Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Cuộc Phiêu Lưu Của Những Nghệ Nhân - Đồng Tuấn Luân & Giang Nguyên
N
gày xưa có hai người thợ đá, họ đục đá ở trong núi, từ sáng đến chiều, năm này qua năm khác. Năm đó, đã vào giữa thu, tháng mười âm lịch, cây đã rụng hết lá và hoa cúc cũng đã tàn. Hai người thợ đang gặm bánh khô và uống nước máy, một trong họ, Hai Trương thở dài bảo:
— Tháng sáu với người nghèo chúng ta, dễ chịu hơn cả, mùa đông thì thật gay go. Trời chớm rét mất rồi.
Người kia, Ba Vương ngồi im lặng, lông mày cau lại, nghĩ ngợi một lúc lâu rồi nói:
— Ông bạn ạ, mình quyết định đi xa vì ở đây, làm lụng vất vả mà nghèo suốt năm chí tối.
Trương đáp lại không chần chừ:
— Đúng đấy, chúng ta lên đường ngày hôm nay đi!
Họ không đất, không nhà, không có một thứ vật nào cho ra tiền mà cũng chẳng có gì vướng víu. Nói là làm, họ lên đường. Trên đường họ gặp hai bác thợ giày, họ hỏi:
— Này các bác thợ đá, đi đâu mà vội thế?
Trương vội giải thích:
— Anh Ba Vương của tôi quyết đi đến một nơi xa để ăn no, mặc ấm.
Hai bác thợ giày đồng thanh, vui vẻ nói:
— Hàng ngày chúng tôi đóng giày, mà chẳng sắm nổi một đôi giày mà đi. Cho chúng tôi theo với
Vương và Trương đem theo hai người thợ giày, tiếp tục đi. Dọc đường họ gặp hai bác thợ may gái chuyên may áo cho nhà giàu, hỏi họ:
— Này những người anh em, đi đâu mà vội thế?
Hai bác thợ may trả lời vui vẻ:
— Chúng tôi may áo cho người ta suốt ngày, mà tấm áo che thân cũng không có. Cho chúng tôi theo mấy, người anh em.
Họ lại cùng đi. Càng đi, người nhập bọn càng đông. Trong số đó, đám thợ thủ công các loại, hai người thợ đá đếm đã tới vài trăm.
Họ rầm rập kéo đi như thể đợt sóng thủy triều. Có người trong số họ không biết là mình đi đâu. Đi suốt một ngày, họ chẳng thấy làng mạc, không thấy một bóng người. Đêm xuống. Họ thấy một cái cây chết ở bên đường. Anh thợ đẽo đá Vương dừng chân và đề nghị:
— Các bạn ơi, chúng ta qua đêm ngủ ngoài trời dưới cái cây chết này thôi.
Mọi người đều đồng ý. Họ lần lượt chui vào trong hốc cây. Cái cây rất lớn không đo nổi, chứa đến hàng ngàn người vẫn rộng. Dù đoàn người đói meo, họ lăn ra ngủ, ngáy ầm ầm.
Cách họ rất xa, có một ngôi nhà. Chủ nhân đang làm bữa tối. Khi bánh hấp gần chín thì hết củi, chị bảo đứa con trai:
— Con hãy ra sau nhà kiếm lấy ít củi.
Câu bé ba chân bốn cẳng đi ngay, cậu tìm đến chỗ những bác thợ đang nghỉ chân. Cậu tự nhủ:
— Cây thầu dầu này khô, làm củi được đấy.
Cậu bé cúi xuống và chặt. Tiếng động đánh thức đám đàn ông — những người lùn — rời khỏi cây hết người này đến người khác. Nhìn thấy họ, cậu bé rất khoái và ngồi xuống bên họ.
Thế là bao nhiêu điều kỳ diệu đã hiện ra. Hàng ngàn con đom đóm lấp lành như nghìn ngọn nến. Ánh sáng soi tỏ gương mặt hồng hào của cậu bé, đám tóc mượt lòa xòa trên trán. Cậu là người khổng lồ, sống rất tình cảm. Tất cả bọn đều hết sức ngạc nhiên. Ba Vương ngẩng đầu lên, nghiêm túc, nói to:
— Cậu bé khổng lồ, ta thấy cậu có vẻ rộng lượng. Ta và các bạn đây suốt ngày chẳng có gì ăn, cậu có thể cho ta ăn chút gì không?
Cậu bé hiểu ra và trả lời:
— Chờ một lát, mẹ tôi đang hấp bánh bao, và mẹ bảo tôi đi kiếm củi.
