Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Chương II - Thời Niên Thiếu - Phần 7
N
guyễn Tất Đạt từ Nghệ An trở vào Huế. Đạt bàng hoàng trước cảnh nhà: cha đã đi khỏi kinh đô Huế, em trai Nguyễn Tất Thành bị cảm sốt từ hôm tiễn cha đi, nằm mê man. Những người bạn thân nhất của Thành là Diệp Văn Kỳ, Lê Thị Hạnh đã về Sài Gòn, Công tôn nữ Huệ Minh đã về nhà chồng, Thành nhờ có một số bạn học mới giúp thuốc thang và cháo lão… Tất Đạt chạy thầy, chạy thuốc tiếp cho em. Anh sang tận bên An Cựu mời thầy lang nổi tiếng về nuôi tại nhà trong những ngày em bệnh nặng. Khi được biết rõ bệnh nhân là con trai thứ quan Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, thầy lang đã không lấy tiền bắt mạch kê đơn và cũng từ chối cả việc cơm nước.
Thành khỏi bệnh, hai anh em trả nhà cho chủ đến ở trọ tại quán Ao Hồ (đường Mạc Đĩnh Chi bây giờ). Trường Quốc học có mặt học sinh mười hai tỉnh của xứ Trung Kỳ, nhưng học trò Nghệ Tĩnh, Quảng Nam là đông nhất. Do đó, có hai quán trọ dành riêng cho học trò xứ Nghệ và học trò xứ Quảng. Hai anh em Thành trọ chung một buồng hạng ít tiền nhất, tự giặt lấy quần áo, ăn cơm “bình dân”.
Thầy Lê Văn Miến ghé thăm nơi ăn, chỗ ở của học trò Nghệ, đồng hương với thầy. Thầy Miến băn khoăn nói với anh em Thành:
– Trước ngày quan Phó bảng đi Bình Khê nhận chức tri huyện; thầy có bàn việc đón hai trò đến nhà thầy ở. Nhà thầy rộng, có nơi ngồi học riêng biệt. Thầy không sống bằng cao lương mỹ vị. Nhưng nhìn bữa ăn của hai trò, thầy không cầm lòng nổi. Hai trò về nhà thầy ở. Nhà thầy có một khu vườn xanh, cả ngày không lúc nào vắng tiếng chim, có những chậu cảnh, các loại hoa quý, Thầy biết trò Thành yêu cảnh trí và thích hội họa. Thầy sẽ dạy cho trò học thêm môn vẽ.
– Thưa thầy, – Thành lễ phép nói – con và anh con rất biết tấm lòng vàng của thầy. Và chúng con khi được ở bên thầy việc học của chứng con càng tấn tới. Nhưng thưa thầy chúng con cũng muốn sống tự lực, để khi gặp phải cảnh ngộ nào chúng con vẫn giữ được nếp nhà.
Thành nhìn bộ quần áo của thầy, giọng xúc động:
– Thầy là gương sáng về cốt cách người Nam để chúng con noi theo: thầy đã từng du học ở bên Tây, ăn cơm Tây, nói tiếng Tây, nhưng không hề thấy thầy đã bị trừ đi một phần nào cái cốt cách dân tộc. Nhưng chúng con thấy một số thầy người Nam mà cách nồi, cử chỉ, ăn mặc lại hoàn toàn như người Tây. Trong khi đó có những thầy người Tây lại ra công học tiếng Việt Nam, mặc y phục Việt Nam, đặt tên Việt Nam và tập ăn các thứ mắm, ăn trầu thuốc nữa…
Thầy Lê Văn Miến cầm lấy bàn tay thon thon của Tất Thành, giọng ông nói ấm áp:
– Tục ngữ có câu: “Đã khôn từ trứng khôn ra, đã dại đến già vẫn dại”. Tiền đồ của dân tộc phải trông đợi ở lớp người trẻ. Lớp người như thầy thật vô dụng…
Nguyễn Tất Thành hơi bối rối:
– Thưa thầy không có lớp các thầy những người như thầy, thì đâu có lớp chúng con?…
Hai thầy trò cùng nhau đi khoan thai tới quán sách cụ Lừa…
*****
Nguyễn Tất Thành ngồi trong lớp nhìn lên bảng đen:
Giờ học lịch sử cuộc cách mạng Pháp 1789.
