Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Tác giả: Tobias Wolff
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1271 / 34
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hỏi Cung
hân chứng đang chơi trò chối quanh. Những lời chứng mà anh ta đã từng nói với bạn gái anh ta, với một y tá khác – những lời chứng có vai trò quyết định với vụ án của Burke – thì bây giờ anh ta từ chối nhắc lại trước tòa. Anh ta tuyên bố không nhớ mình đã nói gì, thậm chí cũng không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra: một trường hợp phẫu thuật vội vã và cẩu thả dẫn tới tai nạn. Kết quả của quá trình này – việc cắt đi một cái u nang, cắt một cách cẩu thả và không thể bào chữa được – là việc thân chủ của Burke liệt tay trái. Bà ấy vốn là nhân viên lễ tân ở một văn phòng cho thuê ô tô; giờ thì một người đàn bà 58 tuổi vốn chỉ biết làm lễ tân sẽ có thể làm gì khi bà ta không thể đánh máy được nữa?
Burke quyết định yêu cầu được giải lao một chút. Anh đã bay từ San Francisco xuống đây ngày hôm trước để đích thân lấy cung. Anh vẫn còn đang mệt vì chuyến bay không mấy dễ chịu: máy bay cất cánh muộn ở San Francisco, rồi anh phải chạy ở sân bay Dulles để kịp chuyến bay tới Albany, rồi phải lái một quãng đường ngược sông tồi tàn tới New Delft. Chuyến đi dài, đêm thì mất ngủ. Anh đã mất bình tĩnh trước sự đãng trí của nhân chứng, và để đáp lại, nhân chứng trở lên lầm lì, cau có – điều mà Burke cố tránh. Anh hy vọng một chút thời gian giải lao có thể làm dịu tình hình và cho phép lương tâm của người đàn ông kia trợ giúp trí nhớ anh ta, nếu như anh ta vẫn còn có lương tâm. Burke đoán là anh ta vẫn còn.
Luật sư của nhân chứng đồng ý tạm nghỉ: bốn mươi lăm phút. Burke từ chối miếng bánh và cà phê mà họ mời để đi bộ một lúc. Anh rời khỏi tòa nhà – một dinh thự xây theo lối kiến trúc dân chủ liên bang cũ, nay được sửa thành các văn phòng luật – và đi xuống đồi về phía bờ sông. Đó là một buổi chiều tháng Mười đẹp trời – ấm áp và có nắng vàng; những hàng cây đổi màu vàng rực rỡ, không khí đầy ắp mùi lá rụng. Cái mùi đó, và thứ ánh sáng mật ong… Burke đi chậm dần, anh đầu hàng ký ức về những ngày như thế này ở cái thị trấn mà anh đã lớn lên ở bang Ohio. Có một mùa thu đẹp trời hồi anh đang học năm lớp mười một, ngày nào cũng thế, ngập chìm trong ham muốn, run rẩy vì ham muốn, anh vội vã đi tới nhà một cô bạn lớn tuổi hơn. Suốt một giờ điên cuồng, trước khi mẹ cô ấy đi làm về, anh hưởng khoái lạc từ sự mạnh bạo của cô ấy. Julie Rose. Cái vết chàm hình đồng hồ cát trên cổ họng cô ấy… anh vẫn có thể nhìn thấy nó, và những cái rèm mỏng lật phật ở cửa sổ phòng ngủ, cả ánh sáng rực của những cái lá đang xào xạc trong gió ấm.
Dào, vớ vẩn quá. Sao lại có thể đắm chìm trong ký ức về một nơi mà anh đã đi đến chỗ coi thường và chỉ mong thoát ly.
Con sông xa hơn Burke tưởng. Anh có khổ người to lớn và đã cố gắng thu nhỏ mình bằng cách ăn kiêng và tập thể dục nhưng giờ đây, anh phải làm việc nhiều, ăn uống tùy hứng, và không có thời gian tập thể dục; ngay cả một đoạn đường ngắn thế này cũng làm anh toát mồ hôi. Anh nới lỏng cà-vạt. Khi xuống tới chân đồi, anh bỏ áo vét và vắt nó lên vai.
