Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 18
Trên đường từ ngôi làng cạnh bệnh viện trở về, ông Kim vui vẻ sôi động hẳn lên. Ông nói với Khánh và Đại đang đi cạnh mình giọng tâm đắc:
- Mấy cụ già nói chuyện hay thật. Các cậu chưa cần phải đi học đâu xa mà học ở dân cũng thu lượm được ối kiến thức. Mà toàn những bài học kinh nghiệm thiết thực chứ chẳng phải lí luận gì xa xôi. Theo hai cậu, các cụ bảo chia đất bỏ hoang ở chân rừng cho dân khai phá trồng trọt rồi nộp một phần hoa lợi thu được cho Hợp tác có được không?
Khánh trả lời:
- Không thể làm như thế được bí thư ạ.
- Vì sao?
- Đất đai là sở hữu của tập thể. Không thể đem chia cho cá thể được.
Ông Kim quay sang hỏi Đại đi bên cạnh:
- Cậu Đại thấy thế nào?
- Em đồng ý với anh Khánh. Đất đai là sở hữu của Nhà nước, không ai được lấy làm của riêng. Nếu lấy đất công đem chia cho cá nhân làm ăn riêng lẻ là vi phạm chủ trương đường lối của Đảng.
- Hai cậu nói có thật lòng không?
- Chúng em nói hoàn toàn dựa trên lập trường quan điểm của Đảng và Nhà nước sao bí thư hỏi có thật lòng không – Khánh nói.
Ông Kim cười thành tiếng:
- Tớ đếch tin. Các cậu nói đúng với lập trường quan điểm nhưng không đúng với lòng mình. Tớ đi guốc vào trong bụng các cậu. Các cậu nói như những con vẹt chẳng qua là sợ tớ phê bình các cậu đi trái với chủ trương đường lối thôi chứ trong lòng các cậu đều thừa nhận những lời nói của các cụ ở Thạch Lôi vừa rồi là hợp tình hợp lí. Có đúng thì nhận đi.
Đại thú nhận:
- Em thấy hàng chục héc-ta đất chân rừng bị bỏ hoang đúng là phí quá. Nhưng đem chia cho xã viên khai thác rồi nộp sản phẩm cho tập thể, em phân vân không biết làm thế đúng hay sai.
Ông Kim bỗng hỏi đột ngột:
- Nếu tớ nói tớ hoàn toàn ủng hộ ý kiến của các cụ già ở Thạch Lôi, các cậu có phê bình tớ đi ngược lại với đường lối của Đảng không?
- Ai dám phê bình bí thư tỉnh ủy ạ – Khánh bảo.
- Cậu là trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Cậu có nắm được chuyện làm ăn của Hợp tác xã An Lưu không?
Khánh trả lời:
- Em thường xuyên lên xuống An Lưu làm gì mà không nắm được ạ.
- Vậy theo cậu An Lưu có chỗ nào làm sai với những quy định của Trung ương về quản lí Hợp tác xã không?
- Em không thấy An Lưu sai ở chỗ nào cả.
- Thế việc tay Khương, Chủ nhiệm giao khoán cho các đội sản xuất tự cân đối kế hoạch sản xuất của đội mình, đội lại tùy công việc mà giao khoán lại cho tổ hoặc cho hộ, đúng sai chỗ nào?
- Bí thư đã biết chuyện khoán của An Lưu rồi à?
- Hợp tác xã nông nghiệp có hàng trăm hộ dân chứ có phải cái kim đâu mà các cậu giấu mãi được. Ông cha mình cũng đã nói rồi. Cái kim để trong bọc lâu ngày cũng có ngày thò ra kia mà. Này tớ nói cho cậu biết, đã hai lần tớ xuống thẳng An Lưu để tìm hiểu rồi đấy. Nhưng tớ dặn tay Khương đừng nói với các cậu nên các cậu cứ đinh ninh tớ không biết đó thôi.
Khánh cười to:
- Em chịu bí thư rồi.
- Cậu có biết vì sao tớ biết được chuyện làm ăn của An Lưu không?
- Có phải có ai đó đã phản ánh lên tỉnh ủy có phải không ạ?
- Chẳng có ai phản ánh cả. Hôm tớ đi về thăm con sơ tán ở Lộc Hà, trên đường đi tớ thấy các cô gái chở lúa về. Tớ dừng lại cầm mấy bông lên xem thấy thích quá. Tớ hỏi ai làm Chủ nhiệm. Các cô bảo bác Khương. Thế là hai hôm sau tớ xuống An Lưu ngay. Tay Khương lúc đầu cũng hốt. Nhưng khi nhìn thấy mặt tớ nhẹ như nắm bông khô hắn biết chẳng có chuyện gì nên kể cho tớ nghe hết. Năng suất vụ mùa vừa rồi An Lưu đạt bao nhiêu tấn một héc-ta?
- Năng suất của An Lưu đạt hơn ba tấn rưỡi một héc-ta.
- Tuyệt vời. Đấy, các cậu thấy không. Chỉ cần làm một vài động tác điều chỉnh lề lối sản xuất là vực năng suất lên ngay. Cậu Đại có dám mạnh dạn làm theo kiểu làm ăn của thằng An Lưu không?
- Nếu có gì sai sót bí thư đừng phê bình thì em sợ gì mà không làm.
- Làm việc gì cũng nghĩ đến cái bụng của dân thì chẳng việc gì mà sợ sai. Ai có phê bình, lên án thì dân sẽ là người bào chữa cho mình.
2
Nghe Lịch đọc xong bản kiểm điểm ưu khuyết điểm của Ban quản trị xong, Ngọ vỗ tay thật to. Nhưng khi nhìn thấy mọi người hai bên không ai vỗ tay theo mình, Ngọ có ý ngượng nên vờ cúi xuống gãi cật lực vào chân. Không chờ Lịch ngồi xuống, Ngô nói luôn:
- Phần kiểm điểm của Ban quản trị thế là đủ rồi. Ban quản trị chỉ đạo sản xuất từ khi được bầu ra đến giờ như thế nào, không nói thì mọi người cũng đã nắm được, không phải nói thêm nữa. Đề nghị đồng chí Lịch trình bày tiếp kế hoạch làm vụ xen canh như thế nào để chi bộ nghe và góp thêm ý kiến.
- Vâng. Tôi xin trình bày kế hoạch làm vụ xen canh. Điểm thứ nhất về mặt tinh thần. Chúng ta phát động một phong trào thi đua rầm rộ hưởng ứng vụ sản xuất xen canh. Cho chi đoàn thanh niên kẻ vẽ khẩu hiệu quyết tâm giành một vụ xen canh thắng lợi treo lên mọi ngóc ngách đường làng để bà con nắm được tinh thần quan trọng của vụ này. Nếu cần thì cho các cháu thiếu nhi đi cổ động hô khẩu hiệu, tạo nên một khí thế rầm rộ trước lúc ra quân…
Tế thấy khó chịu nên cắt ngang:
- Làm gì mà quan trọng thế?
- Sao lại không quan trọng. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm vụ xen canh, nhất định phải thu cho được thắng lợi để làm đà cho các vụ sau. Hơn nữa đây là một chủ trương lớn, rất sáng suốt của huyện ủy.
Chi cắt ngang:
- Tôi xin cải chính với các đồng chí. Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí bí thư tỉnh ủy nhằm khắc phục vụ đói giáp hạt chứ không phải chủ trương lớn chủ trương bé gì của huyện ủy cả. Các đồng chí cứ bàn bạc thoải mái. Đừng quan tâm đến sự có mặt của tôi.