Ông giáo người Pháp Gơ-ri-phông (Griffon) bước vào. Cả lớp đứng dậy đều răm rắp. Ông ta bước lên bục giảng, đưa mắt “điểm danh” từng dãy bàn. Ông nói giọng thổ: “Các trò ngồi xuống. Hôm nay chúng ta học phần: Nguyên nhân nổ ra cuộc cách mạng 1789″.
Giáo sư Gơ-ri-phông bước xuống bục, đi xuống đi lên giữa những dãy ghế học trò đang chăm chú chép bài. Tai nghe, tay chép lia lịa mà lòng Thành ngổn ngang với bao vấn đề của bài học lịch sử.
“Nhà vua chỉ nhận tước phong của Thượng đế và có có trách nhiệm trước Thượng đế. Quyền của nhà vua không có giới hạn. Nhà vua có toàn quyền đối với tính mệnh và tài sản của dân.
“Dân không có quyền mà có bổn phận vâng lệnh vua. Báo chí, sách vở không được in ra nếu chưa được kiểm duyệt. Nhà vua có quyền lấy tài sản của dân bằng mệnh lệnh tịch thu. Nhà vua muốn bắt giam người nào chỉ cần một tờ lệnh.
“Nhà vua sống trong cung điện ở Véc-xay (Versailles). Có từ một vạn bảy ngàn đến một vạn tám ngàn quần thần mà số phục dịch vua và vợ con vua là một ngàn người. Mỗi năm nhà vua tiêu tốn cho mình là 50 triệu bảng (73), chiếm một phần mười lợi tức nhà nước.
“Nước Pháp thời trước cuộc đại cách mạng 1789 có trên hai mươi sáu triệu dân, chia thành ba giai cấp: giáo hội, quý tộc, thứ dân. “Giáo hội là giai cấp đứng hàng đầu trong cả nước. Giai cấp này có độ một trăm ba mươi ngàn giáo sĩ được tổ chức thành một đoàn thể chặt chẽ. Nhà vua công nhận cho giáo hội quyền thu thuế nhận mọi bổng lộc, có tòa án riêng. Giáo hội chiếm một phần mười diện tích ruộng đất trong toàn nước Pháp, có nhiều lâu đài, biệt thự cho thuê ở khắp các thành phố lớn.
“Giai cấp quý tộc được ưu đãi thứ hai sau giáo hội. Quý tộc gồm hai hạng: quý tộc dòng giống, thuộc dòng dõi chính thống; quý tộc hàm là hạng bỏ tiền mua từ những đời cha, ông trước.
“Quyền lợi của đám quý tộc: mặc sắc phục riêng, ngồi ở hàng danh dự lúc vào nhà thờ, nơi yến tiệc; miễn để quân đội trưng dụng nhà, hưởng đặc quyền trước pháp luật, chỉ bị xử trước quốc hội mà thôi. Quý tộc còn được các quyền: sử dụng đất đai, quyền thu thuế quyền săn bắn, quyền xử án, bắt phu, ưu tiên qua cầu đi đường.