Burke đã hy vọng sẽ tìm thấy một con đường mòn chạy dọc sông nhưng đường xuống sông bị chặn lại bởi hai nhà máy lớn đứng sừng sững dọc bờ sông, phía sau những hàng rào có khóa bằng dây xích. Những nhà máy đã bỏ hoang, gạch rơi rụng từ trên tường xuống, tất cả các cửa sổ trừ những cái trên cao nhất đều đã bị đập vỡ – chúng lấp lánh vui vẻ trong ánh nắng cuối ngày. Những vụn rơm nằm rải rác trên mặt đường nhựa đã bị cỏ dại phủ lấp trong sân nhà máy. Anh quan sát khung cảnh với vẻ chua chát rồi quay đi.
Burke đi chừng vài trăm mét dọc theo hàng rào rồi vòng trở lại đỉnh đồi theo một con đường có vẻ thương mại. Mùi thức ăn mặn và ngấy tỏa ra từ một cửa hàng ăn takeout Trung Quốc – một đĩa mì mới ăn một nửa nằm giữa những túi xì dầu trên cái bàn ăn duy nhất bên trong. Người đàn bà ngồi ở quầy bán ngẩng lên từ trang báo để nhìn anh. Anh quay mặt đi rồi bước tiếp. Anh đi ngang qua một rạp chiếu phim cũ với những khung poster bỏ không và một cái mái trống hoác; qua một cửa hàng chăm sóc chó có các cửa sổ treo đầy ảnh chụp một người đàn ông tóc da cam cười toe toét bên cạnh một đàn chó xù được chải chuốt hết sức lố bịch; một cửa hàng tạp hóa đã được sửa thành một cửa hàng bán đồ từ thiện; và một hiệu may có biển “Đóng cửa” trên cửa sổ. Ở góc phố là một trạm xăng Mobil đã bỏ hoang – các cửa sổ bị niêm phong và những trụ bơm đã được dỡ đi từ lâu.
Burke dừng lại, nhìn lên biểu tượng con ngựa đỏ có cánh vẫn còn đứng phía trên trạm xăng rồi nhìn lại cả con phố anh vừa đi qua. Một người đàn bà so vai trong chiếc áo choàng quá cỡ đang đi tập tễnh dọc vỉa hè đối diện – đấy là người duy nhất anh nhìn thấy. Trông không khác gì một con phố ở thị trấn anh đã lớn lên – với những ngành công nghiệp đã phá sản và một bầu không khí ảm đạm. Người mẹ góa của Burke vẫn sống trong căn nhà cũ. Anh và vợ tới thăm bà đúng bổn phận; vợ anh khen thị trấn duyên dáng và yên bình nhưng Burke không thể tưởng tượng mình sống ở đó và cũng không chắc tại sao người khác lại sống ở đó.
Thực tế là, với anh, bất chấp tất cả những điều người ta nói về gia đình, sự kính Chúa và tình làng nghĩa xóm – tất cả những đặc tính của các bang miền Trung Tây nước Mỹ mà người ta hay nêu ra khi muốn phản bác lại những thành phố bị coi là quá căng thẳng và vật chất như San Francisco – có cái gì đó không thực sự lành mạnh trong cái vẻ hiền lành này, một cái gì đó lười biếng và não nề. Burke cảm thấy nó khi anh lang thang qua các đường phố ở nơi anh lớn lên và lúc này anh cũng cảm thấy nó.
Anh băng qua đèn đỏ, bước nhanh hơn; anh sẽ phải đi nhanh để có thể trở lại đúng giờ. Tất cả các dấu hiệu thương mại chấm dứt ở cái trạm xăng. Anh vượt qua vài dãy phố gồm những ngôi nhà nhỏ bé chen chúc nhau trên những miếng đất chật chội – chắc chắn đó là nhà của những người đã cống hiến cả đời cho các nhà máy kia. Hầu hết các ngôi nhà đều xập xệ; mái võng xuống, sơn nhà đã tróc, các tấm lưới ngăn côn trùng đã rỉ. Chẳng có tiền mà sửa.