Lịch đặng hắng mấy cái rồi nói tiếp:
- Tôi xin trình bày tiếp. Ban quản trị cũng có bàn đến việc cải tiến cách khoán. Nhưng nhận thấy đây là vụ làm xen canh đầu tiên, giống má hiện chưa có trong tay, thời gian phải làm gấp để khỏi ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân. Nếu chúng ta mày mò tìm cách khoán kiểu này, kiểu nọ, chúng tôi sợ sẽ không đạt được thời gian sản xuất. Vụ xen canh chỉ là vụ phụ giữa hai vụ chính. Chú tâm vào làm vụ phụ để ảnh hưởng đến vụ chính rồi không biết ăn nói thế nào với bà con. Vì vậy chúng tôi định vụ xen canh này vẫn thực hiện cách khoán như xưa nay vẫn làm.
Dậu nói chen vào:
- Tôi thấy nếu chúng ta tìm ra một cách khoán khác có hiệu quả hơn thì sẽ thu được kết quả cao hơn mà chẳng ảnh hưởng gì đến sản xuất vụ chính cả.
Ngô đưa tay ra như muốn ngăn những ý kiến tiếp theo:
- Đề nghị các đồng chí để đồng chí chủ nhiệm Hợp tác trình bày hết rồi chúng ta góp ý kiến một thể. Đồng chí Lịch nói tiếp đi.
- Chúng tôi đã bàn tính kỹ rồi. Không phải chúng tôi không muốn tìm ra một phương pháp khoán tốt hơn lối khoán xưa nay. Nhưng các đồng chí thử nghĩ xem. Vụ xen canh này là vụ đầu tiên làm tại Hợp tác xã Gia Đạo. Có thể cùng một lúc chúng ta phải trồng ngô, khoai tây, khoai lang mỗi thứ một ít. Đã sản xuất kiểu năm cha ba mẹ như vậy mà còn đảo ngược lề lối sản xuất đã quen thuộc từ trước đến nay thì chỉ có thu được thất bại mà thôi.
Ngô hỏi:
- Nghĩa là vẫn khoán quản, khoán việc ăn công điểm như trước đây?
Doanh đứng lên:
- Tôi xin có ý kiến ở chỗ này một tí. Tôi nghĩ cũng không hẳn hoàn toàn khoán theo kiểu cũ mà có thay đổi đôi chút. Ví dụ. Các khâu từ cày đất, đánh luống, đặt giống đều khoán công điểm cho xã viên như từng làm trước đây. Sau đó khoán cho các tổ chăm sóc từng loại cây trồng cho đến khi thu hoạch. Phân đạm và thủy lợi thì do Hợp tác điều hành giống như các vụ khác.
Tế hỏi:
- Khoán công điểm ở giai đoạn chăm sóc như thế nào?
- Vẫn tính ngày công như xưa nay vẫn làm.
Tế nói ngay:
- Quay đi quay lại vẫn thế chứ có khác gì đâu. Vì sao chúng ta không khoán toàn bộ công việc cho nhóm hoặc hộ, trên cơ sở ấy chia sản phẩm ra mà hưởng với nhau?
Lịch phản đối ý kiến của Tế:
- Nói như đồng chí Tế thì sinh ra Hợp tác xã để làm gì?
- Khác làm ăn cá thể nhiều chứ – Tế vặn lại – Chúng ta vẫn quản đất đai, quản sản phẩm làm ra. Chỉ để cho xã viên chủ động chăm sóc cây trồng theo diện tích mà Hợp tác xã đã khoán cho mình. Chăm sóc tốt, được hưởng lợi nhiều, lười chăm sóc thì hưởng lợi ít. Muốn ra đồng lúc nào tùy, chẳng phải kẻng, phải mõ gì.
Doanh bảo:
- Không đơn giản như đồng chí Tế nghĩ đâu. Đồng chí có biết Hợp tác xã của chúng ta hiện tại có gần 230 hộ với mấy trăm lao động chính không? Làm sao chúng ta quản được việc làm ăn của từng ấy hộ, từng ấy lao động. Rồi còn quản cả sản phẩm do họ làm ra nữa. Ngoài ra chúng ta không trồng một loại cây, củ mà là trồng nhiều loại cây, củ khác nhau. Giá trị cây ngô khác với cây khoai tây, cây khoai tây lại khác với cây khoai lang. Nếu mọi người chỉ chịu nhận chăm sóc cây ngô thì cây khoai tây và khoai lang ai chăm sóc?
Mọi người im lặng sau những lời nói của Doanh. Lát sau Ngô hỏi:
- Các đồng chí tham gia ý kiến xem nên khoán vụ xen canh này như thế nào?
Dậu nói:
- Tôi thấy ý kiến của đồng chí Tế cũng có những ý hay. Nếu chúng ta điều chỉnh chút ít vẫn có thể thực hiện ngay trong vụ xen canh này. Điều mắc mớ hiện nay là cây giống không thuần nhất. Các loại cây có giá trị kinh tế khác nhau. Vì thế các đồng chí lo xã viên suy bì, tính toán sợ thiệt thòi rồi muốn nhận chăm sóc loại cây này mà không muốn chăm sóc loại cây kia. Theo tôi khắc phục việc này không khó bằng cách hoa lợi thu xong tập trung vào một đầu mối. Sau đó chia đều. Ai cũng có ngô, khoai tây, khoai lang. Hưởng lợi bằng chia đều sản phẩm chứ không chia bằng công điểm.
- Làm như vậy thì anh lười cũng được một phần như anh tích cực hay sao? – Doanh phản đối.
- Lười hay không là do trách nhiệm quản lí lao động có chặt chẽ hay không.
- Giao cho đồng chí quản một lúc gần 230 hộ, đồng chí có quản lí nổi không?
- Nếu giao công việc cho tôi, tôi vẫn có cách quản được.
- Nói phét.
Thấy thái độ giữa Doanh và Dậu có vẻ găng lên, Ngô khuyên:
- Các đồng chí bình tĩnh. Có đồng chí nào có ý kiến khác không?
Mọi người im lặng đưa mắt nhìn nhau. Chi thấy cần phải gỡ thế bí cho cuộc họp nên đưa tay xin nói:
- Tôi vừa được nghe hai luồng ý kiến khác nhau trong cuộc họp chi bộ của các đồng chí. Bên nào cũng có cái lí của mình cả. Các đồng chí nói đây là lần đầu tiên Gia Đạo làm vụ xen canh nên có ít nhiều lúng túng là đúng. Nhưng nói làm vụ xen canh này đột xuất nên không chuẩn bị kịp là không đúng. Khi tôi và đồng chí bí thư tỉnh ủy đi kiểm tra đồng ruộng của Đạo Thắng, thấy lúa vụ mùa rất xấu, có khả năng cho năng suất thấp nên không tránh khỏi nạn đói giáp hạt. Vì vậy đồng chí bí thư tỉnh ủy đề nghị phải tiến hành sản xuất vụ xen canh để cứu đói. Bản thân tôi cũng đã mấy lần nhắc nhở đảng ủy Đạo Thắng đốc thúc Nhân Đạo và Gia Đạo tiến hành làm vụ xen canh ngay sau khi gặt xong để khỏi ảnh hưởng đến thời vụ của vụ Đông Xuân. Tôi có mấy ý kiến như thế này để các đồng chí xem thử có được không. Về cây trồng, chúng ta chỉ trồng ngô và khoai tây chứ không trồng khoai lang. Giống khoai tây do Ty nông nghiệp tỉnh cấp. Còn giống ngô, tôi và đồng chí chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm sẽ lên Vĩnh Hòa nhờ giúp đỡ. Hợp tác xã Hồng Vân đã làm vụ ngô xen canh mấy năm nay nên giống không thiếu.
