You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ằng Sơn một mình trong căn phòng ở Đa Kao, đợi Pierre, nằm dài trên phản với một tập trong xê ri truyện tranh Pieds-Nickelés trên tay. Anh ta trở về Sài Gòn đã được vài ngày và điều duy nhất khiến anh ta lo lắng, đó là lại phải xỏ giày vào đôi chân chai cứng như sừng bởi đất đường, bùn ở đầm lầy và ruộng lúa.
Pierre gặp lại bạn, thấy má bạn hóp lại còn tâm trạng bạn thì bồn chồn không yên. Cậu có hàng chục câu hỏi chực buột ra miệng nhưng cậu càng quan sát bạn, thì bản năng của cậu càng cảnh báo rằng cậu chỉ nên vui mừng về một cuộc gặp sẽ diễn ra chóng vánh và để lại trong bóng tối phần cốt lõi của những điều cậu muốn biết. Bằng Sơn đứng lên.
“Thế nào, anh ta nói, cố tỏ ra vui vẻ, mọi chuyện zui zẻ chứ?”
Từ anh ta dùng muốn làm ra vẻ hài hước nhưng lại được nói với giọng nghèn nghẹt, hơi nhấn mạnh. Thoạt tiên Pierre chỉ biết nói: chẳng mấy zui zẻ.
Bằng Sơn co một chân lên và mỉm cười quan sát cậu.
“Tớ đến để gặp cậu, anh ta nói.
- Tớ không thể nói là tớ đến để gặp cậu, Bằng Sơn ạ, nhưng gặp cậu tớ cũng rất vui. Đã bao lâu rồi nhỉ?”
Anh ta nhẩm tính rằng chưa đến sáu tháng - vậy mà cứ như cả thế kỷ đã trôi qua.
“Cậu biết đấy, mọi chuyện thay đổi nhanh quá, Bằng Sơn nói.
- Tớ vừa từ Hà Nội về đây. Đúng vậy, tớ biết. Điều mà tớ không biết, đó là mọi chuyện đang đi đâu về đâu.
- Thật thế sao?”
Có gì đó hơi kẻ cả trong cách nói của Bằng Sơn mà Pierre chẳng thích, như thể Bằng Sơn mang theo điều tuyệt mật không cho phép mình chia sẻ với một gã ngờ nghệch như cậu.
“Cậu nói về vấn đề gì thế? Về chính trị à?
- Không phải về chính trị, Garnier ạ. Chính trị, đó là cuộc tranh giành thế lực của D’Argenlieu và chẳng có gì hay ho cả. Tớ nói về chuyện động đất.”
Mắt cậu sáng lên.
“Cậu sẽ ở lại chứ?
- Tớ không biết... Tớ có... những mối lo. Chẳng có gì dính dáng đến... chính trị, rốt cuộc cậu gọi nó là gì không quan trọng. Với cả tờ báo không còn nữa và tớ không biết mình được chuyển vào bộ phận nào. Biết cũng chẳng để làm gì...
- Các cậu ở đây để đấu tranh. Cậu có thể đứng ngoài - một thời gian. Nhưng bây giờ là đúng thời điểm rồi: cậu cần phải đấu tranh.”
Pierre đưa hai tay bóp chặt hàm mình.
“Tớ sẽ không chiến đấu.
- Tại sao? Nếu cậu tin mà không đấu tranh thì thật tệ!
- Tớ không tin.
- Cậu không tin cái gì?
- Tớ không biết tin vào cái gì. Mà cậu biết rõ rằng phần lớn những anh bạn đấu tranh cũng chẳng biết tin vào cái gì nữa. Họ đấu tranh vì họ tới để làm việc đó, đó là nghề của họ, họ đấu tranh vì người bạn bên cạnh... Và khi chẳng còn gì nữa thì họ đấu tranh để cứu tính mệnh mình.
- Ý cậu là không phải như chúng tớ chứ gì?”
Pierre không muốn giao chiến kể cả trên lĩnh vực này. Cậu làm một cử chỉ chán chường.
“Tùy cậu nghĩ,” Pierre nhượng bộ.
Một lúc im lặng và Bằng Sơn chẳng làm gì để phá vỡ sự im lặng đó. Trời nóng ẩm nhưng dường như thời tiết này không ảnh hưởng gì đến anh ta.
“Cậu nghĩ tớ là cộng sản à? rốt cuộc anh ta hỏi.
- Tớ không biết. Có thể. Chắc chắn là thế. Tại sao không? Cậu là cộng sản hay không thì hề hấn gì đến tớ? Nhưng nếu cậu muốn thì cứ cho tớ biết.
- Họ không thích tớ, cậu biết đấy, đầy người trong số họ nghi ngờ tớ. Họ thích những người nông dân có cả hai bên bốn họ đều là nông dân hơn, những người mà ngày thì chân trần ngoài ruộng lúa, đêm thì ở sau lũy tre làng, những người không biết đọc nhưng lại thuộc lòng những khẩu hiệu dễ nhớ. Nhưng những gã như tớ đây lại là một việc rất khó chịu. Tớ biết tháo và lắp súng máy: thế thì ổn. Nhưng tớ từng ở bên đối phương, với những kẻ thực dân: thế thì không ổn... Để tiếp tục tồn tại tớ phải ngậm miệng lại. Trong những cuộc thi thơ, dù biết gieo vần thì tớ cũng vẫn phải ngậm miệng lại.
- Tớ không biết là phía các cậu tổ chức cả những cuộc thi thơ!
- Có lẽ quân đội Pháp cũng nên làm như vậy.
- Tớ tin chắc rằng việc đó có thể lên dây cót tinh thần cho lính tráng.”
Khoảnh khắc thông đồng ngắn ngủi không kéo dài và Bằng Sơn lại lần nữa trở nên cứng rắn.
“Cậu sẽ không làm báo cáo về tớ cho Sở Mật thám chứ?
- Cậu điên à.
- Tớ là một tên đào ngũ phản bội xứng đáng nhận mười hai viên đạn vào người phải không?
- Cậu dở hơi quá, Bằng Sơn ạ. Cậu có vào nhà tớ để bóp cổ, cắt dái rồi khâu miệng tớ đâu?”
Khi trở lại Sài Gòn, Pierre đã thấy thành phố thay đổi, như thể các chiến sĩ miền Nam đã tìm ra một tín hiệu trong hòa ước giả tạo được ký kết ở miền Bắc: chưa bao giờ những vụ ám sát lại nhiều đến như vậy, và trên một số con đường, từ nay người ta chỉ còn đi thành đoàn. Công cuộc “tái chinh phục” do Leclerc khởi xướng và hiện đang tiếp tục hướng ra Bắc, Tây Nguyên giữa Ban Mê Thuột và Kon Tum, đã kết thúc nhanh chóng đến mức phải bắt đầu lại. Một trong số những người Pháp đã nhận ra từ rất sớm: “Ban ngày thuộc về chúng ta. Nhưng ban đêm...”
“Tớ đến gặp cậu như một người bạn, để bảo cậu về Pháp đi, rời xa cuộc chiến này đi.
- Bảo cả tớ cũng đào ngũ ư?
- Là kẻ đào ngũ, cậu thích gọi thế cũng được. Cậu nghĩ tớ đào ngũ vì Carraz đã đùa ác ý về những tên ‘nhà quê khốn nạn’ ư?
- Tớ không biết. Với cả cái thằng ấy gọi tớ là Cửng-cu, thì nó có thể gọi cậu là ‘nhà quê’ lắm chứ.
- Đầu tiên tớ tham chiến là vì người ta ép tớ, rồi sau đó là vì tớ chẳng thấy có gì hay hơn để làm. Các chàng trai ấy, tớ quý họ lắm. Họ không quý tớ như vậy nhưng với tớ thì chả sao, đó không phải lỗi của họ. Đời là thế mà, hừm. Nhưng suốt thời gian ấy tớ nghĩ đến Tổ quốc mình, đến tự do. Cứ gọi như thế là đào ngũ nếu cậu muốn.