Cậu đứng vụt dậy, nhổ một thân cây to và đi vội vã. Cậu trở về nhà kẻo chậm lỡ công việc của ba mẹ. Một số bánh đã chín, cậu nhớ lời Ba Vương, xin mẹ cho một chiếc bánh bao cho những người thợ thủ công và đem đến cho họ.
Chẳng cần nói thì đám thợ cũng vui biết chừng nào. Chỉ là một chiếc bánh bao to thôi mà với họ như một trái núi trắng như tuyết. Phải đến hàng ngàn người như họ, muốn ăn hết thì ba năm rưỡi mới hết. Họ vần chiếc bánh ra sao đây? Sau khi ăn rất nhiều ngày, họ chỉ đục được một lỗ nhỏ bên cạnh và nhìn thấy rau ở bên trong. Bánh bao mà chỉ ăn vỏ thì còn gì là ngon. Cố sức mà ăn, họ cũng chén đến phần nhân. Lần đầu tiên họ được ăn thứ bánh ngon đến thế.
Thời gian cứ trôi lặng lẽ ngày lại qua ngày, chờ đến khi đang chén bánh, họ nghe thấy tiếng động lớn, tưởng như trời sập, và cảm thấy đất sụt dưới chiếc bánh. Ba Vương và một số bạn thợ chui ra xem có chuyện gì xảy ra. Vừa thò cổ ra ngoài, họ đã thấy một cảnh tượng hết sức kinh dị. Trời mưa, như thác, hàng trăm hàng ngàn cột nước trút xuống và mặt đất mênh mông như một đại dương. Họ nhìn thấy núi non óng ánh như thủy tinh. Thật lạ kỳ. Một trái núi đang trôi đến họ và có thể đâm sầm vào chiếc bánh. Quan sát thật kỹ, họ thấy những trái núi trôi bồng bềnh trên nước. Họ kêu hốt hoảng. Nhưng không phải là chiếc bánh vỡ mà là trái núi bị lật vỡ. Vương và các bạn, từ lo thành vui, vì họ hiểu rằng những quả núi như thủy tinh ấy chỉ là những bong bóng nước do mưa gây ra.
Mưa càng ngày càng to. Chiếc bánh tắm trong một dòng sông. Sóng lớn, lốc nhiều khiến đầu họ như bị quay cuồng và nhìn ra chỉ thấy lòa nhòa. Họ vội lấy một cái lá trám lỗ thủng của chiếc bánh, ngăn những đợt sóng định tràn vào.
Những nghệ nhân này nào biết họ trôi nổi đến đâu. Ngay cả Vương, một người kỹ lưỡng, cũng không biết bao nhiêu ngày đã trôi qua, vì bác ta làm gì có thứ gì để đoán biết giờ giấc.
Rồi cũng có một ngày chiếc bánh không trôi nữa và họ cũng thôi bị cuốn theo dòng nước. Họ đang ở đâu? Họ kéo chiếc lá ra, cái lỗ thủng bỗng bị một vệt nắng chiếu vào. Họ nhìn thấy trời xanh, mây bạc đang trôi. Họ chẳng thấy gì mệt mỏi, bởi khi nhìn thấy đất liền, thì cái bánh đã trôi trên một biển nước mênh mông, thuần nhất, trông như thể trời xanh.
Biển thật đẹp và lộng lẫy, nhưng những bác thợ thủ công lại chìm đắm trong nỗi lo. Họ sẽ không biết làm gì, nếu cứ chết dí tại đây. Có thể một cơn bão sẽ nổi và thế là chiếc bánh sẽ đi đời. Vương rất lo, xong không đánh động cho ai cả. Bác nói dè dặt:
— Này các bạn, chẳng lẽ ta lại chẳng làm gì? Biển thật rộng, nhưng thế nào cũng có bờ chứ! Đây là một cành cây nhặt được trên sông. Chúng ta có thể làm mái chèo. Nếu tất cả chúng ta cùng chèo thì có thế cập bờ được!
Mọi người nghe rất xúc động. Họ đến gần và ngắm cành cây thật kỹ. Cái cành này có đường kính bằng cả thân cây. Họ chặt ra, cưa và làm nhiều mái chèo và bắt đầu chèo.
Họ chèo liên tục, mặc cho mặt trời sáng bừng vào buổi sáng, hay lúc bầu trời đã lấp lánh sao. Họ chèo, chèo và chèo... Biển loáng như gương. Dưới ánh trăng có một vài khoảng tối. Bờ biển chăng hay là những hòn đảo? Nhiều ngày đã sống trên chiếc bánh bao thủng trôi trên sông! Thôi nào, hãy cố lên!