Tế kêu lên:
- Thế thì hay rồi. Ngô và khoai tây là loại cây lương thực có giá trị hơn khoai lang nhiều.
Lanh cự luôn:
- Trồng để cứu đói chứ buôn bán gì mà tính cây này lợi hơn cây kia.
Chi nói tiếp:
- Về biện pháp khoán, tôi đề nghị thế này để các đồng chí nghiên cứu. Khi nãy đồng chí Tế có đề cập đến việc khoán hẳn cho hộ hoặc nhóm. Hôm nay ta không đưa khoán hộ ra bàn ở đây vì muốn thực hiện khoán hộ đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị. Tôi muốn đề cập một cách khoán khác mà lúc nãy đồng chí Tế đã nhắc tới. Đó là khoán cho nhóm, cho tổ. Hiện nay có một số Hợp tác trong tỉnh ta đang thực hiện lối khoán này và thu được kết quả rất tốt.
Doanh quay sang nhìn Lịch. Lịch lặng lẽ lắc đầu.
Chi nói tiếp:
- Tôi có hỏi đồng chí Côn về phương thức khoán nhóm, khoán tổ của một số Hợp tác xã trong tỉnh, đồng chí ấy cho biết. Khoán nhóm là Ban quản trị khoán diện tích và sản lượng cho đội sản xuất. Đội sản xuất lại khoán diện tích và sản lượng cho tổ hoặc nhóm. Tổ nhóm hoàn toàn tự chủ về kế hoạch sản xuất của nhóm mình, tổ mình. Ban quản trị kiểm tra kế hoạch của đội sản xuất, đội sản xuất kiểm tra kế hoạch của tổ, nhóm. Sản phẩm thu được sau khi nộp cho Hợp tác xã theo như thỏa thuận, còn lại chia đều cho lao động của các hộ.
Ngọ hỏi:
- Thế những hộ neo đơn không có lao động chính và những người gián tiếp như cán bộ Ban quản trị, đội trưởng và thư ký đội sản xuất không trực tiếp lao động thì hưởng thế nào?
Chi cười:
- Chưa gì đồng chí Ngọ đã lo mình bị thiệt rồi. Vừa rồi tôi chỉ nói phương thức khoán nhóm, khoán tổ của một số Hợp tác xã trong tỉnh để các đồng chí tham khảo. Có làm theo họ hay làm cách khác, kể cả việc thắc mắc các hộ neo đơn và cán bộ gián tiếp hưởng như thế nào của đồng chí Ngọ nêu ra cũng do các đồng chí quyết định. Theo tôi, các đồng chí nên mạnh dạn tìm lấy một phương thức khoán thích hợp để phát triển kinh tế Hợp tác xã, nhanh chóng cải thiện đời sống của bà con nông dân.
Nói xong Chi ngồi nhìn ra gốc cây muỗm cổ thụ, nơi ánh nắng đang nhảy nhót dưới tầng lá rậm rạp. Nỗi chán nản mơ hồ bỗng nhiên ùa tới xâm chiếm lòng Chi. Chị kín đáo thở dài.
3
Đông đảo bệnh nhân, bác sĩ, y tá tiễn ông Kim ra viện. Mọi người tụ tập đứng cạnh chiếc xe con phủ đầy lá nguỵ trang.
Bác sĩ Hoàng lưu luyến bắt tay ông Kim:
- Anh cố gắng bảo tồn cho tốt cái dạ dày của anh đấy nhé. Để chảy máu một lần nữa là nguy đấy.
- Cậu không phải lo. Lần này về tớ đến xí nghiệp cơ khí của tỉnh nhờ chúng nó cho mấy mũi hàn vào những chỗ sắp thủng là coi như không bao giờ làm phiền các cậu nữa.
- Bí thư còn nợ em hai ván tú-lơ-khơ đấy nhé. Hôm nào lên chỗ em để gỡ lại – Đại cầm tay ông Kim vừa lắc vừa nói.
- Cậu cứ làm cho Hợp tác của cậu chuyển biến như đã hứa với tớ, tớ sẽ lên và đem tặng cậu một bộ tú-lơ-khơ chưa bóc tem.
- Em hứa với bí thư, Hợp tác xã Đông Mỹ sẽ vượt Hồng Vân và Đằng Xá cho mà xem.
Ông Kim cười bảo:
- Mọi người làm chứng đấy nhé. Nếu cậu thất hứa, tớ sẽ xẻo dái vứt cho mèo ăn.
Mấy cô y tá nữ ôm lưng nhau cười khúc khích.
- Riêng hình phạt ấy thì mong bí thư tha cho em. Em chưa có con trai bí thư ạ.
Ông Kim nhìn bao quát mọi người ra tiễn:
- Thôi muộn rồi. Tớ còn ghé qua huyện ủy Thạch Sơn bàn một số việc. Cám ơn mọi người đã ra tiễn. Chúc ở lại yên tâm điều trị – Nói xong ông Kim bước lên xe đưa tay vẫy mọi người.
- Đi lên ủy ban huyện Thạch Sơn hả bí thư? – Hành hỏi khi xe nổ máy.
- Ừ.
Nhìn thấy cái điếu cày dựng ở thành xe, ông Kim khen:
- Cậu vẫn nhớ cầm điếu cày cho tớ thì giỏi thật.
- Chị đưa cho em đem theo đấy. Em xuống hỏi chị có đi theo xe lên đón anh về không thì thấy chị đang rửa điếu để cho em cầm lên cho anh. Anh thấy chị có tuyệt vời không?
- Tuyệt vời quá đi chứ. Cậu thấy chị cậu có xinh không?
- Anh khéo chọn thật.
- Con gái điền chủ đấy cậu ạ. Gia đình giàu có nhưng có tinh thần yêu nước. Trước Cách mạng Tháng Tám thường xuyên nuôi giấu cán bô cách mạng ở trong nhà. Bản thân chị cậu cũng thoát li. Nhờ thế chúng tớ mới lấy được nhau chứ một anh thành phần bần cố nông như tớ đến sờ cái móng tay cô ấy chưa chắc đã được chứ nói gì lấy cô ấy làm vợ.
- À, em hỏi nhé. Làm sao mà anh quen chị được?
- Chuyện dài lắm. Đó là một mối tình cách mạng, tình kháng chiến. Nếu diễn ra có chương, có hồi, có đầu có đuôi chẳng thua kém gì chuyện Tam Quốc…
Vừa đi, ông Kim kể lại câu chuyện đời mình. Mười ba tuổi ông đã đi ở chăn trâu cho địa chủ Đình. Mười sáu tuổi đã trở thành một anh thợ cày thực thụ. Tạng người tuy to xác nhưng chẳng khi nào có da có thịt. Ngày đi ở, người cậu trai gầy như cái que.