- Vậy thì tại sao cậu tòng quân? Tớ muốn nói ở Đông Dư...”
Bằng Sơn nở nụ cười khó hiểu làm dẹt hai má và làm lộ rõ khuôn mặt hình tam giác gầy gò của anh ta.
“Tớ có lệnh.”
Pierre bàng hoàng, ngớ người, nhưng cậu có phản xạ không hỏi “của ai”. Cậu biết rõ điều đó.
“Khi chúng ta ở trên tàu...
- Ở trên tàu, tớ biết.”
Pierre thấy lướt qua trong đầu hình ảnh buổi lễ cầu hồn. Cậu không nổi giận, mà thấy nhẹ nhõm.
“Ý cậu là cậu coi tớ như thằng ngớ ngẩn đúng không? cậu hỏi mà không hề nổi cáu.
- Trong cung điện cảm xúc có rất nhiều phòng. Tớ yêu quý và tôn trọng bố cậu. Tớ muốn tỏ lòng kính trọng ông và giúp cậu đến được với linh hồn ông. Nếu đối với cậu đó là ‘coi cậu như thằng ngớ ngẩn’ thì thật đáng tiếc nhưng chuyện là như vậy đấy.
- Những lời cao cả, Bằng Sơn ạ, nhưng cậu không nói thật với tớ, chỉ có thế thôi.
- Cấp trên của chúng ta có nói thật không khi họ khẳng định rằng chúng ta đi giải phóng đất nước tớ? Ai coi ai là thằng ngớ ngẩn? Tớ chọn chơi trò ngớ ngẩn với chính mình. Hãy nghĩ đi, Pierre.
- Tớ hiểu.”
Pierre đứng dậy bước từng bước dài trong phòng. Căn phòng đã được dọn sạch và mọi đồ đạc của Tikhomirov đã được bỏ đi. Cậu chỉ giữ lại chiếc hộp nhỏ bằng kim loại màu đen đựng các lá thư, như thể trong nét mực phai màu có cái gì đó được lưu giữ sống động từ linh hồn của anh bạn “người Nga da vàng”. Cậu lại ngồi xuống phản.
“Để trả lời câu hỏi của cậu liên quan đến việc tớ sẽ làm gì, không, tớ sẽ không ra đi. Tớ không biết chân giá trị của cuộc chiến tranh này nhưng tớ tin chắc duy nhất một điều là tớ phải giữ vị trí của mình ở đó, dù là một vị trí cứt đái, cho đến khi chiến tranh đuổi tớ đi, bằng cách này hay cách khác. Điều đó đối với cậu có thể là thảm hại nhưng tớ thấy ngán ngẩm trước câu hỏi về tính chính đáng của cuộc chiến này. Và không chỉ bởi những gì tớ từng thấy, vào những ngày đầu tiên ở Cité Hérault... Chắc cậu đã thấy nhiều chuyện tệ hơn ở những nơi khác và tớ hình dung rằng tất cả những cái đó đều được gọi là chiến tranh. Hãy chỉ cho tớ một cảnh ghê rợn bất kỳ và nói với tớ rằng đó không phải là chiến tranh: cậu sẽ là một kẻ đạo đức giả và một tên dối trá. Không, thực sự đấy, không hề có tư tưởng trả thù, không hề tồn tại nỗi căm hận. Chỉ là, việc đào ngũ - lại một từ mà cậu sẽ không thích - sẽ hủy hoại tớ khủng khiếp hơn cả một viên đạn.
- Đứa trẻ tội nghiệp, Bằng Sơn thì thầm, làm bia thịt đỡ đạn cho những kẻ như D’Argenlieu, Leclerc...
- Leclerc! Ông ấy thì có liên quan chó gì?
- Leclerc, ông ta còn tệ hơn những người khác bởi vì ông ta ấy mà, ông ta biết. Cậu còn nhớ những người nông dân ở vùng châu thổ bị đối đãi như nông dân vùng Alsace không? Tớ nghe thấy ông ta ra lệnh, ông Leclerc của cậu ấy.
- ‘Ông Leclerc của tớ’ cũng là của cậu cách đây không lâu lắm đâu!
- Cậu quên rằng tớ là một kẻ đào ngũ à. Chính ông Leclerc của cậu nói rằng: ‘Nếu thấy đám nông dân này chạy trốn vào gần một ngôi làng thì hãy bắn họ!’ Một viên sĩ quan nói: ‘Có lẽ họ chỉ sợ thôi, thưa tướng quân.’ Và Leclerc: ‘Chúng sợ chắc là vì đang che giấu cái gì đó. Giờ đang là chiến tranh. Không được để gặp rủi ro. Cứ bắn đi.’
- Cậu nói dối.
- Tớ nói dối nếu cậu cho là thế nhưng ở bên chúng tớ sự thật và dối trá cũng là một như bên cậu vậy. Không có những người anh hùng trong một cuộc chiến tranh. Và Leclerc có lý. Một người nông dân chạy trốn, thực sự là anh ta có gì đó phải che giấu. Có thể là anh ta che giấu quân du kích, có thể anh ta tiếp tế cơm gạo; có thể đó là một du kích cải trang có vũ khí giấu ở con mương nào đó, hay dưới đầm lầy. Có thể anh ta bị cưỡng ép, bị khủng bố? nhưng cũng có thể anh ta tự nguyện, một kẻ cuồng tín? Làm sao cậu nhận ra được sự khác biệt? Cậu muốn đợi đến lúc anh ta bắn vào lưng cậu sao? Leclerc có lý: không được để gặp rủi ro. ‘Cuộc chiến nhân tâm’, tử tế thật, nhưng Leclerc biết chiến tranh thực sự là gì. Cuộc chiến bằng vũ lực.”
Pierre bị vây kín trong sự thù địch, cậu không lắng nghe nữa.
“Cậu đã sống đời với đám chính trị viên. Cậu lên lớp cho tớ về sự thật và dối trá, nhưng cậu chẳng còn thấy sự khác biệt giữa việc tuyên truyền và những ký ức riêng của cậu nữa.
- Không cần phải nổi cáu thế, Pierre. Cái trò ngớ ngẩn của cậu còn ngớ ngẩn hơn cái trò ngớ ngẩn của tớ, có thế thôi.
- Đừng có lên lớp cho tớ nữa đi. Giữa tớ và cậu, ai là kẻ phải ngửi phân nhiều hơn trong cái trò ngớ ngẩn này?”
Bằng Sơn đứng dậy. Anh ta nghiêm túc suy nghĩ, tay chống cằm.
“Có thể cả hai chúng ta đều phải ngửi phân. Nhưng tớ thì biết tại sao. Còn cậu thì có thể sẽ chết vì chủ nghĩa ly khai Nam Kỳ, Liên hiệp Pháp và tất cả những điều ngu ngốc đó!
- Sai rồi! Có một lý tưởng đang được thực hiện, đó là cùng người Việt Nam đi đến tự do!
- Cậu muốn giết tớ vì tự do của tớ ư?
- Cậu đến với tư cách người bạn, cậu đã nói như vậy.
- Đúng vậy. Trong thâm tâm, cậu từ chối lựa chọn giữa những tên thực dân kiểu cũ và những kẻ ‘khủng bố Việt Minh’. Nhưng rốt cuộc, cần phải chọn lựa. Chiến tranh mà. Nếu cậu không muốn chọn lựa, cậu phải ra đi.”
Pierre không còn giận dữ nữa. Không còn sức lực. Từ một kẽ nứt trên tường thò ra đầu một con côn trùng mà cậu kiềm chế để không nghiền nát.
“Thế còn hòa bình thì sao? cậu hỏi với vẻ mỉa mai mệt mỏi. Tại sao chúng ta không bàn về các cơ hội hòa bình?
