Số lần đọc/download: 2511 / 42
Cập nhật: 2015-07-30 00:41:14 +0700
Chương 20: Hiển Lộng Khinh Công Dụ Tâm Đăng Học Võ
T
hiết Điệp mỉm cười nói tiếp:
- Mi hãy thử thêm một lần nữa.
Tâm Đăng lấy làm thích thú, lắc đầu thúc giục:
- Không cần phải thử, sư bá cứ dạy cho tôi.
Bà ta thò tay ra vẫy Tâm Đăng và chú nhẹ nhàng bay vút lên, nắm lấy tay bà ta mà nài nỉ:
- Sư bá hãy dạy cho tôi môn khinh công này.
Thì ra ban nãy Thiết Điệp chỉ trổ sơ một chút nghề riêng cũng đủ làm cho Tâm Đăng mê mẩn tâm thần, phải nài nỉ bà ta mà học.
Bà nắm lấy tay Tâm Đăng, hai người bay trở về mặt đất, bằng một động tác cực kỳ nhanh nhẹn bẻ hai nhánh cây nhỏ bé, cắm vào mặt đất chỉ chừa ra ngoài một đoạn chừng ba bốn phân mà thôi.
Thiết Điệp trỏ ngọn cây đó mà bảo:
- Tiểu hòa thượng, mi hãy phi thân lên đó xem sao.
Tâm Đăng vâng lời nhảy vù lên ngọn cây, không ngờ Thiết Điệp lại hối:
- Bây giờ mi hãy rướn gân cổ mà kêu lên.
Tâm Đăng càng lấy làm lạ không hiểu tâm lý bà ta, nhưng vẫn phải gắng gượng kêu lên mấy tiếng lạ lùng quái dị.
Thiết Điệp ôm bụng cười nghặt nghẽo:
- Không được mi phải vận dụng nội công mà hú lên một tiếng thật dài.
Tâm Đăng nghe lời, thủ một thế Kim Kê Độc Lập đứng trên ngọn cây, dồn hết khí lực vào tận Đan Điền rồi phát ra một tiếng hú trầm hùng không thể tả.
Tiếng hú vang đồng vọng, có lúc như tiếng hổ gầm, có lúc như tiếng rồng ngâm, có lúc thanh tao dìu dặt, có lúc oai hùng có thể tan vàng nát đá.
Màn đêm mờ mịt, tiếng hú của Tâm Đăng nương theo hơi gió mà đồng vọng đến chốn xa xăm, làm cho cư dân gần đấy đều bàng hoàng thức giấc.
Sở dĩ người luyện khinh công đến mức cao thâm, thảy đều nhờ đem hơi sức từ đan điền lên, để cho thân người được nhẹ nhõm, hơi sức đem ra chừng nào thì thân hình nhẹ nhõm chừng ấy.
Nay Tâm Đăng đem hơi sức trong đan điền dồn ra ngoài nên thân hình nhẹ như bấc, nhưng tai ù mắt hoa, loạng choạng rơi trở về mặt đất.
Thiết Điệp nói:
- Hôm nay là bữa đầu tiên, mi luyện được đến mức này cũng là khá lắm, lần sau sẽ tiếp tục luyện thêm nhiều hơn nữa.
Đêm ấy chàng vất vả quá, vừa phải gắng sức thêu thùa một cách mệt nhọc, vừa phải gầm thét suốt đêm, cơ thể của chú mệt mỏi rã rời.
Suốt bảy đêm liền như thế, công lực của chàng đã tiến bộ nhiều hơn xưa quá nhiều, nghề thêu thùa của chú ngày càng thêm tinh vi, và khinh công của chú càng đạt đến mức tuyệt đỉnh.
Trong môn thêu giản dị kia có tiềm tàng một đường võ vô cùng lợi hại, có thể nói đường võ này là một đường võ phức tạp nhất trần gian.
Khi chú học xong, chú cảm thấy mình có thể đến hồ Tuấn Mã một cách yên lành và chú sẽ thành công rực rỡ.
* * * * *
Một tháng trời lặng lẽ trôi qua.