Burke biết rõ câu chuyện này – anh có thể đặt cược trang trại của anh về chuyện này. Các công đoàn hẳn là bị phá vỡ hoặc bị mua chuộc. Rồi lương và các lợi ích của công nhân bị cắt liên tục dưới những lời đe dọa sa thải mà đằng nào cũng xảy ra khi công việc cứ bị chuyển dần cho những người lao động nô lệ ở các nước khác. Trong khi đó, những chủ nhà máy vẫn vui vẻ vẽ ra hình ảnh nhà máy như một đại gia đình và viễn cảnh về những ngày tươi sáng hơn trong tương lai trước khi bán nhà máy đúng lúc để tránh được khoản tiền phạt do đã làm ô nhiễm dòng sông trong cả một thế kỷ. Và rồi những người chủ mới – những con chim kền kền có bằng quản trị kinh doanh – sẽ sà xuống để mổ nốt số tiền trong quỹ lương hưu trước khi tuyên bố phá sản. Burke biết rõ toàn bộ câu chuyện và anh thấy kinh tởm, nhất là những người công nhân đã để cho chủ của họ chơi xỏ họ đồng thời vẫn để họ xoa đầu và ca ngợi mình như xương sống của nước Mỹ, như muối của đất, như những người Mỹ thực thụ. Lạy Chúa! Đến thế mà họ vẫn cứ cả tin, vẫn cứ bầu cử cho chúng như thể chính họ là kẻ cướp chứ không phải người bị cướp. Thế cũng đáng đời thôi.
Tim Burke đập nhanh, khiến mặt anh nóng lên và anh thấy mình lâng lâng, như thể anh đang trôi trên vỉa hè. Anh sải những bước dài, dứt khoát lên đồi. Một cậu bé tóc vàng đang quét lá vào trong một cái túi đựng rác. Khi Burke đi ngang qua, thằng bé tựa vào cái chổi, nhìn anh – tiếng trống chói tai, dồn dập vọng ra từ cái máy nghe nhạc đeo bên tai thằng bé.
Cả nước Mỹ đang bị khoét rỗng như thế này đây – bị ăn sống nuốt tươi từ bên trong mà không có ai chống cự. Thật đáng xấu hổ và có lẽ là nhục nhã nữa khi phải chứng kiến người khác bị xô đẩy hết chỗ này đến chỗ khác mà không chống cự. Có lẽ chính vì thế mà anh đã nhận lời bào chữa cho thân chủ này của anh – một bà già mắt lồi với một cánh tay bỏ đi; bởi vì bà ta dám chiến đấu. Chỗ nào cũng như húc đầu vào tường, chỗ nào cũng bị yêu cầu phải nộp chứng cứ, rồi lại còn bị quay lén, bị lăng mạ bởi những lời đề nghị hòa giải tởm lợm, thậm chí bị dọa kiện ngược, nhưng bà ấy chỉ cúi đầu thấp xuống rồi tiếp tục tiến tới. Bà ấy đã dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để kiện tên bác sĩ phẫu thuật đã làm liệt tay bà, đến mức bà ấy phải chuyển tới San Francisco để sống với con trai – một thư ký văn phòng ở hãng luật của anh. Luật sư của bà ấy ở New Delft đã bị đột quỵ và từ bỏ vụ này. Vụ kiện này khó thắng nhưng Burke đã nhận nó bởi vì anh biết bà ấy sẽ không chùn bước, bà ấy sẽ chiến đấu tới cùng.
Và bây giờ rút cục có vẻ như bà ấy sẽ có một cơ hội để thắng. Họ đã có một cơ hội khi tháng trước họ nghe thấy lời phàn nàn của một cô y tá với người bây giờ là người tình cũ đầy hằn học của cô ta. Những gì Burke nghe được về chuyện này chỉ là tin đồn, nó không đủ căn cứ để đưa ra trước tòa hoặc để ép buộc bên kia đưa ra một đề nghị bồi thường công bằng hơn, nhưng nó mách với anh rằng nhân chứng đang vật lộn với cảm giác tội lỗi và giận dữ. Nghĩa là anh ta có một chút tự trọng và không thích bị biến thành đồng lõa trong việc làm người khác tàn tật. Dĩ nhiên anh ta đang chịu áp lực phải đứng về phía ông bác sĩ phẫu thuật nhưng nhân chứng vẫn chưa hề phủ nhận mình đã nhìn thấy những gì anh ta nhìn thấy hoặc phủ nhận những lời anh ta nói. Anh ta mới chỉ tuyên bố rằng anh ta không nhớ rõ.
Cái mà một người đã quên thì anh ta cũng có thể nhớ lại. Chỉ là vấn đề của ý chí mà thôi. Và kể cả khi nhân chứng tỏ ra trốn tránh thì Burke vẫn nhận ra rằng anh ta không muốn nói dối, và hơn thế, anh ta muốn nói thật – mặc dù cái ham muốn nói thật chưa thật mạnh mẽ, nhưng nó không mất đi và đang quấy quả anh ta.