- Hòa bình ư? Chúng ta vừa nói đến đó thôi, anh bạn.”
Bằng Sơn đứng dậy ôm hôn cậu qua quýt. Thế rồi anh ta biến mất vào màn đêm.
***
Biết bao việc phải làm, biết bao người phải gặp, biết bao nơi phải thăm lại, vết thương khi gặp lại một Sài Gòn giờ đã trở thành thành phố quê hương mình - và cái nỗi ám ảnh cứ giày vò cậu nữa: cậu phải gặp lại nó, phải biết nó là tai họa hay cơ may. Cái đêm với Katia có một vẻ đẹp chẳng hề giống với bất kỳ điều gì khác bởi cậu chẳng biết gì về cái khác - hoặc là biết quá ít. Nhưng Inès thì khác, cậu biết điều đó, cậu bị cô cuốn hút bởi bản năng thú vật. Đó không phải là tình dục - tình dục là chuyện khác, một cô gái Việt dễ bảo và dịu dàng, phong cách cô gái Bắc Kỳ, miệng vẫn dạ vâng khi ăn đánh bởi họ thấy tốt khi bị người ta bạc đãi, họ sinh ra đã thế. Tình dục, đó là những cô tình nhân mất giá, người vợ ủ ê, bị ruồng rẫy, của một viên trung úy tối ngày lai vãng khu Chợ Lớn; tình dục, đó là những ả gái điếm, vơ đâu cũng được, giá nào cũng đi, màu da nào cũng có.
“Cẩn tắc vô áy náy,” Garel khệnh khạng khuyên cậu, nhấn mạnh vào sự thận trọng như thể cái từ đó quý ngang với Penicillin.
Cậu cựu học sinh trường dòng trở thành nhà Mác xít đang học tiếng Việt và quấy rầy anh chàng Pierre bất hạnh với các ý nghĩa khác nhau của âm “ma” tùy theo dấu. Cậu ta cho Pierre biết những hậu quả về ngôn ngữ và tâm hồn Việt khi chuyển từ chữ tượng hình sang phiên âm chữ Quốc Ngữ.
“Cậu có nhận ra là nhìn bề ngoài thì sự chuyển đổi đó xuất phát từ những lý do được cho là thiết thực nhưng trên thực tế đó lại là một hình thức thực dân hóa ngôn ngữ?
- Tớ không biết điểm này.
- Thơ chữ Hán gắn kết với dấu hiệu và hình ảnh. Thơ viết bằng ký tự La tinh là vấn đề âm thanh và nhịp điệu.
- Hấp dẫn đấy chứ.
- Garnier, đôi lúc tớ tự hỏi liệu cậu có phải là một gã cục mịch tồi tệ không.
- Cứ tiếp tục đi.”
Garel vẫn còn là trai tân, cậu ta hút sáu tẩu thuốc phiện mỗi ngày, không hơn không kém, bởi lẽ người Tàu làm như vậy. Đằng sau cặp kính gọng đồi mồi, cậu ta nheo mắt trích dẫn điều mà cậu ta tiếp thu được từ triết học thực chứng của Auguste Comte: “Qua kinh nghiệm, chúng ta chỉ học được những gì mà chúng ta có thể học được bằng kinh nghiệm.”
Một lần cậu ta lôi kéo Pierre vào một tiệm hút rồi ngủ thiếp đi, chẳng mấy xúc cảm với chất thơ của những tấm phản, chỉ nhớ mỗi bếp than hồng và mùi những người đàn ông bên nhau. Thuốc phiện, gái nhảy, cánh buồm đỏ: xứ sở này có hàng chục hình ảnh và từ ngữ cậu đã chán ngấy, những mẹo mực, một rừng gương nơi chẳng có gì là thật ẩn náu.
Garel ư? Cậu ta có cảm giác như bị người khác xúi giục sống cuộc đời không phải của mình để được ủy quyền hưởng thụ. Thực ra, có lẽ cậu ta nên tiếp tục theo học trường dòng: cậu ta biết cách khiến người khác thổ lộ giống như cách các linh mục nghe xưng tội, mắt lim dim, dung nạp hết lỗi lầm của người khác. Theo lời Garel, cậu ta tự bắt mình ăn chay không phải vì lý do đạo đức, mà vì một sự tu luyện khổ hạnh sẽ được mài giũa nhờ bài tập này, cũng theo cách đó mà về sau sự tu luyện khổ hạnh ấy có thể hướng sang lĩnh vực tình dục hay học tập. Cậu ta sẵn lòng trích lời Thầy Eckhart: “Người hoàn toàn tuân theo ý Chúa không nên mong sẽ thoát được tội lỗi mình đã sa vào.” Garel hớn hở:
“Đó là một kiểu dị giáo thôi hoặc là tớ không am hiểu chuyện này! Nhưng minh triết đó mới cao siêu làm sao! Đó là sự hiểu biết vô cùng sâu sắc về tâm hồn con người!
- Vậy thì trên thực tế, cậu có ngủ với tất cả các cô gái hay chẳng với ai thì cũng thế mà thôi.
- Cậu không hiểu bản chất của dị giáo rồi.
- Đúng thế, việc gì tớ phải hiểu. Nhưng tớ cũng không chắc liệu việc đó có thực sự khiến tớ bận tâm hay không.”
Garel thao thao bất tuyệt.
“Đại đa số nghĩ rằng dị giáo là sai lầm nhưng họ nhầm. Vấn đề của dị giáo không phải ở chỗ đó: vấn đề là nói ra sự thật - một sự thật mà đại đa số không thấy được. Người ta không quan sát Chúa trực diện.
- Điều gì khiến cậu đặc biệt đến mức có quyền cùng Chúa uống bia tại quán nhậu?
- Tớ đã phải học hành khó nhọc để có được cái quyền ấy.
- Cậu là một thằng đần khoa trương, Garel ạ. Cậu đi ngủ với gái đi, như thế sẽ tẩy sạch các đường ống cống rãnh ứ đầy cặn bã trong cậu.
- Đừng cố học đòi kiểu nói của tay Carraz bạn cậu. Không hợp với cậu đâu.”
Chúng tôi chuyển trụ sở khỏi hẻm Éden và hai anh bạn trẻ được Blondeau gọi đến để chuyện trò về tương lai. Trước đó, Garel đưa Pierre đến tận địa phận Gia Định, vào lăng và miếu thờ Tả quân Lê Văn Duyệt mà người ta còn gọi là Lăng Ông. Họ ngồi trước lăng mộ từng bị xiềng bằng xích sắt dưới thời vua Minh Mạng, cách đây gần một thế kỷ rưỡi.
“Cậu có biết chuyện của Tả quân không?” Garel hỏi.
Pierre thở dài. Thêm một bài học nữa cũng tốt thôi.
“Không rõ lắm. Khoảng năm 1800 gì đó, ông ta đã nối ngôi Gia Long, hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn...
-... ông ta là cận thần của nhà vua. Ông ta không nối ngôi Gia Long, không hề, nhưng ông ta giữ chức đại khái như tể tướng. Ông ta là hoạn quan, và chuyện ông ta chẳng ra nam cũng chẳng ra nữ khiến ông ta sợ hãi và hận thù. Người ta châm biếm ông ta đủ thứ, kể cả chuyện ông ta vẫn còn trong trắng. Dù đã chết, lăng mộ ông ta vẫn bị xiềng xích vì tội đã nuôi dưỡng một gia đình phản loạn. Giờ thì dân chúng thờ cúng ông ta thực tâm. Ông ta không nằm trong số những nhân vật lịch sử được người ta sùng bái vì thiếu hiểu biết: ông ta được tôn thờ và bị ghét bỏ, đó chính là dấu hiệu của sự vĩ đại đích thực.”
Pierre lắc đầu. Câu chuyện Garel vừa kể đột nhiên vọng lên trong tâm trí cậu. Không cố hiểu toàn bộ câu chuyện, cậu kinh ngạc trước những biểu tượng: xiềng xích, sự trong trắng, sự im lặng, sự nổi loạn.
