Trong chừng mực nào đó, chúng ta đôi khi phải chấp nhận những điều không như ý. Nhưng tuyệt đối không được từ bỏ niềm hy vọng.

Martin Luther King, Jr

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Godfather
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Biên tập: Open Heineken
Upload bìa: Open Heineken
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 49
Cập nhật: 2023-11-05 19:16:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
ái chết của Sonny Corleone làm rúng động khắp thế giới ngầm trên toàn quốc. Và khi có tin Ông Trùm đã ra khỏi giường bệnh để chỉ huy việc nhà, cộng với nguồn tin của lũ gián điệp đi dự đám tang Sonny về báo cáo là dường như Ông Trùm đã hoàn toàn bình phục, thì đầu não của Ngũ Đại Gia cuống cuồng lo phòng thủ cuộc chiến phục thù đẫm máu của nhà Corleone. Mọi người đều tin Ông Trùm sẽ trả thù cho con. Ông là một người đáng gờm, chỉ mắc lầm lỗi vài lần trong đời. Và mỗi lần lại là dịp để ông học hỏi thêm kinh nghiệm.
Chỉ mình Hagen đoán được ý đồ thật sự của ông, nên nó đã không hề ngạc nhiên khi ông gửi sứ giả tới Ngũ Đại Gia để cầu hòa. Không chỉ cầu hòa, ông còn triệu tập buổi họp với tất cả các phe lớn rải rác trên khắp nước Mỹ. Vì những gia đình New York ảnh hưởng rất lớn trên toàn quốc.
Lúc đầu mọi phe đều nghi ngờ đặt câu hỏi: liệu đây có phải là cái bẫy của nhà Corleone không? Hay lão Trùm có ý làm cho phe địch bớt quan tâm phòng thủ? Hoặc lão tính thu xếp tàn sát một mẻ để trả thù cho con? Nhưng Ông Trùm chứng tỏ ngay cho các phe thấy là ông thành thật. Không chỉ mời tất cả các phe phái, ông còn không cho đàn em tham gia bất kỳ cuộc đụng độ nhỏ nào, không tìm kiếm thêm đồng minh để gây thanh thế.
Để các phe thêm tin tưởng, Ông Trùm mời nhà Bocchicchio tham gia hội nghị. Gia đình Bocchicchio từng là một phe hung dữ có tiếng ở Sicily, nhưng qua Mỹ họ lại trở thành nhóm duy nhất có uy tín trong những cuộc hòa giải. Từ một phe kiếm sống bằng những hành động dã man tàn bạo, bây giờ họ chuyển nghề chuyên hòa giải, hiền lành như thánh. Một thế mạnh của nhà Bocchicchio là mối quan hệ huyết tộc chặt chẽ. Sự trung thành với Đại Gia Đình còn quan trọng hơn cả trung thành với vợ con.
Ba đời nhà Bocchicchio có đến gần hai trăm nhân khẩu sinh sống tại một vùng nhỏ phía Nam Sicily. Nguồn thu nhập của họ chủ yếu dựa vào bốn, năm lò xay bột, nhưng cũng đủ bảo đảm cơm ăn, việc làm cho cả cộng đồng. Cái tục chỉ kết hôn với người trong họ tạo cho cộng đồng một chiến tuyến vững chắc chống lại kẻ thù. Không kẻ nào được phép cạnh tranh trong nghề xay bột, hay đào giếng cung cấp nước trong vùng. Đã có một lão địa chỉ định xây dựng riêng một lò. Lập tức lò của lão bị đốt. Lão đi thưa chính quyền, ba người của nhà Bocchicchio bị bắt. Tòa chưa kịp xử, nhà riêng của lão cũng bị bà hỏa viếng luôn. Thế là hết dám kiện thưa. Mấy tháng sau, một viên chức cao cấp của chính phủ tới Sicily tìm cách giải quyết vấn nạn khan hiếm nước trầm trọng của hòn đảo này, đã đưa đề nghị xây dựng một đập ngăn nước lớn, để trữ nước cho dân. Đám kỹ sư khảo sát đến từ La Mã hoảng hồn vì những đôi mắt dữ tợn luôn theo dõi họ của thị tộc Bocchicchio.
Nhưng dường như không gì ngăn cản được quyết tâm của chính phủ, cảnh sát đổ về, dựng doanh trại để bảo vệ công trình, dụng cụ, vật tư chuyển đến Palermo. Nhưng nhà Bocchicchio móc ngoặc ngay với những trùm Mafia địa phương. Vật liệu nặng bị phá hoại, nhẹ thì bị chôm hết. Đám dân biểu gốc Mafia tung chiến dịch đả kích, chống lại dự án xây đập. Công việc cứ lằng nhằng kéo dài cho đến thời Mussolini lên nắm chính quyền. Nhà độc tài ban sắc lệnh, bằng mọi giá, cái đập nước phải được hoàn tất. Mussolini cũng biết rằng Mafia là mối đe dọa của chế độ. Lão bèn giao toàn quyền hành động cho một quan chức cảnh sát cao cấp, giải quyết ngay vấn đề, tống hết tụi Mafia vào tù hay cho đi lao động trên những đảo xa. Chỉ trong vài năm, Mussolini bẻ gãy thế mạnh của Mafia. Nhưng nhiều gia đình lương thiện cũng bị khốn khổ lây. Vì chỉ bị nghi ngờ có quan hệ với Mafia cũng bị lượm hết.
Nhà Bocchicchio đã dại dột, liều lĩnh chống lại cái quyền lực vô hạn đó của nhà độc tài. Nửa thị tộc bị giết, số còn lại bị đày ra đảo. Số ít thoát
được, phải nhờ đường dây đi chui, đưa người qua Mỹ, bằng cách nhảy tàu ngả Canada. Gần hai mươi người họ
Bocchicchio sống sót tới Mỹ, định cư gần New York, trong thung lũng Hudson. Họ kiếm sống bằng một nghề cùng định trong xã hội. Nghề đổ rác. Họ phất nhanh vì không có đối thủ. Mà không có đối thủ vì nếu có tay:nào mon men vào nghề, là đoàn xe chở rác của đám đó bị đốt, phá hoại tan tành. Một thằng cha ngoan cố, lì lợm nhào vào dịch vụ này, lại còn chơi nổi, phá giá. Ngay lập tức, xác gã được tìm thấy, bị chết ngộp dưới bãi rác gã mới chuyển về.
Còn mấy chục mạng sống sót, nên không thể kiếm đủ người cùng họ để cưới nhau. Đàn ông, con trai nhà Bocchicchio đành chấp nhận lấy gái Sicily. Và khi lũ trẻ lần lượt ra đời, thị tộc đông đúc dần lên, nghề đổ rác vẫn đủ sống, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu mỗi lúc một cao trong xã hội Mỹ. Nhà Bocchicchio chuyển nghề, mỗi khi có vụ đấu đá giữa các phe giang hồ, họ đứng ra hòa giải và cho mượn người làm con tin.
Chẳng biết vì ngốc nghếch hay quá cổ lỗ, chất phác, nhưng dù sao nhà Bocchicchio cũng nhận ra giới hạn của họ, họ không thể cạnh tranh, đấu đá với những phe phái khác trong những công việc làm ăn hái ra tiền: cờ bạc, đĩ điếm, ma túy, lừa gạt. Họ thẳng như ruột ngựa. Biếu xén chút đỉnh cho một thầy chú, cảnh sát bình thường thì được. Nhưng chẳng biết cách nào để tiếp cận với cánh trung gian nhận hối lộ của mấy ông lớn. Nhà Bocchicchio chỉ có hai lợi khí: danh dự và tàn bạo.
Một người mang họ Bocchicchio không bao giờ dối trá và phản bội. Vì với bản chất bộc trực, chất phác thì ba cái vụ lừa đảo dối trá đối với họ, rắc rối lôi thôi quá. Tuy nhiên đừng hòng gây sự với họ. Nhà Bocchicchio sẵn sàng đổi bất cứ giá nào để trả thù bằng được kẻ nào chỉ gây cho họ một vết thương nho nhỏ. Nhờ vậy họ mới đủ uy tín làm cái nghề đem lại cho họ nhiều lợi nhuận.
Khi những phe phái đấu đá nhau cần đến sự hòa giải, họ nhờ cánh Bocchicchio đứng ra thu xếp. Thủ lãnh của phe Bocchicchio sẽ lo từng chi tiết cho cuộc thương thuyết. Nếu cần thiết họ cho mượn người làm con tin.