“Giai cấp thứ dân gồm những người công chức nhỏ, sĩ quan cấp thấp, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, luật sư, thương gia, kỹ nghệ gia, thợ thuyền, dân cày”…
Chép xong bài, cả lớp đặt bút xuống bàn, tháo ống áo lót cánh tay viết ra, ngồi nghe thầy giảng. Thành nhìn chăm chăm ông giáo Gơ-ri-phông mà anh không nghe rõ thầy giáo nói những gì. Trước mắt anh là một nước Pháp có cụ Vi-ta-li nhân từ thương yêu đùm bọc bé Rê-mi. Có Giăng Van-giăng đau khổ mà độ lượng, trọng lời hứa, nuôi nấng Cô-dét suốt đời ông. Có những người mẹ như má Bác-bơ-ranh, như Phăng-tin. Có gia đình bác trồng hoa A-canh, ai cũng tốt bụng. Có anh sinh viên Ma-ri-uýt hăng hái cách mạng, có em thiếu niên Ga-vơ-rốt dũng cảm. Và nước Pháp đầy rẫy những tên mật thám Gia-ve, những thằng người như Đơ-rit- xcôn, Tê-nác-đi-ê nham hiểm, đểu cáng (74).
Càng nghe thầy giảng, dòng suy nghĩ của anh càng dài. Những câu hỏi lớn nối tiếp hiện ra theo các nhân vật mà anh đã gặp trong những trang sách thuê đọc ở quán sách cụ Lừa. Lòng anh càng trăn trở về một câu hỏi: Nước Pháp đã sinh ra được những nhà tư tưởng như Mông-tét-ki-ơ (Montesquieu), Rút-xô (Rousseau), Vôn-te (Voltaire) và Công-đoóc-xê (Condorcet)… Họ đã đề xướng ra Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Họ đã đấu tranh đòi quyền cơ bản của con người – Nhân quyền. Vậy mà ở đất nước Nam này lù lù cái ông Tây từ đâu đến chân lấm đầy máu của con người?
Thành chợt tỉnh, trước mặt vẫn là ông giáo người Tây Gơ-ri-phông đang thao thao bất tuyệt:
– Các trò về học thuộc bài. Học lịch sử là phải học thuộc tất cả những chi tiết trong từng sự kiện, từng thời đại từng ông vua, vị tướng. Các trò phải noi gương trò Nguyễn Văn Thơ, Hồ Đắc Ưng (75) hiện học ở lớp trên các trò. Trò Thơ đã nhớ tất cả năm sinh, ngày chết của các vua, các tướng, các danh nhân người Pháp và các biến cố trên thế giới. Còn trò Hồ Đắc Ưng lại có bộ óc biệt tài, đã nhớ hết tên các con sông, các dãy núi của nước Pháp. Trò Ưng còn thuộc làu làu tên nước, tên thủ đô, thành phố lớn của các quốc gia trên khắp hoàn cầu…
Tan buổi học, cả lớp ùa ra sân. Thành nhìn quanh các phía không thấy anh Đạt. Thành bước dọc theo lối cỏ mịn, gương mặt anh trầm tư. Võ Liêm Sơn, Lê Đình Thám, Võ Chuẩn, Lê Thanh Cảnh ở phía sau chạy ùa lên cùng đi ngang hàng với Thành, cười đùa tíu tít…
Bất chợt Sơn hỏi Thành:
– Thầy Gơ-ri-phông đưa cậu ấm Thơ, cậu ấm Ưng lên tận mây xanh, Thành thấy sao?
Thành nhìn Chuẩn và Cảnh:
– Xin nhường để bạn Chuẩn và bạn Cảnh là hai bộ máy nhớ nhất lớp của chúng mình cho cảm tưởng trước.
Chuẩn mỉm cười. Cảnh ít tuổi nhất nhóm nhanh nhảu nói:
– Học thuộc tên các vua, tên sông, tên núi, tên các kinh đô, thành phố lớn có khó chi. Thầy nêu gương hai người trên lớp đàn anh là mẹo của thầy để chúng ta phải học thuộc bài…
Thành mặt buồn buồn, lơ đãng:
– Các anh ấy đã học lên được lớp cao, thuộc lòng được nhiều pho sử ký, pho địa dư của nước Pháp. Biết nhiều càng quý, không sợ thừa. Tiếc là hai anh ấy lại quên mất lịch sử nước nhà, chẳng nhớ nổi tên các con sông, các trái núi ở quê hương mình!