Garel bình thản, lãnh đạm lau kính. Pierre đốt thuốc liên tục, bị giày vò bởi cảm giác bồn chồn, bởi ham muốn khủng khiếp được trút bỏ với người đầu tiên gặp.
“Thế nếu phải đánh nhau thì sao? cậu hỏi chuyện nọ xọ chuyện kia, để thoát khỏi tình thế nguy nan.
- Cậu muốn nói rằng, nếu chúng ta phải trở thành những người lính đích thực ư? Garel khúc khích. Thì ta sẽ đánh nhau, phải vậy không? Cậu chưa từng đánh nhau à?”
Pierre nhớ đến doanh trại ở Fontainebleau. Cậu nhớ đến Baccarat. Cậu thấy mình cầm khẩu F-M chĩa vào một nhóm dân đen. Đánh nhau ư? Không, thật sự không phải, người ta không thể nói rằng cậu đã đánh nhau “thực sự” được, như Garel nói.
“Có thể nói là có cũng được.
- Cậu sẽ không đánh nhau nữa ư?
- Tớ hỏi cậu ấy chứ.
- Cậu đừng lo cho tớ, tớ đã có biện pháp cần thiết.
- Thế nghĩa là sao?”
Garel chỉ mỉm cười. Pierre biết rằng cậu ta đã hoạt động ở số 106 phố Léon-Descombes, nhóm văn hóa Mác xít Cannac, nơi chính cậu cũng từng qua lại vài lần cùng Tikhomirov. Có điều gì đó ẩn sau những phân tích chính trị ngoắt ngoéo của họ, nhưng cậu không biết chính xác đó là gì.
“Tớ đã hỏi họ xem tớ có nên vượt phòng tuyến không và họ không khuyến cáo làm như vậy.”
Pierre ngạc nhiên.
“Vượt phòng tuyến - ý cậu là chạy sang phía bên kia ư? Thế mà cậu gọi là ‘có biện pháp’ à? Cậu điên rồi!
- Tại sao không? Đây không chỉ là vấn đề niềm tin - hơn nữa tớ chưa từng nghe thấy lời biện hộ nào ủng hộ cuộc chiến của chúng ta và cũng chẳng phải hình dung nhiều mới hiểu được quan điểm của họ... Nhưng vấn đề không phải là như vậy.
- Vấn đề là gì?
- Cứ chờ xem, chắc sẽ hay ho phết đấy.”
Cứ có tiếng lóng là Garel lại dùng với vẻ khoái trá, như thể được chén một thứ trái cây nhập ngoại và không muốn để mất đi chút hương vị gì. Hay ho phết đấy: cậu ta nhè từ đó ra khỏi mồm rồi toét miệng cười mãn nguyện.
“Đi xem bạn bè tự chui vào chỗ chết thì có gì hay ho? Hay chính cậu ra tay giết họ, vì hám kinh nghiệm ư?
- Cái thái độ tôn thờ ‘tình bạn’ ấy với tớ chẳng nghĩa lý gì, anh bạn ạ. Họ không phải là ‘bạn’ - chỉ là những con tốt trong một ván cờ.
- Nhưng tớ và cậu, chúng ta cùng ở một phe!
- Tớ không phải là người đã khởi xướng ván cờ và xếp quân. Với lại, giờ xin hỏi lại cậu, thấy cảnh giết hại phụ nữ và trẻ em trong các làng quê vùng Đồng Tháp Mười thì hay ho đến thế sao?”
Pierre nhớ lại lời Bằng Sơn.
“Chiến tranh là thế mà. Cậu chưa trả lời tớ. Liệu cậu có giết bạn bè không?”
Garel im lặng một lúc.
“Cả cậu cũng chưa trả lời tớ, rốt cuộc anh ta nói: có thể không có câu trả lời, cả cho cậu lẫn cho tớ. Tớ thờ ơ với câu chuyện ‘tình bạn’ đó: tớ sinh ra ở Pháp nên cậu gọi tớ là người Pháp. Liệu việc đó có khiến tớ đương nhiên trở thành tòng phạm của tất cả những tội ác mà các chính trị gia muốn gây ra dưới chiêu bài lợi ích quốc gia không? Tớ không tin. Tớ không biết giới hạn nằm ở đâu. Tớ nghĩ rằng khó mà biết được khi chưa lại gần nó. Thậm chí tớ cũng chẳng biết mình sẽ hành động như thế nào trước nỗi sợ hãi. Có thể tớ sẽ suy sụp mất. Đó chính là điều mà tớ gọi là hay ho. Nó chẳng hề mang màu sắc chính trị hay đạo lý gì cả: đó là chuyện biết xem anh thực sự là ai. Bây giờ cậu hiểu chưa?”
Pierre nhún vai. Trên những mặt bàn đặt trên những cái mễ là một đống lồng chim chồng lên nhau. Cậu mua một chiếc lồng.
“Cậu làm gì với cái đó? Garel hỏi.
- Phóng sinh một con chim. Chúng chẳng phải là những tâm hồn bị giam hãm sao?”
Garel lắc đầu.
“Hôm nay chẳng phải là ngày lành đâu,” cậu nói.
Pierre ra về với chiếc lồng chim, tin vào thứ khoa học không phải của mình. Nhưng khi nào thì mới đến ngày lành?
***
Khi đến doanh trại Martin-des-Pallières, Pierre nghe thấy tiếng ồn ào từ phía một trong những khoang nhà chứa máy bay. Người ta vừa chuyển giao pháo phòng không Bofors 40 mm.
Blondeau băng qua cả nửa sân để ra gặp và khoác tay cậu.
“Cậu trông thấy chưa? anh hỏi.
- Những thiết bị hiện đại.
- Tuyệt lắm, phải không? Những khẩu pháo phòng không để chiến đấu với một quân đội không có không quân.”
Mặc dù không muốn, Pierre vẫn phá lên cười. Blondeau chẳng thấy chuyện đó buồn cười.
“Tôi muốn nói chuyện vài phút với cái kẻ nhố nhăng đó, chắc hắn phải là cựu học viên trường Bách khoa, cái kẻ đã đổ cả đống tiền đóng thuế của người Pháp vào đây ấy.
- Ta xử lý những thứ này thế nào đây?
- Gửi trả về Thụy Điển(1) có lẽ là cách hợp lý duy nhất. Nhưng thôi... Garnier thân mến, chúng ta sẽ biến chúng thành pháo gắn ô tô có trang bị súng liên thanh. Chỉ có Thiên tài mới nảy ra được ý đó, nó nhắc nhở chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác rằng sự ngu ngốc của người Pháp đã được chuộc lại bằng chính tài xoay xở của người Pháp.
- Làm thế có ổn không?”
Blondeau ngước mắt lên trời.
“Cầu cho Trần Hưng Đạo ở bên chúng ta!
- Tôi nghĩ rằng ông ấy đứng về phe đối phương chứ.
- Đó là tuyên truyền, anh bạn trẻ à, tuyên truyền thuần túy mà thôi.”
Họ đi hết sân mà chẳng nói gì thêm.
“Sao thế này?” Blondeau hỏi khi họ vào trong căn phòng làm việc trống trơn, chỉ có duy nhất một chiếc quạt điện rít đến chói tai mỗi lần chạy.
“Tôi nghĩ mình đang ngập trong đống phân, thưa đại úy.
- Chưa ngập sâu tới mức đức Thánh Trần không kéo cậu ra được bằng Tay Phải của Người đâu, con trai ạ.
- Trần Hưng Đạo, đức Thánh Trần, anh có sự phù hộ từ đấng tối cao. Đó chính là điều tôi cần vào lúc này.”
Blondeau đặt tay lên trán rồi vuốt ra sau gáy nhễ nhại mồ hôi.
