Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 19
L
ại một sự trùng hợp đáng tiếc và tình cờ khi họ tới đây vào lúc này. Họ đây là ba chục lính Mỹ Mũ Xanh mới đặt chân tới Á Căn Đình để thiết lập một trại huấn luyên cho quân đội chánh phủ, và đó cũng là lời thanh minh của Bộ Ngoại giao Mỹ khi có một tờ báo tên là Garceta ở Buenos Aires tố cáo rằng trước đó cũng đã có những toán lính Mũ Xanh khác xuất hiện ở ven biên tỉnh Tucaman bí mật huấn luyện cho những phần tử phiến loạn chống chánh phủ. Phát ngôn viên Mỹ này chỉ xác nhận gửi toán cố vấn và không hề đả động tới sự kiện chánh phủ Á Căn Đình vừa bắt giữ mười ba phần tử nổi loạn mà những người lính Mũ Xanh có dính líu.
Nhà văn, cố vấn tướng Thuyết có vẻ ngạc nhiên về những sự kiện không lấy gì làm thuận lý như thế. Riêng tôi, một mẩu tin như vậy tự nó mang nhiều ý nghĩa, một chứng từ nữa cho vai trò những người lính Mũ Xanh ở cao nguyên. Sự trùng hợp đáng tiếc và tình cờ, đó thường là câu trả lời rất xuôi tai của bộ Ngoại Giao Mỹ về những biến cố khó khăn như vậy. Gửi sĩ quan cố vấn cho quân đội chánh phủ, giúp đỡ các phần tử phiến loạn khuynh đảo chánh phủ, trong canh bạc lớn người Mỹ đã giấu thêm một con tẩy nơi tay áo của mình. Và chánh sách đó phải kể là khôn ngoan nếu sự gian lận không bị thấy rõ. Ngoài sự cứng rắn, cả tướng Thuyết cũng không thấy rõ uẩn khúc đó.
Trên thực tế, ông Tướng có vẻ không thành công trong bước đầu cố gắng đồng hoá số Dân Sự Chiến đấu Thượng vào quân lực chính quy ở mấy trại nội địa thuộc vùng ông kiểm soát. Một sĩ quan Việt Nam chỉ huy trại đã bị giết và ngay sau đó ông Tướng đã phải nhượng bộ bằng cách thay thế cho trại một toán A Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam khác. Điểm thất bại rõ rệt nhất là quân số, mà phần đông là người Thượng suy giảm rõ rệt ngay sau khi có lệnh cải tuyển. Trừ một vài thành phần chỉ huy chịu ở lại khi được đồng hoá để trở thành sĩ quan, còn đa số nếu chưa đào ngũ thì tinh thần rất xuống và có vẻ chán nản. Ngoài cái lý do vật chất không được sung mãn như sống với những người lính Mũ Xanh Mỹ, những người Thượng này vẫn bị ám ảnh bởi sự bạc đãi của các viên chức Việt Nam mà họ đã có kinh nghiệm từ trước. Từ sự thiếu tin cậy đó, sớm muộn họ cũng sẽ lần lượt ra đi. Không phải trở lại để bơ vơ trong rừng rú mà họ sẽ trở lại với người Mỹ đang mở rộng vòng tay tiếp nhận họ ở vô số các địa điểm biên phòng khác. Điều này với tướng Thuyết có thể biết hoặc không, nhưng chắc chắn là ông thiếu cái nhìn thật xa, từ căn bản để khiến ông phải quan tâm tới. Hành động mạnh mẽ của ông, ngay đối với người Mỹ, bắt nguồn từ tự ái hay cái-thể-diện nói theo kiểu Á Đông hơn là từ một kế hoạch đã được kỹ càng khảo sát. Sâu sắc như nhà văn, cố vấn của tướng Thuyết mà xem ra ông không có một thẩm định đúng mức về tầm quan trọng của các biến động trên cao nguyên. Đối tượng sinh hoạt của ông hình như chỉ gồm sự thay đổi thành phần ở chánh phủ Sài Gòn và làm sao hoà hoãn để sống chung thuận hảo với các lãnh tụ Phật giáo. Nhìn quanh, xem ra tôi không có một đồng minh nào để làm sống lại vấn đề cao nguyên. Thảm kịch Dakto với hơn sáu trăm xác chết hầu như đã bị rơi vào quên lãng.