Họ trèo hết sức. Những khoảng tối đã gần và loang rộng. Hẳn là một bờ khúc khuỷu. Liệu họ có trèo lên được không? Có cái gì lấp lánh trên cao, có phải là đám sỏi trắng. Khi họ đến gần bờ, họ cố trèo lên, nhưng cái bờ lại động đậy. Bờ gì vậy? Nào có phải bãi biển đâu mà là một con cá khổng lồ. Chưa kịp chạy trốn thì con cá đã nuốt chửng cả cái bánh và đám dân chúng. Nào đã no đâu, nó còn ăn thịt cả một chiếc tàu hơi nước chất đầy len và vải. Bây giờ con cá mới tạm no.
Trong bụng cá, đen như trong lò, như thể đêm phủ đầy mây đen. Chẳng nhìn rõ mặt nhau. Hai Trương thở dài lo lắng. Đây là tiếng thở dài lần đầu tiên khi bác rời xứ sở.
Nhẫn nại, Trương bước tới, hích vào Ba Vương, giận dữ bảo:
— Người anh em, thà bơi mười năm trên biển lấp lánh còn hơn một ngày ở trong bụng cá.
Vương cười vang trả lời:
— Này ông bạn, buồn làm gì? Trong chiếc bánh của chúng ta, có khá nhiều mỡ nước, đốt lên là có thể có ánh sáng.
Từ trước đến nay đã có ai đốt lửa được trong bụng cá bao giờ, thế mà bây giờ họ đã thắp được một ngọn lửa bằng mỡ nước trong bụng cá đấy. Giờ thì mọi thứ sáng như ban ngày và họ sung sướng như thể người mù lại nhìn thấy được. Họ cười nói. Họ lại có một điều vui mới nữa: hai chiếc tàu đầy vải ngay ở phía đầu kia của chiếc bánh bao! Đúng rồi, sau nhiều ngày hành trình, quần áo họ rách như tổ đỉa, họ cần có quần áo mới. Vốn thông minh, bác Vương có thể tính ngay ra số quần áo có thể may được với lượng vải trên tàu kia. Thế là họ bắt đầu vào việc, vui vẻ, sung sướng khi những bộ quần áo mới sẽ may xong. Một số người trong bọn họ bắt đầu nhớ nhà, họ đang nghĩ đến quê hương, đến dòng sông, những bông hoa đó... Họ thần người ra trong công việc khi nhớ lại đến những bất công và những cảnh đói khát mà họ đã từng chịu đựng lâu dài...
Khi họ đang mải mê công việc trong bụng cá, bên ngoài mọi việc cũng thay đổi. Con cá nương sóng đã bơi vào bờ và một con cốc đã nhìn thấy nó. Con cốc lao thẳng xuống, há mỏ và nuốt chửng tắp lự, rồi bay thẳng đi, đậu trên một nóc nhà. Phong cảnh mới đẹp làm sao. Mặt trời dịu và hồng, chiếu cả đến góc tối. Chim vỗ cánh mạnh trước khi kêu vang lên. Trong sân, một cô gái trẻ đang ngồi thêu, nghe tiếng, liền lấy chiếc giày thêu nhắm thẳng chim mà ném. Chim bay lên, nhưng trúng giày, không cất mình nổi. Con cốc rất béo nên cô gái hí hửng mừng rằng sẽ có một đĩa thịt ngon cho bố cô. Cô ngừng làm việc, cầm con mồi rồi quay vào nhà.
Những hôm sau, những bác nghệ nhân mặc quần áo mới, vui ra mặt. Họ nhảy múa, hát vang như thể vào lễ hội. Lấy con cá trong bụng con chim cốc ra, cô gái nghe thấy tiếng gì ồn ào. Lạ nhỉ! Cô tự hỏi làm sao lại có tiếng người trong cái bụng cá mà nghe lại nhỏ tí. Cô mổ cá thật cẩn thận và thế là mấy chiếc tàu và chiếc bánh bao chứa hàng ngàn nguời hiện ra. Bởi đã trải qua bao nhiêu chuyện phiêu lưu, những nghệ nhân không hề sợ cô gái. Vương cảm ơn cô gái rất nhiều và kể cho cô những nỗi nhọc nhằn, khổ sở họ đã phải trải qua. Vốn cảm tình với họ, cô gái nhận sẽ sắp xếp cho họ ở lại địa phương.