“Tôi yêu mến các đức Thánh, tất cả các đức Thánh. Dĩ nhiên cũng có ưu tiên đặc biệt: đã từ lâu tôi chọn đức Thánh của chúng ta để kêu cầu. Từ đó, Ngài chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Đôi lúc cũng bị chưng hửng - nhưng huyền bí cũng là một phần của câu chuyện, phải không? Với lại, việc đó không khiến tôi mất thiện cảm. Ngược lại là đằng khác. Cậu có muốn tiếp tục viết về một sự nghiệp chính nghĩa không?
- Tôi nghĩ là không, thưa đại úy.
- Sắp tới cậu có ra trận không?
- Tôi nghĩ là không, thưa đại úy.
- Vậy thì cậu sẽ làm gì? Cậu có muốn tham gia hành trình phiêu lưu phục viên vẻ vang không?
- Xin anh rủ lòng thương, thưa đại úy, dù tội lỗi của tôi là thế nào đi nữa.”
Blondeau lặng thinh một lát.
“Không chỉ mình cậu rơi vào đống phân đâu, Garnier thân mến ạ, tôi thực sự nghĩ rằng tất cả chúng ta đều vậy. Cậu muốn tôi kể cậu nghe một câu chuyện không?”
Garnier đồng ý, thở phào vì đó là chủ đề khác chứ không phải chủ đề về cậu.
“Tôi vừa đi Xiêm Riệp về, cứ gọi đó là chuyến công vụ đi. Đến nơi, tôi được một đại tá, xin giấu tên, đón tiếp vô cùng tử tế. Không xem thường gã được đâu: sĩ quan gì mà, trái với quy định, đưa vợ từ Pháp sang, một cô nàng thuộc đơn vị bộ binh nữ, và đã dùng mánh lới phù phép nàng ta thành “tùy viên chính thức” của gã. Mà thôi... Thăm đền Angkor, lũ khỉ rú, cây gòn, đàn voi: một ngày tốt đẹp, chẳng có gì phàn nàn. Đến chiều tối mát mẻ, gã rủ tôi chơi tennis. Trò này tôi đâu có kém. Bọn tôi mới dạo được vài đường bóng thì có người đến cắt ngang cuộc chơi: một viên lính Campuchia mang tin hỏa tốc cho gã đại tá. Tay đó bị chửi như tát nước vào mặt: không ai được quấy rầy đại tá. Thấy bất tiện, tôi định can thiệp nhưng lại đến lượt tôi phát bóng: đành phải chơi tiếp. Tôi cố để thua thay vì tìm cách thắng. Thỉnh thoảng tôi liếc mắt về phía tay lính, vẫn không hề nhúc nhích, mũ cát đội đầu, bức thư trên tay. Tàn cuộc chơi, gã đại tá cầm lá thư không một lời cảm ơn, không cả nhìn tay lính. Tôi thấy không thể chấp nhận được. Cậu nghĩ sao?
- Chuyện đó an ủi tôi vì mình không phải là người duy nhất lo lắng cho tương lai.”
Blondeau cười, ánh mắt khoan dung.
“Thực sự tôi không muốn cậu nói sẽ làm tiếp trò bậy bạ gì. Tuổi trẻ cần phải qua đi - đó là điều bà tôi từng nói. Tôi nhớ hình như đã nói với cậu rằng tôi không muốn mất cậu ngay. Chúng ta còn lại những cơ may nào?
- Đừng hỏi tôi, thưa đại úy, tôi không biết đâu.
- Có thể tôi có một ý cho cậu.”
Khi anh nói xong ý tưởng, Pierre gật đầu.
“Vâng, cậu nói, cái đó, tôi có thể làm được.
- Vậy là chúng ta nhất trí nhé, anh bạn trẻ?
- Nhất trí.
- Thực sự đáng tiếc là tôi chỉ toàn thấy cậu trong cảnh éo le. Vậy thì, tôi nên mong là sẽ không bao giờ gặp lại cậu nữa. Hãy bảo trọng nhé.”
Sau khi ra khỏi căn phòng, Pierre nhận thấy đôi chân mình run rẩy.
***
Phòng tranh Nam Phong đóng cửa. Pierre đi thám thính gần tòa biệt thự nhưng, với hai tên lính gác ở cổng thì không thể vào mà không bị phát giác. Cậu chỉ nhìn thấy một bà cụ xanh xao, chống gậy, dắt theo một con chó bông.
Khi Pierre nghĩ đến Inès, cậu thấy rạo rực trong người. Cậu hồi tưởng và tái tạo từng khoảnh khắc trải qua bên bờ sông hôm ấy, rồi kìm nén ngay cảm xúc nếu không việc thủ dâm triền miên sẽ khiến cậu kiệt sức, rơi vào tình trạng không được thỏa mãn, căng thẳng vô tích sự làm cậu thậm chí mất ngủ.
Cậu đi qua góc khách sạn Majestic, không rẽ vào phố Catinat, rồi cái hình bánh ga tô to màu trắng của hãng Vận tải biển, và cậu đi xuống bến Bỉ(2), dọc theo kênh Tàu Hủ. Cuộc sống náo nhiệt bên bờ nước ở đó dường như lúc nào cũng xa lạ với cậu: chính đó là nơi khu Chợ Lớn kích thích thành phố không ngủ này. Cậu nhớ đến tay người Hoa ấy, vào những ngày đầu tháng Mười một, đột ngột đến nhà họ, ở hẻm Éden, và đề nghị họ - thậm chí là van xin họ - giữ cho hắn một túi bạc là cả gia tài của hắn.
“Tôi sợ có âm mưu ám sát tôi, hắn nói. Tôi gửi các ông số tiền này, nhờ các ông chuyển cho con trai tôi trong trường hợp không may tôi bị giết.
- Nhưng tại sao ông không đến Sở Mật thám, có hơn không?
- Tôi đã đến gặp thiếu tá Buis, cùng với đứa con trai bé nhỏ. Ông ấy chẳng buồn nghe chuyện này. Ông ấy nói rằng đó là việc cá nhân, cảnh sát Pháp không được xen vào. Thật quá nhẫn tâm.
- Có thể là nhẫn tâm, thưa ông, nhưng chúng tôi chẳng giúp gì cho ông được.
- Ngay cả khi các ông có một phần - một phần tương đối đấy - trong phi vụ này ư?”
Đó là lần đầu tiên Pierre đối mặt với một lời chào mời nhận tiền. Cậu chẳng bực mình cũng chẳng bị cám dỗ - chỉ thấy hay hay khi tay thương gia sẵn sàng có những quyết định quá cực đoan. Sau đó cậu thấy hắn chảy nước mắt và cậu không còn thấy thích thú nữa. “Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông, tôi rất muốn giúp ông nhưng không thể.”
Tay người Hoa cùng những đồng bạc biến mất, đôi vai oằn xuống vì sức nặng của chiếc túi hắn mang theo mà chẳng ai đáng tin cậy muốn giữ hộ hắn. Thời đó đã qua lâu rồi và họ có cảm giác rằng dần dần chính thế giới của người Hoa cuốn hút họ. Chẳng bao lâu “Đại Thế giới”, nhờ nỗ lực biếu quà và gửi phong bì đỏ đến đúng chỗ, rốt cuộc cũng mở cửa lại với các sòng bạc, câu lạc bộ giải trí, sàn nhảy và nhà hàng. Công việc làm ăn lại tiếp tục, thậm chí còn tiến triển trên một đà mới, và trên gối, những viên trung úy Pháp trẻ tuổi trao gửi những chuyện thầm kín đầu đời với các cô gái người Hoa, xinh đẹp hết mực nhưng chẳng hề ngây thơ.