Tôi trở lại Sài Gòn với bớt nhiều hăng hái. Có lẽ bởi khoảng cách quá xa giữa huyền thoại và thực chất con người tướng Thuyết. Cũng có lẽ bởi sự đánh giá quá cao vai trò chánh trị của ông trong khi bản chất ông là một tướng lãnh, một nhà quân sự có tài theo đúng nghĩa chân thật của danh từ. Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng, dầu sao sự trở lại cao nguyên của tướng Thuyết cũng vẫn có những hứa hẹn tốt. Từ thể chất tới tinh thần tôi khá mỏi mệt sau chuyến đi này. Tôi có dự định sẽ nghỉ cuối tuần, một mình ra sống ít ngày ở biển để bồi dưỡng và tìm lại con người mình tưởng như bị cuốn hút mù tăm vào giữa những biến cố. Thật bất hạnh cho một nghệ sĩ như tôi, ở giữa một tình trạng dao động tinh thần như vậy mà tôi phải chọn lựa, một chọn lựa quyết định sự ở lại và ra đi trong nghề cầm bút của mình. Đó là một đòn cân não chí tử mà sự yếu đuối ban đầu bảo tôi phải ra đi. Chỉ là thư nặc danh nhưng lời lẽ ngắn gọn và quyết liệt. Rất có thể và gần như đoan chắc mặt trận cộng sản muốn ngăn chận một hậu quả tâm lý bất lợi sau vụ thảm sát. Tôi sẽ thiếu thành thật nếu không tự nhận rằng mình đã có sợ hãi khi bị chụp mũ phản cách mạng và hăm doạ bị ám sát. “Chỉ có cộng sản mới hành động đâm sau lưng quân đội và làm suy giảm tiềm năng chiến đấu của quốc gia”. Tôi đã từng bị ông Tướng Cục An ninh gán cho như vậy. Và hiện giờ chính tôi bị cộng sản nặng nề lên án. Khi cầm bút chỉ để viết những điều thấy tận mắt hoặc tai đã nghe tôi cũng đã ý thức được sự nguy hiểm từ nhiều phía mà kẻ thù chẳng bao giờ được nhận mặt. Tôi cũng chua xót để nghĩ rằng ngay cả người Thượng mà đối tượng là sự sống chung và tiến bộ, chắc gì họ đã chấp nhận tôi, nhất là với phe tranh đấu. Nguyện đã nhiều lần bảo tôi là sự đơn độc của anh cũng chẳng thể làm được gì cho một tình trạng tồi tệ như hiện tại và nếu phải ngã xuống lúc này - bây giờ rất có thể, là một điều phi lý và vô ích, vả lại bản chất anh chỉ là một nghệ sĩ, vậy phải trở về với lãnh vực hội hoạ, quê hương đích thực của mình. Phải chi tôi đừng bước vào cái nghề vốn nhọc mệt và nguy hiểm này nhưng tôi cũng chẳng thể trở về thế giới hội hoạ như một tránh ẩn cơn nguy biến. Sự cô độc lúc này thật khủng khiếp khi nghĩ về một cá nhân bị chính xã hội chối từ, nhưng hắn cũng tự thấy bởi chính sự quạnh hiu mà con người hắn đã lớn ra. Cảm giác đó khiến bỗng chốc tôi vững vàng trở lại để chấp nhận đi tiếp con đường phải tới dù có bị ngã xuống. Nếu thiếu sự thách đố, ở một lúc nào đó người ta bỗng thấy cuộc sống vô vị, et soudain je m'aperçois que je n'aie aucune raison de vivre. Ở một cuộc sống vốn hữu hạn trong một thế giới vô thường, cái đe doạ bất chắc của ngày mai khiến tôi tha thiết vô cùng với sự sống. Tôi lại nghĩ tới Nguyện, tới gia đình và những người thân và cả tới bà mẹ già mà sao đến nay tôi mới lại thấy thương nhớ. Và tôi quyết định về thăm bà với cảm tưởng của một đứa con hoang tàng hối hận trở về với mái gia đình xưa. Khi tôi bước vào nhà thì bà vẫn mải mê đọc cuốn Tâm và Thức của đạo Phật. Tôi yên lặng ngồi xuống một chiếc ghế gần đó: một phút ngạc