Burke tin rằng anh không chỉ có biệt tài nhận biết sự trung thực của một người trước một câu hỏi mà, quan trọng hơn, anh nhận ra cái xu hướng muốn nói thực của người đó. Nó giống như là một thứ bản năng trở về trong những người có cái bản năng đó. Bất kể là hiểm họa có lớn đến đâu, bất kể họ đã phòng thủ cẩn trọng như thế nào bằng những câu nói lập lờ nước đôi và bằng cách vờ không nhớ rõ, thì cái bản năng kia vẫn ở đó, vẫn ngọ nguậy chờ được nhận ra. Trong nhiều năm, anh đã sử dụng rất nhiều kỹ năng để giúp người khác vượt qua những trốn tránh và đè nén ban đầu, thậm chí là vượt qua cả lợi ích của chính bản thân họ, để nói ra điều mà họ thực sự muốn nói. Người y tá này cần phải nói ra câu chuyện từ phía anh ta; Burke chắc chắn về điều đó, và anh chắc chắn rằng anh có thể dẫn dụ câu chuyện. Anh sẽ điều khiển được nhân chứng ít nói này.
Trong lúc anh nghĩ xem mình sẽ làm điều này thế nào, anh thấy mình đi lại dễ dàng lần đầu tiên trong ngày hôm nay. Anh bước đi có nhịp và thở đều, anh thấy một cảm giác mạnh mẽ dễ chịu. Nếu không vì đôi giày Ý mỏng manh nhưng rất đắt tiền thì anh đã chuyển sang chạy.
Những căn nhà lớn dần lên khi anh lên đỉnh dốc – những thảm cỏ sâu hơn và xanh hơn. Những cây phong cổ thụ làm thành một cái vòm tròn phía trên con đường. Burke đi chậm lại để nhìn một đợt lá bất thần trút xuống – chúng rung lên, rồi chúc xuống và rơi thẳng, vừa rơi vừa xoay tròn trong những cơn gió nhẹ và ấm đến nỗi anh hầu như không cảm thấy gió trên gáy anh mà chỉ cảm thấy những hơi thở vờn nhẹ. Rồi một chiếc xe buýt vượt qua và ghé vào vỉa hè phía trước; rồi cửa xe rít lên, mở ra và một cô gái bước xuống.
Burke bước chậm lại – mặc dù anh không hề ý thức được điều đó, và cũng không ý thức được cổ họng anh đã căng lên. Cô gái cao – trong mắt anh thì cao tuyệt vời. Anh chỉ kịp nhìn thoáng thấy đôi môi tô son đen của cô gái trước khi mái tóc đen dài của cô ta hất ra trước và che khuất mặt cô trong lúc cô cúi nhìn để bước lên vỉa hè. Cô gái dừng lại trên vỉa hè và nhìn chiếc xe buýt đi khỏi, để lại sau một dải khói đen. Rồi cô gái đặt túi xách xuống và vươn vai một cách trễ nải, hai chân kiễng lên, hai tay vươn cao qua đầu. Rồi vẫn kiễng trên hai chân, cô gái đan các đầu ngón tay với nhau và đánh hông từ bên này sang bên kia. Cô gái chỉ cách Burke vài mét nhưng anh nhận thấy rõ ràng là cô gái đã không hề nhận thấy Burke, cô ta như chỉ có một mình ở đây. Anh mỉm cười. Anh chờ. Cô gái thả tay xuống, vặn cổ mấy lần, rồi khoác túi lên vai và bước đi dọc phố. Anh bước theo, giữ nhịp chân của mình trùng với nhịp chân cô gái.
Cô gái bước chậm với những bước cố tình chạm cả lòng bàn chân xuống đất như một vũ công, những ngón chân cô hơi hướng ra ngoài. Cô gái hát nhẩm một bài hát. Chiếc chân váy ca-rô dài đến đầu gối hơi xoay xoay khi cô bước, nhưng cô giữ lưng thẳng và im. Chiếc áo chẽn trắng cô mặc có hai vết mồ hôi ngay phía dưới xương bả vai. Burke tưởng tượng cô gái dựa lưng trên chiếc ghế nhựa của xe buýt, ngột ngạt trong làn không khí nồng oi trong lúc những người đàn ông trên xe lé liếc cô qua những tờ báo gập lại.