Đám người mới đến kéo vào trong sân. Họ muốn ngắm mãi bầu trời xanh và vầng mặt trời lấp lánh như tất cả mọi người. Họ sướng tai khi nghe tiếng chim hót và những tán cây rì rào trước gió. Sau nửa ngày đi vội họ mới ra khỏi gian giữa và đối mặt với hai trái núi chắn mất đường. Đó là những ngọn núi mạ vàng và thơm tho. Họ khoét một miếng và nếm, mới hay đó là ngô. Đó là hai hạt ngô mà cô gái đã vô ý đánh rơi. Hôm đó, các nghệ nhân chẳng thấy được gì thêm, vì họ vượt qua núi ngô mất rất nhiều thời gian. Khi họ ra khỏi nhà, thì đêm đã xuống, vì họ phải bám đường và chỉ theo kịp cô gái vào lúc nửa đêm.
Cha cô gái đã trở vào. Đó là một cụ già lịch lãm, râu trắng như cước. Khi được tin con gái và đoàn người đến, cụ cho biết đang chờ họ để ăn tối. Đám nghệ nhân ăn cơm với cụ già và nếm vị ngon của thịt cốc. Tay cầm cuộn len, cô gái bảo bố:
— Bố ơi, cái ngù hình quả bầu bằng len đỏ trên chiếc mũ của cha đã hỏng. Hôm nay con kiếm được ít len trong bụng cá, con làm chiếc mới cho cha, cha có ưng không?
Thế là cô tết chiếc ngù mới với tất cả lượng len lấy được trên tàu ngay lúc các bác thợ đang ăn. Ngắm tác phẩm của con gái, cụ già đội mũ lên đầu. Rồi cụ hứa với các vị khách ngày mai sẽ dẫn họ thăm thú.
Sáng hôm sau, ông bố bảo Vương và các bạn anh leo lên vai mình, cụ đội mũ ngù quả bầu đó lên đầu và chỉ một vài bước, cụ đã ra khỏi nhà.
Cụ đưa họ ra vườn. Từ xa, họ đã nghe những nhịp điệu dễ chịu. Khi đến nơi, họ mới biết đó là tiếng đập cánh của bầy ong. Cỏ, lá, hoa, liễu đều phủ sương, mỗi giọt to và tròn như vầng trăng, lấp lánh khi tím, khi đỏ. Ngồi trên vai cụ già, đám nghệ nhân nhìn từ cao xuống thấp tưởng như hàng ngàn, hàng ngàn vầng trăng xinh đẹp lấp lánh giữa nhũng đám mây đầy màu sắc.
Cụ già đưa các vị khách thăm vườn quả. Họ đón nhận hương quả dịu mát, tươi ngon. Cụ già muốn mời họ nếm, nhưng một việc bất ngờ đã xảy ra: một con kền kền nâu đã tới. Mắt nó hút vào chiếc mũ đẹp của cụ già, nó nhào xuống, đoạt lấy mũ và bay luôn về phía nam. Để đòi lại, cụ già vắt chân lên cổ chạy, để định bắt nó. Ngồi trên vai sợ ngã, đám nghệ nhân tụt xuống, núp vào các nếp quần áo, thỉnh thoảng lại thò cổ ra ngó xung quanh.
Con kền kền bay càng nhanh và cụ già vẫn chạy theo, nhưng có những lúc thật gần, cụ vẫn không túm đuọc nó. Bỗng một ngọn núi hiện ra, mà với họ phải mất ba ngày, ba đêm mới trèo qua, đến chỗ con kền kền. Nhưng vừa đến nơi, cụ già nhặt quả núi ném đi. Bỗng ở phía nam, lại có quả núi còn cao và lớn hơn. Và, ở sau núi vang ra một giọng rung trời chuyển đất:
— Ai ném cát vào bát của ta thế này?
Nghe thấy tiếng, cụ già vượt núi, và thêm ít bước thấy một người cao gấp hai mình, đang cầm bát cơm trong tay. Người đàn ông lấy đũa gắp trái núi mà cụ già đã ném đi, vứt xuống đất, tiếp tục ăn, đầu cúi xuống.
Cụ già đứng trước lão, nói lời xin lỗi:
— Đại huynh, chính là tôi đã ném hòn đá vào bát của huynh, để bắt con kền kền. Huynh đại xá cho!