Lê Đình Thám nói:
– Có lần chính hai anh đến chơi ở nhà bác tôi. Ông bác họ tôi rặt lấy sức nhớ sử sách ở bên Pháp của hai anh ra so bì với đám con cháu trong nhà. Bỗng anh Thơ thấy trên án thư cuốn sách “Hồng Nghĩa giác tư y thư” của Tuệ Tĩnh, liền hỏi:
– Sách thuốc của Tàu phải không thưa bác?
– Cháu coi lại tên tác giả và đọc lời tựa thì biết.
Bác tôi thấy anh Thơ lúng túng, lật giở pho sách trên tay một lúc khá lâu mà vẫn chưa phân rõ được là sách ta hay sách Tàu. Thấy vậy, bác tôi phải dẫn giải rạch ròi:
– Tuệ Tĩnh là nhà đại danh y của nước ta. Ngài là người đầu tiên đặt nền móng y học Việt Nam với phương sách: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”. Pho sách “Hồng Nghĩa giác tư y thư” của ngài có nghĩa là pho sách thuốc giác tư của vị danh y. Hồng Nghĩa tức là quê của Tuệ Tĩnh, làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Còn chữ giác tư là gốc của câu: “dĩ tư đạo lý giác tư dân” nghĩa là lấy đạo lý này mà giác ngộ cho dân. Như vậy là nhà đại danh y Tuệ Tĩnh đặt tên sách với ý chỉ dẫn cho người làm thuốc nước mình một phương hướng trị bệnh cứu dân…
Thành và mấy bạn học cùng lớp vừa đi vừa say sưa nghe Thám kể chuyện. Đi quá lối rẽ về Ao Hồ, Thành chia tay các bạn, trở về quán trọ. Trong tâm trí anh vẫn sừng sững một câu hỏi: Những nhà cách mạng Pháp (1789) đã dấy động dân chúng Pháp đánh đổ bọn thống trị tàn bạo, đặc quyền đặc lợi, giải phóng con người xác lập quyền cơ bản của con người mà quyền Tự do là trên hết, sao dân chúng Pháp vẫn còn “Những kẻ khốn nạn”, những kẻ “Không gia đình”? Anh tâm niệm: Điều cha mình nói chí phải: Công bằng viễn lộ hà xứ thị?
o0o
Lá cờ Tây ba sắc ngạo nghễ trên nóc tòa khâm, phủ bóng đen xuống gương mặt kinh đô Huế u buồn. Những đoàn người quần áo nâu sồng và màu sắc thanh nhã, lũ lượt tay bưng lễ vật đổ về các chùa lớn, chùa nhỏ dự lễ Phật sinh. Trên các ngả đường của kinh thành, những thầy bói, thầy tướng số và người hành khất, người bán hoa sen, hoa huệ, hương ràng càng đông nườm nượp.
Trên đường về chùa hành lễ, người dân Huế vừa nói chuyện cúng bái, kinh kệ, vừa kháo nhau về chuyện sưu cao thuế nặng: thuế ruộng đang thu bằng thóc, mỗi mẫu quy ra tiền là bảy quan ba đã tăng lên mười quan, thuế thân (thuế đinh) từ hai hào tăng lên hai đồng bốn hào một người. Chính phủ “bảo hộ” và Nam triều còn ban hành hàng loạt các thứ thuế mới: thuế chợ, thuế đò, thuế muối, thuế hàng chuyến, thuế hàng hóa… Lại còn cái nạn đi phu, đi lính, đôn người dân vào con đường khốn quẫn, không còn lối sống.