Chẳng hạn như khi Michael tới gặp lão Thổ Sollozzo, một người nhà Bocchicchio phải nằm bên Corleone làm con tin để đảm bảo an toàn cho Michael. Tiền thù lao cho dịch vụ này do Sollozzo trả. Nếu Michael bị giết, thì gã con tin sẽ bị phe Corleone thịt luôn. Trường hợp này, nhà Bocchicchio sẽ trút hết căm thù lên đầu Sollozzo vì tội gây ra cái chết cho người của họ. Cả dòng tộc Bocchicchio sẽ liều mạng truy lùng, tiêu diệt bằng được kẻ phản bội họ. Nên một con tin Bocchicchio là sự bảo đảm tuyệt đối.
Vì vậy Ông Trùm Corleone đã thuê người của nhà Bocchicchio rải con tin khắp những phe ông mời tới hội nghị. Với con tin nằm tại nhà, đến dự buổi thương thuyết sẽ an toàn thoải mái như đi dự tiệc cưới vậy thôi.
Buổi hội nghị được tổ chức tại phòng họp giám đốc của một ngân hàng thương mại, vị chủ tịch ngân hàng là người có nợ tình nghĩa với Ông Trùm, ngoài ra một số cổ phần là của Ông Trùm, nhưng đứng tên viên chủ tịch. Lão chủ tịch ngân hàng luôn xúc động trân trọng cái giây phút lão đưa Ông Trùm giấy tờ chứng thực những cổ phần của ông, ông đã gạt đi mà bảo: "Tôi trao tài sản cho ông là vì tôi tin ông. Cả tương lai, sự an toàn của con cái tôi, tôi cũng sẽ tin tưởng mà trao cho ông. Làm sao tôi có thể tưởng tượng được là ông sẽ lừa dối, phản bội tôi. Vì nếu vậy thì tất cả niềm tin vào sự phán đoán nhân cách về con người của tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ. Tất nhiên là tôi cũng sẽ ghi vào hồ sơ, để lỡ có chuyện gì xảy ra cho tôi, các cháu mới biết ông đã được tôi tin cậy giữ giùm các cháu những gì. Nhưng tôi tin tưởng, cho dù tôi không còn trên đời này nữa, thì ông vẫn hết lòng lo cho các cháu".
Dù không phải dân Sicily, nhưng lão chủ tịch cũng hiểu ngay ý Ông Trùm. Cho nên hôm nay lời yêu cầu của Ông Trùm cũng là lệnh. Vì vậy toàn bộ phòng hội đều đủ tiện nghi, sang trọng của ngân hàng được dành để các Đại Gia gặp gỡ vào chiều thứ bảy. An ninh do quân nhà đảm trách, nhưng mặc đồng phục của bảo vệ ngân hàng. Mới mười giờ sáng thứ bảy, khách mời đã bắt đầu vào phòng họp. Ngoài Ngũ Đại Gia New York, còn có đại diện của mười phe khác trên khắp nước Mỹ, chỉ trừ cánh Chicago. Đám chó điện này không còn có thể văn minh hóa được nữa, nên không đủ tư cách có mặt trong một hội nghị quan trọng như thế này.
Mỗi đại diện đều đem theo một phụ tá. Đa số các Ông Trùm đều dùng phụ tá là một consigliori. Vì vậy rất ít tay trẻ cỡ Tom Hagen trong phòng hội. Và Hagen lại là kẻ duy nhất không phải dân Sicily. Nó biết mình là mục tiêu bị dòm ngó, là một sự bất thường. Vì vậy nó không hề cười, nói. Nó lẳng lặng phục vụ Ông Trùm như một đấng quân vương: mồi cho ông điếu xì gà, bưng tới ông ly nước. Nhưng với một thái độ tôn kính, chứ không khúm núm.
Cũng chỉ mình Tom Hagen biết những hình ảnh treo đầy trên tường là những tay gộc trong ngành dầu khí, một trong đám đó chính là Tổng trưởng tài chính Hamilton. Nó tự nghĩ chắc ngài Hamilton cũng vui lòng cho mấy sếp Mafia họp hành hòa giải tại nơi này. Nói chuyện về quyền lợi, bạc tiền thì còn nơi đâu êm ả thuận tiện hơn trong cái không khí nhuốm mùi tiền bạc của một ngân hàng.
Giờ đến được ấn định từ chín tới mười giờ sáng, nhưng là người khởi xướng buổi đàm phán, nên Ông Trùm Corleone là người tới đầu tiên, vả lại một trong những đức tính của ông là tính đúng giờ. Người kế tiếp là Carlo Tramonti, hắn là Trùm cát cứ miền Nam. Carlo cao hơn những dân Sicily bình thường, tuổi trung niên, đẹp trai, da rám nắng, tóc nâu, quần áo rất đúng điệu. Trông hắn chẳng có vẻ Ý chút nào, mà giống như hình ảnh trên tạp chí của mấy tay triệu phú Mỹ thoải mái trên du thuyền. Nhà Tramonti
kiếm sống bằng nghề cờ bạc. Gặp hắn, không ai có thể ngờ hắn tàn bạo đến cỡ nào để xây dựng nên sự nghiệp.
Di dân khỏi Sicily từ khi còn là một thằng nhóc, hắn sống và lớn lên ở Florida, rồi làm công cho mấy tay chính khách trong nghiệp đoàn miền Nam. Mấy tay chính khách này là chủ sòng bạc của một thị trấn nhỏ. Đó là những tay rất dữ và chịu chơi, được một số sĩ quan cảnh sát mặt ngầu không kém bảo kê, nhưng cả đám đều không thể ngờ bị một thằng dân di cư tay mở hất cẳng. Họ không ngờ nó tàn bạo thế, và theo họ nghĩ, cũng không đáng đổ máu nữa. Thằng Tramonti mua chuộc, chia phần cho cảnh sát hời hơn. Nó tàn sát đám chủ sòng cả tin, ngớ ngẩn. Nó móc ngoặc với Cuba và phe của Batista, đổ tiền vào khu du lịch giải trí ở Havana: sòng bạc và nhà thổ. Rồi lùa khách từ Mỹ sang ăn chơi. Hiện nay Tramonti đã là một triệu phú, chủ nhân của một trong những khách sạn xa hoa nhất tại bờ biển Miami.
Tramonti vào phòng họp, theo sau là tên phụ tá, một gã consigliori da cũng rám nắng như xếp. Tramonti ôm lấy Ông Trùm, mặt biểu diễn một màn đau khổ, biểu hiện tình cảm chia sẻ nỗi đau vì cái chết của con trai ông. L Các Trùm khác lần lượt tới. Họ đều biết nhau từ nhiều năm nay, chẳng vì xã giao cũng vì công việc. Trong những ngày đen tối thuở thiếu thời, ít nhiều cũng từng giúp đỡ lẫn nhau. Ông Trùm tới thứ hai là Joseph Z aluchi. Nhà Z aluchi nửa công khai nửa kín đáo, làm chủ những chuồng ngựa đua ở Detroit. Mặt lão trùm Z aluchi tròn xoe như trăng rằm, trông thật dễ thương, lão sống trong ngôi nhà đáng giá cả trăm triệu đô trong khu sang trọng Grosse Point, Detroit. Một trong mấy đứa con trai lão cưới con gái một nhà danh giá người Mỹ. Lão cũng là một lão ngụy quân tử như trùm Corleone. Nhưng Detroit, so sánh với những thành phố khác do các Đại Gia kiểm soát, là nơi có mức bạo hành thấp nhất. Chỉ có hai vụ tàn sát trong ba năm. Lão cũng không chấp nhận làm ăn mua bán ma tuý.
Cả Z aluchi và cố vấn của lão đều tiến đến ôm chặt Ông Trùm. Lão ăn mặc rõ ra một tay làm ăn đàng hoàng, bảo thủ. Lão oang oang bảo Ông Trùm:
– Chỉ có tiếng nói của ông mới kéo tôi đến đây được đấy nhé.
Ông Trùm cúi đầu cám ơn. Ông có thể tin tưởng vào sự yểm trợ của Trùm Z aluchi.
Kế tiếp là hai Trùm tới từ miền Tây. Họ thường sát cánh trong các dịch vụ làm ăn, và đến buổi họp chung một xe. Đó là Frank Falcon và Anthony Molinar đều ở độ tuổi bốn mươi, trẻ nhất trong đám người có mặt. Hai Trùm trẻ này ăn mặc hơi điệu đàng, mang phong cách Hollywood và cử chỉ, lời ăn tiếng nói... hơi quá thân mật. Frank Falcon kiểm soát nghiệp đoàn điện ảnh và sòng bạc của phim trường, thêm nghề cung cấp gái cho mấy nhà thổ miền Viễn Tây. Chẳng có ông Trùm nào rớ tới địa hạt "biểu diễn" này, nên các Trùm có vẻ coi thường Trùm Falcone.