nhiên đến xót xa khi thấy mái tóc bà đã trắng bạc như sương. Tôi đã xa đời sống, xa bà bao lâu để mới nhận ra sự biến đổi này và bà đã ngồi đó tự bao giờ, trong bao nhiêu năm nay, vẫn trong chiếc ghế bọc da mầu nâu quen thuộc với những đồ vật trong phòng giữ nguyên chỗ đứng cũ. Hình ảnh bà gợi sự bình an trộn lẫn với xót xa. Cảm giác không tránh khỏi dưng dưng khi nhìn bàn tay bà với những ngón gầy khô se sắt. Tôi muốn được ôm hôn lên trán, gục mặt vào lòng bà và nắm lấy bàn tay gợi biết bao nhiêu nỗi êm dịu thời tuổi nhỏ nhưng cái không khí tẩm thẫm đạo giáo và sự thanh khiết khổ hạnh đã ngăn tôi lại, đó như một khoảng cách làm khô héo tình mẫu tử vuốt ve và tiếng nói của yêu thương chỉ còn là sự xót xa yên lặng. Bà vẫn còn sống nhưng lại xa hẳn với thế giới hệ luỵ này. Tôi không còn hy vọng tìm thấy một bà mẹ hiền dịu trong ký ức. Và hình như sự tệ bạc vô tình của tôi trong bao năm qua đã làm chết mọi sự mong đợi trông ngóng nơi bà. Sự hối hận của tôi cũng không níu kéo được một sự mất mát lớn lao như thế. Lần đầu tiên tôi trải qua một đêm mất ngủ để thấy sợ đôi mắt mình ráo hoảnh suốt canh khuya. Phải chờ hết giới nghiêm tôi mới có thể xuống phố. Sự xa hoa của Sài Gòn vẫn ngủ kỹ, không khí còn trong nguyên sự tinh khiết làm tâm hồn tôi phần nào dịu xuống. Những xe vận tải thực phẩm đã từ các ngả đường ngoại ô chạy vào thành phố. Từ nhà tới toà soạn tôi đã hai lần bị lực lượng an ninh chặn giữ mặc dầu đã chìa ra thẻ nhà báo. Ánh đèn pin chiếu rọi vào giữa mặt, hai tay phải giơ cao như ở một tư thế bị hành quyết. Liên tưởng đó đủ làm tôi lạnh buốt xương sống. Thế mà đã hơn một năm kể từ ngày tôi bước chân vào nghề báo với tất cả những cọ sát đến chai rạn của nó. Sau này vì khắt khe của kiểm duyệt khiến tôi không còn say mê săn tin và tự bằng lòng với bản tin của hãng thông tấn chánh phủ. Tôi đã phải hy sinh đi rất nhiều sáng kiến. Và đúng như ý muốn của ông chủ nhiệm, đã từ lâu chuyện gì tôi cũng chỉ tường thuật nội vụ một cách khách quan không bình luận hay thêm vào đó một cảm tưởng nào. Chính những nỗi khó khăn và cả nguy hiểm nữa khiến tôi càng tha thiết với nghề báo và hiện giờ tôi không nghĩ là mình có thể từ bỏ dễ dàng cái khu phố hỗn độn và nghèo khổ ấy để trở lại với cây cọ và giá vẽ.
Sáng nay tôi dự định sẽ tới toà soạn làm việc như bình thường và giữ kín luôn chuyện hăm doạ đã làm tôi sợ hãi không ít. Sau mấy chuyến đi Trung mà tôi biết chẳng có ích lợi thiết thực gì cho tờ báo nhưng vì biết tôi thích nên ông chủ nhiệm vẫn không có ý ngăn cản. Với một ký giả công nhân như tôi, một đối xử như vậy phải coi là đặc biệt. Mặc dầu có một khoảng cách rất xa về tuổi trời cũng như tuổi nghề, mọi giao hảo giữa tôi và ông vẫn dung hoà được giữa tính cách thân mật và sự tương kính. Hình như từ mấy hôm ông chủ nhiệm đã có ý chờ gặp tôi, vẻ mặt ông không giấu được nét băn khoăn lo lắng. Câu đầu tiên mà ông nói vẫn là một cố gắng đùa cợt để có được không khí hoà hoãn bình tĩnh.
"Vía cái nhà anh này có vẻ sát báo, lại bộ Thông Tin cảnh cáo lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng."