Và Tâm Đăng đã kết thúc đoạn đường học tập với Khúc Tinh và Thiết Điệp.
Chú thở phào một hơi nhẹ nhõm, dường như một người vừa trút được gánh nặng.
Đêm cuối cùng chú lê tấm thân mệt mỏi trở về Bố Đạt La Cung, vừa ngả mình lên giường, nghĩ rằng mình có thể ngủ một giấc yên lành sau một tháng trời học tập.
Nào ngờ... chính vào lúc đó có một người dùng một ngón tay búng nhẹ vào cửa mấy tiếng.
Tâm Đăng nổi nóng, càu nhàu:
- Lại người nào đến quấy rầy ta nữa, ta bất chấp, ta cứ ngủ một giác đã!
Nói rồi xoay mình vào bên trong nhắm mắt ngủ kỹ...
Người kia chờ đợi một lúc lâu không thấy động tĩnh lại búng nhẹ vào cửa thêm mấy tiếng.
Tâm Đăng vẫn không trả lời, chợt nghe có tiếng một người con gái nói một câu thanh tao nho nhỏ:
- Tâm Đăng! Ngủ chưa?
Tâm Đăng ban nãy quyết định ai gọi cũng không thức giấc, nhưng bây giờ nghe giọng nói người đó đập vào tai, vội vàng lồm cồm bò dậy, vì câu nói đó đã mang đến cho chú một nguồn kích thích mãnh liệt, bởi câu nói đó là giọng nói quen thuộc của Trì Phật Anh.
Vừa nhảy xuống giường, Tâm Đăng vừa trả lời:
- Chưa ngủ!.. Chưa ngủ...
Nói rồi mở cửa bước ra thấy Trì Phật Anh đứng cách đó ngoài ba thước, trên mặt vẫn che ngang vuông lụa, nàng nhìn Tâm Đăng bằng cái nhìn đầy vẻ huyền bí.
Tâm Đăng vừa lách mình bước ra thì Trì Phật Anh cũng xoay lưng bỏ đi, thì Tâm Đăng vội vàng đuổi theo nàng hỏi nho nhỏ:
- Cô đi đâu lâu quá, sao chẳng thấy đến thăm tôi?
Chú dường như thoáng thấy Phật Anh cười sau vuông lụa mỏng.
Phật Anh trả lời nho nhỏ:
- Gần đây ta không rảnh, mà ta cũng biết mi không rảnh.
Tâm Đăng giật mình nghĩ thầm:
- Chẳng lẽ cô ta biết mình học nghệ với Thiết Điệp và Khúc Tinh?
Mẩu đối thoại đến đây thì hai người đã bước đến một khu rừng sồi hoang vắng, Phật Anh ngồi xuống một phiến đá nói rằng:
- Tâm Đăng, ngày mai thầy cho ta nghỉ một ngày ta định rủ mi ra ngoài ru ngoạn, mi thấy có nên chăng?
Tâm Đăng mừng rỡ, nghĩ đến mấy hôm nay mình không đi thăm Bệnh Hiệp, vội trả lời rằng:
- Hay lắm! Nhưng sáng mai tôi không thể cùng cô đi chơi được vì tôi phải đi thăm Bệnh sư phụ.
Phật Anh suy nghĩ một lúc rồi nói rằng:
- Vậy thì chiều ngày mai, ta chờ mi trên ngọn đồi Tiểu Bình rồi sẽ đi ngoạn cảnh.
Tâm Đăng nghe nói, mừng lắm trả lời rằng:
- Được! Vậy chiều ngày mai tôi chờ cô tại đồi Tiểu Bình.
Phật Anh vui vẻ hỏi thêm rằng:
- Mi nghĩ xem, sau khi đến đồi Tiểu Bình, chúng ta sẽ đi đâu?
Tâm Đăng trầm ngâm nghĩ ngợi giây lâu mới nói:
- Mười mấy năm nay tôi chẳng ra khỏi chùa, không biết phong cảnh chỗ nào nên thơ, thôi để cô định đoạt vậy.