- Được cái tớ khỏe lắm cậu ạ. Suốt ngày dầm mưa dãi nắng. Bữa cơm chỉ có nước tương với cà nén mà chẳng biết ốm đau là cái gì. Tớ vốn siêng năng lại thật thà nên vợ chồng địa chủ Đình đối xử với tớ tử tế hơn những người đi ở khác. Năm ấy, tớ không nhớ là năm bao nhiêu, hình như tớ đã mười sáu, mười bảy tuổi gì đó. Sau vụ cấy chiêm, tớ đến gặp vợ chồng địa chủ Đình. Tớ thưa gửi lễ phép lắm: “Thưa ông, công việc cấy hái xong rồi, cháu xin phép ông bà cho cháu về thăm nhà mấy hôm.” Địa chủ Đình hỏi, “mày định về mấy hôm?” Tớ bảo, “dạ, tùy ông bà ạ.” Ông ta bảo, “cho mày về ba hôm. Mày bảo với quản lí Đụng đong cho ít gạo mang về. Lấy tiền về lại mất công đi đong gạo.” Tớ mang hai chục bơ gạo với bộ áo quần vá chằng vá đụp đựng trong chiếc bị cói đi về nhà. Bước vào nhà, thấy bố tớ đang ngồi nói chuyện với một người đàn ông chừng ba mươi tuổi, có khuôn mặt tròn, nước da trắng, đặc biệt đôi mắt sáng vừa thông minh vừa cương nghị. Tớ chào người đàn ông rồi đi xuống dưới bếp. Mẹ tớ bảo, đấy là cậu Chính, anh em họ của mẹ, cậu ấy đang đi học ở Hà Nội nên con không gặp đấy thôi. Cậu ấy đang ở nhờ nhà ta để ôn bài vở gì đó. Con không được kể với ai có cậu Chính ở trong nhà mình nhé.
Hành định hỏi thì ông đã kể tiếp:
- Buổi chiều hôm đó cậu Chính gặp tớ. Cậu ấy hỏi: “Em ở làm thuê cho địa chủ có khổ lắm không?” Tớ nói chỉ vất vả thôi chứ không khổ vì được ăn no hơn ở nhà. Cậu Chính liền nói: “Em tưởng địa chủ Đình thương em lắm à? Không đâu. Em xem, vợ chồng, con cái nó chẳng đổ một giọt mồ hôi mà sống trong nhung lụa gấm vóc. Ngồi mát ăn bát vàng. Còn những người như em ăn ngoài đồng, ngủ ngoài đồng. Bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng em thử cúi xuống nhìn bộ quần áo em đang mặc xem có bao nhiêu miếng vá. Em thử để ý xem mấy con chó nhà địa chủ Đình ăn có sướng hơn em không. Còn một ngày còn giai cấp địa chủ thì giai cấp nông dân còn khổ em ạ.”
Tớ lắng nghe cậu Chính nói và mang máng hiểu ra đôi chút. Có điều tớ không hiểu vì sao bố mẹ tớ bảo người đàn ông ấy là em họ, nhưng khi nói chuyện không xưng cậu cháu mà chỉ xưng anh em. Tớ đưa thắc mắc ấy ra hỏi bố tớ. Bố tớ bảo: “Cậu ấy còn trẻ, xưng cậu cháu, cậu ấy ngượng nên xưng anh em cho nó tự nhiên.” Hai ngày ở thăm nhà, cậu Chính còn nói với tớ bao nhiêu chuyện mà tớ chưa nghe bao giờ. Hôm tớ trở lại nhà địa chủ Đình, cậu Chính bảo: “Em không phải đi ở cho địa chủ nữa. Về nhà, anh có công việc cho em làm.” Đấy. Mở đầu con đường tớ tham gia cách mạng là thế đấy cậu ạ. Tớ được ông Trung Chính giao cho công việc làm liên lạc. Mỗi tuần vài lần bí mật cầm công văn, thư từ gì đó của ông ấy đem giao cho một ông thợ bạc ở phố huyện Sơn Dương và nhận những giấy tờ, công văn từ tay ông thợ bạc đem về cho ông Trung Chính.
Hành à lên:
- Vậy chính là ông Trung Chính từ ngày đó. Nhưng còn chị…
- Từ từ đã. Khi đã trở thành thân thiết với ông thợ bạc, một hôm ông ấy bảo tớ: “Cô cậu cứ như mặt trăng với mặt trời. Mặt trăng lặn, mặt trời mọc. Đến lượt mặt trời mọc, mặt trăng lại lặn.” Tớ chẳng hiểu ông thợ bạc nói gì nên hỏi: “Bác nói thế là nghĩa thế nào?” Ông thợ bạc cười: “Cậu có biết ai chuyển công văn, giấy tờ cho cậu không?” Tớ bảo: “Bác chứ ai.” Ông thợ bạc bảo: “Tôi là người giữ hộ để đưa cho cậu thôi. Còn người cầm công văn, giấy tờ ở An toàn khu đến để giao cho cậu là một cô gái Tày xinh lắm. Cậu có muốn gặp cô ấy không?” Tớ ngây thơ hỏi lại: “Gặp để làm gì hả bác?” Ông thợ bạc bảo: “Để ngắm chứ để làm gì nữa. Xinh và ngoan lắm. Thỉnh thoảng cô ấy còn cưỡi ngựa tới đây trông oai phong lẫm liệt như Bà Trưng, Bà Triệu ấy.” Tớ hỏi: “Thế cô ấy không giữ kỷ luật bí mật à?” Ông thợ bạc nói với tớ: “Cả cái phố huyện này không ai không biết cô ấy là con gái ông Tổng Dinh, một ông chánh tổng giàu có ở vùng này. Thấy cô tiểu thư một tuần ra vào nhà tôi mấy lần, người ta cứ nghĩ là cô ấy đi sắm trang sức nên chẳng việc gì phải giữ bí mật. Hôm nào cậu lên sớm ở nhà tôi chơi một ngày, thế nào cũng được gặp cô Lê đấy.”
Tớ bắt đầu tò mò hỏi: “Cô ấy tên là Lê à?” “Ừ. Cô Lê thích mặc quần áo của người Tày chứ thực ra vợ chồng ông tổng Dinh đều là người Kinh. Hình như gốc người ở Lập Thạch dưới Vĩnh Yên thì phải. Có định xem mặt cô ấy không. Nếu muốn xem mặt thì ngày mồng sáu cậu lên đây. Hôm ấy là ngày phiên chợ, cũng là ngày cô ấy đem giấy tờ xuống chỗ tôi đấy.” Tớ nghe nói đến phiên chợ vùng cao vui và nhiều thứ lạ lắm nhưng chưa được xem lần nào nên khi nghe ông thợ bạc nói vậy tớ mừng quá bảo: “Hôm ấy cháu chỉ lên xem chợ phiên thôi. Cháu chưa nhìn thấy chợ phiên ở vùng cao bao giờ.” Ông thợ bạc nháy mắt tinh quái nói với tớ: “Ừ, thì cậu lên xem để cho biết chợ phiên.”