Tôi không ngờ ngòi bút của tôi là một đe doạ phiền nhiễu cho tờ báo và nhiều người khác đến như vậy. Lúc này tôi cũng có những ý nghĩ tự phiền trách mình không ít. Ông chủ nhiệm tiếp:
"Nếu không nhờ sự nể nang riêng tôi thì chắc chắn đã bị đóng cửa báo. Nhưng vấn đề cũng còn lòng dòng chưa xong, chính tác giả bài báo là anh phải lên gặp ông Ủy viên Thông tin để trả lời một số những nghi vấn. Câu chuyện hình như liên hệ tới nhiều Bộ và gây tức giận cho cả Thủ tướng vì những chỉ trích nặng nề của nhà sư. Tại mỗi Bộ đều có một bản sao toàn vẹn bài dịch năm ngàn chữ của toà báo ông Davis đánh đi. Cả ông Ngoại giao cũng lại trút mọi tội lên đầu ông Thông tin thành ra không phải tôi mà chính anh phải có trách nhiệm giải thích những sự kiện đó."
Tôi tưởng rằng sau chuyến gặp gỡ ở Tổng cục An ninh, vấn đề được xếp lại và coi như đã giải quyết xong. Nhưng trái lại đây vẫn là hậu quả dắt dây của bài báo năm ngàn chữ. Tôi thừa hiểu rằng với một nhân vật có nhiều uy tín và nhiều chống đối như nhà sư Pháp Viên, chánh phủ có chủ trương cô lập hoá và bỏ rơi ông vào khoảng trống không trí nhớ của quần chúng. Tội trạng của tôi được coi như cố ý đi ngược lại đường hướng của nhà nước. Bài báo đã có một tác dụng tô vẽ phóng lớn khuôn mặt và huyền thoại của nhà sư, nhất là trên dư luận quần chúng Âu Mỹ. Biết tính tôi nóng nảy và nhiều tự ái, ông chủ nhiệm đã hết lòng khuyên tôi nên tỏ thiện chí bằng cách lên gặp ông Thông tin và hay nhất là tôi có một thái độ mềm dẻo để gián tiếp cho họ biết là mình đã nhận lỗi, cũng như chúng tôi đã nhận lỗi cách đây mấy tháng về những trần thuật các biến cố tại cao nguyên mà sau đó bị gán cho có hậu ý cố tình gây khó khăn cho chánh phủ. Tôi không quan tâm tới mức độ giá trị những gán ghép như vậy khi tôi đã tự giới hạn cái trách nhiệm của mình đối với độc giả và những dòng chữ xuất hiện trên mặt báo.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi và ông Ủy viên Thông tin sau đó thật chán nản. Ở đó không có được cái gây cấn khích động như khi gặp ông Cục An ninh. Khuôn mặt ông này thật mờ nhạt và giọng nói thì giả tạo vô vị khi một lần nữa phải nghe ông nhắc nhở tới trách nhiệm trước thời cuộc của giới cầm bút nhà báo nhà văn. Ngôn ngữ của ông thật bít lối. Khi thì ông nhân danh một đồng nghiệp tâm tình, khi thì lấy cớ trách nhiệm lãnh đạo guồng máy thông tin nhà nước trong thời chiến. Nói gì thì ông cũng chỉ xoay quanh những đe doạ rằng ông có thể truy tố tôi ra toà hay giao cho công an điều tra về cái tội mà ông gọi là xé rào kiểm duyệt, tiếp tay cho báo giới ngoại quốc phá hoại nền an ninh quốc gia. Tôi mệt, lúc này thì thực sự thấm mệt. Sự bình tĩnh đến tê liệt và thiếu phản ứng của tôi khiến ông ta có vẻ ngạc nhiên. Chắc chắn ông cũng đủ khôn ngoan để không gây một xì-căng-đan về báo chí mà lẽ phải và sự nổi tiếng khó thể về phía ông. Hình như ở những phút cuối cùng, ông đổi hẳn chiến thuật, từ bỏ sự hăm doạ để phủ dụ tôi hợp tác với nhiều hứa hẹn về vật chất. Lần đầu tiên trong cuộc gặp gỡ tôi đã ngạc nhiên khi nghe ông nhắc là biết đến tên tôi trong danh sách phái đoàn báo chí viếng sáu nước. Ông nói một cách tế nhị nhưng cũng đủ để cho tôi hiểu rằng chuyến đi này nếu thành tựu thì cũng bởi hảo ý của riêng ông chứ bên phía Ngoại giao đã có tiếng nói chống đối.