Cô gái đổi giọng hát; bài hát trở nên có nhịp hơn, ít giai điệu hơn. Hông cô gái đánh sang hai bên dưới chiếc váy; bả vai thì đung đưa nhẹ theo chiều ngược lại. Trên bắp chân phải của cô gái có một vết thâm to bằng đồng một xu – có thể là một cái nốt ruồi hoặc một vết bùn.
Cô gái ngừng hát và lục túi xách. Đó là một cái túi vải lớn, đựng đầy đến căng phồng nhưng cô gái tìm thấy cái cô muốn tìm mà không cần nhìn xuống; cô lấy nó ra và đeo nó vào cổ tay – một sợi thun đỏ có gắn lông xù. Cô với hai tay ra phía sau cổ để thu tóc lại, nâng mớ tóc lên rồi lắc đầu và thả mớ tóc xõa xuống. Cô đi ngày càng chậm lại, một cách uể oải, như đi trong mơ. Cô gái lại đưa tay ra sau, nâng tóc lên và xoắn nó lại thành một dải. Rồi chỉ bằng một động tác, cô gái xoắn tóc một lần nữa và kéo sợi dây đỏ khỏi cổ tay, luồn nó vào dải tóc xoắn, rồi lôi dải tóc qua vai ra phía trước, rồi bắt đầu nhặt nhặt đầu những sợi tóc.
Burke nhìn chằm chằm vào đường cong ở cổ cô gái – cái cổ thật trắng, thật trần trụi. Cái cổ ẩm ướt và mềm mại. Cô gái đi tiếp với những bước đi chậm mơ màng đó và Burke đi theo cô. Anh đã luôn đi theo đúng nhịp với cô gái nhưng anh bị cuốn hút đến nỗi anh lỡ nhịp và khi nghe thấy tiếng chân anh, cô gái quay người nhìn thẳng vào mặt anh. Burke đang ở ngay sát phía sau cô – anh đã đến quá gần mà không hề nhận ra. Hai mắt cô gái mở to. Đôi mắt hút chặt anh, khiến anh bất động. Đôi mắt có một màu xanh sâu và thẫm, gần như thành màu tím, và viền mắt được tô đen đậm. Anh nghe thấy cô gái hít một hơi dài, đứt quãng.
Burke cố gắng cất tiếng để trấn an cô gái nhưng cổ họng anh cứng lại và khô; không có một âm thanh nào phát ra nổi. Anh nuốt nước bọt. Anh không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để nói.
Anh đứng nhìn thẳng vào mặt cô gái. Làn da trắng có nhiều vết tàn nhang, đôi môi tô son đen lố bịch. Nhưng đôi mắt ấy, và đường lông mày cao – chúng thật đẹp; thậm chí còn đẹp hơn anh tưởng tượng. Cô gái lùi lại một bước; mắt vẫn nhìn thẳng vào mắt anh; rồi quay người và bắt đầu bước xuyên qua một bãi cỏ về phía một tòa nhà trắng. Khi đi qua nửa bãi cỏ, cô gái chuyển sang chạy.
Điều này đột nhiên giải thoát Burke. Anh tiếp tục con đường của mình, cố tình giữ một tốc độ thảnh thơi, thậm chí còn dừng lại để khoác com-lê – anh chỉnh cổ tay áo, kéo vai áo, và vuốt vạt áo. Anh không cho phép mình nhìn lại phía sau. Khi cổ họng anh không còn căng cứng, anh thấy mình đang thiếu không khí, gần như phải thở gấp; và anh nhận ra anh đã gần như nín thở trong lúc đi phía sau cô gái. Trông cô ấy mới hoảng sợ làm sao! Mà sao chuyện này lại xảy ra nhỉ? Anh tự đặt câu hỏi cho mình với một sự băn khoăn mà anh không thực sự cảm thấy. Anh biết; anh biết lý do tại sao. Anh kệ cho nó trôi qua.
Burke tiếp tục bước đi. Anh đã lên tới đỉnh dốc – nó ở cách chỗ anh gặp cô gái chừng 9 tới 10 dãy nhà. Anh chuẩn bị rẽ phải về phía văn phòng luật lúc này đã hiện ra ở cuối con đường cắt ngang thì có tiếng còi hú ngay phía sau anh. Chỉ có một tiếng còi sắc lạnh, gấp gáp, không gì khác nhưng anh nhận ra âm thanh đó và dừng lại rồi nhắm mắt một giây trước khi quay lưng lại để theo dõi chiếc xe cảnh sát áp vào lề đường.