Người đàn ông không những chẳng giận, mà lại còn cung kính mời cụ ăn với mình. Dẫu tiếng lão không cáu giận, nhưng rất mạnh mẽ. Cụ già chẳng bụng dạ nào ăn hoặc trò chuyện với lão, mà còn bận đuổi theo con kền kền. Khi cụ cảm thấy mình đến gần con kền kền thì thấy mình đối mặt với một ngọn núi quả là cao. Đó là một ngọn núi cằn không một đầu cây. Cụ già leo lên và khó nhọc lắm mới lên tới đỉnh, mặt đầy mồ hôi. Khi cụ từ đỉnh xuống, trượt chân và lăn xuống một hẻm núi. Cụ bị vây giữa những mỏm đá nhọn. Đúng là tai họa. Cụ già đang gượng dậy mà không nổi. Đám thợ cũng tụt vào một hố sâu, kêu toáng lên: Chết rồi, làm sao ra khỏi cái nơi thảm hại này! Họ nhìn Ba Vương cũng đang im như phỗng vì vô kế khả thi.
Thế rồi một phép màu đã sinh ra. Bất ngờ, những đám đá lay động, cả cái hẻm sâu cũng thế. Cái thùng quay như chiếc đĩa, đáy lộn lên cao, nhờ rớt vào cái hố mà khi cụ già ngã, đám nghệ nhân không văng ra. Khi thấy cụ già, họ không khỏi kêu lên kinh ngạc dù là đã nếm trải đủ mùi mạo hiểm. Và trước mắt họ, một người khổng lồ cao gấp trăm, gấp nghìn lần cụ già đang ngồi thiền. Bây giờ họ mới hiểu cái hố sâu mà họ đã rơi vào kia, chính là cái rốn của cụ.
Người khổng lồ, sau một tiếng thở dài, dụi cặp mắt còn trong phút mơ màng. Cụ già vội vã hỏi:
— Đại ca, huynh có thể mách dùm con kền kền nâu ở đâu. Nó đã thả chiếc mũ đẹp có ngù len đỏ hình quả bầu của tôi! Người này đứng dậy nhìn về phương nam, bàn tay đặt lên trên mặt, kêu lên:
— Trời ơi. Trời ơi! Con chim đã vào Cổng Trời phía nam! Nó không thiếu gì mưu mẹo đâu! Sợ là lão không bắt đuọc nó. Con kền kền đã đẻ một quả trứng, nó sẽ dùng lấp cửa lại
Nói đoạn, ông tỏ ra hối tiếc và lấy tay đấm vào ngực. Đám thợ cùng chung một nhiệt tình như ông. Sau một lúc suy nghĩ, gã khổng lồ đề nghị:
— Trèo lên lòng bàn tay ta, ta sẽ dắt lão vào Cổng Trời phía nam. Thử đẩy quả trứng xem sao.
Theo lời khuyên, cụ già leo lên bàn tay người khổng lồ. Bàn tay nâng lên, chỉ một loáng, cụ già và đám thợ đã rời mặt đất xa tít tắp. Họ ngẩng đầu lên và chạm vào những đám mây tím, thấy một chiếc cổng tròn, lấp lánh sáng đuọc lấp bằng một quả trứng. Cụ già cố dùng tay đẩy, nhưng chẳng ăn thua. Cụ không cầm lòng nổi, khóc rưng rức.
Sau khi bàn với bè bạn, Ba Vương bảo cụ già:
— Đừng khóc nữa, ông ơi! Với những chiếc đục, trạm, chúng tôi sẽ khoét thủng quả trứng ấy. Rồi chúng ta sẽ bắt được con kền kền nâu đáng nguyền rủa ấy.
Những người thợ đá bắt tay vào việc. Những chiếc búa quai ầm ĩ vào các chiếc đục trạm. Vỏ trứng rắn hơn cả đá. Cứ mỗi một nhát đục là lửa bắn tung tóe xung quanh. Nhưng Vương và đám thợ không dùng tay đục; đục cùn thì những bác thợ rèn lại rèn cho sắc, khi cán búa gãy thì những người thợ mộc lấy cưa, rìu ra làm ngay cái khác. Rồi, quả trứng bị vỡ, chảy xuống đất, lòng trắng đã tạo thành một cái hồ xanh, nước trong, còn lòng đỏ, thì lao ra dòng sông vàng với dòng nước náo động, chảy hàng vạn nam, hàng vạn năm, không bao giờ khô cạn. Những bác thợ thủ công hoạt bát và nhiều tài trí cũng như cụ già thường hay lên trời mà chẳng ai biết họ làm gì. Có thể là họ mang về dưới trần nhưng kho báu cất giữ tít tận trời xanh.
NGÔ VĂN PHÚ dịch