Anthony Molinari kiểm soát bến cảng San Francisco và rất xuất sắc trong vương quốc cá cược thể thao. Xuất thân là dân chài Ý, hắn làm chủ một nhà hàng hải sản bậc nhất ở San Francisco, rất hãnh diện vì giai thoại thà chịu lỗ vì món ăn tuyệt hảo, nhưng giá cả lại thấp. Trông hắn rõ ra một tay cờ bạc chuyên nghiệp, người ta cũng biết hắn có quan hệ với đường dây buôn lậu ma túy, vận chuyển bằng tàu từ phương Đông qua biên giới Mexico. Phụ tá của hai Trùm này cũng còn trẻ và rất lực lưỡng, rõ ràng chỉ là những vệ sĩ, chứ không phải cố vấn, mặc dù chúng không dám mang súng vào phòng hội. Nhìn hai thằng vệ sĩ vai u thịt bắp này, các Trùm California thừa biết chúng là các võ sĩ Karate, nhưng không mảy may lo ngại.
Tiếp theo là đại diện Boston. Đây là tay Trùm duy nhất không được ai nể trọng. Lão đối xử rất tệ với những "đồng hương", luôn tìm cách lừa bịp họ. Điều này còn có thể tha thứ được, vì ở đời ai chẳng có máu tham. Nhưng điều tệ hại không tha thứ được là lão không có tài chỉ huy, lãnh địa
của lão không có tên ti trật tự gì ráo. Đầy rẫy sát nhân, bạo lực, quá nhiều tại làm ăn lẻ, chúng lì lợm, coi pháp luật chẳng ra gì. Nếu tụi Mafia Chicago man rợ được coi như lũ chó điên, thì cánh Boston là đám du thủ du thực, rất ư bát nháo. Lão trùm Boston tên là Domenick Panza, lùn mập thô bỉ theo lời một Ông Trùm – thì trông như thằng ăn cắp.
Cánh ở Cleveland có lẽ là cánh mạnh nhất nước Mỹ trong hoạt động cờ bạc. Cầm đầu là một lão già tóc bạc trắng như tuyết, mặt gầy, vẻ nhút nhát. Lão nổi danh là "Do Thái", không chỉ vì ngoại hình, mà chung quanh lão, phụ tá Do Thái động hơn dân Sicily. Còn có lời đồn rằng nếu có thể, lão sẵn sàng ban chức cố vấn – consigliori – cho một tay Do Thái. Vì sự tham gia của Tom Hagen mà nhà Corleone bị gọi là phe Ái Nhĩ Lan, thì nhà Vincent Forlenza với cả bầy Do Thái, được gọi là phe Do Thái coi bộ chính xác hơn. Nhưng trái với vẻ nhút nhát bề ngoài, lão Forlenza điều hành công việc rất hiệu quả và chẳng nhút nhát chút nào. Lão luôn cai trị với bàn tay sắt bọc nhung.
Năm ông Trùm của Ngũ Đại Gia New York tới sau cùng. Tom Hagen phải công nhận cả năm ông đều bị vệ, oai nghi hơn mấy tay trùm tỉnh lẻ quê mùa. Cả năm ông đều có bụng, theo truyền thống Sicily cổ, tượng trưng cho uy quyền, can đảm. Cả năm ông Trùm New York đều to lớn, mập mạp với những cái đầu to như đầu sư tử, mũi lớn, môi dày, má xệ. Quần áo, tóc tại không cầu kỳ, tỉa tót, họ có dáng vẻ của giới làm ăn đàng hoàng, không phù phiếm, xa hoa.
Trùm Anthony Stracci kiểm soát vùng New Jersey và vận chuyển hàng trên cảng Tây, Manhattan. Lão cũng là chủ sòng bạc ở Jersey. Lão còn có một đoàn xe tải chuyên chở hàng mướn. Đoàn xe của lão chở hàng quá tải mà không bị phạt, nên lão kiếm được một gia tài kếch xù nhờ dịch vụ này. Đoàn xe của lão càng làm hư hỏng đường sá, hãng thầu sửa chữa cầu đường cũng chính của lão lại càng có việc làm. Đúng là việc làm lại đẻ ra việc làm. Lão cũng thuộc phe tồn cổ, không hề dính dáng đến những
chuyện làm ăn bẩn thỉu, như đĩ điếm chẳng hạn. Nhưng công việc của lão có quan hệ với bến cảng, nên không thể tránh được dịch vụ ma túy. Trong năm địch thủ của nhà Corleone thì cánh Anthony Stracci yếu nhất, nhưng hòa nhã nhất.
Gia đình kiểm soát vùng thượng bang New York, chuyên thu xếp cho dân Ý nhập cư lậu vào Mỹ qua ngã Canada, bao thầu các sòng bạc toàn tiểu bang và có dự quyền phủ quyết giấy phép của các trường đua ngựa, chính là gia đình của Trùm Ottilio Cuneo. Đây là một con người hồn nhiên, với khuôn mặt tròn xoe, vui vẻ của một anh hàng bánh nhà quê. Hoạt động hợp pháp của lão là một công ty sữa lớn. Cuneo là người yêu trẻ. Lúc nào túi lão cũng căng đầy kẹo, để phân phát cho lũ cháu và lũ nhóc con của đám bộ hạ. Trên đầu lão xùm xụp cái mũ, vành rộng cụp quanh mặt như nón của đám đàn bà sợ nắng. Cái mũ làm cho mặt lão tròn thêm, bị thêm như một cái mặt nạ vui nhộn. Lão là tay Trùm độc nhất không hề bị bắt bớ, rắc rối với chính quyền. Công việc làm ăn chẳng hề bị nghi ngờ, dòm ngó. Lão siêng năng làm công tác xã hội và được phòng Thương mại bầu là "Nhà doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố New York".
Đồng minh gắn bó nhất với nhà Tattaglia là Trùm Emilio Barzini. Lão là chủ sòng bạc, chứa điếm ở Brooklyn và Queens. Quân của lão rất mạnh. Lão hoàn toàn kiểm soát hòn đảo Staten. Tại Bronx và Westchester, lão cũng có mấy điểm cá cược thể thao. Ma tuý lão cũng làm. Lão còn ngấp nghé Las Vegas và Reno, hai thành phố còn bỏ ngỏ của Nevada. Lão còn có tài sản ở Miami Beach và Cuba. Sau nhà Corleone, có lẽ gia đình Barzini là phe mạnh nhất New York, vì vậy cũng là mạnh nhất nước. Ảnh hưởng của lão tới tận Sicily. Cái gì sinh lợi bất hợp pháp đều có bàn tay của lão. Người ta còn đồn đãi lão móc ngoặc cả với mấy tay tài phiệt của khu thương mại phố Wall. Lão yểm trợ cho nhà Tattaglia ngay từ đầu cuộc chiến, cả tiền bạc lẫn thế lực. Tham vọng của lão là triệt và chiếm lãnh vương quốc của con người được toàn thế giới ngầm kính nể, đó là Trùm Corleone. Lão là một con người rất giống Trùm Corleone, nhưng hiện đại
hơn, xảo trá hơn. Lão không quê mùa, cổ hủ như Ông Trùm Corleone. Lão được đám trẻ tin tưởng hơn. Trên một phương diện khác, lão có cá tính mạnh mẽ lạnh lùng, không giống tí nào với tính tình cảm của Trùm Corleone. Thời điểm này có lẽ lão là người đáng nể nhất trong những người có mặt.
Người cuối cùng tới là Trùm Phillip Tattaglia, kẻ trực tiếp chống đối phe Corleone, bằng cách yểm trợ cho Sollozzo, và đã suýt thành công. Có điều là lão hơi bị các phe phái khác coi thường. Thứ nhất, lão đã để cho một thằng Thổ láu cá điều khiển, xỏ mũi. Thứ hai, tất cả những hỗn loạn mới xảy ra có phần trách nhiệm của lão. Những xáo trộn làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của tất cả các phe và nhất là năm gia đình lớn của New York. Thêm nữa, đã sáu chục tuổi, lão lúc nào cũng đỏm dáng để săn lùng ve vãn gái. Và cái nghề nhà lão lại còn tạo cho lão cơ hội thoả mãn sở thích. Chẳng là nhà Tattaglia hành nghề kinh doanh phụ nữ.
Mối lợi chính của nhà lão là mở nhà chứa. Chúng cũng kiểm soát đa số hộp đêm trên nước Mỹ. Tattaglia dùng uy lực điều khiển đám ca sĩ, diễn viên hài, đô vật. Nhưng nói chung, những nghệ sĩ trình diễn này không ưa gì lão. Lão là loại người luôn miệng ca cẩm, phàn nàn về chi phí kinh doanh. Đến nỗi tiền giặt ba mớ khăn dơ do khách chơi đã dùng, lão cũng là trời là ngốn hết tiền lời của lão. Mà khổ nỗi, chính lão là chủ cơ sở giặt ủi. Lão ta thán mấy nhỏ làm gái lười biếng, chạy trốn, tự tử. Đám ma cô thì bất tín, giả dối. Chẳng kiếm đâu ra một đứa đàng hoàng, trung tín.
Thật ra đám thanh niên Sicily khinh bỉ loại công việc dơ dáy của lão. Chúng cảm thấy mất danh dự vì cái công việc lạm dụng phụ nữ đó. Mặc dù mấy thằng cô hồn này có thể vừa cứa cổ người vừa ca hát, nhưng sau vạt áo vẫn có hình Thánh giá.
Vì vậy Tattaglia, bằng mọi giá phải mua chuộc thầy chú để bảo toàn môn bài bán rượu và giấy phép mở hộp đêm, nhà hàng. Lão thề là số tiền
lão đổ vào họng "đám quan chức hạm" này còn hơn đám triệu phú kiếm được ở phố Wall.
Tuy suýt chiến thắng phe Corleone, Tattaglia cũng không thu được chút trọng vọng nào từ các phe cánh khác. Họ thừa biết Tattaglia dựa hơi thằng Thổ Sollozzo, và thế lực của nhà Barzini. Sự thật là trong cú đánh bất ngờ nhà Corleone, lão cũng không hoàn toàn chiến thắng. Nếu lão thực sự tài giỏi, thì Trùm Corleone đâu còn sống, cuộc chiến đấu có dây dưa đến lúc này.
Hai ông bố mất con, Trùm Corleone và Trùm Tattaglia chỉ gật đầu chào nhau cho phải phép. Nhưng Ông Trùm Corleone mới là trung tâm điểm chú ý của quần hùng. Ai cũng muốn nhìn thấy những biểu hiện yếu kém của ông vì thương tích và cuộc thất trận vừa trải qua. Ai cũng thắc mắc tự hỏi tại sao Ông Trùm có thể cầu hòa ngay sau cái chết của thằng con yêu quý. Điều đó có thể hiểu như một sự thất bại, dẫn tới quyền lực nhà Corleone suy giảm sao? Họ ráng chờ xem sự thể thế nào.
Sau nửa giờ chào hỏi, lai rai vài ly rượu, Ông Trùm ngồi vào ghế, bên cái bàn họp bóng lộn. Tom Hagen ngồi bên trái, phía sau ông. Đó là dấu hiệu hội nghị bắt đầu. Mấy ông Trùm kia cũng yên vị với các cố vấn ngồi sát sau lưng, để tiện tham mưu khi cần thiết.
Ông Trùm Corleone lên tiếng đầu tiên, ông nói bình thản như chẳng có gì mới xảy ra, như ông chưa hề đau đớn vì bị bắn, như không có vụ thằng con cả vừa chết thảm, thằng Fred phải về miền Tây, sống dưới sự che chở của nhà Molinari, còn Michael thì ẩn náu ở Sicily. Ông nói tự nhiên, bình thản bằng thổ ngữ Sicily:
– Trước hết, tôi xin cảm ơn sự hiện diện của tất cả quý vị. Tôi coi đây như một đặc ân dành cho cá nhân tôi. Và tôi coi như tôi đã mang một món nợ cùng quý vị. Tôi cũng xin nói ngay rằng tôi không mời quý vị tới đây để tranh luận hay thuyết phục, mà chỉ để nói chuyện điều hơn lẽ thiệt với nhau. Là người tôn trọng điều phải trái, tôi chỉ mong làm được gì có thể,
cho tình bằng hữu của tất cả chúng ta. Những ai đã biết tôi, hẳn biết rằng, tôi rất tôn trọng những gì tôi nói. Vâng, vậy thì chúng ta hãy nói thẳng vào công việc. Chúng ta đều là những người đàng hoàng, có danh dự, vậy khỏi phải thề thốt cam kết như mấy luật sư trước tòa. Ông ngừng lại. Tất cả đều im lặng. Người hút thuốc, kẻ nhâm nhi ly rượu. Tất cả đều là những thính giả tốt, kiên nhẫn. Họ còn có chung một điểm giống nhau nữa: họ là những con người đặc biệt, những con người không chấp nhận luật lệ, quy củ của xã hội, từ chối khuất phục trước quyền uy của kẻ khác. Họ bảo vệ ý nguyện bằng thủ đoạn và cả bằng tội ác. Ý chí của họ chỉ có thể bị đánh đổ bằng cái chết hay bởi một điều hữu lý tột cùng.
Ông Trùm thở dài, nói tiếp:
– Làm sao mà mọi chuyện lại đi xa đến thế chứ? Nhưng không sao. Phần lớn những chuyện điên rồ ấy cũng đã qua rồi. Thật bất hạnh, quá vô ích. Nhưng tôi xin được trình bày lại câu chuyện, theo ý riêng tôi.
Ông lại ngừng, để coi có ai phản đối gì không. Rồi thủng thẳng nói:
– Cám ơn Trời, tôi đã bình phục và có thể thu xếp mọi việc cho ổn thỏa. Tôi phải nhìn nhận thằng con tôi đã quá cứng đầu, dại dột. Nhưng dù sao hãy cho tôi kể lại vụ Sollozzo đến tôi với chuyện làm ăn đã. Anh ta muốn mượn tiền và thế lực của tôi. Anh ta cũng cho biết là có quan hệ với gia đình Tattaglia. Đó là chuyện làm ăn về ma tuý, một lãnh vực mà tôi không hề quan tâm, Tôi là người ưa yên ổn, loại dịch vụ này không hợp, quá sức tôi. Tôi đã cắt nghĩa điều này với Sollozzo, với tấm lòng tôn trọng gia đình Tattaglia, cũng như đối với cá nhân anh ta. Tôi đã nhã nhặn từ chối, và đồng thời nói rằng việc làm ăn của anh ta không có gì trở ngại cho công việc của tôi, rằng tôi không hề phản đối việc kiếm sống của anh ta. Vậy mà anh ta đem lòng thù oán, đổ bất hạnh lên đầu tất cả chúng ta. Nhưng thôi, đời là thế đó. Ai chẳng có lúc bị khổ đau. Thật tình tôi đâu muốn vậy.
Ông ngừng lại, ra dấu cho Tom Hagen. Hagen mau mắn đưa ly nước lạnh, để ông thấm giọng, rồi tiếp:
– Tôi chỉ mong hòa bình, yên ổn. Nhà Tattaglia đã mất một người con. Chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã hết nợ nần nhau. Thế giới này sẽ ra sao, nếu người ta cứ mãi ôm thù, chuốc oán? Hay lại như ngày xưa ở Sicily, chỉ lo đâm chém nhau vì thù oán, đến nỗi không còn thời giờ lo nổi miếng ăn cho vợ con? Vậy thì quá điên rồ. Vì thế tôi đề nghị hãy trở lại như thời gian trước đây, khi chưa xảy ra những chuyện vừa qua. Tôi sẽ bỏ qua, không cần tìm hiểu kẻ nào đã phản bội, giết con tôi. Vì hòa bình, tôi sẽ bỏ qua chuyện đó. Nhưng tôi còn một đứa con, cháu không thể trở về nhà lúc này. Nếu tôi thu xếp mọi chuyện ổn thỏa, tôi phải nhận được sự cam kết con tôi được trở về an toàn. Không ai cản trở, liên hệ với chính quyền để gây khó dễ, nguy hiểm cho nó. Quyết định xong vụ này, chúng ta mới có thể bàn qua vụ làm ăn, những chuyện về quyền lợi của tất cả chúng ta. Tôi chỉ mong muốn có vậy thôi.
Ông đưa hai tay lên ra dấu phục tùng, cam phận. Tuyệt khéo. Đúng là Trùm Corleone của ngày nào. Mềm mỏng. Hữu lý. Nói năng nhẹ nhàng. Nhưng tất cả những ai có mặt trong buổi họp đều hiểu rằng ông chứng tỏ là ông còn khỏe, là đừng coi thường, giỡn mặt ông vì những tai họa gia đình Corleone mới trải qua. Phải hiểu rằng những bàn soạn về các việc làm ăn khác sẽ không đi tới đâu, nếu đề nghị của ông không được chấp nhận. Cũng phải hiểu rằng ông đòi hỏi tình trạng trở lại như "trước đây", có nghĩa, dù có bị khốn đốn năm vừa qua, thì nhà Corleone vẫn hiên ngang như cũ, không bị mất mát gì.