Anh đợi. Một phụ nữ tóc muối tiêu nhìn anh từ cửa sổ ở ghế sau. Cô gái ngồi cạnh bà ta, người ngả về phía trước để nhìn anh và gật đầu với viên cảnh sát ở ghế trước. Anh ta mở một cuốn sổ trên vô-lăng, viết gì đó, rồi đặt cuốn sổ xuống ghế ngồi bên cạnh, đội mũ cảnh sát lên, chỉnh lại mũ, và ra khỏi xe. Anh ta bước vòng ra cửa sau và mở cửa cho người phụ nữ và cô gái bước ra. Mỗi hành động được thực hiện với sự suy tính cẩn thận – một sự trình diễn; và Burke hiểu đó là cách người ta tạo ra trật tự và sự an tâm.
Anh gật đầu chào khi viên cảnh sát tiến về phía anh. “Chào anh, tôi có thể làm gì cho anh?”
“Đề nghị trình thẻ căn cước”.
Burke có thể phản đối yêu cầu này nhưng anh chỉ nhún vai, lấy ví từ trong túi com-lê và chìa bằng lái xe của anh ra.
Viên cảnh sát xem xét bằng lái, rồi nhìn Burke, rồi lại cụp mắt nhìn xuống bằng lái. Anh ta còn trẻ, khuôn mặt còn trống rỗng như mặt một đứa trẻ bất chấp hàng ria mép rậm màu vàng. Sau cùng, anh ta nói: “Anh không phải người ở đây”.
Burke đã lấy sẵn tấm danh thiếp. Anh đưa cho viên cảnh sát và sau khi nhìn nó một cách dè dặt, viên cảnh sát cầm lấy tấm các. “Tôi là luật sư”, Burke nói. “Tôi đến đây để gặp nhân chứng, xem nào, cách đây..”. – anh nhìn đồng hồ. “ba phút. Lúc bốn rưỡi. Ở ngay kia kìa, dưới đường Clinton”. Anh khoát tay mơ hồ. “Thế có chuyện gì vậy?”
Người phụ nữ tóc muối tiêu đã đến gần Burke và đang nhìn chằm chằm một cách giận dữ vào mặt anh. Cô gái loanh quanh ở cạnh xe cảnh sát, nét mặt xanh xao, hai tay buông thõng thượt ở hai bên sườn.
“Chúng tôi nhận được một lời phàn nàn”, viên cảnh sát nói. “Về chuyện bám theo”, anh ta nói thêm với vẻ không chắc chắn lắm.
“Bám theo? Bám theo ai?”
“Anh biết rõ là ai”, người phụ nữ nói lạnh lẽo, mắt vẫn không rời khỏi anh. Bà ta đẹp – bà ta có một cái cằm vuông và nước da nâu đậm. Hai cánh tay màu nâu dài ló ra dưới chiếc áo phông cao cổ, chiếc quần ka-ki của bà ta có những vệt cỏ ở đầu gối. Burke có thể nhìn thấy bà ta trên boong một chiếc thuyền buồm, thành thạo điều khiển những cánh buồm lướt sóng.
“Cô đây phải không?” Burke nói.
“Đừng có ra vẻ tử tế với tôi”, bà ta nói. “Tôi chưa bao giờ thấy ai hoảng hốt như thế. Con bé tội nghiệp không cả nói được thành tiếng lúc nó đến cửa nhà tôi”.
“Chắc chắn là cái gì đó đã làm cô ấy sợ”, viên cảnh sát nói.
“Thế tôi có liên quan gì đến chuyện này?”, Burke nhìn thẳng vào cô gái. Cô ta đang vòng tay ôm lấy mình và cắn môi dưới. Cô ta trẻ hơn anh nghĩ: chỉ là một đứa trẻ. Anh nói nhẹ nhàng “Tôi có làm gì cô không?”
Cô gái liếc nhìn anh rồi quay mặt đi.
Vẫn giữ giọng như cũ, anh nói “Tôi có nói gì với cô không?”
Cô gái nhìn xuống đất.
“Thế nào?”, viên cảnh sát sẵng giọng. “Anh ta làm gì?”
Cô gái không trả lời.
“Anh ngọt nhạt gớm nhỉ”, bà già nói.
