Số lần đọc/download: 991 / 27
Cập nhật: 2017-05-20 09:04:16 +0700
Mười Tám
B
ác sĩ đến tìm tôi lúc năm giờ sáng. Tôi đang ở trong căng tin trống trơn, tay ôm cốc trà đã nguội từ mấy tiếng trước. Tôi đứng dậy khi cô tiến về phía mình, đợi cô lên tiếng.
“Chúc mừng anh,” cô nói. “Con anh có một cái đầu rất cứng.”
“Nó sẽ ổn à?”
“Không có vết nứt và không quét ra gì cả. Chúng tôi sẽ giữ cậu bé ở lại để theo dõi một vài ngày, nhưng đây chỉ là quy trình bắt buộc khi chúng tôi khâu mười hai mũi vào vết thương của một đứa trẻ bốn tuổi.”
Tôi muốn làm thân với cô bác sĩ ấy. Tôi muốn mỗi tuần một lần chúng tôi đi ăn cùng nhau để cô có thể giải tỏa tất cả những bực bội của mình về Dịch vụ Y tế Quốc gia. Tôi sẽ nghe và tôi sẽ quan tâm. Cô đã cứu sống con tôi. Cô thật đẹp.
“Nó thật sự không sao chứ?”
“Cậu bé sẽ bị đau đầu trong một vài tuần, và bị sẹo vĩnh viễn. Nhưng, vâng, nó sẽ ổn thôi.”
“Không có ảnh hưởng phụ gì chứ?”
“Trong mười lăm năm nữa vết sẹo chắc sẽ giúp cậu bé tán tỉnh các cô gái. Vết sẹo trên người các chàng trai không phải khá quyến rũ sao?”
Tôi nắm lấy tay cô và giữ nó hơi lâu quá mức.
“Cảm ơn cô.”
“Đấy là nhiệm vụ của chúng tôi mà,” cô mỉm cười. Tôi có thể thấy mình đang làm cô xấu hổ, nhưng tôi không cưỡng lại được. Cuối cùng thì tôi cũng thả tay cô ra.
“Tôi gặp thằng bé được không?”
Nó đang nằm ở tít phía cuối một khu toàn trẻ con. Cạnh Pat là một cô bé nhỏ xinh chừng năm tuổi mặc đồ ngủ hình Girl Power tóc rụng hết vì, theo tôi đoán, truyền hóa chất. Cha mẹ cô bé ở hai bên, cha ngủ thiếp trên ghế, mẹ ở cuối giường, nhìn chăm chú khuôn mặt con gái mình. Tôi nhẹ nhàng đi qua họ để tới giường con trai mình, biết rằng mình đã sai lầm khi đắm mình trong sự tủi thân lâu đến vậy. Chúng tôi vẫn còn may mắn.
Pat đang được truyền nước biển, mặt trắng bệch như màu gối của nó, đầu quấn đầy băng. Tôi ngồi lên giường cu cậu, vuốt ve cánh tay không cắm kim, và mắt nó chớp mở.
“Cha giận con không ạ?” nó hỏi, và tôi lắc đầu, sợ phải lên tiếng.
Nó nhắm mắt, và đột nhiên tôi biết mình có thể làm được.
Tôi có thể thấy là cho đến giờ mình đã thể hiện khá kém cỏi. Tôi không đủ kiên nhẫn. Tôi dành quá nhiều thời gian nghĩ về Gina, thậm chí là cả Cyd nữa. Tôi đã không theo dõi Pat thật cẩn thận khi trong công viên. Tất cả những điều đó là không thể phủ nhận được. Nhưng tôi biết mình làm được việc này.
Có lẽ nó sẽ không bao giờ hoàn hảo. Có lẽ tôi sẽ là một phụ huynh thất bại giống như tôi đã là một người chồng thất bại.
Nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy rằng chuyện đó chẳng liên quan gì đến việc làm một người đàn ông.
Tất cả các gia đình đều có truyền thuyết và huyền thoại của riêng mình. Trong gia đình nho nhỏ của chúng tôi, câu chuyện đầu tiên có sự xuất hiện của tôi là khi tôi năm tuổi và một con chó đã cho tôi bay nguyên hàng tiền đạo.
Tôi đang chơi với con chó béc giê của nhà hàng xóm ở đằng sau dãy cửa hàng gần nhà. Con chó liếm mặt tôi và tôi rất thích thú cho đến khi nó đặt chân trước lên ngực tôi để lấy lại thăng bằng và ẩn tôi ngã. Tôi ngã đập mồm xuống đất, máu và răng khắp nơi, mẹ tôi la hét.