Tuy nhiên, chính Trùm Emilip Barzini trả lời ông, chứ không phải lão Tattaglia:
– Những gì Ông Trùm Corleone nói đều đúng. Nhưng còn một chút phải nói thêm, vì ông ấy quá khiêm tốn, đã không nói ra. Đó là Sollozzo và nhà Tattaglia không thể làm dịch vụ mới đó, nếu không có sự yểm trợ của Ông Trùm Corleone. Thật ra, sự từ khước của ông đã làm tổn hại công việc của họ. Tất nhiên đó không phải là lỗi của ông, vì ông có quyền từ chối. Nhưng
rõ ràng là pháp luật, chính quyền rất ân sủng với Ông Trùm Corleone trên mọi công việc, kể cả nếu đó là ma túy. Họ sẽ không nương tay cho bất kỳ ai khác, khi dính vào dịch vụ này. Không ai bảo đảm nhẹ tay với đám đàn em, đời nào Sollozzo dám làm ăn. Chúng ta quá rõ điều đó mà. Chúng ta đã chẳng từng là những thằng nghèo sao? Bây giờ thì tụi quan tòa, biện lý siết chặt hơn, đòi giá cao hơn, mỗi khi người của chúng ta kẹt vào ma túy. Nếu không thì ngồi tù hai mươi năm. Với án tù hai mươi năm thì thằng Sicily nào cũng có thể phá lời thề Omerta – luật im lặng. Ông Trùm Corleone nắm trong tay mọi phương tiện, nhưng đã từ chối cho chúng ta cùng sử dụng. Đó không phải là thái độ của bạn bè với nhau. Ông đã giựt miếng ăn khỏi mồm chúng tôi. Thời buổi đã đổi thay, đâu phải như ngày xưa, mạnh ai nấy làm. Nếu ông ấy nắm được những quan tòa New York, ông nên chia sẻ cùng anh em chứ. Chắc chắn ông cũng sẽ được đền bù trong việc đó. Nhưng phải cho chúng tôi dùng chung giếng nước. Đơn giản vậy thôi.
Barzini dứt lời, cả phòng vẫn im lặng như tờ. Lão đã lật ngửa ván bài, không có chuyện trở lại tình trạng cũ. Lão đã nói rõ ra rằng nếu mọi chuyện không thu xếp êm đẹp, lão sẽ công khai hợp tác với phe Tattaglia trong cuộc chiến chống lại nhà Corleone. Lão đã thắng một điểm. Vì đã gọi là bạn bè thì từ tài sản, sinh mạng đều phải dựa vào nhau. Từ chối một yêu cầu của bạn bè cũng ngang với sự khiêu khích. Lời thỉnh cầu nặng kí bao nhiêu, sự từ khước càng nặng nề bấy nhiêu.
Sau cùng Ông Trùm Corleone lên tiếng trả lời:
– Thưa các bạn, sự từ chối của tôi không phát xuất từ lòng ác cảm, hay thù oán. Tôi tin các bạn đều biết vậy. Vì đã bao giờ tôi khước từ một cuộc hòa giải nào chưa? Đơn giản là vì đó không phải là bản tính của tôi. Nhưng lần này tôi đã phải từ chối. Vì sao? Vì theo tôi, dịch vụ ma túy sẽ hủy hoại chúng ta trong tương lai. Có quá nhiều nguồn phản đối mạnh mẽ về việc mua bán ma tuý ở đất nước này. Nó không giống như rượu, đi điếm, cờ bạc. Vì đó là những điều mà rất nhiều người khoái và chỉ bị cấm kị bởi
nhà thờ và chính phủ. Nhưng dính vào ma túy, công việc làm ăn của tất cả chúng ta đều sẽ bị tổn hại. Và tôi cũng xin được nói rằng, tôi cảm thấy ngượng ngùng vì đã được coi như có quá nhiều uy tín với tòa án và quan chức nhà nước. Ước gì tôi được như lời đồn. Thật ra tôi cũng có chút uy tín, nhưng nếu tôi có quan hệ đến chuyện làm ăn ma túy, thì chút uy tín đó sẽ hoàn toàn không còn nữa. Vì họ rất sợ liên lụy đến chuyện này. Cảnh sát có thể bao che cho chúng ta trong dịch vụ cờ bạc hay những dịch vụ khác, nhưng ma tuý thì không. Vậy thì bắt tôi tiếp tay vấn đề này, chẳng khác nào bắt tôi tự bó tay. Nhưng tôi rất sẵn lòng làm, nếu tất cả anh em đây thấy cần phải làm mới điều chỉnh được những vấn đề khác.
Ông Trùm Corleone vừa ngừng tiếng, không khí trong phòng thoải mái hẳn ra, mọi người bắt đầu thì thầm, bàn tán. Cuối cùng thì nhà Corleone cũng đã chấp nhận điểm quan trọng nhất. Ông Trùm của họ đồng ý bao che cho các phe buôn bán ma túy. Ông đã chấp nhận đề nghị mà trước đây ông đã từ chối với Sollozzo, sự chấp thuận được công nhận của các phe phái anh chị khắp nước đang có mặt tại đây. Nhưng phải hiểu rằng ông sẽ không bỏ vốn, không tham gia trong hoạt động này. Ông chỉ hoàn toàn lo giùm mặt chính quyền, luật pháp. Nhưng như vậy cũng là sự nhượng bộ quá mức rồi.
Trùm Los Angeles, Frank Falcon trả lời ông:
– Chẳng có cách nào ngăn được người của chúng ta nhào vào vụ làm ăn này đâu. Một chuyện làm ăn hái ra tiền mà. Chúng làm ăn riêng lẻ và tạo ra rắc rối. Vậy nếu chúng mình không bắt tay vào cuộc thì còn nguy hiểm hơn. Í t ra nếu kiểm soát được, chúng ta mới che giấu được, mới tổ chức đàng hoàng hơn, ít bất trắc hơn, không thể để tình trạng bát nháo như hiện nay được.
Trùm Detroit thân nhất với ông, cũng chống lại ông, mà theo cái lẽ phải của đa số:
– Nhiều năm qua tôi chi tiền hậu hĩ cho đám đàn em, để tụi nó đừng làm ăn vụ đó. Nhưng chẳng ăn thua gì. Chỉ cần có đứa nào rỉ tại, này tao có "hàng trắng" đấy, mày bỏ ra ba, bốn ngàn là kiếm được năm chục ngàn ngon ơ. Thế là tụi nó rối rít lên vì cái việc phụ này, lơ là ngay công việc chúng lãnh lương của tôi để làm. Thằng nào lại có thể làm ngơ trước món hời kếch sù như thế chứ. Lợi nhuận ma túy mỗi ngày mỗi lớn hơn. Không ngăn cản được thì phải kiểm soát, giữ cho nó được đàng hoàng, đỡ tai hại hơn. Tôi không muốn thấy ma túy mon men đến gần trường học, trẻ em. Đó là sự bất nhẫn. Ở thành phố tôi, tôi ráng giữ đường dây ma túy giới hạn trong tụi nhọ, tụi da màu thôi. Tụi nó là khách hàng lý tưởng đấy, ít rắc rối, vả lại tụi nó cũng như thú vật vậy. Chúng có biết tôn trọng vợ con, gia đình hay chính bản thân của chúng đâu. Mặc xác cho chúng mất linh hồn vì ma túy. Nhưng có điều chúng ta phải làm là không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm, rồi gây phiền phức rắc rối cho tất cả.
Ý kiến của lão Trùm Detroit được toàn thể hội nghị hoan hô. Đúng quá rồi. Lão nói như đinh đóng cột. Không thể trả lương cao để ngăn mọi người khỏi đường dây buôn bán ma túy được. Còn chuyện không để được trẻ con dính vào ma túy chỉ là lời nói của một tấm lòng yêu trẻ, chứ có ai lại đi bán ma túy cho trẻ con, chúng lấy đâu ra tiền? Ý kiến lão về tụi da màu, chưa ai nghe thấy bao giờ. Tụi nhọ hoàn toàn không đáng kể, chẳng là cái thá gì trên cõi đời này. Chúng chỉ để cho xã hội nghiền ra thành tro bụi. Việc lão quan tâm đến tụi đen, chứng tỏ lão trùm Detroit luôn lo chuyện trên trời.
Lần lượt các Trùm nêu ý kiến. Tất cả đều phàn nàn dính vào ma túy là rất tệ hại, nhưng đều đồng ý là chẳng còn cách nào khác, muốn kiểm soát thì phải tham gia. Đơn giản vì đây là dịch vụ đem về cả núi tiền. Nhưng một khi đã làm là phải dám ăn dám chịu.
Mà bản chất con người, mấy ai bỏ được món lời to thế.