“Tôi nhớ là có đi ngang qua cô ấy lúc nãy”, Burke nói với viên cảnh sát. “Có thể là tôi đã làm cô ấy giật mình, chắc là thế. Tôi đang vội”. Rồi với một giọng nói hoàn toàn bình tĩnh, Burke giải thích vì sao anh tới New Delft và chuyện anh được nghỉ 45 phút và quãng đường mà anh đã đi bộ và việc anh cần phải quay lại ngay cho kịp giờ, kể cả nếu điều đó có nghĩa là anh phải đi vượt qua người khác trên vỉa hè. Tất cả những chuyện này có thể được xác nhận tại văn phòng luật, chỗ mà người ta đang đợi anh – và Burke mời viên cảnh sát đi cùng để giải quyết vụ việc. “Tôi xin lỗi nếu tôi làm cô hoảng sợ”, anh hướng về phía cô gái. “Tôi không hề có ý đó”.
Viên cảnh sát nhìn anh rồi nhìn cô gái. “Thế nào?”, anh ta nhắc lại.
Cô gái quay lưng về phía họ, hai khuỷu tay chống lên nóc xe và vùi mặt vào hai bàn tay.
Viên cảnh sát quan sát cô gái. “Chúa ơi”, anh ta nói. Anh ta nhìn bằng lái xe một lần nữa rồi trả lại cho Burke cùng với tấm danh thiếp và bước tới chỗ cô gái. Anh ta nói gì đó với cô gái rồi nắm lấy khuỷu tay cô gái và đưa cô gái vào ghế sau.
Bà già vẫn không nhúc nhích. Burke cảm thấy đôi mắt bà nhìn anh khi anh đút bằng lái xe và tấm các vào trong ví. Cuối cùng, anh ngẩng lên và bắt gặp ánh mắt bà – ánh mắt xanh và lạnh lẽo. Anh giữ ánh mắt đó và không chớp mắt. Liền đó anh cảm thấy một cơn đau rát và mặt anh bị đẩy lệch sang bên mạnh đến nỗi anh cảm thấy cổ mình kêu rắc một tiếng. Mắt anh cay xè vì những giọt nước mắt nóng và mặn. Mặt anh nóng ran. Lưỡi anh tắc lại trong cuống họng.
“Đồ dối trá”, bà già nói.
Cho đến khi anh nghe giọng của bà già thì anh mới hiểu là bà vừa tát anh. Anh đã quá sửng sốt. Anh thấy nhẹ người – như thể anh không hề nhận ra mình đã lo sợ một điều gì đó tồi tệ hơn.
Anh nghe tiếng cửa xe cảnh sát đóng lại, một cái, hai cái. Anh cúi người, hai tay chống vào đầu gối, giữ cho người hết run rồi đứng thẳng lên và dụi mắt. Chiếc xe đã đi xa. Bên má trái của anh vẫn còn rát và vẫn còn nóng khi chạm vào. Một người đàn ông râu quai nón mặc com-lê đen đi ngang qua anh xuống đồi; ông ta liếc nhìn Burke rồi giữ mắt nhìn thẳng về phía trước. Burke nhìn đồng hồ. Anh đã chậm 7 phút.
Anh bước đi một bước, rồi một bước nữa, và cứ thế bước tiếp – vừa đi vừa kinh ngạc thấy mình có thể bước một cách chắc chắn và nhẹ nhàng đến thế. Ở cuối phố, một con sóc kêu chít chít ngay bên tai anh – hoặc anh đã tưởng thế vì khi anh ngẩng lên nhìn thì anh thấy nó đang ở một cành cây rất cao phía trên. Dầu vậy, con sóc vẫn làm anh giật mình – tiếng kêu của nó sát gần và hoang dại. Trong những tán cây, ánh sáng dường như đã biến thành một màn sương mù.
Burke dừng lại bên ngoài văn phòng luật sư và chùi mũi giày vào phía sau ống quần. Anh bước lên bậc thềm và dừng lại ở cửa. Cái tát vẫn còn ấm trên má anh. Nó có rõ không nhỉ? Người ta có hỏi anh không? Dù thế nào anh cũng sẽ nghĩ ra lí do để giải thích. Nhưng anh không khỏi đưa tay chạm vào má, một cách khẽ khàng, như để nâng niu nó trong lúc anh bước vào bên trong để đóng đinh nhân chứng của anh.
Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu - Tobias Wolff Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu