ngọn đồi.
Người bạn bé nhỏ, dễ thương của tôi, bé Hai, lớn như thổi. Nó chịu sắn khoai lao cải. Nó tưởng chung nhà với tôi, ai dè cu cậu sang đội linh tinh, và cái tổ quét dọn sân trại. Tôi bắt tặng bé Hai chú sóc bay nhỏ xíu. Nó nuôi sóc bằng bo bo. Con sóc khôn ra phết. Bé Hai đêm nào cũng cầu Chúa cho tôi về sớm. Để tôi đón nó về. Nó có niềm tin cao ngất và có một nơi chốn mơ ước. Đó là gia đình tôi. Đến một tuổi nào, tất cả trẻ con vô gia đình đều thèm khát có cha mẹ, anh em để trở về. Và tất cả đều trở nên những đứa bé hiền lành, ngoan ngỗn. Nhưng cuộc đời không chịu hứa hẹn những mái nhà mơ ước, qua thời gian khát khao, những đứa bé mòn mỏi khao khát, lại rút về chiến khu biệt lập của buồn thảm để độc ác hơn, gây nhiều tội lỗi hơn. Và cuộc đời lại khu trừ chúng nó. Nhà thờ thật nhiều, tu viện thật nhiều, những buổi lễ vô tích sự vì đã không làm đúng ý Chúa: “Hãy để trẻ con tới chúng ta…” Rốt cuộc, công dân thiên đàng tuyển lựa Chúa vào tù, đi lao cải và lên đồi Fanta.
- Anh ạ, nếu anh được về, anh sẽ làm gì? - Bé Hai hỏi tôi.
- Anh sẽ mang quần áo, thuốc men, kẹo bánh lên thăm em. - Tôi đáp.
- Anh có đi học nữa không?
- Có chứ. Anh bảo ba má anh sửa một cái phòng chờ em và thằng Mai. Ba đứa mình cùng đi học, cuộc đời sẽ khác em ạ!
- Ba má anh bằng lòng không?
- Bằng lòng chứ. Em yên tâm, em ngoan thế, ai chẳng thương.
- Em mong gặp lại ma xơ em.
- Chúng ta đi tìm.
- Còn viện của em?
- Quên viện đi, bé Hai. Nhà anh vui hơn viện.
- Nhưng ma xơ em ở đâu?
Tôi không biết trả lời bé Hai câu này. Chúng tôi thường ngồi vẽ vời cái ngày mai tươi đẹp và tôi thường bí khi bé Hai hỏi về ma xơ của nó. Hãy hình tưởng bé Hai đọc kinh và mỗi câu “Lỗi tại tôi” lại đấm tay vào ngực mới thấy ngậm ngùi. Thằng bé có lỗi gì đâu? Tại sao phải bắt nó nhận lỗi? Tại sao phải đầy nó lên rừng, hạ cây, san gò mối? Tôi bất bình cái thứ kinh kệ con nít đọc chung với người lớn. Người lớn có lỗi, người lớn gây tội, trẻ con chỉ là nạn nhân của người lớn. Nhưng người lớn chia lỗi cho con nít. Và con nít hứng chịu lỗi lầm một cách thê thảm. Bé Hai gánh chịu lỗi lầm cho bao nhiêu người lớn. Đã người lớn nào gửi tặng cho nó cái gì?
Ngày tháng đều đặn trôi. Bé Hai vừa quét sân trại mông mênh vừa nghĩ tới ngày về đi kiếm ma xơ của nó. Mai bím vừa câu cá trôi vừa nghĩ đến ngày làm loạn. Đứng nghiêm, dạ dạ, vâng vâng trước thằng bù đốp ngu dốt, ngọng nghịu, hách dịch. Mai bím dậy máu giang hồ. Nó nghiến răng chịu nhục. Vì nó thương tôi. Mai bím là một vị anh hùng, nhưng nhịn nhục trước một kẻ mình khinh bỉ còn anh hùng hơn, tuy lòng mình xót xa, đau đớn. Mai bím biết dưỡng sức để chờ phóng ra một cái đá đổ núi. Chúng tôi vẫn có những con cá trôi, xuyên từ miệng suốt đuôi, nướng trên đống than hồng thơm phức. Cảnh nướng cá giữa rừng của chúng tôi mà quay thành phim, khán giả coi sẽ thèm nhỏ dãi. Bọn lâm sản đã dám rêu chọc bù đốp, không sợ sệt như hồi sống với bù đăng. Chúng nó bắt chước vệ binh nói ngọng và hỏi những chuyện vớ vẩn rồi cười sảng khoái, Hòa đen thường đóng vai vệ binh mắng chúng tôi trong rừng: “Nao động thì nề mề, tư tưởng thì nấn cấn, nàm nười mà chỉ mong nễ nớn ăn thịt nợn. Ăn thịt nợn còn đòi ăn thịt nòng nợn nuôn. Bố náo bố nếu.” Chúng tôi cười um. Khi khác, Hòa đen đeo khúc cây giả khẩu AK, ngồi dưới gốc cây, ban lệnh “Thằng kia, nấy tao tí nửa hút thuốc ná.” Rồi nó huýt sáo gió bài Quê em. Nó vắt khẩu súng, mơ màng nhìn lên ngọn cây, hát: “Bao nà gươm, bao nà súng, dựng nưỡi nê đi nấy nại nàng xưa. Bao nòng dân…”
Chúng nó manh nha tư tưởng chống đối. Dân vỉa hè mà hết sợ hãi thì ghê gớm lắm. Hình như người ta cũng biết chúng tôi muốn gì nên người ta bỏ qua nhiều lỗi lầm mà, nếu chúng tôi còn bé, sẽ bị ăn roi dây điện nát da. Người ta dỗ ngon dỗ ngọt chúng tôi, bảo rằng đã đề nghị cấp trên thả chúng tôi về. “Về đâu, về đồi Fanta”, Mai bím bất mãn. “Các bố không về, các bố chỉ thích đục.” Tư tưởng chống đối lan sang đội 8 lâm sản. Chúng tôi được ăn một bữa cơm chiều, trong khi, cả trại ăn sắn lát và bắp đá. Lãnh tụ hai đội lâm sản là Mai bím, người anh hùng đã vùng lên diệt trật tự Cung củ đậu gian ác.
Tư tưởng chống đối và trốn trại âm ỉ trong đầu óc mỗi đứa chúng tôi. Nhưng lâm sản chưa trốn mà nhóc tì đã trốn. Ba thằng nhãi, đứa lớn nhất mười một tuổi, hai đứa kia bảy, tám tuổi, dắt díu nhau đi. Chúng nó tới chân đồi Fanta, rẽ về phía thị xã thì gặp cán bộ trại công tác ngoài tỉnh về. Ba đứa bỏ chạy vào rừng. Cán bộ đuổi bắt được hai đứa bé. Đứa lớn đến chiều mới bị thộp lúc nó đang ngồi bên bụi lồ ô khóc nức nở. Ba đứa bị đánh, bị trói và bị trình diện trước toàn đội. Từ ngày công an quản lý trại mới có màn này. Cán bộ đọc Quyết định thi hành kỷ luật ba nhóc tì. Quyết định hơi khác với quyết định của Cu lai câu mở đầu: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Còn thì giống hệt. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xêm xêm, hễ trốn trại là no đòn và xuống hầm biệt giam. Cán bộ lên lớp, cảnh cáo những thằng âm mưu trốn trại.