Bà con nông dân huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam đã đứng lên rồi. Họ bao vây huyện đường đòi bỏ sưu, giảm thuế bỏ lệnh bắt xâu… Họ còn kéo lên tận tòa công sứ Quảng Nam đòi quyền lợi, đòi thả những đại biểu của họ bị bắt giam. Cuộc đấu tranh đang ngày càng lan rộng như đám cháy rừng.
Nguyễn Tất Thành nghĩ học nhân ngày Phật sinh. Thành đi chùa xem lễ, anh nghe được nhiều tiếng kêu than của bà con đang sống trong tình cảnh bị “vạc thịt đẽo xương”…
Một sáng tháng tư năm 1908 (76). Cũng như mọi sáng, Thành cắp sách đến trường. Thành ngơ ngác: từng đoàn người chân đất, áo rách, nón mê, tay không tấc sắt từ Công Lương, An Hòa, An Cựu và Kim Luông, Bao Vinh kéo đến trước tòa khâm. Thành vội vàng đưa cặp sách cho anh:
– Anh đưa đi gửi để em chạy đi gọi một số bạn nữa đến thông ngôn giúp cho bà con…
Thành chạy về phía gần chợ Cống gặp Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Hương Bính, Bửu Bành, Phan Văn Phúc. Thành vừa thở, vừa nói:
– Các bạn ơi… đồng bào đi xin xâu, chứng mình đi theo ủng hộ họ, thông ngôn giúp họ… Mau đi nào?
Cả tốp học trò chạy theo Tất Thành nhập vào dòng người như một con sông mùa nước lũ. Thành cầm cái nón lật ngửa lên, nói lớn:
– Số người nghèo khổ như vành nón, số giàu sang quyền quý như chóp nón. Đồng bào ơi, chứng ta phải lật ngược cái tình trạng hiện tại…
Tất Thành và cả nhóm học sinh Quốc học đi trong đội ngũ những người đấu tranh đòi quyền sống. Họ vừa đi vừa reo, hô: “Bỏ sưu, giảm thuế, chấm dứt bắt xâu!”. Một số người trong đám biểu tình cầm kéo, cầm lược nhìn những thanh niên trai tráng và các ông ở tuổi trung niên, ai để tóc búi đụm củ hành liền bị họ kéo vào vệ đường húi ngắn tóc kiểu mai cua. Đồng bào gọi là “cúp tóc Duy Tân”. Thành với nhóm bạn học cùng trường chạy lên phía trước, đã thấy Sơn, Thám cùng với anh Đạt đang đi trong dòng người. Phan Khải đang đứng trong ngõ, khuất sau dãy bờ xanh xén bằng bặn, lấp ló nhìn ra dòng người đi cuồn cuộn… Tất Thành chạy rẽ vào ngõ, gọi:
– Anh Khải! Sao anh…? Anh mà không ra giúp đồng bào đòi bỏ xâu, giảm thuế à?
– Từ nãy giờ mình chưa rõ họ làm cái chuyện chi đây?
– Họ đòi được có quyền sống! Anh là cháu ngoại quan tổng đốc Hoàng Diệu mà đứng ngoài nhìn thế cuộc à?
Phan Khải mạnh dạn hơn, bước sải chân qua hàng rào, nhập vào dòng người chân đất, đầu trần, thẳng bước… Những dòng người đã tụ hội trước tòa khâm, nối dài ra tận cầu Tràng Tiền, nghẽn cả lối đi. Lính khố xanh dàn hàng rào trước bể người. Tên khâm sứ tránh mặt. Tên Đơ La-xuýt ngồi trên yên ngựa chiến đốc thúc quân lính cố đẩy lùi làn sóng người đang ập tới. Thành và nhóm học sinh Quốc học đứng ở hàng đầu của đám biểu tình nhìn rõ mặt tên thực dân. Hồi năm ngoái hắn diễu ngựa trước hàng rào lính trong buổi sáng bắt vua Thành Thái đi đày. Tim anh đau nhói. Anh và các bạn dùng tiếng Pháp cùng hô lên những điều đồng bào đòi: bỏ xâu, giảm thuế, cần tự do, cần cơm áo, cần sống yên ổn trên quê hương xứ sở.