Sau cùng toàn thể đều đồng ý chấp thuận kinh doanh ma túy và nhà Corleone lo lót chính quyền miền Đông. Cánh Barzini và Tattaglia sẽ gánh vác hầu hết những hoạt động chính. Giải quyết xong vấn đề trên, hội nghị có thể bàn qua những vấn đề hữu ích khác. Tất cả những vấn đề tế nhị, khúc mắc cần phải được giải quyết rốt ráo. Và vụ hai thành phố Las Vegas và Miami còn bỏ ngỏ đều được đồng ý để các phe vào hoạt động. Họ đều nhận thấy tiềm năng của những thành phố này còn rất lớn trong tương lai và đều đồng ý quyết định rằng bạo động không được phép xảy ra ở nơi này, đồng thời bọn tội phạm các loại phải bị dẹp sạch. Trong những trường hợp bất khả kháng, phải sử dụng tới bắn giết mà có thể gây phản đối của dư luận, thì trước khi hành động phải thông qua sự chấp thuận của hội nghị này. Phải hạn chế, ngăn cản đám đàn em, thuộc hạ trong những hành động bạo động, trả thù cá nhân. Các phe phải yểm trợ lẫn nhau khi cần thiết, chẳng hạn như cung cấp sát thủ, lo đút lót chính quyền, bồi thẩm đoàn...
Tất cả mọi vấn đề đều được bàn bạc thoải mái, sôi nổi, vui vẻ kéo dài đến tận bữa ăn.
Trùm Barzini thấy nên nói mấy lời bế mạc buổi họp:
– Thế là mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa. Chúng ta đã có hòa bình. Vậy thì cho phép tôi được nói lời ngưỡng mộ Ông Trùm Corleone, một người từ suốt bao năm qua, chúng ta được biết là một người tín nghĩa. Nếu chẳng may chúng ta có bất đồng, phải họp lại với nhau, chúng ta sẽ tỉnh táo hơn. Về phần tôi, tôi thấy đó là con đường mới đầy phấn khởi. Tôi thật sự rất mừng vì tất cả đều êm đẹp.
Chỉ có lão Trùm Tattaglia vẫn còn lo lắng, nếu chiến tranh lại nổ ra thì nhà lão là đích nhắm đầu tiên, vì cái tội đã thịt thằng Sonny. Lần đầu tiên, từ lúc bước vào phòng họp, lão mới nói dài dòng:
– Tôi đồng ý với tất cả những gì đã được thông qua. Nhưng tôi mong có một lời bảo đảm chắc chắn từ Ông Trùm Corleone. Liệu ông có toan tính trả thù cá nhân không? Sau này khi địa vị ông vững mạnh hơn, ông có quên
lời thề bằng hữu hôm nay không? Làm sao biết được vài năm tới ông cảm thấy vì áp lực nên phải chấp thuận đề nghị hòa bình hôm nay của anh em và ông sẽ thay đổi ý kiến. Liệu chúng ta có phải luôn mãi mãi canh chừng nhau không? Liệu Ông Trùm Corleone có thể cam kết những gì ông nói, cũng như tôi cam kết phần tôi ngay lúc này không?
Ngay sau đó Ông Trùm Corleone lên tiếng. Những lời nói của ông còn được nhắc mãi sau này, nó xác nhận ông đúng là một chính khách biết nhìn xa trông rộng. Những lời nói bình thường, phát xuất tự đáy lòng, nhưng đi thẳng vào vấn đề. Ông đã "sáng tác" ra một từ ngữ, dù mười năm sau mới phổ biến và nổi tiếng, giống như từ "bức màn sắt" của Churchill vậy.
Lần đầu, trong buổi hội, ông đứng lên để nói. Ông thấp người, và có lẽ vì sau cơn bạo bệnh, nên hơi gầy. Nhưng rõ ràng với tuổi sáu mươi, ông đã hoàn toàn bình phục và trí tuệ vẫn minh mẫn như xưa:
– Nếu chúng ta không có lý trí thì tư cách chúng ta sẽ ra sao? Thì chúng sẽ chẳng hơn gì lũ thú dữ trong rừng. Nhưng chúng ta có lý trí. Chúng ta có thể lý luận với nhau, và với chính bản thân ta. Với mục đích gì mà tôi có thể khơi lại những xáo trộn, hỗn loạn, bạo tàn vừa qua? Con trai tôi đã chết. Đó là một bất hạnh tôi phải gánh chịu, không thể để những người vô tội quanh tôi cùng phải chịu đựng với tôi. Vì vậy tôi xin lấy danh dự nói rằng, tôi sẽ không bao giờ tìm cách báo thù. Tôi sẽ không bao giờ tìm hiểu những nguyên nhân đưa đến những gì xảy ra trong quá khứ. Khi ra khỏi phòng họp này, lòng tôi sẽ rất thanh thản.
Cũng xin cho phép tôi nói rằng, chúng ta phải luôn nghĩ đến quyền lợi của chúng ta. Chúng ta là những con người khước từ trở thành những thằng ngu ngốc, khờ dại. Chúng ta không chịu làm những con rối, nhảy múa theo sự giật dây của những kẻ ăn trên ngồi trốc. Và chúng ta đã gặp may trên đất nước này. Đa số con cái chúng ta đã có được đời sống khá giả hơn. Con cái các bạn, có đứa đã là giáo sư, nhạc sĩ, khoa học gia, các bạn thật có phước. Vậy thì đời cháu chúng ta, rất có thể là những ông lớn.
Chẳng ai trong chúng ta lại muốn con cháu mình đi theo vết chân của cha ông chúng. Vì nó gay go, cơ cực quá. Chúng ta đã can trường biết bao để giành cho con cháu có được sự an toàn và địa vị ngày nay. Tôi đã có cháu nội. Tôi hy vọng một ngày kia con cái chúng nó sẽ là thống đốc, Tổng thống. Biết đâu chừng, vì chuyện gì chẳng có thể xảy ra trên đất nước Mỹ này. Nhưng chúng ta phải tiến theo thời đại. Cái thời của súng đạn, giết chóc, tàn sát đã lùi vào quá khứ rồi. Chúng ta cần phải tinh xảo như những nhà doanh nghiệp. Chúng ta vẫn tìm kiếm được tiền, mà đời sống của con cháu ta sẽ an toàn hơn.
Những gì ta làm là do chúng ta quyết định. Không thể để những pezzonovante, những ông lớn quyết định mạng sống, cuộc đời của chúng ta. Chúng gây nên chiến tranh, rồi bắt chúng ta chiến đấu, để bảo vệ quyền lợi của chúng. Kẻ nào có thể bắt chúng ta phải cúi đầu tuân theo những luật lệ do chúng đặt ra vì quyền lợi của chúng, nhưng gây đau khổ cho ta? Kẻ nào có thể xóa vào chuyện chúng ta bảo vệ quyền lợi của chính chúng ta? Đó là chuyện riêng của ta, sonna cosa nostra. Chính chúng ta phải tự điều hành thế giới của mình. Vì thế chúng ta phải gắn bó với nhau, để chống lại chúng. Bằng không, chúng ta sẽ bị xỏ mũi, như chúng đã xỏ mũi hàng triệu người dân Ý khi đến sống trên xứ sở này.
– Vì lý do này tôi cho qua chuyện trả thù cái chết của con trai tôi, nhân danh lợi ích chung. Tôi thề chừng nào còn nằm trách nhiệm trong mọi hành động của gia đình Corleone, thì sẽ không có một chống đối nhỏ nào với những phe phái hiện diện tại đây, trừ khi có lý do chính đáng hay bị khiêu khích đến tột cùng.
– Nhưng tôi còn một chuyện riêng tư. Thằng con út của tôi đang phải lẩn tránh vì bị kết tội ám sát Sollozzo và viên đại úy cảnh sát. Tôi phải thu xếp để cháu trở về an toàn, thanh toán hết những cáo buộc giả tạo. Đây là việc riêng của tôi và tôi có thể lo được. Tôi phải tìm cho ra thủ phạm đích thực, hoặc phải thuyết phục tòa là con tôi vô tội, hay có thể các nhân chứng, các
người đưa tin rút lại những lời khai không trung thực trước đây. Nhưng tôi xin lặp lại, đây là chuyện riêng của gia đình tôi và tôi tin rằng tôi có đủ khả năng đưa cháu trở lại nhà.
– Còn một điều nữa, tôi xin được trình bày. Tôi vốn là một kẻ mê tín, phải thú thật đó là nhược điểm kỳ cục của tôi. Vì vậy nếu có chuyện xui xẻo bất ngờ xảy đến cho thằng út nhà tôi, chẳng hạn bị cảnh sát bắn, hay nó tự treo cổ trong tù, hoặc tự nhiên lại nảy sinh thêm nhân chứng mới buộc tội nó, thì cái tính mê tín dị đoan của tôi lại gây cho tôi ý nghĩ, chắc chắn có ai đó, trong số chúng ta ở đây, vẫn đeo đuổi ám ảnh tôi. Xin được nói rõ hơn. Nếu con tôi bị sét đánh, bị rớt máy bay xuống biển, bị đắm tàu, tai nạn ô tô hay tàu hỏa, cái tật mê tín của tôi sẽ tin rằng ai đó ở đây đã trù ếm con tôi. Thưa quý vị, nếu những trù ếm, xui xẻo đó xảy ra, tôi sẽ không bao giờ có thể tha thứ. Ngoài chuyện đó ra, tôi xin thề trên linh hồn của các cháu tôi, tôi sẽ không bao giờ làm đổ vỡ nền hòa bình chúng ta vừa tạo được. Dù sao chúng ta đâu đến nỗi tệ hại như đám pezzonovanti, cái đám cầm quyền nhân loại, đã giết hại hàng triệu sinh linh.