Đúng ngày mồng sáu tớ ra đi thật sớm. Lên đến phố huyện mặt trời mới ló chừng vài cây sào. Thấy tớ, ông thợ bạc tủm tỉm cười: “Chợ chưa đông kẻ cắp đã tới. Tự nhiên tớ thấy ngượng và hỏi một câu nhạt như nước ốc: “Các thứ công văn giấy tờ đã có chưa để cháu cầm về hả bác?” Ông thợ bạc nói ngay: “Hôm trước cậu bảo muốn lên xem chợ phiên vùng cao như thế nào, sao đòi về sớm thế?” Tớ nghe ông thợ bạc nói thế càng ngượng và nói một câu hết sức ngớ ngẩn: “Chợ phiên vùng cao chắc chẳng khác chợ phiên vùng cháu là bao.” “Rồi xem. Công văn giấy tờ chưa có đâu. Đấy. Vừa nói tới là đến.” Một cô gái Tày vai đeo túi thổ cẩm, ngồi trên mình con ngựa đang thong dong đi về phía nhà ông thợ bạc. Cô gái xuống, buộc ngựa vào một gốc cây rồi bước vào nhà. Nhìn thấy tớ là người lạ, cô gái thoáng giật mình đứng chững lại. Chỉ mấy giây đồng hồ, cô gái hỏi ông thợ bạc: “Bác đã đánh xong mấy cái vòng tay cho cháu chưa?” Ông thợ bạc dí dỏm nói với cô gái: “Vòng tay thì chưa đánh xong, chỉ mới đánh xong hình người thôi.” Cô gái Tày không hiểu ông thợ bạc nói gì nên hỏi: “Cháu có nhờ bác đánh hình người đâu.” Ông thợ bạc chỉ vào tớ: “Cô không nhìn thấy hình người tôi vừa đánh xong ngồi kia à?” Cô gái Tày cười khúc khích. Ông thợ bạc giới thiệu hai đứa với nhau rồi bảo: “Công văn giấy tờ đâu đưa bác giữ cho, lát nữa cậu Kim về lấy. Cậu Kim muốn xem chợ phiên vùng cao như thế nào, cháu Lê dẫn cậu ấy đi xem đi.” Tớ tự nhiên thấy ngượng quá nên nói với ông thợ bạc: “Thôi bác ạ. Bác để cho cháu nhận công văn giấy tờ để về cho sớm.” Ông thợ bạc cười to: “Này, con trai như thế là hèn nhớ chưa. Hơn nữa trong trường hợp không cần giữ bí mật thì cũng cần biết người đồng chí của mình để vững tin thêm trong công tác cách mạng.” Nghe ông thợ bạc bảo thế, cô Lê hỏi tớ: “Anh có biết cưỡi ngựa không?” Tớ cười và đáp: “Tôi chỉ biết cưỡi trâu thôi. Còn ngựa chưa cưỡi bao giờ.” Thế là cô Lê dẫn tớ đi xem khắp chợ. Đấy, tớ và chị Lê cậu quen biết nhau như thế đấy. Năm ấy tớ mười bảy tuổi. Còn chị chú mười lăm tuổi.
Hành cười:
- Như vậy là tảo hôn à?
- Đã cưới nhau đâu mà gọi là tảo hôn. Với lại lúc ấy có cưới cũng chẳng phạm luật vì dưới thời phong kiến chuyện mười bốn, mười lăm tuổi đã nên vợ nên chồng là chuyện thường. Cậu thấy chị Lê cậu tuyệt không?
- Quá tuyệt.
- Đúng. Cô Lê nhà tớ là một người phụ nữ tuyệt vời trong những người phụ nữ tuyệt vời. Con cái, nhà cửa một mình cô ấy vun vén. Còn tớ không khác gì một nhánh tầm gửi.
Xe ông Kim chạy vào cơ quan huyện Thạch Sơn.
Bầu từ trong văn phòng chạy ra:
- Mấy anh em đang định sáng mai kéo nhau lên bệnh viện để thăm bí thư. Bí thư ra viện từ khi nào?
- Ra khỏi bệnh viện đến luôn chỗ các cậu. Cậu Khảng đi đâu?
- Đồng chí Khảng đi xuống kiểm tra Hợp tác xã Vân Lĩnh.
- Kiểm tra chuyện gì?
- Xã viên có đơn tố cáo Ban quản trị tham ô công quỹ của Hợp tác xã.
- Nghiêm trọng không?
- Một tấn lúa và 116 đồng.
- 116 đồng thì hết mẹ công quỹ rồi còn gì. Nếu kiểm tra đúng như vậy thì tống chúng nó vào tù tất. Ăn như vậy có khác gì ăn xương, ăn máu của dân. Đúng là quân vô lương. Tay Khảng đi một mình hay có ai đi nữa không?
- Các đồng chí trong Ban kiểm tra huyện ủy cùng đi với đồng chí Khảng.
- Các cậu phải làm nghiêm vụ này. Lôi cổ chúng ra trị đến nơi đến chốn.
- Vâng. Nếu kiểm tra thấy đúng như đơn tố cáo của quần chúng, chúng em sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng. Bí thư ngồi uống nước. Em xuống nhà bếp báo cơm, trưa nay mời bí thư ở lại ăn cơm với chúng em.
- Không phải lo cơm nước. Tớ làm việc với cậu một lát rồi về. Công việc ở nhà đang bề bộn, sốt ruột lắm. Tưởng chỉ nằm bệnh viện vài tuần rồi về. Không ngờ kéo dài hơn một tháng. Lần sau đừng hòng bắt tớ vào bệnh viện.
- Công việc cả đời. Ốm đau nằm viện một tháng để chữa cho lành bệnh, có gì mà bí thư phải sốt ruột.
- Chớp mắt mấy cái đã hết ngày giờ rồi cậu ạ. Thôi ta vào việc nhé.
Bầu hỏi:
- Bí thư không ăn cơm thật à?
- Bảo không là không.
- Đồng chí Thoảng đang ở nhà, có cho gọi anh ấy qua luôn không ạ.
- Tớ làm việc với cậu, có gì cậu trao đổi lại với thường vụ huyện ủy sau. Này, cậu có thường xuyên xuống Hợp tác xã Thạch Lôi không?
- Tháng nào em cũng xuống đó một lần. Có tháng xuống hai lần.
- Xuống Thạch Lôi mỗi tháng từ một đến hai lần mà không thấy gì thì cậu đúng là một ông quan huyện cưỡi ngựa xem hoa.
- Lần đầu tiên em thấy bí thư nói vòng nói vèo đấy.
- Tại cậu chậm hiểu nên mới nghĩ tớ nói vòng nói vèo. Vậy tớ hỏi cậu có thấy ở Thạch Lôi có hàng chục héc-ta đất chân rừng bị bỏ hoang không?
Bầu cười:
- Em tưởng chuyện gì chứ đất chân rừng bỏ hoang ai mà không thấy ạ.
- Vậy cậu không thấy xót ruột à?
- Đau lòng xót ruột gì thì cũng chỉ biết đứng mà nhìn chứ bí thư bảo làm gì bây giờ? Hợp tác xã còn chưa kham nổi diện tích đang canh tác thì ôm làm sao nổi mấy chục héc-ta đất chân rừng nữa.
- Sao không chia cho các hộ xã viên vỡ hoang để trồng trọt?
- Bí thư lại xui dại em rồi. Lấy đất công chia cho hộ xã viên làm ăn riêng lẻ có mà đi tù mục xương.
Ông Kim hỏi:
- Mồm để đâu mà không biết cãi với tòa án.
- Làm sai chủ trương chính sách của Đảng còn cãi gì được nữa.
- Tớ mà đứng trước tòa án, tớ chỉ hỏi các quan tòa một câu thôi. Để đất bỏ hoang cho cỏ mọc và cho dân khai phá để làm ra của cải, ai là kẻ có tội. Làm cho dân no và để cho dân đói, ai sẽ có tội nặng hơn? Nếu tòa chứng minh để cho dân no là có tội thì tớ sẵn sàng vào tù.
Bầu thở dài:
- Cái tội làm sai chủ trương đường lối vẫn to hơn cái tội để cho dân đói bí thư ạ.