Hai hôm sau, năm thằng lâm sản đội 8 mất tích. Vệ binh truy lùng cả tuần không thấy tăm hơi. Để trả thù lâm sản, người ta bắt từng đứa đi làm việc, nhốt trong nhà một ngày, mấy thằng ăn cơm chung với năm thằng trốn, bị xuống hầm biệt giam, đội trưởng mất chức. Lâm sản không được lao động thông tầm. Xuất, nhập trại như các đội. Phải mất cả tháng, sinh hoạt lâm sản mới trở lại bình thường. Vừa bình thường thì mười thằng nữa của đội 8 lại trốn trại. Có ba thằng xui xẻo bị du kích Thượng thộp cổ, trói ké, đục thê thảm, đem về nộp trại lấy thưởng bo bo. Hòa đen sáng giá. Trại biểu dương nó. Đội 3 không hề bị kích động trốn trại. Vừa biểu dương hôm trước, hôm sau nó rủ thằng đội phó rông luôn. Mai bím được chỉ định kế vị Hòa đen.
Cả trại xôn xao tin trốn trại. Hễ ba hôm im lặng là, hoặc kẻ trốn trại thoát, hoặc bị cọp beo xé xác trong rừng sâu. Mọi việc rồi cũng đâu vào đó. Dịch trốn trại ngưng hẳn. Thời gian đều đặn trôi. Giữa năm 1979, trại phát động chiến dịch “Trồng cây nhớ Bác”. Chúng tôi trồng cây khuynh diệp từ cổng trại tới chân đồi Fanta, hai bên đường. Sau chiến dịch, trại giải tán toàn bộ các đội nông nghiệp, rau xanh, phát hoang. Đất canh tác ngô, khoai, sắn, rau được cuốc xới lại và trồng khuynh diệp, bạc hà, xả; các đội lâm sản, cấp dưỡng, linh tinh vẫn duy trì. Người ta muốn có dầu khuynh diệp, dầu bạc hà để bán. Trại Phú Văn kẻ chữ lại thành Nông trường Phú Văn. Bọn tù lao cải chúng tôi không có gì thay đổi.
Tôi chôn thêm bốn cái xác chết kiệt sức dưới hầm biệt giam. Mai bím ít nói, nó đằm tính một cách bất ngờ, không hé miệng nói năng chuyện đục bù đốp hay trốn trại nữa. Một hôm, giữa rừng vắng, Mai bím hỏi tôi:
- Mày dám trốn trại với tao không?
- Không. - Tôi đáp.
- Mày định sống suốt đời ở đây à?
- Không.
- Mày tin nó thả mày?
- Tao tin Chúa. Chúa không bảo tao trốn, tao không trốn.
- Vậy Chúa là thằng giám thị trại rồi. Nó bảo mày đừng trốn.
- Làm thế nào mày biết Chúa bảo mày trốn?
- Khi tao thấy thích trốn. Vậy tao biết Chúa bảo tao trốn vì tao đang thích trốn.
- Mày hãy tạ ơn Chúa đi!
- Tạ ơn Chúa giúp tao thoát để tao cứu mày.
- Mày cứu tao?
- Tao về Sài Gòn, tới nhà mày, báo tin cho mẹ mày biết, mẹ mày sẽ lên đây lãnh mày về. Mày ở đường nào?
- Công lý.
- Số mấy?
- 405/18
- Tao sẽ nhớ 9 nút, cách nào cũng 9 nút!
- Liệu thoát chứ?
- Thoát hay không thoát thì tao với mày cũng phải giả đò đánh nhau một trận, rồi ăn riêng, làm riêng, để mày khỏi liên lụy. Bắt đầu từ ngày mai nhé!
Mai bím móc túi đưa tặng tôi bức tượng Chúa khắc trên gỗ mun có sợi dây đeo i nốc như sợi dây chuyền.
- Tượng này đẹp hơn tượng trước. Sợi dây công phu lắm, Vũ ạ! Nếu tao chết, mày nhìn hình tượng Chúa nhớ tao nghe.
- Nói nhảm, mày sẽ cứu tao.
- Nhưng tao không tin.
- Tin gì?
- Tin Chúa. Tao chỉ tin mày thôi, tao tin mày cho tao ở nhà mày. Mày có nghĩ tao sẽ khá không?
- Mày sẽ phi thường.
- Tao không cần phi thường, tao khoái đục gọn bọn nó.