Tới đây, Ông Trùm bước lại bàn Tattaglia đang ngồi. Lão Tattaglia đứng dậy. Rồi hai lão Trùm ôm nhau hôn, tỏ tình hữu nghị. Tất cả các ông Trùm kia đều đứng dậy hoan hô, bắt tay lẫn nhau chúc mừng tình bạn mới giữa Corleone và Tattaglia. Không trao nhau quà Giáng sinh, nhưng có lẽ là tình hữu nghị nồng nàng nhất thế giới, vì họ không còn bắn giết nhau nữa. Trong thế giới của họ như vậy là quá đủ rồi.
Khi mọi người ra về, Ông Trùm còn nấn ná giữ Trùm San Francisco ở lại để cám ơn, về việc thằng Fred đang sống dưới sự che chở của ông ta ở miền Tây. Lão Molinari báo cáo đầy đủ về cuộc sống của Fred. Nó rất thích hợp với nơi đó, rất hạnh phúc và phần nào đã trở thành người đàn ông được quý bà ái mộ. Dường như nó có tài trong việc quản trị khách sạn. Cả hai ông Trùm đều đồng ý là con cái có những tài năng mà cha mẹ không ngờ. Phải chăng đôi khi tai họa lớn lại đem đến những may mắn không ngờ
tới được. Ông Trùm cảm thấy mang nợ Molinari vì tất cả những gì lão đã làm cho Fred. Ông hứa sẽ cố gắng, bằng ảnh hưởng của mình, cung cấp những nguồn tin quan trọng về các cuộc đua ngựa cho Molinari, cho dù có bị phe chó điên Chicago lũng đoạn. Nhưng ngay trên lãnh địa của lũ mọi rợ này, ảnh hưởng của Ông Trùm cũng rất đáng nể. Vì vậy lời hứa của ông có giá trị như một món quà bằng vàng.
Mãi tới chiều tối Ông Trùm, Tom Hagen và tài xế kiêm vệ sĩ là thằng Rocco Lampone mới về đến nhà ở Long Beach. Vào nhà rồi, Ông Trùm mới bảo Hagen:
– Này, thằng Lampone này khá hơn bác tưởng đấy. Cháu lưu tâm tới nó nhé.
Gớm thật, suốt ngày nay thằng Lampone không mở miệng nói một lời, không hề liếc ra sau nhìn Ông Trùm và Hagen. Nó chỉ chăm chú lái xe, mở cửa, đóng cửa. Vậy mà Ông Trùm đã nhìn thấy những gì Tom không thấy.
Trước khi cho Hagen ra về, ông Trùm bảo nó về nghỉ ngơi, ăn tối xong hãy trở lại. Vì đêm nay còn nhiều việc phải bàn. Ông cũng dặn nó gọi luôn hai lão Clemenza và Tessio đến đúng mười giờ tối. Hagen nên nói qua cho hai lão biết những diễn tiến trong buổi họp vừa qua.
Mười giờ tối Ông Trùm đón ba người trong văn phòng, một phòng cuối nhà với một thư viện sách luật và một điện thoại đặc biệt. Một mâm rượu Whisky, nước đá soda đã sẵn sàng.
Chờ mọi người yên vị, Ông Trùm ra chỉ thị:
– Chúng ta đã hòa giải chiều nay. Tôi đã lấy danh dự ra thề. Nhưng bạn bè của chúng ta cũng đáng ngờ lắm. Vậy chúng ta vẫn phải đề phòng. Đừng để sơ sẩy chuyện gì. Tom, cháu cho mấy thằng con tin nhà Bocchicchio về chưa?
Hagen gật đầu:
– Về tới nhà là cháu phôn cho chú Clemenza ngay. Clemenza cũng gật đầu, bảo:
– Cho tụi nó về rồi. Nhưng Bố Già này, dân Sicily mà sao cứ phải giả ngốc như tụi Bocchicchio nhỉ?
Ông Trùm nhếch mép:
– Tụi nó ngốc ra tiền đấy. Tại sao lại cứ phải tỏ ra khôn ngoan. Tụi Bocchicchio không tạo ra rắc rối nào, nhưng quả thật chúng không có cái đầu của dân Sicily.
Mọi người đều thoải mái. Chiến tranh đã qua rồi. Ông Trùm đích thân pha rượu, mời từng người. Ông châm điếu xì gà, nhâm nhi ly rượu, nói:
– Tôi không muốn tiến hành bất kỳ hành động nào điều tra thêm về vụ của Sonny nữa. Chuyện ấy đã qua rồi, hãy quên đi. Tôi muốn hợp tác chặt chẽ với những phe phái khác, cho dù họ có tham lam, làm chúng ta thua thiệt chút đỉnh. Dù có bị khiêu khích đến đâu, tôi mong muốn không có một hành động nào phá vỡ tình trạng hòa bình này, cho đến khi chúng ta tìm được cách đưa Michael về nhà. Đó là nguyện ước hàng đầu của tôi. Phải nhớ rằng, khi nó về là về trong an toàn tuyệt đối. Tôi không quan tâm tới đám Tattaglia hay Barzini. Mà tôi quan tâm đến tụi cớm. Đúng, chúng ta có thể xóa sạch bằng chứng chống lại nó. Từ thằng bồi, thực khách, tên xạ thủ... những đứa có mặt trong nhà hàng hôm đó. Bằng chứng thật không đáng ngại. Lo là lo bằng chứng giả do tụi cơm gài vào kìa. Nếu tụi mật báo viên của chúng cứ cam đoạn thằng Michael là thủ phạm thì rất khó. Vì vậy chúng ta phải đề nghị với Ngũ Đại Gia, với tất cả khả năng của họ, tìm mọi cách xoay trở lại vấn đề. Đám mật báo viên nằm vùng trong cảnh sát của Ngũ Đại Gia phải phịa ra những bằng chứng mới. Tôi nghĩ với những gì tôi nói chiều nay, họ sẽ sẵn lòng giúp chúng ta. Nhưng như vậy chưa đủ. Chúng ta cũng phải dựng ra một cái gì đó thật đặc biệt thuyết phục, để Michael không bao giờ còn phải lo ngại về vụ này nữa. Bằng không, không
nên để Michael trở lại đất này. Vì vậy diều quan trọng nhất bây giờ, là chúng ta phải tìm ra giải pháp đó.
– Đời người ai chẳng có lúc dại dột, điên rồ. Tôi cũng vậy thôi. Vậy nên tôi muốn mua hết nhà đất quanh cơ ngơi này. Tôi không muốn một kẻ nào, dù cách xa cả dặm, dòm ngó vào vườn nhà tôi. Tôi muốn khu vực này phải được rào giậu đàng hoàng. Tóm lại bây giờ, tôi ước được sống trong một pháo đài. Tôi cũng muốn cho các người biết, từ nay tôi sẽ không vào thành phố làm việc nữa. Coi như tôi bán hưu rồi. Tôi thèm được làm việc trong vườn. Mùa nho chín thì cất lấy rượu mà dùng. Tôi chỉ còn sống loanh quanh trong nhà. Nếu phải đi đâu là đi nghỉ hè, đi thăm ai đó trong những dịp quan trọng, chẳng đặng đừng và những khi đó phải đề phòng cẩn mật. Đừng hiểu lầm tôi có tính toán gì. Tôi vốn vẫn cẩn trọng. Trên đời tôi chúa ghét sự cẩu thả, bất cẩn. Đàn bà, trẻ con còn có thể cẩu thả được. Đàn ông thì không thể. Nhưng tất cả những điều này cứ từ từ, thong thả mà làm. Đừng cuống quýt rộn ràng lên, gây nghi ngờ cho bạn bè của chúng ta. Hãy tiến hành một cách thoải mái, tự nhiên.
– Tôi sẽ dần dần trao lại công việc nhà cho ba người. Tôi muốn giải tán đám lính của đội Sonny, đưa qua đội của ba người. Điều này sẽ làm bạn bè chúng ta thêm an tâm và chứng tỏ tôi mong muốn hòa bình. Tom này, bác muốn cháu thu xếp một toán đi Los Angeles, rồi báo cáo đầy đủ cho bác biết mọi chuyện ở đó. Để xem thật sự thằng Fredo đang làm ăn gì. Vì những gì bác nghe được, thì thằng con bác đã thay đổi quá nhiều. Hình như bây giờ nó là một đầu bếp đấy. Mà lại còn vui thú với mấy con nhóc nữa chứ. Hừ, khi còn trẻ nó nghiêm túc lắm mà, nhưng chẳng bao giờ tỏ ra là một thằng đàn ông trong công việc làm ăn của gia đình cả. Hãy tìm hiểu xem, thật ra mình có thể làm được gì ở đó không.