Ông Kim cười:
- Những thằng như cậu vào tù cũng đáng. Đùa cho vui thôi chứ phải tìm cách khai hoang số đất chân rừng cậu ạ. Để vậy phí lắm. Tớ thỉnh thoảng vào ngồi nói chuyện với các cụ ở Thạch Lôi, các cụ có đề nghị tớ cho phép dân khai phá để trồng trọt. Tớ hứa với các cụ là sẽ bàn với huyện về cách thức cho dân khai phá số đất bỏ hoang nói trên. Hôm nay tớ muốn bàn với các cậu xem làm cách nào để giải quyết.
- Không phải chúng em không nghĩ đến việc này nhưng thấy khó quá. Cũng đã bàn với các cậu lãnh đạo ở Thạch Lôi mấy lần rồi. Nhưng các cậu ấy bảo đất Hợp tác chưa làm hết, khai hoang thêm rồi tiếp tục bỏ hoang chứ chẳng làm gì. Bí thư còn lạ gì đặc điểm của huyện miền núi chúng em. Đất rộng người thưa. Vụ nào các Hợp tác cũng không làm hết đất. Còn chia cho dân làm như bí thư gợi ý thì chúng em không dám. Hãi lắm.
Ông Kim bảo:
- Theo tớ các cậu cứ mạnh dạn chia cho dân tự khai phá để trồng trọt. Hai năm đầu hoa lợi cho hưởng tất. Năm thứ ba khoán cho dân trồng chè và trồng cọ. Hai loại cây này thu lợi gấp hàng chục lần cây lúa đấy cậu ạ. Phải biết nhìn xa ra năm năm, mười năm chứ đừng nhìn vào nồi cơm hàng ngày. Nếu các cậu sợ cấp trên bắt tội chia đất cho dân thì các cậu cứ đổ tội ấy lên đầu tớ. Tớ có ối lí lẽ để cãi với trên.
Bầu cười:
- Nỡ lòng nào chúng em để cho bí thư chịu lấy một mình.
- Các cậu sợ thì tớ chịu một mình cũng được chứ sao.
Bầu nhìn ông Kim không chớp mắt. Tự dưng anh muốn đứng lên đi đến ôm chặt lấy ông nói một câu gì đó biểu lộ hết tình cảm của mình đối với người bí thư tỉnh ủy mà anh hằng tin yêu, ngưỡng mộ. Nhưng rồi anh chỉ nói được:
- Thôi, việc này để chúng em chịu tất. Tuần này em sẽ triệu tập họp thường vụ, mời đảng ủy và Ban chủ nhiệm Thạch Lôi lên để bàn chuyện này. Bí thư vừa ý chưa.
- Lúc nào nhìn thấy các cậu làm mới nói là vừa ý hay không chứ các cậu họp bàn biết sao mà vừa ý được. Nhỡ các cậu bàn suông thì sao.
- Mấy bà mẹ chồng khó tính có khi phải gọi bí thư bằng cụ kỵ ba đời.
Nói xong Bầu cười vui vẻ. Ông Kim nhấp một ngụm nước rồi nói thong thả:
- Có lẽ không cần triệu tập họp thường vụ làm gì. Có họp các cậu cũng chẳng giải quyết nổi đâu. Theo tớ, cậu và cậu Khảng xuống Thạch Lôi cùng với đảng ủy, Ban quản trị và mời các cụ già ở đó mở một cuộc họp giống như hội nghị Diên Hồng ấy. Các cụ sẽ chỉ cho các cậu nên làm như thế nào với mấy chục héc-ta đất chân rừng kia. Khi đã trở thành ý nguyện của dân rồi thì chẳng ai làm gì được các cậu đâu.
Bầu trở nên phấn chấn:
- Có khi chúng em phải làm theo gợi ý của bí thư thật. Thú thật là chúng em đang bí lắm.
- Quyết tâm chứ?
- Không quyết tâm cũng chẳng được với bí thư. Không làm được mặc sức nghe chửi.
- Chửi đã may. Có khi tớ còn cách chức bí thư huyện ủy của cậu cũng chưa biết chừng. Vậy là tớ yên tâm rồi. Tớ về đây.
Nói xong ông Kim đứng lên. Bầu ngập ngừng giây lát rồi nói ấp úng:
- Có việc này em muốn báo cáo với bí thư.
Ông Kim nhìn điệu bộ của Bầu rồi hỏi:
- Có chuyện gì mà mặt cậu nghệt ra thế?
- Chuyện này đáng ra em phải báo cáo kịp thời với bí thư khi vừa mới phát hiện ra nhưng chưa biết báo cáo bằng cách nào. Nhân tiện đây em cũng xin báo cáo luôn với bí thư. Huyện em có Hợp tác xã Mạc Sơn vụ mùa vừa rồi tìm cách giao khoán cho đội cho tổ tự quản lấy công việc mà làm với nhau, không phải đánh kẻng đánh mõ gì. Nhưng có lẽ chưa bàn bạc thật kỹ trước khi làm cho nên chồng chéo nhau đôi chỗ rối như gà mắc tóc. Tuy vậy vụ mùa vừa rồi năng suất cũng cao hơn hẳn các vụ trước. Công điểm từ hai lạng ba một công, vụ vừa rồi đã lên đến bảy lạng một công, coi như gấp ba. Họ làm giấu làm diếm với nhau nên chúng em không biết. Mãi gần đây nghe nhiều người xì xào chúng em mới xuống kiểm tra thì đúng như vậy thật.
Ông Kim nghe Bầu nói xong vỗ hai bàn tay vào nhau tỏ vẻ hân hoan:
- Chuyện hay thế việc gì cậu phải ấp a ấp úng như người ngậm hạt thị thế hả. Cậu xuống nhà bếp báo cho tớ hai suất cơm. Ăn xong cậu dẫn tớ xuống Mạc Sơn. Tớ muốn hỏi xem khoán kiểu gì mà chồng chéo lộn xộn. Nhân tố mới đấy cậu ạ. Các cậu phải quan tâm chỉ đạo để cho nó đi đúng hướng. Đừng làm nó thui chột và cũng đừng để nó làm lung tung.
Bầu ngồi ngẩn ra nhìn ông Kim. Vốn đã biết tâm huyết và tác phong xông xáo của ông Kim lâu nay. Giờ đây trước hành động gần như đột xuất của ông khiến lòng ngưỡng mộ trong Bầu tăng lên bội phần. Lần nữa anh muốn nói một câu gì đó để bày tỏ nỗi lòng của mình nhưng không biết nói gì. Thấy Bầu vẫn ngồi yên, ông Kim giục:
- Cậu sao thế. Bảo đi báo cho tớ hai suất cơm kìa mà.
Bầu giật mình:
- Vâng. Em đi báo cơm ngay đây.
Nói rồi Bầu vội vã ra khỏi phòng. Ông Kim cũng đứng lên đi ra xe lấy điếu cày cho thuốc vào hút.
Hành hỏi:
- Đã về chưa bí thư?
- Ăn cơm trưa ở đây rồi đi xuống xã.
Hành ngạc nhiên:
- Có việc gì mà bí thư thay đổi đột ngột thế?
- Ở Thạch Sơn có một xã tìm cách thay đổi cách khoán cậu ạ. Phải xuống đấy xem sao.
Hành cười:
- Chị Lê nói không sai. Ăn cũng nói đến Hợp tác xã, ngủ cũng nói đến Hợp tác xã. Đến nói mơ cũng gọi Hợp tác xã.