Đơ La-xuýt ghìm cương, con ngựa chồm hai vó trước lên hí dài theo tiếng gầm của chủ nó… Cả đám lính giơ gậy tre quật túi bụi xuống đám học sinh Quốc học. Tức nước vỡ bờ! Cả một khối lực lượng quần chúng như ngọn sóng thần ập xuống quân thù…
Đám lính khố xanh chạy dạt dùa tẩu tán. Tên Đơ La-xuýt thúc ngựa quay vào. Lập tức giám binh gọi lính Tây, lính khố đỏ từ đồn Mang Cá lên.
Súng nổ! Đạn xẹt qua đầu. Người người tán loạn… Súng nổ ran kinh thành. Người dân Huế ngã xuống!
Tất Thành và các bạn anh chạy về phía trường Quốc học. Anh vẫn nghe tiếng: “Đồng bào tiếp tục kéo vô thành! Chết đạn còn hơn sống kiếp ngựa trâu. Tiến vô, đồng bào ơi!”.
Giữa biển người ào ạt, Thành thấy một người trạc tuổi anh ôm đầu máu chạy được một đoạn rồi ngã gục xuống vệ đường Chẳng bù suy tính, Thành cởi ngay áo ra, xé, lau máu trên mặt cho nạn nhân. Một vết thương dài quá ngón tay trên góc trán bên trái. Thành lấy manh áo của mình băng bó lại. Một số bà con đã xúm lại. Sơn cũng vừa chạy tới. Thành giục luôn:
– Sơn khiêng một tay anh ấy vô nhà gần đây gửi tạm…
Nạn nhân mở choàng mắt nhìn Thành. Anh ta lại nhắm nghiền mắt, lịm đi. Vừa lúc đó có người chạy tới:
– Người làng tui đó. Đội ơn các cậu đã cứu nạn cứu khổ cho anh nớ… Cứu một người phúc đẳng hà sa!…
Thành và Sơn chạy về tới quán cụ Lừa. Đạt và một số khá đông học sinh các lớp đang bàn tán… Thấy em đã trở lại, Đạt vừa mừng vừa lo lắng, nói:
– Thành à! Cò Tây chúng nó đã nhận ra em đi hàng đầu cùng đám học trò đi hô hào “cúp tóc Duy Tân”, làm reo, nổi loạn. Bọn lính tập, cò Tây vừa đến quán trọ Ao Hồ đón bắt em đó!
Thành nhíu mày mỉm cười.
– Cò Tây, lính tập cùng đã mò tới cổng trường nữa. – Một học sinh năm thứ ba trung học nói.
Những cặp mắt học trò nhìn nhau ngơ ngác…
Hoàng hôn buông xuống kinh thành. Gió hú dài trên sông Hương hun hút.
———-
Chú thích:
(73) Đồng bảng Anh chiếm vị trí chi phối tiền tệ trên thị trường châu Âu hồi bấy giờ.
(74) Mộ số nhân vật trong tiểu thuyết Pháp: “Những người khốn khổ” của Vích-to Huy-gô và “Không gia đình” của Ec-to Ma-lô.
(75) Nguyễn Văn Thơ, Hồ Đắc Ứng tốt nghiệp bằng thành chung quốc học Huế năm 1909. Về sau Thơ làm Tuần phủ Quảng Trị, Quảng Bình; Ứng làm Tổng đốc Thanh Hóa.
(76) Sách “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”, NXB Sự thật 1980, trang 53 ghi: tối 9 tháng 5. Theo sự nhớ của cụ Nguyễn Sinh Khiêm và sách “Lịch sử các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam” của Võ Nguyên Giáp, NXB Sự thật 1958, trang 62 ghi: Từ ngày 9 đến 13-4-1908.