Phật Anh trầm ngâm suy nghĩ giây lâu mới trả lời:
- Vậy chúng ta đi ngoạn cảnh bờ sông.
Tâm Đăng mừng rỡ, vì rằng mười mấy năm nay, chú chưa hề thấy phong cảnh trời xanh nước biếc, vì suốt ngày phải giam mình trong Bố Đạt La Cung.
Thế là hai người quyết định một cuộc hành trình du ngoạn, Tâm Đăng có biết đâu sau chuyến đi chơi đó, đã để lại trong đời của hai người một mẩu tình lâm ly bi thiết.
* * * * *
Ngày hôm sau, Tâm Đăng từ ngôi nhà đá của Bệnh Hiệp trở về chùa, liền thay một bộ đồ thật sạch sẽ, trong lòng hớn hở mà tiến bước về phía ngọn đồi Tiểu Bình.
Khi chú đặt chân lên ngọn đồi thì Trì Phật Anh đã có mặt nơi đó.
Trên khuôn mặt của nàng hôm nay che một vuông lụa đen thêm, dày thêm, mái tóc huyền óng ả của nàng buông xuống hai bờ vai tròn trịa.
Tâm Đăng dầu mặc áo cà sa, nhưng vì chàng đã chừa tóc, lại búi trên đỉnh đầu, nên thoáng trông như một vị đạo sĩ.
Tâm Đăng hỏi:
- Sao cô cứ che mặt mãi thế?
Phật Anh chỉ lắc đầu mà không trả lời, chú nghe thấy Phật Anh dường như sợ hãi câu hỏi đó, càng tò mò, Tâm Đăng hỏi tiếp:
- Cô không phải là người Tây Tạng, cớ sao che mặt mãi?
Phật Anh có vẻ hờn dỗi trả lời:
- Tại sao mi cứ hỏi mãi?... Dường như mi muốn xem mặt ta lắm thì phải.
Tâm Đăng không ngờ nàng ta hỏi một câu thẳng vào tim đen của mình, bất giác đỏ mặt ấp úng trả lời:
- Không...! Tôi chỉ lấy làm lạ...
Phật Anh không trả lời, chỉ từ từ đi về phía trước, Tâm Đăng thấy trong tay nàng có xách một chiếc giỏ, vội hỏi:
- Trong giỏ đựng gì thế hả cô Phật Anh?
Phật Anh hờn yêu, gắt giọng:
- Ta biết thế nào mi cũng hỏi, đồ ăn chứ gì?
Thế rồi hai người từ từ rời khỏi ngọn đồi Tiểu Bình, vào giờ phút thần tiên này Tâm Đăng mới thật quên bẵng mình là một kẻ xuất gia đầu Phật.
Cặp thanh niên nam nữ đó, vừa vui vẻ chuyện trò vừa từ từ đi về phía con sông La Sa. Đó là một một con sông nằm ngang kinh đô Tây Tạng.
Lần lần Tâm Đăng thấy tốc độ của Phật Anh gia tăng, chàng cũng nhanh bước theo sau.
Không bao lâu hai người đã đến vùng trung du của con sông La Sa, trước mặt chú vùng mở ra một cảnh bao la bát ngát.
Người qua kẻ lại tấp nập, thuyền bè đậu san sát như lá tre, hàng trăm phu phen khuân vác lên xuống nườm nượp.
Đủ các sắc dân hiện ra trước mắt chú, nào người Tây Tạng, người Mông, người Hán... vội vàng... họ thảy đều tới lui nhộn nhịp, sống khác hẳn nếp sống bình thường giản dị ở trong chùa.
Chú ngây người ra trước cảnh tượng chú chưa từng thấy đó, tự nói với mình:
- À... thì ra những người ở ngoài đời, suốt ngày phải làm ăn lao lực để kéo dài đời sống của họ.
Tới giờ phút này, Tâm Đăng mới biết rằng, mỗi một con người muốn sống trên thế gian này thảy đều phải làm lụng một cách khó khăn vất vả.