Ông Kim rít một hơi thuốc lào rồi cười hồn nhiên. Hành lắc đầu cười theo.
4
Bà Lê hết chạy xuống chỗ chuồng nuôi hai con lợn lại chạy lên nhà với thái độ lo lắng. Ông Kim thấy thế bảo:
- Lợn ốm chứ có phải người ốm đâu mà em cứ cuống lên thế.
- Người ốm còn hỏi đau ở đâu để cho uống thuốc chứ lợn ốm biết nó đau bệnh gì. Nó mà lăn đùng ra chết thì coi như bao nhiêu công lao tiền của đều đổ xuống sông xuống biển hết.
Ông Kim cười trêu:
- Sao không ghé sát vào tai nó mà hỏi con ơi con, con ốm như thế nào để mẹ cho uống thuốc.
Bà Lê nổi cáu:
- Em đang cuống lên đây mà anh còn đùa. Cái hộp dầu cao Con Hổ cũng chẳng biết để ở đâu nữa. Anh có thấy đâu không?
- Em định bôi dầu cao cho lợn à?
- Thì cứ thử xem. Biết đâu nó bị cảm gió cảm máy gì.
Bà Thường đi vào, thấy bà Lê còn ở nhà, hỏi:
- Cô Lê chưa đi làm à?
- Chẳng hiểu sao hai con lợn nhà em bỏ ăn từ chiều qua đến giờ, em lo quá chị ạ.
- Nó có bị ỉa lỏng không?
- Không chị ạ. Chỉ thấy người nó đỏ rực lên và nóng như lò than.
Ông Kim trêu:
- Tôi bảo đi mượn cặp nhiệt độ cặp xem nó sốt bao nhiêu độ mà chưa chịu đi đấy chị ạ.
Bà Lê nói với bà Thường:
- Em lo muốn chết mà từ sáng đến giờ anh ấy chỉ ngồi hút thuốc lào và trêu em. Sao lại có loại người vô tâm thế không biết.
Ông Kim tiếp tục trêu:
- Chưa khi nào thấy tôi ốm mà cô ấy lo lắng đến thế chị ạ. Quý lợn hơn cả chồng.
- Này. Nó mà không ốm chỉ cần một tháng nữa tiền bán hai con lợn kia bằng ba tháng lương của anh đấy. Đừng có mà chọc tức em.
Bà Thường hỏi:
- Sao cô không qua bên Ty Nông nghiệp nhờ thú y qua xem nó bị bệnh gì và tiêm thuốc cho nó.
Bà Lê kêu lên:
- Thế mà em nghĩ không ra. Chị ngồi đấy nói chuyện với anh ấy, em chạy qua bên Ty Nông nghiệp đây.
Bà Lê lấy chiếc xe đạp dựng ở hiên nhảy lên đạp vội đạp vàng. Ông Kim nhìn theo bảo:
- Tội lắm chị ạ. Đêm hôm qua cô ấy ngủ không yên giấc. Thỉnh thoảng dậy lấy đèn pin đi ra chuồng lợn để xem nó thế nào.
- Cô ấy đã thế chú lại còn trêu.
- Tôi cố nói đùa để cho cô ấy bớt lo lắng chứ thấy cô ấy cứ cuống lên thương lắm.
Bà Thường lườm:
- Lần đầu tiên tôi nghe chú nói hai tiếng thương cô ấy đấy.
- Thương thì để trong lòng chứ nói ra làm gì. Chị ra xem thử hai con lợn nó ốm bệnh gì thế chị.
Ông Kim đi theo bà Thường ra chuồng lợn. Nhìn hai con lợn đang nằm thở dốc, bà Thường bước vào bên trong sờ khắp mình nó. Lát sau bà bước ra nói với ông Kim:
- Tôi nghĩ nó bị cảm gió cảm máy gì đó chứ chẳng có bệnh gì đâu chú ạ. Bây giờ mà có ít rượu trắng trộn với gừng giã nhỏ bôi lên người cho nó, có khi nó khỏi đấy.
Ông Kim băn khoăn:
- Rượu trắng tìm đâu ra bây giờ. Liệu cồn chín mươi có được không chị?
- Cồn chín mươi cũng được. Chú đến chỗ chú Miên y sĩ xin một ít, tôi xuống bếp xin gừng. Chú cứ đưa cồn về đây tôi làm cho.
Một lúc sau ông Kim trở về với một lọ cồn và một nắm bông trong tay.
Trong lúc bà Thường đang đổ cồn vào bát gừng để đảo thì bà Lê cùng với Chiêm, bác sĩ thú y của Ty Nông nghiệp đạp xe vào. Thấy bà Thường đang cầm bát gừng trong tay, bà Lê hỏi:
- Chị đang làm gì đấy?
- Tôi và chú ấy vừa ra xem lợn ốm như thế nào. Thấy người nó nóng và hai con mắt đỏ rực lên, tôi nghĩ có lẽ nó bị cảm gió nên bảo chú ấy đi xin cồn về, còn tôi xuống bếp xin gừng giã ra đang định đem xuống bôi cho nó đây.
Chiêm cười:
- Vậy là bí thư và chị đã cướp mất công việc của thú y rồi. Chị đoán đúng đấy. Hiện nay đang chớm bệnh dịch lợn bị sốt cao chưa rõ nguyên nhân. Bài thuốc chị đang làm là bài thuốc dân gian chữa lợn bị sốt rất hay. Chuồng lợn đâu hả chị?
Bà Lê đáp:
- Dưới kia chú ạ. Để tôi dẫn chú đi.
Bà Lê và Chiêm vừa ra khỏi nhà, ông Kim than thở:
- Cô ấy bậy quá.
- Có chuyện gì thế?
- Lợn ốm lại chạy đi gọi bác sĩ thú y của Ty Nông nghiệp về chữa cho lợn nhà mình. Chẳng mấy chốc chuyện bác sĩ thú y của Ty Nông nghiệp chữa bệnh cho lợn nhà bí thư tỉnh ủy lại lan ra cho mà xem.
Bà Thường gắt:
- Lợn nhà bí thư tỉnh ủy và lợn nhà dân có gì khác nhau nào? Chú cứ hay sợ bóng sợ gió đâu đâu.
- Ở cương vị của người lãnh đạo phải biết giữ mình chị ạ.
- Giữ với chả gìn. Thôi, chuyện lợn gà để đấy cho cô ấy lo. Hút thuốc đi rồi ta lên phòng chú. Tôi đang muốn bàn với chú vài việc ở Hồng Vân.
Ông Kim xách cái điếu đi trước, bà Thường theo sau.
- Tuần này không thấy tay Côn về báo cáo. Không hiểu tình hình ở mấy cái Hợp tác xã trên Linh Sơn ra sao.
Bà Thường hỏi:
- Hôm qua đồng chí Ẩn lại gặp chú đấy à?
- Vâng.
- Gặp làm gì thế?
- Anh ấy chỉ nhắc nhở phải để ý đến một vài khuynh hướng phát triển tự phát nguy hiểm của một số Hợp tác xã trong tỉnh ta.
- Thái độ có căng thẳng lắm không?
- Xem ra có vẻ chân tình chứ không căng thẳng như trước đây. Có lẽ kết quả làm ăn của một số Hợp tác xã phần nào đó đã làm lung lay quan điểm giáo điều, cứng nhắc về cơ chế của Hợp tác xã trước đây ngự trị trong người ông ấy.