Hagen hỏi:
– Mình có nên đưa thằng Carlo đến đó không? Nó từng sinh sống ở đó, nó rành đường đi nước bước rồi.
Ông Trùm lắc đầu:
– Không, con cái đi xa hết, bác gái mày trơ trọi quá. Bác muốn con Connie và thằng chồng nó dọn về đây. Có lẽ bác đã quá khắc nghiệt với thằng Carlo, giờ nên giao cho nó công việc đàng hoàng. Bây giờ nhà đâm ra hiếm con trai. Cháu hãy kéo nó ra khỏi vụ cờ bạc, cho nó làm việc với công đoàn. Nó lo ba vụ giấy tờ và ăn nói giao dịch. Cái gì chứ ăn nói thì nó giỏi đấy.
Thoáng chút khinh bỉ trong câu nhận xét về con rể của Ông Trùm. Hagen bảo:
– Vâng, cháu và chú Clemenza sẽ tuyển một toán để lo chuyện Vegas.
Bác có muốn cháu gọi Fred về chơi vài ngày không?
Ông Trùm lắc đầu giận dữ:
– Về làm gì? Bác gái mày còn nấu ăn được mà, đâu có cần một thằng bếp. Cứ để nó ở đó.
Cả ba đều ngỡ ngàng, không ngờ thằng Fred bị Bố Già ghét đến thế. Họ đều nghi hẳn phải có lý do gì, mà họ chưa được biết. Ông Trùm đổi đề tài:
– Tôi hy vọng lứa ớt và cà chua tôi trồng trong vườn sẽ được nhiều, để rồi sẽ làm quà cho mấy người. Tuổi già bây giờ chỉ mong được chút bình yên thư thái. Thế là đủ rồi. Uống thêm chút nữa nhé.
Đó là dấu hiệu tiền khách. Hagen đưa Clemenza và Tessio ra tận xe, hẹn gặp nhau lại để thu xếp mọi chi tiết tiến hành công việc theo ý nguyện Ông Trùm. Rồi nó trở vào nhà, vì nó biết Bố Già đợi nó.
Ông Trùm đã cởi áo ngoài, cà vạt, nằm dài trên trường kỷ. Vẻ mặt nghiêm khắc của ông, lúc này hằn lên nét mệt mỏi. Ông ngoắc tay ra dấu cho Hagen ngồi xuống ghế, rồi nói:
– Sao, cố vấn, có phản đối gì về những việc bác đã làm hôm nay không?
Hagen chậm rãi trả lời:
– Thưa không. Nhưng tự thấy cháu không nắm vững vấn đề. Nó không giống bản chất của bác. Bác bảo bỏ qua vụ Sonny, không tìm cách báo thù. Cháu không tin. Bác hứa giữ hòa bình thì cháu tin. Nhưng để cho kẻ thù có vẻ đắc thắng như hôm nay, cháu không tin. Bác ra một đề toán hóc búa như vậy, cháu không giải được, làm sao cháu dám chấp nhận hay phản đối?
Ông Trùm hài lòng ra mặt:
– A ha! Cháu hiểu ta hơn những kẻ khác nhiều. Bác tạo cháu thành một thằng Sicily rồi đấy. Tất cả, những gì cháu nói đều đúng, nhưng có một giải pháp mà cháu sẽ phải hiểu để lý giải, trước khi kéo đến hồi kết cuộc. Cháu cũng đồng ý là tất cả đều tin lời ta hứa và ta sẽ giữ lời hứa. Với điều kiện những đề nghị của ta phải được nghiêm chỉnh chấp hành. Tom à, vì điều quan trọng nhất là phải đưa bằng được thằng Michael về càng sớm càng tốt. Hãy nhớ kỹ điều đó. Tìm mọi đường lối hợp pháp, tốn bao nhiêu cũng được. Phải làm sao cho nó trở về với hồ sơ sạch boong. Tham vấn mấy tay luật sư hình sự coi. Bác sẽ đưa tên mấy ông tòa bác quen cho cháu, để cháu tiếp xúc riêng. Tuy nhiên phải luôn cảnh giác mọi âm mưu, phản phúc.
Hagen bảo:
– Cũng như bác, cháu không ngại những chứng cứ thật bằng hay chứng cứ ngụy tạo. Bắt được Michael, tụi cớm cũng có thể giết nó lắm chứ. Chúng có thể mượn tay mấy thằng tù chẳng hạn. Theo cháu, ta không thể để chúng túm được Michael.
Ông Trùm thở dài:
– Bác biết, bác biết lắm chứ. Đó mới là điều khó. Nhưng ta cũng không để nó trốn mãi được. Bên Sicily cũng lộn xộn lắm. Tụi trẻ bên đó đâu còn
nghe lời cánh già nữa, lại thêm cái đám bị tống từ Mỹ về, mấy Ông Trùm cổ lỗ làm sao điều khiển nổi. Michael có thể bị kẹt, tuy bác đã đề phòng, nên nó được bảo vệ tốt. Nhưng sự che chở này cũng không kéo dài lâu được. Đó là một trong những lý do ta phải cầu hòa. Thằng cha Barzini có bạn bè ở Sicily, và chúng đã bắt đầu đánh hơi ra dấu vết của Michael. Điều đó cho cháu một giải đáp cho bài toán hóc búa đó. Bác cầu hòa để đảm bảo cho sự an toàn của nó. Thấy không, đâu còn cách nào khác nữa.
Hagen không dám hỏi bằng cách nào ông có được những tin tức đó. Nó chỉ hỏi:
– Khi đi vào chi tiết công việc với nhà Tattaglia, cháu có phải yêu cầu những thằng chân rết ma túy của chúng phải là những thằng có hồ sơ sạch không? Đám quan tòa không dám nhẹ tay với tụi có sổ đen đâu.
Ông Trùm nhún vai:
– Chúng nó thừa khôn ngoan để lo vụ đó. Cháu chỉ nhắc nhở chúng thôi, đừng yêu cầu. Nếu chúng dùng mấy thằng có án, bị bắt thì ráng chịu. Mình giúp tận tình nhưng gặp những vụ này, cứ bảo là vô phương cứu chữa. Nhưng thằng Barzini thì mình không nói, nó cũng biết. Cháu có để ý thằng Barzini làm như không hề liên quan đến vụ này không? Nó thuộc loại không để dính chùm với phe thua đâu.
Hagen giật mình:
– Bác cho là lão ta đứng sau Sollozzo và Tattaglia từ trước tới giờ sao? Ông Trùm thở dài:
– Tattaglia chỉ là thằng điếm già. Đời nào dám công khai quật thằng Sonny nhà ta. Đó là lý do tại sao bác không cần biết chuyện đó xảy ra như thế nào. Chỉ biết có bàn tay lão Barzini trong đó là đủ rồi.
Hagen ghi nhớ những đầu mối sự việc của Ông Trùm đang hé mở cho nó thấy, nhưng ông vẫn còn bỏ qua một điều gì đó rất quan trọng. Hagen
biết điều đó là gì, nhưng cũng biết chưa đến lúc hỏi. Nó chúc ông ngủ ngon, vừa quay ra thì ông nói tiếp:
– Nhớ nhé, dùng hết tài trí của cháu đưa bằng được thằng Michael về. À, còn chuyện này nữa. Thu xếp với bên Bưu điện, cho bác bản báo cáo những cuộc phôn cả đi lẫn đến của nhà Clemenza và Tessio nhé. Bác chẳng nghi ngờ gì hai ông ấy đâu. Đời nào các ông ấy phản lại bác. Nhưng biết trước vài chuyện vặt, cũng chẳng hại gì.
Hagen gật đầu, rồi quay đi. Nó tự hỏi chẳng biết Bố Già có theo dõi, kiểm tra nó không? Nhưng mới chỉ nghĩ vậy Hagen đã cảm thấy ngượng vì nỡ nghi ngờ Bố Già rồi. Chỉ có một điều Hagen biết rõ, trong bộ óc tinh anh, xảo diệu kia đã lên một kế hoạch hành động chi tiết, sắp đặt cho cái ngày rút lui chiến thuật. Và có một điều u ám mà không ai nhận thấy, Hagen không dám hỏi, còn Ông Trùm thì lờ đi. Đó là tất cả chỉ để nhắm đến một ngày, cái ngày phải tính toán sổ đời với nhau.
Bố Già Bố Già - Mario Puzo Bố Già