Chú thấy trong thâm tâm mình lấy làm thán phục tinh thần lao động đó, vì từ ấy đến nay chú không hề nghĩ đến. Chú chỉ nghe những ông già Lạt Ma trong chùa nói rằng:
- Đời là biển khổ, con người chỉ là một con phù du bé nhỏ sớm mất tối tàn trong biển khổ mênh mông.
Nhưng ngày nay trước mắt chú thì khác hẳn, trên gương mặt mỗi người thảy đều lộ đầy vẻ thông minh và tràn trề hi vọng.
Chú thấy mỗi một người đều dùng hết sức lực để đẩy mạnh guồng máy trong xã hội này.
Đây là biển khổ ư?
Không!
Chú cảm thấy đây là mảnh đất mà cần con người phải ra sức làm lụng để sáng tạo, nếu con người mà muốn sống trên mảnh đất này thì phải nỗ lực làm việc, nếu không sẽ bị xã hội đào thải. Phật Anh đứng bên cạnh chú, thấy chú ngẩn người ra mà suy nghĩ, ngẩn người ra mà quan sát cái thế giới này.
Chú lộ ra một ánh mắt lạ lùng, kinh dị và sợ sệt.. Rõ ràng chú bị cái cảnh muôn sắc của xã hội làm cho cảm động!
Thình lình, Phật Anh vỗ vai chú hỏi:
- Nghĩ gì đấy?
Tâm Đăng giật mình quay lại cười rằng:
- Thật tôi không ngờ ở ngoài đời lại phức tạp như thế này, hèn chi mà nhà Phật bảo rằng đây là “đại thiên thế giới” (xã hội muôn mặt).
Phật Anh bật phì cười:
- Mi còn thuyết giáo nhà Phật gì nữa, mi đã không còn là người xuất gia, mi đã chừa tóc.
Tâm Đăng đưa tay lên sờ tóc xanh của mình cười nói:
- Nhưng dầu sao, tôi hoàn tục hay không hoàn tục, lòng tôi vẫn cứ phải gần Phật.
Phật Anh cười rằng:
- Thôi... đừng nói lảm nhảm nữa, chúng ta sang bên kia ngắm cảnh.
Suy tính một chút, nàng lại nói:
- Mi đợi ta, ta sang bên kia thuê một chiếc thuyền.
Nói rồi, không chờ Tâm Đăng trả lời, nàng bỏ đi thẳng.
Phật Anh đi rồi, Tâm Đăng đứng lại mà ngắm áng mây trôi lững lờ trên nền trời xanh thẳm mà nghĩ thầm:
- Ngồi trên một chiếc thuyền con lênh đênh trên dòng nước bạc thì còn gì thú vị bằng?
Cảnh tượng đó thật là quyến rũ Tâm Đăng, vì hồi nào tới giờ, chú chưa hề thưởng thức cảnh biển rộng sông dài.
Trong trí chú nảy ra một ý nghĩ:
- Trời đất thật là vĩ đại, sắp bày cho chúng ta bao nhiêu ngần ấy thứ, và để cho con người làm chủ nó.
Vừa nghĩ đến đây thì đã thấy Phật Anh đứng trên một chiếc thuyền con, từ xa xa đưa tay mà vẫy chú.
Chú mừng rỡ vô cùng chạy như bay về phía đó, thuyền còn cách bờ hơn năm trượng thì Tâm Đăng đã sử một thế Yến Tử Châu Liêm, bay vù ra giữa sông khẽ uốn mình rồi la đà rơi xuống lái.
Thuyền không chòng chành một chút và nhẹ nhàng trôi đi. Tâm Đăng tấm tắc nói rằng:
- Thật là thú...
Phật Anh thấy chú cứ mãi ngắm cảnh trời nước muôn trùng, vội bảo chú bước vào khoang để cho trạo phu dễ dàng làm việc.
Một tên trạo phu hỏi rằng:
- Chẳng hay nhị vị muốn đi về đâu?
Phật Anh không biết tiếng Tây Tạng, phải do Tâm Đăng thông dịch, nàng thấy trên thượng du nhiều người qua lại nên nói rằng:
- Đi lên thượng du...
Xem tiếp chương 21 Mối tình tay ba