Chuyến đi dạo loanh quanh của Pierre chẳng mấy thanh bình và đôi lúc cậu giật nẩy mình, tưởng như sắp gặp cô mà chẳng gặp được, không để ý đến những lời chế nhạo của một đám đội mũ lưỡi trai trắng, vui vẻ nhộn nhạo do có hơi men, lách giữa những đứa trẻ mặc quần soóc xanh dương vừa đạp xe vừa cười đùa rúc rích. Trống rỗng! Trống rỗng khủng khiếp! Trạng thái trống rỗng kinh khủng khoét sâu trong cậu, chỉ để lại cho cậu nỗi sợ và cảm giác bất lực, ngấu nghiến những lý do đúng sai đến tận giờ vẫn nguyên trong lòng cậu, xóa nhòa những khuôn mặt mà cậu tưởng mình từng yêu, bỏ mặc cậu trong nỗi cô đơn dần dần choán lấy cậu, nuốt chửng cậu và rốt cuộc khiến cậu biến mất. Khi Blondeau chuyện trò với cậu, có lúc cậu thấy lạc quan không suy tính, thậm chí thấy vui vẻ: bây giờ cậu thấy rõ rằng tất cả những chuyện đó chẳng có nghĩa lý gì và mảnh đất rộng màu xám nơi trời và nước hòa quyện với nhau, nơi dòng sông ánh bạc của dải Ngân Hà vô tình trôi giữa màn đêm, chẳng có gì niềm nở chào đón cậu. Những người khác, Chúa ơi, khăng khăng tìm kiếm ở đó những hứa hẹn, nhưng cậu chỉ thấy sự trống rỗng vô hạn ấy, như thể cậu đang trơ trọi bên bờ đê, đối diện với những ô bàn cờ đen trắng của đồng ruộng, và cậu chẳng có lựa chọn nào khác hơn là tiến lên và buộc mình hòa vào bầu không khí ẩm thấp đầy bùn, người đàn ông-đỉa bám, người đàn ông-hoa súng, người đàn ông-rau muống, mà cái vật chất trong đó có lẽ đã trôi đi và lan ra khắp khoảng rộng bao la bằng phẳng. Cậu thấy mình run rẩy mà chẳng biết làm sao. Vào cái thời sách vở là tất cả đối với cậu, cậu nhớ lại một câu mà dường như cậu thấy là một thứ điên rồ: “tinh thần đại dương của vũ trụ”. Nếu đúng là tinh thần đó, vậy thì chẳng phải điều gì khác ngoài nỗi khiếp sợ thuần túy.
“Này Cửng-cu, nếu chẳng có việc đếch gì, một giọng cau có lên tiếng, thì thủ dâm đi, cho có việc để làm.”
Cậu nheo mắt trước khi nhận ra Carraz, mặc thường phục, đầu tóc bù xù cùng với bộ râu ba ngày chưa cạo, chìa bàn tay hộ pháp về phía cậu. Cậu cảm thấy một làn sóng an ủi chạy trong người. Cậu không thể nói ra cái ham muốn hư vô từng có trong người - đến mức chóng mặt toan nhảy xuống dòng nước đen ngòm - cậu chỉ có thể nhắc đi nhắc lại “mẹ kiếp, mẹ kiếp” và để cho cậu bạn bóp nát bàn tay, chẳng có gì đáng ngạc nghiên trước sự biểu cảm thái quá ấy.
Do đó, trong đêm tối, không để tâm đến lệnh giới nghiêm và cả một toán lính biệt kích tuần tra người Sénégal yêu cầu mật khẩu khu Phú Nhuận, cậu kể với bạn tất cả, cái chết của Tikho, Inès và Katia, thậm chí cả sự xuất hiện như bóng ma của Bằng Sơn.
“Mày thực sự chẳng có việc đếch gì để làm,” Carraz bình luận một cách thân tình.
Họ ngồi trong một quán bar tại Đa Kao, gần cầu Bông, và uống bia 333. Mặc dù buồn nôn, Pierre vẫn muốn uống và uống nữa: cơn khát của cậu không có điểm dừng.
“Mày còn nhớ cuộc đổ bộ xuống Mỹ Tho không?
- Hồi tháng Mười á? Khi mày một tay bóp cò một tay cầm dái chứ gì?
- Ừa. Có lẽ đó đúng thật là tổn thất to lớn cho nhân loại...
- Cả cái gã bị đóng đinh trên cây chữ thập, lũ trẻ hát cho Leclerc bài Thống chế, chúng tôi đây nữa chứ. Mẹ kiếp, cái đầu của thánh bảo hộ. Bà ấy tên là gì nhỉ, bà xơ ấy?
- Xơ Thérèse, xơ Chantal... Lũ trẻ, ừ. Nhưng dù là lũ trẻ thì cũng không phải lý do để tin điều đó. Mẹ kiếp lũ trẻ, cứ cho ăn là chúng sẽ hát cho mày nghe bất kỳ cái gì bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.”
Một tên lính thủy đánh bộ gần như say khướt muốn ngồi xuống kết giao với họ, nhưng Carraz thẳng tay đẩy hắn ra. Gã kia đổ xuống đất, thực ra chẳng cần phản ứng đến thế. “‘Lúc nào cũng lính thủy đánh bộ’, tao cần đếch gì,” Carraz vừa lẩm bẩm vừa khinh bỉ nhìn cái đống dưới đất.
“Sau chuyện đó, mày phải lội bùn ngập đến tận đầu gối, trời nóng mà mày rét run, mày có cảm giác rằng hàng tỉ con côn trùng, dòi bọ nhấm nháp mày đến tận dái, mà mày phải chờ, không được gây tiếng động đến khi có một thằng khốn hắt hơi và mày tự nhủ rằng ôi, không thể thế được nhưng rồi mày vẫn cứ chờ và sau bốn năm tiếng chán đéo chịu được, viên đại úy mới nói đó là báo động giả, chiến dịch truy quét sẽ tiếp tục vào ngày mai, rồi mày tự nhìn mình, đầy bùn, gớm ghiếc, máu dây trên cẳng chân, rồi mày nói: ‘Càn quét ư? Anh gọi cái đó là một cuộc càn quét sao, thưa đại úy?’ thế là viên đại úy cười bò ra và cả phân đội cười bò ra và mày cũng cười bò ra, coi chúng như một lũ đần độn, ‘xin anh thứ lỗi cho, thưa đại úy,’ và như thế mày tránh phải nghĩ đến cái thằng khốn đã bày ra cái trò chó chết ấy. Tệ nhất là tao kể lại cho mày và thậm chí chuyện ấy cũng không hẳn là một kỷ niệm tồi tệ. Mày hiểu chứ?
- Tao hiểu.
- Mày hiểu chó gì, nhưng thây kệ. Chiến tranh là thế: chẳng có gì để hiểu sất. Trước khi tham chiến mày tưởng rằng có những nguyên cớ và mày đọc những lời hùng hồn kèm theo. Thế rồi sau đó, khi mày đã vào cuộc, thì chẳng còn lấy một tên chính khách khốn kiếp nào ở đó để cho mày một bài diễn văn chó chết mà đếch ai thèm quan tâm: mọi thứ khép lại với mày và thế là quá muộn rồi.
- Cứ như Bardamu(3) nói vậy.
- Tao không biết Bardamu là ai, nhưng đó là một gã đã tham chiến.”
Pierre dẫn ra đoạn cuối chương đầu tác phẩm Hành trình đến tận cùng đêm tối. Carraz lúc lắc cái đầu.
“Đấy, Carraz nói. Thế là toi rồi, cứ như lũ chuột. Nhưng kể cả nếu mày phóng thích thì chúng tao cũng chẳng đi.
- Tao sẽ chuồn khỏi đây khi hết hạn nghĩa vụ.”
Carraz nhìn chòng chọc vào cậu rồi lắc đầu.