- Không dễ dàng thay đổi đâu, chú đừng có chủ quan.
Ngồi vào bàn làm việc, ông Kim cầm điếu cày đưa cho bà Thường:
- Chị hút thuốc đi rồi nói cho tôi nghe tình hình ở Hồng Vân.
Bà Thường cầm lấy điếu:
- Ngoài Hồng Vân ra còn hai Hợp tác xã ở cạnh Hồng Vân là Phương Trúc và Minh Xuân cũng đang học tập Hồng Vân về cách thức làm ăn. Phương Trúc còn đề nghị với huyện ủy cho hóa giá các công cụ sản xuất bán lại cho xã viên.
Ông Kim tỏ vẻ quan tâm:
- Thái độ huyện ủy Vĩnh Hòa đối với đề nghị này như thế nào chị?
Rít xong hơi thuốc, bà Thường đáp:
- Không dám làm. Chờ chủ trương của tỉnh ủy.
Ông Kim với tay về phía bà Thường:
- Chị cho tôi mượn cái điếu.
Bà Thường đưa điếu cày cho ông Kim. Ông Kim cầm lấy rồi đứng lên đi ra ngồi xổm xuống hiên. Ông bật lửa đốt đóm nhưng không châm vào nõ điếu mà cứ cầm cái đóm cháy rừng rực, mắt đăm chiêu nhìn ra xa. Tàn mấy lần đóm nhưng ông Kim vẫn ngồi yên. Lát sau như nghĩ ra điều gì, ông Kim đứng bật dậy xách điếu bước vào phòng nói giọng sôi nổi:
- Phải cho chúng nó làm chị ạ. Nhưng không phải cho thằng Phương Trúc làm mà để cho thằng Hồng Vân làm việc này.
Bà Thường ngạc nhiên:
- Phương Trúc đề nghị sao không cho Phương Trúc làm mà để cho Hồng Vân làm?
Ông Kim giải thích:
- Tôi tính rồi. Thằng Hồng Vân thay đổi cách làm ăn đã mấy vụ nay nên có nhiều kinh nghiệm. Bộ sậu lãnh đạo của nó từ đảng ủy cho đến Ban quản trị rất vững vàng, có nhiệt tâm. Đã không làm thì thôi chứ đã làm là phải ăn chắc. Thằng Hồng Vân làm ổn rồi, sẽ cho thằng Phương Trúc làm. Chị thấy thế có được không?
- Nếu chú làm không kín kẽ, không thận trọng thế nào chú cũng bị cấp trên kết tội chú đã lấy của tập thể bán cho cá thể đấy. Tội ấy không nhỏ đâu.
Ông Kim chưa kịp nói gì đã thấy Chi dắt xe đạp đi vào. Chi nhanh nhẩu:
- Chào bí thư, chào chị Thường.
Bà Thường hỏi:
- Đi từ lúc nào mà giờ đã đến đây rồi?
Chi vừa dựng xe đạp vừa trả lời:
- Em đi từ ủy ban huyện Vĩnh Hòa từ lúc năm giờ sáng. Đạp hết hơi vì chỉ sợ bí thư đi vắng.
Ông Kim ngạc nhiên:
- Đi đâu mà đạp xe từ huyện Vĩnh Hòa lên đây?
- Cho em xin chén nước. Khát đến khô họng mà chẳng thấy mời nước mời non gì chỉ biết hỏi dồn hỏi dập.
Ông Kim đưa luôn cả ấm chè cho Chi.
- Giao cả ấm chè cho đấy. Khát thì uống cho đã.
Bà Thường hỏi:
- Đã ăn sáng ở đâu chưa?
- Thấy cửa hàng mậu dịch bán bánh mì ghé vào định mua một cái vừa đi vừa ăn. Đến khi mậu dịch viên hỏi tem gạo mới ngớ ra là tháng vừa rồi đong gạo hết chẳng chừa lại lạng nào. Thế là trả lại bánh mì, ôm bụng đói về đây.
Bà Thường hỏi ông Kim:
- Nhà chú có gì ăn không?
- Có khi còn cơm nguội đấy chị ạ. Sáng nay tôi chỉ uống cốc sữa chứ không ăn cơm. Cô Chi về nhà tôi lấy ăn tạm cho đỡ đói.
- Em chẳng thấy đói. Em chỉ gặp bí thư có việc cần nhờ bí thư giúp đỡ đây. Xong em đi luôn.
- Có chuyện gì mà gấp thế?
- Em và chú Doanh, phó chủ nhiệm Hợp tác xã Gia Đạo lên Vĩnh Hòa nhờ mua hộ giống ngô. Hợp tác xã Hồng Vân đã gom trong dân bán cho Gia Đạo gần tám chục cân giống rồi. Bên Ty Nông nghiệp cũng báo đã mua hộ cho một tạ rưỡi giống khoai tây đã đem về để bên Ty. Em định nhờ bí thư cho em xin một chuyến xe xuống Vĩnh Hòa lấy ngô giống rồi quay về đây chở luôn giống khoai tây về. Đất đai đã làm xong đâu vào đấy rồi. Chỉ còn chờ giống nữa thôi.
Ông Kim hỏi:
- Cô xuống Hồng Vân lúc nào mà gom được ngô giống nhanh thế?
- Em xuống đó đã hai ngày nay. Các ông ở Vĩnh Hòa rất nhiệt tình giúp đỡ mới nhanh được như vậy đấy ạ.
- Bí thư huyện ủy đích thân đi mua giống rồi chạy xin xe chở về tận nơi mà Gia Đạo làm ăn không ra gì thì chết với tớ. Xe cộ thì có ngay. Hôm nay tớ không có kế hoạch đi đâu. Nếu có việc đột xuất, tớ sẽ đi xe của lão Quốc. Tay Doanh đâu?
- Chú ấy đạp xe về trước rồi.
Bà Thường:
- Sao cô tính chuyện xuống Hồng Vân chở giống ngô rồi quay về đây lấy giống khoai tây mà không lấy giống khoai tây luôn ở đây rồi sau đó xuống Hồng Vân có tiện hơn không?
- Em muốn quay về đây nếu còn thời gian sẽ trao đổi với đồng chí bí thư vài việc.
Ông Kim bảo:
- Xuống nhà tớ xem còn cơm nguội làm một bát cho đỡ đói đã. Sau đó cần trao đổi gì thì cứ việc ở lại đây trao đổi. Đi lấy ngô giống tớ sẽ giao cho tay Hành. Nó bảo đảm lấy về cho cô không thiếu một hạt.
Bà Thường tỏ ra đồng tình:
- Phải đấy. Đi ăn cơm đi kẻo đói cái đã chứ mười một rưỡi ở đây mới có cơm trưa.
Chi đứng lên đi ra. Ông Kim dặn Chi:
- Cô đi ngang chỗ tay Đô bảo với nó cho tay Hành lên gặp tớ nhé.
- Vâng.
Bà Thường nói với ông Kim:
- Nhiệt tình quá đi mất. Đạp xe đạp đi mấy chục cây số để liên hệ mua giống ngô cho Hợp tác xã.
Ông Kim nói giọng buồn:
- Cô ấy còn vất vả nhiều với mấy cái tay đầu bò đầu bướu ở Gia Đạo. Tuần tới tôi xuống đó xem chúng nó làm vụ xen canh ra sao. Ấm ớ là tôi cách chức tất. Ta bàn tiếp chuyện cho Hợp tác xã Hồng Vân hóa giá công cụ sản xuất chị nhé.