Tôi vẫn còn nhớ mình được gấp gáp đưa tới bệnh viện và bị giữ trên một cái bồn để họ rút những mảnh răng gãy ra, máu tôi nhỏ xuống khắp cái bồn men trắng. Nhưng điều khiến tôi nhớ nhất là ông già tôi khăng khăng ở lại cùng khi họ gây mê cho tôi.
Khi câu chuyện được kể lại trong gia đình chúng tôi, màn cao trào là việc tôi đã làm với cái mồm hỏng hóc của mình khi trở về từ bệnh viện - ấy là nhồi nhét vào đó một túi bim bim vị muối giấm.
Cái kết đó hấp dẫn cha tôi, cái ý tưởng là con ông về từ bệnh viện với tám cái chân răng máu me nơi trước đây là răng cửa và rắn đến mức dám mở ngay một gói bim bim ra ăn. Nhưng sự thật là tôi không rắn chút nào. Chỉ là tôi thích bim bim vị muối giấm. Ngay cả khi tôi phải mút chúng.
Giờ thì tôi biết là lúc đó cha tôi không cứng rắn như ông mong muốn. Vì không ai có thể cứng rắn nổi khi con mình bị đưa đến bệnh viện. Cao trào thực sự của câu chuyện đó là cha tôi đã không chịu rời tôi.
Giờ tôi có thể hiểu cảm giác của ông khi nhìn đứa con trai năm tuổi của mình bị làm cho bất tỉnh bằng khí gây mê để các bác sĩ có thể lấy những mảnh răng gẫy từ lợi và lưỡi nó.
Ông hẳn phải có cái cảm giác sợ hãi bất lực mà chỉ phụ huynh của một đứa trẻ ốm đau hoặc bị thương mới có thể hiểu được. Tôi biết chính xác ông cảm thấy thế nào - cảm thấy sự sống đang giữ đứa bé làm con tin. Có thật là tôi đang bắt đầu nhìn thế giới qua con mắt của ông?
Ông đang đứng ngoài cửa chính của bệnh viện, hút một điếu thuốc lá tự cuốn. Chắc hẳn ông phải là khách hàng còn sống duy nhất của hãng giấy quấn thuốc Rizla không dùng nó vê ma túy.
Ông ngước lên nhìn tôi, nín thở.
“Nó sẽ ổn thôi ạ,” tôi nói.
Ông thở ra một đám mây khói thuốc lá.
“Không phải - họ gọi là gì nhỉ? - rạn ép à?”
“Không bị rạn. Họ đã khâu cho nó mười hai mũi và nó sẽ có sẹo, nhưng chỉ có thế thôi ạ.”
“Thế thôi sao?”
“Thế thôi ạ.”
“Lạy Chúa,” ông nói. Ông rít một hơi thuốc lá tự quấn. “Thế con thế nào rồi?”
“Con ạ? Con ổn cha ạ.”
“Con có cần gì không?”
“Kềnh cang một giấc thì tốt biết bao.”
Khi tôi ở cạnh cha, nhiều lúc tôi thấy mình dùng ngôn ngữ của ông. Ông là người duy nhất trong nước vẫn còn gọi ngủ là kềnh cang.
“Ý cha là, tiền nong con có ổn không? Mẹ con bảo là con không định nhận công việc này.”
“Con không thể. Giờ làm quá dài. Con sẽ chẳng bao giờ ở nhà được.” Tôi nhìn qua bãi đỗ xe gần như trống không đến khoảng bầu trời đêm đã bắt đầu có vài vệt sáng. Đâu đó chim đang hót. Bây giờ không còn là khuya nữa. Bây giờ là sớm. “Nhưng rồi sẽ có cái gì đó.”
Ông rút ví ra, lấy một vài tờ tiền đưa cho tôi.
“Để làm gì ạ?” tôi hỏi.
“Cho đến khi có cái gì đó.”
“Không sao đâu ạ. Con cảm ơn lời đề nghị của cha, cha à, nhưng thật sự rồi sẽ có cái gì đó thôi mà.”
“Cha biết rồi sẽ có. Mọi người lúc nào mà chẳng muốn xem ti vi, phải không? Cha chắc chắn là con sẽ tìm được cái gì đó sớm thôi. Đây là cho con và Pat cho đến lúc đó.”
Cha tôi, chuyên gia truyền thông. Tất cả những gì ông biết về ti vi là giờ đây người ta không chiếu được bất cứ cái gì hài hước như Fawlty Towers hay Benny Hill hay Morecambe và Wise nữa. Tuy vậy, tôi vẫn cầm lấy tiền ông đưa tôi.
Đã có hồi nhận tiền của ông làm tôi tức giận - giận bản thân vì từng này tuổi đời rồi mà vẫn cần ông và sự giúp đỡ của ông, và càng giận ông hơn vì lúc nào cũng thích thú làm vai người cứu rỗi tôi.
Giờ tôi đã hiểu rằng ông chỉ đang cho tôi thấy là ông về phe tôi.
“Con sẽ trả lại,” tôi nói.
“Không đi đâu mà vội,” cha tôi đáp.
Gina muốn lên chuyến bay tiếp theo trở về nhà, nhưng tôi can ngăn cô. Vì đến khi tôi liên lạc được với cô vào cuối ngày hôm sau, lên chuyến bay tiếp theo để trở về không còn quan trọng như trước nữa.
Cô đã bỏ lỡ những phút kinh khủng trong lúc khẩn trương đưa Pat đến phòng cấp cứu. Cô đã bỏ lỡ hàng giờ đồng hồ ngồi uống thứ trà mà chúng tôi không muốn uống trong lúc đợi kết quả kiểm tra của thằng bé xem ra sao. Và cô đã bỏ lỡ ngày nó ngồi dậy với cái đầu quấn đầy băng, tay nắm chặt thanh kiếm ánh sáng của nó, trên cái giường bên cạnh cô bé bị rụng hết tóc vì trị liệu.
Gina đã bỏ lỡ tất cả những điều đó, cô đã bỏ lỡ tất cả những điều đó dù không phải lỗi của cô một chút nào. Riêng tôi thì tôi đổ lỗi cho gã Richard chết tiệt kia.
Tôi tự nhủ với bản thân đấy là vì tôi không muốn thấy cô ôm Pat, bảo với nó rằng mọi thứ rồi sẽ ổn và rồi lại bỏ đi. Nhưng tôi biết là tôi không cao cả đến vậy. Gina đã ở cái nơi chết tiệt nào khi chúng tôi cần cô ấy?
“Mai là em sẽ có mặt ở đó,” cô nói. “Công việc để sau cũng được.”
“Không cần đâu,” tôi nói, hoàn toàn bình tĩnh. “Chỉ là dập đầu ấy mà. Một cú dập đầu mạnh. Nhưng nó sẽ ổn thôi.”
“Đằng nào em cũng sẽ về nhà. Em chưa chắc là bao giờ...”
“Đừng đổi lịch của em,” tôi nói.
Nghe bọn tôi này - khách sáo như hai người dò dẫm tìm hiểu nhau trong một bữa tiệc tối ảm đạm. Đã có lúc chúng tôi có thể nói chuyện cả đêm, đã có lúc chúng tôi có thể nói chuyện về bất cứ điều gì. Giờ chúng tôi nói chuyện như hai người lạ chưa bao giờ được giới thiệu với nhau một cách nghiêm chỉnh. Hãy nghe chúng ta mà xem, Gina à.
Cyd đứng ở thềm cửa nhà tôi tay cầm một hộp đồ ăn.
“Có phải tôi đến không đúng lúc?”
“Không, không hề không đúng lúc. Vào nhà đi.”
Cô vào trong nhà, đưa tôi cái hộp.
“Cho Pat. Mì Ý sốt pesto.”
“Mì Ý xanh. Món khoái khẩu của nó. Cảm ơn cô.”
“Anh chỉ cần cho nó vào lò vi sóng thôi. Anh có làm được thế không?”
“Cô đùa à? Ngay cả tôi cũng biết cách dùng lò vi sóng chứ. Một phút hay hai?”
“Một chắc là được rồi. Nó còn thức không?”
“Nó đang xem ti vi. Để thay đổi không khí một chút.”
Pat đang nằm dài trên xô pha, vẫn mặc đồ ngủ Chiến tranh giữa các vì sao và áo choàng M&S, ngồi xem Sự trở lại của Jedi bản đặc biệt. Các quy tắc đã bị vứt ra ngoài cửa sổ từ khi thằng bé từ bệnh viện về nhà.
“Chào Pat,” Cyd nói, ngồi xổm xuống bên cạnh và vuốt tóc thằng bé, thận trọng tránh cái băng to bản đang che một bên đầu nó. “Cái đầu đáng thương của cháu ra sao rồi?”
“Nó cũng ổn ạ. Vết khâu của cháu hơi ngứa.”
“Chắc là vậy rồi.”
“Nhưng, cô biết gì không? Không cần phải rút chúng ra. Chỉ khâu của cháu ấy.”
“Không à?”
“Không, chúng tự tan đi thôi,” Pat nói, nhìn tôi đợi kiểm chứng.
“Đúng vậy,” tôi nói. “Chúng tự tiêu. Chúng là loại chỉ khâu mới, phải không nhỉ?”
“Loại mới,” Pat gật đầu, chuyển sự chú ý về với Công chúa Leia đang vận bộ quần áo nàng hầu thiếu vải trong cung điện của Jabba the Hutt.
“Bộ quần áo thật ấn tượng,” Cyd nói.
“Đúng ạ,” Pat đồng tình. “Cô ấy là nô lệ.”
“Trời đất.”
Họ ngồi xem Công chúa Leia giãy giụa ở đầu sợi xích một lát.
“Thôi, cô về để cháu nghỉ ngơi nhé,” Cyd nói.
“Vâng ạ.”
“Cô Cyd mang cho con đồ ăn tối đấy,” tôi nói. “Mì Ý xanh. Con nói gì nhỉ?”
“Cảm ơn cô ạ.” Thằng bé nở nụ cười duyên dáng và giống David Niven nhất của mình.
“Không có gì,” cô đáp.
Tôi tiễn cô ra cửa và nhận ra rằng có gì đó trong lòng như muốn hát. Tôi không muốn cô đi.
“Cảm ơn vì đã qua,” tôi nói. “Tôi thực sự rất vui.”
Cô quay ra và nhìn tôi với cặp mắt nâu cách xa nhau ấy.
“Thật đấy,” tôi nói. “Đây là điều tuyệt vời nhất xảy ra với tôi trong cả ngày hôm nay. Chắc chắn.”
“Nhưng tôi không hiểu,” cô nói.
“Cô không hiểu gì?”
“Tại sao anh thích em? Anh còn không biết em.”
“Em có thật sự muốn biết không?”
“Có.”
Thế nên tôi nói với cô.
“Anh thích em vì em mạnh mẽ nhưng không dữ dội. Anh thích em vì em không chấp nhận bị đàn ông đối xử tệ bạc, nhưng em vẫn rời đất nước của mình vì một người đàn ông bởi em tưởng rằng đó là một nửa của em.”
“Sai lầm lớn nhất đời em.”
“Có thể. Nhưng anh thích em vì em thật lãng mạn với một tuổi thơ ngập tràn những bộ phim ca nhạc của MGM.”
Cô cười và lắc đầu.
“Em nhìn xuyên thấu đàn ông, nhưng em vẫn muốn tìm một người đàn ông để chia sẻ cuộc đời,” tôi nói.
“Ai bảo thế?”
“Và anh thích cách khuôn mặt em bừng sáng khi em cười. Anh thích đôi mắt của em. Anh thích đôi chân của em. Anh thích vì em biết cách nói chuyện với một đứa trẻ bốn tuổi. Anh thích vì em ở bên anh khi anh cần ai đó. Những người khác đều chỉ đứng nhìn. Em tốt bụng. Mà lúc đó em đâu bắt buộc phải tốt bụng.”
“Còn gì nữa không?”
“Em thật đẹp.”
“Em không hề đẹp.”
“Em thật đẹp và can đảm và anh ghen tị với tất cả những người đàn ông từng hẹn hò với em. Thi thoảng anh lại vào cửa hàng nơi em làm việc với hy vọng vô tình gặp được em.”
“Anh nhớ vợ mình,” cô nói. “Anh rất nhớ cô ấy.”
“Đúng là thế,” tôi thừa nhận. “Nhưng cũng đúng là em làm anh chết điếng.”
“Trời ạ,” cô nói và lại lắc đầu. “Nhưng anh vẫn không biết em.”
Cô không nói theo cái kiểu cô nói lúc trước. Giờ thì cô nói một cách nhẹ nhàng, hiền hậu, như thể không phải lỗi của tôi khi tôi không biết cô.
Rồi cô tiến lại gần tôi khi nói câu đó, nhìn tôi trong giây lát với cặp mắt ấy trước khi nhắm lại lúc cô đặt một nụ hôn lên môi tôi.
Tôi hôn trả lại.
“Anh có biết em đôi chút,” tôi nói.
“Ừ,” cô nói, công nhận cho tôi điều đó. “Anh biết em đôi chút.”