“Mày sẽ ở lại, như tao thôi. Tao chẳng biết là tại sao. Mày không điên như tao nhưng dù sao mày cũng là thằng điên. Chắc đó là một dạng ma túy, có thể thế. Hay là: bởi mày đã thấy thằng bạn mày ngã xuống và mày nhớ tên cái thằng ấy và bởi Marciac có một cái mũi như quả cà chua, bởi Vercel nổ rằng đó là bị nhiễm trùng, bởi Cachera người thành phố Lille nói lắp cứ như thế nàyàyàyày, một cái thằng khác thì cậy không ra tiếng còn một thằng khác nữa ờ chẳng nói mà hát, ờ lúc nào cũng biết cách nói theo kiểu hát hò. Mày tự nhủ: mẹ kiếp, mới có sáu tháng mà những gã ấy đã không còn ở đó nữa ư? Và nếu không phải mày, bởi vì dù sao mày cũng ở với chúng tao, với cái cách không bình thường của mày, thì có lẽ thậm chí tao cũng không nói với mày về chuyện đó. Tao nhớ từng gặp một thằng lính thực dân già, khố rách áo ôm, quá ngu đần để có thể làm giàu được, và hắn kể cho tao những câu chuyện của thời cũ, những chuyện bậy bạ theo kiểu Lyautey(4), thế mà chuyện đó làm tao thích thú, mày thấy không, tên lính đi thực hiện công lý và trở thành tiểu vương. Hắn vừa phát chẩn lúa gạo vừa đánh đập, hắn nói những gì được phép và những gì không được phép, hắn bảo vệ và trừng phạt, và đêm nào hắn cũng xài một trong số chín mươi hai con đàn bà của hắn. Chà, hắn lại khiến tao mơ tưởng một lần nữa, cái thằng ngu ấy, nhưng tao đảm bảo với mày rằng chuyện đó không kéo dài, có thể bằng thời gian chiếc xe Dodge đổ nhào xuống một cái hố đầy nước và người ta lội xuống đó, nước dâng đến tận mũi, tìm cách kéo chiếc xe ra, bởi vì con người ấy à, có bị gỉ đâu. Thế cái thằng Bằng Sơn thân thiết ấy, mày nói rằng nó đã chạy sang phía bên kia rồi à?
- Nó bảo tao hãy lên chuyến tàu thủy đầu tiên để về nhà.
- Bởi vì nó biết là mày có ‘nhà’ à?
- Nó không nghĩ đến chuyện ấy. Nó chỉ muốn nói: ‘Mày hãy biến khỏi đây.’ Khá là chân tình đấy...
- Được rồi, tao hiểu. Tao chưa bao giờ bảo ban nó như vậy đâu, cái thằng nhà quê ấy. Vậy mày sẽ làm gì?”
Pierre bĩu môi, Carraz không cố nài. Đã đến lúc mà lời nói của họ chẳng còn mấy quan trọng nữa, những lời nói ra không phải để được ghi nhận hay thậm chí được lắng nghe. Người ta nói như khạc nhổ, như hắt hơi và hỉ mũi. Tuy nhiên, Pierre thấy có gì đó bất ngờ len lỏi trong những lời nói và vào tận trong những câu chửi rủa mà Carraz thốt lên, mà bia chẳng có tác dụng gì ở đây cả, có gì đó còn tệ hơn cả cái ẩm ướt của đầm lầy và ruộng lúa từng làm ô uế tâm hồn cậu mà chẳng làm mất đi sức mạnh và cái vẻ khờ dại bám lấy cậu.
Họ đi như vậy trong đêm, mò mẫm, cả hai mù mờ vịn vào nhau, nhất trí với nhau mà chẳng hề hiểu nhau. Cơn say choán lấy Pierre, một trong những cơn say mê muội, tự phụ ấy, khi mà người ta cứ ngỡ mình thống trị thế giới, muốn làm gì thì làm. Carraz không thay đổi, cậu ta chẳng bao giờ thay đổi - có thể nếu cậu ta uống quá liều lượng một chút nữa thôi (quá khá nhiều so với liều lượng mà Pierre hình dung mình có thể uống), thì cậu ta sẽ ngã nhào một cái, như một cái cây đổ ập xuống. Họ gà gật vài tiếng trong căn phòng ở Đa Kao và tỉnh dậy lúc tinh mơ sáng, còn chếnh choáng. Họ tẩy mùi hôi đêm qua bằng một bát hủ tiếu, Carraz cho thêm vào đó nước mắm và cả đống ớt. “Bố khỉ, bát hủ tiếu này làm tỉnh cả ngủ! cậu ta thì thầm, hả hê trong lòng. Lẽ ra bọn mình có thể đã chết với những trò bậy bạ đó và chẳng có gì để mà luyến tiếc.” Pierre lắng nghe cậu ta nói và tự nhủ rằng cậu thích ở cậu ta khả năng chỉ nói được điều cốt yếu, vào mỗi giây phút cuộc đời cậu ta, mà không thèm để tâm đến phép lịch thiệp.
“Thế còn con đĩ của mày, cậu ta hồ hởi nói, vẫn có thể pháo chiến được chứ?”
Họ trở lại các con phố khu Plateau như vậy, Pierre không phản ứng nữa, tính lạc quan của bạn truyền sang làm cậu khoan khoái, tin chắc rằng cứ đường đột đến nhà người tình vào lúc sáu giờ sáng và đòi gặp ả chỉ vì lý do dớ dẩn là điều bình thường.
“Thế còn hắn? cậu yếu ớt hỏi khi họ đã đến gần.
“Cần phải... phỉnh phờ hắn.
- Như thế có nghĩa là gì?
- Chưa biết cụ thể thế nào nhưng chúng ta sẽ làm như thế.”
Một anh bồi uể oải hé mở cổng sắt và một người bảo vệ từ chòi gác đi ra. Carraz sủa vài từ qua hộp loa thông báo và họ bước vào lối đi trồng đầy hoa, đến ngồi dưới hiên nhà trong lúc đợi người ta đi mời chủ nhà. Pierre tim đập thình thịch. Cậu chưa hề tưởng tượng sẽ đương đầu với Blaizot, ấy thế mà họ lại đang ở đó, có thể đã tỉnh rượu, ở trong hang cọp, nếu không muốn nói là đã trong miệng cọp.
Cuối cùng họ nghe thấy giọng nói trầm và vui vẻ của Inès đang hỏi xem có chuyện gì.
Họ đang mở miệng, ấp úng, vẻ đầy nực cười thì tiếng nổ vang lên.
***
Mãi lâu sau đó, thậm chí khi thảm họa đã đi qua, Pierre vẫn còn nghĩ đến sự trùng hợp ngẫu nhiên đã khiến Blaizot công tác vắng nhà vào cái ngày mà một quả bom nổ cách đó hai ngôi nhà, tại biệt thự của phó thống đốc Ngân hàng Đông Dương, biến cuộc đột nhập trong trang phục thường dân của họ, lôi thôi lếch thếch, râu ria lởm chởm, thành một chi tiết vô vị vào một buổi sáng rồ dại. Các thanh tra Sở Mật thám đi đi lại lại, đặt câu hỏi - như thường lệ, không một nhân viên Việt Nam nào đã nghe hay thấy gì hết. Inès đi lại giữa cảnh hỗn độn đó với vẻ duyên dáng, giám sát việc chuẩn bị trà và cà phê.
Carraz chuồn đi sau khi hẹn gặp lại Pierre vào buổi tối ở sàn Vẹt Xanh - cậu ta sẽ lại đi vào năm giờ sáng hôm sau, mày có đến hay không cũng vậy thôi, nhưng hãy cố gắng đến, thế rồi cậu còn lại một mình ngoài hiên, trong khi cơn mưa nặng hạt trút xuống khóm râm bụt, đờ đẫn vì cảm giác pha trộn giữa mệt mỏi đêm qua với trạng thái hưng phấn nhưng không hạnh phúc khi được gặp lại ả mà không thể nói chuyện hay ôm ả trong vòng tay.