- Thế là phi thường.
- Tao khoái trả thù cho những thằng vỉa hè nằm trên đồi Fanta. Chúng tao thua dữ chết thảm quá. Mày cho tao chửi thề mấy câu nhé, Vũ?
- Không, không cần chửi thề. Chú Tường nói tao sẽ là anh hùng dân tộc. Chú Tường sai. Mày mới là anh hùng dân tộc, Mai ạ!
- Anh hùng móc túi.
- Người ta sẽ quên mày móc túi như đã quên bao nhiêu điều đê tiện, gớm ghiếc của các vị anh hùng dân tộc.
- Ai dạy mày câu ấy?
- Nỗi khổ.
- Mày vẫn hơn tụi tao.
- Hơn sao nổi, tao thua mày xa.
- Thế nhé, rõ chưa?
- Rồi.
Mai bím bỏ đi câu cá. Tôi ngắm nghía tượng Chúa và sợi dây i nốc tuyệt đẹp, công trình hi hữu của nghệ sĩ Mai bím, tôi đút túi, sẽ đem về nhà, kiếm chỗ dấu. Hôm sau, lúc chia phần ăn sáng, Mai bím cà khịa tôi. Nó lớn tiếng làm cả nhà, rồi cả trại ngạc nhiên. Tôi mắng nó. Nó nhào tới đấm tôi. Hai chúng tôi đánh nhau. Bọn trật tự biết, chạy lại can. Mai bím hùng hùng hổ hổ. Nó đóng kịch tài tình. Chúng tôi vào rừng, mạnh đứa nào đứa nấy làm, không nói năng gì với nhau, không ăn chung nữa. Bé Hai rất buồn vì Mai bím và tôi giận nhau. Nó thương cả hai. Tôi không dám giải thích cho bé Hai. Cứ để nó buồn hơn là để Mai bím bị bắt nguội.
- Anh ạ, anh phải xử hòa với anh Mai. - Bé Hai nói.
- Không hòa hỗn gì cả. - Tôi gắt.
- Vậy em đâu còn về nhà anh được?
- Em muốn về thì về, ai cấm em.
- Thôi em ở lại đây.
- Tùy em.
Bé Hai đâm chán tôi. Một tuần qua, Mai bím vẫn chưa chịu thực hiện ý định của nó. Hai tuần qua, nó vẫn ì ra, kéo dài sự xích mích giả tạo. Ba đứa tôi cùng buồn hiu vì vở kịch của Mai bím. Tôi không muốn gần gũi nó để hỏi đến bao giờ nó mới thăng. Mai bím trầm ngâm bất cứ lúc nào. Nó tính toán kỹ lưỡng hay là thối chí? Thú thật, tôi không mong Mai bím trốn trại. Linh tính tôi cho tôi biết rằng có cái gì trục trặc sẽ xảy ra và Mai bím lãnh đủ. Tôi đi tìm bé Hai.
- Anh nhờ em một việc. - Tôi nói.
- Việc gì hở, anh? - Bé Hai hỏi.
- Em gặp anh Mai hỏi anh ấy vụ đó sao lâu vậy, nhé!
- “Vụ đó” là vụ gì, anh?
- Anh sẽ cho em biết sau.
Bé Hai kiếm Mai bím. Nó về bảo Mai bím trả lời “còn kẹt”. Tôi không hiểu nó kẹt cái gì. Tôi có thể nháy mắt hẹn Mai bím giữa rừng, sợ đứa nào trông thấy thì bể mánh, đành thôi. Thằng này bây giờ lắm trò quá. Bé Hai cứ hỏi tới hỏi lui. Tôi phải giải tỏa thắc mắc của nó. Bé Hai “à ra thế” và xanh mặt lo sợ. Tôi thấy Mai bím sa sút kinh khủng. Rốt cuộc, gần một tháng âm mưu trốn trại, chưa kịp thăng thì Mai bím bị sốt rét.
Đồi Fanta Đồi Fanta - Duyên Anh Đồi Fanta