Giữa lúc yên lặng, ả kênh kiệu ra hiệu và cậu theo gót ả, lúc này đang mặc trên người bộ lụa tơ tằm, đi vào phòng ăn nơi bày biện những chiếc ghế cao, rồi qua một hành lang tối nơi ả hổn hển lao vào cậu trước khi dừng bước. Cậu hôn ả mãnh liệt đến mức răng họ va vào nhau và cậu cảm thấy ả thật tàn nhẫn, cuồng nhiệt, dữ dội. Ả thoát khỏi cái ôm ghì của cậu, mở cánh cửa sau lưng cậu rồi đẩy cậu vào trong. Ả đứng lại một lát nơi khuôn cửa và vì chỗ đó ngược ánh sáng buổi sớm nên cậu chỉ nhìn thấy ánh mắt ả, ánh mắt chẳng nói lên liệu ả đang yêu cậu điên cuồng hay ả tức điên với cậu - có thể là cả hai. Ả biến mất còn cậu thấy mình ở trong phòng chơi bi a. Các bức tường thấm mùi lạnh lẽo của khói xì gà xa xỉ. Cậu nhặt một cục phấn màu xanh dương rồi lăn giữa các ngón tay.
“Đồ ngu ngốc tội nghiệp, cậu vừa lẩm bẩm vừa đổ sụp xuống chiếc ghế dài, đồ ngu ngốc tội nghiệp, tội nghiệp.” Thế rồi cậu ngủ thiếp đi trên đó, cục phấn màu xanh dương trên tay.
Vài phút sau ả thô bạo đánh thức cậu dậy. Ả đứng không đủ gần để cậu làm cái điều duy nhất mà cậu muốn: cắn vào môi ả.
“Anh làm gì ở đây thế?” ả rít lên hỏi.
Cậu nói với ả rằng cậu yêu ả và không thể sống được nếu không có ả (và phát ra những từ này nghe thật kỳ lạ bởi lẽ, trước đó chưa đầy một tuần, cậu từng nói những lời giống hệt với một người đàn bà khác và dường như chúng tuyệt đối thực lòng, thậm chí với đôi mắt rưng rưng, chúng còn bắn ra như trận cuồng phong từ mép cậu), cậu không muốn chết, đúng vậy, nhưng sống mà không có ả thì không thể chịu nổi, cậu không ngừng nghĩ đến ả và điều đó giày vò tâm can cậu, cậu lấy làm tiếc nhưng chuyện là vậy đấy, cậu đã thử làm khác đi, cậu đã thử các cô gái khác nhưng cậu không thể. Gương mặt bí hiểm của ả giờ đây sát ngay gần khuôn mặt cậu - một ngón tay, một hơi thở - và ả có thể ôm hôn cậu hoặc có thể phá lên cười rồi nhẫn tâm chế giễu. Cậu thấy lướt qua cả gương mặt cứng rắn, cả gương mặt phó mặc của ả và cậu tự vấn liệu mình phải tin vào khuôn mặt nào, ngờ rằng sự thật về người đàn bà này không phải là duy nhất, chẳng hơn gì sự thật về chính bản thân cậu, giữa cơn choáng váng, say sưa với những lời nói của chính mình.
Ả nhắm mắt lại và cậu thấy gương mặt ả đột nhiên trơn nhẵn đến mức khó tưởng tượng, như bề mặt không hề lồi lõm của mảnh trăng đen; cuối cùng ả cũng hôn cậu, rất lâu, mạnh đến mức khiến cậu đau, cứ như ả muốn mút cậu vào trong.
“Em cũng vậy, ả nói.
- Em cũng vậy là sao?”
Ả mỉm cười huyền bí.
“Bây giờ anh phải đi thôi. Một giờ nữa là hắn về, có thể còn sớm hơn.
Khi nào, Inès, ở đâu?”
Ả không trả lời. Có tiếng bước chân ngoài hành lang. Họ lặng im không động đậy. Ả đưa cậu ra ngoài bằng lối cửa sổ thông ra khu vườn kiểu Nhật và cậu bước đi không hề ngoảnh lại, băng qua hiên với đôi giày vẫn còn ướt trên tay, gần như chạy trên lối đi dẫn ra cánh cổng sắt đang mở ra như có phép thần, ra đến ngoài đường với vết thương dai dẳng của nụ hôn và thở phào nhẹ nhõm mà chẳng biết vì lý do nào, thoát được Blaizot hay là thoát được ả.
Cậu nhớ lại mình đã nắm chặt tay suốt khoảng thời gian đó. Cậu xòe tay ra, vẫn thấy cục phấn nhỏ màu xanh. Cậu liếm ngón tay trỏ.
Có vị đắng.
***
Buổi tối, cậu say quắc cần câu tại sàn Vẹt Xanh cùng với Carraz rồi cuối cùng đi về hướng Phú Nhuận với hai con điếm chỉ biết nói: “Ông thế nào?” và “Cho quà em đi”. Họ thanh toán hai ly đồ uống cho các ả rồi tử tế đuổi các ả đi.
Carraz chuẩn bị đi cùng một đoàn xe ra Bắc.
“Thế còn cái vụ tể tướng của mày thì bao giờ vậy?
- Tất cả những gì tao cần, đó là chín mươi hai con đàn bà... Còn lại, tao chịu trách nhiệm...
- Giờ thì mày đã nổi như cồn trên toàn cõi Đông Dương này rồi còn gì. Với những câu chuyện người ta đồn đại về mày thì ngay cả bọn khỉ cũng rành mọi tiểu tiết.”
Carraz suýt thì sặc bia, túm lấy cổ áo Pierre để dạy cho cậu phép lịch sự. Họ vẫn còn say: những điều phải nói, những điều phải quên. Carraz nói về người anh quá cố, về người vợ mà cậu ta bỏ lại bên Pháp chẳng một lời giải thích, trong khi cô ấy đang mang bầu.
“Từ ngày ấy mày có tin tức gì về cô ấy không?
- Có. Đã sinh một thằng cu.
- Nó mấy tuổi rồi?
- Một tuổi. Cái thằng cu may mắn đó không biết rằng nó có bố. Nếu biết thì có lẽ nó sẽ khiếp sợ mà trốn đi.
- Mày yêu cô ấy chứ?
- Yêu ấy à? Carraz nhại lại. Để tao nghĩ xem đã. Liệu tao có yêu không à? Ôi ông bạn Cửng-cu đa cảm thân mến của tôi. Một hôm say khướt, tao nói với cô ấy những lời có cánh, rằng cô ấy là đóa hồng của tao và tao sẽ che chở cô ấy mãi mãi. Tội một nỗi là cô ấy lại tin tao.
- Thế bây giờ thì sao?
- Tao vẫn chuyện trò với cô ấy, lúc nào cũng với những lời ngọt ngào, nhưng chỉ vào những lúc tao ở một mình, say khướt và chắc chắn chẳng ai nghe thấy tao nói gì.
- Chắc mày phải viết thư cho cô ấy chứ?
- Cái thằng Cửng-cu này, mẹ kiếp...
- Nếu là tao thì tao sẽ viết thư cho cô ấy.
- Thế thì đấy, mày cứ việc thay tao viết thư cho cô ấy, tao sẽ cho mày địa chỉ và tao đảm bảo rằng cô ấy sẽ mê mệt những lá thư của mày. Cô ấy vốn có khiếu văn vẻ hơn tao. Cô ấy hay đọc tạp chí.”
***
Đêm hôm sau, một người Campuchia đang quét dọn ngôi đền trên phố Ochier(5) thì vấp phải một xác phụ nữ bị cắt cụt chân tay rất khủng khiếp. Người ta đổ vụ giết Inès Blaizot cho những kẻ khủng bố và mở hẳn một chiến dịch truyền thông trên các tờ báo theo chủ nghĩa liên hiệp và ly khai để tố cáo sự lơ là của các lực lượng an ninh.
Ít lâu sau đó, như đã thỏa thuận với đại úy Blondeau, Pierre Garnier vào trường Petrus Ký để theo khóa đào tạo chiếu phim tại cục điện ảnh quân đội.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước